ĐỨC PHẬT VÀ CÁC VỊ VUA (LE BOUDDHA ET LES ROIS)
ANDRÉ BAREAU (31.12.1921 - 02.03.1993)
(Tiếp theo Từ Quang 48)
HOANG PHONG (chuyển ngữ)
Đức Phật và vua Ba-Tư-Nặc (Pasenadi)
Mục đích của bài viết này là tìm hiểu các mối liên hệ (các mối giao tiếp) có thể đã từng xảy ra giữa đức Phật và vua chúa vào thời bấy giờ mà Ngài biết hoặc từng giao du với họ. Tất nhiên là chúng ta có thể tin vào những gì thuật lại trong kinh điển mà chúng ta hiện có. Việc nghiên cứu này sẽ được giới hạn trong vùng trung bộ của đồng bằng sông Hằng, nơi mà Đấng Thế Tôn đã trải qua một cuộc sống phiêu bạt và khổ hạnh (parivrājaka) thật dài trong cuộc đời mình, và cũng sẽ được giới hạn trong khoảng thời gian khi Ngài còn tại thế, tức là vào khoảng thế kỷ thứ V trước kỷ nguyên của chúng ta (trước Tây lịch), dựa vào các kết quả có thể tin tưởng được, mang lại từ cuộc hội thảo tổ chức tại Gôttingen (The Dating of the Historical Buddha, edited by H. Bechert, Abhandlungen, der Akademic der Wissenschaften in Göttingen, 1 (1991), và 2 (1992) vào tháng Tư năm 1988, nhằm xác định ngày tháng liên quan đến Parinirvāna (Đại-bát niết-bàn / sự tịch diệt của đức Phật).
Tất cả các công cuộc khảo cứu hiện đại, trên phương diện khảo cổ cũng như triết học, liên quan đến vùng trung bộ đồng bằng sông Hằng, nhất loạt cho thấy vào thế kỷ thứ V [trước kỷ nguyên của chúng ta] trên đây (tức là vào thời đại của đức Phật) vùng này luôn trong tình trạng biến đổi. Tuy tuần tự, nhưng vô cùng quan trọng, đánh dấu giai đoạn mở đầu của một quá trình đô thị hóa, đưa đến một sự phát triển kinh tế thật rõ nét, nhất là trong lãnh vực thương mại, và đồng thời tạo ra một tầng lớp mới [trong xã hội] gồm các thương nhân (vanij và sresthin) (vanij là những người buôn bán trong các vùng đô thị, sresthin là những người làm các công việc môi giới, kế toán, quản lý, cho vay...) và các đoàn du mục chuyên chở hàng hóa bằng xe bò. Sự mở mang đó đưa đến tình trạng hợp nhất chính trị (một xã hội phát triển dựa vào việc giao thương cần đến sự hợp nhất trên phương diện tổ chức và sinh hoạt chung, tạo ra một thể chế chính trị chặt chẽ và hợp lý hơn). Quá trình diễn tiến này cũng đã bắt đầu từ trước đó (trước cả thời đại của đức Phật) và chấm dứt vào thế kỷ sau đó dưới triều đại Nanda và sau đó là triều đại Maurya. Sự hợp nhất trên đây từng trải qua một giai đoạn quyết liệt nhất vào thời đại của đức Phật với sự hùng mạnh ngày càng gia tăng của đế quốc Magadha (Ma-kiệt-đà) (đế quốc Magadha đánh chiếm đế quốc Kosala và sáp nhập đế quốc này vào lãnh thổ của mình, tác giả Andrée Bareau sẽ nói đến sự kiện này chi tiết hơn trong các phân đoạn dưới đây). Ba lãnh vực biến đổi đó - đô thị hóa, phát triển kinh tế và hợp nhất chính trị - dường như cùng diễn tiến đồng loạt với nhau.
Việc dựng lại "hậu cảnh sân khấu" trên đây [và tiếp theo cả dưới đây] thiết nghĩ không hẳn là một sự dư thừa; mà là cách giúp chúng ta theo dõi và tìm hiểu mạch lạc hơn các sự chuyển biến cùng các tình tiết trong các câu chuyện nêu lên trong kinh điển nòng cốt thuật lại cuộc sống của đức Phật và các nhân vật quan trọng mà kinh sách cho biết là đức Phật đã từng giao tiếp với họ. Vào thời đại bấy giờ, và cả sau đó suốt trong một khoảng thời gian thật dài, thung lũng sông Hằng từng là một vùng rừng rậm và đầm lầy mênh mông, luôn trong tình trạng đang được khai hoang. Trong cảnh rừng hoang sơ [đang được khai phá] đó, làng mạc và phố thị dần dần được thiết lập, tuy còn thưa thớt [và cách biệt nhau] nhưng đã bắt đầu đông dân. Chung quanh các làng mạc là các vùng đất dành vào việc canh nông, chủ yếu gồm các ruộng lúa và các khu vườn cây trái, tạo sinh kế cho dân chúng trong toàn vùng. Các khóm dân cư đó ngập chìm trong cảnh rừng hoang vắng, trong các vùng rừng già (aranya, vana, jangala), việc giao thông gồm một hệ thống đường mòn (mārga) thưa thớt và nhiều nguy hiểm, ngược xuôi trên các nẻo đường đó là người đi bộ và xe bò, đôi khi cũng thấy có những người cưỡi ngựa hoặc cưỡi voi đã được thuần hóa. Làng mạc và các phố thị được thiết lập gần các nơi có sông ngòi, chằng chịt trong toàn vùng.
