ĐỨC TÍNH DẤN THÂN CỦA NI GIỚI VIỆT NAM
(Tiếp theo Từ Quang 45)
MINH QUANG
Thời cận hiện đại giai đoạn từ năm 1930 đến năm 1945, tại chùa Viên Minh1 ở Hà Nội, quý Ni trưởng Đàm Kiền, Ni trưởng Đàm Chất, Ni trưởng Đàm Nghĩa, Ni trưởng Đàm Hinh, Ni trưởng Đàm Thuần thành lập Ni trường, tạo môi trường giáo dục tập trung cho Ni giới miền Bắc. Năm 1930, Ni trưởng Đàm Thu (1885-1967) tiếp tục sự nghiệp giáo dục đào tạo Ni tài, góp công rất lớn trong sự nghiệp giáo dục đào tạo của Phật giáo tại miền Bắc giai đoạn cuối thời cận đại, nhờ đó mà miền Bắc là cái nôi xuất phát ánh sáng Phật pháp lan tỏa sâu rộng khắp cả nước. Tại các tỉnh miền Trung, nhất là tại Huế, thời bấy giờ việc tu học đều phải nương theo Tăng, trong hoàn cảnh này, Sư bà Diên Trường xây dựng chùa Trúc Lâm làm cơ sở giáo dục đào tạo nhân sự cho Giáo hội, đồng thời cũng đứng ra thành lập Ni xá riêng cho Ni giới, quý Ni trưởng Chơn Hương, Ni trưởng Diệu Hương, Ni trưởng Giác Hải, đều xuất thân từ đây và đều trở thành những bậc tôn túc của Ni giới miền Trung đầu thế kỷ XX, nổi bật có Sư bà Diệu Không (1905-1997)2 là nhân tố tích cực vận động thành lập Hội An Nam Phật học Trung kỳ (1932), góp phần chấn hưng Phật giáo khu vực miền Trung; Sư bà xây chùa Diệu Viên3 là ngôi chùa sư nữ đầu tiên tại Huế, nơi khởi đầu sự nghiệp giáo dục của Ni giới miền Trung. Trong giai đoạn này, Ni trưởng Diệu Hương xây dựng Ni viện Diệu Đức làm nơi đào tạo Ni tài, từ đây hình thành hệ thống chùa Ni, còn được gọi là “chùa Sư Nữ” lần lượt ra đời tại Thừa Thiên, sau đó lan nhanh ra các tỉnh Nam Trung phần. Trong lịch sử Ni giới miền Trung, Ni viện Diệu Đức dưới sự lãnh đạo điều hành của Ni trưởng Diệu Hương đã đào tạo nên một thế hệ Ni tài xuất chúng. Đặc biệt, tại miền Nam, nhất là khu vực Gia Định, vào năm 1934, Sư bà Diệu Tịnh cùng quý Sư bà Diệu Tấn, Diệu Tánh, Diệu Thuận thành lập chùa Ni Từ Hóa (Tân Sơn Nhì - Gia Định), sau đó một năm, chùa được dời sang Tân Sơn Nhất và đổi hiệu Từ Hóa thành Hải Ấn Ni Tự. Đây là chùa Ni đầu tiên vùng Gia Định. Sư bà Diệu Tịnh là ngôi sao sáng trên bầu trời Phật pháp ở phương Nam thời cận đại. Cùng thời, Sư bà Diệu Tấn (1910-1947), đứng ra thành lập Ni trường Kim Sơn (1939), là cơ sở giáo dục quy mô đầu tiên của Ni giới Nam bộ, đáp ứng kịp thời nhu cầu học Phật của Ni chúng khu vực Sài Gòn - Gia Định. Đây là một trong những sự kiện giáo dục nổi bật của Phật giáo Nam bộ. Ni trường Kim Sơn và sự nghiệp giáo dục của Sư bà Diệu Tấn đã góp phần đào tạo nguồn nhân sự đắc dụng cho Ni giới sau thời chấn hưng Phật giáo. Lúc bấy giờ, miền Nam nổi lên bậc pháp sư Ni danh tiếng, đó là Sư bà Diệu Kim. Năm 1940, Sư bà làm thiền chủ kiêm pháp sư ni tại Trường hạ Giác Hoàng (Bà Điểm), mở lớp dạy Ni tại chùa Bảo An và được chư tôn đức Trường hạ chùa Thiên Phước (Tân Hương - Mỹ Tho) cung thỉnh làm Pháp sư Ni giảng kinh luật trong ba tháng. Sư bà Diệu Kim là một trong số pháp sư Ni hy hữu ở miền Nam giai đoạn này.
