Thông tin

ĐIỂM QUA CÁC KỲ ĐẠI HỘI THƯỜNG NIÊN CỦA HỘI PHẬT HỌC NAM VIỆT

ĐIỂM QUA CÁC KỲ ĐẠI HỘI THƯỜNG NIÊN

CỦA HỘI PHẬT HỌC NAM VIỆT

 

NGUYỄN ĐẠI ĐỒNG

 

 

Đại hội thành lập Hội Phật học Nam Việt

Đầu năm 1950, tại Nam Việt tình hình tương đối ổn định, bác sĩ Nguyễn Văn Khỏe cùng một số vị cư sĩ trong Hội Lưỡng Xuyên Phật học và Hội Tịnh Độ cư sĩ trước đây họp nhau cử ra một Ban Quản trị Lâm thời, làm đơn xin phép thành lập Hội Phật học Nam Việt.

Ngày 19 tháng 9 năm 1950, Phủ Thủ hiến Chính quyền Bảo Đại ra Nghị định số 2.134-CABDAA cho phép thành lập Hội Phật học Nam Việt.

Tuy nhiên, mãi đến 25 tháng 2 năm 1951 (tức ngày 20-1 Tân Mão) mới làm lễ thành lập chính thức và mở phiên Đại hội, tại Hội quán tạm thời là chùa Khánh Hưng, xóm Hòa Hưng, quận 3, Sài Gòn. 500 Phật tử xa gần đã nô nức đến chùa lễ Phật và dự hội.

Bác sĩ Nguyễn Văn Khỏe, Hội trưởng Ban Quản trị Lâm thời đọc diễn văn khai mạc cám ơn quý đại đức tăng già và các thiện tín, chẳng quản đường xa, đến chứng minh và dự lễ đông đảo, làm cho buổi lễ tăng thêm phần trang nghiêm và long trọng.

Kế đó cư sĩ Mai Thọ Truyền, Tổng Thư ký tiếp lời và nêu rõ tôn chỉ và mục đích của Hội. Sau đó, Ban Quản trị Lâm thời tuyên bố chấm dứt phận sự.

Đại hội bầu Ban Quản trị Hội đầu tiên nhiệm kỳ 1951-1952, gồm:

Chứng minh Đạo sư, có ba vị:

1- Hòa thượng Liễu Thoàn;

2- Hòa thượng Hưng Long;

3- Hòa thượng Giác Ngộ.

Ban Quản trị:

1- Hội trưởng: Pháp sư Quảng Minh.

2- Phó Hội trưởng thứ nhất: Bác sĩ Nguyễn Văn Khỏe.

3- Phó Hội trưởng nhì: Bác sĩ Nguyễn Văn Thọ.

4- Tổng Thư ký: Cư sĩ Mai Thọ Truyền.

5- Phó Thư ký thứ nhất: Đạo hữu Lương Văn Xứ còn gọi là Sứ.

6- Phó Thư ký thứ nhì: Đạo hữu Nguyễn Hữu Huỳnh.

7- Thủ quỹ: Đạo hữu Phạm Văn Vi.

8- Phó Thủ quỹ: Đạo hữu Trương Đình Ý.

Cố vấn:

1- Pháp sư Nhật Liên;

2- Pháp sư Thích Đăng;

3- Pháp sư Trương Văn Thêm.

4- Pháp sư Nguyễn Văn Tấn.

Kiểm soát:

1- Thầy trụ trì Thích Đạt Từ.

2- Đạo hữu Phạm Đăng Thanh.

3- Đạo hữu Lâm Văn Tượng.

4- Đạo hữu Trầm Khoan Hậu.

Ngày 13 tháng 5 năm 1951, Hội nghị Hội Phật học Nam Việt họp tại chùa Phước Hòa, quận 3, Sài Gòn với 300 hội viên tham dự, cờ Phật giáo Thế giới lần đầu tiên được treo ở miền Nam.

Đầu tháng 10 năm 1950, bác sĩ Nguyễn Văn Khỏe, Hội trưởng Hội Phật học Nam Việt Lâm thời gửi thư tới Phật tử trong cả nước bày tỏ nguyện vọng thống nhất Phật giáo: “Đề nghị việc lập Hội Phật học này chúng tôi còn có cái thân ý đi đến chỗ Bắc Trung Nam sẽ bắt tay thành một khối phát triển quảng đại và thống nhất trên nguyên tắc cũng như hành động”.

Sự thống nhất này đã trở nên một điều cần thiết kể từ ngày 8-6-1950 là ngày Việt Nam chính thức làm hội viên Hội Phật giáo Thế giới (WFB) tại Hội nghị Phật giáo quốc tế đã họp tại Colombo thủ đô Srilanca (26-5-1950). Với nỗ lực cố gắng của Thượng tọa Tố Liên và Thượng tọa Trí Quang cùng cư sĩ Nguyễn Văn Khỏe, từ ngày 6 đến 9 tháng 5 năm 1951, tại chùa Từ Đàm (Huế), 51 đại biểu của 6 tập đoàn Phật giáo ba miền đã họp, nhất trí thông qua bản Điều lệ và Nội quy của Tổng Hội Phật giáo Việt Nam và bầu được Ban Tổng Trị sự nhiệm kỳ 3 năm do Hòa thượng Thích Tịnh Khiết làm Hội chủ; Thượng tọa Thích Trí Hải và cư sĩ Chơn An Lê Văn Định làm Phó Hội trưởng.

Đây là đóng góp to lớn của Hội Phật học Nam Việt trong công cuộc thống nhất Phật giáo Việt Nam.

Đại hội thường niên lần thứ 2 nhiệm kỳ 1952-1953

Ngày 26 tháng 1 năm 1952, Hội quán Hội Phật học Nam Việt chính thức đặt tại chùa Phước Hòa, đường Audouit, xóm Bàn Cờ, Sài Gòn.

Ngày 29 tháng 1 Nhâm Thìn (24-2-1952), đại hội thường niên họp tại chùa

Hội quán, có 215 người đến dự. Theo báo cáo của Tổng Thư ký, đến ngày Đại hội: Số hội viên tại Trung ương là 425 vị, tại các tỉnh là 251 vị, tổng cộng 676 vị. Đại hội đã bầu Ban Quản trị nhiệm kỳ 1952-1953 như sau:

1- Hội trưởng: Pháp sư Quảng Minh

2- Phó Hội trưởng thứ nhất: Bác sĩ Nguyễn Văn Khỏe

3- Phó Hội trưởng nhì: Bác sĩ Nguyễn Văn Thọ

4- Tổng Thư ký: Cư sĩ Mai Thọ Truyền

5- Phó Thư ký thứ nhất: Lê Bá Cảnh

6- Phó Thư ký thứ nhì: Nguyễn Hữu Huỳnh.

7- Thủ quỹ: Phạm Văn Vi.

8- Phó Thủ quỹ: Trương Đình Ý

Ban Cố vấn: 4 vị cư sĩ

Ban Kiểm soát: 4 vị do Thầy Thích Đạt Từ làm trưởng ban và 3 vị cư sĩ..

Cũng trong phiên họp này, để giảm gánh nặng cho Thủ quỹ Phạm Văn Vi, Ban Quản trị giao cho Phó Thư ký thứ nhất Lê Bá Cảnh kiêm trách nhiệm quản lý tạp chí Từ Quang; đạo hữu Phạm Văn Thanh cựu Kiểm soát từ chức sang làm Thủ quỹ Ban Cứu tế xã hội.

