ĐÓNG GÓP CỦA CHƯ TÔN THIỀN ĐỨC
THIỀN PHÁI LIỄU QUÁN TRONG QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO CỔ TRUYỀN VIỆT NAM
ThS. NGUYỄN THANH HẢI
Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM
1. Đặt vấn đề
Trong quá trình đồng hành cùng dân tộc, Phật giáo Việt Nam cũng đã trải qua những bước thăng trầm cùng vận mệnh đất nước, đồng thời hòa quyện vào văn hóa dân tộc như một thực thể không thể tách rời, tạo nên một đặc trưng riêng, một dấu ấn riêng của đất nước Việt Nam, con người Việt Nam. Trải qua bao biến cố của lịch sử, có những lúc Phật giáo chiếm vị trí chủ đạo, nhiều bậc cao tăng được trọng vọng trong xã hội, nhưng cũng có lúc Phật giáo đứng trước những chướng duyên, thế nhưng “dòng mạch” Phật pháp vẫn không bao giờ dứt. Điều đó có được là do các tín đồ của đạo Phật, dù ở trong hoàn cảnh nào, vẫn luôn có một niềm tin mãnh liệt ở đạo pháp, vào sự nhất quán trong giới Tăng Ni và sự đoàn kết hòa hợp của đông đảo tín đồ.
Để có được một tổ chức Giáo hội quy mô như ngày nay, để có được một “mái nhà chung” mang tên Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) như ngày nay, Phật giáo Việt Nam đã phải trải qua không ít khó khăn. Từ những tổ chức nhỏ lẻ hoạt động một cách tự phát, chưa có sự thống nhất trong đường hướng hoạt động, trong bộ máy tổ chức, trong các hoạt động lễ nghi tôn giáo... Giờ đây Phật giáo Việt Nam đã là một thể thống nhất từ chín1 tổ chức hệ phái đại diện cho Tăng đoàn ở khắp đất nước Việt Nam. Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam (GHPGCTVN) là một trong chín tổ chức như vậy, là sự nối tiếp từ Giáo hội Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật tử (GHLHT-LHPT). Thiền phái Liễu Quán do Tổ Thiệt Diệu - Liễu Quán xuất kệ với Tổ đình Thiền Tông, núi Thiên Thai (Huế) đã truyền bá sâu rộng khắp Nam Kỳ lục tỉnh. Tìm hiểu quá trình hình thành cũng như những đóng góp của Chư Tôn thiền đức thiền phái Liễu Quán trong GHPGCTVN là trọng tâm của tham luận này.
2. Khái quát quá trình hình thành Giáo hội phật giáo cổ truyền Việt Nam
Do bối cảnh chính trị và an ninh xã hội sau Cách mạng tháng 8 phức tạp. Tình hình trở nên gấp rút hơn khi Pháp càng hung hăng càn quét và chính quyền cách mạng quyết tâm đánh đuổi thực dân ra khỏi đất nước. Cũng trong giai đoạn này (1947), Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ được thành lập trụ sở đặt tại chùa Thiên Kim (Tháp Mười) do Hòa thượng Minh Nguyệt làm Hội trưởng, Hòa thượng Huệ Thành làm Hội phó. Đến năm 1949, Hội tuyên bố giải tán do tình hình giặc Pháp lúc bấy giờ khủng bố mạnh, một số Tăng sĩ về phụ trách Phật giáo cứu quốc trong Mặt trận Liên Việt các tỉnh và vận động thành lập Giáo hội Lục Hòa Tăng. Đến tháng 2 năm 1952, Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam ra đời tại chùa Long An (số 136 Cộng Hòa – Sài Gòn) và bầu Ban Trị sự gồm: Tăng trưởng: Hòa thượng Thiện Tòng (chùa Trường Thạnh); Phó Tăng trưởng: Hòa thượng Pháp Nhạc (chùa Long An); Tăng giám: Hòa thượng Thành Đạo (chùa Phật Ấn); Phó Tăng giám: Hòa thượng Minh Đức (chùa Thiên Tôn); Tổng Thư ký: Thượng tọa Huệ Chí; Thủ quỹ: Cư sĩ Đoàn Trung Còn; Ban hoằng pháp: Hòa thượng Pháp Lan (chùa Khánh Hưng) và Hòa thượng Huệ Thành (chùa Long Thiền), cùng chín Ủy viên gồm các vị Hòa thượng ở ngoại thành. Văn phòng Trung ương Giáo hội đặt tại chùa Trường Thạnh số 97 đường Yersin – Sài Gòn. Mở trường Phật học Lục Hòa cạnh chùa Giác Viên và xuất bản tờ “Phật học tạp chí” Hòa thượng Thành Đạo chủ nhiệm, Hòa thượng Huệ Chí chủ bút.