II. Đức tính dấn thân của Ni giới Việt Nam trong xã hội hiện đại
Nếu như trong thời cận đại, Ni giới Việt Nam từng có các bậc tiền bối dấn thân trong lĩnh vực giáo dục, hoằng pháp như Sư bà Đàm Thái, Sư bà Diên Trường, Ni trưởng Đàm Kiền, Ni trưởng Đàm Chất, Ni trưởng Đàm Nghĩa, Ni trưởng Đàm Hinh, Ni trưởng Đàm Thuần, Ni trưởng Đàm Thu (miền Bắc); Sư bà Diệu Không, Ni trưởng Diệu Hương, Ni trưởng Hướng Đạo (miền Trung); Sư bà Diệu Tịnh, Sư cô Hồng Nga, Sư bà Diệu Tấn, Sư bà Diệu Kim (miền Nam)... thì trong xã hội hiện đại, Ni giới Việt Nam cũng xuất hiện các bậc tiền bối dấn thân không hề biết mệt mỏi trên khắp các lĩnh vực giáo dục, hoằng pháp, từ thiện xã hội, văn hóa, sáng tác, biên soạn, dịch thuật như quý Sư bà Như Thanh, Ni trưởng Huyền Học, Ni trưởng Tịnh Nguyện, Ni trưởng Giác Nhẫn, Ni trưởng Trí Hải, thậm chí còn dấn thân vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, điển hình như Ni trưởng Huỳnh Liên, Ni trưởng Ngoạt Liên. Đặc biệt, vào thời hiện đại, đức tính dấn thân càng được phát huy cao độ và thể hiện rộng khắp trên nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội, tạo dấu ấn thăng hoa, phát triển mạnh mẽ trong bức tranh chung của Phật giáo thời đại.
Trước hết, điều giúp cho Ni giới năng nổ tích cực dấn thân trong thời hiện đại chính là vấn đề bình đẳng giới đã được xã hội quan tâm đúng mức. Theo đó, việc Ni giới dấn thân trên các lĩnh vực hoạt động của Phật giáo cũng đã được chư tôn đức Tăng già công nhận và động viên hỗ trợ. Đây là động cơ quan trọng để Ni giới Việt Nam khẳng định mình trong hoạt động giáo dục và trong sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh, cũng như dấn thân tham gia các hoạt động trên nhiều lĩnh vực trong và ngoài môi trường Phật giáo.
Thời hiện đại là thời kỳ văn minh tiến bộ với sự phát triển như vũ bão của khoa học kỹ thuật, cùng vô vàn phương tiện tiện ích thời đại mang đến, nhờ đó Ni giới Việt Nam có rất nhiều điều kiện thuận lợi trong quá trình dấn thân phụng sự đạo pháp và dân tộc. Ni giới thời nay, đa phần đều được theo học các chương trình Phật học các cấp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các chương trình ngoại điển, nên sở hữu một trình độ Phật học và thế học nhất định. Đáng nói là ở thời hiện đại có rất nhiều vị Ni đạt thành quả học tập rất cao ở bậc đại học và sau đại học. Nhiều vị có bằng thạc sĩ, tiến sĩ ở nhiều bộ môn và lĩnh vực, nên có nhiều điều kiện đóng góp vào công tác giáo dục của Giáo hội. Bên cạnh đó, việc dễ dàng in ấn kinh điển, thông tin truyền thông và hoạt động báo chí cũng là những thuận lợi để chư Ni dấn thân phụng sự đạo pháp. Trong đó có những vị Ni có thể tự chuyển tải các thời pháp thoại hay buổi thuyết giảng lên mạng youtube hay facebook, tham gia giảng dạy đào tạo từ xa qua mạng internet hay những chương trình giáo dục mầm non mang tính đặc thù của Phật giáo. Đặc biệt, trong quá trình dấn thân phụng sự đạo pháp, nhiều vị Ni trẻ có năng lực đã đóng một vai trò quan trọng trong các hoạt động văn hóa, thông tin, phiên dịch, trước tác, biên soạn phục vụ tại các kỳ Đại lễ truyền thống của Phật giáo như Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc, các kỳ Đại hội của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, hay tại Hội nghị Nữ giới Phật giáo Thế giới Sakyadhita lần thứ 11 vào năm 2010 tại chùa Phổ Quang (Thành phố Hồ Chí Minh). Điều đó, đã khẳng định năng lực, vị trí của Ni giới Việt Nam trong quá trình dấn thân phụng sự.