Đại hội thường niên lần thứ 3, nhiệm kỳ 1953-1954

Ngày 16 tháng 1 Kỷ Tỵ (1-3-1953), Hội họp đại hội thường niên tại chùa Hội quán Phước Hòa, trên 300 đại biểu tăng già và cư sĩ tới dự trong bầu không khí vui vẻ và thân mật. Nhân dịp này, Hội tổ chức triển lãm tranh ảnh về các hoạt động của Phật giáo trong và ngoài nước, được công chúng rất hoan nghênh. Các quan khách không giấu được vẻ ngạc nhiên trước cao trào của Phật giáo mấy năm gần đây. Lễ cung nghênh Xá lợi ở Sài Gòn và Phnôm pênh và Hội nghị Phật giáo thế giới (WFB) lần thứ 2 ở Nhật Bản được đặc biệt chú ý.

9h15, khai mạc đại hội, hai bản phúc trình về tinh thần và tài chính của hội được thông qua. Ban Quản trị khóa 1953-1954 được bầu gồm:

1- Hội trưởng: Pháp sư Quảng Minh

2- Phó Hội trưởng thứ nhất: Mai Thọ Truyền

3- Phó Hội trưởng nhì: Phạm Văn Vi

4- Tổng Thư ký: Võ Đình Dân và 2 Phó Thư ký

5- Thủ quỹ: Nguyễn Văn Lượng và 1 Phó Thủ quỹ

Ban Cố vấn: 4 vị cư sĩ

Ban Kiểm soát: 4 vị cư sĩ.

Đại hội đã sửa một vài chỗ trong Điều lệ về việc cho tất cả hội viên được quyền tham dự việc quản trị (trước kia chỉ dành cho hội viên thực hành và tùy hỷ). Về nhiệm kỳ của Ban Quản trị, kể từ 1954 sẽ tăng từ một lên hai năm.

Thành lập Ủy ban liên hiệp

Để xúc tiến Phật sư trong một tinh thần cộng tác chặt chẽ giữa Giáo hội Tăng già và Hội PHNV, và cũng để tránh những hiểu lầm, một ủy ban gọi là Ủy ban liên hiệp được thành lập trong cuộc họp quan trọng đêm 5-10-1953 tại Phật học đường Nam Việt (chùa Ấn Quang) dưới quyền chủ tọa của ngài Pháp chủ.

Dự họp có Ban Trị sự Giáo hội Tăng già, Ban Quản trị Hội Phật học Nam Việt, Ban Giám đốc Phật học đường và Ban Thiền học hỗ trợ. Ra quyết định:

1) Thành lập UBLH do ngài Pháp chủ Chủ tịch gồm 4 ban viên, 2 xuất gia, 2 tại gia; Ban này có nhiệm vụ và quyền hạn:

a) Góp ý kiến, thảo luận và quyết định tất cả các Phật sự ở Nam Việt có liên quan chung hai tập đoàn xuất gia và tại gia

b) Giải quyết tất cả những sự hiểu lầm giữa hai bên.

c) Quyết định của Ủy ban, hai tập đoàn phải triệt để thi hành.

Như vậy, Ủy ban này vừa điều hòa sự liên lạc giữa Giáo hội và Hội Phật học vừa là trọng tài và cơ quan chỉ đạo tối cao của phong trào Chấn hưng Phật giáo ở Nam Việt.

Chuyển Ban Thiền học hỗ trợ bấy lâu nay nằm trong Giáo hội sang Hội PHNV để cho công việc của Ban này dễ phát triển hơn trước, và để duy nhất ý chí hộ pháp của tất cả hàng Phật tử.

Đại hội thường niên lần thứ 4 nhiệm kỳ 1954-1955

Sáng chủ nhật 28 tháng 2 năm 1954 (26-1 Quý Tỵ), trên 300 giáo hữu đến họp Đại hội thường niên với đại biểu của 7 tỉnh hội đã được chính thức thành lập và một tỉnh còn trong vòng thành lập.

Đại hội đồng chấp thuận phúc trình của Tổng Thư ký về tình hình tinh thần và của Thủ bổn về tình hình tài chính của Hội trong niên khóa 1953-1954. Phúc trình cho biết công việc của Hội được khuếch trương khả quan, số hội viên tăng thêm được 300 người, số tỉnh hội tăng 2, công tác từ thiện xã hội cũng tiến triển hơn năm trước.

Để tiến đến một nền kinh tế tự túc, một hội viên đã xuất vốn lập một xưởng làm hương, lấy hiệu là Bồ Đề, bán được bao nhiêu lời, đều bỏ vào quỹ Phật sự của Hội. Hương phát hành ngày 8 tháng chạp Quý Tỵ, được công chúng và toàn thể hội viên nhiệt thành mua giúp.

Bầu Ban Quản trị nhiệm kỳ 1954-1956

1- Hội trưởng: Bác sĩ Nguyễn Văn Thọ

2- Phó Hội trưởng thứ nhất: Võ Đình Dần

3- Phó Hội trưởng nhì: Bác sĩ Cao Văn Trí

4- Tổng Thư ký: Lưu Văn Trừ và 2 Phó Thư ký

5- Thủ quỹ: Lâm Văn Tượng và 1 Phó Thủ quỹ

Ban Cố vấn: 4 vị cư sĩ. Ban Kiểm soát: 4 vị cư sĩ.

Đại hội sửa đổi một vài khoản trong Điều lệ, quan trọng nhất là tăng tiền nguyệt liễm của Hội viên thực hành từ 5đ lên 10đ. Muốn vào hạng Thực hành vĩnh viễn, thì từ đây phải đóng 1.500đ chứ không phải 700đ như trước

Đại hội thường niên lần thứ 5 nhiệm kỳ 1955-1956

Ngày 2 tháng 1 năm 1955, Hội Phật học Nam Việt họp Đại hội đồng thường niên. Ban Quản trị tuy còn 1 năm mới mãn nhiệm kỳ, đã đồng tình từ chức, để Đại hội chọn cử một Ban mới có năng lực hơn để gánh vác những công việc to lớn và khó khăn đang chờ đợi đại hội sang năm. Trong đó:

Thành lập thêm 9 Tiểu ban:

Tiểu ban Hỗ trợ tăng già; Tiểu ban Dược sư và Từ thiện; Tiểu ban Hướng dẫn GĐPT; Tiểu ban Cổ động; Tiểu ban Y tế; Tiểu ban Hộ niệm; Tiểu ban Tiếp tân; Tiểu ban Công quả; Tiểu ban Trật tự. Và đưa phái nữ tham gia công tác Ban Quản trị và các tiểu ban.

Ban Quản trị Trung ương:

1- Hội trưởng: Cư sĩ Mai Thọ Truyền

2- Phó Hội trưởng thứ nhất: Võ Đình Dần

3- Phó Hội trưởng nhì: Lê Văn Cầm

4- Tổng Thư ký: Tống Hồ Cầm và 2 Phó Thư ký (có 1 nữ là Lê Thị Chính)

5- Thủ bổn: Lâm Văn Tượng và 1 Phó Thủ bổn

Ban Cố vấn: Trưởng ban là thầy Trường Lạc và 5 cư sĩ, có 1 nữ.