Người dân cần có nước để uống, tắm rửa, giặt giũ, rửa ráy nồi niêu, sự "tinh khiết" là cả một thói tục lâu đời của người dân Ấn (nhận xét này rất tinh tế: Sự "tinh khiết hoá" tâm linh là một sự ám ảnh rất lớn đối với Ấn giáo nói chung, họ thờ cúng lửa thiêng và dùng lửa thiêng như một phương tiện cụ thể để tinh khiết hóa tâm thần và cả tâm linh của họ, hỏa táng cũng mang ý nghĩa này. Trong khi đó việc dùng nước để rửa tội là phương tiện cụ thể của các tín ngưỡng Tây phương. Nói chung, con người luôn cảm thấy mình "không tinh khiết", các hình thức xưng tội - mea-culpa - tha tội, rửa tội, dâng sớ cầu an, cầu siêu, cúng sao giải hạn... là các phương tiện của tôn giáo nói chung. Giáo lý Phật giáo cho rằng tội lỗi và các thứ ô nhiễm là kết quả phát sinh từ sự u mê tâm thần - vô minh - của chính mình, một sự hiểu biết sai lầm về hiện thực, phát sinh từ các cảm xúc thèm khát, đam mê và bám víu của mình.
Thay vì dùng lửa hay dùng nước để tẩy xóa thì Phật giáo chủ trương mỗi cá nhân phải tự phát huy một sự hiểu biết đúng đắn - còn gọi là trí tuệ - để xóa bỏ sự u mê đó, những sự hiểu biết sai lầm đó của chính mình). Thế nhưng sông ngòi, nhỏ hay lớn cũng vậy, dường như không thấy được sử dụng như là một phương tiện giao thông; trong kinh điển chỉ thấy nêu lên sông ngòi như là một hình thức chướng ngại (tīrtha) (một nơi sông nước biểu trưng một sự ngăn chặn hay cản trở) phải vượt qua bằng thuyền, bằng bè hay bằng các phương tiện khác. Lý do có thể là vì khí hậu gió mùa khiến sông ngòi khó dùng vào việc di chuyển, mùa khô thì đáy sông trơ cát, mùa mưa thì lũ lụt (hình ảnh nói lên sự cản trở này thuờng thấy nêu lên trong kinh điển, chẳng hạn như trong kinh Alagaddūpama-Sutta/ "Câu chuyện về người tỳ-kheo đầu tiên bị loại khỏi Tăng đoàn" - MN 22. Dường như học giả André Bareau cảm thấy đôi chút ngạc nhiên khi nhận thấy kinh sách không nói gì đến hệ thống sông ngòi trong thung lũng sông Hằng được sử dụng như một phương tiện giao thông. Nói chung, học giả André Bareau nêu lên các chi tiết trên đây về thiên nhiên và sự sinh hoạt xã hội của người dân trong thung lũng sông Hằng là cách phác họa lại khung cảnh thiên nhiên - tức là những gì làm "hậu cảnh" hay tấm "bình phong" cho các câu chuyện thuật lại trong kinh điển về đức Phật. Tuy nhiên, việc giao thông bằng ghe thuyền, thì dường như không thấy nói đến mà chỉ nêu lên như là các chướng ngại phải vượt qua, chẳng hạn như trong một vài bản kinh).
