Thông tin

ĐỨC TÍNH DẤN THÂN CỦA NI GIỚI VIỆT NAM

 

MINH QUANG

 


 

Trong đạo Phật, dấn thân có nghĩa là người con Phật đi vào cuộc đời, thông qua phương tiện hoằng pháp, giáo dục, văn hóa và từ thiện, mang nguồn sáng tuệ giác khai hóa đời sống nhân sinh.

Đức tính dấn thân của Phật giáo thể hiện rất rõ qua lời dạy của Đức Phật: “Này các Tỳ kheo, hãy đi đi, đi khắp nơi vì lợi lạc và hạnh phúc của số đông, vì lòng từ bi đối với cuộc đời, vì lợi lạc và hạnh phúc của trời và người. Chớ đi hai người chung đường với nhau. Này các Tỳ kheo, hãy thuyết giảng giáo pháp cao thượng ở lúc khởi đầu và cao thượng ở lúc giữa, cao thượng ở lúc cuối trong tâm trí và trong ngôn từ. Hãy rao giảng sự toàn hảo viên mãn, đời sống thanh tịnh của trạng thái cao cả…”1. Đến mùa an cư thứ 5 tại Tỳ Xá Ly, di mẫu Mahāpajāpatī Gotamī cùng 500 nữ nhân Sākya được Đức Phật cho xuất gia, Ni đoàn được thành lập, từ đây Ni giới có nhiều điều kiện thuận lợi để tu hành và đắc Thánh quả, đặc biệt là chư Tôn Đức Ni cùng Tăng đoàn dấn thân trên con đường hoằng pháp lợi sanh, thu thập đồ chúng, nhờ đó mà Ni đoàn đã phát triển nhanh chóng.

Thời phong kiến, tinh thần dấn thân phụng sự chánh pháp của Ni giới Việt Nam còn rất khiêm tốn, gặp nhiều trở ngại bởi sự phân biệt giới tính (trọng nam khinh nữ). Tuy nhiên, qua nhiều giai đoạn lịch sử, đức tính dấn thân ở Ni giới Việt Nam ngày càng được bộc lộ, phát triển và ngày càng khẳng định tinh thần dấn thân chính là một trong những thế mạnh quý giá của Ni giới Việt Nam.

I. Đức tính dấn thân của Ni giới Việt Nam trong xã hội phong kiến

1. Đôi nét về lễ nghi phong kiến

Như chúng ta đã biết, dân tộc Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu đậm từ tư tưởng, triết học, học thuật và văn hóa Trung Hoa, cụ thể là từ nền Nho học phong kiến, qua đó, những lễ nghi tập tục dưới thời phong kiến đã tác động trực tiếp và mạnh mẽ đến đời sống của người dân nước Việt, nhất là đối với người nữ, chính những lễ nghi phong kiến đã tăng thêm sự bất bình đẳng về giới tính và là rào cản làm chậm sự phát triển nhiều mặt của nữ giới.

Nói về đức tính dấn thân của Ni giới trong xã hội phong kiến, thiết nghĩ cần tìm hiểu qua một số điểm cơ bản về lễ nghi phong kiến, nhìn chung lễ nghi phong kiến rất phong phú đa dạng, nhưng chung quy lại nó không ra ngoài “Tam cương - Ngũ thường” và “Tam tòng - Tứ đức”. Riêng “Tam tòng - Tứ đức” luôn được xem là bốn yếu tố căn bản để hình thành nên nhân cách người phụ nữ và cũng là thước đo phẩm hạnh của người phụ nữ Việt Nam mọi thời đại.

Dưới thời phong kiến, Tam cương ngũ thường được xem là chuẩn mực đạo đức, đời sống chính trị, xã hội, đã được Khổng Tử đặt ra và nam giới phải theo, bên cạnh “Tam tòng - Tứ đức” dành cho nữ giới. Khổng Tử cho rằng, một xã hội duy trì được Tam cương - Ngũ thường là một xã hội an bình, hạnh phúc, giáo điều này đã ảnh hưởng nhất định đối với dân tộc Việt Nam suốt chiều dài lịch sử, chính vì vậy cụm từ “Tam cương - Ngũ thường” khá quen thuộc với người dân nước Việt. Trong giới hạn của nội dung “Đức tính dấn thân của Ni giới trong xã hội phong kiến”, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về “Tam tòng - Tứ đức” vì từ đây phát sinh ra các tập tục lễ nghi, gây trở ngại cho tinh thần dấn thân của người nữ nói chung trong đời sống xã hội và các vị nữ tu nói riêng trong môi trường đạo pháp.