Đây là sự tiếp nối của tổ chức Lục Hòa Liên Xã (1920)2. Tại Nam Bộ, Tăng sĩ yêu nước có hoài vọng tập họp “chư sơn thiền đức”, mục đích của giáo hội nhằm tập họp Tăng sĩ vào một tổ chức để duy trì nền tảng cổ truyền và thực hiện nền giáo dục Phật lý để dìu dắt nhân sinh sống theo phép Lục Hòa3 của tinh thần Phật giáo. Mặt khác, còn một mục đích quan trọng hơn, chính là do tình hình giặc Pháp lúc bấy giờ khủng bố mạnh, một số Tăng sĩ về phụ trách Phật giáo cứu quốc trong Mặt trận Liên Việt các tỉnh, nên lập Giáo hội Lục Hòa Tăng để giữ vững tổ chức và người, cũng nhằm đối phó với âm mưu lợi dụng tôn giáo của thực dân Pháp. Hòa thượng Bửu Ý, vị Tăng sĩ tham gia trong phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp, cho biết “Sở dĩ Giáo hội ra đời là vì năm 1949 Ban chấp hành Phật giáo cứu quốc Nam Bộ do Hòa thượng Thích Minh Nguyệt làm Hội trưởng xét thấy tình hình khó khăn do giặc Pháp khủng bố, lúc bấy giờ tôi là Ủy viên phụ trách Phật giáo cứu quốc Sài Gòn – Gia Định, bấy giờ quý cụ như Hòa thượng ở chùa Trường Thạnh, Phật Ấn, Long An, Long Quang, Giác Viên… âu lo, âm thầm lặng lẽ hoạt động cốt yếu là giữ tổ chức, và người…”4.
Bên cạnh tổ chức giáo hội dành cho Tăng sĩ, Hội cũng thành lập thêm một tổ chức của cư sĩ Phật tử, đó là Hội Lục Hòa Phật tử vào năm 1954, trụ sở đặt tại chùa Long Vân (Gia Định). Mục đích chính của Hội nhằm chăm lo tốt đời sống các Phật tử có tuổi, giúp đỡ họ được chu tất khi qua đời. Hội cũng có một nghĩa trang tại Gò Dưa (Thủ Đức). Hai tổ chức “Hội Lục Hòa Tăng” và “Hội Lục Hòa Phật tử” gắn kết song hành với nhau.
Ban Trị sự “Hội Lục Hòa Tăng” do Hòa thượng Thành Đạo (chùa Giác Lâm) làm Hội trưởng, Hòa thượng Huệ Thành (chùa Long Thiền) làm Tăng giám, Hòa thượng Thiện Hương (chùa Hội Khánh) làm Phó Tăng giám. Trụ sở đặt tại chùa Phật Ân, sau dời về chùa Giác Lâm.
Ban Trị sự “Hội Lục Hòa Phật tử” do Hòa thượng Minh Thành làm Hội trưởng, Hòa thượng Thiện Hào làm Hội phó, Thượng tọa Minh Giác làm Tổng Thư ký. Trụ sở đặt tại chùa Long Vân.
Năm 1963 sau cuộc đấu tranh của Tăng, Ni, Phật tử và nhân dân lật đổ chế độ độc tài Ngô Đình Diệm thành công, tiếp đến vào năm 19695, Hòa thượng Huệ Thành, chùa Long Thiền (Đồng Nai) cùng Chư Tôn thiền đức đứng ra hợp nhất hai tổ chức này lại thành Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam hay còn gọi là Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật tử. Văn phòng giáo hội đặt tại chùa Giác Lâm (quận Tân Bình), Hòa thượng Huệ Thành làm Viện trưởng Viện Tăng thống; Hòa thượng Minh Đức làm Viện trưởng Viện Hoằng đạo; Hòa thượng Trí Tấn làm Tổng Thư ký Viện Tăng thống; Hòa thượng Bửu Ý làm Tổng Thư ký Viện Hoằng đạo. Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam thành lập lưỡng viện, gồm Viện Tăng thống và Viện Hoằng đạo, với tầm hoạt động trải rộng 37 Tỉnh /Thành hội, 81 Quận/Huyện hội với 2000 ngôi chùa, tự viện và hệ phái; có khoảng hơn 10.700 Tăng Ni và trên 200.000 tín đồ Phật tử6. GHPGCTVN thành lập Trường Phật học Lục Hòa tại chùa Giác Viên, chùa Giác Lâm, chùa Thiên Tôn và Tiểu học ở chùa Lộc Uyển, chùa Thiên Trường (Q.8) để đào tạo Tăng tài, truyền thừa mạng mạch Phật pháp và hệ phái, tiếp dẫn hậu lai báo Phật ân đức. Bên cạnh đó, còn cho ra tạp chí Phật học Lục Hòa do Hòa thượng Thích Thành Đạo làm chủ nhiệm.