Vùng đất đai mênh mông và bằng phẳng gần như khắp nơi đều được phủ lên bởi một lớp đất phù sa mới thật dày. Nhà cửa và các công trình kiến trúc khác thường chỉ là vách đất nhồi rơm, sườn gỗ, vật liệu này thật dồi dào vì rừng rậm khắp nơi. Mái nhà lợp rơm, ngay cả ngày nay trong các vùng thôn quê trên đất Ấn người ta vẫn thấy các gian nhà như vậy. Gạch bằng đất sét phơi khô hoặc gạch nung, và gạch nung thì chỉ thấy xuất hiện rất muộn trong thung lũng sông Hằng. Cách xây tường bằng gạch có thể đã được du nhập từ nền văn minh cổ đại Indus (là nền văn minh trong thung lũng sông Indus thuộc miền Tây Bắc bán lục địa Ấn Độ, ngày nay thuộc lãnh thổ của các nước Pakistan và Afghanistan), và dường như cách xây cất (bằng gạch) này vẫn chưa được phổ biến rộng rãi. Đá rất hiếm, phải mang từ các dãy đồi cao ven vùng phía Bắc của cao nguyên Dekkham, cách hàng nhiều chục cây số về mạn Nam của sông Hằng và sông Yamuna, hoặc cũng có thể lấy từ các mõm đá rải rác trồi lên khỏi lớp đất phù sa, dọc theo hai bên bờ của hai con sông này, hoặc xa hơn về mạn Bắc của cao nguyên Dekkham. Đó là một loại đá sa thạch màu đỏ nổi tiếng mà người ta thấy ngày nay tại Chunar (là một thị trấn nhỏ, nơi có các di tích cổ xưa xây dựng bằng đá sa-thạch đỏ, thị trấn Chunar chỉ cách Varanasi / Banarès / Ba-la-nại khoảng 25 cây số), các khối đá này được lấy từ một mõm đá cách thị trấn Banarès khoảng 40 cây số về phía Tây Nam. Các khối đá này, hai thế kỷ sau thời đại của Đức Phật, cũng đã được vua Asoka sử dụng để tạc các trụ đá dùng để ghi khắc các chỉ dụ nổi tiếng của triều đình, mặt đá được mài bóng thật tinh xảo trước khi ghi khắc.
Đối với kinh đô Rājagrha (Vương Xá) của dân tộc Magadha (Ma-kiệt-đà), thì hoàn toàn khác hẳn. Vị trí của kinh đô này nằm vào giữa hai dãy đồi đá sừng sững tạo ra một bức thành lũy thiên nhiên, ngoài ra còn được tăng cường thêm bởi một hệ thống tường thành khổng lồ kéo dài suốt 40 cây số. Kinh đô Rājagrha nhờ đó đã từng giữ một vị thế chiến lược vô song, kiên cố hơn nhiều so với các thị trấn khác trong vùng, chẳng hạn như Bénarès (Ba-la-nại), Srāvasti (Xá-vệ ), Vaisali (Vệ-xá-li), Kausāmbi (Câu-đàm-di), v.v. Các thị trấn này nằm trong các vùng đồng bằng, vì vậy thành lũy cũng chỉ được xây dựng bằng đất, hoặc khá lắm thì cũng chỉ bằng gạch nung và gỗ, chẳng hạn như tường thành của Pātaliputra (Hoa Thị Thành) xây dựng một thế kỷ sau đó. Sự kiện này cũng có thể là một trong các nguyên nhân khiến dần dần - thế nhưng cũng khá nhanh chóng - đưa đến quyền bá chủ của các vị vua của xứ Magadha (Ma-kiệt-đà) (nhờ vào vị trí kiên cố với tường thành vững chắc của kinh đô Rājgrha / Vương Xá), giúp các vị vua này thống lãnh toàn bộ thung lũng sông Hằng bắt đầu từ thời kỳ đó, và rất có thể là cả sau đó, kể từ cuối thế kỷ thứ V trước kỷ nguyên của chúng ta, tức là vào những năm sau cùng của Đấng Thế Tôn.
Nếu có thể tin vào những gì nêu lên trong kinh sách, thì Đức Phật từng có những sự tiếp xúc trực tiếp với cả hai đế quốc hùng mạnh và rộng lớn nhất trong toàn vùng là đế quốc Kosala (Kiêu-tát-la) nằm về phía Tây-Bắc và đế quốc Magadha (Ma-kiệt-đà) nằm về mạn Đông-Nam.
Dân tộc Kosala (Kiêu-tát-la) sinh sống trong vùng trung lưu của con sông Sarayū (tên ngày nay là của con sông này là Gogra) và con sông Aciravatī (tên ngày nay là Rapti), nằm thật xa về mạn Bắc của thị trấn Prayāga (tên ngày nay là Allahabad), nơi mà con sông Yamunā bắt đầu đổ vào sông Hằng. Trước thời đại của đức Phật không lâu, thì thủ đô của dân tộc Kosala (Kiêu-tát-la) là Sāketa, nằm trên bờ phía Nam của con sông Sarayū sát bên cạnh thị trấn Faizabad ngày nay. Do vậy, thị trấn nổi tiếng Ayodhyā (một thành phố cổ và cũng là một thánh địa của Ấn giáo ngày nay) nằm trong tỉnh Rāma cũng có thể chính là kinh đô Sāketa của đế quốc Kosala (Kiêu-tát-la) trong quá khứ. Thế nhưng [sau đó] thì dân tộc Kosala (Kiêu-tát-la) dời thủ đô đến Srāvasti (Xá-vệ), nằm trên bờ con sông Aciravatī, cách 80 cây số về mạn Bắc của thị trấn Sāketa. Tại nơi này, gần hai ngôi làng Saheth và Maheth, người ta khám phá ra các di tích rất phong phú và khá quan trọng về thị trấn này (tức là thành Xá-vệ) cùng các vùng ngoại ô của thị trấn này.