Khái niệm về “Tam tòng”, theo sách “Lễ ký”, trong thiên “Giao đặc sinh” có ghi: “Phụ nữ là phải theo người, lúc nhỏ theo cha anh, lấy chồng thì theo chồng, chồng chết thì theo con”2. Cũng trong “Lễ ký”, thiên “Hôn nghĩa” ghi rằng: “Ngày xưa, phụ nữ trước khi lấy chồng ba tháng, nếu Tổ miếu chưa hư hỏng, thì ra đó mà ở, nếu Tổ miếu đã hư hỏng thì vào nhà của tông tộc ở. Dạy cho phụ đức, phụ ngôn, phụ dung, phụ công”3.

Thời phong kiến, “Tam tòng” được xem là những giáo điều mặc định sự tồn vong của phụ nữ, cũng là khuôn phép nghiêm ngặt đối với tất cả mọi người phụ nữ; nói về “Tứ đức”, đây là một giáo điều gắn bó hữu cơ với “Tam tòng”, khái niệm về “Tứ đức”, theo sách “Chu lễ” trong chương “Thiên quan trủng tể” giải thích về Tứ đức như sau: “Quan cửu tần quản việc dạy học cho phụ nữ, dạy quan cửu ngự (chín ngự nữ dưới quyền mình) phụ công, phụ dung, phụ ngôn, phụ hạnh”4. Thời nay chúng ta hay gọi tắc “Tứ đức” của người phụ nữ là “Công - Dung - Ngôn - Hạnh”.

Theo đó, “Công” là việc nữ công, gia chánh, ý nói phải khéo léo trong may, vá, thêu, dệt, bếp núc, buôn bán, riêng đối với người phụ nữ tài giỏi hơn thì có thêm cầm, kỳ, thi, họa; “Dung” là hình ảnh người phụ nữ phải biết tôn trọng hình thức bản thân, phải hòa nhã, gọn gàng; “Ngôn” là lời ăn tiếng nói khoan thai, dịu dàng, mềm mỏng, “Hạnh” là đức tính hiếu thảo, trong nhà thì nết na, kính trên nhường dưới, chiều chồng thương con, ăn ở tốt với anh em họ nhà chồng, ra ngoài xã hội thì phải nhu mì, chín chắn, không hợm hĩnh, cay nghiệt5.

Thoạt nhìn thì những nội dung về “Công - Dung - Ngôn - Hạnh” rất thuyết phục, vì đều hàm chứa những điều tốt đẹp mà người phụ nữ thời đại nào cũng cần phải có để hoàn thiện nhân cách bản thân, thế nhưng thật ra những quy định này được giai cấp thống trị phong kiến sử dụng nhằm giáo hóa người phụ nữ với mục đích để ổn định xã hội, bảo vệ quyền lợi của giai cấp thống trị và nhất là về vai trò của nam giới. Về điều này, giáo sư Vũ Khiêu cho rằng: “Phải chăng ở đây cái “ngu trung” lại được vận dụng vào việc giữ gìn tiết hạnh của người phụ nữ, hay là ngược lại, cái giữ gìn tiết hạnh của người phụ nữ lại trở thành tấm gương soi cho các bậc trung thần”6.

Theo sách “Một số ảnh hưởng tích cực của học thuyết “Tamtòng”, “Tứ đức” trong Nho giáo đối với người Phụ nữ Việt Nam” của TS. Phan Thị Hồng Duyên và “Nho giáo và phát triển ở ViệtNam” của giáo sư Vũ Khiêu, thì vào giai đoạn sơ khai, “Tam tòng” chỉ dùng để định vị trí của người phụ nữ trong gia đình khi làm nghi lễ, chẳng hạn khi ở nhà thì đứng sau lưng cha, khi lấy chồng đứng sau lưng chồng, và sau khi chồng chết thì phải đứng sau lưng con trai... Qua những hình ảnh miêu tả trên, cho thấy tập tục lễ nghi thời phong kiến đã khiến cho người phụ nữ trở thành nhân vật phụ thuộc và lệ thuộc, từ đó vai trò vị trí của người phụ nữ trở nên yếm thế, là rào cản rất lớn khiến cho người phụ nữ không có chỗ đứng trong xã hội.