Nhìn chung, đức tính dấn thân của Ni giới Việt Nam thời hiện đại được phát huy mạnh mẽ không chỉ ở lĩnh vực giáo dục, hoằng pháp và từ thiện xã hội, mà còn được phát triển mạnh mẽ ở nhiều lĩnh vực xã hội khác. Tại miền Nam, giai đoạn 1945-1975, xã hội có nhiều biến động lịch sử, trước cảnh đồng bào và tín đồ Phật giáo chịu cảnh áp bức bất công, Ni trưởng Huỳnh Liên (1923-1987), tích cực dấn thân vận động chư Ni và tín đồ Phật tử tham gia vào các phong trào đấu tranh vì hòa bình thống nhất đất nước, vì sự trường tồn đạo pháp, khi đó Tịnh xá Ngọc Phương là trung tâm của Ni giới hệ phái Khất sĩ do Ni trưởng Huỳnh Liên xây dựng. Ni trưởng là nhân vật tiêu biểu cho tinh thần dấn thân ngoan cường rất bản lĩnh của Ni giới Việt Nam.
Đức tính dấn thân của Ni giới Việt Nam trong xã hội hiện đại, từ năm 1945 đến năm 1975, đã thể hiện mạnh mẽ trong các hoạt động giáo dục. Giai đoạn này, Ni giới xuất hiện nhiều chân dung nữ lưu kiệt xuất làm rạng rỡ cho Ni giới miền Nam, đó là quý Ni trưởng Huyền Học, Ni trưởng Liễu Tánh, Ni trưởng Như Hoa (chùa Viên Giác, Bình Thạnh), Ni trưởng Huyền Huệ, Ni trưởng Như Chí, Ni trưởng Huỳnh Liên, Ni trưởng Trí Hải, Ni trưởng Hải Triều Âm…
Sau năm 1975, ở các tỉnh phía Nam, Tăng ni, Phật tử tích cực dấn thân trên mặt trận lao động sản xuất góp phần tái thiết đất nước, còn tại miền Bắc, nhờ tinh thần dấn thân phụng sự đạo pháp không mệt mỏi, công tác giáo dục và hoằng pháp được phát huy, quý Ni sư Đàm Nghi (1938-2007), Ni trưởng Đàm Viễn (1921-2006), Ni trưởng Đàm Xương (1914-2001), Ni trưởng Đàm Tiến (1915- 2011), Ni trưởng Đàm Bình, vừa chu toàn trách nhiệm trụ trì, vừa dấn thân tham gia công tác xã hội. Ni trưởng Đàm Để (1908-1995) giúp nhiều bệnh nhân nghèo về nhu cầu y tế. Năm 1977, Ni trưởng Đàm Lựu (1933-1999) đến đảo Kuchin (Malaysia) hoạt động Phật sự, sau đó đến San Jose (Mỹ) sáng lập chùa Đức Viên, thuyết giảng Phật pháp nơi xứ người.
