ĐỨC PHẬT CHUYỂN PHÁP LUÂN LẦN ĐẦU TIÊN
CHUỖI SỰ KIỆN TRỌNG ĐẠI CỦA PHẬT GIÁO VÀO LỄ RẰM
THÁNG SÁU ĀSĀḶHAPŪJA
TUỆ ÂN tổng hợp
* Sự kiện thứ ba: ĐỨC PHẬT CHUYỂN PHÁP LUÂN LẦN ĐẦU TIÊN
Đức Thế Tôn suy xét về 9 pháp Siêu tam giới (Lokuttaradhamma) mà Ngài đã chứng đắc:
- Tứ Thánh Đế là pháp vô cùng vi tế, vô cùng sâu sắc, khó chứng ngộ.
- Tứ Thánh Đạo là pháp diệt đoạn tuyệt mọi tham ái, phiền não, ác pháp.
- Tứ Thánh Quả là pháp làm vắng lặng mọi tham ái, mọi phiền não, ác pháp.
- Niết-Bàn là pháp giải thoát mọi cảnh khổ.
Đó là pháp mà chỉ có bậc thiện trí, xa lánh ngũ dục, tiến hành thiền tuệ để chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Tứ Thánh Đạo - Tứ Thánh Quả và Niết-Bàn. Còn chúng sinh đang bị dính mắc trong ngũ dục, bị say mê trong ngũ dục, bị đắm chìm trong ngũ dục, làm tôi tớ của 108 loại tham ái và làm nô lệ 1.500 loại phiền não, thì khó mà chứng ngộ được chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Tứ Thánh Đạo - Tứ Thánh Quả và Niết-Bàn được.
Đức Phật nghĩ rằng: “Nếu Như-Lai thuyết pháp mà chúng sinh không thấu hiểu chánh pháp, không chứng đắc chánh pháp cao thượng, thì chỉ làm cho Như-Lai vất vả, mệt nhọc, hoài công vô ích mà thôi!”. Do vậy, lúc này Đức Phật chưa muốn thuyết pháp tế độ chúng sinh.
Theo thông lệ, để chư Phật Chánh Đẳng Giác thuyết pháp cần phải có đầy đủ 2 điều kiện:
- Chủ thể: Đức Phật có tâm đại bi (mahākarunā) muốn tế độ chúng sinh giải thoát khỏi mọi cảnh khổ, điều kiện này đã sẵn có nơi Ngài.
- Khách thể: Phải có Đại Phạm-Thiên thỉnh cầu thuyết pháp tế độ chúng sinh, điều kiện này để làm cho phát sinh đức tin nơi Đức Phật.
Vì rằng, các Đạo sĩ, tu sĩ, Sa-môn, Bà-la-môn, vua chúa, dân chúng, kể cả chư thiên, phạm thiên, đều tôn kính Đại Phạm-Thiên. Nay Đại Phạm-Thiên tôn kính Đức Phật, thỉnh cầu Đức Phật thuyết pháp tế độ chúng sinh, thì ắt hẳn phần đông chúng sinh nhân loại, chư thiên, phạm thiên,... cũng tôn kính Ngài. Từ sự tôn kính ấy, mới có đức tin trong sạch nơi Đức Phật, Đức Pháp, Đức Tăng. Khi có đức tin nơi Tam Bảo, Đức Phật thuyết pháp thì tất cả chúng sinh, nhân loại, chư thiên, phạm thiên... mới lắng nghe chánh pháp và thực hành theo chánh pháp của Ngài.
Đại Phạm-Thiên Sahampati biết Đức Phật đang còn do dự chưa muốn thuyết pháp tế độ chúng sinh, Ngài bèn tuyên bố cho toàn cõi phạm thiên, chư thiên khắp 10 ngàn thế giới hay biết rằng:
“Nassati vata Bho loko!
Vinassati vata Bho loko!”
Này chư vị, toàn thế giới chúng sinh sẽ hủy hoại!
Này chư vị, toàn thế giới chúng sinh sẽ tiêu diệt!
Do Đức Phật đang do dự chưa muốn thuyết pháp tế độ chúng sinh. Cho nên Đại Phạm-Thiên Sahampati cùng chư thiên, phạm thiên khắp 10 ngàn thế giới hiện xuống, cung kính Đức Thế Tôn, đồng thành kính cung thỉnh:
“Desetu Bhante Bhagavā dhammam
Desetu Sugato dhammam”
- Kính bạch Đức Thế Tôn,
Chúng con hết lòng thành kính, xin thỉnh Đức Thế Tôn mở tâm đại bi thuyết pháp tế độ chúng sinh.
Kính bạch Đức Thế Tôn, Đức Thiện Ngôn,
Chúng con hết lòng thành kính, xin thỉnh Ngài mở tâm đại bi thuyết pháp tế độ chúng sinh.
Có số chúng sinh nào phiền não nhẹ, có khả năng chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn. Nếu số chúng sinh ấy, không có được cơ hội lắng nghe chánh pháp của Đức Thế Tôn, thì sự thiệt hại sẽ lớn lao biết dường nào!
