Thông tin

ĐÔI LỜI SUY NGẪM

 

GS. VŨ NGỌC KHÁNH

 

Lâu nay, thông thường các sách sưu tầm chú giải những tác phẩm chữ Hán, chữ Nôm của văn học nước ta, đều chuyên hẳn về một lối: Hoặc chú giải điển tích, hoặc bình luận văn chương và rút ra những kết luận tổng quát về tư tưởng và nghệ thuật. Nhưng lần này - nghĩa là phải kể từ năm 1943, chúng ta có được một công trình khác hẳn: Cuốn sách Giải thích truyện Quan Âm Thị Kính của Thiều Chửu (1902 - 1954). Sách được Ban Xây dựng chùa Hương xuất bản năm 1943 (tái bản năm 1997), và nhà in Đuốc Tuệ ấn hành năm 1946. Tuy đã được ra đời vài ba lần như thế, song thực ra, bạn đọc rộng rãi vẫn chưa thực sự được làm quen với sách (vì lý do gì, ta sẽ nói sau). Lần này, nhân dịp kỷ niệm một trăm năm sinh của tác giả, chúng ta lại cho tái bản sách này. Tôi xin được có đôi lời suy nghĩ để cùng trao đổi với bạn đọc xa gần. Với những người chuyên môn nghiên cứu học thuật văn chương, tôi hy vọng cùng nhau nhất trí về một vài phát hiện. Với các bạn khác, cùng trong thế giới chúng sinh, biết đâu ta lại điều tra được cái Bát Nhã Chân Trí vốn ở trong mình, nhưng phải có sách, có kinh thì mới thêm thuộc được ánh sáng trực chỉ chân tâm để đi lên bờ giác.

Tác giả Thiều Chửu, chính tên là Nguyễn Hữu Kha, một pháp sư1, một cư sĩ Phật giáo, đồng thời là một học giả uyên bác. Tiểu sử và hành trạng của ông đã có nhiều sách báo nói đến, và trong dịp kỷ niệm này, chúng ta sẽ còn được rõ thêm. Ông được công nhận là một con người đẹp với đức độ thanh cao, với lòng nhân ái bao la: Dạy đời, giúp đời không hề mỏi mệt. Ông là một gương sáng kết hợp tinh thần yêu nước với đạo Thiền. Riêng về mặt học thuật, tên tuổi của ông trở nên quen thuộc với bộ Hán Việt Tự điển Đuốc Tuệ 1942, (tái bản nhiều lần từ 1957 đến 1999). Cuốn sách Giải thích truyện Quan Âm Thị Kính này cũng có thể xem là một đóng góp sáng giá nữa.

Như đã nói trên, ta biết rằng lâu nay việc chú giải các sách Hán Nôm, là hoàn toàn đi theo giác độ diễn giảng văn học. Người sưu tầm phải đi vào văn bản học; người chú thích phải làm công việc tìm tòi điển tích, ý nghĩa; người bình luận phải đi vào nội dung và nghệ thuật. Còn đi sâu vào nghiên cứu, phải đặt thành một chuyên đề, phần lớn là có thể thành một công trình riêng, chỉ nhắc đến văn bản, chứ không phải giảng giải văn bản từ đầu đến cuối. Thiều Chửu đã có một sáng kiến khác hẳn. Ông bám sát tác phẩm, vừa làm công việc chú thích từng chữ từng câu, vừa cắt tác phẩm ra từng đoạn để đi vào bình luận, tìm tòi chủ ý của từng đoạn ấy, để phát huy ý nghĩa tinh thần của từng đoạn văn, theo cách tiếp cận của các môn đồ khi tiếp thu lời giáo chủ. Từ xưa, và ngày nay cũng vậy, không ai làm công việc khảo thích văn bản theo cung cách này. Tôi nghĩ rằng đó là một cái mới đối với phương pháp nghiên cứu văn bản. Phương pháp ấy có nên bắt chước không, có đưa tới thành công không? Chưa có ai làm được Tôi đặc biệt chú ý tới một điều, có lẽ là vô cùng quan trọng. Thiều Chửu không xem Quan Âm Thị Kính là một tác phẩm văn học, như cách ta hiểu lâu nay. Ông gọi đó là một kinh. Một kinh Phật ở Việt Nam. Thời gian sau này sẽ chứng minh nhận định của ông được tán thành đến đâu. Riêng tôi, tôi nghĩ là một ý kiến rất nên trân trọng. Ta đã biết lâu nay, khi đọc sách Nho, ta thấy có Ngũ Kinh. Theo các đạo Phật, đạo Thiên Chúa, đạo Hồi, ta được tiếp nhận cả một kho tàng kinh sách đồ sộ: kinh Phật, kinh Cơ đốc, kinh Coran v.v... Những kinh ấy có phải của các Phật tổ, các Chúa, Thánh thần viết ra không? Không. Đó chỉ là những lời ghi chép của những người đời sau. Thế ở Việt Nam thì sao? Sao ở nước ta lại không có những kinh riêng của mình: Cùng những loại sáng tác như thế ở nước ngoài đưa sang thì ta cho là kinh, còn ở nước mình thì cứ cho là không có. Ta không công nhận là kinh, mà chỉ xem là loại truyện, hoặc bài văn cúng của các cung văn mà thôi. Rõ ràng là bất công và vô lý. Thiều Chửu gọi Quan Âm Thị Kính là một kinh, rõ ràng là có một tinh thần dân tộc rất cao. Những ai cứ tưởng rằng Việt nam chúng ta không có đạo riêng, không có kinh kệ v.v... phải tìm đọc Thiều Chửu để suy nghĩ lại. Tôi cũng xin được mở vòng đơn ở đây để nói rằng những điều tôi đã nói trong cuốn Đạo Thánh ở Việt nam (NXB Văn hoá Thông tin, HN 2002) khẳng định nước ta có kinh kệ hẳn hoi, kinh bản địa chứ không phải kinh ngoại lai, là hoàn toàn phù hợp với sự hiểu biết sâu xa của Thiều Chửu. Xin cảm ơn ông về điều đó.