Vào thế kỷ thứ V trước kỷ nguyên của chúng ta, dường như vua chúa của đế quốc Kosala (Kiêu-tát-la) áp đặt quyền thống trị của mình đối với hầu hết các tiểu quốc theo thể chế cộng hòa quý tộc (các bộ tộc quản lý bởi các gia đình quý tộc) nằm vào mạn Đông của lãnh thổ của họ, một vùng lãnh thổ rộng lớn kéo dài đến tận con sông Gandaki, và bộ tộc Sākya (Thích-ca) (bộ tộc của thân phụ Đức Phật) là một trong số các bộ tộc đó, thuộc lãnh thổ mênh mông của đế quốc Kosala. Hơn nữa, các vị vua Kosala còn sáp nhập toàn bộ lãnh thổ của một đế quốc xưa rất nổi tiếng là Kāsi (Ka-di) nằm thật xa về phương Nam, và kinh đô của đế quốc này là Vārānasī mà chúng ta thường quen gọi là Bénarès (Ba-la-nại). Thế nhưng, không phải vì thế mà nền độc lập của dân tộc Kāsi và các cuộc chiến đấu của họ chống lại đế quốc Kosala (Kiêu-tát-la) đã hoàn toàn rơi vào quên lãng, mà vẫn còn truyền tụng thật lâu dài về sau này. Trong tập truyện Jātaka (Bổn sanh truyện, Bổn sanh Kinh) có một nhân vật mang tên là Brahmadatta, vị này là vua của xứ Kāsi, trị vì tại kinh đô Vārānasi. Trong quyển tự điển về các danh từ riêng bằng tiếng Pali, tác giả Malalasekera (1899-1973, một học giả Phật giáo lỗi lạc của Tích Lan) cho rằng Brahmadatta rất có thể là tên gọi của cả một triều đại gồm chung trong đó tất cả các vị vua của Bénarès (Vānānasi / Ba-la-nại) (G.P. Malasekara; Dictionary of Propers Names, 2 vol., 1937, reprint, London, 1960). Điều này quả đáng lưu ý, bởi vì nhân vật này (Brahmadatta) trong tập truyện Jātaka không hề được xem là tiền thân của Đức Phật, mà chỉ là một nhân vật, một vị Bodhisattva (Bồ-tát) nào đó được nêu lên nhằm mục đích xác định khung cảnh thời gian và không gian xảy ra câu chuyện. Câu chuyện này (trong tập Jataka / Bổn sanh Kinh) gợi lên một huyền thoại tuyệt đẹp và rất nổi tiếng trong Vinayapitaka (Luật Tạng trong Tam Tạng Kinh) thuật lại hai nhân vật là Dīghīti (vua của xứ Kosala, một vị vua yếu đuối trị vì một lãnh thổ nhỏ bé và nghèo nàn) và Dighāvu (vua của xứ Kāsi, can trường trị vì một lãnh thổ rộng lớn và sung túc), câu chuyện thuật lại Đức Phật không sao giải hòa được sự tranh chấp giữa các nhà sư trong xứ Kausāmbi (Câu-đàm-di / kinh đô của xứ Vatsa / Bạt-sa). Vị vua hung ác là Brahmadatta (Phạm Thụ Vương, vua của xứ Kāsi) không khiêu chiến, bất thần tấn công vị vua hiền lành và ngay thẳng của dân tộc Kosala là Dīghīti - tên gọi này là theo kinh điển bằng tiếng Pali; thế nhưng lại bị vị vua này (vị vua hiền lành) đánh bại hoàn toàn. Sau đó, vua Brahmadatta (tức là vị vua hung ác Dighāvu) của xứ Kāsi lại lợi dụng sự khoan hồng của vua Dīghīti (tha chết cho mình) để mở một trận tấn công thứ hai, và lần này thì thắng trận. Vị vua [hung ác] Brahmadatta tịch thu của cải, sáp nhập xứ Kosala (Kiêu-tát-la) vào lãnh thổ của mình, và sau đó, không một chút do dự, đã ra lệnh giết chết vua Dīghīti và cả vợ của vị vua này. Cuộc binh đao giữa dân tộc Kosala và dân tộc Kāsi (trong trận chiến thứ hai vua hung ác của xứ Kasi thắng trận và sáp nhập xứ Kosala vào lãnh thổ của mình) luôn là một sự kiện nóng bỏng và khó quên, thế nhưng vào thời đại