Từ ngày thành lập, GHPGCTVN luôn đồng hành đạo pháp và dân tộc trong phong trào đấu tranh kỳ thị tôn giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm; cùng tham gia mặt trận đấu tranh chống Mỹ cứu nước một cách rộng rãi và hiệu quả…
3. Chư Tôn thiền đức thiền phái liễu quán trong Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam
3.1 Khái quát về truyền thừa thiền phái Liễu Quán ở Nam Bộ
Thiền sư Thiệt Diệu - Liễu Quán (1667-1742) họ Lê, quê quán tại Phú Yên, là đệ tử của Hòa thượng Tế Viên ở chùa Hội Tôn (Phú Yên) và thọ giáo y chỉ với Hòa thượng Giác Phong ở chùa Hàm Long, sau đổi tên là chùa Báo Quốc (Phú Xuân). Sau khi thọ giới tu học một thời gian, ngài đến chùa Ấn Tôn tu hành và đắc pháp với Hòa thượng Minh Hoằng - Tử Dung, sau này đổi tên là chùa Từ Đàm, nối đời thứ 35 thiền phái Lâm Tế. Nhưng lúc bấy giờ thiền sư Minh Hoằng - Tử Dung truyền không trực hệ tông môn của tổ sư Nguyên Thiều - Thọ Tông (tức Siêu Bạch Hoán Bích)7 (hình 1). Theo bài kệ “Tổ Đạo Giới Định Tông; Phương Quảng Chứng Viên Thông; Hạnh Siêu Minh Thiệt Tế; Liễu Đạt Ngộ Chơn Không; …”.
Đời pháp |
|
||
21 |
Vạn Phong – Thời Úy |
||
31 |
Thông Thiền - Hoằng Giác quốc sư (Đạo Mẫn Mộc Trần)* |
||
32 |
Hạnh Viên – Bổn Quả ** (Bổn Khao - Khoáng Viên) |
Tuyết Tiêu - Chơn Phát |
|
33 |
Siêu Bạch – Hoán Bích (Nguyên Thiều – Thọ Tôn) |
Như Trưởng - Đại Xa |
|
34 |
Minh Vật – Nhất Tri,… (Thành Nhạc - Ẩn Sơn, Thành Đẳng - Minh Lượng,…) |
Minh Hoằng - Tử Dung |
|
35 |
… |
Thiệt Diệu -Liễu Quán |
Thiệt Vinh -Bửu Hạnh |
36 |
… |
49 đệ tử đắc pháp |
… |
Hình 1. Tóm tắt truyền thừa Thiền sư Nguyên Thiều và Thiền sư Liễu Quán8
Thiền sư Thiệt Diệu - Liễu Quán khai sơn chùa Thiền tông, Thiên Thai (Phú Xuân) và là một cao Tăng người Việt đầu tiên biệt xuất một pháp phái: Lâm Tế chánh tông, Thiên Thai Sơn, Thiền Tông tự pháp phái; Và vì pháp phái này không trực hệ Tổ sư Nguyên Thiều nên gọi là Tế Thượng chánh tông.
Thiệt Tế Đại Đạo Tánh Hải Thanh Trừng
Tâm Nguyên Quảng Nhuận Đức Bổn Từ Phong
Giới Định Phước Huệ Thể Dụng Viên Thông
Vĩnh Siêu Trí Quả Mật Khế Thành Công
Truyền Trì Diệu Lý Xiễn Dương Chánh Tông
Hành Giả Tương Ưng Đạt Ngộ Chân Không
Thiền sư Thiệt Diệu Liễu Quán có nhiều thế hệ đệ tử hành đạo vùng Phú Xuân và Phú Yên quê hương ngài. Tông môn đệ tử phát triển rất nhanh. Ở Nam Bộ, thiền phái Liễu Quán phát triển khá nhanh. Tuy nhiên giai đoạn đầu, do địa lý và sự ảnh hưởng sâu sắc thiền phái Lâm Tế chánh tông, Gia Phổ, Trí Bảng nên các thiền sư thiền phái Liễu Quán hàng chữ “Tế”, “Đại” đến rồi lại đi, hoặc có trụ lại thì ở những nơi hoang vắng, sự truyền thừa rất hạn hẹp.
