ĐÓNG GÓP CỦA SƠN MÔN ẤN QUANG
VỚI ĐẠO PHÁP VÀ DÂN TỘC
HUỲNH THANH MỘNG
SV Khoa Lịch sử - Đại học KHXH&NV
Đại học Quốc gia Hà Nội
Tóm tắt
Trong những năm 1954-1975, sơn môn Ấn Quang trở thành nơi thống nhất các hội Phật học, trở thành Tổ đình - biểu tượng cho Phật giáo miền Nam. Trong thời gian này, sơn môn Ấn Quang đã có những đóng góp quan trọng đối với phong trào chấn hưng Phật giáo; đồng thời, là nơi quy tụ, tập hợp và đưa quần chúng lên trận địa cách mạng chống đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn nhằm đấu tranh đòi hòa bình, độc lập, dân sinh, dân chủ và thống nhất đất nước.
Mở đầu
Chùa Ấn Quang được xây dựng cách nay không lâu, nhưng lại giữ một vị trí rất đặc biệt trong lịch sử Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Nơi đây đã từng chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng trong những bước thăng trầm và phát triển của Phật giáo ở miền Nam. Năm 1964, chùa Ấn Quang trở thành cơ sở chính của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Trong thời gian 1954-1975, trào lưu chấn hưng Phật giáo tiếp tục phát triển với nhiều cách thức chấn hưng khác nhau của các sơn môn, pháp phái. Ngoài ra, đây cũng là thời gian Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới của Mỹ, xâm phạm đến các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam. Trong bối cảnh đó, sơn môn Ấn Quang đứng trước hai câu hỏi lớn: 1) Sơn môn Ấn Quang có kế thừa và tiếp tục phát triển trào lưu chấn hưng Phật giáo hay không? (Nếu có) Sự kế thừa và phát triển trào lưu chấn hưng Phật giáo của sơn môn diễn ra như thế nào? 2) Sơn môn Ấn Quang đã lựa chọn hướng đi như thế nào trong “nhập thế” trước cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ? Bài viết dưới đây xin cố gắng giải quyết hai câu hỏi trên.
Nội dung
1. Từ một ngôi chùa trẻ, chùa Ấn Quang nhanh chóng trở thành tổ đình, trung tâm đặc biệt của Phật giáo miền Nam Việt Nam
Trong phong trào chấn hưng Phật giáo gắn liền với kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, năm 1946, thiền sư Trí Tịnh và Quảng Minh đã sáng lập Phật học đường Liên Hải ở Chợ Lớn. Cũng trong năm đó, Phật học đường Trà Vinh của thiền sư Thiện Hoa đã được khai giảng trở lại. Tiếp đó, thiền sư Huyền Dung lập Phật học đường Mai Sơn.
Năm 1949, thiền sư Trí Hữu đã dựng Trí Tuệ Am trên một khoảnh đất trống tại đường Lorgéril, khu Vườn Lài. Sau đó, Trí Tuệ Am được xây thêm một chính điện và một tăng xá bằng tranh và tre, trở thành chùa Ứng Quang. Tại đây, Thiền sư Trí Hữu mở một lớp giảng kinh cho Tăng sinh trẻ tuổi tại các chùa lân cận. Chùa Ứng Quang trở thành một Phật học đường nhỏ. Với sự cộng tác của Thiền sư Nhật Liên và Thiện Hòa. Phật học đường Ứng Quang được xây dựng thêm nhiều lớp học và tăng xá.
Nhận thấy sự thiếu thống nhất trong việc mở Phật học đường, các thiền sư Trí Hữu, Nhật Liên và Thiện Hòa bắt đầu liên lạc với các Phật học đường Liên Hải và Sùng Đức. Nhờ đó, năm 1950, các thiền sư đã họp bàn với nhau tại chùa Ứng Quang và quyết định thống nhất các Phật học đường Liên Hải, Mai Sơn và Ứng Quang thành Phật học đường Nam Việt. Trong cuộc họp, thiền sư Nhật Liên đề nghị đổi danh xưng chùa Ứng Quang thành chùa Ấn Quang và được các thiền sư khác đồng ý1.
Sau hai năm ra đời, Phật học đường Nam Việt đã xây dựng đầy đủ về cơ sở vật chất. “Phật điện, giảng đường và tăng xá được xây dựng ngay trong khi các lớp học đang được diễn tiến. Phật học đường Nam Việt đã trở thành trung tâm Phật giáo có uy tín nhất ở miền Nam. Chùa Ấn Quang bắt đầu đi vào lịch sử”2. Năm 1953, Phật học đường Nam Việt kết nạp thêm Phật học đường Phật Quang ở Trà Ôn và mời thiền sư Thiện Hoa về chùa Ấn Quang để giảng dạy.