của đức Phật thì thật hết sức rõ ràng là [trên thực tế] xứ Kāsi (Ba-la-nại) đã hoàn toàn bị đánh bại và vĩnh viễn bị sáp nhập vào đế quốc Kosala (Kiêu-tát-la). Sau một khoảng thời gian mà chúng ta không thể xác định được một cách chính xác - tuy nhiên cũng không quá vài mươi năm - tức là vào thế kỷ thứ IV trước kỷ nguyên của chúng ta (tức là trong thời gian khi kinh điển nòng cốt bắt đầu được hình thành nhờ vào trí nhớ của các đệ tử uyên bác của đức Phật thuật lại trong đại hội kết tập Đạo pháp lần thứ nhất), ký ức về cuộc binh đao này (vua hiền lành của xứ Kasi đánh bại vua hung ác của xứ Kosala và dù sự kiện này không đúng là một sự kiện lịch sử) vẫn chưa bị xóa mờ. Dầu sao đi nữa, thì một số các giai đoạn diễn tiến liên quan đến tiểu sử - theo truyền thống - của đức Phật, nêu lên trong kinh điển nòng cốt vẫn cứ tiếp tục được ghi chép là đã xảy ra trong xứ sở của dân tộc Kāsi (Vārānasi / Ba-la-nại), nhất là bài kinh nổi tiếng được thuyết giảng tại nơi này (tức là bài kinh "Chuyển bánh xe Đạo Pháp lần thứ nhất", còn gọi là "Kinh chuyển Pháp luân" dành cho năm vị đồng tu - kinh Dhammacakkappavattana Sutta - giảng tại Vārānasi / Ba-la-nại, cựu kinh đô của xứ Kāsi). Thế nhưng, một trong bốn sự kiện quan trọng nhất trong cuộc đời của Đấng Thế Tôn - và đối với sự kiện này, thì không có một chút nghi ngờ nào cả, bởi vì đã từng được nêu lên trong kinh điển bằng tiếng Pali, bằng tiếng Phạn và cả trong các kinh sách của Phật giáo Trung Quốc - đó là sự kiện liên quan đến một vị hoàng tử và cũng là vua của xứ sở Kāsi (vị này là hoàng tử Prasenajit giết cha để lên ngôi) và được xem là sống cùng một thời đại với đức Phật. Trong kinh điển nòng cốt, thì xứ sở của dân tộc Kāsi (dù đã bị sáp nhập vào đế quốc Kosala) vẫn cứ tiếp tục được xếp trong một danh sách chung gồm "mười sáu nước to lớn nhất" (mahājanapada) trong đó có cả đế quốc Kosala, và vị vua của đế quốc này (Kosala) là Prasenajit / Pasenadi (Ba-tư-nặc), thì vừa được gọi là vua của dân tộc Kāsi, nhưng cũng vừa được gọi là vua của đế quốc Kosala (Kiêu-tát-la).
Dầu sao đi nữa thì kinh đô Kāsi, tức là Vārānasi (Bénarès / Ba-la-nại) (dù đã bị sáp nhập vào đế quốc Kosala) vẫn giữ được tầm quan trọng của nó trong lãnh vực kinh tế, và hiển nhiên là cả trong lãnh vực tín ngưỡng. Kinh sách nêu lên các sản phẩm của nơi này, chẳng hạn như các loại vải mỏng muslin thật mịn và rất nổi tiếng, các loại dầu thơm (nước hoa), kem xoa da (ointment / dầu bôi da) có phẩm chất cao, các trung tâm thương mại rất lớn, tức là những nơi tập trung và xuất phát của những đoàn du mục với các dãy xe bò thật dài, chuyên chở hàng hóa đủ loại. Trong kinh điển cũng thường thấy nêu lên các vùng dân cư đông đúc khác của xứ Kāsi (ngoài kinh đô là Vānārasi / Ba-la-nại), thế nhưng tầm quan trọng thì kém hơn nhiều so với Bénarès (Ba-la-nại); các nơi này có thể chỉ là các thị trấn nhỏ, khó xác định được vị trí một cách chính xác (trên các bản đồ ngày nay). Vào thời đại của đức Phật, thì vua của dân tộc Kosala là Prasenakit / Pasenadi (Ba-tư-nặc), và vị vua này sẽ được nói đến dài dòng hơn trong các phân đoạn dưới đây.