Ban Kiểm soát: có 5 vị.

b. Các Trưởng Tiểu ban

1- Tiểu ban Hỗ trợ tăng già: Bà Lê Văn Cầm

5- Tiểu ban Dược sư và Từ thiện: Bà Hương Tuyền.

6- Tiểu ban Hướng dẫn Gia đình Phật tử: Ông Tống Hồ Cầm.

7- Tiểu ban Cổ động: Ông Đinh Văn Bảy.

8- Tiểu ban Cổ động: Bà Trần Văn Trực.

9- Tiểu ban Y tế: Ông Dương Dậu.

10- Tiểu ban Hộ niệm: Thầy Tắc Nghiệp.

11- Tiểu ban Tiếp tân: Bà Trần Văn Trực.

12- Tiểu ban Tiếp tân: Ông Nguyễn Phong Cảnh.

13- Tiểu ban Công quả: Ông Trầm Khoan Hậu.

14- Tiểu ban Trật tự: Ông Lê Bá Cảnh

c. Ban Hoằng pháp:

Trái với mấy năm trước, từ đây chỉ có một Ban Hoằng pháp cho cả hai tập đoàn xuất gia và tại gia, lấy tên là Ban Hoằng pháp của Phật giáo Nam Việt, gồm 20 ủy viên của hai giới:

Thành phần Ban Quản trị của Ban Hoằng pháp:

Trưởng ban: thầy Thích Thiện Hoa.

Phó Trưởng ban: thầy Thích Trí Hữu

Thư ký: thầy Thích Trường Lạc

Thủ quỹ: thầy Thích Thanh Từ

Công việc của ban chia ra từng ngành:

- Tiểu ban Giáo dục: Trưởng tiểu ban: thầy Thiện Hoa

- Diễn giảng giáo dục như trên

Phát thanh, giáo dục: cư sĩ Chánh Trí

Biên tập tạp chí Từ Quang: cư sĩ Chánh Trí

Kiểm duyệt giáo lý: thầy Thiện Hoa

Xuất bản: thầy Thiện Hoa.

Đại hội thường niên lần thứ 6 tháng 1 năm 1956

Do Ban Quản trị khóa 5 nhiệm kỳ 1955 - 1956 từ chức nên ngày Chủ nhật 15-1-1956, Hội PHNV đã họp Đại hội đồng thường niên, dưới sự chứng minh của GHTG Nam Việt do Hòa thượng Thích Huệ Quang hướng dẫn.

Ngoài số hội viên trên 400 nam nữ, có phái đoàn đại diện 12 tỉnh hội và chi hội về dự.

Đại hội đồng thanh chấp nhận nguyên tắc mở một cuộc lạc quyên sâu và rộng để cho toàn thể Phật tử trong nước công góp vao công trình kiến tạo một ngôi Tam bảo xứng đáng (là Hội quán) ở thủ đô, trước là để thờ xá lợi của đức bổn sư, sau để làm nơi chiêm bái trang nghiêm cho công chúng.

Toàn thể Ban Quản trị cũ được Đại hội đồng đồng thanh tái cử.

Ngày 5-8-1956 làm lễ đặt móng chùa thờ xá lợi Phật Tổ tại miếng đất ở góc đường bà Huyện Thanh Quan và Lê Văn Thịnh, có Hòa thượng pháp chủ GHTG Nam Việt chứng minh và dưới quyền chủ tọa danh dự của ông Đô trưởng và ông Chủ tịch hội đồng đô thành, đồng thời làm lễ đắp tượng đức bổn sư do GS Trương Đình Ý đảm nhiệm, có gần 500 người đến dự.

Đại hội đồng thường niên lần thứ 7 nhiệm kỳ 1957-1958

Họp ngày chủ nhật 24 tháng 2 năm 1957. Các tỉnh hội: Bạc Liêu, Bến Tre, Biên Hòa, Cần Thơ, Gia Định, Châu Đốc, Long Xuyên, Sa Đéc, Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long, và các chi hội Trà Ôn, Cầu Kè, Thủ Đức, Thủ Thiêm đã cử người về tham dự đông đủ. Hơn 600 hội viên và đại biểu đã họp Đại hội đồng tại giảng đường chùa Xá Lợi.

Toàn thể Ban Quản trị cũ được Đại hội đồng thanh tái cử, những một số người do bận việc đã xin Đại hội chọn người thay thế. Kết quả:

a. Ban Quản trị Trung ương:

Hội trưởng: ông Mai Thọ Truyền

Phó Hội trưởng thứ nhất: Võ Đình Dần

Phó Hội trưởng nhì: Bác sĩ Lê Văn Cầm

Tổng Thư ký: ông Lưu Văn Trừ và 2 Phó Thư ký

Thủ bổn: Lâm Văn Tượng và 1 Phó Thủ bổn

Ban Cố vấn: gồm 6 vị do thầy Trường Lạc làm trưởng ban, có 2 nữ.

Ban Kiểm soát: gồm 7 vị cư sĩ.

Các Trưởng Tiểu ban:

- Ban Hoằng pháp: Thầy Thích Thiện Hoa

- Ban Hỗ trợ Phật học đường: Bà bác sĩ Lê Văn Cầm

- Ban Dược sư: Bà Hương Tuyền

- Ban Hướng dẫn GĐPT: ông Tống Hồ Cầm

- Ban Bảo trợ GĐPT: Ông Bùi Ngươn Nhung

- Ban Cổ động: Bà Trần Văn Trực

- Ban Y tế và xã hội: Bác sĩ Dương Dậu

- Ban Hộ niệm: ông Mai Văn Như

- Ban Tiếp tân: ông Lê Văn Toàn

- Ban Trai soạn: Bà Mai Thọ Truyền

- Ban Công quả và trần thiết: Ông Trầm Khoan Hậu

- Ban Trật tự: Ông Nguyễn Hữu Thạnh

- Ban Phát hành kinh sách: ông Trần Văn Cần

- Ban Phim ảnh: ông Nguyễn Tấn Tài

- Ban Điện quang và vi âm: ông Lê Quang Lành

- Ban Gia trưởng GĐPT: ông Phạm Văn Sáu

b. Ban Quản trị mới đã cung thỉnh Ban Chứng minh, gồm:

Quý ngài:

Hòa thượng Khánh Anh

Thượng tọa Thích Thiện Hòa

Thượng tọa Thích Hành Trụ

Đại hội đồng thường niên lần thứ 8 năm 1958

Theo đề nghị của Ban Quản trị được bầu trong đại hội đồng thường niên khóa 7, ngày 5-1-1958, hơn 200 hội viên và đại biểu các chi hội đã họp đại hội thường niên lần thứ 8 nhiệm kỳ 1958; Đại hội đã phê chuẩn các phúc trình và quyết định nhiều việc lợi ích cho công cuộc mở rộng phong trào Phật học. Nhân ngày họp mặt đông đủ, nhiều bà trong chi hội Thủ Đức dâng cúng về chùa Xá Lợi nhiều pháp khí quý giá: một pho tượng vàng Phật ngồi dưới cây Bồ đề cội bạc, lá vàng; một cặp lục bình cổ; một chuông gia trì lớn; một bộ lư và chân đèn đồng to. Quý bà cũng dâng 9 bộ y cho chư tăng tại chùa.

