Thông tin

ĐỨC PHẬT TRONG TÔI

 

TRẦN NHÃ THỤY

 

 

1.Trong phòng làm việc ở cơ quan của tôi có cái tượng đức Phật tạc bằng gỗ mít, màu tự nhiên không sơn phết, đánh bóng. Đây là cái tượng nhỏ tôi đặt một nghệ nhân làng làm từ Quảng Nam gửi vào.

Không phải Phật tử thuần thành, đời sống cũng không chuyên chú tâm linh, nhưng tôi chân thành ngưỡng kính gương mặt và nụ cười đức Phật. Dĩ nhiên là ngưỡng kính cả lời dạy của ngài. Tôi không đặt tượng đức Phật lên bàn thờ mà chỉ kê một cái đôn gỗ mộc mạc ngay chỗ bàn trà tiếp khách. Có người xét nét bảo sao lại đặt tượng đức Phật như thế, trông không tôn kính chút nào? Tôi bảo kính ngưỡng là trong lòng mình, nếu cho rằng “Vạn pháp từ tâm tưởng sinh”, tức từ tâm mình sinh ra, thì Phật có mặt khắp mọi nơi. Điều đó cũng có nghĩa đức Phật không chỉ ngự trên bàn thờ.

Nhẹ nhàng đáp lại thế thôi, chứ ai nặng nề mình cũng không chấp. Con người ta khi ở cái tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh” mà còn chấp vào chuyện đúng sai thì không biết bao giờ mới hết khổ.

Phòng làm việc của tôi có ban công nhìn ra khoảng trời. Ngay trước cơ quan có một cây bồ đề cổ thụ to lớn, cành nhánh vươn lên xanh mát tới tận ban công lầu ba, nơi có căn phòng nhỏ của tôi. Cho nên, mỗi buổi sớm, sau khi tự dọn dẹp, pha ly cà phê xong, tôi mang ra ngoài ban công ngồi nhấm nháp và hít thở không khí trong lành.

Cây bồ đề có nhiều chim chóc về tụ, líu lo suốt cả ngày. Nhiều nhất là chim sẻ rồi chào mào, chích chòe. Có một đôi cu gáy nhìn nhỏ nhắn, trưa nào cũng gù cúc cù cu cu cu… cúc cù cu cu cu…; lúc trầm lúc bổng, nghe vừa giục giã vừa miên man. Tiếng cu gù nghe như khúc ru đồng quê. Như thực như hư.

Buổi trưa, tôi thường ăn tạm vài củ khoai lang hay uống ly bột ngũ cốc rồi ngả lưng luôn trong phòng làm việc. Tôi thường nằm nhắm mắt và nghe tiếng cu gù bên ngoài cửa sổ vọng vào. Lúc này, đức Phật như đang mỉm cười độ lượng ngay trên đầu tôi.

2.Đại dịch Covid -19 vào Việt Nam đến nay đã tròn hai năm. Hai năm là mấy trăm ngày chúng ta học bài học sống cách ly, không tụ tập đông đúc bầy đàn. Đó có lẽ là điều cốt lõi nhất của đại dịch. Ngay cả ở thời điểm vắc xin đã được tiêm đủ hai mũi cho mỗi người, thì việc thực hiện “5K” vẫn phải luôn duy trì. Trong “5K” đó thì “Khoảng cách” và “Không tập trung” chẳng phải là bài học sống không bầy đàn hay sao?!

Phật giáo nguyên thủy, tức ở Ấn Độ thời đức Phật rất đề cao coi trọng lối sống ẩn dật của người tu hành. Thậm chí coi đó là phẩm hạnh chính của người đi tu. Ẩn dật và độc hành. Chính đức Thế Tôn là người như thế. Thậm chí, lúc bấy giờ chỉ cần “thấy người chăn bò, người cắt cỏ, người đốn củi hay người thợ rừng”, thì ngài “liền đi từ rừng này qua rừng khác, từ lùm cây này qua lùm cây khác, từ thung lũng này qua thung lũng khác, từ đồi cao này qua đồi cao khác”.