Trước đó, ngày 5/6/1951, các chư Tăng tổ chức đại hội của tại chùa Hưng Long và thống nhất thành lập Giáo hội Tăng già Nam Việt, trụ sở đặt tại chùa Ấn Quang. Đến năm 1953, Giáo hội Tăng già Nam Việt đã có cơ sở ở khắp các tỉnh miền Nam Việt Nam. Tại Đại hội Giáo hội Tăng già Nam Việt, ngày 8/3/1953, thiền sư Thiện Hòa được bầu làm Trị Sự trưởng và thiền sư Huệ Quang được suy tôn làm Pháp chủ. Từ đó Giáo hội Tăng già Nam Việt “trở thành một tập đoàn Phật giáo rất trang nghiêm và có uy thế”3. Nhờ đó, năm 1956, Tổng hội Phật giáo Việt Nam đã lựa chọn chùa Ấn Quang trở thành trụ sở thay cho chùa Từ Đàm, nhằm thúc đẩy sự phát triển của trào lưu chấn hưng Phật giáo.
Trước sự phát triển của phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963, đầu năm 1964, các hội đoàn, tông phái Phật giáo ở miền Nam Việt Nam đã thống nhất thành Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Với uy tín và vai trò của sơn môn, Ấn Quang đã được chọn làm trụ sở sinh hoạt của Giáo hội. Như vậy, từ chỗ là một ngôi chùa trẻ, chùa Ấn Quang đã trở thành tổ đình và là trung tâm đặc biệt của Phật giáo miền Nam Việt Nam4. Mặt khác, chùa Ấn Quang trở thành biểu tượng của sự liên kết các sơn môn, pháp phái trong trào lưu chấn hưng Phật giáo.
Từ năm 1954 đến năm 1975, hoạt động tiêu biểu về đạo pháp của sơn môn Ấn Quang thể hiện rõ nhất ở lĩnh vực giáo dục Phật học và hoằng pháp.
Từ năm 1956 trở đi, Phật học đường Nam Việt xây dựng chương trình giáo dục mới cho cấp tiểu học và trung học Phật giáo, nhằm mục đích cung cấp cho học tăng tốt nghiệp cấp trung học Phật giáo. Ngoài trình độ Trung đẳng Phật học, chương trình này còn có kiến thức phổ thông học tập tương đương với trình độ tú tài. Từ đây, tại Phật học đường Nam Việt, học tăng được học thêm sinh ngữ, khoa học và văn học5.
Tại các trường Đại học Sư phạm hoặc Đại học Văn khoa Sài Gòn, nhiều học tăng đã học chương trình Cao đẳng Phật học tại Phật học đường Nam Việt. Sau khi ra trường, họ đã có bằng cử nhân Văn khoa hay cử nhân Sư phạm, tạo điều kiện mở những trường trung học tư thục của Phật giáo theo hình mẫu của trường tư thục Bồ Đề ở miền Trung trước đó. Trong số các vị xuất sắc nhất có các vị thiền sư Minh Cảnh, Thiện Tánh, Đạt Bửu, Trí Không, Chơn Lễ, Thiện Phú, Thanh Văn... 6
Từ năm 1956 trở đi, thiền sư Thiện Hoa đã huấn luyện và nâng đỡ nhiều giảng sư xuất sắc của miền Nam như thiền sư Huyền Vi, Thanh Từ, Tắc Phước, Từ Thông, Thiền Định, Quảng Long, Chánh Tiến, Liễu Minh v.v.... Từ năm 1957 trở đi, dưới sự điều hành của sơn môn Ấn Quang, nhiều khóa “Như Lai sứ giả” được mở nhằm huấn luyện cán bộ tu nghiệp hoằng pháp tại các chùa Pháp Hội và Dược Sư. Những giảng sư tốt nghiệp các khóa ở Pháp Hội lên tới 52 vị, trong số đó có các vị thiền sư Trường Lạc, Bửu Lai, Trí Châu, Nhất Châu, Nhất Long, Hồng Tịnh, Hồng Đạo, Hiển Pháp, Huyền Quý, Huyền Thông, Phước Hảo và Huệ Thành. Trong số các vị tốt nghiệp ở chùa Dược Sư có các ni sư Như Hoa, Phật Bửu, Giác Thiên, Như Huy, Như Huyền, Như Chí và Như Hiển7. Có thể nói, sơn môn Ấn Quang là cái nôi đào tạo nhiều danh tăng thạc đức, đóng góp nhiều trí tuệ cho việc hoằng truyền chính pháp, xây dựng ngôi nhà Phật giáo vững mạnh ở thế kỷ XX.