Đại hội thường niên lần thứ 9 năm 1959

Ngày 3 và 4 tháng 1 năm 1959, Hội PHNV đã họp đại hội đồng thường niên. Khác với mấy kỳ trước, đại hội kỳ này có phần tiền hội nghị khai mạc (tức họp trù bị) tối ngày thứ bảy 3-1-1959 kéo dài tới trưa 4-1, vì thế, đại hội không đủ thời gian xét hết các vấn đề ghi trong chương trình nghị sự, nhất là vấn đề sửa đổi điều lệ, nội quy.

Đêm thứ bảy 3-1, sau khi nghe và phê chuẩn phúc trình của TTK và Thủ bổn, đại hội phải khó khăn lắm mới bầu xong Ban Quản trị cho niên khóa 1959-1960, chỉ vì đạo hữu Chánh Trí nhất quyết không chịu tái cử bởi lẽ tháng 4-1960, đạo hữu hưu trí tách Sài Gòn về quê xa. Nhưng rốt cuộc đạo hữu phải “nghiêng mình trước quyết định của đa số”, như lời ngài nói.

Ban Quản trị Trung ương khóa 9 được bầu, gồm:

Hội trưởng: ông Mai Thọ Truyền

Phó Hội trưởng thứ nhất: Võ Đình Dần

Phó Hội trưởng nhì: Bác sĩ Lê Văn Cầm

Tổng Thư ký: ông Đỗ Văn Giu và 2 Phó Thư ký

Thủ bổn: Lâm Văn Tượng và 2 Phó Thủ bổn

Ban Cố vấn: gồm 9 cư sĩ, có 2 nữ.

Ban Kiểm soát: gồm 6 cư sĩ

Đại hội đồng thường niên lần thứ 10, năm 1960

Họp từ chiều thứ bảy 20-2-1960 đến trưa chủ nhật 21-2-1960, tại chùa Xá

Lợi. Hầu hết, các chi hội đã cử đại biểu về tham dự đông đảo.

Theo phúc trình của Tổng Thư ký, Phật sự năm qua đã tiến bộ khả quan. Từ 29 chi hội lên 35, số hội viên tăng gần 2.000. Chùa Hội quán đã làm xong vòng rào và Tam quan và dự trù xây tháp chuông trong năm 1960. Các Tiểu ban đều làm việc nỗ lực, nhất là các tiểu ban Hỗ trợ Phật học đường, Từ thiện và y tế, phát hành kinh sách. Mới thành lập chưa đầy 5 tháng, tính tới cuối năm 1959, Tiểu ban tương trợ đã thu nhận trên 300 ban viên và có một ngân quỹ khá dồi dào.

Đại hội đồng thường niên lần thứ 11, nhiệm kỳ 1961-1962

Ngày 15 tháng 1 năm 1961, diễn ra Đại hội đồng thường niên Hội PHNV dưới sự chứng minh của Hòa thượng Hành Trụ và Thượng tọa Thiện Hòa. Pháp chủ Khánh Anh bệnh duyên không tới chứng minh được.

Phúc trình của Tổng Thư ký và Thủ bổn cho biết: trong hai năm 1959-1960, số hội viên chi hội Đô thành từ 4.200 vọt lên 5.000; số chi hội từ 25 lên 48; xây xong Tam quan và vòng rào hết 200 ngàn đồng, hiện đang đúc đại hồng chung (160 ngàn đồng) và xây tháp chuông. Các tiểu ban đều làm việc tốt. Tổng chi về từ thiện 251.937đ.

Ban Quản trị khóa 1961-1962 được bầu, gồm:

Hội trưởng: ông Mai Thọ Truyền

Phó Hội trưởng thứ nhất: Võ Đình Dần

Phó Hội trưởng nhì: Trần Văn Đắt

Tổng Thư ký: ông Lê Ngọc Diệp và 2 Thư ký.

Thủ quỹ: ông Lê Chí Khiêm và 2 Phó Thủ quỹ

Ban Cố vấn: gồm 9 cư sĩ, có 2 nữ.

Ban Kiểm soát: gồm 8 cư sĩ.

Tổng hội đồng đại biểu Phật học

Từ 11-12.3.1961, tại chùa Xá Lợi, 68 đại biểu của 32 chi hội Phật học đã họp tổng; vắng mặt đại biểu của 18 chi hội. Ngày 11 họp trù bị (tiền hội nghị) giới thiệu các đoàn đại biểu và biểu quyết chương trình nghị sự. Ngày 12, họp phiên chính thức. Hội đồng thảo luận và quyết định những dự án Phật sự cho hai năm 1961-1962:

1- Lập một quỹ ấn tống với sự ủng hộ của toàn thể Phật tử ở Trung ương và các chi hội, để mỗi tháng xuất bản và phát không một sách Phật học phổ thông loại bỏ túi, hậu giúp sự tự tu tự học.

2- Phát hành lần lượt một bộ đĩa hát máy dạy tụng niệm, để mọi Phật tử tại gia học tập cho đúng cách.

3- Giới thiệu phái đoàn đi cử sát Phật sự ở các chi hội về mọi mặt để siết chặt đạo tình và bổ cứu những khuyết điểm.

4- Cho lưu thông trong mùa an cư sắp tới, những thùng công đức để mỗi gia đình có phương tiện củng cố đạo tâm bằng cách tự mình tiết giảm những chi phí hàng ngày và cúng vào thùng ấy.

Đại hội thường niên lần thứ 12, nhiệm kỳ 1963-1964

Vì lần đầu không đủ số quy định, Hội đã họp lần 2 vào sáng chủ nhật 31-12-1962, để phúc trình về mọi hoạt động trong 2 năm qua và bầu BQT mới cho nhiệm kỳ 1963-1964 gồm toàn thể Ban cũ đã được tái cử.

Tổng hội đồng đại biểu Phật học.

Trong hai ngày 23 và 24-2 năm 1963, Hội PHNV họp Tổng hội đồng tại chùa Xá Lợi, 51 chi hội trên tổng số 74 dã cử đại biểu về dự.

Một số kết quả từ 1961-1962: 

 

Cuối năm 1960

Cuối năm 1962

 

Số chi hội

51

74

 

Số hội viên

20.540

24.580

 

Tổng thu toàn Hội

?

5,305.276đ

 

Tổng chi toàn Hội

?

4.506.579đ

 

Tổng chi xây dựng

?

2.193.632đ

 

Gia đình Phật tử

21

25

Sách ấn tống

5.000

30.000

Số độc giả Từ Quang

1.560

1850

Chi của Ban Ý tế

?

125.978đ

Chi của Ban Từ thiện

?

615.081đ.

Về mặt hành chính, Tổng hội đồng đã sửa nhiều khoản của điều lệ và nội quy, nhất là về hệ thống tổ chức, để cho hợp với tình hình phát triển của Hội. Tổng hội đồng cũng đã minh định sự liên lạc giữa Hội và GHTG Nam Việt. Về mặt hỗ trợ Phật học đường, Hội tiếp tục nhiệm vụ và tòng cúng từ 12000đ tới 15.000đ.

Từ tháng 4 đến cuối năm 1963

Đây là giai đoạn lịch sử quan trọng nhất của chùa Xá Lợi-Hội quán Hội PHNV với cuộc đấu tranh của Phật giáo chống sự đàn áp của chính quyền Ngô Đình Diệm đòi tự do và bình đẳng tôn giáo.

Chùa Xá Lợi là nơi phát khởi các cuộc đấu tranh, biểu tình, hội họp, và cũng là nơi lưu dấu tích của Bồ tát Thích Quảng Đức sau cùng.

