Thông tin

ĐÔI NÉT VỀ THỰC HÀNH PHẬT GIÁO

TẠI CHÙA BẢO QUANG1 HIỆN NAY

 

KIM THANH SẢN

 

 

Lầu chuông và văn phòng chùa Bảo Quang (12/2/2022)

 

Thực hành Phật giáo được hiểu là một hình thức thể hiện niềm tin Phật giáo của các Phật tử, biểu hiện đa dạng dưới nhiều hình thức khác nhau dựa trên hệ phái, pháp môn tu tập… . Hoạt động thực hành Phật giáo tại chùa Bảo Quang mang nhiều nét đặc trưng của các ngôi chùa Bắc Bộ đó là các hoạt động thực hành thuần túy Phật giáo đan xen với các nghi lễ dân gian.

1. Đôi nét về chùa Bảo Quang

Bảo Quang cổ tự hay còn có tên gọi khác là chùa Thượng Trưng, nằm tại thôn Chùa Chợ, xã Thượng Trưng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, trên địa thế hài hòa với hướng quay về phía Tây Nam, trước mặt là Đầm Thượng (vết tích sông Hồng). Dựa theo các dấu tích còn sót lại, thì Bảo Quang tự được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVI với văn bia sớm nhất hiện còn là bia Trùng Tu Bảo Quang Tự Bi Ký được khắc vào năm Đoan Thái thứ 2 (1587); tuy nhiên theo lời kể của một số vị cao niên tại bản xã thì Bảo Quang tự đã có từ thời Lý - Trần nhưng do chiến tranh và nạn vỡ đê sông Hồng mà chùa được di rời về nơi hiện tại. Như vậy, Bảo Quang tự được hiểu là một ngôi chùa xuất hiện từ thế kỷ XVI.

Hoạt động trùng tu, tôn tạo chùa diễn ra dựa theo nội dung các văn bia còn lại. Văn bia sớm nhất là bia Trùng Tu Bảo Quang Tự Bi Ký2 được tạo khắc vào năm Đoan Thái thứ 2. Trong bia có đề cập tới việc Bảo Quang tự đã từng là một danh lam đứng đầu huyện Bạch Hạc nhưng do chiến tranh mà bị phá hủy nên được các thiện nam, tín nữ tất cả 80 vị góp tịnh tài để trùng tu, tôn tạo chùa. Tiếp đến là các văn bia như: bia Tân Tạo Ngọc Hoàng, Chư Phật Bảo Quang Tự Bi Ký được tạo khắc vào năm Hưng Trị thứ 4 (1591); bia Không Có Tên được tạo khắc vào năm Cảnh Trị thứ nhất (1663); Bia Lập Thiên Đài Thạch Trụ được tạo khắc vào năm Chính Hòa thứ 2 (1681); Bia Bảo Quang Tự được tạo khắc vào năm 1684; Bia Hậu Phật Bia Ký tạo khắc vào năm Vĩnh Thịnh thứ 8 (1712); Bia Hậu Phật Tự Bi Ký được tạo khắc năm Đồng Khánh thứ 2 (1887); Bia Hậu Phật Bia Ký được tạo khắc năm Bảo Đại thứ 4 (1929). Các văn bia này đều ghi chép lại việc đóng góp của các thiện nam, tín nữ trong và ngoài xã nhằm trùng tu, tôn tạo ngôi chùa. Năm 1935-1936, tu sửa tiền đường, nâng các cột, xây bồn hoa. Thông qua các văn bia có thể nhận thấy hoạt động trùng tu, tôn tạo ngôi chùa hầu hết là sự đóng góp của nhân dân trong làng, ít thấy sự xuất hiện của triều đình phong kiến nên có thể coi đây là một ngôi chùa mang đậm tính làng xã Việt Nam. Bên cạnh đó, hoạt động trùng tu, tôn tạo ngôi chùa được chú trọng thể hiện vai trò ngôi chùa trong đời sống tâm linh của người dân nơi đây.