Bên cạnh đó, sơn môn Ấn Quang đã tăng cường các hoạt động tiếp nhận thêm thành viên, cộng tác viên, phối hợp với chư tôn túc, chư vị học giả, giáo sư, giảng sư Phật học và xúc tiến các công trình nghiên cứu, dịch thuật các ấn phẩm Phật giáo. Mỗi tự viện, cơ sở Phật giáo đã thành lập một thư viện hay phòng đọc sách, báo để phổ biến giáo lý Phật giáo, thông tin các hoạt động Phật sự của Giáo hội. Nghiên cứu các mô hình văn hoá Phật giáo với mức độ chuyên sâu có liên quan đến lĩnh vực văn hóa, giáo dục, nghệ thuật, nghi lễ, kiến trúc, y học của Phật giáo Việt Nam... Trong đó, Phật học đường Nam Việt có hai cơ sở xuất bản (Ấn Quang Sen Vàng và Phật học Tùng thư) đã được xuất bản được một công trình Phật học từ sơ cấp đến cao cấp, dùng làm tài liệu giảng diễn cho các giảng sư đoàn. Chương trình Phật học phổ thông được chia thành 12 khóa và được phổ biến rất rộng rãi. Về sau Phật học Tùng thư được đổi thành nhà xuất bản Hướng Đạo, xuất bản gần 100 tác phẩm8.
Bên cạnh việc đào tạo và nghiên cứu Phật học, sơn môn Ấn Quang còn hướng dẫn Phật tử tham gia các lễ lớn của Phật giáo như Lễ Phật Đản; đồng thời, tăng cường mối liên hệ, hợp tác thân hữu với Phật giáo các nước trên thế giới, tham gia lễ lớn của Phật giáo quốc tế (tham gia Lễ Buddha Jayanti)9.
Ngoài ra, sơn môn Ấn Quang còn vận động tài chính giải quyết các vấn đề đảm bảo an sinh xã hội ở miền Nam Việt Nam. Tiêu biểu là sự kiện ngày 12 tháng 10 năm 1974, sơn môn Ấn Quang đã thành lập “Mặt trận nhân dân cứu đói” miền Trung do Thích Long Trí làm Chủ tịch. Mặt trận nhân dân cứu đói đã phát động phong trào “nhường cơm sẻ áo”, “lá lành đùm lá rách”, vận động quyên góp lương thực, thực phẩm, mùng mền, quần áo, thuốc men chuyển đến nhân dân bị bão lụt. Mặt trận nhân dân cứu đói đã tập hợp gần 500 người đại diện tôn giáo, phe nhóm chính trị, cùng đông đảo ký giả trong và ngoài nước. Với sự hoạt động tích cực của một số cá nhân yêu nước, trong đó có cả giáo chức Phật giáo, Công giáo, dân biểu, nhà báo, luật sư, văn nghệ sĩ, sinh viên, học sinh10. Thông qua đó, sơn môn Ấn Quang thể hiện sứ mệnh hoằng pháp không chỉ trình bày giáo pháp của Đức Phật qua lời giảng, mà còn qua hành vi, thái độ và sự ứng xử của người con Phật, toát lên được giá trị cao đẹp của Phật giáo, khiến người khác phát khởi sự hoan hỷ, tin tưởng tham gia hoạt động của sơn môn Ấn Quang và thu hút đông đảo quần chúng đến học Phật, tu Phật.
Như vậy, trong những năm 1954-1975, hoạt động phát triển đạo pháp của sơn môn Ấn Quang gắn liền với với hai phương cách: đào tạo - lời dạy và gương lành. Đặc biệt, từ năm 1964, với tư cách là trụ sở của Phật giáo miền Nam Việt Nam, sơn môn Ấn Quang đã có những điều kiện thuận lợi để thúc đẩy hoạt động giáo dục và hoằng pháp. Mục đích của các hoạt động của sơn môn Ấn Quang hướng đến là giúp chúng sinh hiểu được nguyên nhân khổ, biết về khổ, biết cách để diệt khổ và giải thoát khỏi khổ. Nhờ đó đã giúp các tín đồ Phật tử hiểu và ứng dụng Phật pháp vào trong đời sống để giải thoát khổ đau, có được sự bình an và hạnh phúc, tạo nên sự bình yên, an lạc, hiểu biết và thương yêu từ hành động và lời nói. Đây cũng là điều kiện để sơn môn Ấn Quang tập hợp lực lượng quần chúng yêu nước và thúc đẩy sự phát triển của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước.
