Thông tin

ĐỌC BÁT NHÃ TÂM KINH VỚI KARL JASPERS

 

PHAN CÁT TƯỜNG

 


 

Karl Jaspers (1883-1969) không phải là một Phật tử. Ông là nhà phân tâm học Đức, đồng thời là Giáo sư Triết học tại Đại học Basel ở Thụy Sĩ.

Ở thời kỳ Phật pháp chưa truyền bá rộng rãi tại châu Âu, có thể Jaspers chưa từng chạm tay đến văn bản Bát Nhã tâm kinh, nhưng có điều kỳ lạ là thẳm sâu trong tư tưởng của ông, người ta có thể nghe được tiếng vọng của Ngài Quán Tự Tại Bồ tát về công phu “hành thâm Bát Nhã”, về “chiếu kiến ngũ uẩn giai không độ nhất thiết khổ ách”, như thể ông là một hành giả miên mật của Bát Nhã tâm kinh.

Karl Jaspers không hề sử dụng thuật ngữ Phật giáo để chỉ cái cùng tột của đạo giải thoát, cũng không sử dụng thuật ngữ của Thiên Chúa giáo để chỉ Thượng đế. Ông sử dụng ngôn ngữ của riêng mình để nói về cái “bất khả đắc”, “bất khả thuyết” và con đường dẫn đến đó mà bản thân ông tự chứng ngộ.

Trong hàng loạt tác phẩm triết học của ông, như: Existenzbio graphie (Sử liệu về thuyết hiện sinh), Philosophy (Triết học), On the Truth (Chân lý sự thật), The Great Philosophers (Những nhà triết học vĩ đại),… Người ta thấy nổi lên ba cụm từ được coi là ngôn ngữ đặc thù của triết học Karl Jaspers, đó là: Soi chiếu hiện sinh (Illuminate to Existence), Siêu Việt tính (Trancendence) và Bước nhảy hiện sinh (Jump from Existence).

Soi chiếu hiện sinh

Theo Jaspers “Soi chiếu hiện sinh” là một sinh hoạt của tâm thức, nhằm giúp mỗi con người có thể thấy rõ thực tại của mình và thấu triệt được bản chất của vũ trụ vạn hữu. Ông cho rằng, mỗi con người muốn nâng vị trí của mình lên khỏi thực tại khổ đau, cần phải thường xuyên tự soi chiếu đời sống mình bằng cách nhìn trở lại vào những gì đang xảy ra bên trong và chung quanh mình từng giây từng phút.

Giải thích của Jaspers không khác gì động từ chiếu kiến trong mệnh đề đầu tiên của Bát Nhã tâm kinh thu gọn: “Quán-Tự-Tại Bồ-Tát hành thâm Bát-nhã Ba-la-mật-đa thời, chiếu kiến ngũ-uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách”.

Nếu như kết quả tối hậu của công phu hành thâm Bát-nhã Ba-la-mật-đa của Ngài Quán Tự tại là thấy rõ Ngã pháp (gồm sắc, thọ, tưởng, hành, thức) vốn không thật có, từ đó thoát khỏi mọi khổ nạn, thì kết quả của “Soi chiếu hiện sinh” của Jaspers cho ta một kết quả khá thú vị. Trong Philosophy, ông cho rằng con người được cấu thành bởi bốn yếu tố: vật chất (matière), sinh hoạt (vie), tâm linh (âme)và tinh thần (esprit), đó là những gì tương đồng với ngũ uẩn trong Bát Nhã tâm kinh. Ở mỗi yếu tố đó, ông cho rằng chúng không tồn tại thực sự nếu như ta chia chẻ đến tận cùng hay quan sát chúng qua tiến trình thời gian sinh diệt. Ông viết: “Tấn bi kịch của khoa học thực nghiệm ở chỗ nó đi tìm hữu thể ở nơi mà nó chỉ có thể nhận được một cái nhìn bất toàn về hữu thể”. Vâng, Jaspers dùng chữ bất toàn để chỉ kết quả của “Soi chiếu hiện sinh”. Bất toàn là không nguyên vẹn, không như nó đang là, hay chính là Tính Không của Bát Nhã tâm kinh vậy.

