Thông tin

ĐÔI DÒNG VỀ RƯỢU!

 

HOÀNG VĂN LỄ

 


 

1. Trong đạo đức Phật giáo, ngũ giới cho cư sĩ và nhất là giới dành riêng tu sĩ: rượu là đối tượng bài trừ, là giới cấm.

Theo Tự điển Phật học Hoa sen, giới cấm uống rượu ra đời trong hoàn cảnh như sau: “Có vị tỷ kheo tên là Sāgata trong một dịp thuần hóa được một con rắn hổ mang hung dữ bằng năng lực tinh thần của mình, nên được mọi người xung quanh khen ngợi và mời uống rượu chúc mừng. Vì quá say nên vị tỷ kheo đó đã nằm lăn tại cổng thành. Những tỷ kheo khác biết được đã khiêng anh ta về tu viện trong một tình trạng hết sức tệ hại. Khi đức Phật đến thì Sāgata vẫn còn nằm sóng soài, không thể đứng dậy nổi, hai chân hướng thẳng về đức Thế Tôn. Nếu không say rượu, Sāgata đã không có thái độ bất kính này.

Sau đó, đức Phật đã hỏi những tỷ kheo khác về chuyện này: “Trước đây, tỷ kheo này có lối cư xử bất kính đối với Như Lai như vậy không?”. Họ đáp rằng: “Dạ không, thưa Thế Tôn”. “Vậy nguyên nhân gì khiến tỷ kheo Sāgata thay đổi thái độ như thế?”. “Dạ đó là hậu quả của việc uống rượu”. Sau đó, Ngài đã giảng cho các vị tỷ kheo về tác hại của các chất làm say sẽ khiến cho những ai sử dụng chúng đều dẫn tới lối cư xử tệ hại, hạ nhân cách của chính mình cũng như nhân cách của người khác.

Nhân trường hợp này, đức Phật đã chế giới cấm uống tất cả các loại nước có chất say, dù có lên men hay không. Những chất dẫn tới say, dẫn tới uể oải tâm trí và mất tự chủ bản thân đều nằm trong diện ngăn cấm này. Người phật tử không nên kinh doanh những chất này cũng như mời người khác uống nước có chất làm say”.

Tai hại do rượu có thể kể ra hàng ngàn trang sách, “nam bất tửu” như “kỳ vô phong” là một nhìn nhận và thái độ của cộng đồng thời phong kiến có ý khuyến khích, rồi nữ giới cũng say sưa… là biểu hiện trái với đạo đức Phật giáo. Dù rằng: rượu sớm được dùng trong cúng tế, trong các cuộc vui trong xã hội. Tai hại của đời một người hoặc cả nhóm người và cộng đồng xã hội rất lớn; khi say sưa (nay gọi là “xỉn”) gây tai ương đột biến, hoặc bệnh khó trị gần cuối đời… Ai cũng có thể nhìn thấy sự tai hại đó; đức Phật sớm ra giới luật này từ hiện thực; ngày nay được mở rộng ra rượu và các chất say, chất gây nghiện độc hại như ma túy…

Không riêng gì Phật giáo, có giáo hội như Mormon, nguồn gốc theo đạo Thiên Chúa cũng ra như giới luật đạo Phật, tức không được uống rượu. Khi thế vận hội mùa Đông tổ chức ở tiểu bang Utah, thành phố Salt Lake, thủ phủ của tiểu bang này, đồng thời là khởi điểm của Mormon, phải tạm điều chỉnh luật cho phép bán rượu. Song chỉ bán cho người ngoài thành phố đến dự cuộc thi tài.

2. Về rượu: Việt Nam có bài hát “Ly rượu mừng” của Phạm Đình Chương, sáng tác năm 1952, bấy giờ cuộc kháng chiến chống Pháp sắp đến hồi kết, nhưng chưa lường trước thế nào. Lời bài hát là ước nguyện của đông đảo nhân dân Việt Nam vào ngày đầu xuân, ngày Tết cổ truyền của nhân dân ta, tính nhân văn rất sâu đậm. Ly rượu mừng là ly rượu vui, chan chứa tình cảm, ứng với nhiều đối tượng: khởi đầu là nông dân, thương gia, công nhân, binh sĩ, bà mẹ già mong con về, người mẹ hiền, đôi uyên ương, non sông hòa bình, thanh bình, cuối cùng chúc muôn người hạnh phúc. Lời bài hát có trình tự theo nhãn quan của nhạc sĩ và bối cảnh thực tế của vùng tạm chiếm thời kháng chiến, ca từ êm đềm, du dương... Những năm tháng chiến đấu giải phóng dân tộc, bài hát “mừng” này không được phổ biến vùng kháng chiến. Sau ngày hòa bình, thống nhất đất nước, từng bước khơi lại để ngày Tết thêm vui, lời ca nhân văn đến với đông đảo mọi người.