Tại miền Trung, Ni trưởng Cát Tường (1918-2013), bậc tôn túc của hàng Ni giới, bỏ nhiều công sức vận động khôi phục các Phật Học viện và Trường Trung cấp Phật học được sinh hoạt trở lại; Ni trưởng Viên Minh (1914-2014), bậc Trưởng lão Ni cao niên nhất trong hàng Ni giới ở thời kỳ này đã đóng góp nhiều công sức cho công tác giáo dục đào tạo Ni tài và mở cô nhi viện nuôi trẻ mồ côi tại Hà Nội, Huế, Phú Yên, Nha Trang. Bên cạnh đó, quý Ni trưởng Chơn Nguyên (1928-2004), Ni trưởng Chơn Thông (1924-1990), Ni sư Minh Bổn (1935-1999) lập Tuệ Tĩnh đường và tham gia giảng dạy Ni chúng ở Thừa Thiên - Huế.
Từ năm 1981 đến năm 2009, Ni giới Việt Nam phát huy mạnh mẽ đức tính dấn thân trên nhiều lĩnh vực, nhất là từ khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời cho đến ngày thành lập Phân ban Ni giới Trung ương thuộc Ban Tăng sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, sinh hoạt đạo pháp của Ni giới trở nên khởi sắc, vừa mở rộng, vừa chuyên sâu các lĩnh giáo dục, hoằng pháp, từ thiện xã hội. Giai đoạn này, Ni giới miền Bắc tích cực đóng góp vào đời sống văn hóa tâm linh và an sinh xã hội. Ni trưởng Đàm Để (1908-1995) thành lập Hội từ thiện hoạt động hiệu quả trong nhiều năm. Sau khi Trường Cơ bản Phật học Hà Nội khai giảng, Ni trưởng Đàm Xương (1914-2001), dù gần 80 tuổi, nhưng người vẫn tham gia giảng dạy. Tại miền Trung, sau ngày Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời, Ni trưởng Chơn Thông (1924 -1990), hiến cúng Trường Tiểu học Bồ Đề Lâm Tỳ Ni để Giáo hội mở Tuệ Tĩnh đường; Ni trưởng Chơn Nguyên (1928-2004), xây dựng trường mẫu giáo và trùng tu chùa Phổ Quang; Ni sư Minh Bổn (1935-1999), tích cực góp phần vào sự nghiệp hoằng pháp; Ni sư Hạnh Đức (1950-2008), trụ trì chùa Hương Sơn đã hỗ trợ hết mình cho nhiều đoàn Gia đình Phật tử như đoàn Tu Xà Đề, Lộc Uyển, Ni Liên Thuyền, Từ Bi Sứ Giả... Đặc biệt, từ năm 2015 trở đi, Ni giới đã chủ động tham gia ủng hộ chương trình tiếp sức mùa thi tại các thành phố lớn như TP. HCM, Cần Thơ, Huế, Đà Nẵng và tỉnh Lâm Đồng. Đây là công tác xã hội thể hiện tinh thần chủ động nhập thế của Ni giới thời hiện đại.
Từ thiện xã hội là thế mạnh của Phật giáo Việt Nam và là thế mạnh của Ni giới Việt Nam, một dấu ấn thể hiện tinh thần dấn thân cứu khổ của Ni giới miền Nam trong giai đoạn này. Đó là sự xuất hiện đạo tràng người khiếm thị tại chùa Thiên Quang do Ni sư Hương Nhũ tổ chức, điều hành hoạt động. Ban đầu chỉ có vài mươi người khiếm thị tại địa phương, đến nay số lượng người mù về chùa Thiên Quang tham dự khóa tu một ngày an lạc có khi lên đến cả ngàn người. Song song đó, một đạo tràng mới với khoảng 500 bạn trẻ phát xuất từ đội ngũ tình nguyện viên (đa phần là sinh viên và công nhân viên chức tham gia giúp đỡ người mù tại chùa Thiên Quang) cũng đã hình thành, với chương trình tu tập gồm: Khóa lễ ngắn, thiền tập, pháp thoại, pháp đàm và sinh họat văn nghệ. Đây là mô hình hoằng pháp kết hợp với từ thiện mang tính cộng đồng rất hiệu quả và thiết thực trong bối cảnh xã hội thời đại.
