Thông tin

ĐỜI VÀ ĐẠO – ĐẠO VÀ ĐỜI

 

HUỲNH NGỌC TRẢNG*

 

Hòa thượng Khánh Anh đã nhắc đến nhân vật Sáu Nhỏ và cuộc đời kỳ diệu từ một tay du côn khét tiếng khắp Gia Định-Sài Gòn-Chợ Lớn đã trở thành một vị Hòa thượng được thế nhân tôn kính.

Nói đến Phong trào chấn hưng Phật giáo hồi tiền bán thế kỷ XX ở Việt Nam không thể không nhắc đến Tổ Khánh Hòa. Nhưng khi nói đến Tổ Khánh Hòa không thể không nói đến những đạo lữ của ngài, bởi “một tay không vỗ nên kêu”. Những cộng sự đồng tâm hiệp lực với Hòa thượng Khánh Hòa, trong buổi đầu, có những hòa thượng: Khánh Thông, Khánh Đức, Khánh Huy, Khánh Long, Khánh Anh…

Hòa thượng Khánh Anh từng đảm nhận chức Đốc giáo tại Phật học đường Lưỡng Xuyên (Trà Vinh), hợp tác với Hòa thượng Khánh Hòa, Hòa thượng Huệ Quang (cố Pháp chủ Giáo hội Tăng già Nam Việt) để xây dựng cơ quan đào tạo Tăng tài hầu truyền trì Đạo pháp tại miền Nam. Hòa thượng Khánh Anh viết nhiều bài cho báo Duy tâm, cổ xúy công cuộc chấn hưng Phật giáo nước nhà.

Thượng tọa Thích Đồng Bổn, trong Danh Tăng Việt Nam, T.2, mục từ “Hòa thượng Thích Hoằng Khai”, có viết: “Năm Canh Thìn 1940, Ngài khai trường Hương, mở trường Kỳ tại chùa Thiên Phước. Ngài làm chủ hương, Hòa thượng Phước Tường làm thiền chủ, Hòa thượng Khánh Anh làm Pháp sư bên Tăng, Sư bà Diệu Kim, Cần Thơ làm Pháp sư bên Ni. Khi mãn đàn giới, Hòa thượng Khánh Anh có tặng cho Ngài một tấm biển: “Hương Phong Giới Nguyệt”, này vẫn còn treo nơi Tổ đình Hội Phước”. Chi tiết này cho thấy Hòa thượng Hoằng Khai có quen biết với Hòa thượng Khánh Anh và không thể đứng ngoài phong trào chấn hưng Phật giáo thời bấy giờ, nhất là cuộc đời khá… kỳ lạ của Hòa thượng Hoằng Khai.

Đọc qua một số tài liệu, tôi thấy Hòa thượng Thích Hoằng Khai rất đáng để suy gẫm về phong trào chấn hưng Phật giáo ngày ấy và về câu thành ngữ mà bao đời qua, người Việt thường hay nói: “Buông đao đồ tể, lập tức thành Phật”. Trong kinh điển Phật giáo có nói nhiều đến sự tích để dẫn đến thành ngữ “Buông đao đồ tể, lập tức thành Phật”, nhưng ngắn gọn nhất, dường như ở trong kinh Đại Bát Niết Bàn thuộc Đại Chính tân tu Đại tạng kinh. Trong kinh này nhắc tới trường hợp một người làm nghề bán thịt ở thành Ba-la-nại có tên là Quảng Ngạch, mỗi ngày đều giết không biết bao nhiêu là con dê; một hôm gặp được Tôn giả Xá-lợi-phất, xin thọ Bát giới kinh một ngày một đêm. Nhờ nhân duyên ấy, sau khi qua đời, được thác sanh lên cõi trời của Tỳ-sa-môn thiên vương ở phương Bắc.

Từ câu chuyện ấy, tôi nghĩ tới cuộc đời của Hòa thượng Thích Hoằng Khai.

Quận Bà Chiểu-Sài Gòn, đánh bể mặt bọn cường hào: miệng thế còn bia danh Sáu Nhỏ;

Tỉnh Mỹ Tho-Rạch Miễu, tịch đốt thây, chia xá lợi: xứ người để lại tháp hai ngôi.

