ĐỨC TÍNH VÀ PHẨM HẠNH CỦA MỘT VỊ BỒ TÁT
DIỆU HẢI
I- Dẫn nhập
Đạo Phật, ánh sáng của từ bi và trí tuệ. Ánh sáng ấy chiếu rọi khắp muôn phương để cứu người, cứu đời. Trong nguồn sáng vô tận ấy, Bồ-tát là một hình bóng thân thương, một tên gọi quen thuộc, một biểu tượng gương mẫu trong cuộc sống đạo, trong tập thể chốn Già Lam. Bồ-tát, những người con Phật, đến với đạo, hòa nhập với đời, bước theo ánh sáng nhiệm mầu của đạo, thuận theo huấn dụ đầy tình thương của đức Phật. Và chính Bồ-tát là những người xây dựng cho chính mình một điển hình gương mẫu, một cột trụ vững chắc, một thạch trụ xứng đáng cho đời, một hy sinh chơn chính cho cuộc sống đời hòa nhập với đạo. Các vị Bồ-tát ấy, trong muôn cảnh đời thực tế, với biết bao tế hạnh nhỏ nhiệm của cuộc sống, với muôn vàn phức tạp khó khăn của cuộc đời, luôn đứng vững trên hai cột trụ vững chắc của phẩm tính Bồ-tát, đó là từ bi và trí tuệ.
II- Phẩm tính Bồ-tát: từ bi và trí tuệ
1- Khái quát
Đây chính là hai hướng kiên định và chân chính của Bồ tát, người luôn tâm niệm đi trên Bồ-tát Đạo, phát bồ đề tâm, và hành Bồ-tát hạnh. Như ‘Nhập Trung luận’ dạy:
“又諸菩薩以何為因?論曰[大悲心與無二慧,菩提心是佛子因]。”1
“Hựu chư Bồ-tát dĩ hà vi nhân? Luận viết [đại bi tâm dữ vô nhị huệ, bồ-đề tâm thị Phật tử nhân]”.
“Lại nữa, Bồ tát lấy gì làm nhân? Luận nói tâm đại bi và trí bất nhị. Bồ đề tâm là tác nhân của Phật tử”.
“Bi là gì? Không muốn thấy người khác khổ. Mở rộng tâm bi cùng khắp, gọi là đại bi tâm. Đó là tâm của Bồ tát, là nền tảng của Bồ đề tâm. Nhập Trung luận nói, bồ đề tâm, đó là tâm đại bi và trí bất nhị”2.
Như thế:
“悲謂哀湣”3
“Bi vị ai mẫn”
“Bi là lòng thương xót”
Sự rung cảm trước nỗi đau của tha nhân là bi. Đó là sự rung cảm như sự rung cảm của người mẹ trước nỗi đau của con thơ.
Bồ tát đau theo niềm đau của người. Ví như, người thân chúng ta đau, chúng ta sẽ đau theo. Bồ tát không phân biệt thân sơ, nên bệnh theo cái bệnh của chúng sanh.
Tâm đại bi là cội nguồn cho tất cả mọi hạnh nguyện, ví như:
“… Trong Thắng Man, Bồ-đề tâm được phát khởi bằng đại bi. Tiếng rống sư tử của Thắng Man Phu nhân ở đây là tiếng rống của đại bi… cảnh giới Nhất thừa ở đây được tin và được hiểu chỉ bằng vào một tình yêu chân thật và rộng lớn. Trình độ phát triển về tình yêu là trình độ phát triển của nhận thức về cảnh giới Nhất thừa”.4
Bồ-tát tu tập trí bất nhị, không thiên lệch bên nào, xa lìa hai cực đoan, hiểu được thuộc tánh vô ngã của vạn hữu, vào đời không ngăn ngại, vì biết rằng sanh tử cũng chính là Niết bàn, Ta bà tức Tịnh độ. Trí bất nhị ấy cũng chính là trung đạo, là đạo lộ của chánh pháp nhà Phật.
Bồ-tát xây dựng lý tưởng, hướng đi của mình trọn vẹn trong hai phẩm tính trên.
2- Phẩm tính từ bi
Tình thương của Bồ-tát là tình thương bình đẳng, chan hòa với tất cả mọi người, không phân biệt, không tính toán, không so đo. Tình thương là một tác nhân không thể thiếu trong sự thành tựu của Bồ-tát. Một vị Bồ-tát phải biết yêu thương tha nhân, mọi hành động, việc làm của Bồ-tát đều hướng đến tha nhân. Sự có mặt của tình thương như một minh chứng cho sự hiện hữu của Bồ-tát.
