DU NGOẠN TRONG THỜI GIAN VĂN HÓA
LÊ HẢI ĐĂNG
Thời gian vô hình vô ảnh, vô thủy vô chung, một ý niệm nằm vắt ngang qua các nền văn hóa. Ngày 6 tháng 4 năm 1922 tại Paris từng diễn ra Hội nghị quan trọng bàn luận về chủ đề thời gian. Tham dự Hội nghị này có rất nhiều học giả, nhà khoa học, trong đó có nhà triết học nổi tiếng người Pháp Henri Bergson (1859-1941), nhà khoa học trẻ Albert Einstein (1879-1955). Albert Einstein đến Hội nghị giới thiệu về Thuyết tương đối. Còn triết gia Henri Bergson chỉ tham dự với tư cách khách mời. Nhưng, vì sự nổi tiếng mà ban tổ chức đã mời Henri Bergson phát biểu. Sau khi khen ngợi lý thuyết của Albert Einstein, Henri Bergson bày tỏ lo ngại về “phương pháp tư duy lấy thời gian làm đối tượng khách quan” của nhà khoa học trẻ này. Đối với Henri, “Thời gian là điều tiện tiên quyết của mọi hành động. Nói cách khác, mọi hành động đều xảy ra trong thời gian. Nó là một trạng thái diễn ra sự thay đổi liên tục, không phải đối tượng khách quan để nhà khoa học có thể quan sát, phân tích, tính toán hay đánh giá…”. Theo Henri Bergson, thời gian trong Thuyết tương đối của Einstein là một đơn vị đo lường, chứ không phải nhận thức luận. “Nếu không nhận thức rõ đối tượng, tính chuẩn xác của đơn vị đo lường không còn mang ý nghĩa to lớn”. Nhận định này có lẽ đã “chọc giận” Einstein! Và Albert Einstein đã quả quyết, “quan niệm về thời gian của các triết gia không hề tồn tại. Ngoài thời gian trong khoa học vật lý, các quan niệm khác về thời gian cùng lắm chỉ mang ý nghĩa về mặt tâm lý”!
Duyên hợp tan giữa không gian và thời gian
Thế kỷ XX gắn liền với sự phát triển khoa học, kỹ thuật, công nghệ… mà tên tuổi Albert Einstein nổi lên như một ngôi sao sáng chói. Ông được phong làm nhà vật lý có tầm ảnh hưởng nhất thế kỷ XX. Bước sang thế kỷ XXI nhìn lại sự kiện trên, chúng ta lại thấy nổi lên vấn đề, thời gian và mối quan hệ của nó với con người. So với các loài, có lẽ chỉ có loài người mới trăn trở, đi tìm ý nghĩa của thời gian. Thời gian thực sự tồn tại hay không? Thời gian có điểm khởi đầu và kết thúc? Những câu hỏi này thường trực, thậm chí trở thành nỗi ám ảnh loài người. Chúng ta sinh ra từ đâu? Chết đi về đâu? Các tôn giáo lần lượt trả lời những câu hỏi này. Và ý niệm về thời gian nổi lên như một mệnh đề xuyên suốt. Hiện tại, chưa có câu trả lời nào thực sự đủ sức thuyết phục, giành ưu thế tuyệt đối. Bởi vậy, tôn giáo, tín ngưỡng thể hiện nhiều hình thái đa dạng trong suốt chiều dài lịch sử.
Cuối thế kỷ XX, một trước tác lọt vào danh sách Best seller ở Mỹ là cuốn: “Lược sử thời gian” của nhà vật lý lừng danh người Anh Stephen Hawking (1942-2018), cũng bàn về thời gian. Ngay từ những năm ngồi dưới ghế nhà trường, Stephen Hawking đã thách thức mệnh đề hóc búa nhằm tìm kiếm câu trả lời về nguồn gốc thời gian. Theo thuyết Giãn nở vũ trụ của Stephen Hawking, vũ trụ sinh ra từ một vụ nổ lớn (big bang). Nhờ nguồn năng lượng cực lớn chống đỡ, không gian đã hình thành. Sự giãn nở của không gian diễn ra liên tục. Cùng với nó, thời gian cũng hình thành theo một chiều thẳng tiến về phía trước. Theo học thuyết này, “mọi kết cấu ổn định đều mang tính chất tạm thời”. Nó cũng giống quan niệm Thành trụ hoại không của Phật giáo. Đồng thời, Stephen Hawking đưa ra giả thiết, sau khi không gian giãn nở tới cực điểm sẽ co lại. Khi đó, không chừng thời gian sẽ đảo chiều!
