Thông tin

ĐỨC TÍNH DẤN THÂN CỦA NI GIỚI VIỆT NAM

 

MINH QUANG

 

 

 

Trong đạo Phật, dấn thân có nghĩa là người con Phật đi vào cuộc đời, thông qua phương tiện hoằng pháp, giáo dục, văn hóa và từ thiện, mang nguồn sáng tuệ giác khai hóa đời sống nhân sinh.

Đức tính dấn thân của Phật giáo thể hiện rất rõ qua lời dạy của Đức Phật: “Này các Tỳ kheo, hãy đi đi, đi khắp nơi vì lợi lạc và hạnh phúc của số đông, vì lòng từ bi đối với cuộc đời, vì lợi lạc và hạnh phúc của trời và người. Chớ đi hai người chung đường với nhau. Này các Tỳ kheo, hãy thuyết giảng giáo pháp cao thượng ở lúc khởi đầu và cao thượng ở lúc giữa, cao thượng ở lúc cuối trong tâm trí và trong ngôn từ. Hãy rao giảng sự toàn hảo viên mãn, đời sống thanh tịnh của trạng thái cao cả…”.1 Đến mùa an cư thứ 5 tại Tỳ Xá Ly, di mẫu Mahāpajāpatī Gotamī cùng 500 nữ nhân Sākya được Đức Phật cho xuất gia, Ni đoàn được thành lập, từ đây Ni giới có nhiều điều kiện thuận lợi để tu hành và đắc Thánh quả, đặc biệt là chư Tôn Đức Ni cùng Tăng đoàn dấn thân trên con đường hoằng pháp lợi sanh, thu thập đồ chúng, nhờ đó mà Ni đoàn đã phát triển nhanh chóng.

Thời phong kiến, tinh thần dấn thân phụng sự chánh pháp của Ni giới Việt Nam còn rất khiêm tốn, gặp nhiều trở ngại bởi sự phân biệt giới tính (trọng nam khinh nữ). Tuy nhiên, qua nhiều giai đoạn lịch sử, đức tính dấn thân ở Ni giới Việt Nam ngày càng được bộc lộ, phát triển và ngày càng khẳng định tinh thần dấn thân chính là một trong những thế mạnh quý giá của Ni giới Việt Nam.

I. Đức tính dấn thân ca Ni giới Vit Nam trong xã hội phong kiến

1. Đôi nét về lễ nghi phong kiến

Như chúng ta đã biết, dân tộc Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu đậm từ tư tưởng, triết học, học thuật và văn hóa Trung Hoa, cụ thể là từ nền Nho học phong kiến, qua đó, những lễ nghi tập tục dưới thời phong kiến đã tác động trực tiếp và mạnh mẽ đến đời sống của người dân nước Việt, nhất là đối với người nữ, chính những lễ nghi phong kiến đã tăng thêm sự bất bình đẳng về giới tính và là rào cản làm chậm sự phát triển nhiều mặt của nữ giới.

Nói về đức tính dấn thân của Ni giới trong xã hội phong kiến, thiết nghĩ cần tìm hiểu qua một số điểm cơ bản về lễ nghi phong kiến, nhìn chung lễ nghi phong kiến rất phong phú đa dạng, nhưng chung quy lại nó không ra ngoài “Tam cương - Ngũ thường” và “Tam tòng - Tứ đức”. Riêng “Tam tòng – Tứ đức” luôn được xem là bốn yếu tố căn bản để hình thành nên nhân cách người phụ nữ và cũng là thước đo phẩm hạnh của người phụ nữ Việt Nam mọi thời đại.

Dưới thời phong kiến, Tam cương ngũ thường được xem là chuẩn mực đạo đức, đời sống chính trị, xã hội, đã được Khổng Tử đặt ra và nam giới phải theo, bên cạnh “Tam tòng - Tứ đức” dành cho nữ giới. Khổng Tử cho rằng, một xã hội duy trì được Tam cương - Ngũ thường là một xã hội an bình, hạnh phúc, giáo điều này đã ảnh hưởng nhất định đối với dân tộc Việt Nam suốt chiều dài lịch sử, chính vì vậy cụm từ “Tam cương - Ngũ thường” khá quen thuộc với người dân nước Việt. Trong giới hạn của nội dung “Đức tính dấn thân của Ni giới trong xã hội phong kiến”, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về “Tam tòng – Tứ đức” vì từ đây phát sinh ra các tập tục lễ nghi, gây trở ngại cho tinh thần dấn thân của người nữ nói chung trong đời sống xã hội và các vị nữ tu nói riêng trong môi trường đạo pháp.

Khái niệm về “Tam tòng”, theo sách “Lễ ký”, trong thiên “Giao đặc sinh” có ghi: “Phụ nữ là phải theo người, lúc nhỏ theo cha anh, lấy chồng thì theo chồng, chồng chết thì theo con”.2 Cũng trong “Lễ ký”, thiên “Hôn nghĩa” ghi rằng: “Ngày xưa, phụ nữ trước khi lấy chồng ba tháng, nếu Tổ miếu chưa hư hỏng, thì ra đó mà ở, nếu Tổ miếu đã hư hỏng thì vào nhà của tông tộc ở. Dạy cho phụ đức, phụ ngôn, phụ dung, phụ công”.3

Thời phong kiến, “Tam tòng” được xem là những giáo điều mặc định sự tồn vong của phụ nữ, cũng là khuôn phép nghiêm ngặt đối với

tất cả mọi người phụ nữ; nói về “Tứ đức”, đây là một giáo điều gắn bó hữu cơ với “Tam tòng”, khái niệm về “Tứ đức”, theo sách “Chu lễ” trong chương “Thiên quan trủng tể” giải thích về Tứ đức như sau: “Quan cửu tần quản việc dạy học cho phụ nữ, dạy quan cửu ngự (chín ngự nữ dưới quyền mình) phụ công, phụ dung, phụ ngôn, phụ hạnh”.4 Thời nay chúng ta hay gọi tắc “Tứ đức” của người phụ nữ là “Công – Dung – Ngôn – Hạnh”.