Đại hội bất thường tháng 3 năm 1964

Tối thứ bảy 14-3-1964, tại chùa Xá Lợi, Ban Quản trị Trung ương triệu tập Hội nghị bất thường với đại biểu 21 tỉnh hội để quyết định thái độ của Hội đối với vấn đề thống nhất. Lập trường của toàn Hội là mở rộng Tổng hội xưa kia (tức Tổng hội PGVN) để thu nạp những đoàn thể đã tham gia Ủy ban Liên phái bảo vệ Phật giáo và những đoàn thể Phật giáo khác nếu có. Trong trường hợp ý kiến này không được Đại hội thống nhất chấp thuận, thì Hội PHNV sẽ giữ thái độ “chờ xem”. Nghĩa là đợi GHPGVN Thống nhất làm việc, sau đó mới tham gia hay không tham gia. Tuy nhiên, trong quần chúng, có một dư luận sai lạc, các Hội không chịu thống nhất, đồng thời Viện Hóa đạo tỏ ý bắt buộc Hội PHNV phải giải tán, lập bảng tổng kê động sản và bất động sản để chuyển giao cho GHPGVN Thống nhất. Để tránh sự xuyên tạc nói trên và lấy ý kiến chung của toàn Hội về vấn đề giải tán, Trung ương Hội PHNV đã triệu tập phiên đại hội bất thường, trước sự hiện diện của Thượng tọa Thích Tâm Châu, Viện trưởng Viện Hóa đạo.

Sau nghi thức khai mạc thường lệ, đạo hữu Chánh Trí Hội trưởng, tuyên bố lý do của đại hội, để giải những vướng mắc về vấn đề thống nhất. Sau đây là những câu hỏi quan trọng nhất:

1. Viện Hóa đạo dựa trên điều khoản nào của Hiến chương mà bắt buộc Hội PHNV phải giải tán và chuyển giao tài sản cho GHPGVN Thống nhất?

2. Sự tham gia thống nhất phải chăng là một việc làm tùy tâm, nghĩa là phải để cho mỗi đoàn thể tự do quyết định? Nếu bắt ép hay dùng áp lực của quần chúng, việc làm ấy có ngược với giáo lý và truyền thống của Phật giáo không?

3. Tổ chức những đoàn nữ Phật tử, thanh niên Phật tử, v.v… để làm gì? Trên thế giới có tôn giáo nào như thế không, hay chỉ có những đảng chính trị?

4. GHPGVN Thống nhất có đủ cán bộ trung kiên, kinh nghiệm tài năng để nắm vững những đoàn ấy không? Nếu không đủ, có nên sợ sự đột nhập của những phần tử bất hảo, phá rối, tạo loạn không?

5. Tại sao GHPGVN Thống nhất chủ trương việc thành lập đoàn này đoàn nọ, thậm chí những em học sinh cũng được tổ chức thành đoàn, mà lại từ chối Hội PHNV tham gia với tư cách là một đoàn Cư sĩ Phật học? (Trung ương Phật học có đưa đề nghị này, nhưng Viện Hóa đạo không cho biết ý kiến hay quyết định).

6. Theo biên bản ngày 11 tháng 1 năm 1964 của phiên họp bầu cử, Viện Hóa đạo hiện thời phải là một viện Lâm thời, có trách nhiệm xúc tiến sự thống nhất để đi đến việc bầu Viện Hóa đạo thực thụ. Tại sao Viện bỏ mất hai chữ “Lâm Thời”? Đây là một bằng chứng khác chỉ ra rằng Viện làm việc bất chấp Hiến chương và những quyết nghị của đại hội!

7. Bổn phận chư Tăng phải chăng là hoằng pháp độ sinh? Tại sao Viện Hóa đạo không thỏa mãn, thậm chí không phúc đáp những thư của Hội PHNV thỉnh thầy thuyết pháp hoặc hành lễ quy y cho thiện tín? Phải chăng GH muốn bắt chẹt đoàn thể Cư sĩ Phật học để buộc đoàn thể này giải tán, trái với Hiến chương?

Thượng tọa Tâm Châu cho biết chỉ có toàn Viện Hóa đạo mới trả lời được những câu hỏi ghi trên. TT tuyên bố ghi nhận đề nghị gia nhập toàn khối của Hội PHNV và hứa sẽ triệu tập Viện Hóa đạo xét phúc đáp.

Đại hội có trình TT biết, ngoài giải pháp gia tăng toàn khối, Hội PHNV không thấy một giải pháp thích hợp với Hiến chương hơn. Tới cuối tháng 3 năm 1964, chưa thấy quyết định của Viện Hóa đạo.

Ngày 3-5-1964, trong buổi lễ ra mắt chính thức Tỉnh hội Gia Định, Đạo hữu Hội trưởng Hội PHNV đã nhân dịp này giải thích tường tận cho đại biểu những tỉnh và chi hội vừa kể biết rõ lập trường của Hội đối với vấn đề thống nhất. Lập trường ấy là đòi hỏi một sự gia nhập toàn Hội, dưới danh nghĩa Đoàn cư sĩ Phật học đúng với Hiến chương.

Để trả lời những thư hỏi thăm tin tức về vấn đề Hội PHNV tham gia thống nhất, Hội xác nhận rằng tới tháng 7 năm 1964, Viện Hóa đạo vẫn chưa có quyết định nào về đề nghị tham gia toàn bộ của Hội.

Căn cứ những sự kiện đã xảy ra như việc thu nạp tập đoàn Cổ Sơn Môn sự thành lập miền Vĩnh Nghiêm và sự cương quyết của GHPG Nguyên thủy áp dụng Hiến chương, Ban Quản trị Hội PHNV tin rằng thế nào GHPGVN Thống nhất cũng sẽ có một giải pháp êm đẹp đối với tập đoàn cư sĩ miền Nam.

Tháng 8 năm 1964

Đến nay, Trung ương Hội PHNV đã ký quyết định thu hồi giấy phép thành lập của 3 Tỉnh hội là Bình Tuy, Long Xuyên và Vĩnh Bình. Và của 15 chi hội: Thủ Thiêm, Cai Lậy, Càng Long, Kiến Phong, Bình Hiệp, Thái Trị, Hiếu Cảm, Bình Hòa, Huy Khiêm, Đại Trí, Thiện Đức, Võ Đắc, Võ Su, Thông Tây Hội và Tân Sơn Hòa. Vì lý do không hoạt động hoặc tự ý xin giải tán để gia nhập GHPGVN Thống nhất.

Như vậy, trong 82 tỉnh hội và chi hội hiện còn 64. Các tỉnh hội và chi hội còn lại quyết giữ lập trường của Hội là không gia nhập GHPGVN Thống nhất và trung thành với đường lối tu học thanh tịnh từ trước tới nay.

Tháng 3 năm 1965

Trong tháng, Trung ương Hội đã ký quyết định thành lập 2 chi hội Phật học là chi hội Phú Riềng, tỉnh Phước Long, chi hội Minh Quang, tỉnh Kiến Tường.

Dẫu bị trở ngại, Hội PHNV vẫn tiếp tục sinh hoạt như trước, tháng nào cũng có người xin gia nhập Hội: Tổng số hội viên Đô thành đến nay là 4.019 người; Hội viên Ban Tương trợ 917 vị, các tiểu ban Y tế, Từ thiện hoạt động đều.