Ví như:
“Với những kẻ chìm ngập trong bùn lầy của kiến chấp, người này muốn làm chiếc cầu đại pháp”5.
Cuộc sống thực tế, thường nhật của chúng ta ngày ngày trôi qua với bao khó khăn, nhọc nhằn. Bồ tát hiểu rằng chúng ta đối diện với cuộc sống, để sống còn, để hiện hữu, để tồn tại. Và để sống còn, để tồn tại, bản thân chúng ta cũng như Bồ-tát cảm nghiệm bao nỗi đau trong cuộc sống, trong đó, thực tế cho thấy mọi người cũng như bản thân chúng ta đều nếm trải những khổ đau, nên:
“Khi bạn quán xét kỹ về khổ đau, bạn sẽ thấy không chỉ riêng mình là người duy nhất chịu đau khổ, vì các chúng sinh khác cũng chịu khổ đau như vậy. Khi đó bạn nên nghĩ rằng, vì các chúng sinh khác cũng khổ đau như tôi, nên thật tuyệt vời biết bao nếu họ cũng có thể loại bỏ khổ đau và nguyên nhân gây ra khổ đau. Ước nguyện cho mọi chúng sinh khác loại bỏ được khổ đau và nguyên nhân gây ra như thế được gọi là lòng bi mẫn”6.
“→ When you carefully consider suffering, it is not only you are under its power, for other sentient beings also suffer in the same way. Then you should think that as other sentient beings are suffering like me, how marvelous it would be if they could also eliminate suffering and its causes. Such a wish for other sentient beings to eliminate the suffering and its auses is called compassion”7.
Cuộc sống với muôn vàn khó khăn, muôn ngàn bất trắc luôn có mặt, luôn hiện hữu, nhưng với Bồ-tát, người sống với lý tưởng đi vào đời, thâm nhập cuộc sống thực tế chung quanh, sẽ không có gì ngăn ngại được bước chân người, dù trước mắt là chông gai, là bão táp, một vị Bồ-tát chơn chánh, xả thân cầu đạo, nuôi dưỡng tâm từ bi để chan hòa sống trong đời, sẽ chấp nhận tất cả, sẽ đương đầu với tất cả, sẽ nhận chịu mọi nỗi đau đến với mình, không than trách, không tránh né, không muộn phiền.
Bằng tấm chân tình dạt dào từ tâm, Bồ-tát không những sẵn sàng hòa hợp với tất cả mọi người, mà đó còn là mong ước luôn muốn gần gũi, cảm thông, chia sẻ mọi điều với mọi người. Bồ-tát, hơn ai hết, là người hiểu giá trị vô bờ của sự hài hòa, hợp nhất. Bồ-tát thực hiện giáo lý Phật đà trong muôn một, trong từng sự việc nhỏ nhiệm, vi tế khôn cùng của cuộc sống. Và nếu tất cả mọi người trong cuộc sống tập thể của một nhóm người, rồi rộng hơn nữa là ra ngoài xã hội, cộng đồng, nếu tất cả mọi nhân tố trong đoàn thể đều đối với nhau bằng tất cả tấm lòng, với tất cả tâm tư chân thành, trong sự đồng cảm thiết tha, thì cuộc sống này đẹp biết bao. Để rồi, từ đây, bao hanh thông, bao lợi ích cho người, cho đời sẽ phát sinh dễ dàng, thuận lợi.Và cũng từ đây, Bồ-tát giúp người hiểu được giá trị của sự tu tập dưới ánh đạo vàng.
Do đó, để luôn luôn sống xứng đáng với danh xưng Bồ-tát, Bồ-tát phải luôn sống theo tâm nguyện một cách chân thành, ân cần trong mọi hành vi, cẩn trọng trong mọi hoạt động với tâm từ bi chiếu rọi để mong cầu lợi ích cho số đông, mang lại an lạc cho tha nhân một cách nhiệt thành, khẩn thiết.
Bởi vì, Bồ tát biết rằng:
“Bạn chỉ trở thành Bồ-tát hay con Phật [trong ý nghĩa này] khi bạn phát nguyện mong cầu giác ngộ vì người khác”8.