Theo đó, “Công” là việc nữ công, gia chánh, ý nói phải khéo léo trong may, vá, thêu, dệt, bếp núc, buôn bán, riêng đối với người phụ nữ tài giỏi hơn thì có thêm cầm, kỳ, thi, họa; “Dung” là hình ảnh người phụ nữ phải biết tôn trọng hình thức bản thân, phải hòa nhã, gọn gàng; “Ngôn” là lời ăn tiếng nói khoan thai, dịu dàng, mềm mỏng, “Hạnh” là đức tính hiếu thảo, trong nhà thì nết na, kính trên nhường dưới, chiều chồng thương con, ăn ở tốt với anh em họ nhà chồng, ra ngoài xã hội thì phải nhu mì, chín chắn, không hợm hĩnh, cay nghiệt5.

Thoạt nhìn thì những nội dung về “Công – Dung – Ngôn – Hạnh” rất thuyết phục, vì đều hàm chứa những điều tốt đẹp mà người phụ nữ thời đại nào cũng cần phải có để hoàn thiện nhân cách bản thân, thế nhưng thật ra những quy định này được giai cấp thống trị phong kiến sử dụng nhằm giáo hóa người phụ nữ với mục đích để ổn định xã hội, bảo vệ quyền lợi của giai cấp thống trị và nhất là về vai trò của nam giới. Về điều này, giáo sư Vũ Khiêu cho rằng: “Phải chăng ở đây cái “ngu trung” lại được vận dụng vào việc giữ gìn tiết hạnh của người phụ nữ, hay là ngược lại, cái giữ gìn tiết hạnh của người phụ nữ lại trở thành tấm gương soi cho các bậc trung thần”6

Theo sách “Một số ảnh hưởng tích cực của học thuyết “Tam tòng”, “Tứ đức” trong Nho giáo đối với người Phụ nữ Việt Nam của TS. Phan Thị Hồng Duyên và “Nho giáo và phát triển ở Việt Nam” của giáo sư Vũ Khiêu (Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, năm 1997), thì vào giai đoạn sơ khai, “Tam tòng” chỉ dùng để định vị trí của người phụ nữ trong gia đình khi làm nghi lễ, chẳng hạn khi ở nhà thì đứng sau lưng cha, khi lấy chồng đứng sau lưng chồng, và sau khi chồng chết thì phải đứng sau lưng con trai... Qua những hình ảnh miêu tả trên, cho thấy tập tục lễ nghi thời phong kiến đã khiến cho người phụ nữ trở thành nhân vật phụ thuộc và lệ thuộc, từ đó vai trò vị trí của người phụ nữ trở nên yếm thế, là rào cản rất lớn khiến cho người phụ nữ không có chỗ đứng trong xã hội.

2. Ni giới Việt Nam dấn thân trong điều kiện bị ràng buộc lễ nghi phong kiến

Từ những giới hạn bởi những tập tục lễ nghi phong kiến, chúng ta sẽ thấy phần nào bức tranh sinh hoạt đạo pháp của Ni giới dưới thời phong kiến, đó là bức tranh thụ động, khép mình an phận trong những công việc thường nhật của những bà vãi, những nữ tu chuyên lo bếp núc và vườn tược sau hè, điều này đã cản trở rất lớn đến việc phát huy những phẩm chất tốt đẹp vốn có của Ni giới Việt Nam, làm hạn chế sự phát triển những giá trị tiềm tàng khác của Ni giới Việt Nam, như trong các lĩnh vực giáo dục, hoằng pháp và công ích cho đời sống xã hội… Tuy nhiên, dù chịu sự tác động tiêu cực từ những lễ nghi tập tục phong kiến, nhưng nhờ ý chí tu hành và lòng yêu nước quả cảm, thời Hai Bà Trưng đã có những bậc nữ tu cũng đã dấn thân đánh đuổi giặc ngoại xâm phong kiến phương Bắc trước khi trở thành những bậc chân tu mô phạm.

Lịch sử ghi nhận, thời phong kiến nhà Nguyễn, trong dân gian không có chùa Ni, mà chỉ có trong chốn hoàng cung dành riêng cho các vị công chúa, công nữ và các vị nữ quan tụng kinh bái sám khi có nhu cầu, chẳng hạn như chùa Giác Hoàng do vua Minh Mạng (1820-1840) lập trong cung vào năm 1822 dành cho các vị nữ quan trong hoàng cung lễ Phật, sau đời vua Tự Đức (1847-1883) có chùa Hoằng Ân cũng chỉ dành riêng cho người trong hoàng tộc tu niệm, qua điều này cũng nói lên tư tưởng trọng nam khinh nữ và sự phân chia giai cấp trong đời sống xã hội phong kiến đã gây nhiều thiệt thòi cho Ni giới. Tuy nhiên, cũng trong thời kỳ này, Ni giới Việt Nam đã xuất hiện nhiều tấm gương dấn thân vì đạo pháp, tiêu biểu đó là Sư bà Diên Trường (1863-1925), với quyết tâm hình thành những cơ sở giáo dục đào tạo nhân tài cho đoàn thể Tăng già, khởi đầu Sư bà xây dựng một ngôi chùa trên khu đồi Dương Xuân thượng (làng Thuận Hòa, xã Thủy Xuân, huyện Hương Thủy) rồi tác bạch với Hòa thượng Tâm Tịnh để cung thỉnh ngài Giác Tiên về trụ trì (chùa được Hòa thượng Tâm Tịnh đặt tên là chùa Trúc Lâm), sau này chùa Trúc Lâm trở thành nơi đào tạo Tăng, Ni nổi tiếng của Phật giáo trong cả nước. Phát huy đức tính dấn thân, Sư bà còn lập ni xá dẫn dắt các vị nữ tu như Chơn Hương, Diệu Hương, Giác Hải tu học, sau này tất cả đều thành tài và đều trở thành những bậc Ni trưởng tôn túc đầu tiên của Ni giới miền Trung, chính tinh thần dấn thân vô ngã của Sư bà Diên Trường đã tác động tích cực đến tinh thần tu học của tứ chúng và Ni giới nói riêng. Tâm huyết dấn thân vì sự nghiệp giáo dục của Sư bà Diên Trường góp phần rất lớn vào việc đặt nền móng cho sự nghiệp giáo dục của Ni giới, nhờ đó, giai đoạn cuối thời cận đại, Ni giới đã đóng một vai trò quan trọng trong việc cùng chư Tăng giữ gìn giềng mối đạo pháp, xây dựng đoàn thể Tăng già trang nghiêm thanh tịnh và góp phần đáng kể trong sự nghiệp xương minh Phật pháp.