Nghe qua lời thỉnh cầu của Đại Phạm-Thiên Sahampati, với tâm đại bi, Đức Thế Tôn quán xét bằng Phật nhãn (Buddhacakkhu) thấy rõ có số chúng sinh có phiền não nhẹ, có số chúng sinh có phiền não nặng, có số chúng sinh có 5 pháp chủ (tín pháp chủ, tấn pháp chủ, niệm pháp chủ, định pháp chủ, tuệ pháp chủ) đủ năng lực, có số chúng sinh có 5 pháp chủ ít năng lực, có số chúng sinh dễ dạy, có số chúng sinh khó dạy...
Ví như có 4 đóa hoa sen:
- Có đóa hoa sen vượt qua khỏi mặt nước, chỉ chờ tiếp xúc với ánh sáng mặt trời liền nở ngay ngày hôm đó.
- Có đóa hoa sen vươn lên, nằm ngang tầm mặt nước, sẽ chờ nở vào ngày hôm sau.
- Có đóa hoa sen còn ở dưới mặt nước, sẽ chờ thời gian 3 hoặc 4 hôm nữa mới nở được.
- Có đóa hoa sen còn non vừa mới tượng hình ở dưới nước sâu. Những mầm sen non ấy sẽ làm vật thực cho loài rùa, cá....
Bốn loại hoa sen này được so sánh như 4 hạng người ở trong đời:
- Ugghāṭitannuù: Hạng người có trí tuệ bậc thượng, bén nhạy. Khi được nghe tiền đề của chánh pháp, chưa cần khai triển, hay trong một bài kệ có 4 câu, chỉ được nghe 2 câu đầu, bậc ấy có thể chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Thánh Đạo – Thánh Quả và Niết-Bàn ngay tức khắc.
- Vipañcitannū: Hạng người có trí tuệ bậc trung. Khi được nghe tiền đề của chánh pháp và khai triển, hay được nghe một bài kệ đầy đủ 4 câu, bậc ấy có thể chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết-Bàn.
- Neyya: Hạng người có trí tuệ bậc thường. Khi được nghe tiền đề của chánh pháp và khai triển xong, còn cần phải có thời gian thân cận gần gũi với bậc Thánh Nhân, bậc thiện trí hướng dẫn chỉ dạy thêm, bậc ấy mới có thể chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết-Bàn, trong kiếp hiện tại này.
- Padaparama: Hạng người có trí tuệ kém. Dù được nghe nhiều, học nhiều đi nữa hoặc dù có thân cận với bậc thiện trí, họ cũng chưa có thể chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Thánh Đạo – Thánh Quả ngay trong kiếp hiện tại này. Nhưng đây là một cơ hội tốt, một dịp may, để bồi bổ pháp hạnh ba-la-mật, để chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết-Bàn trong kiếp vị lai.
Đức Phật quán xét tất cả chúng sinh bằng Phật nhãn thấy rõ có 4 hạng người như vậy; cho nên, sự thuyết pháp của Ngài sẽ đem lại lợi ích lớn lao cho 3 hạng người trước có thể chứng đắc Thánh Đạo, Thánh Quả và Niết-Bàn ngay trong kiếp hiện tại, và cũng đem lại lợi ích cho hạng người thứ tư (padaparama) ở kiếp vị lai. Do đó, Đức Phật nhận lời thỉnh cầu của Đại Phạm-Thiên Sahampati, Ngài sẽ thuyết pháp tế độ chúng sinh.
Đức Thế Tôn dạy rằng:
- “Này Đại Phạm-Thiên Sahampati, trước đây chưa có đủ điều kiện, nên Như-Lai chưa chịu thuyết pháp tế độ chúng sinh.
Này Đại Phạm-Thiên Sahampati, bây giờ, Như-Lai nhận lời thỉnh cầu của các ngươi, Như-Lai sẽ thuyết pháp tế độ cho những chúng sinh có duyên lành, để giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài”.
Vị Đại Phạm-Thiên Sahampati cùng toàn thể chư phạm thiên, chư thiên vô cùng hoan hỷ, khi biết Đức Thế Tôn đã nhận lời thỉnh cầu của họ. Toàn thể chư phạm thiên, chư thiên thành kính đảnh lễ Đức Thế Tôn, rồi xin phép trở về cõi trời.
Trong đời này, chỉ có Đức Bồ-tát Chánh Đẳng Giác kiếp chót, và chư Bồ Tát Độc Giác kiếp chót là không cần lắng nghe chánh pháp từ một vị Thầy nào, mà tự mình có thể chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Tứ Thánh Đạo - Tứ Thánh Quả và Niết-Bàn, diệt đoạn tuyệt tất cả mọi phiền não, mọi tham ái, mọi ác pháp, trở thành bậc Thánh Arahán cao thượng, bởi vì chư Bồ Tát này có nhiều năng lực pháp hạnh ba-la-mật.
Ngoài Đức Bồ-tát Chánh Đẳng Giác và chư Bồ-tát Độc Giác kiếp chót ra, còn tất cả các Đức Bồ-tát Thanh Văn Giác bậc nào, cũng cần phải lắng nghe chánh pháp của Đức Phật Chánh Đẳng Giác, mới có thể chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế y theo Đức Phật, chứng đắc Tứ Thánh Đạo - Tứ Thánh Quả và Niết-Bàn, diệt đoạn tuyệt mọi phiền não trầm luân, mọi tham ái, mọi ác pháp, trở thành bậc Thánh Thanh Văn đệ tử của Đức Phật, đó là bậc Thánh Nhập Lưu, bậc Thánh Nhất Lai, bậc Thánh Bất Lai và bậc Thánh Arahán tùy theo năng lực ba-la-mật của mỗi bậc Thánh Nhân.