Thế hệ thứ 3 (hàng chữ Đại), có Thiền sư Đại Tu - Cần Năng đến vùng Gia Định khai sơn chùa Sắc Tứ Trường Thọ (Gò Vấp); Thiền sư Đại Ngạn – Từ Tấn vào khai sơn chùa Hội Khánh (Thủ Dầu Một); Thiền sư Đại Bổ - Thiện Đề khai sơn chùa Kim Cang (Tân An); Thiền sư Đại Quang - Chí Thành hoằng hóa tại Tây Nam Bộ.
Thế hệ thứ 4 (hàng chữ Đạo) cũng đã tiếp bước vào miền Nam hoằng hóa như: Ở Bình Dương, Tây Ninh có Thiền sư Đạo Trung - Thiện Hiếu đến khai sơn chùa Hưng Long (Bưng Cầu - Thủ Dầu Một) và Linh Sơn Thiên tự (Tây Ninh)…; Ở Gia Định có Đạo Huệ - Huyền Quảng khai sơn chùa Đức Lâm (Gia Định), Đạo Phụng - Long Thắng kế vị chùa Trường Thọ, Đạo Thành – Khánh Long (chùa Hội Sơn - Thủ Đức), Đạo Huyền – Mậc Uẩn (Sắc Từ Phước Kiểng), Đạo Trạm – Định Ấn (chùa Linh Quang)...; Ở BRVT có Đạo Sanh – Minh Công chùa Sắc Tứ Vạn An ,… Ở Long An có Đạo Đăng – Bửu Hương chùa Kim Cang…
Thế hệ thứ 5 (hàng chữ Tánh), Ở Tiền Giang có Tánh Thông - Vô Đại (chùa Phước Long), Tánh Thành – Trí Phú (chùa Thiên Phước), Tánh Giác – Nhựt Lễ (chùa Kim Cương), Tánh Nhẫn - Thiện Châu (chùa Bửu Lâm)…; Ở Gia Định có Tánh An – Hoằng Lý (chùa Trường Thọ), Tánh Minh – Đức Hội , Tành Thọ - Từ Ân (Chùa Bảo Long)…; Ở Tây Ninh có Tánh Hiền – Quảng Thông (Chùa Linh Sơn) ...; Ở Long An có Tánh Thành – Viên Ngộ (chùa Đức Lâm - Sài Gòn, chùa Tôn Thạnh), Tánh Trực - Huệ Chánh (chùa Tam Bảo), Tánh Hòa –Phát Viên (chùa Phước Minh) …Ở Biên Hòa có Tánh Không – Huệ Chơn (chùa Thanh Lương – Biên Hòa)…Ở Bình Dương có Tánh Tùy – Cực Lạc, Tánh Phần – Đức Xuân, Tánh Thể - Đức Trinh, Tánh Tác – Ý Ngữ (chùa Long Hưng), Tánh Khoa – Đức Huyền (chùa Long Thọ).
Thế hệ thứ 6 (hàng chữ Hải), Ở Tiền Giang có Hải Phước – Hoài Tôn (chùa Thiên Phước), Hải Châu – Minh Giác (chùa Kim Cương), Hải Nguyên – Trí Quang (chùa Phước Long), Hải Tràng – Giác Trung (Chùa Thanh Trước), Hải Nguyện-Thiện Ý (chùa Bửu Lâm)…; ở Gia Định có Hải Tràng – Giác Trung, Hải Hiệp - Từ Tạng (chùa Đức Lâm), Hải Linh – Quảng Trí (chùa Phụng Sơn) ...ở BR –VT có Hải Hội – Chánh Niệm (Chùa Long Hòa), Hải Bình – Bảo Tạng (chùa Long Quang, Ngọc Tuyền), Hải Chánh – Bảo Thanh (Chùa Long Bàn) …Ở Đồng Nai có Bảo Chơn..; Ở Long An có Hải Lượng – Chánh Tâm (chùa Kim Cương), Hải Hướng-Huệ Chơn (chùa Thiên Mụ)...; Ở Bình Dương có Hải Tấn – Trí Triệt, Hải Thắng – Phước Cầu (chùa Long Hưng), Hải Thạnh – Mật Khánh (chùa Long Thọ)…
Thế hệ thứ 7 (hàng chữ Thanh), Ở Tiền Giang có Thanh Trương – Thiệu Long (chùa Kim Cương), Thanh Ân – Chánh Nghĩa, Thanh Hưng – Vạn An (Chùa Kim Tiên), Thanh Lý – Bảo An (Chùa Phước Long), Thanh Hội – Vô Tri, Thanh Quang – Ngộ Hiện (chùa Thanh Trước), Thanh Trương – Bửu Khánh (chùa Phước Thạnh) … Ở Gia Định có Thanh Hiện – Tâm Thông (chùa Trường Thọ), Thanh Thọ - Phước Chi (chùa Đức Lâm), Thanh Nguyên – Huệ Cẩn (chùa Thiên Phước), Thanh Sơn – Đạt Bích (chùa Phụng Sơn)…; Ở Long An có Thanh Nhựt – Độ Long (chùa Kim Cang), Thanh Xuân - Huệ Hương (chùa Thạnh Phước), Thanh Linh (Chùa Định Phước), Thanh Thuận – Chánh Định (chùa Vĩnh Hưng)… Ở BR –VT có Thanh Kế - Huệ Đăng (chùa Thiên Thai), Thanh An – Huệ Long (chùa Long Quang)… Ở Bình Dương có Thanh Ngôn – Nhơn Bửu (chùa Long Hưng), Thanh Dũng – Thiệt Minh (chùa Long Thọ)…