Các hạng mục của chùa hiện nay. Trải qua nhiều lần trùng tu và tôn tạo, hiện nay chùa gồm các hạng mục như: Cổng Tam quan đã được xây dựng cách nay hơn 20 năm3; Gác chuông có độ cao khoảng 7m, hai bên gác chuông là 6 gian nhà (mỗi bên 3 gian) trước kia làm trường sơ học và là nơi thường trực cho hội đồng xã; Nhà Tiền đường được làm theo kiểu chữ Đinh (丁) với ba gian Thượng điện và 7 gian Tiền đường; tiếp đến là hai dãy hành lang, phía sau Tiền đường là nhà Tổ, phía bên phải nhà Tổ là nhà Mẫu, phía trái nhà Tổ là Tăng phòng, phòng oản; bên cạnh đó tại chùa còn có một tháp mộ đặt sau nhà Tổ của Tăng sĩ Nguyễn Thanh Dậu (mất 1965). Theo bản hồ sơ di tích chùa thì về tổng thể chùa có kiến trúc Nội Công ngoại Quốc (国) với 38 gian lớn nhỏ, kiến trúc chắc khỏe, quy mô tương đối lớn và vẫn còn giữ được nhiều nét cổ kính của một danh lam cổ tự. Tuy nhiên, đến nay do dấu tích thời gian mà một số hạng mục của ngôi chùa bị xuống cấp nghiêm trọng.

Tượng thờ tại chùa. Theo bản khảo tả di tích thì tượng thờ tại chùa Bảo Quang có khoảng gần 50 pho tượng lớn nhỏ được làm từ các chất liệu như gỗ, đá, vôi giấy trộn đất sét, có 2 pho tượng cổ được xác định tạo khắc vào thế kỷ XVI. Tuy nhiên, một phần nhỏ các pho tượng không hẳn là tượng của chùa khi có sự dồn, sáp nhập tượng trong quá khứ4. Các pho tượng tại chùa được bài trí không theo một trật tự nhất định.

Pháp môn tu tập. Hiện nay, pháp môn được tu tập chính tại chùa là Tịnh độ tức niệm hồng danh Đức Phật và Phật A Di Đà. Tuy nhiên, nếu ngược thời gian thì ngôi cổ tự đã từng tu tập theo pháp môn Thiền.

Xã Thượng Trưng xưa kia gồm 5 ngôi làng cổ, mỗi làng có một ngôi chùa và chùa Bảo Quang nằm tại thôn Chùa Chợ (trước là làng Thượng Trưng) trong thời kỳ binh lửa của đất nước vào giữa thế kỷ XX, Bảo Quang tự là ngôi chùa duy nhất tại xã không bị tiêu thổ, nơi đây còn là nơi hoạt động của các tổ chức cách mạng. Vào năm 1992, chùa được xếp hạng Di tích Lịch sử cấp quốc gia. Có thể nói chùa Bảo Quang là ngôi chùa quan trọng tại xã Thượng Trưng; không những ngôi chùa nằm tại trung tâm xã với địa thế hài hòa mà nếu xét trong lịch sử thì ngôi chùa cũng có niên đại lâu đời nhất không chỉ tại bản xã mà cả trong huyện Vĩnh Tường5.

2. Các hoạt động trong thực hành Phật giáo tại chùa Bảo Quang hiện nay

Thông qua các tư liệu bi ký còn sót lại tại chùa, có thể thấy từ các thế kỷ trước sinh hoạt Phật giáo tại chùa đã diễn ra sôi nổi với các hoạt động như xây dựng, trùng tu, tô đắp tượng Phật và hiện nay vẫn được tiếp tục với nhiều hoạt động Phật sự khác nhau.