Trong giai đoạn này, trên bục giảng tại các Phật học viện, ngày càng có nhiều trí thức Ni đảm nhận công tác giáo dục đào tạo đa phương diện. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay có khoảng trên 60 chư Ni đạt học vị tiến sĩ các ngành triết học, văn học, sử học, ngôn ngữ học, xã hội học, tâm lý học trong và ngoài nước, cùng với hàng trăm vị Ni đạt học vị thạc sĩ các ngành khoa học xã hội. Điều đáng ghi nhận là sau khi hoàn thành các chương trình đào tạo Sau Đại học, các vị đã tích cực giảng dạy và tham gia vào các Ban, Viện để góp phần vào sự phát triển chung của Giáo hội. Sự nỗ lực về Phật học lẫn thế học của giới Ni trẻ Việt Nam vài thập niên gần đây đã cho thấy sự tinh tấn và một nội lực trí tuệ, đức tính dấn thân của Ni giới trên lĩnh vực giáo dục và hoằng pháp. Đây là tín hiệu đáng tự hào và vui mừng cho Ni giới Việt Nam…
Nhìn chung, dưới thời phong kiến, do bị ràng buộc những tập tục lễ nghi cố hữu nên đức tính dấn thân của Ni giới Việt Nam chưa được phát huy đúng mức, nhưng càng về sau, nhờ trào lưu tiến hóa chung của nhân loại và nhờ sự động viên ủng hộ của đoàn thể Tăng già, Ni giới Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực trên con đường dấn thân phụng sự đạo pháp và dân tộc.
III. Thành tựu đạo nghiệp trên cơ sở “Cư trần bất nhiễm”
Chư Ni nói chung và Ni giới Việt Nam nói riêng là những người con gái ưu tú của đức Phật, được ví như những đóa hoa sen vô nhiễm trong chốn bùn lầy, đây là một nét đặc trưng của Ni giới Việt Nam rất đáng trân trọng. Nói đến hoa sen thì hầu hết các kinh điển Phật giáo Nguyên thủy và Phật giáo Đại thừa đều đề cập đến sự trong sáng, thanh tịnh và thuần khiết.
Thật vậy, dù sinh ra và lớn lên trong vũng bùn lầy, trải qua nhiều ngày tháng, nhưng hoa sen vẫn chờ ngày vươn mình lên mặt nước, tỏa hương khoe sắc. Ở đó, chúng ta sẽ thấy giữa “bùn” và “sen” không hề ảnh hưởng lẫn nhau; bùn tượng trưng cho phiền não, nhiễm ô, còn sen thì tượng trưng cho cho sự thanh tịnh. Khi chúng ta ví Ni giới như những đóa sen, điều này nói lên ý nghĩa, chư Ni dù dấn thân trong dòng chảy cuộc đời, bước ra khỏi môi trường truyền thống của chốn thiền môn, dấn thân phụng sự đạo pháp và dân tộc, nhưng các vị vẫn không bao giờ bị cấu nhiễm và đó cũng chính là khái niệm “Cư trần bất nhiễm”.
Như vậy, sự thành tựu đạo nghiệp trên cơ sở “Cư trần bất nhiễm” của Ni giới Việt Nam trong quá trình dấn thân vì đạo pháp ở thời phong kiến và trong giai đoạn cận hiện đại, diễn ra như thế nào, có gì đặc sắc, có thể nói đây là một vấn đề mà chư Ni trẻ cần quan tâm học hỏi, chiêm nghiệm, làm hành trang cho bản thân khi tham gia gánh vác công tác Phật sự của Giáo hội, hoặc khi được chư Tôn đức Ni phân công giao phó.