Khi suy xét nên thuyết pháp tế độ cho ai đầu tiên, Đức Phật liền nghĩ đến vị Đạo sư Ālāra Kālāmagotta là bậc thiện trí có trí tuệ, nếu vị Đạo sư Ālāra Kālāmagotta được nghe chánh pháp, thì sẽ mau lẹ chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết-Bàn.
Lúc ấy chư thiên đến hầu Đức Phật và bạch rằng:
- Kính bạch Đức Thế Tôn, Đạo sư Ālāra Kālāmagotta đã viên tịch được 7 ngày qua.
Đức Phật quán xét, thấy đúng: Vị Đạo sư Ālāra Kālāmagotta đã viên tịch, do năng lực đệ tam thiền vô sắc cho quả tái sinh lên cõi Vô sở hữu xứ thiên thuộc vô sắc giới.
Ngài nghĩ: “Thật là sự bất lợi lớn lao quá!”.
Tiếp đến, Đức Phật nghĩ đến vị Đạo sư Udaka Rāmaputta là bậc thiện trí có trí tuệ, nếu vị Đạo sư Udaka Rāmaputta được nghe chánh pháp, thì sẽ mau lẹ chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết-Bàn.
Lúc ấy, chư thiên đến hầu Đức Phật và bạch rằng:
- Kính bạch Đức Thế Tôn, vị Đạo sư Udaka Rāmaputta vừa mới viên tịch chiều hôm qua.
Đức Phật quán xét, thấy đúng: Vị Đạo sư Udaka Rāmaputta đã viên tịch, do năng lực đệ tứ thiền vô sắc cho quả tái sinh lên cõi Phi tưởng phi phi tưởng xứ thiên thuộc vô sắc giới.
Đức Phật nghĩ rằng: “Thật là sự bất lợi lớn lao quá!”.
Tiếp đến, Đức Phật nghĩ đến nhóm 5 bạn đồng tu đã từng phụng sự, hộ độ cho Ngài trong thời gian còn là Bồ-tát hành khổ hạnh.
Đức Phật nghĩ: “Vậy, đầu tiên Như-Lai nên thuyết pháp tế độ nhóm 5 vị đồng tu này”.
Khi ấy, nhóm 5 vị đó đang ở tại khu rừng phóng sinh nai gọi là Isipatana, gần thành Bārāṇasī.
Vậy, từ khu rừng Uruvela, Đức Phật ngự đến kinh thành Bārāṇasī để thuyết pháp độ nhóm 5 vị đồng tu: Ngài Kondanna trưởng nhóm, Ngài Vappa, Ngài Bhaddiya, Ngài Mahānāma và Ngài Assaji.
Như vậy, tính mốc thời gian sau khi trở thành bậc Chánh Đẳng Giác tròn đúng hai tháng, Đấng Chiến Thắng ngự đến khu rừng phóng sinh nai gọi là Isipatana, nhằm vào ngày rằm tháng Āsāḷha (tháng 6 âm lịch). Nhóm 5 vị nhìn thấy Đức Phật từ xa đi đến, họ nghĩ lầm rằng: “Sa-môn Siddhatta đã từ bỏ sự tinh tấn hành pháp khổ hạnh, trở lại đời sống sung túc”.
Vì nghĩ như vậy, nhóm 5 vị không còn đức tin và kính trọng Đức Phật như trước, họ đồng ý thỏa thuận với nhau rằng: “Chúng ta không đứng dậy đón rước, không tiếp nhận y và bát, không đảnh lễ, chỉ nên sắp đặt chỗ để cho Sa-môn Siddhatta ngồi mà thôi”. Nhưng khi Đức Phật đến gần, do oai lực và tâm đại bi của Ngài, nhóm 5 vị không còn nhớ lời giao ước, mà mỗi người đều tự động đứng dậy cung kính đón rước: Vị này nhận y bát, vị kia lấy nước rửa chân, vị thì sắp đặt trải chỗ ngồi cao quý, thỉnh Ngài đến ngự... Nhưng cách xưng hô của họ đối với Đức Phật vẫn bằng cách gọi: “Āvuso” (đạo hữu) không hợp lẽ đạo, thiếu cung kính đối với Đấng Thập Lực Tuệ.
Thấy vậy, Đức Phật dạy rằng:
- Này các vị, các vị không nên gọi Như-Lai bằng tiếng “Āvuso”. Như Lai là Đức Phật Chánh Đẳng Giác tên hiệu là Gotama, Ngay bây giờ, Như-Lai sẽ thuyết giảng chánh pháp mà Như-Lai đã chứng ngộ. Các vị hãy lắng nghe rồi thực hành theo, các vị cũng sẽ chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Tứ Thánh Đạo - Tứ Thánh Quả và Niết Bàn y theo Như-Lai đã chứng ngộ”.
Nhóm 5 vị đồng tu vẫn chưa tin theo lời dạy của Đức Phật, vì nghĩ rằng: “Trước đây, Sa-môn Siddhatta hành pháp khổ hạnh đến như thế, mà không chứng đắc thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác; nay trở lại đời sống sung túc như vậy, lại có thể chứng đắc thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác được hay sao?”.
