Thông tin

ĐÔI ĐIỀU VỀ PHẬT GIÁO XỨ NGHỆ

 

TT.TS. THÍCH THANH ĐẠT*

  

Địa danh Xứ Nghệ

Xứ Nghệ là tên chung của vùng Hoan Châu thời Đường1. Danh xưng Nghệ An có từ năm 1030 thời vua Lý Thái Tông. Lúc đó gọi là Nghệ An châu trại, sau đổi thành trại Nghệ An, rồi Nghệ An phủ, Nghệ An thừa tuyên. Năm 1490, vua Lê Thánh Tông đổi tên từ Nghệ An thừa tuyên thành xứ Nghệ An (gọi tắt là xứ Nghệ) đồng thời với các đơn vị hành chính khác lúc bấy giờ như: xứ Kinh Bắc, xứ Sơn Nam, xứ Đông, xứ Đoài, xứ Thanh Hóa, xứ Lạng Sơn,v.v... Năm 1831, thời vua Minh Mệnh, xứ Nghệ tách thành hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Năm 1976, hai tỉnh lại hợp thành tỉnh Nghệ Tĩnh. Năm 1991, tách ra thành Nghệ An và Hà Tĩnh như ngày nay.

Nói đến văn hóa xứ Nghệ là bao gồm cả Nghệ AnHà Tĩnh. Hai tỉnh này cùng chung một vùng văn hóa gọi là văn hóa Lam Hồng, có chung biểu tượng là núi Hồng - sông Lam. Núi Hồng Lĩnh nằm trọn trong đất Hà Tĩnh và sông Lam nằm ở ranh giới giữa Nghệ An và Hà Tĩnh. Trung tâm của xứ Nghệ nằm ở hai bên dòng sông Lam là phủ Đức Quang và phủ Anh Đô khi xưa, tức là các huyện Hương Sơn, Đức Thọ, Can Lộc, Nghi Xuân, thị xã Hồng Lĩnh của Hà Tĩnh và các huyện Thanh Chương, Nghi Lộc, thành phố Vinh, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Đô Lương, Anh Sơn của Nghệ An ngày nay. 

Phật giáo xứ Nghệ

Phật giáo truyền vào nước ta cách nay khoảng 2.000 năm. Còn riêng Phật giáo xứ Nghệ, căn cứ vào tài liệu xưa nhất là tác phẩm Thiền uyển tập anh viết vào thời Trần cho biết, ở xứ này đã sinh ra một số vị danh tăng kế đăng và hoằng pháp của hai dòng thiền chính thống truyền vào nước ta là Tì Ni Đa Lưu Chi và Vô Ngôn Thông. Chuyện ghi rằng, Thiền sư Pháp Hiền (?-626) được vua nhà Tùy ban tặng xá lợi Phật và các hòm sắc điệp. Sư chia một phần xá lợi Phật rước vào đây xây tháp để thờ.  

Theo nhà nghiên cứu Ninh Viết Giao, chùa Nhạn Sơn và ngôi tháp Nhạn trên quả đồi ở thôn Tháp Bàn, xã Nhạn Tháp (nay xã Hồng Long, huyện Nam Đàn) dựng năm 633 thời Đường và được trùng tu dưới thời Trần. Lần khai quật gần đây của Viện Khảo cổ học và Bảo tàng Tổng hợp Nghệ Tĩnh đã tìm thấy trong tháp có “Xá lợi đựng trong một hộp nhỏ bằng kim khí quý, hộp này đặt trong một đoạn gỗ samu lộng ruột, chôn đứng ngay dưới chân tháp khoảng 10 mét”. Phải chăng đây là xá lợi Phật mà vua nhà Tùy ban cho Phật giáo nước ta lúc đó. Thiền uyển tập anh ghi rõ: “Thứ sử nhà Tùy là Lưu Phương tâu về triều đình. Tùy Cao Tổ từ lâu đã nghe tiếng người nước Nam này sùng chuộng đạo Phật, đã có các bậc cao tăng vọng đức, bèn sai sứ đem xá lợi Phật và năm hòm sắc điệp sang ban cho sư để xây tháp cúng dàng. Sư bèn chia xá lợi cho chùa Pháp Vân ở Luy Lâu và các chùa có tiếng ở các châu Phong, Hoan, Trường Ái để dựng tháp thờ”. Nếu quả đúng như vậy, thì nơi đây có được bảo vật Phật giáo cổ nhất ở nước ta từ xưa tới nay.