Thời phong kiến, dù có những ràng buộc lễ nghi, tuy nhiên đến giai đoạn cuối thời nhà Nguyễn, vào những năm 1930 và trước đó không lâu, nổi bật lên bằng công cuộc chấn hưng Phật giáo trên quy mô cả nước, trong giai đoạn này, nhân tài Ni giới khắp cả ba miền Bắc – Trung – Nam đã phát huy đức tính dấn thân và góp phần đáng kể vào sự nghiệp chấn hưng Phật giáo nói chung và Ni giới nói riêng, làm nền tảng cho sự nghiệp giáo dục và tu học của các thế hệ Ni giới sau này.

Từ những bước chân dấn thân vô ngã của chư Tôn Đức Ni tại miền Nam trong thời kỳ này đã dấy lên không khí hoạt động giáo dục rất sôi nổi, các lớp Phật học gia giáo, các khóa Trường hương, Trường hạ tại miền Nam được tổ chức khắp nơi, hoạt động của Ni giới được đẩy mạnh, nhân vật tiêu biểu là Sư bà Diệu Tịnh. Sư bà từng dịch kinh nhật tụng, viết bài cho tạp chí Từ Bi Âm kêu gọi chấn hưng Ni phái, người đảm nhận ngôi vị giáo thọ Ni đầu tiên và trẻ tuổi nhất trong lịch sử Ni giới Nam bộ.

Với tinh thần dấn thân không mệt mỏi, trong giai đoạn cuối của thời cận đại, từ 1930 đến 1945, chư tôn túc Ni ở cả ba miền đã mạnh dạn đứng ra thành lập riêng cho Ni giới một môi trường giáo dục độc lập, bằng năng lực và phẩm hạnh, các ngài đã thực hiện thành công hoài bão xây dựng mô hình giáo dục mang tính chuyên biệt cho Ni giới ngay trong giai đoạn khởi đầu còn nhiều khó khăn.

Nhìn lại hoạt động giáo dục của Ni giới Việt Nam từ năm 1930 đến năm 1945, cho thấy chư Tôn Đức Ni thời bấy giờ vừa thành tựu sự nghiệp tu hành, vừa tích cực dấn thân vì sự nghiệp giáo dục đào tạo; để đạt được điều đó chính là nhờ công đức gầy dựng từ trước của chư Tôn Đức Ni tiền bối như Sư bà Đàm Thái, Sư bà Diên trường, Ni trưởng Đàm Kiền, Ni trưởng Đàm Chất, Ni trưởng Đàm Nghĩa, Ni trưởng Đàm Hinh, Ni trưởng Đàm Thuần, Ni trưởng Đàm Thu... Nền móng vững chắc này đã tác động mạnh mẽ đến tinh thần chấn hưng Ni giới, nhất là sự có mặt kịp thời của các bậc danh Ni giới đức, tài năng xuất chúng như Sư bà Diệu Không, Ni trưởng Diệu Hương, Ni trưởng Hướng Đạo (miền Trung), Sư bà Diệu Tịnh, Sư cô Hồng Nga, Sư bà Diệu Tấn (miền Nam)... giúp cho công cuộc giáo dục đào tạo Ni tài ngày càng thăng hoa phát triển, tạo nên bức tranh xán lạn của Ni giới thời cận đại. Dù vẫn còn trong thời kỳ phong kiến, vẫn còn chịu tác động ít nhiều từ những lễ nghi tập tục còn sót lại trong giai đoạn cuối của thời cận đại, nhưng những thành quả trong công tác xây dựng nền móng giáo dục, từ đức tính dấn thân của Ni giới Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945, đã đào tạo nên một thế hệ Ni tài làm hạt nhân nòng cốt gánh vác sự nghiệp giáo dục và hoằng pháp của Ni giới nước nhà, tạo nguồn nhân lực bổ sung vào các vị trí quan trọng của Ni giới nói riêng và đoàn thể Tăng già nói chung.