Câu đối trên đây là của Hòa thượng Khánh Anh đề tặng Hòa thượng Hoằng Khai (chùa Hội Phước, ở Rạch Miễu) được in trang trọng hai bên di ảnh của vị Hòa thượng này trong tập sách Khánh Anh văn sao. Ở câu đối này và trong bài thuyết giảng, Hòa thượng Khánh Anh đã nhắc đến nhân vật Sáu Nhỏ và cuộc đời kỳ diệu từ một tay du côn khét tiếng khắp Gia Định-Sài Gòn-Chợ Lớn đã trở thành một vị Hòa thượng được thế nhân tôn kính.

1. Cuộc đời Sáu Nhỏ chủ yếu được biết qua các tập Thơ Sáu Nhỏ hoặc được lưu truyền qua con đường truyền khẩu bằng hình thức nói thơ (kể vè lục bát) hoặc qua ấn phẩm thuộc loại văn học bình dân gọi chung là “thơ tuồng truyện tích” đặc biệt bán rất chạy hồi cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Thơ Sáu Nhỏ có nhiều ấn bản (Imp.F.H.Schneider, Sài Gòn, 1913; Nhà in Xưa Nay: 1930, 1931, 1932, 1935; Nhà in Bảo tồn: 1932). Ngoài ra, có nhiều dị bản Thơ Sáu Nhỏ được sáng tác và lưu hành theo truyền thống sáng tác dân gian truyền khẩu. Tôi có sưu tầm được một số bản đứt đầu đứt đuôi vì các nghệ nhân nói thơ bị… quên theo năm tháng, chỉ có mỗi dị bản do ông Nguyễn Văn Mạnh (ở Phước Tuy, Cần Đước, Long An) là tương đối đầy đủ1. Tình trạng có nhiều dị bản lưu hành như vậy đã cho thấy Sáu Nhỏ là một “nhân vật nóng” trong ba bốn thập niên đầu thế kỷ XX.

Có người ở xứ Bình Tây,

Tuổi đời đôi chín làm thầy du côn.

Có danh thế sự người đồn,

Bình Hòa, Bà Chiểu du côn ghét chàng.

Do việc “tranh nhau làm chú làm thầy”, đám du côn Bà Chiểu lập mưu: mướn Mười Thắm, cô gái giang hồ “Hình dung yểu điệu sánh tày Tiên Nga” dụ Sáu Nhỏ “vầy duyên ngãi tình” ở một khách sạn ở cầu Chà Và và thế là bọn du côn ập vào tấn công.

Tức thì vây phủ hằng hà,

Củ chì, dao mác xem mà đông thay.

Bảo rằng huynh đệ đông tây,

Sả nó cho đặng bỏ thây nằm đàng.

Năm Bắp, Mười Một hai chàng,

Mới hay Sáu Nhỏ mắc nàn khó ra.

Chúng nó cây cầu Chà Và,

Du côn Bà Chiểu, Xóm Gà vây đông.

Sợ e Sáu Nhỏ chẳng xong,

Mác dao nó lợp, nó hòng sả va.

Tay thời đỡ gạt dao ra,

Biết bao nhiêu vít, đỡ đã hết hơi.

Khá khen Sáu Nhỏ hữu tời,

Khác nào Triệu Tử mắc thời Đương Dương.

Gặp thế cùng, Sáu Nhỏ nhảy ùm xuống sông lội về Bình Đông thoát thân.Ở đây, đám em út của Sáu Nhỏ tụ lại, lo việc cứu chữa.

Nhơn gian nam nữ cùng đông,

Tựu coi Sáu Nhỏ chật trong chật ngoài.

Đều khen Sáu Nhỏ trí tài,

Ảnh không lặn lội mang tai bỏ mình.

Nội bọn lớn nhỏ đệ huynh,

Đem anh Sáu Nhỏ gởi mình nhà thương.

Anh em ai thấy cũng thương,

Dăng tay hùn bạc nhà thương nuôi chàng.

Sau trận đòn thủ sinh tử ấy, Sáu Nhỏ bị thương tích, không còn sức lực như xưa bèn lẩn xuống Hà Tiên ẩn thân.Ở Hà Tiên được bốn năm, sức khỏe đã hồi phục, Sáu Nhỏ bèn họp em út quyết trả mối thù cũ.