Như thế, con đường Bồ-tát đi, có từ bi là ánh sáng chiếu rọi tâm tư và mọi sở hành của Bồ-tát. Đại thừa Bồ-tát đạo mở ra cho Bồ-tát huân tập một tấm lòng từ bi lớn, khơi nguồn sự dấn thân lớn để giúp đời, cứu người trong mọi hoàn cảnh, trong mọi khó khăn của cuộc đời. Từ bi, một đức tính cao thượng, một phẩm chất đạo đức đáng nâng cao, một điều kiện hoàn thiện đáng được trân quý, một yêu cầu cần thiết đến tất yếu để một vị Bồ-tát huân tập cho lý tưởng cao đẹp, sống cho đời, cho người trong tất cả mọi tình huống nghiệt ngã, nan giải của cuộc sống vốn dĩ buồn thương, khó khăn đong đầy.
Với tâm từ bi, một điều kiện tất yếu ắt phải có, Bồ-tát vào đời với tất cả tấm lòng hy sinh, không câu chấp, không phân biệt, yêu thương mọi loài một cách bình đẳng, không phân chia, không tị hiềm, không so đo, không tính toán, để luôn là chỗ nương dựa cho mọi người chung quanh với tất cả tấm chân tình và sự trân trọng cần phải có. Tâm từ bi của một vị Bồ-tát sẽ không giới hạn, không gò bó trong bất cứ tình huống nào mà bản thân Bồ-tát trực diện.
Tâm từ bi của Bồ-tát chiếu rọi muôn nơi, không hạn cuộc nơi chốn, không gian nào, tất cả đối với một vị Bồ-tát đều ngang bằng với nhau, trong yêu thương, và trong chia sẻ độ lượng cùng muôn loài. Tâm từ bi ấy là ngọn đuốc soi đường cho bước chân vào đời của Bồ-tát, là ánh sáng tỏa sáng ra muôn nẻo đường Bồ-tát hiện hữu và tồn tại. Và tha nhân, những người đối mặt với Bồ-tát trên mọi nẻo đường Bồ-tát đang đi, sẽ thấm nhuần được ánh sáng từ bi trong sáng và trân quý ấy. Như ngày nào đó, đức Phật giảng pháp, tùy theo căn cơ, trình độ của mọi người khác nhau, tùy theo ý nguyện và tâm tư của người người khác nhau, mà mọi người đều được hưởng trận mưa pháp của đấng Từ Phụ của chúng ta yêu thương nhắn nhủ loài người. Thì hôm nay, ánh sáng từ bi của Bồ-tát cũng thế, Bồ-tát chan hòa tất cả, vòng tay của Bồ-tát vươn ra rộng khắp, và tất cả chúng ta đều được hưởng trọn vẹn, theo tâm thức của chúng ta đang gói trọn, theo chí nguyện chúng ta đang theo đuổi. Trong mọi sở hành, tâm từ bi của Bồ-tát sẽ mang lại muôn vàn lợi ích cho người, trong mọi sự hỗ trợ cho thực tế cuộc sống.
3- Phẩm tính trí tuệ
Bên cạnh lòng từ bi không nhằn mé, trí tuệ sáng suốt là điều kiện phải đủ cho một vị Bồ-tát. Bồ tát là tấm gương sáng cho người người noi theo trong mọi phương diện của cuộc sống này. Sự hiểu biết của Bồ-tát không đơn thuần là kiến thức ngoại điển, mà tất yếu, một Bồ-tát phải tinh thông cả kiến thức nội điển. Người Phật tử đến với Đạo cần vô cùng một hiểu biết đúng đắn về Đạo, một sự thâm nhập thật sự vào giáo pháp của Đạo để sống đúng với Đạo, để hành xử xứng đáng với đời, xứng danh là một người con Phật.
Cho nên:
“When we have developed our sense of compassion to the point where we feel responsible for all beings, we are motivated to perfect our ability to serve them. Buddhists call the aspiration to attain such a state bodhicitta, and one who has achieved it, a bodhisattva-”9.
→ “- Khi ta phát huy lòng bi mẫn đến mức độ tự mình cảm thấy có trách nhiệm đối với hết thảy chúng sanh, ta sẽ thấy thôi thúc muốn hoàn thiện khả năng của mình để phụng sự chúng sinh. Đạo Phật gọi tâm nguyện muốn đạt đến trạng thái hoàn thiện như vậy là tâm Bồ-đề, và người đã phát tâm như vậy là một vị Bồ-tát”10.
