DIỆN MẠO TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO
DƯỚI THỜI CÁC CHÚA NGUYỄN
ĐINH HỮU CHÍ*
Sách Đại Nam thực lục tiền biên có chép: “Chúa Tiên sau 8 năm ở Đông Đô xung khắc với họ Trịnh, nhân đem quân dẹp loạn, cùng tướng sĩ binh thuyền chạy thẳng vào Thuận Hóa năm Canh Tý. “Năm sau, nhân dạo xem hình thể núi sông, thấy ở vùng đồng bằng xã Hà Khê, huyện Hương Trà, có một ngọn đồi cao nổi lên, hình dáng như con rồng quay đầu nhìn lại, phía trước trông ra sông dài, phía sau có hồ lớn cảnh trí rất đẹp. Nhân hỏi các người địa phương, mọi người đều nói ngọn đồi này linh lắm. Người ta đồn rằng xưa có Bà lão áo đỏ quần xanh, ngồi trên đồi này nói rằng: Sẽ có vị chân chúa đến lập chùa ở nơi đây, kết tụ linh khí thiêng dễ bền long mạch. Nói xong Bà biến mất. Do đó thời bấy giờ, người ta gọi đây là núi Thiên Mụ. Chúa cho đất ấy có khí thiêng, bèn lập Chùa, gọi tên là chùa Thiên Mụ”. Như vậy chùa Thiên Mụ được Chúa Tiên xây dựng vào năm Tân Sửu 1601”.
Sách Đại Nam nhất thống chí, quyển Kinh Sư, phần Chùa Quán chép rằng: “Thái Tổ Gia Dụ Hoàng Đế năm Tân Sửu thứ 44, chúa Thượng đến xã Hà Khê, nay là xã An Ninh (thấy đồng bằng nổi đất cao như hình con rồng ngoảnh đầu trông lại, phía trước trông ra sông, phía sau liền với hồ, phong cảnh đẹp tốt, nhân hỏi người địa phương, họ nói gò này rất thiêng. Tương truyền, ngày trước có người trông thấy một mụ già mặc áo đỏ quần xanh, ngồi trên gò nói: “Phải có chân chúa đến dựng chùa ở đây mà thu góp khí thiêng để giữ vững long mạch”. Nói xong thì biến mất, nên gọi là núi Thiên Mụ. Chúa Thượng bèn dựng chùa gọi là chùa Thiên Mụ. Thái Tông năm Ất Tỵ thứ 17 sửa lại, Hiển Tông năm Canh Dần thứ 19 đúc chuông lớn, năm Giáp Ngọ thứ 23 lại sửa lại”.
Tuy nhiên, cuốn Ô Châu cận lục của Dương Văn An (1513-?), nhuận chính vào đời Mạc Cảnh Lịch (1555), có viết: “Thiên Mụ Tự, - Kim Trà huyện, Giang Đạm xã chi nam. Thượng cự sơn lĩnh, hạ chẩm giang lưu. Siêu trần thế chi tam thiên. Cận thiên biên chỉ chỉ xích. Khánh hữu tản bộ đăng lâm, bất tự tri kỳ phát thiện tâm, tiêu tục quảng thành phương trượng chi cảnh trí dã”. (Chùa Thiên Mụ ở phía Nam xã Giang Đàm, huyện Kim Trà, nóc ở đỉnh núi, chân gối dòng sông; tưởng như gang tấc bên trên, vượt hẳn ba nghìn thế giới. Những khách đăng lâm thưởng lãm, bất giác lòng lành phát động, niềm tục sạch không, đúng là một cảnh non Bồng nước Nhược vậy.
Như thế, có lẽ từ khi Đại Việt tiếp nhận hai châu Ô, Rí của Chămpa giao lại trong lễ cưới Huyền Trân Công Chúa (1306), thì tại vùng đất này đã có một nơi thờ tự của người Chămpa. Nhưng về sau, tại phế tích tín ngưỡng này đã có một ngôi chùa do người Đại Việt dựng nên. Chùa mang tính dân lập, và có lẽ đã thờ Phật theo quan niệm bình dân, và tên chùa được gọi theo tiếng dân gian là chùa Thiên Mỗ hay chùa Thiên Mộ…
Năm 1558Nguyễn Hoàng nhận tước Đoan Quốc Công và lãnh trách nhiệm vào làm trấn thủ cõi Thuận Hóa (từ Ái Tử, Quảng Trị hiện nay vào cho đến núi Hải Vân). Bốn mươi ba năm sau, vào năm Tân Sửu (1601), ông cho dựng lại chùa Thiên Mụ để làm cảnh tụ linh khí, củng cố long mạch cho vùng Thuận Hóa nói riêng và mở rộng cõi Nam Hà nói chung. Kèm theo việc làm lại chùa Thiên Mụ, Nguyễn Hoàng cho tung ra một huyền thoại có nội dung là bà già mặc quần xanh áo đỏ ngồi trên đỉnh đồi Hà Khê phán bảo sẽ có một vị chân chúa đến sửa chùa cho tụ linh khí và củng cố long mạch để phát triển Thuận Hóa và Nam Hà. Xét ra huyền thoại này phảng phất bóng dáng của một loại “tâm lý chiến” tạo uy thế linh thiên cho thế lực chính trị của ông hơn là nguồn suối đầu tiên của lịch sử chùa Thiên Mụ.” (1)
Mãi hơn 60 năm sau, chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần mới trùng tu. Sách Đại Nam thực lục ghi: “Năm Ất Tỵ (1665) tháng 7, sửa chữa chùa Thiên Mụ được mùa to”.