Nhân đây, chúng tôi xin được giới thiệu khái lược về một số thiền sư xuất xứ hoặc liên quan tới xứ Nghệ. Theo Thiền uyển tập anh, Thiền sư Ma Ha thuộc thế hệ thứ 10 dòng thiền Vô Ngôn Thông, vốn người Chiêm Thành, ở chùa Quan Ái, hương Đào Gia, Cổ Miệt, giỏi cả chữ Hán và chữ Phạn. Sau sư đến thụ giáo với Thiền sư Đỗ Pháp Thuận, chuyên tu pháp môn Tổng trì tam muội, đắc thần thông. Vua Lê Đại Hành nghe tiếng rất vọng trọng, mời sư vào triều để hỏi việc nước, nhưng sư không nói, vua tức giận sai người bắt giam sư, cũng không được, đành phải để sư tự do đi lại. Sư chữa bệnh hủi rất linh nghiệm. Năm 1033, sư trở về Hoan Châu hành đạo.

Thiền sư Y Sơn (?-1213): chùa Đại Từ, Đại Thông trường, huyện Long Phúc. Sư người Cẩm Hương, phủ Nghệ An; năm 13 tuổi xuất gia tại bản hương với một vị trưởng lão, rồi đắc pháp với Quốc sư Viên Thông. Ông thuộc thế hệ thứ 19 dòng thiền Tì Ni Đa Lưu Chi. Cuối đời, sư trở về chùa Nam Mô, hương Yên Lãng.

Thiền sư Tịnh Giới (?-1207): chùa Quốc Thanh, núi Bí Linh, phủ Nghệ An. Ông thuộc thế hệ thứ 10 dòng thiền Tì Ni Đa Lưu Chi; đắc pháp với Thiền sư Bảo Giác, có phép lạ hàng long, phục hổ, cảm hóa thần thông. Châu mục Phạm Từ rất kính mộ ông. Vua Lý Cao Tông từng mời ông về kinh lễ đảo vũ, rất linh nghiệm. Sau sư trở về bản hương trùng tu chùa Quảng Thánh.

Thiền sư Hiện Quang (?-1221): núi Yên Tử. Ông thuộc thế hệ thứ 14 dòng thiền Vô Ngôn Thông; người kinh đô Thăng Long, năm 11 tuổi là đệ tử của Thiền sư Thường Chiếu chùa Lục Tổ. Sư giỏi cả Tam giáo (Phật-Lão-Nho), đắc pháp với Thiền sư Trí Thông chùa Thánh Quả, sau vào núi Uyên Trừng phủ Nghệ An, thụ cụ túc giới với Thiền sư Pháp Giới, rồi về núi Yên Tử (Quảng Ninh). Vua Lý Huệ Tông kính trọng đức vọng của sư, nhiều lần đưa lễ vật đến mời về kinh, nhưng ông đều từ chối. Theo Thiền tông chỉ nam tựKế đăng lục, ông chính là người khai sơn cho Phật giáo Yên Tử, đã có ảnh hưởng lớn đến vương triều thời Trần2, trong đó có sự ra đời của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử mà vua Trần Nhân Tông là người sáng lập.

