Thông tin

ĐÔI MẮT MÙA XUÂN

 

ĐẶNG TRUNG CÔNG

 


 

Nhà cụ cạnh nhà tôi, cách nhau chỉ một hàng mai xanh rì. Vì thế cứ vào dịp cuối năm là tôi sốt sắng sang giúp cụ tước lá mai. Cốt là sợ cụ té ngã khi đứng trên thang, vì mai nhà cụ lâu năm nên thân cao vút. Đây còn là cơ hội để khi năm mới về, tôi được chiêm ngưỡng bức tranh mùa xuân tuyệt đẹp bởi những đóa mai vàng đỏng đảnh đong đưa trong gió xuân ấm áp. Năm nào cũng thế, cứ hễ thấy cụ lụm cụm ra bên hông nhà tước lá là tôi vội vàng chạy ra ngay. Thành thói quen, ngày 15 tháng chạp hằng năm là cụ làm cái việc thay áo cho hoàng mai. Khi tôi hỏi: "Năm nay lạnh hơn mọi năm, cụ tước lá sớm có thể mai sẽ ra hoa sớm đó". Cụ bảo: "Chẳng sao đâu cháu, chúng nó trước sau gì cũng phải tàn thôi. Sớm hay muộn chỉ là thời gian. Rồi cũng về với cội, với đất". Cụ nói rồi đưa đôi mắt già nua trổ đầy vết chân chim nhìn về nơi phố thị. Tôi hiểu, cụ đang nhắc và có vẻ trách móc những đứa con của mình.

Cụ sống một mình, trong ngôi nhà gỗ rộng thênh thang. Suốt một năm ròng, người ta chỉ nghe được tiếng trẻ con và người lớn vào dịp Tết cổ truyền. Còn ngày thường, chỉ thấy bóng dáng một ông già lom khom trồng rau, tưới cây, tập thể dục... Cụ bà rời bỏ ông để về với đất cách đây 10 năm. Ông cụ hụt hẫng, đau buồn, không còn xởi lởi, vui vẻ như ngày nào. Từ đó cụ ít nói, sống điềm tính và đôi mắt luôn man mác một nỗi buồn. Nhiều lần tôi bắt gặp cụ khóc, nhưng dường như những nỗi đau trong tuyến lệ đã tuôn quá nhiều rồi nên nước mắt thôi rơi: khô khan, đỏ ké. Con cháu chẳng ai chịu sống chung với cụ mà bỏ đi biền biệt. Với lý do mưu sinh, họ bỏ mặc ông già sống thui thủi trong căn nhà lạnh tanh. Chỉ đến cuối năm, họ mới lũ lượt kéo nhau về quê ăn Tết. Vì thế, những ngày này, người ta thường bắt gặp gương mặt cụ vui vẻ, hân hoan như hoa mùa xuân. Nhất là đôi mắt già nua, bỗng nhiên trẻ thơ đến lạ kỳ. Vết chân chim tàn nhẫn vì thời gian dường như biến mất bởi một sức mạnh vô hình. Càng cận Tết, cụ càng háo hức. Đôi mắt đong đầy yêu thương cứ dõi về nơi phố thị trông ngóng cháu con với một niềm tin yêu mãnh liệt. Rồi cụ gọi tôi sang để huyên thuyên về thằng cháu, người con đã gọi điện là vài bữa nữa về. Ai cũng nhớ cụ nhiều nhiều lắm. Tôi cảm thấy hoang mang vì những lời có cánh ấy. Nhớ cụ mà để cụ cô đơn ở tuổi xế chiều?

Rồi mọi người cũng về đoàn viên đông đủ vào ngày ba mươi Tết. Ngôi nhà cụ tràn ngập tiếng cười. Nhất là cụ, đôi mắt bừng xuân, tay bế cháu đi vòng vòng xóm thông báo rằng đại gia đình cụ đã về ăn Tết quê. Cả làng, cả xóm đều vui lây với cụ, chúc mừng muôn kiểu. Cụ hạnh phúc hơn vì sự quan tâm của bà con. Đôi mắt mùa xuân ngập chìm trong hân hoan, vui sướng cứ như trẻ con trông ngóng mẹ đi chợ về và long lanh khi nhận được hộp bánh thơm phức. Cũng phải thôi, sự mỏi mòn chờ đợi hơn 360 ngày, để rồi thỏa nguyện, dễ làm người ta trở về tuổi ngây ngô. Nhưng niềm vui ấy chẳng tày gang. Chỉ vài ngày sau cái Tết Nguyên đán nhộn nhịp, con cháu lục tục kéo nhau về thành phố làm việc, học tập. Đôi mắt cụ cũng theo mùa xuân ra đi, buồn rười rượi vẫy tay tiễn biệt mọi người. Họ - cả một đoàn người dễ chừng hai đội bóng bước thanh thản lên xe. Cụ lủi thủi quay vào nhà với bước chân nặng trịch. Nỗi buồn lại chất chồng thêm trên đôi mắt già nua.

Như một phần mềm máy tính đã được lập trình mặc định, Tết năm này, đôi mắt của cụ lại trông về phương xa, háo hức mong con cháu về chung vui đêm giao thừa.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 16
    • Số lượt truy cập : 6713005