Độc hành không phải xa lánh nhân quần, mà triệt để tu tập. Lúc này, đức Thế Tôn còn dặn các đệ tử của mình rằng: “trừ người mang thức ăn, tất cả những người còn lại chớ nên tới chỗ ở của ta”.

So sánh thật khập khiễng. Nhưng không khỏi có những liên tưởng về tình cảnh của con người trong đại dịch lúc này. Có những ngày tháng, con người ta dù không muốn vẫn phải chịu sống cách ly một mình. Những bữa ăn được mang tới đặt trước cửa phòng, hay được treo trước cổng nhà. Người mang thức ăn tới có thể chỉ là một shipper vô danh, không phật không pháp, nhưng có lẽ họ đã được chọn để làm cái việc nhỏ bé nhưng lớn lao ấy.

Tình cảnh con người lúc này, thật oái ăm, nhưng cũng đáng suy ngẫm.

Con người ta không còn nhận ra mùi vị của thức ăn. Cái lưỡi quen nếm những thứ ngon ngọt béo bùi trên trần gian này đã bị bệnh hay tạm thời xa rời nhiệm vụ của mình. Cái mũi không còn đánh hơi được gì, kể cả thơm và thối. Tập thở. Lúc này, con người ta phải tập thở. Tranh thủ từng chút không khí, đớp từng chút oxy vào phổi mình.

Lúc này, những chiếc máy tạo oxy được tung ra nhiều nhất và được bán với giá đắt đỏ chưa từng thấy. Chưa bao giờ nhân loại lại đối diện với một tình cảnh như vậy. Còn trước đây, con người ta luôn bỏ ra rất nhiều tiền bạc để mua sắm những thứ vật chất phù phiếm. Rất ít người nghĩ tới chuyện phải mua oxy. Không khí luôn là thứ sẵn có miễn phí. Nhưng không vì miễn phí mà con người tha hồ làm bẩn bầu không khí của chính mình.

3. Tôi thường dùng một chiếc khăn sạch thấm nước để lau chùi tượng Phật. Tượng gỗ mít rất mau khô. Cứ vài hôm tôi lại “tắm Phật” một lần. Những lúc như thế, tôi cảm giác như ngài đang mát mẻ, đang vui vẻ và cười tươi hơn. Dĩ nhiên là tôi suy diễn lẩn thẩn thế thôi. Tôi là người yêu thích công việc, từ những việc nhỏ nhất. Nếu như không ở thành phố. Nếu như ở nông thôn, tôi sẽ là nông dân hay một người làm vườn. Tôi yêu thích và có khả năng làm những công việc chân tay.

Sau những ngày “cách ly xã hội” căng thẳng, tôi lại đến cơ quan, tự mình quét dọn căn phòng, dĩ nhiên là không quên giặt khăn “tắm Phật”.

Có những lúc rơi vào khoảng lặng, tưởng chừng cứ chìm mãi đi, tôi lại giật mình nhìn vào gương mặt Phật. Ngài vẫn ở đó với nụ cười độ lượng và an nhiên.

Một mình loay hoay trong căn phòng nhỏ. Có nhiều ngày không ra phố không gặp ai. Chỉ một mình bước ra ban công ngắm cây bồ đề và ngước lên trời xanh, nhưng cảm giác vẫn thấy an lành, dễ chịu. Chỉ loanh quanh trong và ngoài căn phòng thôi mà thấy thế giới vẫn bao la.

Và, thật lạ kỳ, giữa bao hoang mang và hỗn mang của cõi người ta, ngoài kia cây bồ đề vẫn tốt xanh, chen trong những nhánh cành và bay vút lên khoảng trời, tiếng chim vẫn ríu ran suốt cả ngày.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 8
    • Số lượt truy cập : 6126749