Đế quốc to lớn thứ hai trong vùng trung lưu sông Hằng vào thời bấy giờ là đế quốc Magadha (Ma-kiệt-đà), trải rộng về mạn Đông-Nam, ngày nay là vùng miền Nam của tiểu bang Bihar. Sông Hằng là biên giới phía Bắc, con sông Sonā dường như là biên giới phía Tây. Thủ đô là Rājagrha (tiếng Pali viết là Rājagaha), có nghĩa là "Nhà ở của vua" (tiền ngữ rāja có nghĩa là vua, hậu ngữ gaha có nghĩa là nhà. Kinh sách Hán ngữ dịch nghĩa là Vương Xá), nơi này cách thị trấn Patna ngày nay khoảng 70 cây số về mạn Đông-Nam. Như đã nói đến trên đây, thủ đô Rājagrha giữ một vị trí chiến lược thật quan trọng, nằm vào giữa hai dãy đồi đá dựng đứng, dựa vào vách đồi sau cùng trong vùng Đông Bắc của cao nguyên Dekkham. Ngoài ra thủ đô này còn được tăng cường thêm bởi một hệ thống tường thành khổng lồ. Dân tộc Magadha có thể chỉ được cao quý hóa gần đây mà thôi (chữ cao quý hóa được dịch từ chữ aryaniser / aryanize" trong nguyên bản, chữ này là một chữ biến thể của chữ aryan, một thuật ngữ trong kinh Veda / Vệ-đà mang tính cách tín ngưỡng và văn hóa của một nền văn minh cổ đại, gọi là nền văn minh tiếng Phạn, biểu trưng bởi một giống dân cao quý gọi là aryan), do đó cũng chỉ là bề ngoài (một sự thêm thắt) so với các dân tộc Kosala và Kāsi (thuộc đế quốc thứ nhất là Kosala / Kiêu-tát-la, nằm về mạn Tây Bắc đã được nói đến trên đây ), thành phần dân chúng địa phương trong dân tộc Magadha có thể là đông đảo hơn so với hai dân tộc vừa kể (Kosala và Kāsi). Thiết nghĩ cũng nên lưu ý thêm là Rājagrha (Vương Xá) cách phía Đông Bénarès (Ba-la-nại / Vārānasi) 260 cây số, và cách phía Đông-Nam của Srāvasti (Xá Vệ) 450 cây số. Do vậy, dường như thế lực của các vị vua Magadha (Ma-kiệt-đà) khó tránh khỏi các cuộc gây hấn từ phương Nam, tức là vùng cao nguyên với các ngọn đồi bao phủ bởi rừng rậm và rừng chồi hoang dã, cách Rājagrha (Vương Xá) khoảng 50 cây số về phía Nam, và cũng là nơi sinh sống của phần lớn các bộ lạc địa phương. Ngày nay vùng này mang tên là Chotanagpur (một vùng đồi núi hoang vu có nhiều khu rừng trồng toàn là cây Sala / Shorea robusta). Dầu sao thì tất cả các nơi tập trung dân cư (các làng mạc, thị trấn) thuộc lãnh thổ Magadha, liên quan đến cuộc đời của Đức Phật qua các câu chuyện trong kinh điển, đều nằm về mạn Bắc của ranh giới trên đây (mạn Bắc của vùng đồi núi Dekkham), và các nơi dân cư đông đảo, thì hầu hết đều nằm trong các vùng đồng bằng trải rộng từ nơi này đến các dãy đồi của kinh đô Rājagrha (Vương Xá), và tiếp tục kéo dài đến tận bờ phía Nam của sông Hằng. Dầu sao thì cũng không có một nơi tập trung dân cư nào có tầm quan trọng ngang hàng với Rājagrha: Hầu hết chỉ gồm làng mạc và các thị trấn nhỏ. Và đấy cũng là tình trạng của Nālandā (Na-lan-đà / đại học Phật giáo được thành lập vào thế kỷ thứ II sau Tây lịch) vào lúc đó, tức là cách kinh thành Rājagrha 25 cây số về phía Bắc-Đông-Bắc, cách Gāya (Giác Thành) 50 cây số về phía Tây-Nam, và cách Uruvilvā (Ưu-lâu-tần-loa) (ngày nay gọi là Bodh-Gayā / Bồ-đề đạo tràng) (nơi mà Đức Phật đã đạt được Giác Ngộ) cách Gayā 10 cây số về phía Nam, và thị trấn Pātaligrāma thì nằm bên bờ của sông Hằng, nơi này một thế kỷ sau đó được mở rộng thêm và được gọi là Pātaliputra (Hoa Thị Thành / và cũng là nơi mà vua Azoka tổ chức đại hội kết tập Đạo Pháp lần thứ ba). Nơi này, từng được một người Hy Lạp là Megasthénès đến viếng vào cuối thế kỷ thứ IV trước kỷ nguyên của chúng ta (Megasthénès là một nhà ngoại giao và cũng là một sử gia, nhân chủng học và địa lý học, sinh -340 và mất -282 trước Tây lịch, từng đến viếng và ghi chép những gì ông trông thấy tại nơi này, và đấy cũng là sử liệu xưa nhất mô tả về nước Ấn cổ đại).