Về sinh hoạt của tu sĩ và tín đồ. Đối với các vị tu sĩ tại chùa, việc tinh tiến theo nội quy và thời khóa tu tập đã được quy định là trách nhiệm; thường thời khóa tu tập tại chùa được chia theo hai mùa là mùa hạ và mùa đông, thời gian tu tập mùa hạ sẽ sớm hơn mùa đông 30 phút, còn các hoạt động tu tập vẫn giống nhau. Về thời khóa tu tập gồm các hoạt động như: Khai tĩnh - Khóa lễ sáng -Thỉnh chuông - Chấp tác - Tiểu thực - Học tập - Khóa lễ trưa, v.v… Thời khóa tụng kinh tại chùa Bảo Quang có ba thời là sáng - chiều - tối thường các hoạt động tụng niệm sẽ diễn ra trong không gian chính điện. Tuy nhiên, thời khóa tu tập có thể thay đổi linh hoạt nhằm phù hợp với hoàn cảnh khác nhau, ví dụ như hiện tại do chùa đang nhận nuôi một trẻ nhỏ nên một số hoạt động có thể bị thay đổi thời gian.

Đối với các tín đồ, ở đây tín đồ được hiểu là bao gồm các cá nhân được coi là Phật tử (đã quy y) và cá nhân có cảm tình với Phật giáo, thường họ tới chùa sinh hoạt chủ yếu vào hai ngày mùng một và ngày rằm âm lịch hàng tháng. Trước mỗi ngày sóc vọng, nhà chùa sẽ thường liên hệ với các thôn xóm6 để cử các Phật tử tự nguyện ra hỗ trợ chùa làm xôi, oản nhằm phục vụ cho các ngày lễ sóc vọng. Vào những ngày sóc vọng các tín đồ đến chùa thành tâm dâng cúng các vật phẩm (hoa, quả, nhang,…) và tham gia vào thời khóa tụng kinh. Thời khóa tụng kinh thường bắt đầu vào 8h và kết thúc vào 9h30 tùy khóa lễ, hầu hết mọi người tham gia khóa lễ tụng kinh đều là các Phật tử từ 50 tuổi trở lên rất hiếm có các Phật tử trẻ tuổi và Phật tử là nam giới, theo quan sát các khóa lễ thường có khoảng từ 20 - 30 Phật tử tham dự, tuy nhiên danh sách các tín đồ được đọc tên lúc dâng sớ thường khoảng hơn 100 tín đồ. Kinh được tụng trong các khóa lễ này là kinh Dược Sư, Phổ Môn, A Di Đà,... luân phiên theo từng tháng. Trước đây, một số buổi tối trong tuần, chùa thường tổ chức lễ tụng kinh cùng đó là sự tham gia của khoảng 20-30 Phật tử, tuy nhiên thời gian gần đây hoạt động này gần như không diễn ra do một số nguyên nhân như đại dịch Covid - 19, tu sĩ trụ trì đi học, không đảm bảo được thời gian và số lượng Phật tử tham dự giảm dần.

 

Tượng Hậu Phật tại chùa Bảo Quang

 

Một số ngày lễ lớn tại chùa Bảo Quang. Các ngày lễ cùng với các nghi lễ Phật giáo là một trong những nét sinh hoạt đặc sắc và không thể thiếu của thực hành Phật giáo. Dưới sự hướng dẫn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, sự phối hợp của tu sĩ, Phật tử tại chùa thì các ngày lễ lớn Phật giáo rất được coi trọng. Một số ngày lễ lớn có thể kể tới như: lễ Phật Đản, lễ Vu Lan, v.v…