Thuyết Giãn nở vũ trụ khiến chúng ta liên tưởng tới thuyết sáng thế trong Kinh Dịch. Vũ trụ sinh ra từ Thái cực, trạng thái nguyên thủy khi âm dương chưa phân chia, tương ứng với thời kỳ vô cực Hỗn độn - bản nguyên của vạn vật. Thái cực hình thành mới chia ra lưỡng nghi, Thái Âm và Thái Dương. Khí Dương nhẹ bốc lên cao, càng ngày càng cao tạo thành Trời. Khí Âm nặng rơi xuống đất, càng ngày càng dày tạo thành Đất. Âm - Dương giao hòa, vạn vật sinh sôi. Đây là khúc ca sáng thế theo tư tưởng của Kinh Dịch.
Ở lễ hội Kỳ yên tổ chức tại đình Nam Bộ, nghi lễ Xây chầu - Đại bội đã “diễn nghĩa” tư tưởng này thông qua các tiết mục biểu diễn nghệ thuật. Chẳng hạn, sau lễ Xây chầu đến lễ Đại bội mở đầu bằng tiết mục Bàn Cổ tách Thái cực. Kế tiếp, Thái Âm và Thái Dương xuất hiện trong vai đào - kép với những động tác mang ý nghĩa biểu trưng cho Âm - Dương giao hòa. Trên cơ sở kết hợp của Lưỡng nghi sinh Tứ tượng (Thái Âm, Thái Dương, Thiếu Âm, Thiếu Dương), tiết mục Tứ Thiên vương thể hiện qua bốn kép thủ vai võ tướng vận áo mang bào, đầu đội mũ kim khôi, lưng dắt cờ lệnh. Tứ thiên vương cũng đi vào cơ cấu điện thờ và hệ thống thần linh cơ sở tín ngưỡng Phật giáo, gồm các vị: Quảng Mục Thiên Vương, Đa Văn Thiên Vương, Tăng Trưởng Thiên vương, Trì Quốc Thiên Vương. Tứ Thiên vương vốn có nhiệm vụ bảo hộ Phật pháp khu vực lưng núi Tu Di. Cuối cùng lễ Đứng cái hội tụ một “Cái” và bốn đào tượng trưng cho Ngũ hành1. Trong năm Hành, ngoài Thổ đóng ở vị trí trung tâm, bốn Hành khác tượng trưng cho bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông xoay xung quanh. Như vậy, cùng với quá trình xác lập không gian thể hiện bằng một cơ cấu tổ chức, thời gian cũng hình thành với chu kỳ bốn mùa xoay chuyển. Nói tóm lại, theo Kinh Dịch hay thuyết Giãn nở vũ trụ, thời gian và không gian bắt đầu từ một khởi điểm. Điểm khởi đầu ấy có thể là Thái cực hay Vụ nổ lớn… Rốt cuộc, không gian - thời gian vốn hợp nhất, sau mới phân chia.
Theo quan niệm Phật giáo, thời gian có quan hệ với Thập nhị duyên khởi. Nói cách khác, thời gian sản sinh trong quá trình chuyển hóa Thập nhị duyên khởi. Tiếng Phạn có hai khái niệm liên quan đến thời gian xuất hiện nhiều nhất là Kala và Samaya. Theo Thập nhị duyên khởi, “Cái này sinh thì cái kia sinh. Cái này diệt thì cái kia diệt”. Tính tương hỗ giữa các sự vật, hiện tượng khiến cho thời gian mang tính tương đối, hình thành nhờ cảm nghiệp thọ báo. Một khái niệm khác liên quan đến thời gian cũng được sử dụng khá nhiều trong ngữ cảnh Phật giáo là Sát na vốn chuyển dịch từ Kslanla tiếng Phạn, Khanla tiếng Bali. “Câu xá luận” giải thích: “120 sát na bằng 1 tat-kslanla; 60 tat-kslanla bằng 1 Lava; 30 lava bằng 1 muhurta; 30 muhurta bằng 1 ngày”. Tính theo đơn vị đo lường hiện đại, 1 sát na bằng 0.013 giây. Sát na là đơn vị nhỏ nhất trong cách tính thời gian, đặc biệt dùng chỉ khoảnh khắc, khoảng cách giữa các niệm.