Trong một phiên họp, Ban Quản trị Hội đã quyết định giữ nguyên bản vị tập đoàn cư sĩ và nắm chặt tôn chỉ, mục đích ghi rõ trong điều lệ, tiếp tục mọi hoạt động thuần túy tôn giáo của mình. Những tin đồn Hội đã giải tán hay đã gia nhập GHPGVN Thống nhất là hoàn toàn vô căn cứ.

Đại hội thường niên nhiệm kỳ 1966-1967

Ngày 25 tháng 12 năm 1965, Hội PHNV đã họp đại hội thường niên tại chùa Xá Lợi.

Sau khi phê chuẩn phúc trình tình hình hoạt động và tài chính của Hội, đại hội đã biểu quyết lưu nhiệm Ban Quản trị cũ như sau:

Hội trưởng: ông Mai Thọ Truyền

Phó Hội trưởng thứ nhất: bác sĩ Cao Văn Trí

Phó Hội trưởng nhì: bác sĩ Dương Dậu

Tổng Thư ký: ông Lê Ngọc Diệp và 2 Phó Tổng Thư ký

Thủ quỹ: ông Lâm Văn Tượng và 2 Phó Thủ quỹ

Ban Cố vấn: gồm 8 cư sĩ

Ban Kiểm soát: gồm 8 cư sĩ

Ủy viên Kiểm soát Tài chính (ngoài Ban Quản trị): 2 vị.

Trong tháng 2 năm 1966, tiểu ban Dược Sư và tiểu ban Từ thiện đã họp bầu xong Ban Trị sự cho niên khóa 1966-1967. Đa số ban viên cũ, nhất là hai bà Trưởng ban Dược Sư (Hương Tuyền) và Từ thiện (bà Trần Văn Trực) đã được toàn thể đồng thanh tái cử. Hai ban đều được tăng cường.

Ngày 27 tháng 3 năm 1966, tiểu ban Tương trợ cũng họp đã họp đại hội đồng, bầu Ban Quản trị mới tiền quỹ còn 200.000đ gửi Việt Nam ngân hàng.

Ngày 22-1-1967, Trung ương Hội PHNV họp đại hội thường niên, nhưng không bầu BQT mới, vì nhiệm kỳ đến cuối 1967 mới mãn. Theo phúc trình, công việc Hội đã tiến đều và khả quan hơn 1965. Số hội viên tăng thêm 150 người, số tồn quỹ cũng trội hơn (trên 200 ngàn đồng); các Tiểu ban Tương trợ, Từ thiện, Y tế đều tiến bộ và số người được giúp đỡ hay trợ cấp đã gia tăng một cách rõ rệt.

Ngày 26 tháng 1 năm 1969, Hội PHNV họp đại hội thường niên để phúc trình công tác và trình bày những thành quả thu thập được trong những năm 1966, 1967, 1968, bầu Ban Quản trị cho nhiệm kỳ 1969-1970.

Theo phúc trình, Hội dù có gặp khó khăn nhưng đã có cố gắng khả quan về hai mặt Từ thiện xã hội và tu học. Hiện Hội có 35 tỉnh hội và chi hội rải gần khắp miền Nam với 3 vạn hội viên các hạng.

Toàn thể hội trường đồng thanh lưu nhiệm Ban Quản trị, với sự bổ khuyết 3 ghế trống:

Ban Quản trị khóa 1969-1970

Hội trưởng: Chánh Trí Mai Thọ Truyền

Phó nhất Hội trưởng: Tịnh Đới Cao Văn Trí

Phó nhì Hội trưởng: Minh Chánh Dương Dậu

Tổng Thư ký: Huệ Đức Lê Ngọc Diệp và 2 Phó Tổng Thư ký

Thủ quỹ: Huệ Khai Nguyễn Văn Sang và 2 Phó Thủ quỹ

Ban Cố vấn: gồm 8 cư sĩ, có 1 nữ.

Ban Kiểm soát: gồm 8 cư sĩ.

Ban Kiểm soát Tài chính (ngoài Ban Quản trị) có 2 cư sĩ

Từ 28-29.3.1969, Tổng hội đồng đại biểu Phật học họp tại chùa Xá Lợi với sự hiện diện của 23 phái đoàn của các tỉnh và chi hội gần khắp các tỉnh miền Nam. Vắng mặt 13 đoàn vì hoàn cảnh không về được. Nhiều vấn đề quan trọng về tổ chức, quản trị và tu học đã được đem ra thảo luận sôi nổi và biểu quyết.

Tới tháng 6 năm 1969

Ngoài chi nhánh Đô thành, Hội hiện có 12 tỉnh hội và 25 chi hội, so với 1966 đã mất 2 chi hội. Tình hình chung là sự sinh hoạt hành chính không thu được đồng đạo đều ở khắp nơi. Chỉ có một số nhỏ tỉnh hội liên lạc thường xuyên với Trung ương. Những nơi bầu cử quản trị, phần nhiều các ban cũ được lưu nhiệm, chứng tỏ ít người chịu khó ra đảm đương việc Hội. Ngày 9-7-1969, Trung ương Hội quyết định thu hồi giấy phép thành lập chi hội Phật học Kiên Tân vì mấy năm qua không hoạt động.

Số hội viên ở thủ đô đã gia tăng đều trong 2 năm qua, hiện nay Trung ương có gần 4.000 hội viên chính thức, hơn 1.000 công đức hội viên và một số đông thiện tín tuy chưa gia nhập Hội nhưng thường đến chùa lễ Phật, nghe pháp, ủng hộ tài chính, làm việc công quả.

Tại các tỉnh hội và chi hội: Kiên Giang, Biên Hòa, Khánh Hưng, Tân Hạnh, Trà Ôn, Mỹ Tho, Tân Uyên, Thái Bình, Hưng Điền, số hội viên có phần sa sút. Bạc Liêu, Long Khánh, Châu Đốc, Sa Đéc, Đông Phước, Minh Quang, Chơn Thánh, đang từ từ lấy lại mức độ cũ. Cần Thơ, Vĩnh Long, Gia Định, Bình Dương, Thị Nghè có phần điều hòa về số hội viên.

Về tài chính, chỉ còn số ít tỉnh hội và chi hội giữ được mức thu chi bình thường, đa số bị giảm sút nhiều so với năm 1968.

Về tăng sự: Vấn đề trụ trì là vấn đề nan giải cho Trung ương Hội trong hoàn cảnh khó khăn hiện tại. Mỗi địa phương nên tìm cách giải quyết, miễn sao vị trụ trì được thỉnh chấp nhận đường lối và nghi thức của Hội như Trung ương đã nhiều lần nhắc nhở. Kẹt lắm thì nên tìm một cư sĩ có tuổi làm ông từ để lo việc nhang khói và quét dọn chùa. Điều quan trọng là Ban Quản trị nên thường lui tới chùa xem xét, tổ chức lễ lượt tụng niệm, để hâm nóng nội tâm của hội hữu.

Kết quả công tác niên khóa 1969-1970

Về nhân sự Ban Quản trị:

Ban Quản trị hiện có 25 vị tại nhiệm đầy đủ từ khi đắc cử đến nay; có 10 tiểu ban: Y tế, Từ thiện, Trù phòng, Tương trợ, Dược sư, học bổng, Phát hành kinh sách, Điện quang, Giám trang, và Hộ niệm, phụ trách hàng ngày các công việc liên hệ. Hàng tháng đều họp hội đồng BQT để kiểm soát và điều hành các hoạt động của Hội tại thủ đô cũng như các chi nhánh.