Từ cái nhìn “bất toàn” này, Jaspers nói về một cái “hoàn toàn” mà ông gọi tên là Siêu Việt tính.

Siêu việt tính

Karl Jaspers đã khai thị cho con người một cõi sống mênh mông mây trời, bát ngát hương hoa và ngập tràn tình yêu thương. Ông không gọi đó Thiên Đàng của Christ, cũng không là Niết Bàn của Gautama hay cõi Tiên của Lão Tử. Ông chỉ gọi “Siêu Việt tính” là cõi sống thực của con người, thuộc về con người và luôn đồng hành với con người. Đây là điểm đặc sắc trong triết hiện sinh của Jaspers.

Khi chối bỏ một Thiên Đàng ở quá xa loài người, ông có vẻ chống báng Kiekegaard và đứng bên cạnh Nietzsche. Nhưng thật ra, ông cũng không hoàn toàn bênh vực Nietzsche vì Siêu Việt tính của Jaspers luôn đặt cao hơn bình diện con người, bắt con người phải “Soi chiếu hiện sinh” để có thể bước vào Siêu Việt tính, chứ không phải là một loại Thiên Đường được trần tục hoá theo kiểu Jean Paul Sartre.

Tuy vậy, Jaspers tỏ ra khá lúng túng khi diễn đạt Siêu Việt tính, ông nói: “Siêu Việt tính chính là thực tại vượt ra ngoài tất cả những gì tôi có thể biết và suy nghĩ về Siêu Việt”. Sự lúng túng của ông có thể được hiểu một phần do thiếu từ ngữ để diễn đạt một khái niệm chỉ có trong thực chứng. Ta cũng không quên đức Phật cũng vì thiếu ngôn ngữ để diễn tả Bát Nhã nên phải định nghĩa Bát Nhã bằng một loạt phủ định: “Xá-Lợi-Tử! thị chư pháp không tướng, bất sinh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm. Thị cố không trung vô sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Vô nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý; vô sắc, hương, thanh, vị, xúc, pháp; vô nhãn giới, nãi chí vô ý thức giới…”.

Sử dụng phủ định cái này để định nghĩa cái kia là phương pháp của Bát Nhã tâm kinh.

Jaspers lý giải: “Siêu Việt tính là đối tượng của hiện sinh, nghĩa là kinh nghiệm sống, không phải là đối tượng của tri thức”. Và vì không phải là đối tượng của tri thức nên “bất khả ngôn”, “bất khả tri”.

Cũng vì thế mà Lão Tử đã mở đầu Đạo Đức kinh bằng câu nói trứ tuyệt: “Đạo khả đạo phi thường Đạo”. Và Thánh Paul chỉ biết thở dài: “Đó là một thực tại mắt ta chưa từng xem, tai ta chưa từng nghe, trí ta chưa từng nghĩ”.

Có thể nói Jaspers đã nhận diện được thể tánh Bát Nhã hay ít ra là chạm được đáy của tư duy về bản thể Chân Như. Chúng ta có thể tin tưởng như thế sau khi nghe ông khai thị về Siêu Việt tính hay đi xa hơn nữa, ông nói về “Bước nhảy hiện sinh”.

Bước nhảy hiện sinh

Triết học là những bước nhảy của nhân loại. Các triết gia cổ đại của Ấn Độ đã rất có lý khi tạo nên thần tượng Shiva với một điệu nhảy cuồng nhiệt mà sau này những người Khmer đã lấy cảm hứng từ đó để tạo nên vũ điệu Apsara đại diện cho nền văn hoá của họ. Đó là sự hân hoan của một con người vừa được khai ngộ.

Đức Phật thì kết thúc Bát Nhã tâm kinh bằng cách khuyên người ta hãy nhảy một bước quyết định để sang bờ bên kia của sinh tử luân hồi, với một bài thần chú nổi tiếng: “Gate, gate. Pàragate. Pàrasaṃgate. Bodhi svàhà” (Vượt qua, vượt qua. Vượt qua bờ bên kia. Vượt qua hoàn toàn bờ kia. Và thành tựu tuệ giác).