Hiển Tông Hoàng Đế tức Hiển Tông Hiếu Minh Hoàng Đế, đế hiệu của chúa Nguyễn Phúc Chu. Chúa Nguyễn Phúc Chu là người có công lớn trong việc đại trùng tu chùa Thiên Mụ, dựng bia, đúc chuông lớn, còn lưu truyền cho đến ngày nay. Chúa đã cho khắc vào bia những dòng chữ trịnh trọng như sau: “… Nhớ lại năm xưa, mời được Đường đầu đại sư, tên chữ là Đại Sán, hiệu Thạch Liêm. Ngài là bậc thầy,, nguyện lực thâm sâu, lòng thương rộng lớn, y báo chánh báo vô biên, đạo thấu ba thừa, tu có tông chỉ như cây có gốc, nước có nguồn. Ngài được truyền tâm ấn ở đất Chiết Tây, Trung Quốc…”
Nói đến chùa Thiên Mụ, từ phong cảnh, di tích lịch sử, huyện thoại, giai thoại văn học, ca dao, tục ngữ v.v… có thể có nhiều người biết rõ, nhưng khi nói đến Hòa thượng Thích Đại Sán, hiệu Thạch Liêm, vị sư mà hiện giờ được phụng thờ như là vị tổ sư của chùa, thì ít người biết tới, ngoại trừ những người nghiên cứu lịch sử Phật giáo Việt Nam. Vị sư này là ai, gốc gác ở đâu, có công trạng gì với chúa mà được tôn thờ vinh dự như là vị sư tổ? Về danh hiệu của sư Thích Đại Sán, sách Đại Nam liệt truyện tiền biên (quyển 6, tờ 24), viết rằng: “Thạch Liêm Hán Ông, người nhà Thanh, quê Chiết Giang thông minh đỉnh ngộ, tinh thông các môn chiêm tinh, luật tịch, lý số, thư pháp, họa vẽ, thư pháp, nhất là về môn thơ phú, Thời Minh mạt, nhà Thanh xâm chiếm Trung Quốc, Liêm giữ nghĩa không chịu lảm tôi, bèn từ giã mẹ già, xuất gia đầu Phật, vân du khắp các nơi danh thắng…”. Sách Đại Nam thực lục tiền biên (quyển 8, trang 17), chép việc trùng tu chùa Thiên Mụ và năm 1714: “… Thời ấy Hòa Thượng ở Chiết Tây tên Đại Sán hiệu Thạch Liêm đem thiền đạo đến yết kiến, được chúa yêu mến, khi ông về nước được chúa tặng nhiều gỗ Quý đem xây cất chùa (Trường Thọ), nay còn di tích …”. Nhiều người lầm tưởng sư Đại Sán là tổ sư và trụ trì chùa Thiên Mụ. Thật ra, sư chỉ ghé đến chùa Thiên Mụ trong một khoảng thời gian rất ngắn để dưỡng bệnh trong lúc chờ đợi mùa gió thuận lợi để trở vể Quảng Đông. Sư chưa bao giờ trụ trì chùa Thiên Mụ cả. Việc nhầm lẫn này có lẽ do người đời sau vì không biết rõ lai lịch của sư nên người ta viết nhầm địa vị và công lao của sư lên bài vị để thờ trong chùa. Bài vị của sư được viết như sau: “Tự Động Thượng, chánh tông nhị thập cứu thế, khai sơn Linh Mụ tự, thượng Thạch ha Liêm húy Đại Sán lão tổ Hòa thượng giác linh”. Chùa Thiên Mụ đã trải qua nhiều đời, có gần 150 năm trước khi sư Đại Sán đến chùa hoằng pháp chỉ trong một thời gian ngắn. Do vậy, sư không thể là lão tổ sư của chùa được. Căn cứ vào tên chùa trong bài vị, chúng ta nghỉ rằng sự nhầm lẫn này đã xảy ra vào thời hoặc sau đời Tự Đức. Vua Tự Đức không có con, nghĩ rằng mình phạm tội với trời nên xuống chiếu đổi chữ Thiên ra chữ Linh. Bảy năm sau, không thấy hiệu nghiệm gì, do đó vua Tự Đức lại cho đổi lại thành Thiên Mụ.