Đấng Thiện Thệ thấu hiểu rõ sự hoài nghi của nhóm 5 vị, nên Ngài đã giảng giải rõ ràng, phá tan được sự hoài nghi của họ. Cuối cùng, nhóm 5 vị cảm phục Đức Phật và phát sinh đức tin trong sạch nơi Ngài.
Khi ấy mặt trời sắp lặn ở hướng Tây, mặt trăng ló dạng ở hướng Đông, Đấng Chánh Đẳng Giác lần đầu tiên thuyết pháp với bài kinh Chuyển Pháp Luân - Dhammacakkappavattanasutta để tế độ 5 nhóm vị là Koṇḍañña, Vappa, Bhaddiya, Mahānāma và Assaji.
Đức Phật dạy rằng:
- Bậc xuất gia không nên hành hai pháp cực đoan thuộc hai biên kiến.
Một là: Hưởng khoái lạc trong ngũ dục do tâm tham ái hợp với tà kiến, là pháp thấp hèn của hạng phàm nhân trong đời, không phải của bậc Thánh Nhân cao thượng, không đem lại sự lợi ích giải thoát khổ sinh.
Hai là: Tự ép xác, hành khổ mình do tâm sân và có đoạn kiến, thuộc pháp hành khổ hạnh của ngoại đạo, không phải của bậc Thánh Nhân cao thượng, không đem lại sự lợi ích giải thoát khổ sinh.
Không thiên về hai biên kiến ấy, Đức Phật đã hành theo pháp hành Trung Đạo (Majjhimappaṭipadā) đó chính là Thánh Đạo hợp đủ 8 chánh cao thượng là:
1 - Chánh kiến: Trí tuệ thiền tuệ chân chánh thấy rõ, biết rõ chân lý Tứ Thánh Đế
- Khổ Thánh Đế (Dukkha ariyasacca)
- Nhân sinh Khổ Thánh Đế (Tập Thánh Đế - Dukkhasamudaya ariyasacca).
- Diệt Khổ Thánh Đế (Diệt Thánh Đế - Dukkhanirodha ariyasacca)
- Pháp hành Diệt Khổ Thánh Đế (Đạo Thánh Đế - Dukkhaniro dhagaminī paṭipadā ariyasacca)
Đó là 1 trong 8 chánh chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn.
2 - Chánh tư duy: Tư duy chân chánh
- Tư duy thoát ra khỏi ngũ dục (xuất gia).
- Tư duy không làm khổ mình, khổ người (hợp với tâm từ).
- Tư duy không làm hại mình, hại người (hợp với tâm bi).
Đó là 1 trong 8 chánh chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn.
3 - Chánh ngữ: Lời nói chân chánh
- Tránh xa lời nói dối.
- Tránh xa lời nói chia rẽ.
- Tránh xa lời nói thô tục.
- Tránh xa lời nói vô ích.
Đó là 1 trong 8 chánh chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn.
4 - Chánh nghiệp: Hành nghề chân chánh
- Tránh xa sự sát sanh.
- Tránh xa sự trộm cắp.
- Tránh xa sự tà dâm.
Đó là 1 trong 8 chánh chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn.
5 - Chánh mạng: Nuôi mạng chân chánh
- Tránh xa thân hành ác, khẩu nói ác liên quan đến việc nuôi mạng.
Đó là 1 trong 8 chánh chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn.
6 - Chánh tinh tấn: Tinh tấn chân chánh
- Tinh tấn diệt ác pháp đã sinh.
- Tinh tấn ngăn không cho ác pháp phát sinh.
- Tinh tấn làm cho thiện pháp phát sinh.
- Tinh tấn làm tăng trưởng thiện pháp đã sinh.
Đó là 1 trong 8 chánh chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn.
7 - Chánh niệm: Niệm chân chánh
- Niệm thân: Thân là đối tượng của chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác.
- Niệm thọ: Thọ là đối tượng của chánh niệm, tỉnh giác.
- Niệm tâm: Tâm là đối tượng của chánh niệm, tỉnh giác.
- Niệm pháp: Pháp là đối tượng của chánh niệm, tỉnh giác.
Đó là 1 trong 8 chánh chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn.
8 - Chánh định: Định chân chánh
- Định trong đệ nhất thiền Siêu tam giới, có Niết Bàn là đối tượng.
- Định trong đệ nhị thiền Siêu tam giới, có Niết Bàn là đối tượng.
- Định trong đệ tam thiền Siêu tam giới, có Niết Bàn là đối tượng.
- Định trong đệ tứ thiền Siêu tam giới, có Niết Bàn là đối tượng.
- Định trong đệ ngũ thiền Siêu tam giới, có Niết Bàn là đối tượng.
Đó là 1 trong 8 chánh chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn.
Pháp hành Trung Đạo đó là Thánh Đạo hợp đủ 8 chánh này chỉ đồng sinh với 4 Thánh Đạo Tâm và 4 Thánh Quả Tâm, chắc chắn có Niết Bàn là đối tượng.