Và Phật tử đến với Đạo, cầu mong ở những người có thể hướng dẫn họ đi đúng đường, bước đúng hướng. Điều này nói lên được sự cần thiết đến nghiêm trọng của người Phật tử, mà Bồ-tát chúng ta là một trong những thành viên phải đáp ứng được những khẩn cầu này. Cho nên, cũng xuất phát từ lòng từ bi làm nền tảng cho mọi hạnh lành, cho sứ mệnh cao cả hộ đời giúp Đạo, người Bồ-tát phải có được một sự thâm hiểu Phật pháp xác đáng, đúng đắn, hầu đem lại lợi ích cho chính bản thân Bồ-tát, và hướng dẫn cho người khác đi đúng đường. Với hiểu biết đúng đắn về con đường đang đi, trực nhận thâm sâu về giáo pháp, Bồ-tát hiểu được tính chất vô thường, giả tạm của vạn hữu, hữu tình cũng như vô tình, tâm pháp cũng như sắc pháp, để không bám víu vào những ảo tưởng, mộng mị của cuộc đời.
Sự nhận chân sâu sắc này giúp Bồ-tát đi vào cốt lõi của Đạo một cách hanh thông, uyển chuyển, và hòa nhập vào đời một cách dễ dàng, hợp lý. Bồ-tát biết rằng cuộc sống này, tấm thân này, muôn sự trên cuộc đời này đều thoáng chốc, đều trôi chảy, đều tan rã như váng nắng chiều, đều xoay chuyển đổi thay như ngọn sóng đầu ghềnh, như dòng suối chảy không phút giây ngừng nghỉ. Và như thế, Bồ tát trong muôn ngàn tế hạnh của cuộc sống thường nhật không bám víu vào bất cứ gì, không rượt đuổi theo bất cứ đam mê rồ dại nào, không quay cuồng theo bánh xe quay của danh vọng, ham muốn tầm thường, để rồi tâm mình phải chạy theo những khổ đau, những ray rứt phi lý bám lấy không rời. Trí tuệ của Bồ-tát thắm đượm sắc vị ngọt ngào của hương hoa chánh pháp, nên người vào đời mà không bị thay đổi bởi những ô nhiễm của đời, người vào đời mà luôn giữ được hương vị thanh cao của chánh pháp, và có như thế, đạo và đời dung thông nhau, hòa lẫn vào nhau, một cách hài hòa, nhịp nhàng đầy Đạo vị. Tinh thần dung thông ấy cũng chính là trung đạo của nhà Phật chúng ta. Nhà Phật chúng ta yêu thương muôn loài, có mặt trong đời để mang lại tình thương, để xoa dịu cơn đau, nỗi khổ của muôn loài, và để hoàn thiện hoài bão này, nhà Phật đã đi sát sao theo con đường trung đạo ấy. Bồ-tát hiểu đạo, thương đời, tiếp nhận chánh pháp trong niềm tin, trong trí tuệ hiểu biết, để giúp cho chính bản thân mình, và để giúp đời nhịp nhàng hơn, hiệu quả hơn trong lý tưởng sống.
Bồ-tát với đôi cánh từ bi và trí tuệ trong sáng ấy sẽ sống xứng đáng với tên gọi của chính mình, xứng đáng để người Phật tử tin theo và nương dựa. Trí tuệ ấy của Bồ-tát phải được xây dựng trên cơ sở chánh pháp rõ ràng, chơn chánh, để không đi lạc vào con đường của mê tín, dị đoan, niềm tin hão huyền. Hơn ai hết, Bồ-tát hiểu rằng ánh sáng của Đạo phải chiếu sáng một cách quang minh, chính trực, nên Bồ-tát luôn đến để thấy, đến để thẩm xét, đến để tư duy, lượng định, để niềm tin trí tuệ của chính bản thân mình không rơi vào những ngộ nhận đáng tiếc, để không từ những ngộ nhận đáng tiếc này mà hành xử sai trái, sống không định hướng, đi những bước đi lạc lối, mê mờ.
Trí tuệ của Bồ-tát luôn soi đường cho bước đi của hành giả một cách rõ ràng, ngăn chặn được những sai quấy do hiểu sai đạo, do lầm tưởng về bản chất của cuộc đời. Và trí tuệ ấy cũng chính là niềm tin vững chắc đối với Bồ-tát. Bồ-tát tin vào đạo, để rồi tin chính mình, tin chính cuộc đời để sống yêu thương, để chan hòa chia sẻ với tha nhân một cách thân tình, đầy nhiệt huyết, cảm thông. Trí tuệ ấy hòa nhập thâm sâu vào trong Bồ-tát, khiến Bồ-tát tưởng chừng như nó không tồn tại, tưởng chừng như quên lãng, nhưng không, đó là cái quên nhập thể, như người lái xe quên bài học lái xe, như bao tử quên nhiệm vụ nhào nặn thức ăn, như người tu hạnh bố thí quên đi chuyện mình bố thí, quên đi đối tượng được mình bố thí, quên đi vật phẩm mà mình vừa bố thí, mà vẫn thực hiện hạnh bố thí tròn đầy.