Thời cận hiện đại giai đoạn từ năm 1930 đến năm 1945, tại chùa Viên Minh7 ở Hà Nội, quý Ni trưởng Đàm Kiền, Ni trưởng Đàm Chất, Ni trưởng Đàm Nghĩa, Ni trưởng Đàm Hinh, Ni trưởng Đàm Thuần thành lập Ni trường, tạo môi trường giáo dục tập trung cho Ni giới miền Bắc. Năm 1930, Ni trưởng Đàm Thu (1885-1967) tiếp tục sự nghiệp giáo dục đào tạo Ni tài, góp công rất lớn trong sự nghiệp giáo dục đào tạo của Phật giáo tại miền Bắc giai đoạn cuối thời cận đại, nhờ đó mà miền Bắc là cái nôi xuất phát ánh sáng Phật pháp lan tỏa sâu rộng khắp cả nước. Tại các tỉnh miền Trung, nhất là tại Huế, thời bấy giờ việc tu học đều phải nương theo Tăng, trong hoàn cảnh này, Sư bà Diên Trường xây dựng chùa Trúc Lâm làm cơ sở giáo dục đào tạo nhân sự cho Giáo hội, đồng thời cũng đứng ra thành lập Ni xá riêng cho Ni giới, quý Ni trưởng Chơn Hương, Ni trưởng Diệu Hương, Ni trưởng Giác Hải, đều xuất thân từ đây và đều trở thành những bậc tôn túc của Ni giới miền Trung đầu thế kỷ XX, nổi bật có Sư bà Diệu Không (1905-1997)8 là nhân tố tích cực vận động thành lập Hội An Nam Phật học Trung kỳ (1932), góp phần chấn hưng Phật giáo khu vực miền Trung; Sư bà xây chùa Diệu Viên9 là ngôi chùa sư nữ đầu tiên tại Huế, nơi khởi đầu sự nghiệp giáo dục của Ni giới miền Trung. Trong giai đoạn này, Ni trưởng Diệu Hương xây dựng Ni viện Diệu Đức làm nơi đào tạo Ni tài, từ đây hình thành hệ thống chùa ni, còn được gọi là “chùa Sư Nữ” lần lượt ra đời tại Thừa Thiên, sau đó lan nhanh ra các tỉnh Nam Trung phần. Trong lịch sử Ni giới miền Trung, Ni viện Diệu Đức dưới sự lãnh đạo điều hành của Ni trưởng Diệu Hương đã đào tạo nên một thế hệ Ni tài xuất chúng. Đặc biệt, tại miền Nam, nhất là khu vực Gia Định, vào năm 1934, Sư bà Diệu Tịnh cùng quý Sư bà Diệu Tấn, Diệu Tánh, Diệu Thuận thành lập chùa ni Từ Hóa (Tân Sơn Nhì - Gia Định), sau đó một năm, chùa được dời sang Tân Sơn Nhất và đổi hiệu Từ Hóa thành Hải Ấn Ni Tự, đây là chùa Ni đầu tiên vùng Gia Định. Sư bà Diệu Tịnh là ngôi sao sáng trên bầu trời Phật pháp ở phương Nam thời cận đại. Cùng thời, Sư bà Diệu Tấn (1910-1947) đứng ra thành lập Ni trường Kim Sơn (1939) là cơ sở giáo dục quy mô đầu tiên của Ni giới Nam bộ, đáp ứng kịp thời nhu cầu học Phật của Ni chúng khu vực Sài Gòn - Gia Định, đây là một trong những sự kiện giáo dục nổi bật của Phật giáo Nam bộ. Ni trường Kim Sơn và sự nghiệp giáo dục của Sư bà Diệu Tấn đã góp phần đào tạo nguồn nhân sự đắc dụng cho Ni giới sau thời chấn hưng Phật giáo. Lúc bấy giờ, miền Nam nổi lên bậc pháp sư Ni danh tiếng, đó là Sư bà Diệu Kim, năm 1940, Sư bà làm thiền chủ kiêm pháp sư ni tại Trường hạ Giác Hoàng (Bà Điểm), mở lớp dạy ni tại chùa Bảo An và được chư tôn đức Trường hạ chùa Thiên Phước (Tân Hương – Mỹ Tho) cung thỉnh làm Pháp sư ni giảng kinh luật trong ba tháng, Sư bà Diệu Kim là một trong số pháp sư Ni hy hữu ở miền Nam giai đoạn này.

II. Đức tính dấn thân ca Ni giới Vit Nam trong xã hội hiện đại

Nếu như trong thời cận đại, Ni giới Việt Nam từng có các bậc tiền bối dấn thân trong lĩnh vực giáo dục, hoằng pháp như Sư bà Đàm Thái, Sư bà Diên trường, Ni trưởng Đàm Kiền, Ni trưởng Đàm Chất, Ni trưởng Đàm Nghĩa, Ni trưởng Đàm Hinh, Ni trưởng Đàm Thuần, Ni trưởng Đàm Thu (miền Bắc); Sư bà Diệu Không, Ni trưởng Diệu Hương, Ni trưởng Hướng Đạo (miền Trung); Sư bà Diệu Tịnh, Sư cô Hồng Nga, Sư bà Diệu Tấn, Sư bà Diệu Kim (miền Nam)... thì trong xã hội hiện đại, Ni giới Việt Nam cũng xuất hiện các bậc tiền bối dấn thân không hề biết mệt mỏi trên khắp các lĩnh vực giáo dục, hoằng pháp, từ thiện xã hội, văn hóa, sáng tác, biên soạn, dịch thuật như quý Sư bà Như Thanh, Ni trưởng Huyền Học, Ni trưởng Tịnh Nguyện, Ni trưởng Giác Nhẫn, Ni trưởng Trí Hải, thậm chí còn dấn thân vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, điển hình như Ni trưởng Huỳnh Liên, Ni trưởng Ngoạt Liên. Đặc biệt, vào thời hiện đại, đức tính dấn thân càng được phát huy cao độ và thể hiện rộng khắp trên nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội, tạo dấu ấn thăng hoa, phát triển mạnh mẽ trong bức tranh chung của Phật giáo thời đại.