Theo kinh nghiệm, thời gian có hai thuộc tính. Thứ nhất là: tính một chiều. Chẳng hạn, chúng ta đang hành động trong hiện tại, thì thực tại ấy mang một giá trị đặc biệt không gì có thể thay thế. Nhưng, khi hành động đó chấm dứt, hành động khác sẽ tiếp nối, đồng thời các hành động này không thể chồng lên nhau. Đó là đặc điểm thứ hai thể hiện tính luân phiên hay tính tương tục của thời gian. Bởi vậy, người ta có xu hướng xâu thời gian thành chuỗi nhằm thể hiện sự thay đổi. Trong chuỗi thời gian liên tục, không cho phép xảy ra tình trạng chia cắt để tạo nên những mắt xích rời. Trong bộ phim hoạt hình “Shrek” đoạt giải Oscar năm 2002 kể về một biến cố xảy ra đối với Chằn tinh. Nhằm trở vể thuở vàng son, tìm lại hình ảnh huy hoàng của mình trong quá khứ, Chằn tinh đã ký thỏa thuận với phù thủy Rumpel Still Skin đổi lấy bằng một ngày đã qua. Chằn tinh không hay biết một chiếc bẫy đã được Rumpel Still Skin giăng ra. Hắn chọn lấy đi cái ngày mà Chằn tinh chưa sinh. Sau khi hợp đồng có hiệu lực, mọi hiện hữu của Chằn tinh trên thế gian đều biến mất, kể cả vợ con, tài sản, cùng các mối quan hệ.
Bất kể thời gian thật có hay do mê chấp, nó đều liên quan mật thiết với con người. Nhà vật lý coi thời gian là một đơn vị có thể đo lường, mang thuộc tính khách quan, còn trong thế giới chủ quan của con người, thời gian vẫn tồn tại những dòng chảy đan xen nhau, lặng lẽ chi phối cuộc sống. Và cũng chỉ có con người mới trăn trở, bị ám ảnh bởi thời gian. Những ý niệm về thế gian chất chồng trong các nền văn hóa. Mặc dù loài người có thể tự do di chuyển trong không gian, chao liệng trên không gian trung, thậm chí vượt ra ngoài giới hạn trái đất thám hiểm những hành tinh xa xôi, song hoàn toàn bất lực trước thời gian. Dù muốn níu kéo thời gian, chúng ta vẫn không làm sao đảo chiều được thời gian. Cỗ máy thời gian chỉ xuất hiện trong truyện cổ tích, khoa học viễn tưởng. Trên thực tế, thời gian vẫn là một đối tượng mà con người chưa thể chinh phục.
Trong các nền văn hóa, quan niệm về thời gian tồn tại một cách đa dạng, tương đối. Nhìn vào phương pháp tính toán cho thấy thời gian hoàn toàn mang tính tương đối. Chúng tùy thuộc vào căn cứ, cách thức vận dụng kết quả khác nhau. Chẳng hạn, ở Trung Quốc xa xưa có hai cách tính dựa vào Thiên Can và Địa Chi. Thiên Can gồm: Giáp Ất Bính Đinh Mậu Kỷ Canh Tân Nhâm Quý. Địa Chi gồm: Tý Sửu Dần Mão Thìn Tị Ngọ Mùi Thân Dậu Tuất Hợi. Thiên Can vốn là một hệ số đếm được vận dụng vào nhiều lĩnh vực, trong đó có cách tính thời gian. Hiện tại, hệ số này vẫn tiếp tục sử dụng cùng với hệ số Ả Rập 1, 2, 3.. và La Mã I, II, III… Còn Địa Chi áp dụng phổ biến trong cả cách tính thời gian và không gian (phương vị). Hai hệ số này ban đầu lưu truyền trong cộng đồng thiểu số ở Trung Quốc, đến thời nhà Hán các nhà Âm dương Ngũ hành hợp nhất nhằm biện giải về túc mạng.
