Thông tin

ĐÔI SUY NGHĨ NHỎ VỀ MỘT NHÂN CÁCH LỚN

 

Nhà văn NGUYÊN NGỌC

 

Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha là một nhà Hán học uyên bác, một nhà Phật học thâm thúy. Đối với cả hai lĩnh vực ấy, tôi gần như hoàn toàn là kẻ mù chữ. Vì vậy, nếu tôi có mạnh dạn nói đôi điều gì đó về ông, thì quả là một sự liều lĩnh của kẻ điếc không sợ súng.

Vả chăng những công trình đồ sộ của ông, cả dịch thuật lẫn sáng tác, tôi còn được trực tiếp tiếp xúc rất ít, chủ yếu là biết qua những điều người khác nói lại, viết lại về ông, hoặc đôi điều tâm sự của chính ông viết, mà như tất cả chúng ta đều biết, con người vô cùng khiêm nhường đó thậm chí cho đến phút cuối đời vẫn nói rất ít về chính mình.

Tuy nhiên một số hiểu biết chắc chắn còn sơ sài và thiển cận lắm của tôi vẫn thúc giục tôi phải nói ra một điều gì đó về ông, chí ít cũng là để bày tỏ sự ngưỡng mộ và lòng kính trọng đối với một tài năng và một nhân cách lớn lao đến thế, một con người thật sự có những tư tưởng khác thường, đặc sắc và độc đáo, mà lạ thay cho tới nay cả xã hội ta còn được biết đến rất ít, quá ít, nếu không nói thậm chí là gần như không hề biết gì, và đang có nguy cơ mãi mãi rơi vào lãng quên.

Với tinh thần như vậy, tôi xin mạnh dạn thử nói ra sau đây một suy nghĩ nhỏ về ông, về con đường Phật của ông, mà theo tôi có lẽ có một chỗ riêng nào đó rất độc đáo.

Tôi thấy nhiều người đã nói rằng Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha là người có công lớn trong việc chấn hưng Phật giáo Việt Nam. Nói như vậy chắc chắn là rất đúng rồi. Nhưng hình như vẫn còn có gì đó chưa đủ. Chấn hưng Phật giáo thì có thể có nhiều cách lắm: làm cho nó trở thành một trào lưu đông đảo, rầm rộ, xây chùa lớn, dựng tượng nhiều và thật to, tổ chức cúng dường ồn ào, rộn rịp, chiêu mộ thật nhiều tín đồ v.v... Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha, như chúng ta thấy, không đi theo con đường đó. Thậm chí, theo một cách nào đó, có thể nói toàn bộ cuộc chiến đấu âm thầm mà hết sức năng nổ, tâm huyết của ông, trong đó ông đã cống hiến cả cuộc đời không giành lại cho riêng mình một chút gì, là để chống lại chính cái trào lưu đó. Ông không chỉ là nhà “chấn hưng” Phật giáo nói chung. Ông đã làm một công việc khó khăn mà sâu sắc hơn nhiều: ông khôi phục lại cho Phật giáo cái cốt lõi chân chính nhất của nó, gạt bỏ, tẩy rửa đi tất cả những gì từng làm sai lệch cái cốt lõi đó, làm cho nó trở lại đúng với cái trong trẻo vừa thâm sâu vừa giản dị và gần gũi ban đầu của nó. Và con đường để ông đi đến chủ trương và hành động nhất quán suốt đời đó là một con đường rất độc đáo, theo một cách nào đó có lẽ cũng có thể nói là rất Việt Nam.

Riêng tôi, trong nhận thức thô cạn của tôi, tôi rất chú ý đến cái cách ngộ ra chân lý Phật của ông.

Trong bản tự bạch hết sức chân thật và cảm động, ông có nói rõ ông đã đến với chân lý Phật như thế nào. Ông đến với Phật trước hết không phải vì những triết lý cao siêu, huyền ảo. Ông học Phật theo cách của dân, từ đau khổ khốn cùng của nhân dân mà nhận ra chân lý Phật. Ông đến với Phật, như chính ông tự bạch, trước hết là vì một câu nói đơn sơ này của Phật: “Nhân dân là cha mẹ bao đời của ta, ta phải hiếu kinh cúng dàng; cho đến muôn vật cũng có tính Phật cả, bình đẳng với ta cả; ta phải làm thế nào cho thảy đều bình đẳng cả tình cũng như trí”.

Tức, hết sức rõ ràng, “động cơ” đưa ông đến với Phật giáo chính là động cơ vì nhân dân, coi nhân dân là “cha mẹ bao đời của ta”, là nền tảng của tất cả, là đấng tối cao mà ta phải tận tâm tận ý phục vụ, ta phải “hiếu kính cúng dường”.

Ông viết tiếp “Vì cái động cơ đó mà tôi cứ mỗi tuổi mỗi đi gần với đạo Phật”.