Hiện giờ, sư Đại Sán được tôn thờ như một vị tăng cang hay là sư tổ của chùa, có thể vì do sự nhầm lẫn đáng tiếc như đã nói ở trên.
Sách Đại Nam thực lục tiền biên chép việc trùng tu chùa thiên Mụ và năm 1714 có ghi: “… sai người qua tàu mua Kinh, Luật và Luận hơn 1.000 quyển …” . Đây là kết quả rõ ràng nhất về việc Phật giáo Đại thừa bành trướng vào Đàng Trong, sau khi việc sư Đại Sán được mời đến Thuận Hóa và tạm trú một thời gian ở chùa Thiên Mụ. Sư Đại Sán nổi tiếng trong giới Phật giáo chẳng phải hoàn toàn do tài đức hoằng pháp của sư đối với Đại Việt, nhưng vì sư có một đệ tử tài ba, lỗi lạc và danh tiếng đó là Đại Việt Quốc chủ, chúa Nguyễn Phúc Chu.
Mối liên hệ giữa chúa Nguyễn Phúc Chu và sư Đại Sán khá mật thiết. Đại Nam liệt truyện tiền biên còn ghi lại thi văn của sư, sau khi sư đã trở về Quảng Đông, gửi cho chúa để tỏ lòng thương nhớ. Những bài thi văn nảy trích trong hai tập sách của sư là Hải ngoại kỷ sự và Ly Lục Đường thi tập vẫn còn lưu truyền cho tới ngày nay. Theo Tổng mục đề yết Tứ khổ toàn thư (tập hợp sách sử của vua Càn Long, hoàn thành năm 1782), loại địa, mục 7 chép rằng: Hải ngoại kỷ sự gồm 6 quyển do quốc triều Thích Đại Sán biên soạn. Tuần phủ Chiết Giang tìm thấy đem dâng: “ … Đại Sán là sư chùa Trường Thọ, tỉnh Quảng Đông. Mùa xuân năm Ất Hợi triều đại Khang Hy, Đại Việt Quốc Vương mời qua thuyết pháp, hơn một năm lại trở về. Sách chép những điều tai nghe mắt thấy, phong tục tập quán nước ấy. Tiên vương của nước Đại Việt là rể của nước An Nam, chia cứ miền Nam, xưng hiệu là Đại Việt. Đầu sách có bài tựa của Nguyễn Phúc Chu, dưới cuối đề tháng 5 năm Bính Tý, tức là Khang Hy năm thứ 35 vậy…”.
Bắt đầu từ thời vua cha của chúa Nguyễn Phúc Chu là Anh Tông Hoàng Đế (1687- 1691) khi đang còn tại thế đã từng hạ lệnh cho sư Tạ Nguyên Thiều qua Quảng Đông mời sư Đại Sán sang Đại Việt hoằng pháp. Bia của chúa Nguyễn Phúc Chu dựng tại chùa Quốc Ân, Huế, đời Lê Dụ Tông thứ 10 có viết: “Hoán Bích Thiền sư Tạ Nguyên Thiều ở chùa Hà Trung (Thừa Thiên) vâng lệnh chúa Nghĩa sang Quảng Đông mời Đại Sán Hòa thượng”.
Sách Đại Nam nhất thống chí, quyển Thừa Thiên, phần tăng lữ viết: “…Tạ Nguyên Thiều tên chữ là Hoán Bích, người gốc Triều Châu, tỉnh Quảng Đông, nhà Thanh, xuất gia lúc 19 tuổi. Qua Đại Việt thời Thái Tông Hoàng Đế, đến Qui Ninh xây chùa Di Đà, hoằng dương Phật pháp… sau đó ra Thuận Hóa, xây chùa Quốc Ân. Tạ Nguyên Thiều vâng lệnh Anh Tông Hoảng Đế sang Quảng Đông mời cao tăng Thạch Liêm Hòa thượng. Khi về lại Thuận Hóa, trụ trì chùa Hà Trung. Khi mất Hiển Tông Hoàng Đế tặng tên thụy là Hạnh Đoan Thiền sư”.
