ĐỒNG HÀNH CÙNG “VU LAN – ĐẠO HIẾU VÀ DÂN TỘC”
VU GIA
Trong Nghi thức tụng niệm ở hầu hết các kinh của Phật giáo, chúng ta đều thấy mở đầu: “Nhất thiết cung kính/ Nhất tâm đảnh lễ”. Chúng ta đã biết cung kính tất thảy (Nhất thiết cung kính), lẽ nào không cung kính tổ tiên, ông bà, cha mẹ? Sao như thế được? Do đó, chủ đề “Vu Lan - đạo hiếu và dân tộc” của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề ra, đáng để chúng ta suy gẫm và hưởng ứng, cố gắng làm được trong muôn một cho đời thêm vui.
Mùa Báo hiếu lại về, nhắc nhở chúng ta giữ gìn hiếu đạo không chỉ với tổ tiên, ông bà, cha mẹ mà còn mở rộng lòng hiếu đạo/ nhân từ đến với chúng sinh. Về hiếu đạo, không có tôn giáo nào trên thế gian dạy con người chửi cha mắng mẹ, phủ nhận cội nguồn mà đặt hiếu đạo lên hàng đầu. Văn hóa truyền thống của dân tộc, ông cha ta cũng luôn dặn dò thế hệ trẻ phải luôn nhớ đến ơn nghĩa sinh thành: “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/ Một lòng thờ mẹ kính cha/ Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”; “Công cha nặng lắm ai ơi/ Nghĩa mẹ bằng trời mang nặng đẻ đau”; “Dạy con, con nhớ lấy lời/ Trọng cha, kính mẹ, suốt đời chớ quên”; “Nuôi con mới biết sự tình/ Thầm thương cha mẹ nuôi mình khi xưa”, v.v. Con người hơn con vật chính là ở điểm này.
Để chính mình được vui
Chuẩn bị cho mùa báo hiếu năm nay, tối 10-8-2024, tại Nhà hát lớn Hà Nội, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức buổi họp báo về Chương trình Vu Lan - đạo hiếu và dân tộc năm 2024. Tại buổi họp báo, Hòa thượng Thích Gia Quang - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức Chương trình - cho biết chương trình năm nay, ngoài việc nhắc nhở Phật tử giữ tròn đạo hiếu theo lời dạy của đức Phật, còn nên tu hạnh bố thí nhằm mục đích tưởng nhớ, đền đáp công ơn của các anh hùng liệt sĩ, Mẹ Việt Nam anh hùng, người có công…
Ông Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông rất vui mừng được tham gia cố vấn. Đây là chương trình đã được tổ chức trong 10 năm qua, từ 2014. Nhưng do Dịch bệnh Covid 19, nên chương trình phải tạm hoãn 2 năm. Vì thế, Chương trình Vu Lan - đạo hiếu và dân tộc năm nay là lần thứ 8 được tổ chức. Ông Lê Doãn Hợp tham gia làm cố vấn cho chương trình kể từ lần tổ chức năm 2023. Ông cho biết, sở dĩ ông gắn bó với chương trình bởi cá nhân ông rất coi trọng đạo hiếu trong mỗi gia đình lẫn mỗi quốc gia.
Đạo lý sống của người Việt Nam là thế, luôn luôn hòa đồng, biết ơn, nhớ ơn, gắn kết không chỉ trong mối quan hệ ruột thịt, mà bao gồm cả cộng đồng xã hội, “muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”. Ông cha ta cũng từng dạy: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây/ Có bát cơm đầy, nhớ đến nhà nông/ Đường đi cách bến, cách sông/ Muốn qua dòng nước, nhờ ông lái đò”.
Kinh Tâm Địa Quán có viết: “Đức Phật bảo các ông trưởng giả Diệu Đức, Dũng Mãnh, Thiện Pháp ở trong thành Vương Xá rằng: Này các trưởng giả! Ta sắp nói Pháp mầu nhiệm, vì muốn lợi ích cho những ai chưa biết ơn đức trong đời vị lai. Ơn trong thế gian và xuất thế gian có 4 thứ:
1- Ơn cha mẹ
2- Ơn chúng sanh
3- Ơn Quốc vương
4- Ơn Tam bảo
Bốn ơn này tất cả chúng sanh, bình đẳng cõng đội”.
Do đó, Chương trình Vu Lan - đạo hiếu và dân tộc năm 2024 cũng là tinh thần nhập thế: “Phật pháp tại thế gian/ Bất ly thế gian giác/ Ly thế gian mịch bồ đề/ Kháp như cầu thố giác” (Phật pháp trên thế gian/ Không thể rời thế gian mà giác ngộ/ Rời thế gian tìm giác ngộ/ Giống như tìm sừng thỏ) của Lục Tổ Huệ Năng, mà Phật giáo Việt Nam đã đồng hành cùng dân tộc cả ngàn năm qua. Theo giáo pháp Đại thừa, hết thảy chúng sinh là chính mình. Ta và người là một, nên vì người khác mới thật sự là chính mình. Chúng sinh gặp nạn là chính mình bị khổ nạn. Chúng sinh lìa khổ là chính mình lìa khổ. Chúng sinh được vui là chính mình được vui. Vì thế, mùa báo hiếu năm nay, mỗi người trong chúng ta nên cố gắng làm chút việc gì đó có ý nghĩa để chính mình được vui.