2. Tập hợp và đưa lực lượng chính trị lên trận địa đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước
Trong quá trình hoằng dương Phật pháp, đứng trước tình cảnh thực dân xâm lược kiểu mới, nhân dân miền Nam Việt Nam luôn gánh chịu “cái khổ”. Với lời dạy của Đức Phật “Vì hạnh phúc cho quần chúng, vì an lạc cho quần chúng, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư thiên và loài người”11, sơn môn Ấn Quang đã “nhập thế” giúp nhân dân thoát khổ. Quá trình “nhập thế” của sơn môn Ấn Quang gắn liền với sự đấu tranh đòi Mỹ và chính quyền Sài Gòn thực hiện hòa bình, dân sinh, dân chủ, thống nhất và hòa họp, hòa giải dân tộc. Đây chính là mẫu số chung, mục đích của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Vì thế, trong thời gian 1954-1975, sơn môn Ấn Quang đã trở thành nơi tập hợp và đưa quần chúng lên trận địa cách mạng, trở thành đội quân chính trị hùng đậu, đóng góp tích cực và chủ động cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Sau năm 1954, với việc ký kết Hiệp định Giơnevơ về Đông Dương, nước Việt Nam tạm thời bị chia cắt thành hai miền với hai chế độ chính trị - xã hội khác nhau. Miền Bắc Việt Nam hoàn toàn được giải phóng, căn bản hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và tạo điều kiện bước vào thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội. Ở miền Nam, quân đội Pháp sẽ tập kết ở miền Nam và rút quân hết về nước sau khoảng thời gian 2 năm. Nhân dân Việt Nam sẽ Tổng tuyển cử thống nhất nước nhà. Tuy nhiên, đế quốc Mỹ đã vào “thay chân” Pháp ở miền Nam với âm mưu chia cắt lâu dài nước Việt Nam, biến miền Nam thành một quốc gia độc lập thân Mỹ nằm trong thế giới tự do và đối lập với phe cộng sản. Chính quyền Ngô Đình Diệm thi hành chính sách kỳ thị Phật giáo đã làm cho các hoạt động Phật giáo ở phía Nam, trong giai đoạn chấn hưng càng gặp nhiều khó khăn. Hàng loạt các tổ chức, hệ phái Phật giáo ra đời, song phong trào vẫn chỉ dừng ở mức nhỏ lẻ, tự phát và thụ động. Điều đó khiến cho Phật giáo Việt Nam tuy có lượng tín đồ, Phật tử đông đảo nhưng chưa đáp ứng được lòng mong mỏi chính đáng của đông đảo tăng ni, Phật tử. Năm 1963, sự kiện Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu tại Sài Gòn để phản đối chính quyền Sài Gòn đàn áp Phật giáo đã làm dấy lên phong trào chống chiến tranh phi nghĩa của đế quốc Mỹ không chỉ ở Việt Nam mà ở khắp thế giới12.