Các thế hệ chữ “Trừng”, “Tâm”, “Nguyên”, “Quảng”, “Nhuận” thì xuất hiện vô số ở Nam Bộ. Từ đây trở đi thiền phái Liễu Quán phát triển khá mạnh. Tuy nhiên từ khoảng giữa thế kỷ 19 trở về sau, thiền tông pháp phái cũng như các pháp phái trong tông Lâm Tế đều có khuynh hướng kết hợp, bổ sung cho nhau.
3.2 Chư Tôn Thiền Đức thiền phái Liễu Quán trong quá trình hình thành Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược diễn ra quyết liệt, cơ sở tổ chức Phật giáo cứu quốc cấp xã, huyện, tỉnh phát triển đều khắp. Đến năm 1947, Hòa thượng Trừng Hinh - Pháp Long cùng sư Tam Không (Hòa thượng Minh Nguyệt) với các Hòa thượng khác thành lập Phật giáo cứu quốc Nam Bộ chiến khu Đồng Tháp Mười. Trong đó Chư Tôn thiền phái Liễu Quán đã tham ban trị sự như Hòa thượng Trừng Kim – Minh Nguyệt (Hội trưởng Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ); Hòa thượng Pháp Tràng (Ủy viên Kiểm soát); Hòa thượng Trừng Lực – Pháp Dõng (Ủy viên, Hội Phó hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ tỉnh Gia Định); Hòa thượng Trừng Thanh – Thiện Hào (Phó ban Tuyên huấn); Hòa thượng Trừng Liến – Minh Tịnh (Chủ tịch Phật giáo cứu quốc Thủ Dầu Một)…Sách “Việt Nam Phật giáo sử luận”, tập 3, chương 31 của tác giả Nguyễn Lang có viết đoạn này: “Những tổ chức Phật giáo cứu quốc được tiếp tục duy trì. Trụ sở của các tổ chức này có nơi đặt tại vùng kháng chiến, có nơi đặt tại vùng hồi cư. Tỉnh nào cũng duy trì một Ủy ban Phật giáo cứu quốc. Không những chỉ có các Tăng sĩ trẻ đứng ra đảm nhiệm công cuộc này mà những vị tôn túc nhiều khi cũng đã chịu đứng ra làm chủ tịch các ủy ban để các Tăng sĩ trẻ tuổi dựa vào mà làm việc… Thiền sư Pháp Dõng đứng ra làm Chủ tịch Ủy ban Phật giáo cứu quốc tỉnh Gia Định. Thiền sư Pháp Tràng là Chủ tịch Ủy ban Phật giáo cứu quốc tỉnh Mỹ Tho. Thiền sư Pháp Long là Chủ tịch Ủy ban Phật giáo cứu quốc tỉnh Vĩnh Long. Chùa Ô Môi ở xã Mỹ Quý trong chiến khu Đồng Tháp Mười là trụ sở của Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ. Tham dự vào ban chấp hành có các thiền sư Minh Nguyệt…”9. Trong nội dung trên, các vị như Trừng Kim - Minh Nguyệt, Trừng Liến – Minh Tịnh, Trừng Lực - Pháp Dõng, Pháp Tràng, Trừng Hinh - Pháp Long, Trừng Thanh – Thiện Hào là những đệ tử của ngài Thanh Kế - Huệ Đăng thuộc đời pháp 42 Lâm Tế chánh tông thiền phái Liễu Quán theo bài kệ “Thiệt Tế Đại Đạo Tánh Hải Thanh Trừng...”, đã có những đóng góp to lớn trong quá trình hình thành Phật giáo cứu quốc Nam Bộ tiền thân của hội Lục Hòa Tăng, hội Lục Hòa Phật tử và sau này là GHPGCTVN.