Rượu thuốc, tức rượu có ngâm các vị thuốc, ngâm các con vật, cây trồng có giá trị dược liệu; công dụng từ xoa bóp ngoài da, xương khớp đến uống vào cơ thể để điều trị lục phủ ngũ tạng, tăng cường sức khỏe… Bạn nghiện nhậu có hũ rượu thuốc đặc trưng, mùi vị thuốc hạn hữu vì bị trích uống liên miên, uống vì rượu không phải vì thuốc nên hại nhiều hơn lợi.

Nam bộ có khẩu ngữ của bạn nhậu “dzô”, tức cùng uống cùng tiếng cười nói rôm rả, hoặc “100 phần 100” tức nốc cạn; dần dần thành quen thuộc đến mức gần như mọi người cùng hô để uống trên bàn tiệc mừng điều gì đó của đơn vị, của gia đình… Kiểu văn hóa nhậu khá vui tươi, nhiều lúc bị chê trách, thường thì dung hòa, vui mà. Rượu vào, lời ra nên trên bàn nhậu thường rất xung khí, nhiều câu chuyện tưởng tượng, suy đoán hài hước xuất phát từ đây…

Xét các khía cạnh trên trong đời sống cá nhân và cộng đồng: rượu lắm ý nghĩa trong xã hội có nhiều thể chế khác nhau; chê nhiều hơn với đồng hội đồng thuyền.

3. Qua các câu chuyện nêu trên, cự ly có khác nhau song rượu rõ ràng là nguy hại, cái nguy hại ngay tức thì và nguy hại về sau là không tránh khỏi. Rượu vào lời ra, rồi khích bác nhau, thách thức nhau, ẩu đả nhau, có khi đến mức thương vong; hoặc khi đã say, không còn nhận thức chuẩn mực, rơi vào hành động vi phạm luật pháp, vi phạm đạo đức cộng đồng. Tất nhiên, việc không thiện lành sẽ nhận được quả báo ác như một điều tự nhiên.

Có văn hóa rượu không? Rượu là văn hóa, sử dụng đúng chỗ, đúng liều lượng và biết dừng… là văn hóa, tính nhân văn đó thể hiện ở người trí. Tuy vậy, giới cấm rượu rất khắt khe trong đạo Phật, ngay vì lễ hội cũng không được phạm giới, chỉ dùng rượu khi chữa bệnh và trình báo tăng đoàn đúng mực. Với giới cư sĩ, trong ngũ giới có không uống rượu, tuy khuyên răn là chính, nhưng hạn chế mức độ là yêu cầu, tự mình kiểm soát. Mức độ nào là chuẩn thật khó lường, mỗi người có tửu lượng khác nhau, phụ thuộc vào sức khỏe, nhưng khác nhau khá lớn. Dùng rượu có văn hóa, một bài toán dễ sai lầm đối với người nghiện rượu, hoặc không nghiện nhưng thấy thiếu gì đó trong bữa tiệc, một chút rượu vào như lân vào trống trận. Rượu nguy hiểm ở chỗ không say, đến say chút ít, say đứ đừ; rồi độ rượu tăng theo thời gian, có thể thành nghiện, tai hại tất đến. Dù kiềm chế thế nào đi nữa, tuổi già đau yếu với người uống rượu, nghiện rượu thường khó trị liệu hơn; luôn luôn hại, không thể bù đắp, sửa chữa được. Thế là ác; do đó tiết chế rượu là thực tế đạo đức của mọi người.

Nghiệm trong cuộc sống, đồng thời với lời dạy và giới cấm của Đức Phật: không uống rượu là hành xử tốt nhất.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 49
    • Số lượt truy cập : 6952420