Ngày lễ Phật Đản, đây là một ngày lễ mang tính kỷ niệm Đức Phật ra đời, thường ngày lễ này tại chùa Bảo Quang đều được tổ chức long trọng. Nghi lễ này không chỉ thể hiện tính tiếp nối, tâm thành với Phật mà qua đó cộng đồng tín đồ Phật tử sẽ hiểu thêm về lịch sử Phật giáo cũng như là cơ hội để tín đồ cùng nhau sinh hoạt Phật pháp. Lễ Phật Đản tại chùa Bảo Quang diễn ra với các công việc như chuẩn bị vật phẩm, nhờ sự hỗ trợ của các Phật tử nhằm dọn dẹp chuẩn bị, làm thư mời tới chính quyền địa phương; đến ngày lễ thường được chia làm hai phần là hành chính tức là phần giới thiệu đại biểu, phát biểu,… sau đó là phần nghi lễ gồm có: lễ Tam bảo, tụng kinh Phật Đản, dâng sớ, nghi thức tắm Phật, phóng sinh và phát lộc cho tín đồ. Trong nghi thức tắm Phật Thích Ca sơ sinh diễn ra theo trình tự là trụ trì và các tu sĩ Phật giáo - các cán bộ xã, huyện – các Phật tử, nước dùng để tắm Phật là nước thơm được nấu từ các loại thảo mộc, thường ngày lễ này có khá đông các tín đồ tham dự. Vào lễ Phật Đản (PL. 2565, DL. 2021) do ảnh hưởng của đại dịch Covid -19, lễ Phật Đản tại chùa Bảo Quang không tổ chức lớn mà hạn chế với quy mô tổ chức nhỏ. Trong lễ Phật Đản 2021, có khoảng hơn 20 Phật tử tham dự và đều thực hiện quy định phòng dịch của Bộ Y tế với khuyến cáo 5K.

Ngày lễ Vu Lan, là một trong những ngày lễ quan trọng của Phật giáo, lễ Vu Lan được hình thành từ thời Phật tại thế “theo Kinh Vulan bồn, Phật nói về việc báo hiếu, báo ân với ông bà, cha mẹ còn sống cũng như đã khuất”7. Hòa chung không khí của lễ Vu Lan thì tại chùa Bảo Quang thường sẽ tổ chức lễ vào sáng ngày 14 âm lịch với các hoạt động như: lễ Tam bảo, tụng kinh cầu siêu, phóng sinh, một số năm có thêm nghi thức bông hồng cài áo và sự tham  gia của chính quyền địa phương. Các nghi thức trong lễ Vu Lan là cơ hội quý báu để các Phật tử hiểu thêm về giáo lý Phật giáo và trên hết là tỏ sự thành kính, biết ơn, hiếu đạo với ông bà, cha mẹ.

Lễ giỗ Tổ tại chùa Bảo Quang được ấn định vào ngày 12/12 âm lịch hàng năm. Lễ giỗ Tổ thường không tổ chức quá lớn mà tham dự chủ yếu là các vị tu sĩ tại chùa và các Phật tử. Vào những ngày này, các Phật tử sẽ đến chùa hỗ trợ nhà chùa làm cơm chay, sắp lễ nhằm dâng lên nhà Tổ và trên chính điện, trong các nghi thức tụng niệm cũng diễn ra để tỏ lòng thành kính với những vị tiền tu. Hiện nay, tại chùa Bảo Quang chỉ tồn tại một tháp mộ của nhà sư Nguyễn Thanh Dậu. Tuy nhiên, nếu đi qua quá trình lịch sử thì ngôi chùa cũng đã có đến 3 đến 4 vị trụ trì khác nhau. Bên cạnh đó, chùa Bảo Quang cũng có 3 bia Hậu Phật khác nhau đều là những vị có công trùng tu tôn tạo lại chùa, có công với làng xã hoặc do không có con cái nên cúng tài sản vào chùa để được thờ cúng như bia Hậu Phật Bia Ký tạo khắc vào năm Vĩnh Thịnh thứ 8 (1712) với nội dung văn bia là bà Lê Thị Nhự, hiệu Từ Cao, xuất 15 quan tiền, 1 mảnh ruộng cho dân dùng được quan viên và dân địa phương bầu làm hậu Phật8; tuy nhiên do nhiều yếu tố mà ngày giỗ Hậu không ai nhớ nên được cúng chung vào ngày giỗ Tổ.