Dựa vào Thiên Can và Địa Chi, thời gian được tính theo những chu kỳ lặp lại giống như các vòng tròn to nhỏ khác nhau. Thiên Can có chu kỳ 10 năm, Địa Chi có chu kỳ 12 năm. Kết hợp Thiên Can với Địa Chi, chu kỳ thời gian kéo dài tới 60 năm, gọi là một hoa giáp. Cách tính này cho thấy thời gian “vô thủy vô chung”, giống như vòng tròn lặp đi lặp lại, cơ sở của lịch pháp truyền thống.
Lịch pháp truyền thống đa số nhằm cung cấp chỉ báo thời tiết phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất trong xã hội nông nghiệp, từ trồng trọt, thu hoạch cho đến tổ chức lễ hội, vui chơi giải trí. Lịch pháp hiểu là phương pháp tính thời gian dựa trên những căn cứ mang tính chu kỳ. Như chúng ta biết, trước khi có cuốn lịch lần giở từng trang, loài người có chung loại lịch với ngày (thiên) và tháng (nguyệt) là mặt trời, mặt trăng, cùng sự thay thay đổi khí tiết. Quan sát thiên tượng, kể cả địa tượng, người xưa tìm thấy mối quan hệ của chúng với thời tiết. “Chu Lễ ” viết: “Quan sát thiên văn để tìm hiểu sự biến đổi của thời tiết. Quan sát nhân văn để triển khai công cuộc giáo hóa muôn dân”. Thiên văn chính là hình tướng của trời (thời tiết). Nhân văn là hình tướng của người (xã hội). Trên cơ sở những hiện tượng mang tính chu kỳ, lặp đi lặp lại, người xưa lấy đó làm căn cứ đo lường thời gian, tổng kết kinh nghiệm, khái quát hóa thành tri thức về thời tiết. Đây có thể coi là một trong những ngành khoa học ứng dụng sớm nhất liên quan tới lĩnh vực Thiên văn học. Hiện tại, chúng ta sử dụng song hành hai hệ thống Dương lịch và Âm lịch. Hai hệ thống này dựa vào hai căn cứ khác nhau. Dựa vào chu kỳ chuyển động của trái đất quay quanh mặt trời và mặt trăng quay quanh trái đất. Quan sát chu kỳ chuyển động của mặt đất quanh mặt trời phát hiện chu kỳ lặp lại tương đương với 365.2422 ngày. Chu kỳ chuyển động của mặt trăng quanh quanh trái đất một tháng có 29.5306 ngày. Lịch Mặt trời gọi là Dương lịch. Lịch Mặt trăng gọi là Âm lịch. Kết hợp hai loại lịch này có Âm dương lịch, loại lịch pháp ứng dụng phổ biến nhất hiện nay.
Trong mỗi nền văn hóa, truyền thống lại căn cứ vào lịch pháp nhằm sắp xếp, tổ chức cuộc sống riêng. Dựa vào tập quán văn hóa, chúng ta chia một năm thành bốn mùa (xuân hạ thu đông), mỗi mùa lại chia nhỏ hơn thành các tiết (lập xuân, xuân phân, lập hạ, hạ chí, lập thu, thu phân, lập đông, đông chí). Quan sát quỹ đạo chuyển động của mặt trời trên đường hoàng đạo phát hiện trung bình cứ 15 độ xảy ra sự thay đổi về khí tiết. Trên cơ sở đó, người xưa tiếp tục chia nhỏ tiết thành khí, gọi chung là tiết khí, gồm 24 loại: Lập xuân, vũ thủy, kinh chập, xuân phân, thanh minh, cốc vũ, lập hạ, tiểu mãn, mang chủng, hạ chí, tiểu thử, đại thử, lập thu, xử thử, bạch lộ, thu phân, hàn lộ, sương giáng, lập đông, tiểu tuyết, đại tuyết, đông chí, tiểu hàn, đại hàn. Tất cả đều nhằm chỉ các hiện tượng thay đổi về thời tiết. Chu kỳ này cứ lặp đi lặp lại theo một vòng tròn không đổi và mùa xuân đóng ở vị trí khởi điểm.