Thạch Liêm Hòa thượng qua Thuận Hóa không phải là kết quả trực tiếp của chuyến đi của họ Tạ, mà là do nhân duyên của chúa Nguyễn Phúc Chu với sư. Trong bài Tựa do chúa Nguyễn Phúc Chu đề trong sách Hải ngoại kỷ sự, có viết: “ … Ta khi còn làm Thái tử vẫn thường hay ngưỡng mộ thầy ta ở chùa Trường Thọ. Vua cha ta lúc trước đã gửi thư hai lần mời mà không được. Mùa thu năm Giáp Tuất ta muốn thọ Bồ Tát giới nên nối chí vua cha, ta đưa người qua rước, may được Hòa thượng nhận lời mời …”. Trong Hải ngoại kỷ sự, quyển một, cũng có ghi hàng chữ như sau: “… Ngày mùng 4 tháng 8 năm giáp Tuất, người nhà gõ cửa tin cho biết có khách là sứ giả nước Đại Việt đến. Sứ giả người tỉnh Phúc Kiến, tay nâng phong thư giấy vàng dâng lên cùng với lễ vật… thưa rằng: “Đại Việt Quốc Vương từ lâu ngưỡng mộ Hòa thượng… Kể từ tiên vương đã có thư mời, đến nay nữa là ba lần cả thảy. Mời đến ba lần cũng đã thành tâm lắm vậy…”.
Chúa Nguyễn Phúc Chu là vị vua trẻ tuổi, tài ba, có lòng tu Phật. Trong bài Tựa sách Hải ngoại kỷ sự, chúa Phúc Chu viết: “…Đại Việt Quốc Vương Nguyễn Phúc Chu thọ Bồ Tát giới, pháp danh Hưng Long đãnh lễ, viết vào ngày tháng năm năm Bính Tý …”. Trong Ly Lục Đường, bài tựa của Đường Hóa Bằng, viết rằng: “… Hòa thượng là đời 29 dòng Tào Động, con của Trượng Nhân …”. Khi chúa Nguyễn Phúc Chu đại trùng tu chùa Thiên Mụ, chúa xưng là dòng Tào Động thứ 30 và khắc danh vào bia đá: “… Chúa dựng chùa Thiên Mụ, chúa Nguyễn Phúc Chu kế truyền chính tông phái Động Thượng đời thứ 30, pháp danh Hưng Long, hiệu Thiên Túng Đạo Nhân ghi văn bia và dựng bia bền vững ở chùa Thiên Mụ xứ Thuận Hóa …”. Trong suốt hơn một năm ở lại Thuận Hóa, hoạt động chính của sư Đại Sán là việc triệu tập tăng chúng toàn quốc, mở ba pháp đàn truyền giáo là trọng yếu. Việc ấy nhằm vào việc chấn hưng Phật giáo, thanh trừng những phần tử trụy lạc và cũng để đáp lại lời than thở của chúa Nguyễn Phúc Chu nêu lên về những tệ đoan trong giới Phật giáo thời ấy. Nhân dịp đó cùng mẹ và con gái quy y, thọ Bồ Tát giới và nhận pháp danh do sư đặt ra. Ngoài những hoạt động Phật pháp, có lẽ những điều giúp ích nhất cho chúa Nguyễn Phúc Chu là những điều chỉ vẽ, đề nghị liên quan đến việc trị nước trong những lần đôi bên đàm đạo với nhau. Cuối quyển hai của Hải ngoại kỷ sự viết rằng: “…Ta bèn đem những việc chính trị bàn luận mấy ngày nay, chép ra từng điều một, làm thành bản điều trần “Lập Quốc chính ước” gồm 18 điều, đều là những chuyện thương lính, yêu dân, thông thương lợi quốc, kỷ cương pháp độ, chép từng chi tiết rõ ràng. Vương đọc xong mừng rỡ, bảo Nội quan Chưởng sự rằng “Pháp độ, dân tình nước ta đều chưa được đúng đắn, nay nhờ lão Hòa thượng đem phép lễ Trung Quốc chỉ dạy, liệt kê 18 điều, nên khắc yết lên cử phu, hiếu dụ quan dân đều biết, vả khắc 24 thẻ bài, chia loại rõ ràng. Hễ ai làm trái điều lệ, phạm phép, cho kẻ bị hại cầm thẻ bài đến kêu. Bất kể là quân dân, hoàng thân quốc thích đều theo pháp luật mà trị tội. Vĩnh viễn lấy đó làm quốc chính vậy …”.
