Thông tin

ĐIỂM TỰA TÂM LINH CHO DOANH NHÂN THỜI KHỦNG HOẢNG

ĐIỂM TỰA TÂM LINH CHO DOANH NHÂN

THỜI KHỦNG HOẢNG

NGUYÊN CẨN

Tâm lý doanh nhân thời khủng hoảng

 Những ngày này, trên báo chí hay trên các trang mạng, người ta đưa thông tin về chuyện các đại gia nhập viện… tâm thần khá nhiều: có người vì thua lỗ, có người vì nợ nần vây bủa, có người vì thất vọng, tất cả nhìn chung không chịu nổi stress nên hóa… rồ, hóa dại, tâm thần hoang mang phân liệt…Một công ty tư vấn cho biết những lý do chung nhất là với đội ngũ quản lý doanh nghiệp (DN) cấp trung, họ rơi vào trạng thái tiến thoái lưỡng nan, vì không biết nên hay không ở lại đơn vị làm việc tiếp trong bối cảnh kinh doanh bi đát, nảy sinh tâm lý chán chường. Đây là trạng thái tâm lý rất nguy hại, vì sẽ khiến họ không tập trung, không hứng thú với công việc hiện tại mà lãnh đạo DN không hề biết đến! Họ thường tự hỏi, không lẽ cuộc đời mình mãi mãi ở vị trí này hay sao? Họ muốn ra đi nhưng chưa biết đi đâu, sẽ về đâu.

Còn các nhà lãnh  đạo khác thì sao?

Công ty tư vấn này cho biết: “…Qua tiếp xúc, nhiều doanh nghiệp than vãn với chúng tôi họ muốn... tự tử! Trạng thái tâm lý của họ là bơ vơ, lạc lỏng, không biết cầu cứu ai - dân gian thường gọi là không biết "cào cấu" vào đâu. Nguyên nhân là họ mắc nợ ngân hàng quá nhiều, cộng với áp lực lãi suất, hàng hóa giảm sản xuất, thị trường chỉ tiêu thụ lượng hàng tồn kho của doanh nghiệp từ 30%-50%.

Các doanh nhân không tin các gói hỗ trợ doanh nghiệp sẽ đến tay họ. Một số doanh nhân chọn giải pháp buông xuôi, tới đâu thì tới”.(Công ty Tư vấn Hồn Việt)

Nguồn cơn thì đã rõ: “Các DN nhỏ và vừa ở Việt Nam đã chịu đựng sự tác động từ suy thoái kinh tế toàn cầu từ năm 2008-2009, nhưng họ vẫn gắng gượng, cho đến năm 2012 thì đã quá sức chịu đựng. Năm 2012 là sự khủng hoảng sâu nặng nhất đối với các DN Việt Nam. Trong 2 năm 2011 và 2012 đã có hơn 100.000 DN đóng cửa, phá sản , chưa kể số DN chết lâm sàng chưa khai báo… Ở Hà Nội chỉ có 25 % DN nộp thuế thu nhập DN.

Chuyện cũng dễ hiểu khi họ không còn tin vào chính mình, thì làm sao tin các nhà tâm lý hay tôn giáo nào. Các chủ DN cách đây mấy năm còn  là "đại gia" từng sở hữu rất nhiều tài sản, tiền bạc, vốn rất tự hào, đầy ngã mạn, ít chịu lắng nghe, vì bao giờ cũng nghĩ rằng mình đúng. Bây giờ gặp phải thất bại trong thương trường, không tin ai có thể chỉ ra lối thoát cho mình. Những lúc ấy, họ bấu víu vào đâu, ngoài trừ điểm tựa lòng mình (?).

Phẩm cách một nhà lãnh đạo 

Người ta đòi hỏi gì ở một nhà lãnh đạo trong những lúc dầu sôi lửa bỏng như thế? Theo Danny Cox và John Hoover trong “Lãnh đạo khi dầu sôi lửa bỏng” (bản Việt dịch: Phạm Văn Nga - chưa xuất bản) thì 10 tính cách mà người ta đã tổng hợp được từ những nhà lãnh đạo hiệu quả cao như sau:          

1.Tính liêm chính kiên định: Đây là nền tảng cho tính cách  và cho việc phục vụ khách hàng bên trong cũng như bên ngoài. Những người làm - ra - vẻ lãnh đạo không có tính cách này sẽ chỉ  là “những ngôi sao xẹt”.

2. Không chấp nhất chuyện vụn vặt:Việc làm suy kiệt năng lượng của một tổ chức ghê gớm nhất là do thói tủn mủn gây ra. Loại bỏ chúng sẽ đem lại nguồn năng lượng cao. Nhà lãnh đạo phải biết phân biệt giữa cái gì hứng thú và cái gì quan trọng.