Tết - điểm đến của mùa xuân
Trong tác phẩm Thiên thai, nhạc sĩ Văn Cao có viết: “Thiên thai chốn đây hoa xuân chưa gặp bướm trần gian. Có một mùa đào dòng ngày tháng chưa tàn qua một lần”. Đây có lẽ là hai câu hay nhất trong tác phẩm này. Lạc cảnh “hoa xuân chưa gặp bướm trần gian. Mùa đào dòng ngày tháng chưa tàn qua một lần” chắc chỉ xuất hiện ở Thiên thai, nơi không gian và thời gian chưa kịp phân chia!
Con người sống trong thế gian tương đối. Thời gian cũng mang tính chất tương đối. Thuộc tính đó thể hiện trong cả trải nghiệm cá nhân và không gian văn hóa. Nói về trải nghiệm cá nhân, con người không chỉ khác nhau về không gian mà thời gian có khi cũng khác nhau. Qua các “hình thái sống” cho thấy kinh nghiệm về thời gian mỗi người khác nhau. Nhà huyền học người Mỹ, gốc Ấn Độ Sadhguru kể về một trải nghiệm nhớ đời thời trai trẻ. Bấy giờ, chàng thanh niên này leo lên một quả đồi ở thị trấn và ngồi xuống. Trước đó, anh tưởng rằng bản thân mình là mình, những thứ khác ngoài kia không liên quan đến mình, bỗng Sadhguru rơi vào trạng thái không phân biệt giữa bản thân và những thứ khác. Khoảnh khắc ấy nhanh chóng trôi qua, chàng thanh niên tưởng khoảng 10-15 phút đã trôi qua, nhưng kỳ thực là 4 tiếng rưỡi. Một lần khác, Sahguru ngồi ăn với gia đình, hoàn toàn tỉnh táo, những tưởng 2 phút đã trôi qua, nhưng sự thực là hơn 7 tiếng. Sadhguru cho rằng mình đã mất ý thức về thời gian! Sự thực đó là trải nghiệm về thời gian của một bậc giác ngộ. Câu chuyện này nhắc nhở sự kiện Thế Tôn thiền định dưới cội Bồ Đề suốt 49 ngày, đối với người thường, 49 ngày là khoảng thời gian dài dặc, cụ thể, nhưng đối với bậc giác giả, nó có thể chỉ là khoảnh khắc, thậm chí không hề tồn tại!
Đối với trải nghiệm cá nhân, thời gian đã khác nhau. Đối với lịch pháp, trải nghiệm của cả cộng đồng trong thời gian văn hóa còn khác nhau hơn. Đa số công dân trên hành tinh sử dụng Dương lịch, cùng với nó, một bộ phận cư dân châu Á vẫn sử dụng Âm lịch, rồi kết hợp Dương - Âm lịch. Tín đồ Phật giáo, Hồi giáo có lịch riêng, người Đài Loan lại sử dụng lịch Trung Hoa Dân Quốc… Rõ ràng, xét ở nhiều khía cạnh, thời gian mang tính tương đối. Dựa trên tính tương đối đó, loài người sáng tạo nên văn hóa và Tết, chính là một trong những hiện tượng nổi bật thể hiện tính chất tương đối trong văn hóa.