Tôi vừa nhắc đến vấn đề Đạo. Tôi nghĩ rằng dù học tập nghiêm túc, dù là môn đồ trung thành với các giáo lý bên ngoài đưa vào, những người Việt Nam vẫn cứ có cái bản lĩnh của Việt Nam, để chọn cái gì đúng là đạo của dân tộc mình. Nguyễn Trãi, Nguyễn Đình Chiểu là nhà Nho, nhưng cái Nho của các vị này khác với Khổng Mạnh, với Hán Nho, Tống Nho. Đối với Phật giáo cũng vậy. Ta có thể nghĩ đến giáo phái Trúc Lâm với quan niệm “Cư trần lạc đạo”, nếu đi sâu thì phát hiện được cái riêng của mình. Với Thiều Chửu cũng vậy. Ông đã rất quan tâm, rất tâm đắc với Lục tổ Đàn kinh, đã dịch nhiều kinh Phật, mà đặc biệt lại tìm được Con đường học Phật thế kỷ 20 (Đuốc Tuệ 1952) để nhận ra được cái nền của Phật giáo nhân gian hiện đại. Sự tuỳ duyên bất biến nơi ông là có phần sáng tạo rõ ràng. Nghiên cứu triết học Việt Nam, lẽ nào không quan tâm đến vấn đề ấy.

Trở lại với cuốn Giải thích truyện Quan Âm Thị Kính, ta thấy cả tập truyện Nôm nay 788 câu này, đã được Thiều Chửu cắt ra làm 31 đoạn, mỗi đoạn như vậy được ông đặt cho một cái tên tiểu mục. Tiểu mục nào cũng đậm đà mầu sắc giáo lý của Phật Thích Ca. Truyện Thị Kính ở Việt Nam, vốn là câu truyện đời thường, miêu tả nhận thức của con người phải qua nhiều thử thách gian lao mới có thể được thành chính quả. Người không thấm nhuần, không hiểu sâu sắc đạo Phật sẽ khó mà nhận ra trong những hành động của nhân vật, những bất thường của biến cố, những rắc rối của cõi trần gian, đâu là giả hợp giả ly (câu 649 - 670) và đâu là chỉ đường chính giác (câu 1 - 12). Tôi tán thành cách hiểu của Thiều Chửu, cho rằng đoạn thơ từ câu 317 đến câu 380 là “đoạn cốt tử” trong kinh Quan Âm - (Thiều Chửu gọi là bản hạnh). Hình như trước đây, trong nhiều giờ giảng văn ở các nhà trường trung học, và cả trong nhiều cuốn văn học sử đã ra đời, người ta thường chú ý đến những câu như :

Đoái trông sự thế nực cười,

Như đem trò rối mà chơi khác gì.

Phù vân một đoá bay đi,

Khi thì áo trắng, lúc thì muông đen.

(câu 337 - 340)

Và cho đó là cái tư tưởng xem cuộc đời là phù vân ảo ảnh. Thiều Chửu đã dùng triết lý Phật giáo uyên thâm để “Chứng tỏ đạo mầu”, chỉ ra được những điểm liên hệ với kinh Kim Cương, kinh Viên Giác. Rồi từ đó ông còn phân tích được cả cái tên Kính Tâm một cách rất bình dân, mà cũng rất uyên bác: rõ ràng là vì say đạo, nên hiểu được đời. Có thể nghĩ đến chúng ta, hôm qua cũng như ngày nay, càng gần đời thì càng xa đạo.

Làm sách Giải thích truyện Quan Âm Thị Kính này, Thiều Chửu nói rằng : Khi làm các bản sách khác, ông giải theo nghĩa thế gian, còn lần này thì giải theo nghĩa xuất thế gian. Tôi hoan nghênh ý của ông, và nhận rằng đúng là ông đã giảng sách theo giáo lý Phật một cách sâu sắc, mà những người phải ít nhiều am hiểu đạo Phật mới dễ dàng tiếp cận. Nhưng tôi lại xin phép để hiểu một cách thông thường về hai chữ xuất thế. Xuất thế thường để chỉ vào các nhà tu hành.Ở đây, cuốn sách không có ý nghĩa xuất thế chút nào, mà là nhập thế hẳn hoi. Thiều Chửu, ở nhiều đoạn giảng giải, không phải chỉ biết “duyên lại là không” (câu 711 - 752) để tìm đến với “ai người mắt tuệ” (câu 691 - 698). Thiều Chửu đã khai thác văn học dân gian rất nhiều, đã tìm đến cả Khổng Mạnh và phảng phất còn thấy cả cái khắc kỷ của Zénon (nhà triết học cổ Hy Lạp, chủ trương thuyết khắc kỷ stoicisme). Ông vốn có bản lĩnh của một con người thạc học, nên điều này không lấy gì làm lạ - và ông đã làm cho cuốn truyện Nôm trở thành một bản kinh giúp cho người đời tu dưỡng (dù có theo đạo hay không). Như vậy sao lại là xuất thế được?

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 37
    • Số lượt truy cập : 6113340