Sáng mỗi chủ nhật, các ban viên và các trưởng tiểu ban có mặt tại chùa Xá Lợi để lễ Phật, nghe kinh và tiếp xúc hàng hội hữu và thiện tín đến đóng nguyệt liễm, xin gia nhập Hội, mua tạp chí Từ Quang, giúp quỹ từ thiện và quỹ trù phòng v.v…

Về tổ chức chi nhánh:

Trong nhiệm kỳ 1969-1970, Hội thành lập thêm 1 chi nhánh và chi nhánh đang chuẩn bị tái hoạt động. Như vậy Hội PHNV có 40 chi nhánh gồm 12 tỉnh hội và 28 chi hội, ở khắp Nam Việt. Vì hoàn cảnh địa phương không được thuận tiện, các chi nhánh Phật học hoạt động không đồng đều.

Về hội viên:

Năm 1969, riêng tại đô thành có 237 hội viên mới gia nhập, năm 1970 có 211 vị. Như vậy hiện nay tại SG-CL, Hội PHNV có 5.127 hội viên Vĩnh viễn, Thực hành và Tùy hỷ. Ngoài ra, còn có trên 1.000 hội viên lúc nào cũng sẵn sàng giúp Hội để tiến hành công tác tu tập.

Số thiện tín cảm tình thường đến chùa lễ Phật, ủng hộ tài chính và làm công quả, nhưng chưa chính thức gia nhập Hội cũng rất đông.

Về tài chính:

Tổng số thu 2 năm qua là 8.916.455đ; tổng số chi cho 2 năm: 7.230.065đ; Còn dư 1.686.390đ. Trong tổng số chi thu nói trên không tính quỹ của các Ban Từ thiện, Y tế, Tương trợ, Nghĩa trang, Từ Quang, mà tổng số thu chi đã đạt đến con số 2 triệu đồng

Trong 2 năm qua, Ban Quản trị đã thực hành 6 Phật sự quy mô, tốn phí gần 5 triệu đồng, đó là: Thiết lễ đại trai đàn; thếp vàng tượng Phật và vẽ tranh lịch sử đức Phật tại chánh điện chùa Xá Lợi; cất nhà cho làng cô nhi; cứu trợ nạn nhân miền Trung và ủng hộ quỹ dựng tượng đức Quan Thế Âm cao 21 m tại đồi “chóp vung” ở quận Nam Hòa (Huế).

Về lễ lượt:

Tất cả các lễ vía hàng năm trong Phật lịch, và lễ giỗ chư tổ của Hội đều được tổ chức rất trang nghiêm, với sự tham dự của đông đảo hội viên và thiện tín.

Mỗi sáng chủ nhật đều có khóa lễ tịnh hội cầu an cho bách gia bách tính và cho toàn thể hội viên. Khóa lễ này vào cuối mỗi tháng được đổi thành lễ cầu siêu công cộng cho hội viên quá cố.

Ban Quản trị đã tổ chức nhiều khóa lễ tụng niệm đặc biệt như: Dược Sư Thất Khu, Pháp Hoa (Nghĩa), Địa Tạng (Nghĩa), Vu Lan (nghĩa).

Ban Quản trị hàng năm đã tổ chức vào dịp tết và Vu Lan, hai lễ rất long trọng để cầu siêu và cúng giỗ hội viên quá cố tại chùa

Hàng năm đều thiết lập 3 đàn giới rất trang nghiêm do HT Thích Hành Trụ Chứng minh Đạo sư của Hội làm Truyền giới sư.

Năm 1969, có 145 vị; năm 1970, có 141 hội viên và thiện tín thụ Tam quy. Trong 2 năm 1969 và 1970, tại chùa hội quán Xá Lợi đã tổ chức 213 lễ cầu siêu, 17 lễ cầu an, và 54 lễ hằng thuận quy y (tức lễ cưới).

Ngoài ra, về Hoằng pháp, Từ thiện xã hội đều đạt kết quả tốt.

Đại hội thường niên bầu Ban Quản trị nhiệm kỳ 1971-1972.

Họp ngày 14 tháng 2 năm 1971 tại chùa Xá Lợi, nghe phúc trình về tình hình tổng quát hành chính và tài chính của hai năm 1969-1970. Sau đó, toàn đại hội đã biểu quyết tín nhiệm BQT vừa mãn nhiệm và đồng thanh lưu Ban này một nhiệm kỳ nữa:

Ban Quản trị Trung ương:

Hội trưởng: Chánh Trí Mai Thọ Truyền

Phó nhất Hội trưởng: Tịnh Đới Cao Văn Trí

Phó nhì Hội trưởng: Minh Chánh Dương Dậu

Tổng Thư ký: Huệ Đức Lê Ngọc Diệp và 2 Phó Tổng Thư ký

Thủ quỹ: Huệ Khai Nguyễn Văn Sang và 3 Phó Thủ quỹ

Ban Cố vấn: gồm 10 cư sĩ, có 3 nữ

Ban Kiểm soát: gồm 8 cư sĩ

Ủy viên Ban Kiểm soát Tài chính: 2 cư sĩ

Đại hội thường niên nhiệm kỳ 1973-1974

Ngày 17 tháng 11 năm 1972, Hội đã gửi thư mời toàn thể hội viên các hạng thuộc Đô thành và các nơi về dự Đại hội thường niên năm 1972 tại chùa Xá Lợi. Ngày 14 tháng 1 năm 1973 Hội đã họp đại hội thường niên và bầu Ban Quản trị nhiệm kỳ 1973-1974.

Ban Quản trị Trung ương:

Hội trưởng: Chánh Trí Mai Thọ Truyền

Phó nhất Hội trưởng: Tịnh Đới Cao Văn Trí

Phó nhì Hội trưởng: Minh Chánh Dương Dậu

Tổng Thư ký: Huệ Đức Lê Ngọc Diệp và 2 Phó Tổng Thư ký

Thủ bổn: Minh Thiện Trần Công Huýnh và 3 Phó Thủ bổn

Ban Cố vấn: 13 cư sĩ có 3 nữ.

Ban Kiểm soát: gồm 4 cư sĩ và 1 ủy viên Kiểm soát, 1 ủy viên Tài chính.

Tháng 8 năm 1973

Tổng hội đồng đại biểu.

Mỗi hai năm, toàn thể tỉnh hội và chi hội PHNV cử phái đoàn về Trung ương tham dự phiên họp Tổng hội đồng đại biểu tại chùa Xá Lợi để kiểm điểm thành quả sinh hoạt đã thu hoạch được và thảo luận những triển vọng mới trong tinh thần nhất tâm phụng sự chính pháp.

Từ 14-15 tháng 1 năm 1973, gần 200 đại biểu đại diện cho 40 tỉnh hội và chi hội Phật học đã từ các nơi xa xôi ở rải rác khắp miền Nam đã hội họp tại chùa Xá Lợi dưới quyền chủ tọa của Hội trưởng Chánh Trí Mai Thọ Truyền.

