Thông tin

ĐỪNG ĐỂ LƯƠNG TÂM BỊ NHẪN TÂM THA HÓA

 

NGUYỄN THANH VŨ

 

 

Câu chuyện tôi chứng kiến tại bệnh viện. Một bệnh nhân nữ trạc 70 tuổi nằm cạnh giường mẹ tôi. Dù lớn tuổi, gầy gò nhưng trông bà còn khỏe mạnh lắm. Điều đó thể hiện qua đôi tay, đôi chân chai sần, gầy guộc nhưng vững chắc. Suy nghĩ của tôi đã đúng. Con bà kể, bà là người phụ nữ lam lũ, chịu thương chịu khó ngay từ lúc còn nhỏ. Rồi khi về nhà chồng, bao nhiêu chuyện lớn nhỏ trong nhà đều một tay bà quán xuyến. Chuyện gì chồng làm được, bà cũng tháo vát không thua kém gì. Dù là một người phụ nữ, nhưng những công việc của đàn ông như bồi bùn, cuốc đất, vác lúa, cày cấy... bà làm rất tốt.

Gia cảnh nghèo khó, nên gần 70 tuổi, bà vẫn không nghỉ ngơi. Rời bỏ làng quê bình yên, bà theo con gái lên thành phố để trông cháu và đi bán vé số. Bà rất chịu khó, dù mưa gió bà vẫn bươn chải qua từng ngõ hẻm để bán nốt 500 vé mỗi ngày. Một con số rất lớn trong thời buổi dịch bệnh và thời tiết mưa nắng thất thường. Cứ sau giờ xổ số, mua vé dò xong là bà bước đi thoăn thoắt để tìm đến các mối quen, các vị khách lạ để mời số. Lúc nào bà cũng về nhà gần 23 giờ. Ngủ chưa đủ giấc, 5 giờ sáng bà đã thức dậy ra phố giữa trời đầy sương, tối om, lạnh lẽo. Những ngày mưa nặng hạt, nhiều người nghỉ bán, trả vé ế, nhưng bà thì lủi thủi trong gió mưa với chiếc áo mưa mỏng dính mời vé số. Nhưng trời thương, từ lúc bán vé số dạo, bà ít có cảm bệnh nghỉ bán ngày nào, cũng chưa từng xảy ra những chuyện xui rủi: giật vé, rút vé, đổi số giả... Có lẽ do bà kỹ tính, lại rút kinh nghiệm từ những người đồng nghiệp nên luôn cẩn thận với những khách hàng đáng nghi ngờ.

"Thế sao bà nhập viện vậy chị?" - tôi hỏi cô con gái bà với vẻ mặt buồn buồn. Chị kể, tối chủ nhật, bà đi bán về khuya, rồi bị một gã lái xe ẩu tông từ phía sau gãy chân phải đưa vào bệnh viện cấp cứu. Lúc đầu, bác sĩ chỉ định băng bột, nhưng do máu ra nhiều nên buộc lòng phải mổ. Gã tài xế đó cũng mất dạng. Thật nhẫn tâm. Gia cảnh nghèo lại mắc cái eo. Nhưng cũng nhờ tình người, bà con khu trọ góp mỗi người một ít tặng, mượn để bà có tiền mổ chân. Dòng họ cũng đến thăm, mỗi người gửi một phong bì, sữa, trái cây... Nhờ vậy mà bà được lên bàn mổ. Dù vậy, mỗi ngày ở bệnh viện tốn rất nhiều chi phí nên nỗi lo âu chất chồng lên cô con gái duy nhất của bà. Tôi thấy chị gọi điện liên tục, hỏi mượn người này, người kia để trù bị. Đôi lúc chị vui khi hỏi mượn được tiền, nhưng có khi mặt bí xị vì bị người bạn từ chối thẳng. Có người trong bệnh viện bày chị chụp hình mẹ mình đưa lên mạng xã hội kêu gọi mọi người giúp đỡ nhưng chị lắc đầu: "Chị không thích người ta rêu rao rằng mình lợi dụng lòng thương hại, rồi sợ kẻ xấu lấy hình ảnh mẹ chị để trục lợi".

Cách đây ít hôm, con gái bà cụ bán vé số hấp tấp chạy xuống cổng bệnh viện, rồi khoảng 30 phút sau trở lên với gương mặt tươi tắn. Khác với thường ngày ủ rũ, chị cười nói huyên thuyên với mẹ mình. Trên tay chị đầy ắp những bịch trái cây, sữa, thực phẩm đóng gói... Hóa ra, gã đụng xe bà cụ hôm bữa đã tìm đến nói lời xin lỗi và gửi 40 triệu đồng để chị lo viện phí và nuôi bà cụ ăn uống. Gã cũng không giàu có gì, nên giây phút hoảng hốt đã vội rồ ga bỏ chạy vì sợ bà cụ chết, sợ bồi thường, sợ ở tù... Rồi như lương tâm thúc giục, buộc gã phải suy nghĩ lại hành động sai trái của mình. Một tuần lễ tự vấn, gã đã chiến thắng sự nhẫn tâm, quyết định đi tìm địa chỉ bà cụ để xem tình hình. Gã không quên vay 40 triệu đồng để bồi thường. Cũng may mắn là bà cụ không nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng có lẽ là hồi phục khá lâu. Chị bỏ qua sự việc, không truy cứu trách nhiệm trước pháp luật.

Sự thật thì thời buổi bây giờ, đạo đức, lương tâm của một số người bị tha hóa. Họ sẵn sàng "ác" vì lợi ích cá nhân, vì sự nhẫn tâm đang chiếm hữu trong tâm trí. Truyền thông đã đưa tin rất nhiều về những vụ tai nạn mà nghi phạm bỏ chạy, để lại nạn nhân nằm thoi thóp, kêu gào thống thiết. Và không ít trường hợp, nạn nhân qua đời vì không được đưa đến bệnh viện cứu chữa kịp thời. Câu chuyện của tôi có lẽ cũng khá hiếm gặp nhưng rất mừng là hiếm nhưng nó đã diễn ra. Cộng đồng rất cần những người biết sửa chữa sai lầm như thế (dù chậm nhưng chưa muộn) để xã hội giảm bớt đi sự vô cảm, nhẫn tâm. Từ đấy nuôi dưỡng lương tâm lớn dần, lớn dần, lan tỏa. Một khi lương tâm đã chiến thắng nhẫn tâm thì ắt trong những vấn đề nguy khốn, khó khăn, người ta sẽ sống bao dung, độ lượng hơn là bỏ mặc, trốn chạy.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 9
    • Số lượt truy cập : 6058783