Bằng những pháp hành Trung Đạo này, Đức Phật đã chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế theo Tam Tuệ Luân gồm:
* Tam Tuệ Luân trong Khổ Thánh Đế:
- Trí Tuệ Học Biết Khổ Thánh Đế (Saccañāṇa):
Này chư Tỳ-khưu! Tuệ nhãn (cakkhu) thấy rõ Khổ Thánh đế đã phát sinh, trí tuệ thiền tuệ (ñāṇa) thấy rõ thực tính Khổ Thánh đế đã phát sinh, trí tuệ sáng suốt (paññā) thấy rõ khổ sinh, khổ già… đã phát sinh, tuệ minh (vijjā) thấy rõ, thấu suốt hoàn toàn Khổ Thánh đế đã phát sinh, ánh sáng trí tuệ (āloka) diệt màn vô minh che ám Khổ Thánh đế đã phát sinh đến với Như-Lai trong mọi pháp Khổ Thánh đế, mà trước đây, khi chưa thành Phật, Như-Lai chưa từng được nghe, chưa từng được biết rằng: “Thực tính tất cả các pháp, sắc pháp, danh pháp trong tam giới, ngoại trừ tâm tham ái ra (vì tham ái là Nhân sinh Khổ Thánh đế), đều LÀ Khổ Thánh đế”.
- Trí tuệ hành phận sự biết Khổ Thánh Đế (Kiccañāṇa)
Này chư Tỳ-khưu! Tuệ nhãn (cakkhu) thấy rõ Khổ Thánh đế đã phát sinh, trí tuệ thiền tuệ (ñāṇa) thấy rõ thực tính Khổ Thánh đế đã phát sinh, trí tuệ sáng suốt (paññā) thấy rõ khổ sinh, khổ già… đã phát sinh, tuệ minh (vijjā) thấy rõ, thấu suốt hoàn toàn Khổ Thánh đế đã phát sinh, ánh sáng trí tuệ (āloka) diệt màn vô minh che ám Khổ Thánh đế đã phát sinh đến với Như-Lai trong mọi pháp Khổ Thánh đế, mà trước đây, khi chưa thành Phật, Như-Lai chưa từng được nghe, chưa từng được biết rằng: “Thực tính các pháp (danh pháp, sắc pháp) Khổ Thánh đế ấy là PHÁP NÊN BIẾT rõ bằng trí tuệ thiền tuệ tam giới”.
- Trí tuệ thành hoàn thành xong phận sự Biết Khổ Thánh Đế (Katañāṇa)
Này chư Tỳ-khưu! Tuệ nhãn (cakkhu) thấy rõ Khổ Thánh đế đã phát sinh, trí tuệ thiền tuệ (ñāṇa) thấy rõ thực tính Khổ Thánh đế đã phát sinh, trí tuệ sáng suốt (paññā) thấy rõ khổ sinh, khổ già… đã phát sinh, tuệ minh (vijjā) thấy rõ, thấu suốt hoàn toàn Khổ Thánh đế đã phát sinh, ánh sáng trí tuệ (āloka) diệt màn vô minh che ám Khổ Thánh đế đã phát sinh đến với Như-Lai trong mọi pháp Khổ Thánh đế, mà trước đây, khi chưa thành Phật, Như-Lai chưa từng được nghe, chưa từng được biết rằng: “Thực tính tất cả các pháp (danh pháp, sắc pháp) Khổ Thánh đế ấy là PHÁP NÊN BIẾT THÌ ĐÃ BIẾT rõ bằng 4 Thánh đạo tuệ rồi”.
* Tam Tuệ Luân trong Nhân Sinh Khổ Thánh Đế:
- Trí Tuệ Học Biết Nhân Sinh Khổ Thánh Đế (Saccañāṇa):
Này chư Tỳ-khưu! Tuệ nhãn thấy rõ tham ái là Nhân sinh Khổ Thánh đế đã phát sinh, trí tuệ thiền tuệ thấy rõ thực tính ba loại tham ái là Nhân sinh Khổ Thánh đế đã phát sinh, trí tuệ sáng suốt thấy rõ 108 loại tham ái là Nhân sinh Khổ Thánh đế đã phát sinh, tuệ minh thấy rõ, thấu suốt Nhân sinh Khổ Thánh đế đã phát sinh, ánh sáng trí tuệ diệt màn vô minh che án Nhân sinh Khổ Thánh đế đã phát sinh đến với Như-Lai, trong mọi pháp Nhân sinh Khổ Thánh đế, mà từ trước khi chưa thành Phật, Như-Lai chưa từng được nghe, chưa từng được biết rằng: “Thực tính 3 loại tham ái ấy LÀ Nhân sinh Khổ Thánh đế”.
- Trí Tuệ Hành Phận Sự Diệt Nhân Sinh Khổ Thánh Đế (Kiccañāṇa)
- Này chư Tỳ-khưu! Tuệ nhãn thấy rõ tham ái là Nhân sinh Khổ Thánh đế đã phát sinh, trí tuệ thiền tuệ thấy rõ thực tính ba loại tham ái là Nhân sinh Khổ Thánh đế đã phát sinh, trí tuệ sáng suốt thấy rõ 108 loại tham ái là Nhân sinh Khổ Thánh đế đã phát sinh, tuệ minh thấy rõ, thấu suốt Nhân sinh Khổ Thánh đế đã phát sinh, ánh sáng trí tuệ diệt màn vô minh che án Nhân sinh Khổ Thánh đế đã phát sinh đến với Như-Lai, trong mọi pháp Nhân sinh Khổ Thánh đế, mà từ trước khi chưa thành Phật, Như-Lai chưa từng được nghe, chưa từng được biết rằng: “Thực tính 3 loại tham ái là Nhân sinh Khổ Thánh-đế ấy là PHÁP NÊN DIỆT bằng trí tuệ thiền tuệ tam giới”.