Tiếp nối truyền thống Phật giáo cứu quốc Nam Bộ, Hội Lục Hòa Tăng và Hội Lục Hòa Phật tử được thành lập. Chư Tôn đức thiền phái Liễu Quán cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành hội. Tại chùa Long An (136 đường Cộng Hòa – Sài Gòn) Hội nghị Tăng già thành lập GHLHT-LHPT và bầu ban trị sự. Chư Tôn Thiền đức thiền phái Liễu Quán được bầu trong ban trị sư như: Hòa thượng Pháp Nhạc (chùa Long An) làm Phó Tăng trưởng; Hòa thượng Trừng Úy – Minh Đức (chùa Thiên Tôn) được bầu làm Phó Tăng giám; Hòa thượng Trừng Tâm – Pháp Lan (chùa Khánh Hưng) làm Ủy viên phụ trách công tác hoằng pháp; Hòa thượng Trừng Thanh – Thiện Hào (chùa Tường Quang) được bầu làm Phó Hội trưởng Hội Lục Hòa Phật tử, Hòa thượng được suy tôn làm Tổng Thư ký (1957) và Hội trưởng GHLHT-LHPT (1959)10 và nhiều Chư Tôn thiền đức khác. Tại tỉnh Thủ Dầu Một, các Hòa thượng kệ phái cũng đóng góp quan trọng Giáo hội như Hòa thượng Quảng Nhu (chùa Long Thọ) đời pháp 45 được bầu làm Tăng giám quận Châu Thành; Hòa thượng Tâm Đồng – Giác Hoa (chùa Thiên Bửu) Tăng giám quận Lái Thiêu; Hòa thượng Trừng Quang (chùa Oai Đức) trong Ban Chứng minh; Hòa thượng Nhuận Tấn (chùa Phước Tường) trong Ban kiểm soát; Sư cô Tâm Quốc (chùa Vạn Phước) trong Ban tài chính…11. Hệ Thiên Thai Thiền Giáo Quán Tông là tổ chức hệ phái truyền thừa theo thiền phái Liễu Quán và hầu hết các vị thuộc hệ phái này ở Bình Dương đều tham gia vào GHLHT-LHPT từ những ngày đầu thành lập như quý Hòa thượng Thọ Thiện (chùa Thiện Chơn), Hòa thượng Tịch Chiếu (chùa Tây Tạng), Hòa thượng Tâm Đồng – Giác Hoa (chùa Thiên Bửu),…12
Trong bối cảnh thời cuộc tại miền Nam Việt Nam, sau cuộc đảo chánh lật đổ chế độ độc tài gia đình trị Ngô Đình Diệm, chính quyền mới của Nguyễn Văn Thiệu tiếp tục kiềm kẹp, khủng bố và đàn áp; cùng với việc mua chuộc, phân hóa, ám hại các lãnh tụ phong trào chống đối chính quyền, tăng cường đánh phá các trung tâm Phật giáo thân kháng chiến… Trước tình thế khó khăn, GHLHT-LHPT là tổ chức Phật giáo yêu nước luôn bị chính quyền theo dõi. Cho nên, khi Hiến chương được soạn thảo và sau mấy tháng vận động vào đầu năm 1969 (Kỷ Dậu), dưới sự chủ trì của các Hòa thượng Thích Minh Đức, Hòa thượng Thích Huệ Thành, Hòa thượng Thích Thành Đạo, Hòa thượng Thích Bửu Ý… chính thức tiến hành Đại hội hiệp nhất hai GHLHT-LHPT, cho ra đời Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, được chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ do Thủ tướng Trần Văn Hương phê chuẩn. Chư tôn thiền phái Liễu Quán tiếp tục cống hiến cho đạo pháp và dân tộc tiêu biểu như Hòa thượng Trừng Úy – Minh Đức được suy tôn làm Viện trưởng Hoằng Đạo; Thượng tọa Quảng Long làm cố vấn Mặt trận cứu đói13; Trong “Ban Liên lạc yêu nước Phật giáo”14, Hòa thượng Trừng Kim – Minh Nguyệt được bầu làm Chủ tịch, Hòa thượng Trừng Thanh – Thiện Hào làm Tổng Thư ký, Hòa thượng Trừng Lực - Pháp Dõng và Thượng tọa Thiện Xuân làm Ủy viên.
