Thông tin

ĐÓNG GÓP CỦA PHẬT GIÁO CỔ TRUYỀN

TRONG DÒNG CHẢY PHÁT TRIỂN

PHẬT GIÁO TỈNH KIÊN GIANG

 

THÍCH MINH NGHĨA
Tịnh xá Trung Tâm, TP.HCM

 

Trong thời đại khoa học công nghệ như hiện nay, tất cả mọi lĩnh vực cần phải được nghiên cứu, đánh giá và trình bày một cách rõ ràng khoa học. Đối với lịch sử Phật giáo Việt Nam nói chung, cũng như lịch sử Phật giáo từng vùng miền, từng tỉnh thành nói riêng cần phải khảo sát viết lại để làm nguồn tư liệu lịch sử cho việc nghiên cứu, học hỏi, giảng dạy, giao lưu văn hóa với các khu vực trong và ngoài nước. Phật giáo tỉnh Kiên Giang đã trải qua thời gian dài du nhập và phát triển có nhiều giai đoạn, nhiều sự kiện, nhân vật lịch sử cần thẩm định ghi chép lại để làm nguồn tư liệu liệu quý cho Phật giáo tỉnh nhà. Qua đó cũng thể hiện lòng tri ân của hàng hậu học đối với các bậc tiền bối hữu công đã dày công đóng góp cho ngôi nhà chung Phật giáo. Trong đó có Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam ở Kiên Giang.

Năm 1969 Giáo hội Phật giáo Cổ Truyền Việt Nam được thành lập trên cơ sở hợp nhất hai Giáo hội Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật tử, dưới sự chủ trì của các Hòa thượng Thích Minh Đức, Hòa thượng Thích Huệ Thành, Hòa thượng Thích Thành Đạo, Hòa thượng Thích Bửu Ý… được Thủ tướng Trần Văn Hương đại diện chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ do phê chuẩn. “Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam thành lập lưỡng viện, gồm Viện Tăng thống và Viện Hoằng đạo, với tầm hoạt động trải rộng 37 Tỉnh /Thành hội, 81 Quận/Huyện hội với 2000 ngôi chùa, tự viện và hệ phái, có khoảng hơn 10.700 Tăng Ni và trên 200.000 tín đồ Phật tử1. Kể từ đây Phật giáo Cổ truyền Việt Nam mở rộng tầm hoạt động ra các tỉnh thành và có nhiều thành tựu nhất định trong lịch sử hình thành và phát triển Phật giáo Việt Nam nói chung và Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng tại tỉnh Kiên Giang nói riêng.