- Trí tuệ thành hoàn thành phận sự diệt Nhân Sinh Khổ Thánh Đế (Katañāṇa)
- Này chư Tỳ-khưu! Tuệ nhãn thấy rõ tham ái là Nhân sinh Khổ Thánh đế đã phát sinh, trí tuệ thiền tuệ thấy rõ thực tính ba loại tham ái là Nhân sinh Khổ Thánh đế đã phát sinh, trí tuệ sáng suốt thấy rõ 108 loại tham ái là Nhân sinh Khổ Thánh đế đã phát sinh, tuệ minh thấy rõ, thấu suốt Nhân sinh Khổ Thánh đế đã phát sinh, ánh sáng trí tuệ diệt màn vô minh che án Nhân sinh Khổ Thánh đế đã phát sinh đến với Như-Lai, trong mọi pháp Nhân sinh Khổ Thánh đế, mà từ trước khi chưa thành Phật, Như-Lai chưa từng được nghe, chưa từng được biết rằng: “Thực tính 3 loại tham ái là Nhân sinh Khổ Thánh đế ấy là PHÁP NÊN DIỆT THÌ ĐÃ DIỆT ĐOẠN TUYỆT bằng 4 Thánh đạo tuệ rồi”.
* Tam Tuệ Luân trong Diệt Khổ Thánh Đế:
- Trí tuệ học biết Diệt Khổ Thánh Đế (Saccañāṇa)
Này chư Tỳ-khưu! Tuệ nhãn thấy rõ Diệt Khổ Thánh đế đã phát sinh, trí tuệ thiền tuệ thấy rõ Diệt Khổ Thánh đế đã phát sinh, trí tuệ sáng suốt thấy rõ thực tính Niết bàn đã phát sinh, tuệ minh thấy rõ, thấu suốt Diệt Khổ Thánh đế đã phát sinh, ánh sáng trí tuệ diệt màn vô minh che án Diệt Khổ Thánh đế đã phát sinh đến với Như-Lai, trong mọi pháp Diệt Khổ Thánh đế, mà từ trước khi chưa thành Phật, Như-Lai chưa từng được nghe, chưa từng được biết rằng: “Thực tính Niết bàn LÀ pháp Diệt Khổ Thánh đế.”
- Trí tuệ hành phận sự chứng ngộ Diệt Khổ Thánh Đế (Kiccañāṇa)
Này chư Tỳ-khưu! Tuệ nhãn thấy rõ Diệt Khổ Thánh đế đã phát sinh, trí tuệ thiền tuệ thấy rõ Diệt Khổ Thánh đế đã phát sinh, trí tuệ sáng suốt thấy rõ thực tính Niết bàn đã phát sinh, tuệ minh thấy rõ, thấu suốt Diệt Khổ Thánh đế đã phát sinh, ánh sáng trí tuệ diệt màn vô minh che án Diệt Khổ Thánh đế đã phát sinh đến với Như-Lai, trong mọi pháp Diệt Khổ Thánh đế, mà từ trước khi chưa thành Phật, Như-Lai chưa từng được nghe, chưa từng được biết rằng: “Thực tính Niết bàn là Diệt Khổ Thánh đế ấy là PHÁP NÊN CHỨNG NGỘ bằng trí tuệ thiền tuệ tam giới”.
- Trí tuệ Thành hòan thành phận sự chứng ngộ Diệt Khổ Thánh Đế (Katañāṇa)
Này chư Tỳ-khưu! Tuệ nhãn thấy rõ Diệt Khổ Thánh đế đã phát sinh, trí tuệ thiền tuệ thấy rõ Diệt Khổ Thánh đế đã phát sinh, trí tuệ sáng suốt thấy rõ thực tính Niết bàn đã phát sinh, tuệ minh thấy rõ, thấu suốt Diệt Khổ Thánh đế đã phát sinh, ánh sáng trí tuệ diệt màn vô minh che án Diệt Khổ Thánh đế đã phát sinh đến với Như-Lai, trong mọi pháp Diệt Khổ Thánh đế, mà từ trước khi chưa thành Phật, Như-Lai chưa từng được nghe, chưa từng được biết rằng: “Thực tính Niết bàn là Diệt Khổ Thánh đế ấy là PHÁP NÊN CHỨNG NGỘ THÌ ĐÃ CHỨNG NGỘ Niết bàn bằng 4 Thánh đạo tuệ rồi”.
* Tam Tuệ Luân trong Pháp Hành Dẫn Đến Diệt Khổ Thánh Đế:
- Trí Tuệ Học Biết Pháp Hành Dẫn Đến Diệt Khổ Thánh Đế (Saccañāṇa)
Này chư Tỳ-khưu! Tuệ nhãn thấy rõ Pháp hành dẫn đến Diệt Khổ Thánh đế đã phát sinh, trí tuệ thiền tuệ thấy rõ Pháp hành dẫn đến Diệt Khổ Thánh đế đã phát sinh, trí tuệ sáng suốt thấy rõ thực tính của chánh kiến, chánh tư duy… đã phát sinh, tuệ minh thấy rõ, thấu suốt Pháp hành dẫn đến Diệt Khổ Thánh đế đã phát sinh, ánh sáng trí tuệ diệt màn vô minh che ám Pháp hành dẫn đến Diệt Khổ Thánh đế đã phát sinh đến với Như-Lai, trong mọi Pháp hành dẫn đến Diệt Khổ Thánh đế mà từ trước khi chưa thành Phật, Như-Lai chưa từng được nghe, chưa từng được biết rằng: “Thực tính Thánh đạo hợp đủ 8 chánh LÀ pháp hành bát chánh đạo dẫn đến chứng ngộ Niết bàn, Diệt Khổ Thánh đế.”
