Thông tin

DIỄN VĂN KHAI MẠC HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ

“PHẬT GIÁO VÙNG MÊKÔNG: LỊCH SỬ VÀ PHÁT TRIỂN”

 

PGS.TS. VÕ VĂN SEN(*)

 

Kính thưa Chư Tôn đức Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, Tăng Ni;

Kính thưa Quý vị Khách quý;

Kính thưa các nhà khoa học; Kính thưa toàn thể Quý vị.

Theo các chứng tích khảo cổ thì vào thế kỷ thứ III TCN, Phật giáo đã được truyền đến một số nước thuộc khu vực Đông Nam Á, trong đó có các nước thuộc vùng sông Mê-kông, như vương quốc Phù Nam cổ, Chân Lạp, Lào, Thái Lan, Miến Điện… mà hiện nay tại một số nước này, Phật giáo được công nhận là quốc giáo.

Riêng ở Việt Nam, đạo Phật đã được truyền vào rất sớm, bằng con đường biển từ phương Nam truyền sang, và chắc chắn là sớm hơn con đường bộ từ phương Bắc truyền xuống. Đạo Phật Nam truyền này, theo các nhà Phật học, còn được gọi là Phật giáo Nguyên thủy.

Mê-kông là một dòng sông xuất phát từ cao nguyên Thanh Tạng, chảy qua nhiều quốc gia: Miến Điện, Lào, Thái Lan, Campuchia, miền Tây Nam Bộ Việt Nam rồi đổ ra biển Đông. Đây là dòng sông Phật giáo, bởi những quốc gia nơi dòng sông này đi qua đều là những quốc gia Phật giáo và chủ yếu là Phật giáo Nguyên thủy Nam truyền. Phật giáo Nguyên thủyNam truyền hiện vẫn tồn tại và ngày càng phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam và các nước Đông Nam Á, tạo nên một khu vực Phật giáo: Phật giáo vùng Mê-kông.

Giáo lý tư tưởng nhà Phật là giáo lý khế cơ, khế thời, khế xứ, và đậm tính dân chủ, nhân văn nên rất linh hoạt và dễ dàng hội nhập, hòa đồng với những quốc độ nơi Phật giáo truyền đến, tạo nên những nét rất riêng của Phật giáo ở mỗi nước. Nhiều nhà nghiên cứu thường nói “mỗi một dân tộc đều có một ông Phật của riêng mình” là xuất phát từ bản sắc riêng này.

Hôm nay, tại Hội thảo khoa học Quốc tế này do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM và Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam cùng phối hợp tổ chức, chúng tôi rất hân hạnh được đón tiếp chư vị Tôn đức lãnh đạo Giáo hội Phật giáo một số nước trong khu vực Đông Nam Á, chư Tôn đức lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chư vị Trưởng lão thuộc hệ phái Phật giáo Nguyên thủy Theravãda, chư vị lãnh đạo Giáo hội Phật giáo các tỉnh thành ở Nam Bộ, lãnh đạo Ban Tôn giáo Chính phủ, Ban Tôn giáo Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành, đại diện Ban Chỉ đạo miền Tây Nam Bộ, lãnh đạo Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, chư vị Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng Ni cùng các nhà khoa học trong và ngoài nước. Hy vọng qua hơn 100 tham luận được biên tập, chọn in trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học lần này thuộc 5 Tiểu ban ở hai diễn dàn Tiếng Việt và Tiếng Anh sẽ diễn ra trong 2 ngày tại Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và tại Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, chúng ta sẽ có dịp đi sâu nghiên cứu những tư tưởng minh triết của đạo Phật, để khẳng định Phật giáo mãi mãi là một đạo Phật nhập thế, luôn đồng hành cùng nhân loại. 