Vào cuối thế kỷ XVII, cũng tại mảnh đất xứ Nghệ đã sinh ra một vị danh tăng nổi tiếng khắp cả Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài là Thiền sư Hương Hải (1627-1715). Ông vốn là người làng Áng Ðộ, huyện Chân Phúc (sau đổi là Chân Lộc, rồi Nghi Lộc), tỉnh Nghệ An. Tổ tiên ông làm quan theo Nguyễn Hoàng vào trấn thủ miền Nam từ giữa thế kỷ XVI. Ông thi đỗ Cử nhân, được bổ làm quan tại Quảng Trị. Sau đó, ông xuất gia với Thiền sư Viên Cảnh. Danh tiếng của ông ngày càng lớn, chúa Nguyễn làm chùa mời ông về Phú Xuân giảng đạo, các đệ tử xuất gia, tại gia theo học ngày càng đông. Sau do chúa Nguyễn hiểu lầm, ông cùng 50 đệ tử quyết định vượt biển ra Đàng Ngoài, cũng được vua Lê-chúa Trịnh kính mộ hậu đãi3. Chùa Nguyệt Đường, trấn Sơn Nam (thành phố Hưng Yên nay) là trung tâm hoằng pháp độ sinh của ông.

Từ thế kỷ XVIII đến nửa đầu thế kỷ XX, xứ Nghệ cũng như nhiều xứ khác, làng nào cũng có chùa. Chùa là nơi tu tập hướng thiện, là trung tâm văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của cộng đồng. Theo nhà nghiên cứu Ninh Viết Giao, dưới thời Bắc thuộc, riêng ở Quỳnh Lưu  đã có hơn 10 chùa như chùa Trả ở Quỳnh Dị, chùa Bình An ở Quỳnh Thiện, chùa Đồng Bạc ở Quỳnh Vinh, chùa Kim Lung ở Mai Hùng, chùa Lão ở Quỳnh Trang… Và nhiều ngôi chùa khác ở Diễn Châu, Yên Thành… Tuy nhiên, các chùa cổ này đến nay không còn nữa.

Dưới triều Lý, xứ Nghệ có các ngôi chùa như: chùa Già ở xã Đà Sơn, huyện Đô Lương do Tể tướng Lý Đạo Thành dựng; chùa Bà Bụt ở xã Bạch Ngọc, do tướng Lý Nhật Quang dựng; chùa Yên Thái ở làng Thanh Sơn, xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu; chùa Vườn ở thị trấn Đô Lương,v.v…

Ở thời Trần, xứ Nghệ có chùa Mụ Nghễnh ở Trường Hậu (Quỳnh Lâm); chùa Đế Thích, chùa Ốc ở Phú Nghĩa, chùa Nổ ở Hải Lệ (Quỳnh Lộc); chùa Cù ở Đông Hồi, chùa Bà, chùa Ông ở Hữu Lập (Quỳnh Lập), huyện Quỳnh Lưu,v.v…

Sang thời Lê, thế kỷ XV, xứ Nghệ có chùa Tiên Lữ ở xã Đức Lạc và chùa Diên Quang ở xã Đức Hòa, huyện Đức Thọ do Hoàng hậu đứng ra xây dựng. Thời Lê Trung Hưng có các chùa Hiến Sơn, nay thuộc xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên dựng vào thế kỷ XVI; chùa Bảo Quang, nay thuộc xã Hưng Phú trùng tu năm 1614. Các chùa này đều do vương công phát tâm xây dựng và trùng tu. Ngoài ra, xứ Nghệ giai đoạn này còn có nhiều chùa khác như chùa Quang Phúc ở xã Hưng Khánh trùng tu 1599; chùa Viên Quang ở xã Thanh Thủy, huyện Nam Đàn dựng năm 1607; chùa Long Khánh ở xã Hưng Xuân, huyện Hưng Nguyên trùng tu vào năm 1612; chùa Ngọc Đình ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn dựng năm 1621; chùa Tĩnh Lâm ở xã Thạch Lâm, thị xã Thạch Hà dựng năm 1631; chùa Phổ Am ở phường Nghi Tân, thị xã Cửa Lò dựng năm 1716; chùa Lý Chân ở xã Thuần Trung, huyện Đô Lương dựng năm 1762. Chùa Diệc ở thành phố Vinh dựng 1870 dưới triều Nguyễn.