Như chúng ta đã biết, trong thời kỳ phong kiến hay trong giai đoạn cận hiện đại, xã hội nói chung và môi trường Phật giáo nói riêng, phần nào đã có sự cởi mở về sự nhìn nhận khả năng cũng như những đóng góp của Ni giới cho đạo pháp. Thông qua một số bậc Ni trưởng đứng ra mở các lớp gia giáo, hoặc có những nỗ lực nhất định để vươn mình thoát khỏi những ảnh hưởng và ràng buộc vốn có, nhưng thật ra chư tôn đức Ni vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc đứng ra thành lập một môi trường tu hành dành riêng cho Ni giới. Do chư tôn đức Tăng già hết sức cẩn thận vì sự ổn định của đoàn thể và một lý do nữa, đó là những bậc tôn đức Ni đầy đủ năng lực, đức hạnh, có nghị lực để độc lập trong một môi trường tu hành hay đứng ra đóng góp cho Giáo hội trong các hoạt động giáo dục, hoằng pháp vẫn chưa có được nhiều người. Chính vì vậy mà sự dấn thân góp phần phát triển Tăng già và xương minh Phật pháp của Ni giới Việt Nam thời phong kiến giai đoạn cuối, thời cận hiện đại vẫn còn những giới hạn nhất định, mãi đến khi Sư bà Diên Trường đứng ra thành lập cơ sở giáo dục đào tạo nhân tài cho đoàn thể Tăng già, để rồi trở thành môi trường giáo dục cho cả Tăng lẫn Ni rất nổi tiếng. Chính tinh thần dấn thân vì sự nghiệp giáo dục của Sư bà Diên Trường đặt nền móng cho sự nghiệp giáo dục của Ni giới, đóng một vai trò quan trọng trong việc cùng chư Tăng giữ gìn giềng mối đạo pháp, cùng chung tay xây dựng đoàn thể Tăng già trang nghiêm thanh tịnh và góp phần đáng kể trong sự nghiệp xương minh Phật pháp. Từ bước đi tiên phong này, Ni giới Việt Nam dần dần tạo nên sự tin tưởng của chư tôn đức trong đoàn thể Tăng già Việt Nam.
Trong quá trình dấn thân của Sư bà Diên Trường, nhân vật tiêu biểu của Ni giới Việt Nam thời cận hiện đại, Người đã chứng minh một cách thuyết phục cho ý nghĩa thành tựu đạo nghiệp trên cơ sở “Cư trần bất nhiễm” mà lịch sử Ni giới Việt Nam ghi nhận. Đó là sau những năm tháng dấn thân không mệt mỏi vì sự nghiệp giáo dục của Phật giáo nước nhà, vào năm 1925, đúng ngày rằm Phật đản, sau khi tụng xong bộ kinh Pháp Hoa, Sư bà đã ngồi kiết già an nhiên thị tịch, hưởng thọ 64 tuổi, 15 hạ lạp. Điều này cho thấy, chư Tôn đức Ni đã thể hiện trọn vẹn ý nghĩa tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn. Dù các ngài nhập thất chuyên tu hay dấn thân hành đạo, thì vấn đề thành tựu đạo nghiệp luôn được các ngài đặt lên hàng đầu. Một nhân vật tiêu biểu của Ni giới Việt Nam thể hiện ý chí thành tựu đạo nghiệp trên cơ sở “Cư trần bất nhiễm” của Ni giới Việt Nam trong quá trình dấn thân vì đạo pháp ở thời phong kiến trong giai đoạn cận hiện đại, đó là Sư bà Đàm Thái (1842-1917) từng bỏ công sức xây dựng lại ngôi chùa tổ Bảo Sái, nhưng vẫn dành nhiều thời gian hành thiền miên mật. Đến cuối đời, Sư bà lặng lẽ nhập định, tự tại hóa thân về cảnh Phật, khi hỏa táng thu được rất nhiều xá lợi…
Đến thời hiện đại, Ni giới dù sống trong một xã hội có rất nhiều thuận lợi và phải đáp ứng cùng một lúc hai sứ mạng của Tăng già giao phó, đó là phải thành tựu đạo nghiệp và dấn thân vào sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh nhằm góp phần ổn định kỷ cương, phát triển giáo hội, xương minh Phật pháp.