Chùa Sắc Tứ Thập Phương ở Rạch Giá được xem là trụ sở của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam tỉnh Kiên Giang, chùa được một vị Sa môn thành lập vào năm 1790, bằng cây lá để tịnh tu và đặt tên hiệu là Thập Phương Tự. Chùa cũng được vua Gia Long sắc tứ, do có công giúp vua lánh nạn. Năm 1890, Hòa thượng Vĩnh Thùy (thế danh Nguyễn Văn Tiền) được Phật tử cung thỉnh về đây trụ trì. Trong giai đoạn này chùa Thập Phương là ngôi Tổ đình trọng điểm của Phật giáo xứ Rạch Giá. Hòa thượng Vĩnh Thùy đã cảm hóa được nhiều đệ tử xuất gia, sau này trở thành rường cột của Phật giáo tỉnh Rạch Giá: “Tiêu biểu như Trưởng tử của ngài là Hòa thượng Trí Thiền được ngài điều về trụ trì chùa Sắc Tứ Tam Bảo, thứ tử Yết ma Bửu Thành (thế danh Nguyễn Thành Nghi) về trụ trì chùa Phước Thạnh, quý tử Yết ma Bửu Quá (thế danh Nguyễn Văn Đỏ) về trụ trì chùa Hòa Long”.2 Ngày 6/4/1920, Hòa thượng Vĩnh Thùy viên tịch, thọ 90 tuổi. Bảo tháp của ngài được tôn tạo trong chùa. “Các đời trụ trì tiếp theo là Hòa thượng Bửu Ngươn (thế danh Nguyễn Văn Ngọ) và Thượng tọa Chí Hoằng (thế danh Trần Hữu Thế). Chùa Sắc Tứ Thập Phương vốn là trụ sở của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền tỉnh Kiên Giang”.3 Về hoạt động Tăng sự, Giáo hội Lục Hòa Tăng ở Kiên Giang còn tổ chức an cư kiết hạ, giới đàn truyền giới dành cho chư Tăng trong và ngoài tỉnh tham dự. Theo tác phẩm Biên niên sử giới đàn Tăng Việt Nam của TT. Thích Đồng Bổn có ghi: “Năm Quý Mão (1963) chùa Thập Phương tỉnh Rạch Giá khai Trường kỳ giới đàn. Đàn đầu Hòa thượng Quảng Đạt Kiểu Tông4 . Bên cạnh đó một số chùa như chùa Bửu Khánh, chùa Bửu Thạnh, chùa Bửu Kim, chùa Mỹ Thạnh... trước kia cũng thuộc truyền thống Phật giáo Cổ truyền đã có nhiều hoạt động thiết thực cho công tác an sinh xã hội. Ngoài việc hoằng dương chánh pháp, ấn tống kinh điển, đào tạo Tăng tài, quý thầy còn liên tục cho trùng tu các công trình vật chất cho chùa. Một số chùa còn có mở phòng thuốc Nam bắt mạch hốt thuốc cho người dân địa phương, lo việc tụng niệm làm điểm tựa tinh thần cho nhân dân trong vùng. Chư Tăng và Phật tử trong những năm qua còn đóng góp tích cực cho các hoạt động giáo dục đạo đức lối sống cho người dân địa phương. Vào mỗi tối, các chùa đều có thời khóa tụng kinh, niệm Phật, trì chú, khóa tu niệm Phật, ấn tống, kinh sách, băng đĩa cho quý Phật tử đến tham khảo nghiên cứu. Những việc làm đó tô điểm thêm hương sắc cho Phật giáo Cổ truyền tỉnh Kiên Giang trong lòng Giáo hội.

Trong kỳ đại hội thành lập GHPGVN tại Hà Nội vào năm 1981 nhị vị Hòa thượng Danh Nhưỡng và Hòa thượng Thích Bổn Châu đại diện cho Phật giáo tỉnh Kiên Giang tham dự Hội nghị. Trong kỳ Đại hội này, Hòa thượng Danh Nhưỡng được suy cử làm Thành viên Hội đồng Chứng minh, Hòa thượng Thích Bổn Châu làm Ủy viên Hội đồng Trị sự. Sau khi tham dự Đại hội trở về, các vị đã đứng ra vận động Chư tôn túc lãnh đạo các tổ chức, hệ phái Phật giáo ở Kiên Giang như “Phật giáo Cổ Truyền do Thượng tọa Thích Bửu Nguyên đại diện; phái Phật giáo Thiền Lâm do Thượng tọa Thích Huyền Thông đại diện; Hệ phái Khất sĩ Tăng do Thượng tọa Thích Giác Phước đại diện; Hệ phái Khất sĩ Ni do Ni trưởng Liễu Liên đại diện; Hội Phật học Nam Việt do Lâm Minh Khải đại diện... tất cả đã đoàn kết, hòa hợp cùng tổ chức, hệ phái tiến tới Đại hội thành lập Tỉnh hội Phật giáo Kiên Giang năm 18825. Trong kỳ Đại hội này Thượng tọa Thích Bửu Nguyên được bầu làm Trưởng Ban Nghi lễ Phật giáo tỉnh Kiên Giang, chức vụ này ngài đã giữ trong nhiều nhiệm kỳ liền. Hòa thượng Thích Bửu Nguyên là vị danh tăng tiêu biểu của Phật giáo Cổ truyền đã tạo sự gắn kết giữa các tổ chức, hệ phái Phật giáo, kể từ khi Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Kiên Giang thành lập.