Sau “sự kiện Phật giáo năm 1963” và nhằm đáp ứng yêu cầu “bắt tay nhau thành một khối phát triển quảng đại và thống nhất trên nguyên tắc cũng như trong hành động” của Hội Phật học Nam Việt13, đầu năm 1964, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất được hình thành, nhằm quy tụ các hội đoàn, tông phái Phật giáo về một mối. Hòa thượng Thích Tịnh Khiết được suy tôn làm Tăng thống. Thiền sư Tâm Châu được bầu vào chức vụ Viện trưởng Viện Hóa đạo và Thiền sư Trí Quang giữ chức Tổng Thư ký Viện Tăng thống. Chùa Ấn Quang tại Sài Gòn được chọn làm trụ sở sinh hoạt của Giáo hội. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, trước sự chia rẽ của các thế lực đế quốc và tay sai, cuối năm 1966, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất chia thành hai khối: “Khối Ấn Quang” và “Khối Việt Nam Quốc tự”14. Trong đó, “Khối Ấn Quang” (sơn môn Ấn Quang) là nơi tập hợp những tín đồ Phật tử yêu nước, đấu tranh chống chiến tranh, đòi hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Với bản chất của Phật giáo là thiện, là chơn chánh, là chân lý sống đẹp, là đạo đức, là thánh thiện, sơn môn Ấn Quang đã “nhập thế” tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Mục đích đấu tranh chống Mỹ và chính quyền Sài Gòn là hòa bình, độc lập, dân sinh, dân chủ15 và hòa giải, hòa hợp dân tộc16. Đây là những quyền cơ bản của mỗi dân tộc. Vì thế, sơn môn Ấn Quang không những đã tập hợp được những tín đồ Phật tử yêu nước, mà còn đã tập hợp được đông đảo quần chúng nhân dân, trong đó có nhiều nhân vật uy tín, ảnh hưởng lớn17 ở đô thị đấu tranh chống chính quyền Sài Gòn, vừa hưởng ứng với phong trào đấu tranh của lực lượng cách mạng, vừa đấu tranh vì mục tiêu đòi hòa bình, hòa hợp dân tộc. Năm 1970, thiền sư Thiện Hoa đã kêu gọi: “Hầu hết đại diện các tôn giáo có tham dự để hoạch định một chương trình tìm kiếm hòa bình cho Việt Nam, chính cảnh chém giết một cách phi lý cho dân tộc này”18, “Chính quyền luôn luôn chủ động với ngoái nhân, mà không chịu nghe những những tiếng nói trung thực của các tầng lớp dân chúng đúc kết để hành động cho thích hợp với nguyện vọng chung”19. Từ đó, sơn môn Ấn Quang đã liên kết được các vị lãnh đạo tinh thần tôn giáo như Thiên Chúa giáo, Tin Lành, Cao Đài, Hòa Hảo tham gia Uỷ ban Vận động hòa bình cho Việt Nam20. Nhờ đó, sơn môn Ấn Quang đã “châm ngòi cho các di chuyển, xã hội bí mật, bạo lực và bạo loạn” chống đối Nguyễn Văn Thiệu21.
Bên cạnh việc tập hợp lực lượng đông đảo, sơn môn Ấn Quang còn góp phần gắn kết sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. “Vụ thảm sát ở Mỹ Lai” đã được sơn môn Ấn Quang quốc tế hóa và được xét xử tại Mỹ. Luật sư Paul Harking, được sự ủy quyền của sơn môn Ấn Quang “để biện hộ cho nạn nhân trước tòa án”22. Tiếp đó, ngày 20/10/1970, tại Đại hội Phật giáo thế giới ở Kyoto (Nhật Bản), Đoàn đại biểu sơn môn Ấn Quang đã công bố “Giải pháp sáu điểm để chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình tại Việt Nam”, với ba vấn đề cơ bản sau: 1) Tố cáo chính quyền Nguyễn Văn Thiệu là thối nát, độc tài, không đại diện cho nhân dân miền Nam; 2) Thành lập chính quyền phù hợp để thương thuyết với Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam để đi đến việc lập lại hòa bình, thống nhất đất nước; 3) Đòi Mỹ phải rút quân, nhưng Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam có mặt trong sinh hoạt chính trị tại miền Nam23. Bản Giải pháp sáu điểm của sơn môn Ấn Quang đã gây tiếng vang lớn ở diễn đàn Hội nghị Quốc tế Phật giáo ở Kyoto và gắn kết cuộc đấu tranh hòa bình, hòa hợp dân tộc của sơn môn Ấn Quang với cuộc đấu tranh vì hòa bình, giáo lý “Tứ diệu đế” - “Niết bàn” của Phật giáo Quốc tế24.
Đến tháng 12/1970, nhân dịp phái đoàn Liên Tôn vận động hòa bình Nhật Bản đến thăm sơn môn Ấn Quang, thiền sư Thiện Hoa gửi phong thư đựng bản hiệu triệu của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đến phái đoàn Liên Tôn hòa bình. Bản hiệu triệu có đoạn viết: “Chiến tranh tại Việt Nam đã kéo dài trên 25 năm gây ra đau khổ tang tóc không thể nào diễn tả được. Chúng tôi không thể nào tiếp tục chịu đựng cuộc chiến tranh này lâu hơn nữa. Chúng tôi xin tất cả các đoàn thể tôn giáo và tổ chức yêu chuộng hòa bình trên thế giới, hãy lưu tâm hợp lực với chúng tôi một cách thiết thực, để đòi hỏi chấm dứt cho được cuộc chiến tranh đau thương này… Chúng tôi đòi hỏi một cuộc ngừng bắn vĩnh viễn, chúng tôi đòi hỏi chấm dứt chiến tranh quốc tế, để người Việt có thể hòa giải chấm dứt cuộc chiến tranh”25. Từ đó, sơn môn Ấn Quang đã gắn kết chặt chẽ với Giáo hội Phật giáo Quốc tế trong cuộc đấu tranh chống Mỹ và chính quyền Sài Gòn, đòi hòa bình, hòa giải và hòa hợp dân tộc.