Một số nghi lễ khác tại chùa Bảo Quang

Lễ bán khoán cho trẻ. Đây là một nghi lễ dân gian tại các ngôi chùa miền Bắc đã có từ rất lâu. Tại chùa Bảo Quang, nghi lễ này được thực hiện thường xuyên, đối tượng của các nghi lễ này là thường là các gia đình có trẻ nhỏ; nguyên nhân là do những trẻ nhỏ thường hay quấy khóc, khó nuôi, chậm lớn hay chậm nói9…, cũng có một số trường hợp đã lớn tuổi nếu như đời sống của họ không an, hay làm những việc quấy phá gia đình cũng có thể được gia đình cho thực hiện nghi lễ bán khoán này10; mục đích của nghi lễ bán khoán là giúp cho những đứa trẻ khó nuôi trở nên ngoan ngoãn, mau ăn chóng lớn, thường những gia đình làm lễ bán khoán cho con đều sinh sống trong bản xã.

Nghi lễ thường được thực hiện bằng việc gia đình muốn làm lễ sẽ liên hệ với chùa để đăng ký và ấn định ngày diễn ra nghi lễ. Sau đó, gia đình sẽ chuẩn bị đồ lễ theo sự hướng dẫn của nhà chùa đến ngày thì cả gia đình sẽ mang đứa trẻ muốn bán khoán tới để làm lễ. Thường trẻ con tới chùa sẽ được bán khoán hay lễ gửi vào ban Đức Ông, một số trường hợp khác thì có thể vào ban Thánh Hiền hoặc Mẫu. Trong lễ bán khoán sẽ có tờ sớ ghi đầy đủ thông tin gia đình và người bán khoán, chùa sẽ giữ một tờ và gia đình sẽ giữ một tờ. Sớ bán này sẽ được đốt sau lễ chuộc.

Sau khi làm lễ có thể coi đứa trẻ đã được gửi tại chùa và cũng có một số gia đình làm nghi lễ quy y luôn cho đứa trẻ. Khi đứa trẻ được 12-13 tuổi, thì gia đình sẽ đến làm lễ chuộc về. Nghi lễ này cũng diễn ra theo trình tự là đăng ký - chuẩn bị lễ vật - đến chùa tụng kinh, xin chuộc… theo sự hướng dẫn của tu sĩ tại chùa. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp sẽ tiếp tục gửi con ở chùa mà không làm lễ chuộc.

Thường trong thời gian bán khoán, các gia đình có người bán vào các ngày sóc vọng sẽ ra làm lễ tại chùa, có thể dẫn theo đứa trẻ đã được bán khoán. Hiệu quả của nghi lễ thì khó có thể định lượng, nhưng một số gia đình có nhận xét là sau khi bán khoán thì cháu, con họ đều ngoan ngoãn hơn “Bác thấy từ lúcbán khoán, cháu bác ít quấy khóc đi và ngoan hơn,…”11. Đây là một nghi lễ dân gian Phật giáo đặc sắc vẫn đang hiện tồn tại các ngôi chùa Bắc Bộ.

Lễ quy y. Quy y là một hành động để chứng tỏ bản thân thực sự là một Phật tử. Số lượng Phật tử quy y tại chùa Bảo Quang không nhiều, thường mỗi một năm chùa sẽ có một lễ quy y, nên để được quy y các cá nhân sẽ phải đăng ký tại chùa. Sau khi có thời gian, nhà chùa sẽ thông báo và vào ngày quy y các tín đồ sẽ đến chùa làm nghi lễ quy y. Khi đó cá nhân muốn quy y không thể vắng mặt và có thể có người thân đi cùng. Khi đã chính thức làm nghi lễ và được đặt pháp danh thì người đó được coi là một Phật tử.