Hòa thượng Thích Bửu Nguyên, thế danh Nguyễn Văn Chương. Sinh năm 1920 trong một gia đình trung nông tại huyện An Biên (Kiên Giang), năm 12 tuổi, ngài xuất gia tại chùa Sắc Tứ Thập Phương với Hòa thượng Bửu Ngươn. Sau khi thọ Tỳ kheo, ngài tu học và vân du hành đạo khắp nơi cho đến năm 1988, ngài được bổ nhiệm chính thức làm trụ trì chùa Sắc Tứ Thập Phương. Với vị trí Trưởng Ban nghi lễ Phật giáo trải qua cá nhiện kỳ cho đến lúc viên tịch năm 2006. Hòa thượng đã có nhiều hoạt động đóng góp cho Giáo hội như củng cố hệ thống tổ chức Giáo hội, giáo dục đào tạo Tăng tài, thành lập Trường Cơ bản Phật học, xử lý các vấn đề Tăng sự và hướng dẫn các khóa lễ chính do Tỉnh hội tổ chức. Có thể nói Hòa thượng là người đóng góp rất nhiều tâm huyết cho Phật giáo Kiên Giang.

Một trong những nét đặc thù của Phật giáo Việt Nam là tinh thần hộ quốc an dân. “Vị trí của nhiều chùa trong nước lúc bấy giờ, một mặt vẫn là nơi trọng tâm tín ngưỡng và hoạt động tinh thần ở các làng quê, nơi tụ hội và trình diễn các tài năng chốn dân dã, nơi cứu độ và an ủi những người hoạn nạn, nhưng mặt khác thêm vào đó còn là nơi ẩn náu và đợi thời, nơi hội hợp của những người yêu nước, nơi cất giấu các tài liệu bí mật và chuẩn bị cho các cuộc nổi dậy6. Chính lòng yêu nước và dân tộc khiến Tăng Ni, Phật tử không thể ngồi yên trong chùa tu niệm, mà muốn làm một việc gì đó đóng góp cho đất nước. Quý ngài sẵn sàng dùng cửa thiền môn cho các hoạt động cách mạng.

Đối với Giáo hội Lục Hòa Tăng, Lục Hòa Phật tử hay Phật giáo Cổ truyền tỉnh Kiên Giang sau này trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, chư Tăng và Phật tử theo tiếng gọi tinh thần yêu nước trở thành những cán bộ nhiệt thành của cách mạng. Trong đó điển hình như Hòa thượng Thích Huệ Trung, khai sơn chùa Phước Liên năm 1963 thuộc xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành. Với lòng yêu nước, Hòa thượng đã tham gia vào hoạt động cách mạng ở địa phương và chùa Phước Liên cũng là trạm liên lạc của quân nhân giải phóng: “Năm 1945 khi cuộc kháng chiến chống Pháp tại Nam kỳ bùng nổ, ngài tham gia cách mạng, ngài là Chính trị viên xã đội xã Quả Lựu. Sau Hiệp định Geneve 1954, ngài ở lại miền Nam hoạt động bí mật7. Đến 1962, do hoạt động bị lộ, ngài chuyển vùng hoạt động về U Minh, sau đó lần hồi đến xã Vinh Hòa. Tại đây, ngài bắt liên lạc với cán bộ địa phương, đồng thời xây dựng chùa Phước Liên vừa làm nơi chiêm bái cho Phật tử, vừa làm nơi hội họp của các cán bộ chiến sĩ yêu nước. Sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, chùa Phước Liên là một trong những ngôi chùa tiêu biểu thể hiện chức năng xã hội của Phật giáo huyện Châu Thành và khi Tỉnh hội Phật giáo Kiên Giang thành lập, Hòa thượng Thích Huệ Trung đảm nhiệm chức vụ Ủy viên Ban Giáo dục Tăng Ni trong hai nhiệm kỳ 1 và 2.