Nhà nghiên cứu Ninh Viết Giao dẫn Công báo kinh tế Đông Dương, tháng 11 năm 1930 cho biết, riêng huyện Quỳnh Lưu có 4 tổng, gồm 78 làng thì đã có 72 ngôi chùa.

Như vậy, có thể thấy, đạo Phật truyền vào xứ Nghệ khá sớm, nhiều chùa chiền được xây dựng và tồn tại đến tận sau này. 

Phật giáo xứ Nghệ ngày nay

Như chúng ta đã biết, sau nhiều năm vận động và chuẩn bị, cuối cùng Tỉnh hội Phật giáo Nghệ An cũng được thành lập. Theo báo cáo của Thượng tọa Thích Thọ Lạc, Tổng hợp tình hình Phật giáo Nghệ An và Chương trình hoạt động Phật sự của Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Nghệ An lần thứ nhất (2011-2016) cho biết: “…Từ năm 1981 đến nay, các cấp chính quyền địa phương đã xúc tiến việc kiện toàn tổ chức Phật giáo tại Nghệ An. Song, do sự ảnh hưởng của hai cuộc chiến tranh quá lớn, cơ sở tự viện của Phật giáo hầu hết không còn. Đây là khó khăn và trở ngại lớn nhất đối với Giáo hội.

 Giáo hội đã có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm tạo điều kiện cho việc phục hồi hoạt động Phật sự của các cơ sở tự viện đã bị hủy hoại bởi thời gian và chiến tranh. Đồng thời động viên Tăng ni tại các tỉnh, thành hội khác về đảm nhiệm trụ trì các cơ sở tự viện để phục hồi cơ sở của Giáo hội tại địa phương, bổ nhiệm trụ trì chùa Ân Hậu thuộc thành phố Vinh cho Đại đức Thích Minh Trí; bổ nhiệm trụ trì chùa  Đại Tuệ thuộc huyện Nam Đàn cho Thượng tọa Thích Thọ Lạc; bổ nhiệm trụ trì chùa Lô Sơn thuộc thị xã Cửa Lò cho Đại đức Thích Minh Hương,…

 Phương hướng công tác Phật sự nhiệm kỳ I (2011-2016) của Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Nghệ An là: Kiện toàn tổ chức nhân sự ở cấp tỉnh, phát triển đến cấp huyện hội và cơ sở tự viện. Hướng dẫn tín đồ Phật tử tu học theo đúng chính pháp và bài trừ các hủ tục mê tín dị đoan. Rà soát thống kê cơ sở tự viện tại các xã, tổ chức trùng tu các cơ sở tự viện đã bị hủy hoại và phục hồi các hoạt động Phật sự. Tổ chức tốt các chương trình công tác từ thiện xã hội, tham gia các hoạt động nhân đạo…”.

Trong danh sách Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Nghệ An gồm 10 vị, ngoài một số vị danh tăng trong Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam được cử vào hỗ trợ, thì phần nhiều là các vị sư trẻ mới được bổ nhiệm từ các tỉnh khác về đây trụ trì. Điều này cho thấy, tu sĩ Phật giáo ở Nghệ An đang thiếu vắng, chùa chiền bị phá hủy quá nhiều. Đây vừa là sự thách thức lớn đối với Ban Trị sự, nhưng cũng vừa là cơ hội cho việc phục hưng văn hóa dân tộc nói chung, Phật giáo Nghệ An nói riêng.