Trước hết, điều giúp cho Ni giới năng nỗ tích cực dấn thân trong thời hiện đại chính là vấn đề bình đẳng giới đã được xã hội quan tâm đúng mức, theo đó, việc Ni giới dấn thân trên các lĩnh vực hoạt động của Phật giáo cũng đã được chư tôn đức Tăng già công nhận và động viên hỗ trợ, đây là động cơ quan trọng để Ni giới Việt Nam khẳng định mình trong hoạt động giáo dục và trong sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh, cũng như dấn thân tham gia các hoạt động trên nhiều lĩnh vực trong và ngoài môi trường Phật giáo.

Thời hiện đại là thời kỳ văn minh tiến bộ với sự phát triển như vũ bão của khoa học kỹ thuật, cùng vô vàn phương tiện tiện ích thời đại mang đến, nhờ đó Ni giới Việt Nam có rất nhiều điều kiện thuận lợi trong quá trình dấn thân phụng sự đạo pháp và dân tộc. Ni giới thời nay đa phần đều được theo học các chương trình Phật học các cấp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các chương trình ngoại điển, nên sở hữu một trình độ Phật học và thế học nhất định, đáng nói là ở thời hiện đại có rất nhiều vị Ni đạt thành quả học tập rất cao ở bậc đại học và sau đại học, nhiều vị có bằng thạc sĩ, tiến sĩ ở nhiều bộ môn và lĩnh vực, nên có nhiều điều kiện đóng góp vào công tác giáo dục của Giáo hội. Bên cạnh đó, việc dễ dàng in ấn kinh điển, thông tin truyền thông và hoạt động báo chí cũng là những thuận lợi để chư Ni dấn thân phụng sự đạo pháp, trong đó có những vị Ni có thể tự chuyển tải các thời pháp thoại hay buổi thuyết giảng lên mạng youtube hay facebook, tham gia giảng dạy đào tạo từ xa qua mạng internet hay những chương trình giáo dục mầm non mang tính đặc thù của Phật giáo. Đặc biệt, trong quá trình dấn thân phụng sự đạo pháp, nhiều vị Ni trẻ có năng lực đã đóng một vai trò quan trọng trong các hoạt động văn hóa, thông tin, phiên dịch, trước tác, biên soạn phục vụ tại các kỳ Đại lễ truyền thống của Phật giáo như Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc, các kỳ Đại hội của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, hay tại Hội nghị Nữ giới Phật giáo Thế giới Sakyadhita lần thứ 11 vào năm 2010 tại chùa Phổ Quang (Thành phố Hồ Chí Minh) đã khẳng định năng lực, vị trí của Ni giới Việt Nam trong quá trình dấn thân phụng sự.

Nhìn chung đức tính dấn thân của Ni giới Việt Nam thời hiện đại được phát huy mạnh mẽ không chỉ ở lĩnh vực giáo dục, hoằng pháp và từ thiện xã hội, mà còn được phát triển mạnh mẽ ở nhiều lĩnh vực xã hội khác, chẳng hạn như tại miền Nam, giai đoạn 1945-1975, xã hội có nhiều biến động lịch sử, trước cảnh đồng bào và tín đồ Phật giáo chịu cảnh áp bức bất công, Ni trưởng Huỳnh Liên (1923-1987) tích cực dấn thân vận động chư Ni và tín đồ Phật tử tham gia vào các phong trào đấu tranh vì hòa bình thống nhất đất nước, vì sự trường tồn đạo pháp, khi đó Tịnh xá Ngọc Phương là trung tâm của Ni giới hệ phái Khất sĩ do Ni trưởng Huỳnh Liên xây dựng, Ni trưởng là nhân vật tiêu biểu cho tinh thần dấn thân ngoan cường rất bản lĩnh của Ni giới Việt Nam.

Đức tính dấn thân của Ni giới Việt Nam trong xã hội hiện đại, từ năm 1945 đến năm 1975, đã thể hiện mạnh mẽ trong các hoạt động giáo dục, giai đoạn này Ni giới xuất hiện nhiều chân dung nữ lưu kiệt xuất làm rạng rỡ cho Ni giới miền Nam, đó là quý Ni trưởng Huyền Học, Ni trưởng Liễu Tánh, Ni trưởng Như Hoa (chùa Viên Giác, Bình Thạnh), Ni trưởng Huyền Huệ, Ni trưởng Như Chí, Ni trưởng Huỳnh Liên, Ni trưởng Trí Hải, Ni trưởng Hải Triều Âm… Sau năm 1975, ở các tỉnh phía Nam, Tăng Ni, Phật tử tích cực dấn thân trên mặt trận lao động sản xuất góp phần tái thiết đất nước, còn tại miền Bắc, nhờ tinh thần dấn thân phụng sự đạo pháp không mệt mỏi, công tác giáo dục và hoằng pháp được phát huy, quý Ni sư Đàm Nghi (1938-2007), Ni trưởng Đàm Viễn (1921-2006), Ni trưởng Đàm Xương (1914-2001), Ni trưởng Đàm Tiến (1915-2011), Ni trưởng Đàm Bình, vừa chu toàn trách nhiệm trụ trì, vừa dấn thân tham gia công tác xã hội, Ni trưởng Đàm Để (1908-1995) giúp nhiều bệnh nhân nghèo về nhu cầu y tế, năm 1977, Ni trưởng Đàm Lựu (1933-1999) đến đảo Kuchin (Malaysia) hoạt động Phật sự, sau đó đến San Jose (Mỹ) sáng lập chùa Đức Viên thuyết giảng Phật pháp nơi xứ người. Tại miền Trung, Ni trưởng Cát Tường (1918-2013) bậc tôn túc của hàng Ni giới, bỏ nhiều công sức vận động khôi phục các Phật Học viện và Trường Trung cấp Phật học được sinh hoạt trở lại; Ni trưởng Viên Minh (1914-2014) bậc Trưởng lão Ni cao niên nhất trong hàng Ni giới ở thời kỳ này đã đóng góp nhiều công sức cho công tác giáo dục đào tạo Ni tài và mở cô nhi viện nuôi trẻ mồ côi tại Hà Nội, Huế, Phú Yên, Nha Trang; bên cạnh đó, quý Ni trưởng Chơn Nguyên (1928-2004), Ni trưởng Chơn Thông (1924-1990), Ni sư Minh Bổn (1935-1999) lập Tuệ Tĩnh đường và tham gia gảng dạy Ni chúng ở Thừa Thiên - Huế.

