ĐỨC PHẬT TRONG TƯ TƯỞNG DÂN GIAN VIỆT NAM
CHỬ THỊ KIM PHƯƠNG
(Viện Nghiên cứu Tôn giáo)
Tư tưởng dân gian của dân tộc được thể hiện ở nhiều thể loại văn học khác nhau. Cổ tích là một thể loại độc đáo trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam. Với sức chiếm lĩnh hiện thực khá rộng, cổ tích đã thể hiện được nhiều dấu ấn đặc trưng và sinh hoạt văn hóa tư tưởng dân tộc qua nhiều thời đại. Truyện cổ tích của người Việt trong mối tương quan văn hóa các nước, chúng ta thấy nổi bật các nét bản sắc riêng của người Việt. Trong đó, do ảnh hưởng của Phật giáo hòa quyện với tinh thần dân tộc, truyện cổ tích dân gian Việt đã hình thành nên các dạng thức và hệ thống tư tưởng, nhân vật độc đáo. Những nhân vật Phật (Bụt), Bồ tát (Quan Âm, Chuẩn Đề), sư sãi, tiểu… xuất hiện với tần suất khá lớn, dân gian đã sử dụng những chất liệu của Phật giáo đã nhào nặn nên tác phẩm của mình. Vấn đề này có thể nhìn nhận rõ qua nhiều khía cạnh, trong bài viết này, chúng tôi bước đầu tìm hiểu những hình ảnh về đức Phật trong dân gian và vấn đề thế tục hóa Phật giáo - một khía cạnh tiêu biểu trong mối tương quan giữa Phật giáo và truyện cổ tích dân gian của người Việt.
1. Đức Phật trong dân gian
Bàn về hình tượng đức Phật dân gian, học giả Minh Chi đã có nhận xét: “Ông Bụt hiền, ông Bụt lành… đó là hình tượng đức Phật Thích ca trong dân gian Việt Nam, là một kết quả đặc sắc của Phật giáo hội nhập vào nền văn hóa dân gian Việt Nam”. Trong truyện cổ tích Việt Nam hình tượng ông Bụt (Phật) có quyền năng vô hạn, luôn xuất hiện để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế như cô Tấm, trong truyện Tấm Cám, người em út trong truyện Cây khế, thằng Giun trong truyện Hét và Giun, người xấu xí trong truyện Sọ dừa…
Trong tâm thức dân gian, Bụt là một nhân vật rất đỗi quen thuộc. Ngài luôn luôn xuất hiện trong những tình huống khó khăn, khắc nghiệt, khốn đốn để giúp đỡ kịp thời những người hiền lành, hoạn nạn, Bụt trở nên thân thương, gần gũi với mọi người. Bụt cũng là khát vọng của con người mong muốn được yêu thương, được tự do, công bằng, bình đẳng. Bụt là hiện thân của mầu nhiệm trong cuộc sống tối tăm, đau khổ và đầy bất công. Vì thế, khi nhắc đến Bụt, người ta thường hình dung đến một nhân vật hiền lành như là một ông già râu tóc bạc phơ như cước hơn là một đức Phật tay ôm bình bát, mình khoác áo cà sa, dẫu rằng Bụt và Phật vẫn là một. Bụt đã trở thành một nhân vật của dân gian, luôn “khuyến thiện, trừng ác” bảo vệ công bằng, lẽ phải.