Hội thảo khoa học Quốc tế lần này, chúng ta sẽ được nghe và trao đổi với nhau nhiều vấn đề học thuật thú vị về Phật giáo vùng Mê-kông qua các tham luận của các học giả trong và ngoài nước về những chủ đề như: Quá trình du nhập và truyền thừa; Quá trình giao lưu và hội nhập; Những di sản văn hóa cần bảo tồn và nghiên cứu; Vấn đề môi trường và ứng xử với môi trường; Vấn đề toàn cầu hóa. Trong những chủ đề trên, có nhiều nội dung nóng bỏng và thiết thực, bởi chúng gắn bó chặt chẽ với đời sống của con người, chẳng hạn như vấn đề môi sinh và môi trường của sông Mê-kông đang bị ô nhiễm mà hiện tại các nhà khoa học đã lên tiếng cảnh báo, sự ô nhiễm môi trường này đã ảnh hưởng nhiều đến đời sống của cư dân nơi đây. Hay như những di tích văn hóa Phật giáo vùng Mê-kông hiện có nguy cơ bị hủy hoại hoặc bị mai một bởi phải chịu sự tác động của thiên tai, sự biến đổi của khí hậu và sự xâm hại của con người… mà các nhà khoa học cần phải có giải pháp để bảo tồn v.v... Trong thời đại giao lưu, hội nhập, khu vực hóa và toàn cầu hóa đang diễn ra sôi động như hiện nay, để hội nhập hòa đồng mà không hòa tan, không làm mất đi bản sắc Phật giáo của mỗi dân tộc trong khu vực vùng Mê-kông… thì cần Phật giáo có những giải pháp nào để giải quyết những vấn nạn trên? Hy vọng rằng trong Hội thảo này, qua những trí tuệ uyên bác của các học giả trong và ngoài nước, chúng ta sẽ tìm ra lời giải đáp đúng đắn và có phương cách giải quyết tốt nhất cho những vấn đề khoa học mà hội thảo đã đặt ra.

Cũng trong Hội thảo khoa học quốc tế này, chúng ta sẽ cùng nhau bàn bạc để tìm ra những mối quan hệ tương quan, những điểm tương đồng và khác biệt giữa Phật giáo của các nước thuộc vùng Mê-kông, chỉ ra bản sắc riêng của Phật giáo tại mỗi quốc gia dân tộc, với mục đích hướng đến tương lai, góp phần phụng sự cho đất nước và nhân dân trong khu vực này, hướng đến một đời sống hòa bình, an lạc và hướng thiện cho nhân loại, cho tất cả các dân tộc trong khu vực, với sự phát triển bền vững trong thời đại hội nhập toàn cầu hóa như hiện nay.

Nhờ tinh thần dân chủ và tính nhân văn nên so với nhiều tôn giáo và các hệ tư tưởng triết học khác trên thế giới thì có thể nói Phật giáo hiện đang phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu. Nếu ở thế kỷ XIX, Phật giáo thường chỉ truyền phát trong khu vực châu Á và một ít ở vùng giáp ranh châu Âu, thì sang thế kỷ XX và đặc biệt là từ nửa cuối thế kỷ XX và hơn mười năm đầu thế kỷ XXI, Phật giáo đang có xu hướng phát triển mạnh ở khu vực Âu Mỹ. Từ đó đến nay, nhiều nhà khoa học, nhiều học giả phương Tây có xu hướng tìm về phương Đông để tìm hiểu, nghiên cứu và thực hành nếp sống theo đạo Phật mà Đức Đạo sư đã chỉ dẫn trong các kinh văn, trong các phương pháp hành trì tu tập, đặc biệt là Thiền định. Nói đến đây, tôi lại nhớ đến lời phát biểu thật thú vị của nhà bác học Albert Einstein: “Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo toàn cầu (tôn giáo vũ trụ), vượt lên trên mọi thần linh, giáo điều và thần học. Tôn giáo ấy phải bao quát cả phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên, đặt trên căn bản của ý thức đạo lý, phát xuất từ kinh nghiệm tổng thể gồm mọi lĩnh vực trên trong cái nhất thể đầy đủ ý nghĩa. Phật giáo sẽ đáp ứng được các điều kiện đó”. (The religion of the future will be a cosmic religion. It should transcend personal God and avoid dogma and theology. Covering both the natural and the spiritual, it should be based on a religious sense arising from the experience of all things natural and spiritual as a meaningful unity. Buddhism answers this description. If there is any religion that would cope with modern scientific needs, it would be Buddhism. Buddhism requires no revision to keep it up to date with recent scientific finding. Buddhism need no surrender its view to science, because it embrances science as well as goes beyond science.) [trích lại: Collected famous quotes from Albert Einstein]

Kính thưa toàn thể Quý vị,

Được sự đồng ý của lãnh đạo Đại học Quốc gia, của Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao, Bộ Công An và Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, thay mặt Ban chỉ đạo Hội thảo và Chủ tịch đoàn, tôi xin tuyên bố khai mạc Hội thảo khoa học Quốc tế: “Phật giáo vùng Mê-kông: Lịch sử và phát triển”.

Kính chúc Hội thảo thành công tốt đẹp.

Kính chúc Quý vị khách quý, Chư tôn đức Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, Tăng Ni và các nhà khoa học an lạc, vạn sự kiết tường.

 


*. Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. Trưởng ban chỉ đạo Hội thảo khoa học Quốc tế.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 46
    • Số lượt truy cập : 6954015