Chiến thơ hẹn tại Bình Đông,

Ngày nay Sáu Nhỏ ra công báo thù.

Tiếng đồng về tới Vũng Gù,

Nội ti công luận bọn du lo lường.

Trận tranh hùng diễn ra ác liệt, các anh chị du côn Sài Gòn-Chơ Lớn đều có mặt: Tửng Tỏi, Năm Bắp, Ba Hương, Năm Nén, Bảy Chất, Sáu Vạng xe kiếng, Chín Hường… Cuộc sát phạt đẫm máu đến hồi đám du côn phe Sáu Nhỏ đã giành phần thắng thì mã, săn đầm, Biện Chà, Biện Tây kéo đến can thiệp. Sáu Nhỏ tự mình nộp mạng và đứng ra lãnh hết trách nhiệm về mình. Tòa án xử Sáu Nhỏ án tù 10 năm và đày xuống nhà giam Long Xuyên.

Nhà giam Long Xuyên là nơi giam cầm tù nhân rất khắc nghiệt. Quản Long là chúa ngục tàn ác, hành hạ tù nhân thẳng tay. Thế là Sáu Nhỏ bất bình: bẻ còng, tháo xiềng, thả hết tù nhân ra. Cuộc phá khám không thành, Sáu Nhỏ lại bị bắt và bị đày đi Côn Lôn.Thua buồn, Sáu Nhỏ tự tử.

2. Những tình tiết chính yếu về cuộc đời Sáu Nhỏ kể trên là dựa theoThơ Sáu Nhỏcủa nhà in F.H. Schneider, 1913. Trong dị bản do ông Nguyễn Văn Mạnh (Cần Đước) cung cấp: Trận đánh phục thù diễn ra ở cầu Ông Lãnh và kết thúc: Sáu Nhỏ vị án tù giam ở Khám Lớn: Đóng còng chẳng cho ăn cơm. Sáu Nhỏ đã bẻ còng thả tù Khám Lớn ra… Nói chung, các dị bản Thơ Sáu Nhỏ đều kể về cuộc đời du côn và tù tội như vậy, tức không hề đề cập gì đến việc Sáu Nhỏ gát lại chuyện đời sân si để quyết chí tu hành như những ghi chép trong Khánh Anh văn sao: … “Bấy giờ, đến ở nơi Bà Chiểu, người ta gọi là Cậu Sáu Nhỏ. Với tánh cũ cũng không chừa. Nghĩa là: Thấy điều gì trái tai gai mắt thì ra tay nghĩa hiệp để can thiệp, binh vực kẻ yếu thế bị chúng cường hào hiếp đáp”.

Như một bữa nọ, gặp một anh chàng con nhà nhiều bơ sữa, lại là hạng đầu to mặt lớn trong xứ, ỷ quyền, cậy thế, hống hách phách lối mà nạn nơn là kẻ khó phải nhịn lời, cô phải nhịn lẽ. Vị anh hùng ấy (tức Sáu Nhỏ - HNT) lấylàm bất bình, nhung còn dùng lời thuận lẽ êm để khuyên dứt mà anh chàng kia đã không hạ mình nhận lỗi, lại còn ỷ thế lên chưn, phùng mang trợn mắt…”

Nhớ đến hai câu: Kiến nghĩa bất vi vô dõng giả, lâm nguy bất cứu mạc anh hùng, buộc lòng nghĩa hiệp, người phải ra tay, cho nó một bài học (…)2.

Đại thể sau sự việc này, Sáu Nhỏ bỏ xứ trốn xuống Bến Tre, cạo đầuxin vào tu ở chùa Thiền Đức. Sau thời gian tu hành tinh tấn, Sáu Nhỏ trở thành Hòa thượng Hoằng Khai và sau là Hòa thượng chủ hương chùa Hội Phước (Rạch Miễu, Mỹ Tho).

Một tài liệu liên quan khác được trích đăng lại trong Khánh Anh văn sao (tập 1) là bài báo Hòa thượng xâm rồng (báo Thần chung, số 563, thứ tư, 17, Janvier, 1951) của ký giả Trương Tấn Lợi:

“… Những người xâm mình vì tánh tò mò, vì muốn giải khuây, hoặc để ghi lên da một vài kỷ niệm, ít được nhắc đến bằng những người hiến thân cho mũi kim lọ mực vì một mục đích”.