Nhiều dự án quan trọng đã được đặt ra như vấn đề tái thành lập Ban Hoằng pháp lưu động, vấn đề đào tạo trụ trì và giảng sư v.v…

Một bữa cơm chay thanh đạm đã kết thúc phiên họp. Đạo hữu Chánh Trí Mai Thọ Truyền đã vui vẻ chuyện trò với quý vị đại biểu tới 23 giờ mới ra về.

Tạp chí Từ Quang:

Cụ Chánh Trí Mai Thọ Truyền, Chủ nhiệm kiêm Chủ bút tạp chí Từ Quang đã quy tịch ngày rằm tháng 3 năm Quý Sửu (17-4-1973).

Trong phiên họp ngày 13 tháng 5 năm 1973, Ban Quản trị Hội PHNV đã quyết định tiếp tục tiếng nói Phật pháp này của Hội mà cố đạo hữu Chánh Trí đã sáng lập và dày công vun đắp suốt 21 năm qua.

Trọng trách được giao cho đạo hữu Minh Lạc Vũ Văn Phường, dược sĩ quốc gia và cử nhân Phật khoa, với sự phụ tá của đạo hữu Tống Anh Nghị. Cả hai vị đều trong Ban Quản trị Trung ương Hội PHNV.

Quý vị đạo hữu: Huệ Đức Nguyễn Đôn Quyến, Trần Hơn, Vũ Phan, Tâm Lương, Nguyễn Văn Thông đã họp tại chùa Xá Lợi thành lập Ban Biên tập. Theo lời trình bày của Minh Lạc Vũ Văn Phường thì chư Thượng tọa: Minh Châu, Huyền Vi, Thiền Định, Thuyền Ấn; chư Đại đức: Đắc Pháp, Phước Hảo, Trí Chơn, Nhựt Quang; chư Ni: Phan Thanh Yên, Tịnh Tâm, Diệu Lý, và quý vị: Chánh Quang, Thanh Tâm, v.v. sẽ hoan hỷ viết bài cho Từ Quang.

 

Trụ sở Hội Phật học Nam Việt 1967 (có treo biển "Từ Quang tạp chí")

 

Ban Quản trị Trung ương Hội

Ngày 25 tháng 4 năm 1973, Ban Quản trị Trung ương Hội PHNV đã họp và biểu quyết cử bác sĩ Cao Văn Trí làm Quyền Hội trưởng Hội PHNV cho đến hết nhiệm kỳ hiện nay tức đến cuối năm 1974.

Đường lối tu học, sinh hoạt thường nhật, giao hảo với các đoàn thể tôn giáo bạn cũng như với các hiệp hội văn hóa, vẫn giữ nguyên vẹn như trước.

Trong phiên họp ngày 13 tháng 5 năm 1973, Ban Quản trị Trung ương Hội đã biểu quyết: Truy tặng cụ Chánh Trí Mai Thọ Truyền là Hội trưởng Khai Sáng Hội PHNV, đặt bàn thờ vĩnh viễn ở Hậu điện chùa Xá Lợi và nơi các chùa Hội quán của tỉnh hội và chi hội Phật học trong toàn quốc; lấy ngày rằm tháng 3 âm lịch làm ngày giỗ hàng năm; đổi tên giảng đường Xá Lợi thành “Giảng đường Chánh Trí Mai Thọ Truyền”.

Đại hội thường niên năm 1973

Ngày 31 tháng 3 năm 1974, Hội tiến hành đại hội thường niên năm 1973 tại giảng đường Chánh Trí Mai Thọ Truyền. Khoảng gần 600 hội hữu đã vân tập về chùa Xá Lợi tham dự.

Đại hội tỏ ra rất hoan hỷ sau khi nghe phúc trình về hoạt động của Hội năm 1973. Năm nay, chưa đến kỳ bầu lại Ban Quản trị, thay vào đó, Hội đã thỉnh được Thượng tọa Thích Thanh Từ ban cho đại hội một thời pháp đặc biệt.

Như vậy, kể từ ngày thành lập (1951) đến năm 1975, Hội Phật học trải qua 16 lần đại hội thường niên và 3 lần Tổng hội đồng đại biểu Phật học vào các năm 1961, 1963 và 1969. Các kỳ đại hội thường niên được tổ chức: 1 lần ở chùa Hội quán tạm thời, 3 lần tại hội quán chính thức ở chùa Phước Hòa, quận 3, còn lại ở chùa Xá Lợi. Các năm 1965, 1968 không họp đại hội thường niên.

Hội Phật học Nam Việt đã trải qua 4 đời Hội trưởng gồm: Pháp sư Quảng Minh (từ 1951 đến 1954), bác sĩ Nguyễn Văn Thọ từ 1954 -1955; cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền từ 1955 đến 1973; bác sĩ Cao Văn Trí làm quyền Hội trưởng từ ngày 25 tháng 4 năm 1973.

Thành tựu tiêu biểu của Hội, theo chúng tôi là:

1. Đóng góp và công cuộc thống nhất Phật giáo Việt Nam năm 1951.

2. Hình thành hệ thống Phật học từ các chi hội, các tỉnh tới Trung ương hỗ trợ đắc lực cho việc hoằng dương Phật pháp, in ấn kinh sách, nghiên cứu Phật học; cứu trợ từ thiện xã hội.

3. Tạo dựng mối quan hệ với các nước trong tổ chức Phật giáo Thế giới.

4. Xây dựng chùa Hội quán Xá Lợi khang trang và là nơi khởi phát cuộc tranh đấu của Phật giáo Sài Gòn với chế độ Ngô Đình Diệm.

5. Hai lần cùng Giáo hội Tăng già Nam Việt tổ chức lễ cung nghinh Xá lợi Phật tổ (do phái đoàn Phật giáo Srilanca sang dự Đại hội Phật giáo liên hữu thế giới WFB kỳ 2 tại Tokyo Nhật Bản) đi bằng tàu thủy có đem theo Xá lợi để tặng chính phủ Nhật vào tháng 6 năm 1952, có ghé qua cảng Sài Gòn 24 giờ. Cuộc lễ có hơn 5.000 người tham gia; Và lần thứ 2 vào tháng 6 năm 1953, Đại đức Narada sang Việt Nam tặng 3 viên ngọc Xá lợi với hơn 5 vạn người từ sân bay về Nhà Kính Đông Dương để nhân dân chiêm bái 3 ngày. Sau được đưa lên biệt điện của bà Từ Cung trên Buôn Ma Thuột. Sau bà Từ Cung trao lại cho Tổng hội Phật giáo Việt Nam. Đầu tháng 12 năm 1958, sau 17 tháng xây cất, Xá lợi Phật được cất và thờ tại chùa Xá Lợi-Hội quán Hội Phật học Nam Việt.

6. Góp phần vào Đại hội thống nhất Phật giáo toàn quốc, thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam hoạt động theo phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”.

 


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hoạt động của Hội Phật học Nam Việt (lưu hành nội bộ, 1992).

2. GHPGVN (2001), Biên niên sử Phật giáo Sài Gòn-Gia Định-Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb TP Hồ Chí Minh.

3. Nguyễn Đại Đồng (2009), Biên niên sử Phật giáo miền Bắc (1920-1954), Nxb Tôn giáo, Hà Nội.

4. Trí Không (2009), Tổ đình Ấn Quang và lịch sử phát đạt của Phật giáo Việt Nam từ năm 1950 trở đi, GHPGVN, PL 2553.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 338
    • Số lượt truy cập : 6947211