Đại hội Phật giáo toàn quốc diễn ra trọng thể vào ngày 07 tháng 11 năm 1981 tại chùa Quán Sứ (Hà Nội), có rất nhiều vị cao Tăng tiêu biểu kệ phái thuộc GHPGCTVN được suy cử vào các chức vụ quan trọng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam như Hòa thượng Trừng Kim - Minh Nguyệt (Chủ tịch Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ, tiền thân GHPGCTVN) được suy tôn làm Phó Pháp chủ Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh, Hòa thượng Trừng Thanh - Thiện Hào (Hội trưởng Hội Lục Hòa Phật tử) được suy tôn làm Thành viên Hội đồng Chứng minh kiêm Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam… Sự tín nhiệm của Đại hội đối với Chư tôn đức GHPGCTVN là một thành tựu rất lớn lao và là niềm tự hào về sự đóng góp nói chung và Chư tôn đức thiền phái Liễu Quán nói riêng.
4. Kết luận
Giáo hội Lục Hòa Tăng – Lục Hòa Phật tử, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam ra đời trong một thời điểm thích hợp, đã tích cực gánh vác sứ mệnh cao cả, đóng góp thiết thực và hiệu quả trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc, góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, lập lại hòa bình, thống nhất đất nước. Cùng với các Chư Tôn đức Tăng Ni, các thiền sư thiền phái Liễu Quán đã góp phần không nhỏ trong đạo và đời; trong thời bình cũng như trong sự nghiệp giải phóng dân tộc.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.Thích Đồng Bổn; Tiểu sử danh Tăng Việt Nam thể kỷ 20; http://cusi.free.fr/lsp/danhtvn/danhtang1-giaidoan4-46.htm truy cập ngày 24/12/2019.
2.Trương Ngọc Tường (...), Các chi phái Lâm Tế ở Nam Bộ, http://phatgiaobaclieu.com/cac-chi-phailam-te-o-nam-bo-truong-ngoc-tuong-2/ truy cập ngày 31//8/2019.
3.Thích Đồng Dưỡng (2018); Bước đầu tìm hiểu phả hệ truyền thừa Thiền phái Liễu Quán tại Phú Yên; tạp chí Liễu Quán số 14 tháng 5/2018.
4.Nguyễn Lang; Việt Nam Phật giáo sử luận; https://www.sachphatgiao.net/viet-nam-phat-giao-su-luan/tap-iii-chuong-31-xay-dung-lai-cac-co-so-hanh-dao truy cập ngày 25/12/2019.
5.Giáo hội Phật giáo Việt Nam (1998); kỷ yếu lễ tang Hòa thượng Thích Thiện Hào; Nxb TP.HCM.
6. Thích Huệ Thông (2015); Lịch sử Phật giáo Bình Dương; NXB Văn Hóa Văn Nghệ TPHCM.
7. Thích Huệ Thông (2019); Lược sử Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam; Nxb Văn Hóa Văn Nghệ TP.HCM.
8. Lê Quốc Sử (1984); Lược sử đấu tranh của Phật giáo Nam Kỳ 1962-1975; tài liệu lưu hành nội bộ hệ phái Phật giáo Cổ truyền.
9.Xin cho biết về Giáo hội Lục Hòa Tăng và Hội Lục Hòa Phật tử; https://phatgiaolongan.org/xin-chobiet-ve-giao-hoi-luc-hoa-tang-va-hoi-luc-hoa-phat-tu/ Truy cập ngày 26/12/2019.
10.Nguyễn Duy Đoan (2018); Truyền thừa và chấn hưng Phật giáo của thiền phái Lâm Tế ở Bình Định; Kỷ yếu HTKH “Phật giáo và văn học ở Bình Định”; Nxb Khoa học Xã hội.
1. Chín tổ chức là: 1. Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam; 2. Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất; 3. Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam; 4. Ban Liên lạc Phật giáo Yêu nước thành phố Hồ Chí Minh; 5. Giáo hội Tăng già Nguyên thuỷ Việt Nam; 6. Giáo hội Thiên thai giáo Quán tông; 7. Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam; 8. Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước Tây Nam Bộ; 9. Hội Phật học Nam Việt.
2. Theo niên biểu Phật giáo VN của Trần Tri Khách, tổ chức Lục Hòa Liên Xã ra đời, nhằm mục đích tạo điều kiện cho các vị ưu tư về sự suy đồi của Phật giáo Việt Nam có cơ hội gặp gỡ nhau để bàn bạc việc chấn hưng Phật Giáo qua 3 nỗ lực: chỉnh đốn tăng già, kiến lập Phật học đường, diễn dịch và xuất bản kinh sách Việt ngữ. Các vị tổ sư tiền bối của phong trào này là HT Huệ Quang, Khánh Hòa và Khánh Anh. Trụ sở đặt tại chùa Long Hòa của HT Huệ Quang. Nhất Hạnh (VNPGSL 3) cho rằng Hội Lục Hòa Liên Xã là viên đá đầu tiên của phong trào chấn hưng Phật Giáo tại Nam kỳ.