Chúa Nguyễn Phúc Chu, đối với sư Đại Sán rất đổi kính trọng, tôn kính và dốc lòng học hỏi. Còn sư Đại Sán trên cương vị quốc khách, nhưng đối với chúa và các đại quan trong triều, vẫn có lòng thành và kính nể. Trong bản “Điều trần về việc của nước Đại Việt” sư dâng lên chúa Nguyễn Phúc Chu khi sư mới đặt chân lên đất Thuận Hóa, sư viết: “… Người xưa bảo rằng “Kẻ ngu nghĩ ngàn điều cũng có một điều được”, tôi đã nhận lời mời của nhà vua đến đây, nếu biết mà không nói, ấy là phụ lòng vua, mà cũng tự phụ mình. Sau đây trích ra vài điều bày tỏ, tạm gọi là tỏ chút lòng thành …”. Điều đặc biệt là trong Hải ngoại kỷ sự, sư gọi chúa Nguyễn Phúc Chu là Quốc Vương, Đại Vương, Vương, còn xưng nước ta là Đại Việt. Trong bài Khải, sư dâng lên cho chúa lúc mới đến Thuận Hóa có những câu:“… Quý Vương quốc từ xưa khai sáng Thuận Hóa, Thanh Hóa, tám trấn Tam Giang, hùng cứ bốn mươi bảy châu. Quý Đại Vương nối nghiệp đã có, Kiến Bình, Tân Bình bao la, thiên sơn vạn thủy… Nay kính, Đại Việt đức chúa điện hạ ngân an…”.
Đặc biệt trong thời gian lưu lại chùa Thiên Mụ, sư có làm hai bài thơ tả cảnh chùa Thiên Mụ như sau:
Bài số 1:
Phạn vương cung khuyết Nguyễn vương khai
Ngọc điện chu môn sinh duyên đài
Nhất đại vinh quang dư thảo mộc
Thiên thu hoa vũ (2) kết hương đài
Đình tiền vân ảnh sơn liên thủy
Hạm ngoại phàm phi khứ phục hồi
Vị thức trích tiên Thiên Mụ phú
Mộng du khá thị thứ trung lai
Bản dịch của Hữu Vinh:
Phật tổ chùa đây chúa Nguyễn xây
Cửa son điện ngọc mọc rêu đầy
Cỏ cây vương dấu dòng vinh hiển
Hương án thờ ghi nghiệp đế dày
Sông núi ngoài sân mây lộn bóng
Đi về ngoài cổng cánh buồm bay
Chưa nghe huyền thoại bà Thiên Mụ
Mộng tưởng thì đây lại chốn này
Bài số 2:
Đương niên vương khí xuất trung lưu
Bá nghiệp hoàn qui phạn bối tu
Thạch khuyết bất lưu Tần tuế nguyệt
Sắc thư thượng tài Hán xuân thu
Hải triều (3) sa giới (4) tam thiên lý
Phong vủ (5) chung minh (6) bách bát châu
Phật hỏa nhất kham thiêu bá tử
Tọa tiêu hàn nguyệt bất tri sầu
Bản dịch của Hữu Vinh:
Ở đây vương đế dấy từ lâu
Việc lớn làm nên bởi nghiệp tu
Năm tháng Tần xưa bia mất dấu
Xuân thu Hán cũ sách còn lưu
Câu kinh bay rộng ba ngàn dặm
Tiếng kệ vang xa trăm tám châu
Đốt củi bách tùng khêu lửa Phật
Nhìn trăng thanh thản suốt đêm thâu.
* Chi hội Sử Trịnh Hoài Đức - Hội KHLS TPHCM.
1. Theo Hà xuân Liêm “Những chùa tháp Phật giáo ở Huế” xb 2007, tr. 30, 31, 32
2. Hoa vũ: mưa hoa, nhiều hoa, lấy ý danh từ Phật giáo: Hoa, chỉ một trong sáu loại dùng để cúng dường. Kinh Đại Nhựt viết: Hoa, gợi ý từ bi, là hạt nhân của lòng thanh tịnh. Chỉ việc cúng thờ
3. Hải triều: do chữ Hải Triều Âm, chỉ tiếng tụng kinh lớn như sóng biển ỳ ầm
4. Sa giới: Chỉ số nhiều, nhiều như cát sông Hằng
5. Phong vũ: Lấy từ tên kinh “Chỉ phong vũ kinh”, chỉ việc tụng kinh
6. Chung minh: Lấy từ chữ “Chung phạn”. Trong Tính Linh tập có câu: “kinh phạm đoạn nhi diệc tục”, chỉ việc kiên trì kinh kệ.
Bình luận bài viết