2. Ni giới Việt Nam dấn thân trong điều kiện bị ràng buộc lễ nghi phong kiến

Từ những giới hạn bởi những tập tục lễ nghi phong kiến, chúng ta sẽ thấy phần nào bức tranh sinh hoạt đạo pháp của Ni giới dưới thời phong kiến, đó là bức tranh thụ động, khép mình an phận trong những công việc thường nhật của những bà vãi, những nữ tu chuyên lo bếp núc và vườn tược sau hè, điều này đã cản trở rất lớn đến việc phát huy những phẩm chất tốt đẹp vốn có của Ni giới Việt Nam, làm hạn chế sự phát triển những giá trị tiềm tàng khác của Ni giới Việt Nam, như trong các lĩnh vực giáo dục, hoằng pháp và công ích cho đời sống xã hội… Tuy nhiên, dù chịu sự tác động tiêu cực từ những lễ nghi tập tục phong kiến, nhưng nhờ ý chí tu hành và lòng yêu nước quả cảm, thời Hai Bà Trưng đã có những bậc nữ tu cũng đã dấn thân đánh đuổi giặc ngoại xâm phong kiến phương Bắc trước khi trở thành những bậc chân tu mô phạm.

Lịch sử ghi nhận, thời phong kiến nhà Nguyễn, trong dân gian không có chùa Ni, mà chỉ có trong chốn hoàng cung dành riêng cho các vị công chúa, công nữ và các vị nữ quan tụng kinh bái sám khi có nhu cầu, chẳng hạn như chùa Giác Hoàng do vua Minh Mạng (1820-1840) lập trong cung vào năm 1822 dành cho các vị nữ quan trong hoàng cung lễ Phật, sau đời vua Tự Đức (1847-1883) có chùa Hoằng Ân cũng chỉ dành riêng cho người trong hoàng tộc tu niệm, qua điều này cũng nói lên tư tưởng trọng nam khinh nữ và sự phân chia giai cấp trong đời sống xã hội phong kiến đã gây nhiều thiệt thòi cho Ni giới. Tuy nhiên, cũng trong thời kỳ này, Ni giới Việt Nam đã xuất hiện nhiều tấm gương dấn thân vì đạo pháp, tiêu biểu đó là Sư bà Diên Trường (1863-1925), với quyết tâm hình thành những cơ sở giáo dục đào tạo nhân tài cho đoàn thể Tăng già, khởi đầu Sư bà xây dựng một ngôi chùa trên khu đồi Dương Xuân thượng (làng Thuận Hòa, xã Thủy Xuân, huyện Hương Thủy) rồi tác bạch với Hòa thượng Tâm Tịnh để cung thỉnh ngài Giác Tiên về trụ trì (chùa được Hòa thượng Tâm Tịnh đặt tên là chùa Trúc Lâm), sau này chùa Trúc Lâm trở thành nơi đào tạo Tăng, Ni nổi tiếng của Phật giáo trong cả nước. Phát huy đức tính dấn thân, Sư bà còn lập ni xá dẫn dắt các vị nữ tu như Chơn Hương, Diệu Hương, Giác Hải tu học, sau này tất cả đều thành tài và đều trở thành những bậc Ni trưởng tôn túc đầu tiên của Ni giới miền Trung, chính tinh thần dấn thân vô ngã của Sư bà Diên Trường đã tác động tích cực đến tinh thần tu học của tứ chúng và Ni giới nói riêng. Tâm huyết dấn thân vì sự nghiệp giáo dục của Sư bà Diên Trường góp phần rất lớn vào việc đặt nền móng cho sự nghiệp giáo dục của Ni giới, nhờ đó, giai đoạn cuối thời cận đại, Ni giới đã đóng một vai trò quan trọng trong việc cùng chư Tăng giữ gìn giềng mối đạo pháp, xây dựng đoàn thể Tăng già trang nghiêm thanh tịnh và góp phần đáng kể trong sự nghiệp xương minh Phật pháp.