3 . 1. Thân hòa cộng trụ; 2. Khẩu hòa vô tránh; 3. Ý hòa đồng sự ; 4. Giới hòa đồng tu; 5. Kiến hòa đồng giải; 6. Lợi hòa đồng quân.
4. Xin cho biết về Giáo hội Lục Hòa Tăng và Hội Lục Hòa Phật tử; https://phatgiaolongan.org/xin-cho-biet-ve-giao-hoi-luc-hoatang-va-hoi-luc-hoa-phat-tu/ truy cập ngày 26/12/2019.
5. Thời điểm thành lập GHPGCTVN hiện này vẫn còn nhiều tư liệu chưa thống nhất. Ở đây tác giả lấy thời điểm thành lập theo quyển “Tiểu sử danh Tăng Việt Nam thể kỷ 20” của Thích Đồng Bổn http://cusi.free.fr/lsp/danhtvn/danhtang1-giaidoan4-46.htm. Truy cập ngày 24/12/2019.
6. Thích Huệ Thông (2015); Lịch sử Phật giáo Bình Dương; Nxb Văn Hóa Văn Nghệ TPHCM; trang 403.
7 . Trương Ngọc Tường (...), Các chi phái Lâm Tế ở Nam Bộ, http://phatgiaobaclieu.com/cac-chi-phai-lam-te-o-nam-bo-truongngoc-tuong-2/ truy cập ngày 31//8/2019.
8. Theo “Chánh Pháp nhãn tạng” do Hòa thượng Thanh Phước - Nguyên Long phù pháp cho Đại sư Trừng Minh – Thọ Đức của tác giả Thích Đồng Bổn (2018); Bước đầu tìm hiểu phả hệ truyền thừa thiền phái Liễu Quán tại Phú Yên; tạp chí Liễu Quán số 14 tháng 5/2018; trang 60.
* Thông Thiên-Hoằng Giác quốc sư (tức Đạo Mẫn) thế hệ thứ 31 Lâm Tế chánh tông ở chùa Thiên Khai (Trung Quốc) đã biệt xuất một pháp phái: “Đạo Bổn Nguyên Thành Phật Tổ Tiên…” Trương Ngọc Tường (...), Các chi phái Lâm Tế ở Nam Bộ, http://phatgiaobaclieu.com/cac-chi-phai-lam-te-o-nam-bo-truong-ngoc-tuong-2/ truy cập ngày 31//8/2019.
** Nguyễn Duy Đoan (2018); Truyền thừa và chấn hưng Phật giáo của thiền Phái Lâm Tế ở Bình Định; Kỷ yếu HTKH “Phật giáo và văn học ở Bình Định”; Nxb Khoa học Xã hội; trang 174.
9. Nguyễn Duy Đoan (2018); Truyền thừa và chấn hưng Phật giáo của thiền Phái Lâm Tế ở Bình Định; Kỷ yếu HTKH “Phật giáo và văn học ở Bình Định”; Nxb Khoa học Xã hội; trang 174.
10. Giáo hội Phật giáo Việt Nam (1998); kỷ yếu lễ tang Hòa thượng Thích Thiện Hào; NXB TP.HCM, trang 9.
11. Thích Huệ Thông (2015); Lịch sử Phật giáo Bình Dương; Nxb Văn Hóa Văn Nghệ TPHCM; trang 407.
12. Thích Huệ Thông (2015); Lịch sử Phật giáo Bình Dương; Nxb Văn Hóa Văn Nghệ TPHCM; trang 423.
13. GHPGCTVN đã thành lập Mặt trận nhân dân cứu đói do Đại đức Thích Hiển Pháp làm Chủ tịch, Thượng tọa Thích Quảng Long làm cố vấn, trong thành phần mặt trận còn có sự tham gia của nhiều linh mục, luật sư, giáo sư, dân biểu, nghị sĩ…vào ngày 21/09/1974.
14. Tháng 8 năm 1975, Chư tôn đức GHPGCTVN đã đứng ra thành lập Ban Liên lạc yêu nước Phật giáo Tp.HCM do Hòa thượng Thích Minh Nguyệt làm Chủ tịch, Hòa thượng Thích Bửu Ý làm Phó Chủ tịch, Hòa thượng Thích Thiện Hào làm Tổng Thư ký, các ủy viên có Hòa thượng Thích Pháp Dõng, Thượng tọa Thích Hiển Pháp, Thượng tọa Thích Từ Thông, Thích Huệ Xướng, Thích Thiện Đức (chùa Pháp Vân), Thích Thiện Xuân…
Bình luận bài viết