Như vậy, từ một đức Phật lịch sử thế giới đến một đức Phật dân gian Việt Nam đã có một biến đổi lớn lao. Sự biến đổi này phù hợp với nguyện vọng và những ước mong thầm kín của con người. Nhắc đến Bụt, người ta hiểu theo nghĩa khác hơn là nhắc đến Phật. Dường như có một quan niệm bất thành văn cho Phật giáo là con người của tôn giáo còn Bụt là con người của dân gian. Trong Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam của Nguyễn Đổng Chi, chúng ta vẫn thấy xuất hiện nhiều từ Phật. Sở dĩ có sự biến đổi như vậy do “Phật giáo lấy lý tính làm chủ đạo, lấy sự giác ngộ để giải thoát, giải cứu, còn tín ngưỡng dân gian thì luôn cầu mong sự trợ cứu của đấng thần linh. Vì vậy khi Phật giáo đã bị dân gian hóa và hòa nhập vào đời sống tâm linh người Việt thì nó cũng phải chịu ảnh hưởng và biến đổi theo tín ngưỡng dân gian. Phật - Đấng Giác ngộ, trong tâm thức dân gian không còn nguyên vẹn tính chất giác ngộ trong giáo lý đạo Phật mà trở thành ông Bụt - một vị thần dân gian cứu độ nhân thế, thân thiện có đủ sức mạnh để cứu khổ, cứu nạn, cho những ai tin tưởng Ngài”1.
Phật (Bụt) xuất hiện trong truyện cổ tích dân gian Việt Nam với những đặc điểm sau:
- Phật (Bụt) là người hiền lành, nhân hậu, có năng lực phi thường và luôn giúp đỡ những con người hiền lành gặp khó khăn, hoạn nạn.
- Phật (Bụt) là người thẳng thắn, đứng ra phân xử đúng sai một cách công bằng, đúng đắn.
- Phật (Bụt) là người có lòng tin và chí nguyện, sẵn sàng độ những người có lòng lành, thực tâm tu hành và loại trừ những kẻ tu hành giả dối.
Từ những đặc điểm trên, Phật (Bụt) hiện diện như một thần linh, luôn kịp thời để cứu giúp những người hiền lành, lương thiện như trong truyện Tấm Cám, Thạch Sanh, Ao Phật, đôi lúc Ngài phán xử mọi việc như quan tòa, và trừng trị những kẻ tham lam, hung ác. Vì thế mà Phật gần gũi hơn trong lòng dân tộc. Vấn đề này, học giả Nguyễn Đổng Chi nhận xét: “Cái tên Bụt, Tiên cũng là mượn của các tôn giáo ngoại lai đã thành truyền thống, vì từ rất xa xưa, những tôn giáo này đã từng hóa thân vào đời sống dân tộc, chấp nhận những thứ thanh lọc gay gắt, trở thành tôn giáo chung chi phối tâm linh của cộng đồng”2.
Dân gian đã tìm thấy từ đạo Phật những triết lý phù hợp với nếp nghĩ hiền lành của mình, có thể đem những triết lý ấy ứng dụng vào cuộc sống để tạo nên một đời sống an lạc, hạnh phúc. Dân gian Việt Nam đã tìm thấy hình ảnh đức Phật một con người hi sinh, vị tha, vô ngã có tấm lòng từ bi quảng đại, có đức tính tự chủ kiên định luôn hướng về cái thiện. Từ đó, đức Phật đã được dân gian yêu mến, tiếp nhận, tiếp tục tô đắp cho phù hợp với cảm quan của mình, biến Ngài thành vị Phật cho riêng người dân Việt.
2. Vấn đề dân gian hóa Phật giáo
Người Việt không làm cho hình ảnh Phật và Phật giáo mất đi nét siêu thoát vốn có, mà tô vẽ những mảng màu làm cho Phật giáo gần với dân gian, chiêm ngưỡng Phật qua lăng kính dân gian. Những yếu tố Phật giáo từ hình ảnh Bụt với những giáo lý từ bi, vô ngã, vị tha cho đến hình ảnh sư sãi với những hành động của họ, đã được nhân dân đánh giá, nhận định trên quan điểm dân gian.