Nói như vậy để chúng ta thấy rằng, Ni giới Việt Nam dù tích cực dấn thân, nhưng vẫn không quên sứ mạng thành tựu đạo quả. Điển hình như Ni trưởng Giác Nhẫn (1919-2003), Viện chủ chùa Sắc Tứ Huệ Lâm (quận 8 - TPHCM). Ngay từ thời còn là vị Ni trẻ, Ni trưởng đã về quê nhà mở lớp Sơ đẳng tại chùa Giác Thiên, cho đến tuổi “thất thập cổ lai hy”, Người vẫn không nguôi hoài bão đào tạo thế hệ kế thừa. Ni trưởng tích cực dấn thân vào các hoạt động từ thiện xã hội, dù ở TP. Hồ Chí Minh nhưng Người vẫn tham gia bếp ăn từ nhiện của Bệnh viện Vĩnh Long do chùa Long Khánh tổ chức. Đáng nhớ, vào ngày 24 tháng 01 năm Quý Mùi (2003), mặc dù sức khỏe rất yếu, nhưng Ni trưởng vẫn không quên công tác từ thiện, lần cuối cùng trước khi mất 2 ngày. Ni trưởng còn thể hiện tinh thần phấn khởi khi mới vừa làm xong một việc từ thiện. Đặc biệt, sau khi Người viên tịch, lễ hỏa táng đã thu được rất nhiều xá lợi. Điều này chứng minh Người đã thành tựu đạo nghiệp và đây là một biểu hiện sống động cho sự thành tựu đạo nghiệp trên cơ sở “Cư trần bất nhiễm”của Ni giới Việt Nam thời hiện đại.
Đạo Phật là đạo từ bi và trí tuệ, cho nên tất cả mọi Phật sự và hạnh nguyện dấn thân phụng sự đạo pháp, công ích cho xã hội của Ni giới Việt Nam cũng đều không ra ngoài mục đích phát triển tâm từ bi và yếu tố trí tuệ của mỗi người con Phật nói chung và của Ni giới Việt Nam nói riêng. Chính vì vậy, một khi chúng ta nói đến sự thành tựu đạo nghiệp trên cơ sở “Cư trần bất nhiễm” của Ni giới Việt Nam thời hiện đại, chúng ta không nhất thiết phải đề cập đến thành quả tu chứng của một hành giả (thường thể hiện qua tâm thái an nhiên tự tại khi viên tịch) mà chúng ta cần xét đến phương diện từ bi và trí tuệ thể hiện bàng bạc trong nếp sống, trong sinh hoạt, trong tu học, trong công phu hành trì và trong mọi công tác Phật sự. Và ở đó, chúng ta sẽ thấy, sự thành tựu đạo nghiệp trên cơ sở “Cư trần bất nhiễm” của Ni giới Việt Nam. Dù thời cận đại hay thời hiện đại, cũng đã được khẳng định và minh chứng một cách thuyết phục qua từng bước chân trưởng thành với những đóng góp nhất định trên nhiều lĩnh vực trong suốt mấy thập kỷ qua của mỗi một thành viên trong ngôi nhà Ni giới.
1. Chùa Viên Minh, thuở ban đầu chỉ là một am nhỏ có tên là Sơn Môn am, nơi tịnh tu của Ni trưởng Đàm Kiên.
2. Nội dung chi tiết về thân thế và sự nghiệp của Sư bà Diệu Không được trình bày trong phần III “Hành trạng Chư Ni Phật giáo Việt Nam” của cuốn sách này, nên trong mục này người viết chỉ xin dón gọn những nội dung có liên quan theo dòng chảy lịch sử.
3. Chùa Diệu Viên là ngôi chùa sư nữ nổi tiếng vào bậc nhất của đất Thần kinh, nằm trên địa bàn phường Thủy Dương thuộc thị xã Hương Thủy, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 5km. Chùa Diệu Viên là ngôi chùa có lịch sử hình thành khá lâu đời. Theo cuốn Dư địa chí Huế, chùa Diệu Viên là ngôi chùa sư nữ đầu tiên tại Huế; lúc đầu chùa chỉ là nơi thờ tự của một vị quan lớn triều Vua Tự Đức. Đến cuối đời Vua Khải Định, chùa được chuyển nhượng cho cụ bà Ưng Dinh (Ưng Dinh là tên chồng, do người Huế xưa có phong tục gọi tên người phụ nữ đã có chồng theo tên người chồng), nhũ danh là Hồ Thị Thế Anh trông coi trụ trì và từ đó chùa chỉ nhận các sư nữ. Sau này cụ bà Ưng Dinh, cùng bà Nguyễn Thị Khương và một số Phật tử đã mời Sư bà Hướng Đạo khai sơn năm 1924.
Bình luận bài viết