Vào thời đại của đức Phật, các vị vua của đế quốc Magadha dường như làm bá chủ cả xứ sở của dân tộc Anga (Ương-già, còn gọi là Vanga hay Banga, ngày nay là vùng Bengale, hạ lưu sông Hằng) nằm về phía Đông của đế quốc này và thuộc vùng Nam sông Hằng. Kinh đô của nước Anga là Campa nằm trên bờ phía Nam của con sông này, ngày nay là thị trấn Bhagalpur, cách Patna 180 cây số về phía Đông (Patna ngày nay là thủ đô của tiểu bang Bihar, trong thời đại của Đức Phật nơi này mang tên là Pātaliputra / Hoa Thị Thành). Trong kinh điển nòng cốt của Phật giáo, người ta thấy nêu lên hai vị vua của dân tộc Magadha (Ma-kiệt-đà) là: Bimbisāra (Tần-bà-sa-la) và con trai của vị này và cũng là vua kế vị là Ajātasatru / Ajātasatthu (A-xà-thế) (chữ đầu là tiếng Phạn, chữ thứ hai là tiếng Pali). Vua Bimbisāra có thể là cùng trạc tuổi với Đấng Thế Tôn, và cũng có thể là cùng trạc tuổi với cả vua Prasenajit (Ba-tư-nặc) của đế quốc Kosala (Kiêu-tát-la). Chúng ta sẽ tìm hiểu chi tiết hơn về các mối giao tiếp giữa Đức Phật và hai vị vua này (Bimbisāra và Ajātasatru) của đế quốc Magadha (Ma-kiệt-đà).
Vào thời bấy giờ, trong thung lũng sông Hằng, còn có thêm một đế quốc độc lập thứ ba, đó là đế quốc Vatsa (Bạt-sa, còn gọi là xứ của những người Kuru / Câu-lâu / Kuru Kingdom, địa danh này thường được nói đến trong các kinh bằng tiếng Pali của Phật giáo và cả các kinh Veda của Ấn giáo). Đế quốc này nằm vào đoạn cuối cùng về mạn Đông Nam của con sông Doab, và nơi này cũng có thể được xem như là vùng Lưỡng Hà của nước Ấn, nằm giữa hai con sông Hằng và Yamunā (Lưỡng Hà / Mésopotamia là chiếc nôi của nền văn minh hiện đại, nằm giữa hai con sông Tigris và Euphrates tại Trung Đông). Hai con sông này gặp nhau tại thánh địa Prayāga, tên ngày nay là Allahabad. Kinh đô của đế quốc này là Kausāmbi (Câu-đàm-di), cách nơi hợp lưu trên đây 58 cây số về phía Tây, và nằm trên bờ phía Bắc của con sông Yamunā. Trường hợp của kinh đô Kausāmbi (Câu-đàm-di) cũng tương tự như các kinh đô khác là Srāvasti (Xá Vệ), Vārānasi (Ba-la-nại) và Rājagrha (Vương Xá), tất cả đều lưu lại thật nhiều di tích đáng lưu ý, một số có thể là xưa hơn hoặc gần với thời đại của Đức Phật. Hơn nữa, vị trí của thị trấn này cũng rất quan trọng, vì nó nằm trên một trục lộ lớn đưa đến Srāvasti (Xá Vệ) xuyên qua thị trấn Sāketa (Ta-la-chỉ) hướng vào vùng Avanti (một vương quốc nhỏ vào thời bấy giờ) nằm thật xa về phía Tây Nam, và rất có thể trục lộ này từng là phương tiện đưa đến một bến đò trên bờ sông Yamunā (độc giả có thể cảm thấy cách mô tả chi tiết về địa lý trên đây là một sự dư thừa. Thế nhưng, đấy là những nơi mà đức Phật từng để lại dấu chân mình trên đường hoằng pháp. Các con đường đó đã từng giúp đức Phật xuyên qua làng mạc, kinh đô, phố thị, cùng các vùng sông nước và rừng rậm hoang vu để tiếp xúc với các dân tộc và các vương quốc khác nhau hầu truyền lại tư tưởng và giáo lý của Ngài. Thế nhưng, chúng ta đôi khi không hề nghĩ đến là phải hồi tưởng lại các nẻo đường cam go và gian khổ đó để tìm lại dấu chân Đức Phật, mà chỉ chạy theo các phương tiện "thiện xảo" sáng chế sau này để đuổi bắt ảo giác của "cái tôi" của mình mà thôi).