Nếu đức Phật lịch sử siêu thoát ra ngoài hai thái cực thiện và ác thì dân gian đã đem Ngài trở về với chỗ đứng của riêng cái thiện. Từ đó, Ngài đã phân biệt rạch ròi giữa cái ác và cái thiện, là hai thái cực đối nghịch nhau, nên ứng xử của Ngài cũng vì thế mà khác nhau. Quan điểm này không làm mất đi giá trị của đạo Phật, song hình ảnh của đức Phật cũng được thế tục hóa rất nhiều. Trong truyện Tấm Cám, Bụt luôn hiện ra giúp đỡ Tấm như bảo Tấm còn một con cá đem về nuôi, giúp Tấm nhặt thóc ra khỏi gạo, đây là giúp đỡ cần thiết và phù hợp. Nhưng với việc giúp Tấm có quần áo đẹp để đi dự lễ hội là đã khác với Phật lịch sử. Đức Phật lịch sử luôn căn dặn đệ tử là chú ý chăm sóc nội tâm hơn là hình thức, hãy dẹp bỏ những ham muốn đó đi vì đó là nguyên nhân của khổ đau và trói buộc. Hay trong truyện Bốn cô gái muốn lấy chồng hoàng tử. Bụt đã biến thành ngôi nhà, một vại tiền, một vại gạo không bao giờ vơi để nuôi bốn cô gái bị quỷ móc mắt. Bụt còn hóa thành người thường hàng ngày đến dạy văn chương, võ nghệ cho đứa con trai cô Út. Khi lớn lên, Phật kể cho cậu bé nghe về mối thù cũ và giúp cậu bé trả thù một cách hoàn hảo.
Qua những câu chuyện cổ tích như vậy, Bụt là một danh từ chỉ một con người có quyền năng siêu phàm, luôn yêu thương, bảo vệ những người hiền lương, hoạn nạn chứ không còn là một vị Phật - Đấng Giác ngộ nữa. Lòng từ bi của đức Phật thiên về cảm tính dân gian và đời sống hiện tại chứ không đi sâu vào nhận thức nghiệp nhân quả. Ở đây, Ngài chỉ hành động theo tiếng gọi đơn thuần của tình thương, Ngài không hề có một lời về triết lý nhân quả nghiệp báo như trong Phật giáo lịch sử.
Quan niệm về đức Phật, ngoài là một người có năng lực phi thường nhưng hiền lành, yêu mến cái thiện và căm ghét cái ác, chúng ta còn thấy Ngài xuất hiện trong rất nhiều truyện cổ tích khác nữa như: Ao Phật, Sự tích cây nêu, Cây tre trăm đốt… Khi thì trao cho anh nông dân trong truyện Cây tre trăm đốt một khẩu quyết để trừng trị cái tham lam, độc ác. Trong truyện Cây nêu ngày Tết, Ngài giúp mưu kế cho nhân dân chống lại bọn quỷ sứ, lấy lại đất đai của mình.
Hình ảnh đức Phật được dân gian đưa đức Phật lịch sử từ vô ngã đến cái hữu ngã trở thành - một vị Phật dân gian, đức Phật đã bị dân gian hóa nhằm thể hiện những khát vọng về lẽ công bằng trong cuộc sống. Do lối suy nghĩ và khát vọng như vậy mà dân gian đã lấy Phật làm chuẩn mực cho sự công bằng.
Vấn đề đức Phật dân gian và vấn đề thế tục hóa Phật giáo qua truyện cổ tích dân gian Việt Nam là một việc cần phải nghiên cứu tiếp. Chúng tôi chỉ góp phần làm sáng tỏ sự hội nhập của Phật giáo với văn hóa Việt Nam. Sự hội nhập này là một vấn đề tất yếu làm nảy sinh hình ảnh đức Phật dân gian khác so với đức Phật lịch sử. Phật giáo được dân gian hóa phần nào nhưng vẫn giữ nguyên giá trị của mình. Phật giáo cũng được dân gian hóa những giá trị của một tôn giáo hướng con người đến Chân - Thiện - Mỹ.
1. Nguyễn Quang Lê: Tìm hiểu mối quan hệ giữa lễ hội cổ truyền và Phật giáo, qua tín ngưỡng dân gian- Văn hóa dân gian, số 4, 1992, tr. 72.
2. Khảo sát kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, tập 1, Nguyễn Đổng Chi, Viện Văn học, 1993, tr. 69.
Bình luận bài viết