ĐỪNG VỘI PHÁN XÉT GIÀU - NGHÈO KHI TỪ THIỆN
ĐẶNG TRUNG CÔNG
Trong cơn đại dịch Covid-19 này, có nhiều cá nhân, hội nhóm, tổ chức các chương trình từ thiện cho những hoàn cảnh khó khăn. Đó là một nghĩa cử nhân văn với đồng bào, với dân tộc. Tuy nhiên, đằng sau những chương trình ấy còn những ồn ào tranh cãi quanh chuyện giàu - nghèo. Một vài nhóm thiện nguyện, khi đã phát quà xong đăng hình lên mạng xã hội Facebook phản ánh, kèm theo hình ảnh, rằng những người giàu đi giành ăn với người nghèo. Những lời cay nghiệt trên dòng stasus thật sự đau - đau cho những người đã đi nhận quà bị đưa hình ảnh lên đó. Thêm nữa, những lời bình luận bên dưới châm dầu vô lửa. Có bình luận rất thiển cận, đại loại rằng: “Đã có tiền mua xe gắn máy, xe tay ga, xe điện, đeo vàng... còn chạy đến giành các phần quà trị giá không hơn 200.000 đồng là tham lam, trơ trẽn, không biết nhục nhã...”. Đã có tâm từ thiện, có lòng san sẻ yêu thương thì ta nghĩ đến những mối phức tạp ấy làm gì?
Thật ra, rất khó để chúng ta có khái niệm, hoặc đánh giá về mức độ giàu - nghèo đầy đủ (trừ giới siêu giàu). Thậm chí, có những trường hợp nằm trong diện hộ nghèo cũng chưa hẳn là họ nghèo đến tận cùng khốn khổ. Tôi cũng là người từng tham gia, tổ chức rất nhiều hội nhóm từ thiện, tôi hiểu rất rõ về những bực tức ấy. Nhưng nhóm chúng tôi không quan tâm. Mình làm là vì lòng yêu, nên đừng bận tâm đến những góc tối. Trong lúc từ thiện, bao giờ cũng có những mặt hạn chế, hạt sạn nhỏ nhặt để lại. Sau những chuyến đi, chương trình từ thiện sẽ là những bài học để chúng ta trưởng thành hơn, làm tốt hơn.
Có những người chạy xe máy lại điểm tập kết lấy quà, bạn đừng vội cho rằng họ có điều kiện. Sai lầm đấy. Không phải trường hợp nào dùng phương tiện đó cũng đủ ăn đủ mặc đâu (gọi họ giàu có lại càng sai). Đối với công nhân xa quê, mức lương đủ sống, họ phải trả góp cả năm trời mới mua được một chiếc xe gắn máy để đi làm đấy. Và trong thời gian thất nghiệp này, phải lo trăm thứ, họ đi xin gạo, mì, tiền có gì đáng xấu hổ? Việc đeo vàng cũng không hẳn là giàu. Một hai chỉ vàng (đôi khi chỉ là nữ trang xi) liệu có đủ ăn đủ mặc. Có thể đó là cả nửa năm lương của công nhân dành dụm mua đeo để phòng thân lúc ốm đau. Cũng có một số người đi bộ, đi xe đạp cà tàng tới nhận quà, đừng vội cho rằng họ nghèo đến mức không có tiền mua xe máy, mua vàng. Lại sai lầm. Đôi khi họ lớn tuổi, hoặc không biết sử dụng xe máy, phải đạp xe đạp đi nhận hàng từ thiện. Thêm nữa, cũng có số dù nhà cửa xập xệ nhưng họ có thừa đất định canh hoặc định cư đấy (trong khi người xa quê đi làm, có một hai chiếc xe máy trả góp, nhưng lại ở nhà thuê). Cứ nhìn các cô, các bác xa quê đến sinh sống bằng nghề nhặt, thu mua ve chai là cho rằng họ nghèo. Ồ không đâu, có thể nơi quê nhà họ khấm khá, hoặc họ đã tích cóp mua đủ một miếng đất nho nhỏ chốn thị thành.
Tất nhiên cũng có những thành phần không có lòng tự trọng, giả nghèo, hoặc ăn mặc chỉn chu, chỉ chờ những hoàn cảnh thế này để đi lấy quà về chất chật nhà. Họ khoác lên mình chiếc áo cũ ngả màu cháo lòng, đi bộ, mang đôi dép mòn như dao lam, khiến ai cũng thương cảm.
Nói không phải lên án hay bênh vực bất cứ ai, mà nói để mọi người biết tất cả chúng ta nhìn thấy chưa hẳn là đúng, là thật 100%. Chúng ta cứ làm tốt đi, trong điều kiện mình cho phép đi, rồi sẽ nhận lại được những hạnh phúc đáng có. Tôi thích câu nói của một bạn trên Facebook bình luận trung lập: "Mình không sống trong hoàn cảnh của người ta sao hiểu hết được giá trị ấy. Thì cứ cho đi, như đúng với ý nghĩa tinh thần hai chữ TỪ THIỆN. Nếu họ có tâm tính xấu thì ắt họ sẽ gặt tiêu cực thôi. Còn nếu mình lỡ nghĩ xấu về một hoàn cảnh nghèo khó thật sự, đó là lúc chính bản thân mình chưa đủ duyên để phát tâm từ thiện đâu".
Bình luận bài viết