Các đế quốc lớn và các kinh đô của các đế quốc này.
Thung lũng sông Hằng và các nơi Đức Phật từng đặt chân đến.
Bản đồ 16 đế quốc lớn là Mahajanapada cùng các bộ tộc nhỏ cách nay 25 thế kỷ,
chữ janapada nguyên nghĩa là "nơi đặt chân của các bộ tộc",
tức là nơi bắt đầu cuộc sống định cư của các bộ tộc du mục.
Truyền thống Phật giáo cho rằng vị vua nổi tiếng của đế quốc Vatsa (Bạt-sa) là Udayana (Ưu-đà Diên-vương) tiếng Pali là Udena, và cho rằng vị này cùng trạc tuổi với đức Phật và cả hai cũng từng gặp gỡ nhau. Thế nhưng, chuyện đó rất có thể chỉ là một huyền thoại trong số các huyền thoại khác được lưu truyền trong dân gian. Các huyền thoại này thường nêu những cuộc gặp gỡ giữa các nhân vật nổi tiếng (sống vào các thời đại khác nhau), nhưng không hề nghĩ đến là các câu chuyện đó có lý trên phương diện niên đại hay không, và các sự giao tiếp giữa họ với nhau có thể xảy ra trên thực tế hay không (đây là một điểm khác biệt rất lớn giữa nền văn minh Ấn Độ và nền văn minh Trung Quốc. Đối với quan điểm "triết học" Ấn Độ thì sự thật, ít nhất là trên phương diện tư tưởng và triết học, vượt lên trên các yếu tố không gian và cả thời gian, và cả các sự kiện lịch sử. Trái lại, nền văn minh Trung Quốc thì ghi chép rất chính xác về các niên đại liên quan đến các nhân vật, triều đại, biến cố, v.v.). Thật vậy, Udayana (Ưu-đà Diên-vương) là nhân vật chính trong một chuỗi dài huyền thoại được tạo dựng và tiếp tục lưu truyền rất lâu sau cả thời đại của Đức Phật, kể cả rất lâu trong các thời kỳ đầu tiên thuộc kỷ nguyên của chúng ta. Udayana là nhân vật chính trong một tập truyện nổi tiếng mang tên là Svapnavāsavadatta (nguyên nghĩa là “Giấc mơ của Vāsavadatta”), tác giả là Bhāsa (một thi sĩ), thuật lại một thảm kịch, thế nhưng thời điểm nêu lên trong sách là cả một vấn đề - những chuyện đại loại như thế không phải hiếm hoi trong nền văn chương của nước Ấn - bởi vì thời điểm xảy ra câu chuyện lại thuộc vào khoảng thế kỷ thứ IV đến thứ IX thuộc kỷ nguyên của chúng ta (kinh sách thì cho rằng vua Udayana và đức Phật từng tiếp xúc với nhau, thế nhưng nhân vật Udayana lại là nhân vật chính trong một tập truyện được trước tác trong khoảng thời gian giữa thế kỷ thứ IV và thế kỷ XI). Nhân vật này (vua Udayana) cũng là nhân vật chính trong hai thảm kịch khác xảy ra với vị đại vương Harsa (606-647, một vị vua thi sĩ Phật giáo) trị vì khoảng tiền bán thế kỷ thứ VII, hai thảm kịch này (hai tập truyện này) mang tên là: Priyadarsikā và Ratnāvalī, và cả trong nhiều câu chuyện khác nêu lên trong một tập sách nổi tiếng khác là Kathāsaritsāgara, tác giả là Somadeva, trước tác vào thế kỷ XI (nói chung là các câu chuyện trong các tập sách trên đây không có gì liên hệ với đức Phật lịch sử cả). Trái với trường hợp của vua Udayana, các vị vua Prasenajit, Bimbisāra và Ajātasatru hoàn toàn không hề thấy nói đến ngoài kinh điển Phật giáo (sau khi đức Phật tịch diệt, thì các đệ tử họp nhau trong lần kết tập Đạo Pháp lần thứ nhất để thay nhau thuật lại những gì mình từng chứng kiến và từng được nghe, với tư cách là các nhân chứng trực tiếp. Trái lại, các câu chuyện nêu lên các sự tiếp xúc giữa đức Phật và các vị vua sau này - có thật hay huyền thoại - chỉ là các chuyện thêu dệt). Vì vậy, các mối giao tiếp giữa các vị này với đức Phật thuật lại trong các kinh điển Phật giáo là những gì đáng tin hơn cả, tuy nhiên cũng không phải vì thế mà chấp nhận không một chút dè dặt các câu chuyện nêu lên trong các kinh sách đó...
(Còn tiếp)
Bình luận bài viết