Đạo Phật với tinh thần từ bi và trí tuệ ở bất cứ thời gian, không gian nào cũng hướng đến mục tiêu cao đẹp là đem lại lợi ích cho mình, cho người. Thầy Thích Minh Tân - đệ tử Hòa thượng Bửu Ngươn, trụ trì chùa Sắc Tứ Thập Phương, luôn hoài bão vì hòa bình cho đất nước nên quyết định tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp. “Năm 1946, Yết ma Minh Tân tham gia kháng chiến chống Pháp trong đơn vị công tác tại làng Vĩnh Thanh Vân, Rạch Giá. Năm 1952, ngài bị bắt và bị tra tấn đến tàn phế. Năm sau, được trả tự do, ngài trở về chùa Thập Phương và viên tịch vào năm 1969, trụ thế 53 năm8. Nét đặc biệt về ngôi tháp của thầy Minh Tân là các mặt được chạm khắc hình bản đồ nước Việt Nam. Các ngài với tinh thần yêu quê hương, Tổ quốc mà tùy theo nhân duyên phụng sự dân tộc và nhân sinh không hề nghĩ đến danh lợi thế tục. Chính vì nếp sống cao quý đó mà hình ảnh các nhà sư có một vị trí quan trọng trong trái tim của người dân Việt.

Chùa Hùng Nhĩ Sơn được khởi công từ năm 1945, do công lao của Hòa thượng Thích Minh Phụng: “Trải qua hai thời kỳ chống Pháp và Mỹ từ năm 1945 đến 1975, ngoài việc là một nơi Phật tử địa phương đến chiêm bái lễ Phật, chùa Hùng Nhĩ Sơn còn là một cơ sở bí mật của cách mạng với nhiều trọng trách như nuôi dưỡng và che giấu cán bộ, thu thập tin tức tình hình địch quân, tiếp tế thuốc men và là nơi hội họp của cán bộ địa phương. Bản thân thầy trụ trì còn bị chính quyền chế độ cũ bắt giam tra tấn vì tình nghi hoạt động cách  mạng”.9 Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Hòa thượng Minh Phụng được bầu làm Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Phú Quốc và về hưu 10 năm sau đó. Năm 1992, Hòa thượng viên tịch. Ngoài ra còn có chùa Sùng Hưng được biết đến như một ngôi chùa cổ của huyện đảo Phú Quốc, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, chùa Sùng Hưng còn là một điểm liên lạc bí mật cho cách mạng. Mặc dù việc tham gia cách mạng có nhiều nguy hiểm khó khăn, một số chùa bị chính quyền đóng cửa, đốt phá. Trong qua trình hoạt động cách mạng nhiều Tăng Ni phải hy sinh thân mình, bị tù đày giam cầm, trở thành liệt sĩ, thương bệnh binh. Nhưng vì tinh thần từ bi cứu khổ của đạo Phật, các vị Tăng Ni, Phật tử Phật giáo Cổ truyền tỉnh Kiên Giang không thể đứng nhìn cảnh nước mất nhà tan, nên đã chung tay góp sức với quân và dân từng bước giành lại độc lập dân tộc.

Qua các giá trị lịch sử, chúng ta thấy rằng các ngôi chùa Phật giáo Cổ truyền ở tỉnh Kiên Giang thể hiện giá trị hòa quang đồng trần, đồng hành với dân tộc trong mọi hoàn cảnh. Với đặc điểm cao quý đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong bài phát biểu Đại lễ kỷ niệm 35 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (7/11/1981- 7/11/2016) nói: “Trong lịch sử dựng nước và giữ nước rất đỗi hào hùng và đậm nét văn háa của dân tộc Việt Nam, nhiều nhân vật lịch sử, nhiều anh hùng dân tộc mà tên tuổi, sự nghiệp gắn liền với nhà Phật và còn mãi với thời gian… Rất nhiều người vượt qua khó khăn, vượt lên chính mình, vì mọi người, vì lợi ích chung, hy sinh lợi ích, kể cả tuổi trẻ, thậm chí là máu thịt, là tính mạng của mình vì độc lập, tự do vì tương lai tươi sáng của dân tộc... Đó là gì nếu không phải là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, là Phật tính trong con người Việt Nam10. Vì vậy, tinh thần đồng hành cùng dân tộc được xem là nét son của Phật giáo Việt Nam nói chung và Phật giáo Cổ truyền nói riêng.