Tết, Tết nguyên đán hay Tết cả nhằm chỉ chuỗi sự kiện chuyển biến từ năm cũ sang năm mới. Bắt đầu từ ngày 23 tháng chạp, lễ tiễn Ông Táo về trời cho đến hết mùng của tháng giêng, chúng ta sống trong khoảng thời gian đặc biệt của một năm. Mặc dù bước vào xã hội hiện đại, quan niệm về thời gian đã thay đổi đáng kể. Nó gắn liền với thời khóa làm việc, nghỉ ngơi của xã hội công nghiệp, nhưng năm hết Tết đến, dường như mọi việc xoay vần theo một chu kỳ thời gian khác. Con người bắt đầu chuyển sang tính toán bằng lịch Âm. Tết chính thức bắt đầu bằng giây phút giao thừa, năm cũ giao qua, năm mới thừa tiếp. Ngày nay, người ta thường nhắc đến cụm từ kết nối. Kết nối dù xét theo khía cạnh nào, nó chính là một điểm tạo nên sự liên kết và Tết giống như một mắt xích quan trọng tạo thành mạng lưới liên kết. Người Việt bên trong và bên ngoài lãnh thổ vẫn không ngừng liên kết với nhau qua trục thời gian của Tết. Tết không chỉ kết nối những người thân yêu mà còn làm nên cuộc trùng phùng, tao ngộ giữa quá khứ và hiện tại.
Cuộc sống với nhiều đổi thay, dòng thời gian liên tục chảy qua năm tháng rộng dài, Tết trước sau như 1, thủy chung đóng ở vị trí khởi đầu của năm, một mùa xuân với bao hy vọng. Tái sinh thể hiện ước mơ muôn đời của loài người, tuy hiện tại chưa thể hiện thực hóa, nhưng bằng cách tái hiện không gian ngày Tết, con người làm sống lại quá khứ. Tết giúp con người lội ngược dòng thời gian trở về dĩ vãng nhằm viết nên ý nghĩa trường tồn. Tập quán văn hóa hoạt động theo định kỳ vô hình trung tạo nên miền ký ức cho tâm tưởng neo đậu. Trong không gian ngày Tết luôn đong đầy những hình ảnh xưa cũ cho chúng ta trở về ngày tháng đã qua.
Người Việt xa quê hương nhớ nhà, nhớ người thân nhất vào dịp Tết. Tết như sợi dây nối liền người Việt muôn phương. Mỗi dịp Tết đến, người Việt lại làm cuộc hành trình dịch chuyển dọc ngang qua bốn phương trời. Ở Trung Quốc, một quốc gia có truyền thống ăn Tết âm lịch giống như nước ta, mỗi dịp cuối năm ước tính có khoảng 3 tỷ người tham gia vào đợt “di dân” kỷ lục này. Việt Nam chưa có số liệu thống kê cụ thể, nhưng nhìn những đoàn người nối nhau đổ về sân bay, bến cảng, bến xe hay lưu thông bằng phương tiện cá nhân… đủ nói lên ý nghĩa, tầm quan trọng của Tết. Nhu cầu đoàn tụ gia đình vào dịp Tết trở thành nổi khát vọng lớn. Nhiều người ngày thường bận rộn, tất bật, lo toan công việc mưu sinh… Tết đến, tất cả đều phải dừng lại nhường chỗ cho người thân, gia đình, bạn bè. Dù điều kiện kinh tế đã đổi thay, phát triển mạnh mẽ, mạng xã hội kết nối con người khắp nơi trên thế giới, nhưng vẫn không ngăn nổi bước chân xê dịch để trở về với gia đình, người thân, trở về với Tết. Chỉ có Tết mới có khả năng thúc giục bước chân làm nên ý nghĩa cho một mùa xuân mới. Nếu cuộc sống nằm trên dòng chảy bất tận của thời gian đổ từ quá khứ tới hiện tại rồi hướng ra tương lai, Tết nằm ở khúc chuyển giao quan trọng. Đêm giao thừa đánh dấu sự chuyển tiếp giữa năm cũ và năm mới, tất cả như chạm vào một thời khắc linh thiêng. Bởi vậy, người Việt có câu: Tết nhất.
1. Đan xen giữa các tiết mục này, còn có lễ Tam tài (Phúc Lộc Thọ), Bát tiên chúc phúc, Gia quan tấn tước, Ông Địa, nhằm dự chúc cho bà con, bổn hội.
Bình luận bài viết