Nhờ những hoạt động tích cực trên, phong trào đấu tranh chính trị miền Nam nói chung và phong trào đấu tranh của sơn môn Ấn Quang nói riêng ủng hộ hòa bình, hòa hợp, hòa giải dân tộc, phản đối chiến tranh, chống chính quyền Mỹ - Thiệu, đã góp phần tạo “thế” và cùng “lực” cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Điển hình là trong “Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không” buộc Mỹ và Chính quyền Nguyễn Văn Thiệu ký Hiệp định Paris về Việt Nam26.
Một đóng góp quan trọng của sơn môn Ấn Quang đối với dân tộc là sơn môn Ấn Quang góp phần quan trọng giúp quân giải phóng giảm thiểu thiệt hại tối đa sức người, sức của trong việc “tiếp thu” Sài Gòn. Trong những ngày “tận thế” của chính quyền Sài Gòn, nhằm hạn chế thiệt hại về người và của trong chiến tranh, nhận thấy Dương Văn Minh là tín đồ của Phật giáo, sơn môn Ấn Quang đã tiếp xúc với Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh và thuyết phục được ông với mong muốn “ít bị thương vong về người, cơ sở vật chất ít bị tàn phá nặng”27. Vì thế, ngay từ trưa ngày 29/04/1975, Dương Văn Minh đã đồng ý giao chính quyền cho lực lượng cách mạng và cử một phái đoàn vào trại David tiếp xúc với đoàn Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam về việc ngừng bắn, phái đoàn đã thông báo với đại tá Võ Đông Giang tiếp: Tướng Minh đã xác nhận là “Sài Gòn không chống cự”28. Một số nhân vật uy tín trong sơn môn Ấn Quang được bầu vào Nội các của Dương Văn Minh như: Bùi Tường Huân (giáo sư Đại học Huế) giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng. Đây là một giáo sư đại học làm Bộ trưởng Quốc phòng, thể hiện ý muốn hòa bình Nội các Dương Văn Minh; Vũ Văn Mẫu, Chủ tịch phong trào hòa giải hòa hợp của sơn môn Ấn Quang được Dương Văn Minh cử làm Thủ tướng29. Nhờ những hoạt động tích cực của sơn môn Ấn Quang, cùng với hoạt động tiến công quân sự kết hợp với quần chúng nổi dậy, lúc 10 giờ 45 phút ngày 30/4, quân giải phóng tiến vào dinh Độc Lập; đến 11 giờ 30 phút, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc dinh Độc Lập, báo hiệu chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.
Kết luận
Trong những năm 1954-1975, sơn môn, Tổ đình Ấn Quang đã có những đóng góp to lớn cho đạo pháp và dân tộc. Về đạo pháp, sơn môn Ấn Quang đã góp phần phát triển trào lưu chấn hưng Phật giáo thông qua những công tác: i) Đào tạo, bồi dưỡng được đội ngũ sư tăng đông đảo có chất lượng phục vụ công cuộc hoằng pháp; ii) Thông qua giảng dạy và sản xuất sách báo, sơn môn Ấn Quang đã truyền bá giáo lý của Phật giáo, hướng dẫn Phật tử đến con đường thoát “khổ”, con đường an lạc; iii) Phát triển mối quan hệ với Phật giáo các nước trên thế giới. Về dân tộc, sơn môn Ấn Quang trở thành nơi tập hợp và đưa quần chúng lên trận địa đấu tranh cách mạng, góp phần vào thắng lợi trên mặt ngoại giao, phát triển phong trào đấu tranh phản đối chiến tranh xâm lược Việt Nam của Mỹ trên thế giới, thúc đẩy phong trào đấu tranh chính trị đòi hòa bình, thống nhất, hòa hợp và hòa giải dân tộc. Đặc biệt là, sơn môn Ấn Quang là nhân tố quan trọng góp phần hạn chế tổn thất về sức người và sức của trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Công Luận, số ra ngày 18/12/1970.
2. Lê Cung (2015), Về phong trào đô thị miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ 1954 - 1975, Nxb. Tổng hợp, Thành phố Hồ Chí Minh.