3. Sắp đặt công việc theo thứ tự ưu tiên: Điều này sẽ đem lại sự quân bình dưới áp lực của công việc và tạo nên một nhà xử lý vấn đề siêu hạng. Một nhà lãnh đạo làm việc theo thứ tự ưu tiên sẽ chuẩn bị một danh sách các việc ưu tiên trong ngày: ông/bà ta bắt đầu với việc số 1 và không xử lý việc số 2, nếu như sau khi xong việc số 1 lại phát sinh việc số 1 mới và cứ như thế mà giải quyết.

4. Can đảm: Các nhà lãnh đạo không sống một cách nhu nhược. Họ biết có  một nguồn can đảm sâu thẳm trong mỗi chúng ta, dù chúng ta có vận dụng nó hay không. Các nhà lãnh đạo làm cái điều mà họ sợ là sẽ làm cho người ta sợ nhận lãnh trách nhiệm. Niềm tin của họ là “Hãy còn quá sớm để bỏ cuộc!”

5. Gắn bó: Các nhà lãnh đạo biết là họ không thể chết yểu nếu cứ cần mẫn làm cái công việc mà họ yêu thích. Họ không bao giờ thèm nghe những kẻ làng nhàng la lên: “Từ từ thôi! Bạn sẽ huỷ hoại sức khoẻ của mình mất thôi!”. Công trình của họ là một hình thái nghệ thuật được phát triển.


6. Chuyên chú vào mục tiêu: Sự tập trung là liều thuốc giảm đau trong việc hoàn thành những mục tiêu đỉnh cao. Nhà lãnh đạo hiểu rằng không có những mục tiêu, con người sẽ bắt đầu tàn lụi cả về thể chất lẫn  tâm hồn.

7. Không theo lối mòn: Đây là những người sáng tạo, những kẻ cách tân, và kiểu người-nghĩ -ngoài-khuôn phép. Họ học cả từ những thành công và thất bại của chính mình. Họ rất độc đáo, và không sao chép ai.

8. Kích thích và lan tỏa lòng nhiệt thành: Các nhà lãnh đạo tỏ ra nhiệt tình khi họ đạt được những mục tiêu hằng ngày, như là một phần của kế hoạch lớn, không chỉ đơn thuần là công việc hằng ngày. Họ ý thức sâu sắc là không có lòng nhiệt thành lan toả ấy, thì dù họ ở ở trạng thái tâm lý nào cũng rất dễ lan ra người khác.

9. Điềm tĩnh trong lúc khủng hoảng: Những người này không dễ phân tán hay gào khóc vì những chuyện không đâu. Họ rất kiên trì và do đó nắm bắt sự kiện cần thiết rất nhanh. Họ biết rằng vượt qua xung đột thì sẽ gặt hái thêm sức mạnh.

10.  Hoài bão giúp người khác vươn lên:Các nhà lãnh đạo biết không có sự bão hoà trong giáo dục và việc truyền bá kiến thức và kinh nghiệm thăng tiến sẽ giúp chúng ta xây dụng quan hệ gắn bó và tình bạn.

Có thể  dựa vào liệu pháp của  nhà Phật?

Trong những tính cách ấy, quan trọng nhất có lẽ là việc giữ vững niềm tin và không quá bi lụy về thất bại. Luôn tìm thấy lối ra trong khủng hoảng là một phẩm tính quan trọng của những nhà lãnh đạo lớn. Muốn thế, lòng can đảm, chấp nhận rủi ro, đứng lên làm lại như hình ảnh của những nhà lãnh đạo Apple, KFC, hay Dell đã chứng minh… Một trong những phẩm hạnh mà nhà Phật nhấn mạnh là  phải biết tính chất vô thường của vạn hữu, và quan trọng hơn “phải biết giới hạn lòng tham” hay nói cách khác phải biết chia sẻ, một khía cạnh nhỏ của Hạnh bố thí trong lục độ.    

Một câu quan trọng trong kinh Parabhava cho ta thấy quan điểm của Đức Phật rằng tài sản cá nhân không chỉ dành cho bản thân. Khi nhắc đến những dấu hiệu tha hóa của người cư sĩ, Đức Phật nói: “Nếu một cá nhân sở hữu nhiều tài sản, vàng bạc và thực phẩm mà chỉ dùng chúng cho bản thân, thì người đó đang trên đường tụt hậu”. Đó là ý nghĩa cuộc sống mà những Bill Gates hay Warren Buffet đang hành động. “Đức Phật không chấp nhận một người giàu có mà không quan tâm đến xã hội. Sử dụng tài sản “cho bản thân”, hàm ý chỉ việc sử dụng tài sản cho cá nhân hay cho những người thân thiết của mình. Vì người được giàu có chắc chắn là phải mang nợ xã hội mới có được sự sản, nên bắt buộc là họ phải đóng góp trở lại cho xã hội thay vì chỉ sử dụng tài sản đó riêng cho bản thân.