Con đường Bồ-tát đi, phải đâu tràn lấp ngàn hoa tươi thắm đượm màu, mà tất yếu cũng đầy gian nan, mệt mỏi không rời, nhưng Bồ-tát luôn mai phục trước cho mình chiếc áo giáp vững chãi của lòng từ bi và trí tuệ bình đẳng trước muôn sự và trước muôn loài.
Chiếc áo giáp từ bi và trí tuệ đó sẽ giúp Bồ-tát vượt qua bao khó khăn trên con đường nhập thế, trên bước đường hành đạo, trong nhiệm vụ cao cả hoằng dương chánh pháp không ngừng nghỉ, không buông lơi, không lùi bước, an nhiên, tự tại trước mọi chông gai, trước mọi hiểm nguy đang trực diện trước mắt người.
III- Kết luận
Tóm lại, chúng ta cần một trí tuệ để hiểu cuộc đời, nhưng chúng ta cũng mong đợi thiết tha một trái tim nồng ấm, độ lượng để yêu thương cuộc đời.
Phẩm tính của Bồ-tát cũng là cội nguồn thành tựu của chư Phật, trân quý và cao đẹp biết bao. Chư vị Bồ-tát đi trên Bồ-tát đạo, đạo lộ ấy chư Phật cũng đã đi qua, dấu chân chư Phật vẫn còn in dấu trên vạn nẻo đường tầm đạo, học đạo và chứng đạo, để đàn con Phật hôm nay và ngày mai tiếp gót bước chân Ngài tìm về mái nhà xưa ngày ấy.
Tất cả tư lương của Bồ-tát là thế, tất cả kỹ năng của Bồ-tát là thế, người sống trong đời, hòa nhập trong đạo với ngần ấy hành trang, với ngần ấy chuẩn bị, khó khăn, trĩu nặng đôi vai, nhưng vẫn tự tại, khiêm cung, và đong đầy tình thương cho người, tràn lấp ánh sáng quang minh chiếu rọi không ngằn mé, buông thư nhẹ nhàng, để rồi bước đi những bước đi vững chãi, đầy thần thái uy nghi của một vị Phật tương lai đem nguồn sống đến cho đời, cho Đạo, trong ánh hào quang của chư Phật đã, đang và sẽ rọi chiếu muôn đời và khắp muôn nơi.
1. 入中論 自釋 卷一 viewed 04-09-2021, from: https://www.lama.com.tw/content/edu/data.aspx?id=1723.
2. Tuệ Sỹ (2010)Yogācārabhūmī Bodhisattvabhūmiḥ Śīlapaṭalam-Du-Già-Bồ-Tát giới, NXB Phương Đông, tr. 98.
3. Sđd, 入中論 自釋 卷一.
4. Tuệ Sỹ (2012) Śrīmālā-siṃhanāda-sūtra-vyākhyā, Thắng Man giảng luận, NXB Phương Đông, tr. 77-78.
5. Thắng Man giảng luận, Sđd, tr. 49.
6. Three Princial Aspects Of The Path, Đức Đạt-Lai Lạt-Ma XIV, Ba điểm tinh yếu trên đường tu tập, Tiểu Nhỏ dịch, trình bày song ngữ Anh-Việt, NXB Tôn Giáo, 2015, tr. 24.
7. Three Princial Aspects Of The Path, Sđd, tr. 25.
8. Three Princial Aspects Of The Path, tr. 32.
9. An open hear –practicing compassionin every life, Đức Đạt Lai Lạt Ma XIV, Rộng mở tâm hồn - Tu Tập Từ Bi Trong Đời Sống Hằng Ngày, Nguyễn Minh Tiến-Ngọc Cẩm dịch, NXB Tôn Giáo, 2014, tr. 222.
10. Rộng mở tâm hồn - Tu Tập Từ Bi Trong Đời Sống Hằng Ngày, Sđd, tr. 223.
Bình luận bài viết