San sẻ với mọi người
Đạo lý truyền đời của dân tộc: “Con người có tổ có tông/ Như cây có cội, như sông có nguồn”, “Cây có gốc mới nở ngành xanh ngọn/ Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu/ Người ta nguồn gốc từ đâu/ Có tổ tiên trước rồi sau có mình”. Làm người phải biết ơn, nhớ ơn và báo ơn, đó là đạo lý ở đời. Trong kinh Pháp Cú (số 332), Phật có dạy: “Vui thay hiếu kính mẹ/ Vui thay hiếu kính cha/ Vui thay kính sa môn/ Vui thay kính hiền thánh”. Hiền thánh là ai? Là những người giác ngộ, là Phật, Bồ tát, là chính chúng ta – những người đang sống ở cõi Ta bà này, bởi giáo pháp Đại thừa khẳng định: “Hết thảy chúng sinh vốn là Phật”. Chúng ta “vốn là Phật”, nhưng vì chúng ta còn mãi lăn trôi trong bể khổ trần gian với tham, sân, si, mạn, nghi, nghĩa là còn mê chưa giác. Khi nào chúng ta giải mê khai ngộ, thì lúc đó chúng ta thành Phật. Đức Phật tin tưởng ngày ấy sẽ đến với chúng sinh, nên trong kinh Niết Bàn, Ngài có nói: “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Do đó, Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành”.
Vì “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh”, nên chúng ta cần cung kính tất thảy không nên xem thường ai, lừa ai, hại ai, kể cả đất đai, sông núi, động vật, thực vật… Chúng ta phải biết ơn, nhớ ơn và trả ơn, thì nhịp điệu sinh học mới hài hòa, cuộc sống mới đáng yêu.
Trong Nghi thức tụng niệm ở hầu hết các kinh của Phật giáo, chúng ta đều thấy mở đầu: “Nhất thiết cung kính/ Nhất tâm đảnh lễ”. Chúng ta đã biết cung kính tất thảy (Nhất thiết cung kính), lẽ nào không cung kính tổ tiên, ông bà, cha mẹ? Sao như thế được? Do đó, chủ đề “Vu Lan - đạo hiếu và dân tộc” của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề ra, đáng để chúng ta suy gẫm và hưởng ứng, cố gắng làm được trong muôn một cho đời thêm vui.
Thế nào là làm được trong muôn một? Tùy theo sức của mình, nhưng phải bằng tấm lòng chân thành, không vì tiếng tăm, lợi dưỡng. Trong kinh Tăng Chi Bộ, đức Phật có dạy rằng: “Này các tỳ-khưu, có năm loại bố thí này xứng bậc chân nhân. Thế nào là năm?
Bố thí có lòng tin, bố thí có kính trọng, bố thí đúng thời, bố thí với tâm không gượng ép, bố thí không làm thương tổn mình và người.
Khi bố thí với lòng tin, quả dị thục của sự bố thí ấy đem lại kết quả là người ấy được giàu sang, đại phú, tài sản sung mãn; và người ấy đẹp, dễ nhìn, có thành tín và thành tựu dung sắc thù thắng như hoa sen.
Khi bố thí có cung kính, quả dị thục của sự bố thí ấy đem lại kết quả là người ấy được giàu sang, đại phú, tài sản sung mãn; và các con, các bà vợ, các người nô tỳ, các người đưa tin, các người làm công, những người ấy đều sẵn sàng vâng theo người ấy, họ lóng tai và phục vụ với tâm hiểu biết.
Khi bố thí đúng thời, quả dị thục của sự bố thí ấy đem lại kết quả là người ấy được giàu sang, đại phú, tài sản sung mãn; và các vật dụng đến với người ấy đúng thời và sung túc.
Khi bố thí với tâm không gượng ép, quả dị thục của sự bố thí ấy đem lại kết quả là người ấy được giàu sang, đại phú, tài sản sung mãn; và hướng tâm thụ hưởng đầy đủ năm dục công đức.
Khi bố thí không làm thương tổn mình và người, quả dị thục của sự bố thí ấy đem lại kết quả là người ấy được giàu sang, đại phú, tài sản sung mãn; và tài sản của người ấy không bị tổn thất ở bất cứ nơi nào, từ lửa, từ nước, từ vua, từ ăn trộm, từ các người thù địch hay từ các người thừa tự.
Này các tỳ-khưu, đây là năm loại bố thí xứng bậc chân nhân”.
Bố thí là một từ Hán Việt, gồm Bố và Thí. Bố là bày ra, ban rộng ra, trải đều ra; như trong những từ: Ban bố, phân bố, tuyên bố, công bố, bố trí, bố cục, bố cáo, bày binh bố trận… Thí còn đọc một âm khác là Thi, nghĩa là thực hiện, áp dụng, làm ra; như trong những từ: Thí nghiệm, thí điểm, thí công, thi công…
Bố thí có nghĩa là làm cho rộng ra, trải rộng ra, phân chia cùng khắp. Từ đó, bố thí mang một ý nghĩa là chia sẻ, san sẻ. Do đó, chúng ta cố gắng san sẻ với mọi người dẫu chỉ một nụ cười an lạc cũng đã thấy vui, chứ không đợi có tài lực sung túc mới thực hành tu hạnh bố thí.
Bình luận bài viết