“Mục đích ấy, ông Yết ma Thiền Đức đã nêu rõ lên ngực bằng mấy chữ “Tự tín tự cường”.Dưới hàng chữ ấy là hình một lực sĩ hươi dao đâm cọp.

“Đời ông Yết Ma Thiên Đức là một đời sóng gió”.

“Trước ông là một tay du côn ở Bà Chiểu.Du côn không phải là xấu. Đành rằng có hạng du côn du hí du thực.Nhưng có thứ du côn chỉ vì cứng đầu với bọn cường hào mà phải mang tiếng du côn.Dân nghèo rất thích hạng du côn này”.

“Yết ma Thiên Đức, tên thiệt là Sáu Nhỏ. Sau vụ đè đầu một cường hào đánh mấy thoi bể mặt ở Gò Vấp, Sáu Nhỏ bị kiếm bắt nên quảy gói chạy xuống tuốt Ba Tri…”..

“Vừa sợ luật pháp vừa chán thế sự, anh cạo đầu vào chùa”.

“Chiếc áo dà che kín mấy đường xâm, anh yếm thế tu hành. Chẳng mấy năm Đức Hòa thượng Ba Tri phong cho chức Giáo thọ, cai quản chùa Giồng Tre…”

Bài báo cho biết: Năm 1928, Giáo thọ khai Trương kỳ kéo dài một tháng rất tốn kém. Bị mắc nợ “các tiệm các chú” khó bề trả được, Giáo thọ nay đã bỏ chùa trốn lên Mỹ Tho… mướn phòng ở nhà ngủ Kiến Hòa tạm trú, tính chuyện… hoàn tục. Chính vào lúc này, Sáu Nhỏ nhìn vào hình xâm, thấy dòng chữ “Tự tín-Tự cường” lấy làm hối hận.Hôm sau, ông lủi thủi quay về Rạch Miễu và từ đó, chỉ quyết tu hành.Bài báo kết thúc rằng: “Giờ đây, nhà sư ấy đang là một bậc chân tu ở vùng quanh đó. Xâm mình là để khắc vào tâm khảm một luật lệ phải theo, đó là một lối biểu dương tinh thần đáng kính3.

Cuối cùng, Giáp được tôn làm Hòa thượng. Năm 1945, bị bệnh nặng, ông về trọ ở Vang Quới (Bình Đại, Bến Tre) và hai năm sau thì mất, thọ 63 tuổi4.

Nói chung, việc trình bày các nguồn dữ liệu liên quan đến cuộc đời Sáu Nhỏ khác nhau trên đây trước hết nhằm cung cấp cho hội thảo hôm nay một câu chuyện về một con người sống vào buổi giao thời của lịch sử, khi xã hội Nam kỳ đã dần bước ra khỏi khuôn mẫu của truyền thống để đến với lối sống tân thời và mặt khác cũng đề xuất một mối tồn nghi về “nguyên mẫu” của một nhân vật văn chương đã từng trở thành thời danh trong công chúng. Nhìn lại phong trào chấn hưng Phật giáo hồi tiền bán thế kỷ XX, do Hòa thượng Thích Khánh Hòa phát động và được sự ủng hộ của tầng lớp tăng lữ cũng như của xã hội cho thấy đời – đạo viên dung mà cuộc đời của Hòa thượng Hoằng Khai cũng đáng “để lại tháp hai ngôi”, như câu đối của Hòa thượng Khánh Anh đề tặng.

 


* Nhà Nghiên cứu, Tp Hồ Chí Minh.

1. Thơ - vè lịch sử xã hội Nam kỳ, Trung tâm Văn hóa TP.HCM xb, 2007, tr. 195-214.

2. Khánh Anh văn sao, sđd, tập 3, tr. 51-52.

3. Khánh Anh văn sao, sđd, tập 1, tr. 31-34.

4. Huỳnh Ngọc Trảng – Trương Ngọc Tường, Nghìn năm bia miệng, NXB TP.HCM, 1992, tập II, tr. 418-420.

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 65
    • Số lượt truy cập : 6952438