Có một thực tế tại chùa Bảo Quang và theo chúng tôi, đây cũng là một thực tế của các ngôi chùa miền Bắc là nhiều gia đình có một người quy y - thường là những người phụ nữ làm bà, làm mẹ trong gia đình thì họ có xu hướng đăng ký quy y cho cả gia đình. Tại chùa Bảo Quang, hầu hết các Phật tử đến tham dự các khóa lễ thường xuyên đều là phụ nữ lớn tuổi và khi được hỏi thì đa phần họ cho biết cả gia đình đã quy y “… nhà Bác quy y hết rồi, hồiBác quy y là đăng ký hết cho cả nhà…”12. Theo ý kiến của Phật tử được phỏng vấn thì các khóa lễ của chùa tổ chức, các Phật tử không tham gia đầy đủ được vì nhiều lý do như họ bận công việc, không sắp xếp được thời gian tham dự hoặc chuyển sinh hoạt sang một chùa khác. Đa phần Phật tử tham giữ lễ nghi thường xuyên là những phụ nữ lớn tuổi. Độ tuổi quy y rất đa dạng, có những đứa trẻ rất nhỏ đã được gia đình cho quy y còn có những trường hợp sắp lìa xa cõi đời mới tìm tới nơi cửa Phật.

 

Khóa lễ ngày 14 âm lịch (25/5/2021)

 

Nghi thức dâng sớ13. Đây là nghi thức khá thú vị mà chúng tôi quan sát được tại chùa Bảo Quang. Nghi thức dâng sớ là một phần trong các khóa lễ ngày mùng 1 hoặc rằm hàng tháng với mục đích cầu an. Nghi thức này diễn ra sau khi khóa lễ diễn ra được khoảng ½ thời gian. Khi dâng sớ sẽ có một Phật tử14 lớn tuổi (nữ) châm một nén hương cắm vào mâm sớ sau đó bưng mâm sớ quỳ trước ban Tam Bảo và thực hiện nghi lễ khấn trình ngày giờ, địa điểm v.v… bên cạnh việc tụng mõ và chuông của vị tu sĩ; sau đó vị này sẽ đội mâm sớ lên đầu và bắt đầu khấn cầu, cách khấn cầu của vị này không phải đọc đơn thuần mà đang ngâm với giọng điệu mang âm hưởng dân gian. Một phần đoạn ngâm khấn như sau:

“… Sớ bay như hương như hoa/ Sớ bay vào cửa vua cha Ngọc Hoàng/ Sớ con có xóm có làng/ Có tên có tuổi họ hàng gần xa/ Sớ này gửi Phật duyệt cho…/ Sớ này về tâu thiên đình/ Cầu cho tín chủ khang ninh, thọ trường/ Cầu cho hai chữ bình an/ Sáu chữ thọ trường, mạnh khỏe, sống lâu/ Vậy nên viết sớ lên tâu/ Con đội sớ lên đầu con thỉnh Phật giác tha/ Con trình Đức Phật Di Đà/ Con trình cả Đức Phật Bà Quan Âm/ Gió bay lên tận trùng thiên/ Nam Tào mở phủ gia tiên rõ ràng/…”15

Trong quá trình ngâm khấn, các Phật tử xung quanh sẽ niệm Nam Mô A Di Đà Phật đến khi tiếng chuông được gõ lên, sớ sẽ được đi hóa sau đó. Cách thức viết lời khấn theo thể lục bát; nội dung lời ngâm khấn chứa đựng những mong ước của nhân dân địa phương muốn tâu trình lên các vị thần, bên cạnh Đức Phật và ngài Quan Âm thì một đối tượng thiêng khác cũng được nhắc đến nhiều đó là Ngọc Hoàng Thượng đế, Nam Tào, Bắc Đẩu - những vị thần của Đạo giáo; các tính chất của Phật giáo Bắc truyền và pháp tu Tịnh độ cũng được thể hiện qua lời khấn như “Phật giác tha”, “Phật Di Đà”… Hình thức dâng sớ này không chỉ tồn tại ở chùa Bảo Quang mà tại một số các ngôi chùa khác thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ. Tuy nhiên, việc duy trì và gìn giữ nghi thức này cũng cần đặt ra khi ngày nay có nhiều phương tiện công nghệ hiện đại sẵn sàng thay thế cùng với xu thế hiện đại hóa của toàn xã hội.