- Trí Tuệ Hành Phận Sự Tiến Hành Pháp Hành Dẫn Đến Diệt Khổ Thánh Đế (Kiccañāṇa)
Này chư Tỳ-khưu! Tuệ nhãn thấy rõ Pháp hành dẫn đến Diệt Khổ Thánh đế đã phát sinh, trí tuệ thiền tuệ thấy rõ Pháp hành dẫn đến Diệt Khổ Thánh đế đã phát sinh, trí tuệ sáng suốt thấy rõ thực tính của chánh kiến, chánh tư duy… đã phát sinh, tuệ minh thấy rõ, thấu suốt Pháp hành dẫn đến Diệt Khổ Thánh đế đã phát sinh, ánh sáng trí tuệ diệt màn vô minh che ám Pháp hành dẫn đến Diệt Khổ Thánh đế đã phát sinh đến với Như-Lai, trong mọi Pháp hành dẫn đến Diệt Khổ Thánh đế mà từ trước khi chưa thành Phật, Như-Lai chưa từng được nghe, chưa từng được biết rằng: “Thực tính Thánh đạo hợp đủ 8 chánh LÀ PHÁP NÊN TIẾN HÀNH để chứng ngộ Niết bàn, Diệt Khổ Thánh đế bằng trí tuệ thiền tuệ tam giới”.
- Trí Tuệ Thành Hoàn Thành Xong Phận Sự Tiến Hành Pháp Hành Dẫn Đến Pháp Hành Diệt Khổ Thánh Đế (Katañāṇa)
Này chư Tỳ-khưu! Tuệ nhãn thấy rõ Pháp hành dẫn đến Diệt Khổ Thánh đế đã phát sinh, trí tuệ thiền tuệ thấy rõ Pháp hành dẫn đến Diệt Khổ Thánh đế đã phát sinh, trí tuệ sáng suốt thấy rõ thực tính của chánh kiến, chánh tư duy… đã phát sinh, tuệ minh thấy rõ, thấu suốt Pháp hành dẫn đến Diệt Khổ Thánh đế đã phát sinh, ánh sáng trí tuệ diệt màn vô minh che ám Pháp hành dẫn đến Diệt Khổ Thánh đế đã phát sinh đến với Như-Lai, trong mọi Pháp hành dẫn đến Diệt Khổ Thánh đế mà từ trước khi chưa thành Phật, Như-Lai chưa từng được nghe, chưa từng được biết rằng: “Thực tính Thánh đạo hợp đủ 8 chánh LÀ PHÁP NÊN TIẾN HÀNH THÌ ĐÃ TIẾN HÀNH chứng ngộ Niết bàn, Diệt Khổ Thánh đế bằng 4 Thánh đạo tuệ rồi”.
Đức Phật truyền dạy rằng:
“Này chư Tỳ-khưu! Khi nào trí tuệ thiền tuệ thấy rõ biết rõ thực tính của Tứ Thánh đế theo tam tuệ luân (trí tuệ học, trí tuệ hành, trí tuệ thành), thành 12 loại trí tuệ hoàn toàn trong sáng, thanh tịnh đã phát sinh đến với Như-Lai.
- Này chư Tỳ-khưu! Khi ấy, Như-Lai dõng dạc khẳng định truyền dạy rằng: Như-Lai đã chứng đắc thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác vô thượng trong toàn thế giới chúng sinh, nhân loại, Vua chúa, Sa-môn, Bà-la-môn, chư thiên, Ma vương và phạm thiên cả thảy”.
Đức Thế Tôn thuyết giảng bài kinh Chuyển Pháp Luân này xong, nhóm 5 vị vô cùng hoan hỷ thực hành theo lời giáo huấn của Ngài. Trong nhóm 5 vị ấy, Ngài Koṇḍañña đã phát sinh Pháp Nhãn chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Nhập Lưu Thánh Đạo, Nhập Lưu Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh Nhập Lưu đầu tiên trong giáo pháp của Đức Phật Gotama.
Khi ấy, Ngài Koṇḍañña xin Đức Phật cho phép thọ Tỳ-khưu; Đức Phật đã cho phép Ngài Koṇḍañña thọ Tỳ-khưu theo cách Ehi bhikkhūpasampadā. Thọ Tỳ-khưu bằng cách Đức Phật gọi Ehi bhikkhu như sau:
“Ehi bhikkhū!” ti Bhavagā avoca. Svākkhāto dhammo cara brahmacariyaṃ sammā dukkhassa antakiriyāya...”.
“Con hãy lại đây! Con trở thành Tỳ-khưu theo ý nguyện. Chánh pháp mà Như-Lai đã thuyết giảng hoàn hảo phần đầu, phần giữa, phần cuối. Con hãy nên cố gắng tinh tấn hành phạm hạnh cao thượng, để chứng đắc Arahán Thánh Đạo - Arahán Thánh Quả và Niết-Bàn, để chấm dứt khổ tử sinh luân hồi”.