Như trên đã trình bày, Phật giáo xứ Nghệ đã có bề dày lịch sử lâu đời, cũng chịu những thăng trầm cùng dân tộc, nhất là hai cuộc kháng chiến chống Pháp-Mỹ vừa qua, nhiều cơ sở hạ tầng bị tàn phá, các thế hệ tiếp nối thưa vắng. Chính vì thế mà nhà nghiên cứu Ninh Viết Giao tán đồng với tác giả Nghệ An ký cho rằng: “Có lẽ Bùi Dương Lịch nói đúng. Người xứ Nghệ không tôn sùng đạo Phật lắm. Cho nên giờ đây ấn tượng về chùa chiền, về tu hành, về ăn chay giữ giới, về Đức Phật và các Thánh chúng, về các vị sư…không ăn sâu trong đầu óc họ, không để lại trong tâm khảm họ một ý niệm cụ thể về chùa chiền, về Phật giáo”. Theo tôi, lời nhận định này, chưa hẳn đã xác đáng và có chăng chỉ đúng trong vài thập kỷ vừa qua.

Như chúng ta đã biết, Phật giáo hiện nay không còn mang tính truyền thống địa phương hay của một nước hoặc khu vực, mà đã trở thành tư tưởng lớn để giải quyết những vấn nạn có tính toàn cầu: an ninh, đói nghèo, đạo đức, môi trường, xã hội; đã được Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-Moon hằng năm gửi thông điệp đến Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc. Cũng nhưNghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Mong rằng, xứ Nghệ sớm phục hồi và phát huy được những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, nhất là văn hóa Phật giáo, góp phần xây dựng con người an lạc, đất nước phát triển bền vững.

 


Chú thích:

1. Châu Hoan có 4 huyện: Cửu Đức, Phổ Dương, Việt Thường, Hoài Hoan.

2. Năm 1236, vua Trần Thái Tông trốn lên núi Yên Tử gặp Quốc sư phái Trúc Lâm- Đệ tử Thiền sư Hiện Quang, xin tu. Quốc sư bảo: “Trong núi vốn không có Phật. Phật ở ngay trong lòng. Lòng lặng lẽ mà hiểu, đó chính là chân Phật. Nay nếu bệ hạ giác ngộ điều đó thì lập tức thành Phật, không cần khổ công tìm kiếm bên ngoài”. Trước khi ra về, “Quốc sư cầm tay trẫm nói: “Phàm là bậc nhân quân tất phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình; lấy tấm lòng của thiên hạ làm tấm lòng của mình”. Phải chăng lời chỉ bảo này đã định hướng việc trị quốc an dân cho các vua triều Trần, dựng nên một trang sử huy hoàng cho Phật giáo Việt Nam giai đoạn này. Và triều Trần cũng là một triều đại “thân dân” hào hùng nhất trong lịch sử Việt Nam.

3. Thiền sư Hương Hải có đến 1.300 đệ tử nối pháp khắp cả nước. Khi ra đến  Đàng Ngoài được vua-chúa kính mộ mời về chùa, cung cấp thực phẩm, kinh phí, vật dụng cho cả đoàn. Với 20 tác phẩm để lại cho đời, trong đó có bài kệ trả lời vua Lê Dụ Tông được lưu truyền mãi mãi. Vua hỏi: Thế nào là thâm ý của Phật ? Sư đáp (dịch): Nhạn bay ngang trời. Bóng chim đầm lạnh. Nhạn không có ý để lại dấu tích. Nước không có ý lưu bóng hình.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Thiền uyển tập anh, Ngô Đức Thọ dịch, Nxb Văn Học, Hà Nội 1990.

2. Lịch triều hiến chương loại chí, tập I, Phan Huy Chú. Nxb Khoa học xã hội.

3. Thơ văn Lý-Trần, tập II. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 1989.

4. Đại Nam thiền uyển kế đăng lục, quyển Hạ (bản chữ Hán), ký hiệu VHc 01494

5. Thiền sư Việt Nam, Hòa thượng Thích Thanh Từ, Nxb Tôn giáo 2004

6. Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 1/2008



* Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 222
    • Số lượt truy cập : 6948094