3. Lý Quí Chung (2012), Hồi ký không tên, Nxb. Thời đại, Thành phố Hồ Chí Minh.
4. Trương Văn Chung, Nguyễn Công Lý, Thích Nhật Từ (2013), Nhìn lại phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963, Nxb. Phương Đông, Tp. Hồ Chí Minh.
5. Độc Lập, số ra ngày 18 tháng 12 năm 1970.
6. Nguyễn Đại Đồng (2008), “Nhìn lại tiến trình thống nhất Phật giáo Việt Nam trong thế kỷ XX”, Nghiên cứu Tôn giáo (4), tr. 14-21.
7. Trần Văn Giàu (1978), Miền Nam giữ vững thành đồng, tập V, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.
8. Trần Văn Giàu (chủ biên) (1988), Địa chí văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, tập I - Lịch sử, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh.
9. Hoàng Xuân Hào (1979), Phật giáo và chính trị tại Việt Nam ngày nay (Luận án Tiến sĩ Luật khoa), tập II, Trường Đại học Luật khoa Sài Gòn.
10. Kinh Tương Ưng Bộ, tập 1, Viện Nghiên cứu Phật học, Hà Nội.
11. Nguyễn Lang (1979), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb. Văn học, Hà Nội.
12. Hồ Hữu Nhựt (chủ biên) (2001), Trí thức Sài Gòn - Gia Định 1945 - 1975, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
13. Phiếu trình Tổng thống Việt Nam Cộng hòa ngày 7/11/1970, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Ký hiệu tài liệu Đệ II CH-4316.
14. Phillip B. Davidson (1988), Vietnam at war - The history: 1946-1975, Presidio Press, the United States of America.
15. Tài liệu nghiên cứu về tình hình quân sự, chính trị của Mỹ - Ngụy năm 1970 - 1971 (1971), Tài liệu Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Phông Ban Kinh tế Kế hoạch miền Nam, hồ sơ số 159.
16. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh (2013), Nhân sĩ trí thức Sài Gòn - Gia Định đồng hành cùng dân tộc (1954 - 1975), tập 1, Kỷ yếu Truyền thống Ban Trí vận - Mặt trận Khu ủy Sài Gòn - Gia Định được biên soạn theo quyết định số 188/QĐ - UBMT, ngày 17/11/2011 của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh.
17. Vân Thanh (1974), Lược khảo Phật giáo Việt Nam, Phật học viện và các chùa xuất bản, Sài Gòn.
1. Nguyễn Lang (1979), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb. Văn học, Hà Nội, tr. 696.
2. Nguyễn Lang (1979), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb. Văn học, Hà Nội, tr. 705.
3. Nguyễn Lang (1979), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb. Văn học, Hà Nội, tr. 778.
4. Nguyễn Lang (1979), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb. Văn học, Hà Nội, tr. 706.
5. Nguyễn Lang (1979), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb. Văn học, Hà Nội, tr. 709.
6. Nguyễn Lang (1979), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb. Văn học, Hà Nội, tr. 709.
7. Nguyễn Lang (1979), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb. Văn học, Hà Nội, tr. 708.
8. Nguyễn Lang (1979), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb. Văn học, Hà Nội, tr. 708.
9. Nguyễn Lang (1979), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb. Văn học, Hà Nội, tr. 768-770.
10. Trần Văn Giàu (chủ biên) (1988), Địa chí văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, tập I - Lịch sử, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 408.
11. Kinh Tương ưng bộ, tập 1, Viện nghiên cứu Phật học, Hà Nội, tr. 234.
12. Trương Văn Chung, Nguyễn Công Lý, Thích Nhật Từ (2013), Nhìn lại phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963, Nxb. Phương Đông, Tp. Hồ Chí Minh, tr. 85-100.
13. Nguyễn Đại Đồng (2008), “Nhìn lại tiến trình thống nhất Phật giáo Việt Nam trong thế kỷ XX”, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo (4), tr. 18.
14. Trương Văn Chung, Nguyễn Công Lý, Thích Nhật Từ (2013), Nhìn lại phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963, Nxb. Phương Đông, Tp. Hồ Chí Minh, tr. 13.
15. Trần Văn Giàu (1978), Miền Nam giữ vững thành đồng, tập V, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr. 259.
16. Hoàng Xuân Hào (1979), Phật giáo và chính trị tại Việt Nam ngày nay (Luận án Tiến sĩ Luật khoa), tập II, Trường Đại học Luật khoa Sài Gòn, tr. 122.