Sau này, trong cuốn Con đường học Phật ở thế kỷ thứ XX viết vào khoảng đầu những năm 50, ông còn ghi rõ như một lời đề từ quan trọng nhất lên ngay trang đầu sách, đóng khung và in bằng chữ hoa một dòng tiêu biểu cho tư tưởng quán xuyến đó của ông: “Phải tận hiếu với nhân dân, nhân dân là cha mẹ bao kiếp, là chư Phật vị lai”.

Thật lạ lùng, và cho tôi mạnh dạn nói điều này: như vậy Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha quan niệm Phật là ai? Đối với ông, Phật chính là Nhân dân, Nhân dân là “cha mẹ bao kiếp”, tức là cha mẹ trong quá khứ, cha mẹ đã sinh thành ra ta, là cội nguồn sâu xa nhất của ta, và Nhân dân lại cũng là “chư Phật vị lai”, là cha mẹ muôn đời mà ta phải mãi mãi “cúng dường”. Tức Nhân dân, sự giải phóng của Nhân dân, hạnh phúc thật sự của Nhân dân, cũng phải là mục đích cuối cùng, mãi mãi của chúng ta, ta phải tận tâm tận lực hy sinh phục vụ kiếp kiếp đời đời.

Cũng chính tư tưởng chủ đạo đó quyết định toàn bộ chủ trương chấn hưng Phật giáo của ông, từ nội dung cho đến hành động. Ông nói rất rõ: “... tôi đi sâu vào trong nhà chùa, tôi thấy sự tổ chức không đúng một tí nào, trái lại hoàn toàn rập khuôn theo phong kiến, chia giai cấp rất khắc nghiệt, hưởng thụ xa xỉ, bỏ hẳn mất cái tinh thần trọng lao động, không theo đúng quy chế: “Một ngày không làm, một ngày nhịn ăn” của Phật Tổ. Lại còn dùng thuật mê tín vẽ ra đàn tràng cúng kính, đục khoét đến xương tủy nhân dân để mà sống một đời nhàn rỗi no đủ. Vì thế tôi nhất định không theo chế độ đó, cho đến ngày nay tôi cũng chỉ là một tín đồ, tín ngưỡng triết lý mà thôi. Hơn nữa, nếu có dịp tôi sẽ đánh đổ cái chế độ mục nát ấy; nên sau đó tôi có theo đuổi vào công cuộc Chấn hưng Phật giáo”.

Trong các chủ trương cụ thể của ông trong công cuộc chấn hưng Phật giáo, có lần ông đưa ra một đề xuất thật bất ngờ: “Tăng già trao chùa lại cho dân”.

Thật là một ý tưởng, một chủ trương hết sức kỳ lạ, có thể nói hoàn toàn không quá đáng: một tư tưởng, một chủ trương mang tính cách mạng, vừa thật thâm thúy, vừa táo bạo và xuất phát từ những chiêm nghiệm thực tế của một con người vô cùng từng trải. Nói như thế cũng có nghĩa Nhân dân không chỉ là mục đích tối thượng của lý tưởng Phật giáo, mà còn là, nhất thiết phải là động lực duy nhất, mạnh nhất để có thể cải tạo một thứ Phật giáo mà ông cho là đã bị tha hóa. Phải trao cái quyền cải tạo, làm trong sạch lại lý tưởng đó cho Dân. Một bộ máy, một cơ chế - như cách nói quen thuộc ngày nay - đã bị tha hóa không bao giờ có thể tự nó cải tạo, tự nó chấn hưng lại được. Chỉ có Nhân dân mới làm được công việc thanh đạo đó. Và Nhân dân chỉ có thể làm được sự nghiệp vĩ đại đó khi họ thật sự được trao quyền, khi chính bộ máy (tăng già) trả chùa lại cho Dân.

Ngày nay nhìn lại, thật đáng kinh ngạc về tư tưởng sâu sắc và mạnh mẽ đến dường ấy của Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha về Nhân dân, về mối quan hệ giữa lý tưởng Phật giáo với vai trò của Nhân dân.

Qua đôi điều vắn tắt và chắc chắn hiểu biết còn rất cạn cợt trên đây, tôi cũng muốn nói rằng nếu ngày nay chúng ta nói đến Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha thì cũng có thể hiểu rằng tư tưởng của ông, thể hiện qua toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp của ông, không hoàn toàn chỉ là một vấn đề về giáo lý Phật giáo đơn thuần. Đó thật sự là một tư tưởng xã hội có tầm sâu và cao rất đáng để ngày nay chúng ta tiếp tục chiêm nghiệm. Và cũng là một vấn đề thật hiện đại, bởi tính thời sự của nó hầu như vẫn còn nguyên, trong công cuộc phấn đấu gian nan của chúng ta ngày nay cho một xã hội tiến bộ, dân chủ, công bằng và văn minh.

Nhà Phật học khiêm nhường mà uyên thâm ấy vẫn còn sống mãi với chúng ta hôm nay.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 80
    • Số lượt truy cập : 6951922