Từ năm 1981 đến năm 2009, Ni giới Việt Nam phát huy mạnh mẽ đức tính dấn thân trên nhiều lĩnh vực, nhất là từ khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời cho đến ngày thành lập Phân ban Ni giới Trung ương thuộc Ban Tăng sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, sinh hoạt đạo pháp của Ni giới trở nên khởi sắc, vừa mở rộng, vừa chuyên sâu các lĩnh giáo dục, hoằng pháp, từ thiện xã hội. Giai đoạn này, Ni giới miền Bắc tích cực đóng góp vào đời sống văn hóa tâm linh và an sinh xã hội, Ni trưởng Đàm Để (1908-1995) thành lập Hội từ thiện hoạt động hiệu quả trong nhiều năm. Sau khi Trường Cơ bản Phật học Hà Nội khai giảng, Ni trưởng Đàm Xương (1914-2001) dù gần 80 tuổi nhưng người vẫn tham gia giảng dạy, tại miền Trung, sau ngày Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời, Ni trưởng Chơn Thông (1924 -1990) hiến cúng Trường Tiểu học Bồ Đề Lâm Tỳ Ni để Giáo hội mở Tuệ Tĩnh đường; Ni trưởng Chơn Nguyên (1928-2004) xây dựng trường mẫu giáo và trùng tu chùa Phổ Quang; Ni sư Minh Bổn (1935-1999) tích cực góp phần vào sự nghiệp hoằng pháp; Ni sư Hạnh Đức (1950-2008) trụ trì chùa Hương Sơn đã hỗ trợ hết mình cho nhiều đoàn Gia đình Phật tử như đoàn Tu Xà Đề, Lộc Uyển, Ni Liên Thuyền, Từ Bi Sứ Giả... Đặc biệt, từ năm 2015 trở đi, Ni giới đã chủ động tham gia ủng hộ chương trình tiếp sức mùa thi tại các thành phố lớn như TP. HCM, Cần Thơ, Huế, Đà Nẵng và tỉnh Lâm Đồng, đây là công tác xã hội thể hiện tinh thần chủ động nhập thế của Ni giới thời hiện đại.

Từ thiện xã hội là thế mạnh của Phật giáo Việt Nam và là thế mạnh của Ni giới Việt Nam, một dấu ấn thể hiện tinh thần dấn thân cứu khổ của Ni giới miền Nam trong giai đoạn này, đó là sự xuất hiện đạo tràng người khiếm thị tại chùa Thiên Quang do Ni sư Hương Nhũ tổ chức điều hành hoạt động, ban đầu chỉ có vài mươi người khiếm thị tại địa phương, đến nay số lượng người mù về chùa Thiên Quang tham dự khóa tu một ngày an lạc có khi lên đến cả ngàn người, song song đó, một đạo tràng mới với khoảng 500 bạn trẻ phát xuất từ đội ngũ tình nguyện viên (đa phần là sinh viên và công nhân viên chức tham gia giúp đỡ người mù tại chùa Thiên Quang) cũng đã hình thành, với chương trình tu tập gồm: khóa lễ ngắn, thiền tập, pháp thoại, pháp đàm và sinh họat văn nghệ; đây là mô hình hoằng pháp kết hợp với từ thiện mang tính cộng đồng rất hiệu quả và thiết thực trong bối cảnh xã hội thời đại.

Trong giai đoạn này, trên bục giảng tại các Phật Học Viện, ngày càng có nhiều trí thức Ni đảm nhận công tác giáo dục đào tạo đa phương diện, riêng ở Thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay có khoảng trên 60 chư Ni đạt học vị tiến sĩ các ngành triết học, văn học, sử học, ngôn ngữ học, xã hội học, tâm lý học ở trong và nước ngoài, cùng với hàng trăm vị Ni đạt học vị thạc sĩ các ngành khoa học xã hội, điều đáng ghi nhận là sau khi hoàn thành các chương trình đào tạo sau Đại học, các vị đã tích cực giảng dạy và tham gia vào các Ban, Viện để góp phần vào sự phát triển chung của Giáo hội. Sự nỗ lực phấn đấu song hành trên con đường Phật học lẫn thế học mà thế hệ Ni trẻ Việt Nam đã thể hiện gần vài thập niên trở lại đây đã thấy sự tinh tấn và một nội lực trí tuệ rất lớn của Ni giới, nhờ đức tính dấn thân mà vị trí của Ni giới thời đại trên lĩnh vực giáo dục và hoằng pháp đã được khẳng định, đây là tín hiệu đáng tự hào và vui mừng cho Ni giới Việt Nam…

Nhìn chung dưới thời phong kiến, do bị ràng buộc những tập tục lễ nghi cố hữu nên đức tính dấn thân của Ni giới Việt Nam chưa được phát huy đúng mức, nhưng càng về sau, nhờ trào lưu tiến hóa chung của nhân loại và nhờ sự động viên ủng hộ của đoàn thể Tăng già, Ni giới Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực trên con đường dấn thân phụng sự đạo pháp và dân tộc như đã nêu trên.