Tóm lại, nếu nhìn xuyên suốt chiều dài lịch sử ở cả hai phương diện là đồng đại và lịch đại, chúng ta sẽ thấy sự đóng góp của Phật giáo Cổ truyền tỉnh Kiên Giang đối với Phật giáo nước nhà và đời sống văn hóa cộng đồng là rất lớn. Trước vận hội mới của đất nước, Phật giáo Cổ truyền tỉnh Kiên Giang tiếp tục phát huy những nét tinh túy trong Phật giáo vào thời đại mới. Nét tinh túy đó chính là tinh thần nhập thế, với tinh thần đó trong những năm qua vẫn liên tục phát triển, từng nơi, từng lúc và trở thành sợi chỉ xuyên suốt quá trình hoạt động của Phật giáo tỉnh Kiên Giang. Như vậy, Phật giáo Cổ truyền tỉnh Kiên Giang trong giai đoạn đất nước hòa bình, độc lập đã hòa chung với các tổ chức, hệ phái Phật giáo khác, tiếp tục đóng góp thiết thực vào đời sống văn hóa cộng đồng, đóng góp nguồn nhân lực cho Giáo hội. Tham gia vào hoạt động điều hành Giáo hội, thuyết giảng giáo lý cho mọi tầng lớp nhân dân, làm công tác từ thiện xã hội, xây dựng nếp sống văn hóa đạo đức đem đến an lạc, hạnh phúc cho mọi người. Với các nguồn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, Phật giáo Cổ truyền tỉnh Kiên Giang cũng thu hút du khách các nơi đến tham quan chiêm bái, nghiên cứu… kéo theo sự tăng trưởng về nguồn lợi kinh tế cho tỉnh nhà. Ngày nay, chư Tăng, Phật tử thuộc hệ phái Phật giáo Cổ truyền tại tỉnh Kiên Giang vẫn luôn nêu cao tinh thần đồng hành với dân tộc, tạo sự gắn kết giữa tôn giáo và dân tộc, giữ gìn an ninh quốc phòng, trật tự xã hội, thể hiện vai trò thiết thực của Phật giáo đối với đời sống văn hóa cộng đồng.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2001), Biên niên sử Phật giáo Gia Định – Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh, Nxb TP. Hồ Chí Minh.

2. Nguyễn Lang (2008), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb Văn Học, Tp.HCM.

3. Thích Đồng Bổn (2009), Biên niên sử Giới đàn Tăng Việt Nam, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội.

4. Thích Giác Phước (chủ biên) (2002), Lược sử những ngôi chùa ở Kiên Giang, Nxb Tp.HCM.

5. Thích Huệ Thông (2019), Lược sử Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, Nxb Văn Hóa Văn Nghệ.

6. Thích Minh Nghĩa (2019), Tìm hiểu hoạt động giáo dục Phật giáo tỉnh Kiên Giang, Tạp chí Phật học Từ Quang, số 29, Nxb Hồng Đức.

7. Viện Triết học (1989), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội.

 


1. Thích Huệ Thông (2019), Lược sử Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, Nxb Văn Hóa Văn Nghệ, tr. 203.

2. Thích Giác Phước chủ biên (2002), Lược sử những ngôi chùa ở Kiên Giang, Nxb Tp.HCM, tr.38.

3. Thích Minh Nghĩa (2019), Luận văn Thạc sĩ Quá trình hình thành và phát triển Phật giáo Bắc tông Kiên Giang, Học Việt PGVN tại TP. Hồ Chí Minh, tr. 73.

4. Thích Đồng Bổn (2009), Biên niên sử Giới đàn Tăng Việt Nam, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, tr. 170.

5. Thích Thiện Nhơn, Phật giáo Kiên Giang một góc nhìn http://www.phatgiaokiengiang.com, ngày 18/06/2017.

6. Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phật giáo tỉnh Kiên Giang qua một góc nhìn, http://www.phatgiaokiengiang.com, ngày 18/6/2017.

7. Thích Giác Phước chủ biên (2002), Lược sử những ngôi chùa ở Kiên Giang, Nxb Tp.HCM, tr. 174.

8. Sđd, tr. 39.

9. Sđd, tr. 226

10. Vũ Đức Đam, Phật giáo Việt Nam gắn bó, đồng hành với dân tộc, https://vietnamnet.vn, 07/11/2016.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 31
    • Số lượt truy cập : 6129586