Ngay khi Đức Phật truyền dạy vừa dứt câu, Ngài Koṇḍañña liền trở thành vị Tỳ-khưu có đầy đủ 8 thứ vật dụng của Tỳ-khưu, phát sinh do phước thiện, cũng đồng thời Tam Bảo: Phật Bảo, Pháp Bảo, Tăng Bảo hoàn toàn đầy đủ trọn vẹn trên thế gian này, vào đúng ngày rằm tháng Āsāḷha (tháng 6 âm lịch).
Bốn vị Tỳ-khưu còn lại cũng sẽ chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Nhập Lưu Thánh Đạo, Nhập Lưu Thánh Quả và Niết Bàn trở thành bậc Thánh Nhập Lưu theo tuần tự thời gian như sau:
- Ngày 16 tháng 6, Ngài Vappa chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Nhập Lưu Thánh Đạo, Nhập Lưu Thánh Quả và Niết Bàn trở thành bậc Thánh Nhập lưu và được phép thọ Tỳ-khưu bằng cách Ehi bhikkhu.
- Ngày 17 tháng 6, Ngài Bhaddiya chứng đắc thành bậc Thánh Nhập Lưu và được Đức Phật cho phép thọ Tỳ-khưu bằng cách Ehi bhikkhu.
- Ngày 18 tháng 6, Ngài Mahānāma chứng đắc thành bậc Thánh Nhập Lưu và được Đức Phật cho phép thọ Tỳ-khưu bằng cách Ehi bhikkhu.
- Ngày 19 tháng 6, Ngài Assaji chứng đắc thành bậc Thánh Nhập Lưu và được Đức Phật cho phép thọ Tỳ-khưu bằng cách Ehi bhikkhu.
* Trong Phật giáo có 4 loại bậc Thánh Nhân:
- Bậc Thánh Nhập Lưu.
- Bậc Thánh Nhất Lai.
- Bậc Thánh Bất Lai.
- Bậc Thánh Arahán.
Nhóm 5 Tỳ-khưu đã chứng đắc thành bậc Thánh Nhập Lưu, chỉ mới là bậc Thánh thứ nhất trong Phật giáo. Bậc Thánh Nhập Lưu có khả năng diệt đoạn tuyệt được hai loại phiền não là tà kiến và hoài nghi. Bậc Thánh Nhập Lưu chưa có khả năng diệt đoạn tuyệt 8 loại phiền não còn lại và các tham ái, các ác pháp, nên chưa có thể giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong tam giới được. Cho nên, Đức Phật giảng bài Kinh Anattalakkhaṇasutta: Kinh Vô Ngã Tướng để tế độ nhóm 5 Tỳ-khưu tiếp tục chứng đắc thành bậc Thánh Arahán là bậc Thánh Nhân thứ tư cao thượng trong Phật giáo.
Theo tuần tự thời gian đến ngày 20 tháng 6 (âm lịch), Đức Phật thuyết giảng bài kinh Anattalakkhaṇasutta - Kinh Vô Ngã Tướng, để tế độ nhóm 5 Tỳ-khưu trở thành bậc Thánh Arahán.
Nội dung bài kinh, Đức Phật thuyết giảng về ngũ uẩn: Sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn đều là pháp vô ngã, không phải ta, không phải của ta.
Mỗi uẩn đều có sự sinh, sự diệt, nên có trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã.
Mỗi uẩn có 11 tính chất: quá khứ hoặc vị lai, hoặc hiện tại; bên trong hoặc bên ngoài; thô hoặc vi tế; thấp hèn hoặc cao quý; gần hoặc xa thực tánh của tất cả mỗi uẩn ấy không phải của ta, không phải là ta, không phải tự ngã của ta.
Nhóm 5 Tỳ-khưu có trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ ngũ uẩn đúng theo thực tánh của ngũ uẩn như vậy, dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Nhất Lai Thánh Đạo - Nhất Lai Thánh Quả và Niết-Bàn lần thứ nhì, tiếp tục chứng đắc Bất Lai Thánh Đạo - Bất Lai Thánh Quả và Niết-Bàn lần thứ ba, cuối cùng là chứng đắc Arahán Thánh Đạo - Arahán Thánh Quả và Niết-Bàn lần thứ tư, diệt đoạn tuyệt mọi phiền não, mọi tham ái, mọi ác pháp không còn dư sót lại, trở thành bậc Thánh Arahán; trí tuệ quán xét thấy rõ, biết rõ Arahán Thánh Đạo - Arahán Thánh Quả đã chứng đắc, Niết-Bàn đã chứng ngộ, mọi phiền não, mọi tham ái, mọi ác pháp đã diệt đoạn tuyệt không còn dư sót. Các Ngài có trí tuệ thấy rõ, biết rõ mọi phận sự Tứ Thánh Đế đã hoàn thành; phạm hạnh cao thượng đã hành xong, kiếp này là kiếp chót, không còn tái sinh kiếp nào khác nữa.
Nhóm 5 Tỳ-khưu trở thành bậc Thánh Arahán vào ngày 20 tháng 6 là những ngày đầu hạ thứ nhất của Đức Phật.
Như vậy, ngoài Đức Phật ra, còn có thêm 5 vị Thánh Arahán xuất hiện trên thế gian.
Bình luận bài viết