III. Thành tựu đạo nghip trên cơ sở “Cư trần bất nhiễm”

Chư Ni nói chung và Ni giới Việt Nam nói riêng là những người con gái ưu tú của Đức Phật, được ví như những đóa hoa sen vô nhiễm trong chốn bùn lầy, đây là một nét đặc trưng của Ni giới Việt Nam rất đáng trân trọng, mà hễ nói đến hoa sen thì hầu hết các kinh điển Phật giáo Nguyên thủy và Phật giáo Đại thừa đều đề cập đến sự trong sáng, thanh tịnh và thuần khiết.

Thật vậy, dù sinh ra và lớn lên trong vũng bùn lầy, trải qua nhiều ngày tháng, nhưng hoa sen vẫn chờ ngày vươn mình lên mặt nước, để tỏa hương khoe sắc, ở đó chúng ta sẽ thấy, giữa “bùn” và “sen” không hề ảnh hưởng lẫn nhau; bùn tượng trưng cho phiền não, nhiễm ô, còn sen thì tượng trưng cho cho sự thanh tịnh. Khi chúng ta ví Ni giới như những đóa sen, điều này nói lên ý nghĩa, chư Ni dù dấn thân trong dòng chảy cuộc đời, bước ra khỏi môi trường truyền thống của chốn thiền môn để dấn thân phụng sự đạo pháp và dân tộc, nhưng các vị vẫn không bao giờ bị cấu nhiễm và đó cũng chính là khái niệm “Cư trần bất nhiễm”.

Như vậy, sự thành tựu đạo nghiệp trên cơ sở “Cư trần bất nhiễm” của Ni giới Việt Nam trong quá trình dấn thân vì đạo pháp ở thời phong kiến trong giai đoạn cận hiện đại, diễn ra như thế nào và có gì đặc sắc, có thể nói đây là một vấn đề mà chư Ni trẻ cần quan tâm để học hỏi và chiêm nghiệm, làm hành trang cho bản thân khi tham gia gánh vác công tác Phật sự của Giáo hội hoặc khi được chư Tôn Đức Ni phân công giao phó.

Như chúng ta đã biết, trong thời kỳ phong kiến, cho dù trong giai đoạn cận hiện đại, xã hội nói chung và môi trường Phật giáo nói riêng, phần nào đã có sự cởi mở về sự nhìn nhận khả năng cũng như những đóng góp của Ni giới cho đạo pháp, thông qua những một số bậc Ni trưởng đứng ra mở các lớp gia giáo, hoặc có những nỗ lực nhất định để vươn mình thoát khỏi những ảnh hưởng và ràng buộc vốn có, nhưng thật ra chư tôn đức Ni vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc đứng ra thành lập một môi trường tu hành dành riêng cho Ni giới, lý do là chư tôn đức Tăng già hết sức cẩn thận vì sự ổn định của đoàn thể Tăng già, và một lý do nữa, đó là những bậc tôn đức Ni đầy đủ năng lực và đức hạnh, có nghị lực và bản lãnh phi thường, để độc lập trong một môi trường tu hành hay đứng ra đóng góp cho Giáo hội trong các hoạt động giáo dục, hoằng pháp vẫn chưa có được nhiều người, chính vì vậy mà sự dấn thân góp phần phát triển Tăng già và xương minh Phật pháp của Ni giới Việt Nam thời phong kiến giai đoạn cuối thời cận hiện đại vẫn còn những giới hạn nhất định, cho mãi đến khi Sư bà Diên Trường đứng ra thành lập cơ sở giáo dục đào tạo nhân tài cho đoàn thể Tăng già, để rồi trở thành môi trường giáo dục cho cả Tăng lẫn Ni rất nổi tiếng, chính tinh thần dấn thân vì sự nghiệp giáo dục của Sư bà Diên Trường đặt nền móng cho sự nghiệp giáo dục của Ni giới, nhờ đó, giai đoạn cuối thời cận đại, Ni giới đã đóng một vai trò quan trọng trong việc cùng chư Tăng giữ gìn giềng mối đạo pháp, cùng chung tay xây dựng đoàn thể Tăng già trang nghiêm thanh tịnh và góp phần đáng kể trong sự nghiệp xương minh Phật pháp, từ bước đi tiên phong này mà Ni giới Việt Nam dần dần tạo nên sự tin tưởng của chư tôn đức trong đoàn thể Tăng già Việt Nam.

Trong quá trình dấn thân của Sư bà Diên Trường, nhân vật tiêu biểu của Ni giới Việt Nam thời cận hiện đại, người đã chứng minh một cách thuyết phục cho ý nghĩa thành tựu đạo nghiệp trên cơ sở “Cư trần bất nhiễm”và lịch sử Ni giới Việt Nam ghi nhận, đó là sau những năm tháng dấn thân không mệt mỏi vì sự nghiệp giáo dục của Phật giáo nước nhà, vào năm 1925, đúng ngày rằm Phật đản, sau khi tụng xong bộ kinh Pháp Hoa, Sư bà đã ngồi kiết già an nhiên thị tịch, hưởng thọ 64 tuổi, 15 hạ lạp, điều này cho thấy, chư Tôn Đức Ni đã thể hiện trọn vẹn ý nghĩa tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn, dù các ngài nhập thất chuyên tu hay dấn thân hành đạo thì vấn đề thành tựu đạo nghiệp luôn được các ngài đặt lên hàng đầu. Một nhân vật tiêu biểu của Ni giới Việt Nam thể hiện ý chí thành tựu đạo nghiệp trên cơ sở “Cư trần bất nhiễm” của Ni giới Việt Nam trong quá trình dấn thân vì đạo pháp ở thời phong kiến trong giai đoạn cận hiện đại, đó là Sư bà Đàm Thái (1842 1917) từng bỏ công sức xây dựng lại ngôi chùa tổ Bảo Sái, nhưng vẫn dành nhiều thời gian hành thiền miên mật, đến cuối đời, Sư bà lặng lẽ nhập định, tự tại hóa thân về cảnh Phật, khi hỏa táng thu được rất nhiều xá lợi…

Đến thời hiện đại, Ni giới dù sống trong một xã hội có rất nhiều thuận lợi và phải đáp ứng cùng một lúc hai sứ mạng của Tăng già giao phó, đó là phải thành tựu đạo nghiệp và dấn thân vào sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh nhằm góp phần ổn định kỷ cương, phát triển giáo hội, xương minh Phật pháp.