Các hoạt động thực hành Phật giáo tại chùa Bảo Quang kể trên là sự tiếp nối các hoạt động Phật giáo có từ trước đó, là sự đa dạng trong các hoạt động Phật giáo, bên cạnh đó là sự pha trộn với các nghi lễ dân gian. Tuy số lượng tín đồ không quá đông đảo nhưng việc tham gia thường xuyên các khóa lễ Phật giáo cho thấy cảm tình, lòng mộ đạo của cư dân nơi đây.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trần Lâm Biền (1996), Chùa Việt, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội.

2. Thích Thanh Duệ (2010), “Lễ Vu Lan với Mục Liên Sám Pháp”, Tạp chí Nghiên cứu Phật học, số 5, tr.9.

3. Nguyễn Hữu Mùi (2013), Nghiên cứu văn bia Vĩnh Phúc, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc.

4. Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam (2018), Lời Phật dạy về sựhòa hợp trong cộng đồng và xã hội, Nxb. Hồng Đức.

5. Hồ sơ di tích chùa Thượng Trưng (1991).

6. Ủy ban Nhân dân huyện Vĩnh Tường (2013), Vĩnh Tường di sảnvăn hóa.

 


1. Xã Thượng Trưng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc

2. Nguyễn Hữu Mùi (2013), Nghiên cứu văn bia Vĩnh Phúc, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc, tr. 350

3. Cổng Tam quan cũ đã bị mất vào năm 1963-1964

4. Trong quá khứ do chiến tranh và một số vấn đề khác mà 4 ngôi chùa thuộc 4 thôn xung quanh bị phá hủy, 1 phần các tượng thờ bị phá hủy còn 1 phần được đưa tới chùa Bảo Quang.

5. Dựa trên tư liệu bia ký.

6. Tại bản xã có 14 thôn, các thôn sẽ luân phiên nhau hỗ trợ chùa các công việc như quét dọn, nấu nướng,… thường đầu mối sẽ là các vị làm công tác quản lý tại thôn.

7. Thích Thanh Duệ (2010), “Lễ Vu Lan Với Mục Liên Sám Pháp”, Tạp chí Nghiên cứu Phật học, số 5, tr.9

8. Theo Nguyễn Hữu Mùi (2013), Nghiên cứu văn bia Vĩnh Phúc, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc, tr. 352.

9. Với một số trường hợp trẻ chậm nói, một số gia đình thường xin lá mít (dùng lót xôi) sau mỗi khóa lễ về nhai hoặc giã bón tượng trưng cho trẻ với hy vọng đứa trẻ nhanh nói (theo lời kể một nữ Phật tử tại chùa).

10. Theo chia sẻ của 1 vị tu sĩ tại chùa.

11. Tư liệu phỏng vấn sâu nữ Phật tử, 60 tuổi, chùa Bảo Quang ngày 11/5/2021

12. Tư liệu phỏng vấn sâu nữ Phật tử, 64 tuổi, chùa Bảo Quang ngày 11/5/2021.

13. Sớ hay tiền sớ còn được gọi ví von là Cơi Trầu Hồng, vì tờ sớ có màu đỏ hồng. Trong Công giáo cũng có hình thức đặt tiền vào giỏ trong các buổi lễ được gọi là bỏ tiền thau với ý nghĩa gắn kết cộng đoàn, thể hiện tinh thần chung và góp phần chi phí cho các việc điện nước, hoa nến,…

14. Thường được gọi là các vãi

15. Đoạn ngâm khấn được cắt từ bản ghi âm ngày 25/5/2021.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 7)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 6)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 19
    • Số lượt truy cập : 6703899