    

“Đức Phật chẳng bao giờ tán đồng lý thuyết cho rằng việc thỏa mãn các lạc thú trước mắt, là mục tiêu của việc kiếm tiền. Trái lại, Đức Phật tán thán những người “tích lũy tài sản lớn, nhưng không bị đắm chìm trong đó”, trong khi những kẻ vượt quá giới hạn của việc thỏa mãn dục lạc,“sau này sẽ khổ đau do những hậu quả tai hại mà nó mang  đến”. (Theo Tỳ Kheo Tiến sĩ Basnagoda Rahula - Chuyển ngữ: Diệu Liên Lý Thu Linh & Diệu Ngộ Mỹ Thanh)

Nhà Phật cũng dạy ta những phương pháp giữ tâm bình lặng trước sóng gió. Một trong những bài học mà doanh nhân có thể huân tập là giữ lòng mình theo Hạnh của đất. Đất tượng trưng cho tính chịu đựng, lòng nhẫn nhục vì dù người ta đổ và rải lên đất những thứ dù dơ dù sạch thì đất cũng tiếp nhận tất cả những thứ ấy một cách thản nhiên, không vui vẻ, mừng rỡ mà cũng không chán ghét, căm phẫn, không phản kháng, cũng chẳng vướng lụy. Chúng ta sống mổi ngày, mỗi tháng, mỗi năm thế nào cũng gặp phải nhiều vấn đề không như ý trong cuộc sống. Đời không phải lúc nào cũng êm xuôi, bản thân đất chất chứa bao nhiêu dư chấn mỗi nơi mỗi lúc, không phải lúc nào cũng trải hoa hồng cho ta bước. Nhất là trong thời kỳ nhiều biến động như hiện nay, chúng ta thường đối đầu nhiều chướng ngại, lắm chông gai và thử thách. Có những lúc doanh nhân gặt hái nhiều thành công, thu được lợi lộc đáng kể, những lúc ấy họ được nhiều người săn đón, tung hô nhưng cũng chính lúc đó, họ lại nhận nhiều dèm pha, ganh ghét. Rồi đến khi thất bại, không còn tiền của, nợ nần chồng chất, những kẻ ganh ghét ấy sẽ dè bỉu, khinh khi… Chính vì lẽ đó, nếu mình không có đủ sức chịu đựng và thiếu nghị lực hay đánh mất niềm tin vào chính mình thì khó lòng đứng vững trước sự đi xuống của sự nghiệp, vùi dập trong sóng gió, tai ương của cuộc đời. Học theo hạnh của đất, doanh nhân đặc biệt những người lãnh đạo học cách chịu đựng, thực sự làm chủ lòng mình, tu tập đức nhẫn, không xúc động xao xuyến trước vinh nhục, thăng trầm. Điều này trùng với tính cách (1), (2), (4) và (9).

Học hạnh của đất, chúng ta phải nhớ rằng đất còn là điểm tựa, nâng đỡ tất cả các sự vật. Nâng đỡ ở đây cũng chính là giúp đỡ, trợ lực. Làm người sống trong xã hội, chúng ta không thể sống vô tâm, sống vị kỷ mà phải biết hướng tâm nghĩ đến người khác, tìm cách giúp đỡ người khác trong khả năng của mình, đem đến cho người khác niềm an vui, hạnh phúc. Đây chính là phẩm tính số (8) và (10) ở trên. Sau cùng là khả năng chuyển hóa của đất. Chuyển hóa ở đây có nghĩa là chuyển hóa những thứ mà đất đã tiếp nhận. Dù đó là những thứ tốt lành hay không tốt lành, đất đều chuyển hóa chúng tạo nên những thứ hữu ích cho cuộc sống, Thậm chí có là rác rưởi, phân hay chất thải khi đến với đất thì được chuyển hóa thành chất dinh dưỡng để nuôi cây. Nhờ khả năng chuyển hóa của đất mà cuộc sống sạch hơn, môi trường tốt hơn. Đây là phẩm tính (3), (5) và (6). Duyên trong đời người có lúc thuận, nhưng cũng có lắm khi là nghịch. Chúng ta cần phải giữ cho lòng mình bình lặng trước cả ngọt ngào cũng như cay đắng, khi thắng cũng như thua, khi lên voi và cả khi xuống chó! Sống trong hào quang hay trong bóng tối, được ca ngợi, cung kính, không vì thế mà kiêu căng, tự đắc, hoặc khi người khác đối xử khinh rẻ mình, không oán hận hay thù ghét. Người lãnh đạo hay doanh nhân dù nhỏ hay lớn luôn là tấm gương cho đồng nghiệp, nhân viên, con cái,… Nếu họ suy sụp, công ty hay doanh nghiệp sẽ không gượng dậy nổi vì khi ấy không còn có sự bình thản, lòng can đảm biến mất và sự khủng hoảng tâm hồn tàn phá tâm hồn họ, tàn phá mọi phẩm tính cần thiết để vực dậy bản thân họ và DN hay tổ chức của họ.

Hãy học Phật và tìm ở lòng mình những phẩm tính ấy trong cuộc khủng hoảng này!

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 20
    • Số lượt truy cập : 6508379