17. Luật sư Ngô Bá Thành, luật sư Trần Ngọc Liễng, giáo sư Lý Chánh Trung, Châu Tâm Luân, nhà kinh tế Nguyễn Văn Diệp, thẩm phán Triệu Quốc Mạnh, thẩm phán Trần Thúc Linh, các dân biểu, nghị sĩ Quốc hội Sài Gòn Hồ Ngọc Nhuận, Lý Quý Chung, Dương Văn Ba, Kiều Mộng Thu, Nguyễn Văn Hàm, Nguyễn Văn Binh, Nguyễn Hữu Chung, Vũ Văn Mẫu, Trần Văn Đôn, các linh mục Phan Khắc Từ, Trương Bá Cần, Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan, các vị chức sắc Phật giáo Thích Pháp Lan, Thích Hiển Pháp, tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo, nhà doanh nghiệp Nguyễn Văn Hạnh, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, bác sĩ Hồ Văn Minh, nhà hoạt động công đoàn Nguyễn Văn Cước, các nhà báo Tô Nguyệt Đình, Huỳnh Bá Thành, kỹ sư Tô Văn Cang, các Chủ tịch Tổng hội sinh viên Nguyễn Hữu Thái, Huỳnh Tấn Mẫm… Xem: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh (2013), Nhân sĩ trí thức Sài Gòn - Gia Định đồng hành cùng dân tộc (1954 - 1975), tập 1, Kỷ yếu Truyền thống Ban Trí vận- Mặt trận Khu ủy Sài Gòn - Gia Định được biên soạn theo quyết định số 188/QĐ - UBMT, ngày 17/11/2011 của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 431.
18. Công luận, số ra ngày 18 tháng 12 năm 1970.
19. Công luận, số ra ngày 18 tháng 12 năm 1970.
20. Độc Lập, số ra ngày 18 tháng 12 năm 1970.
21. Phillip B. Davidson (1988), Vietnam at war - The history: 1946-1975, Presidio Press, the United States of America, p.751.
22. Vân Thanh (1974), Lược khảo Phật giáo Việt Nam, Phật học viện và các chùa xuất bản, Sài Gòn, tr. 486.
23. Lê Cung (2015), Về phong trào đô thị miền Nam trong Kháng chiến chống Mỹ 1954 - 1975, Nxb. Tổng hợp, Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 335-336.
24. Hội nghị Quốc tế Phật giáo ở Kyoto ra Quyết nghị 10 điểm về Việt Nam, nhấn mạnh: “Hoa Kỳ rút lui sự hỗ trợ cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa mà bản chất là quân nhân để cho dân chúng Việt Nam dễ dàng bầu lên một chính quyền dân sự thực sự đại diện”. Xem: Phiếu trình Tổng thống Việt Nam Cộng hòa ngày 7/11/1970, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Ký hiệu tài liệu Đệ II CH-4316.
25. Tài liệu nghiên cứu về tình hình quân sự, chính trị của Mỹ - Ngụy năm 1970 - 1971 (1971), Tài liệu Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Phông Ban Kinh tế Kế hoạch miền Nam, hồ sơ số 159, tr. 10.
26. Ngày 17/5/1972, Giáo hội Phật giáo Ấn Quang gửi thư cho các trưởng phái đoàn Hội nghị Paris, yêu cầu cứu xét ngưng chiến nhân ngày lê Phật đản 2516 (28/ 7/1972), kêu gọi các bộ tư lệnh các phe lâm chiến Việt Nam về việc bảo tồn các danh lam thắng cảnh và các cơ sở tôn giáo. Trong lúc Mỹ thực hiện ném bom hai thành phố Hà Nội và Hải Phòng (từ ngày 18 đến ngày 22/12/1972), Phật giáo Ấn Quang đã tổ chức Đại hội tuyên bố phản đối Mỹ ném bom Hà Nội và Hải Phòng; đòi Mỹ chấm dứt chiến tranh; chính quyền Nguyễn Văn Thiệu chấm dứt kỳ thị tôn giáo... Xem: Lê Cung (2015), Về phong trào đô thị miền Nam trong Kháng chiến chống Mỹ 1954 - 1975, Nxb. Tổng hợp, Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 339-340.
27. Hồ Hữu Nhựt (chủ biên) (2001), Trí thức Sài Gòn - Gia Định 1945 - 1975, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 412.
28. Hồ Hữu Nhựt (chủ biên) (2001), Trí thức Sài Gòn - Gia Định 1945 - 1975, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 414.
29. Lý Quí Chung (2012), Hồi ký không tên, Nxb. Thời đại, Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 370-371.
Bình luận bài viết