Bước nhảy vượt sóng này đã được Đức Phật chuẩn bị tâm lý rất kỹ cho hành giả với lời giới thiệu trước khi đọc thần chú: “Cố tri Bát nhã Ba-la-mật-đa, thị đại thần chú, thị đại minh chú, thị vô thượng chú, thị vô đẳng đẳng chú, năng trừ nhất thiết khổ, chân thật bất hư”. Tại sao đức Phật lại chú trọng chuẩn bị tâm lý cho hành giả một cách đặc biệt bằng những lời tán thán công đức thần chú như thế? Vì đó là bước nhảy cuối cùng, bước nhảy định mệnh, không cho phép hành giả “rớt đài”! Ví như một hành giả chứng đắc Tứ Thiền, cần nhảy một bước quyết định vào Ngũ Bất Hoàn Thiên chứng quả vị A la hán, nếu không thì sẽ nhập cảnh giới của tà đạo, tiếp tục trôi lăn sanh tử trong luân hồi! Bước nhảy cuối cùng quan trọng như thế nên không chỉ Phật mà tất cả các bậc Thánh đều có những lời khuyên dành cho hành giả trên con đường tìm cầu giải thoát.

Karl Jaspers cũng không là ngoại lệ. Ông nhấn mạnh đến hai bước nhảy của một con người đang soi chiếu hiện sinh (chiếu kiến). Ông đã nói: “Chọn lựa tức là nhảy!”.

Bước nhảy thứ nhất từ con người vật chất lên con người tinh thần. Đó bước nhảy từ cuộc sống thoả mãn dục lạc của thể xác lên cuộc sống hỷ lạc của tinh thần. Tinh thần cũng cần được bồi dưỡng như thể xác. Nhà Phật gọi là pháp hỷ của “Thiền duyệt thực”, Jaspers gọi là trú xứ của “tinh thần hiện sinh”, tức tìm thấy được cái tôi thực sự của mình.

Bước nhảy thứ hai, theo Jaspers, là nhảy từ con người hiện sinh vào Siêu Việt tính. Ông nói: “Trong đà đi lên, sẽ có lúc con người bị chặn lại bởi những tình trạng giới hạn (situations limites). Khi đó con người phải nhảy cái cuối cùng. Nhảy vào Siêu Việt tính”. Bước nhảy này là bước nhảy dành cho “con chuột ở đầu sào”, “con mãnh sư trên mõm đá”. Không nhảy thì chết! Cái chết của hành giả đứng ở cảnh giới Tứ thiền mà không quyết định nhảy qua bờ bên kia nên trở lại luân hồi sanh tử. Chính vì nó khả thiết như thế nên đức Phật dành “bước nhảy” để kết luận Bát Nhã tâm kinh Gate, gate. Pàragate. Pàrasaṃgate. Bodhi svàhà”.

Jaspers đã quán chiếu đến điểm tận cùng của cuộc thăng hoa nhân tính. Thấy được chỗ mà đức Phật đã nhấn mạnh từ hơn 2.000 năm trước. Tất cả các bậc Thánh nhân đều phải nhảy bước nhảy cuối cùng này. Không có ai đứng yên một chỗ mà trở thành bậc Thánh được.

Phật đã nhảy từ bờ này sang bờ kia của dòng sông sanh tử.

Chúa đã nhảy lên núi Sọ với cây Thánh giá trên lưng.

Thần Shiva đã nhảy lên đầu rắn thần để cứu nguy cho nhân loại.

Lão Tử đã nhảy vào sa mạc sau khi để lại phía sau bộ Đạo Đức kinh.

Khổng Tử đã nhảy từ Nhân đạo lên Thiên đạo.

Jaspers nhảy từ Hiện Sinh vào Siêu Việt tính.

Và con chim Hồng trong quẻ Tiệm của kinh Dịch nhảy từ bờ sông ngập nước lên đỉnh Thái Sơn rồi vỗ cánh bay vào hư không, bỏ lại chiếc lông cánh màu đỏ rực rỡ để con người nhặt lấy, trang điểm cho đời mình một giấc mộng phù hoa.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 14)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 167
    • Số lượt truy cập : 7076620