Nói như vậy để chúng ta thấy rằng, Ni giới Việt Nam dù tích cực dấn thân, nhưng vẫn không quên sứ mạng thành tựu đạo quả, điển hình như Ni trưởng Giác Nhẫn (1919-2003) Viện chủ chùa Sắc Tứ Huệ Lâm (quận 8), ngay từ thời còn là vị Ni trẻ, Ni trưởng đã về quê nhà mở lớp Sơ đẳng tại chùa Giác Thiên, cho đến tuổi “thất thập cổ lai hy”, Ni trưởng vẫn không nguôi hoài bão đào tạo thế hệ kế thừa, Ni trưởng tích cực dấn thân vào các hoạt động từ thiện xã hội, dù ở TP. Hồ Chí Minh nhưng người vẫn tham gia bếp ăn từ thiện của bệnh viện Vĩnh Long do chùa Long Khánh tổ chức. Đáng nhớ, vào ngày 24 tháng 01 năm Quý Mùi (2003), mặc dù sức khỏe rất yếu nhưng Ni trưởng vẫn không quên công tác từ thiện, lần cuối cùng trước ngày mất 2 ngày, Ni trưởng còn thể hiện tinh thần phấn khởi khi mới vừa làm xong một việc từ thiện. Đặc biệt, sau khi người viên tịch, lễ hỏa táng đã thu được rất nhiều xá lợi, điều này chứng minh người đã thành tựu đạo nghiệp và đây là một biểu hiện sống động cho sự thành tựu đạo nghiệp trên cơ sở “Cư trần bất nhiễm”của Ni giới Việt Nam thời hiện đại.

Đạo Phật là đạo từ bi và trí tuệ, cho nên tất cả mọi Phật sự và hạnh nguyện dấn thân phụng sự đạo pháp, công ích cho xã hội của Ni giới Việt Nam cũng đều không ra ngoài mục đích phát triển tâm từ bi và yếu tố trí tuệ của mỗi người con Phật nói chung và của Ni giới Việt Nam nói riêng. Chính vì vậy, một khi chúng ta nói đến sự thành tựu đạo nghiệp trên cơ sở “Cư trần bất nhiễm” của Ni giới Việt Nam thời hiện đại, chúng ta không nhất thiết phải đề cập đến thành quả tu chứng của một hành giả (thường thể hiện qua tâm thái an nhiên tự tại khi viên tịch) mà chúng ta cần xét đến phương diện từ bi và trí tuệ thể hiện bàng bạc trong nếp sống, trong sinh hoạt, trong tu học, trong công phu hành trì và trong mọi công tác Phật sự và ở đó, chúng ta sẽ thấy, sự thành tựu đạo nghiệp trên cơ sở “Cư trần bất nhiễm” của Ni giới Việt Nam, dù thời cận đại hay thời hiện đại, cũng đã được khẳng định và minh chứng một cách thuyết phục qua từng bước chân trưởng thành với những đóng góp nhất định trên nhiều lĩnh vực trong suốt mấy thập kỷ qua của mỗi một thành viên trong ngôi nhà Ni giới.

 


1. Mahāvagga I, 11 - Đại phẩm.

2. Lễ ký, thiên Giao đặc sinh

3. Lễ ký, thiên Hôn nghĩa

4. Chu lễ, thiên Quan trủng tể.

5. Phan Kế Bính, sách đã dẫn, trang 77.

6. Vũ Khiêu (1997), Nho giáo và phát triển ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.146

7. Chùa Viên Minh, thuở ban đầu chỉ là một am nhỏ có tên là Sơn Môn am, nơi tịnh tu của Ni trưởng Đàm Kiên.là ngôi chùa sư

8. Nội dung chi tiết về thân thế và sự nghiệp của Sư bà Diệu Không được trình bày trong phần III “Hành trạng Chư Ni Phật giáo Việt Nam” của cuốn sách này, nên trong mục này người viết chỉ xin dón gọn những nội dung có liên quan theo dòng chảy lịch sử.

9. Chùa Diệu Viên là ngôi chùa sư nữ nổi tiếng vào bậc nhất của đất Thần kinh, nằm trên địa bàn phường Thủy Dương thuộc thị xã Hương Thủy, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 5km. Chùa Diệu Viên là ngôi chùa có lịch sử hình thành khá lâu đời. Theo cuốn Dư địa chí Huế, chùa Diệu Viên là ngôi chùa sư nữ đầu tiên tại Huế; lúc đầu chùa        chỉ là nơi thờ tự của một vị quan lớn triều Vua Tự Đức.Đến cuối đời Vua Khải Định, chùa được chuyển nhượng cho cụ bà Ưng Dinh (Ưng Dinh là tên chồng, do người Huế xưa có phong tục gọi tên người phụ nữ đã có chồng theo tên người chồng), nhũ danh là Hồ Thị Thế Anh trông coi trụ trì và từ đó chùa chỉ nhận các sư nữ. Sau này cụ bà Ưng Dinh, cùng bà Nguyễn Thị Khương và một số Phật tử đã mời Sư bà Hướng Đạo khai sơn năm 1924.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 28
    • Số lượt truy cập : 6294266