Thời phong kiến, dù có những ràng buộc lễ nghi, tuy nhiên đến giai đoạn cuối thời nhà Nguyễn, vào những năm 1930 và trước đó không lâu, nổi bật lên bằng công cuộc chấn hưng Phật giáo trên quy mô cả nước, trong giai đoạn này, nhân tài Ni giới khắp cả ba miền Bắc - Trung - Nam đã phát huy đức tính dấn thân và góp phần đáng kể vào sự nghiệp chấn hưng Phật giáo nói chung và Ni giới nói riêng, làm nền tảng cho sự nghiệp giáo dục và tu học của các thế hệ Ni giới sau này.

Từ những bước chân dấn thân vô ngã của chư Tôn Đức Ni tại miền Nam trong thời kỳ này đã dấy lên không khí hoạt động giáo dục rất sôi nổi, các lớp Phật học gia giáo, các khóa Trường hương, Trường hạ tại miền Nam được tổ chức khắp nơi, hoạt động của Ni giới được đẩy mạnh, nhân vật tiêu biểu là Sư bà Diệu Tịnh. Sư bà từng dịch kinh nhật tụng, viết bài cho tạp chí Từ Bi Âm kêu gọi chấn hưng Ni phái, người đảm nhận ngôi vị giáo thọ Ni đầu tiên và trẻ tuổi nhất trong lịch sử Ni giới Nam bộ.

Với tinh thần dấn thân không mệt mỏi, trong giai đoạn cuối của thời cận đại, từ 1930 đến 1945, chư tôn túc Ni ở cả ba miền đã mạnh dạn đứng ra thành lập riêng cho Ni giới một môi trường giáo dục độc lập, bằng năng lực và phẩm hạnh, các ngài đã thực hiện thành công hoài bão xây dựng mô hình giáo dục mang tính chuyên biệt cho Ni giới ngay trong giai đoạn khởi đầu còn nhiều khó khăn.

Nhìn lại hoạt động giáo dục của Ni giới Việt Nam từ năm 1930 đến năm 1945, cho thấy chư Tôn Đức Ni thời bấy giờ vừa thành tựu sự nghiệp tu hành, vừa tích cực dấn thân vì sự nghiệp giáo dục đào tạo; để đạt được điều đó chính là nhờ công đức gầy dựng từ trước của chư Tôn Đức Ni tiền bối như Sư bà Đàm Thái, Sư bà Diên Trường, Ni trưởng Đàm Kiền, Ni trưởng Đàm Chất, Ni trưởng Đàm Nghĩa, Ni trưởng Đàm Hinh, Ni trưởng Đàm Thuần, Ni trưởng Đàm Thu... Nền móng vững chắc này đã tác động mạnh mẽ đến tinh thần chấn hưng Ni giới, nhất là sự có mặt kịp thời của các bậc danh Ni giới đức, tài năng xuất chúng như Sư bà Diệu Không, Ni trưởng Diệu Hương, Ni trưởng Hướng Đạo (miền Trung), Sư bà Diệu Tịnh, Sư cô Hồng Nga, Sư bà Diệu Tấn (miền Nam)... giúp cho công cuộc giáo dục đào tạo Ni tài ngày càng thăng hoa phát triển, tạo nên bức tranh xán lạn của Ni giới thời cận  đại. Dù vẫn còn trong thời kỳ phong kiến, vẫn còn chịu tác động ít nhiều từ những lễ nghi tập tục còn sót lại trong giai đoạn cuối của thời cận đại, nhưng những thành quả trong công tác xây dựng nền móng giáo dục, từ đức tính dấn thân của Ni giới Việt Nam giai đoạn 1930-1945, đã đào tạo nên một thế hệ Ni tài làm hạt nhân nòng cốt gánh vác sự nghiệp giáo dục và hoằng pháp của Ni giới nước nhà, tạo nguồn nhân lực bổ sung vào các vị trí quan trọng của Ni giới nói riêng và đoàn thể Tăng già nói chung.

(Còn tiếp) 

 


1. Mahāvagga I, 11 - Đại phẩm.

2. Lễ ký, thiên Giao đặc sinh.

3. Lễ ký, thiên Hôn nghĩa.

4. Chu lễ, thiên Quan trủng tể.

5. Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, Khai Trí xuất bản, 1973, tr. 77.

6. Vũ Khiêu (1997), Nho giáo và phát triển ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.146

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 3)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 2)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 1)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 22
    • Số lượt truy cập : 6673320