Thông tin

ĐÔI VỢ CHỒNG GIÀ BÁN VÉ SỐ DẠO

 

ĐẶNG TRUNG THÀNH

 

 

Đôi vợ chồng ấy đã ngoài 70 tuổi rồi mà trông còn minh mẫn lắm, khỏe khoắn lắm. Bằng chứng là mỗi ngày họ đi bộ qua từng ngõ ngách, qua từng con đường xa bất tận đến vài chục km. Bất chấp nắng mưa, xe cộ đông ken, đôi chân gầy guộc của họ như cây cổ thụ vững chắc, không đầu hàng trước những khó khăn. Dù thế nào thì họ vẫn bán hết sạch, không trả hoặc không chừa một tờ số ế nào. Có lẽ do bà con thấy hai người lớn tuổi, thương tình nên mua ủng hộ.

Mỗi ngày, hai bác ấy lấy vé số kiến thiết ở chỗ tôi 600 vé. Bác trai thì bán nhiều hơn. Bác gái bán cao nhất cũng chỉ 200 tờ, vì còn bận về nấu cơm trưa và làm vài chuyện nhà lặt vặt. Lúc nào cũng thế, khi trao vé xong là bác trai lựa những số đẹp cho vợ, còn số xấu thì mình bán. Dù vậy, bác bán vẫn đắt (hình như là có duyên). Bác bảo: "Tội nghiệp bác gái, con ạ. Lớn tuổi rồi, chân lại bị viêm nhức khớp nên bác không cho đi nhiều". Qua tìm hiểu mới biết được họ có hoàn cảnh rất khó khăn, không nhà cửa. Ngày xưa là dân thương hồ, nhưng sau những biến cố gia đình, hai bác mất trắng tài sản lẫn nhà cửa. Đứa con gái duy nhất cũng lâm vào cảnh bệnh nan y rồi qua đời. Là dân tỉnh lẻ đến thị thành buôn bán khoảng 20 năm nay, trải qua nhiều đại lý. Cứ hễ đại lý nào gây khó dễ, xúc phạm, là hai bác nghỉ ngay, không nuối tiếc. Bởi tính bác rất bộc trực. Quan hệ giữa đại lý với người bán dạo cần hỗ trợ nhau, tương tác nhau, vì lợi ích cả hai, chứ không phải theo kiểu thương hại, bố thí, bề trên. Sở dĩ, tôi tìm hiểu kỹ hai bác vì có vài nhóm thiện nguyện trên Facebook nhờ tìm những hoàn cảnh bán vé số khó khăn để giúp đỡ. Những món quà trao cho hai bác, nhưng lúc nhận được nhiều quá bác lại bảo tôi nên chia bớt cho mấy người bán vé số khác: "Vợ chồng bác sống nay, chết mai, ăn uống được bao nhiêu mà lấy cho nhiều. Thôi cháu trích ra cho người khác với. Ai cũng khổ như nhau mà". Đành nghe lời bác vậy!

Hai bác không bán đêm vì sợ bị giật vé, rút vé, đổi vé số giả. Bác trai bảo: "Bác lớn tuổi rồi, mắt kèm nhèm nên bán buổi tối dễ bị kẻ xấu gạt". Dù hai người đã kỹ tính lắm, thậm chí còn khéo léo thọt chiếc gậy vào bánh xe của khách vãng lai để phòng ngừa kẻ xấu nhưng vẫn bị xui rủi. Sở dĩ họ làm vậy vì đã nhiều lần bị một số thành phần dù đi xe tay ga, ăn mặc sang trọng nhưng vẫn giật hàng trăm tờ vé số của bác. Kẻ xấu giả vờ dừng lại ven đường mua vé số, cốt là nhân lúc người bán mất cảnh giác, đường phố vắng bóng người là giật cả cọc vé rồ ga bỏ chạy, bỏ lại tiếng gào khóc của những mảnh đời khó khăn. Hay cũng vài lần, do mắt kèm nhèm, bác gái đã đổi nhầm 10 tờ số trúng giả giải bảy (200. 000 đồng). Bọn tội phạm vặt như thế này không thể phớt lờ, coi thường, bởi chúng hoạt động có tổ chức. Chúng không còn cạo sửa số mà dùng máy scan tờ số trúng, sau đó in ra hàng loạt. Tất nhiên mực in và giấy sẽ hơi khác so với vé số Nhà nước phát hành nhưng do người bán già cả, khó mà để phân biệt. Đón nhận 10 tờ vé số trúng giả từ tay tôi, tôi thì ái ngại, nhưng bác lại cười tươi. Bác bảo: "Tiền bạc là vật phù du thôi cháu ơi. Họ lừa mình thì họ sẽ gánh nghiệp thay mình. Có buồn thì cũng chẳng giúp được gì, cháu ạ! Thôi thì cười vậy!". Bác nói để xoa dịu cuộc sống phức tạp ở cõi tạm này, chứ tôi hiểu bác suy tư nhiều lắm! Phía sau nụ cười an nhiên ấy là tiếng thở dài trăn trở.

Dù già, dù nghèo nhưng tình cảm họ dành cho nhau rất nồng ấm, như ngọn lửa thiêng cứ cháy mãi, cháy mãi, bất tận. Bán hết vé, hai người tình tứ đi gần nhau, nói cười huyên thuyên, Thậm chí có lần tôi trộm thấy bác trai còn vuốt tóc, xoa vai bác gái một cách trìu mến. Bác trai luôn là người ga lăng, thể hiện trách nhiệm của người chồng. Cứ bán xong, tính toán lời lãi là bác trai đưa hết cho vợ. Kết thúc câu chuyện tài chính, bác gái dúi vào túi bác trai 100 ngàn đồng để đi đường thèm gì thì mua ăn: "Mình để tiền lại rồi chết cũng không mang theo được. Anh thèm gì cứ mua mà ăn, đừng hà tiện, nghe chưa" (dù ở tuổi xế chiều nhưng hai bác luôn xưng hô anh, em rất hạnh phúc). Bác trai gật gù rồi cười, quay sang tôi bảo: "Bà ấy làm như bác trẻ con không bằng". Sau cái đánh yêu mạnh vào vai, hai ông bà ngồi tỉ mẩn đếm vé mới rồi bắt đầu lựa số, Bác trai lựa những con số đẹp (theo dân chơi vé số, chẳng hạn như 39, 79, 33, 73, 32, 72) để cho bác gái bán, còn mình thì bán số xấu (05, 45, 85, 00). Tôi hỏi: "Bác để lại toàn số xấu, không kèm số đẹp sao bán được?". Bác nói đầy vẻ tự tin: "Vậy chứ bác bán hết trước bà ấy đấy". Hoàn tất việc kiểm vé, hai bác đợi xổ số xong, lấy vé dò rồi vui vẻ ra về. Hôm nào có nhiều người trúng số do hai bác bán, cả hai mừng như trúng số đặc biệt vậy. Bởi chắc rằng, khách hàng sẽ tiếp tục ủng hộ nhiều vé vào ngày mai. Dù nói rằng về phòng, nhưng trên đường về, họ vẫn bán lai rai cũng tầm vài chục vé trước khi làm bữa cơm tối.

Cuộc sống ở cõi tạm này rất khó khăn, phức tạp, trăn trở. Nhưng với cách nhìn đời vô cùng tích cực, giản đơn của hai bác đã làm cho xã hội phần nào nhẹ nhàng hơn, yêu thương hơn!

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 100
    • Số lượt truy cập : 6952494