Thông tin

ĐƯỜNG VỀ CÕI MỘNG

 

PHAN CÁT TƯỜNG

 


 

Cõi mộng” thường được xem như một triết lý thuần túy phương Đông. Trang Tử nói mộng, Lý Bạch nói mộng, kinh Phật thì bàng bạc cõi mộng:

Nhất thiết hữu vi pháp

Như mộng, huyễn, bào, ảnh

Như lộ, diệc như điển

Ưng tác như thị quán.

(Kinh Kim Cang)

Dịch

Tất cả pháp hữu vi

Như mơ, như ảo, như bọt, như bóng

Như sương và như chớp

Nên quán sát như vậy.

Nhưng không vì thế mà mộng được xem là “đặc quyền” của triết học phương Đông. Ở trời Tây, các vị tổ khai sáng triết học phương Tây cũng nhìn trần gian là một giấc mộng miên trường.

MỘNG CỦA PLATON

 


 

Platon (427-347 TCN) là một cây đại thụ của triết học Hy Lạp cổ đại. Cùng với thầy là Socrates và học trò là Aristoteles, Platon đã xây dựng được nền móng vững chắc cho ngôi nhà triết học Tây phương mà bóng đổ của nó vẫn là niềm kiêu hảnh của hơn một nửa nhân loại cho đến hôm nay.

Nếu như Socrates là “người không lồ” - với chén thuốc độc trên tay - đã dám bẽ cong con đường Triết học cổ đại từ phía thần linh về phía con người với tư tưởng “Hãy tự biết chính mình”, thì Platon lại làm một việc có vẻ như thách đố với thầy mình.

Platon nhìn trần gian là cõi mộng. Tất cả chỉ là cái bóng mờ của sự hiện hữu phía sau lưng con người.“Chân lý nằm ở góc khuấtphía sau”… Tư tưởng này đã được Platon gửi gắm trong “Dụ ngônvề cái hang” ở tập thứ 7 của “The Republic” (Cộng hòa), tác phẩm tiêu biểu của ông. Đây là đoạn đối thoại về bản chất của sự nhận thức pháp giới mà Platon đã mượn lời nói của Socrates và Glaucon để minh họa cho tư tưởng mình.

Socrates: Và giờ - tôi nói - để tôi trưng ra một hình ảnh cho thấybản chất của chúng ta là được khai sáng hay không được khai sáng tới đâu: Nhìn kìa! Loài người sống trong một cái hang dưới lòng đất, miệng hang mở, hướng về phía ánh sáng và ánh sáng chiếu dọc theo hang; họ đã sống tại đây từ bé, chân cũng như đầu bị xích nên không thể cử động, và chỉ có thể nhìn ra phía trước mặt, vì xích ngăn không cho họ ngoái đầu. Ở trên cao và phía sau họ, phía xa xa, là một ngọn lửa bập bùng, giữa ngọn lửa và các tù nhân có một lối đi nhô lên, và anh sẽ thấy, nếu nhìn kỹ, có một bức tường thấp xây dọc theo lối đi ấy, giống như bức màn mà những người diễn rối vẫn có trước mặt họ, qua đó họ biểu diễn rối cho chúng ta xem.

Glaucon: Tôi thấy.

Socrates: Và anh có thấy - tôi nói - có những người đi dọc theo bứctường, đem theo đủ các loại bình, tượng cũng như hình thú vật làm từ gỗ, đá, và nhiều chất liệu khác, những hình ảnh này hiện ra bên kia bức tường? Một vài người đang trò chuyện, một số khác thì im lặng.

Glaucon: Anh đã cho tôi xem một hình ảnh kỳ lạ, và những tùnhân này cũng kỳ lạ.

Socrates: Giống chúng ta thôi - tôi đáp; và họ chỉ thấy bóngcủa chính mình, hoặc bóng của nhau, do ánh lửa hắt lên bức tường đối diện của cái hang?1.

Platon quan niệm rằng con người luôn bị trói buộc trong những điều kiện hữu hạn về nhận thức. Họ chỉ có thể nhìn thấy một phía giống như những tù nhân trong lòng đất, chỉ thấy được cái bóng của mọi vật hắt lên bức tường trước mặt mà không hay biết về bản chất thực của chúng. Vì thế, tất cả những gì mà con người cảm nhận được chỉ là thế giới ảo mà thôi.

Một cõi mộng sinh ra từ nhân duyên: Lục căn tiếp xúc với lục trần sinh ra lục thức. Đó là một đường thẳng được định dạng bởi nghiệp thức của con người. Platon đã ví con đường này là con đường hầm giam hãm nhận thức, khiến người ta không thoát ra khỏi cái thấy biết trong vọng tưởng của mình.Và như thế, con người luôn sống trong cõi mộng, bỏ lại cõi thực của những “Idea” (thuật ngữ chỉ chân lý tuyệt đối của Platon) ở phía sau lưng mình.

Platon đã đặt con người giữa hai bức tường hư ảo. Một bên là bức tường với những “Form” mô thức, là con rối với những hình nộm được dựng nên từ những “Idea”. Bên kia là cái bóng của con rối với những “Illusion” (ảo ảnh), chỉ là cái minh hoạ khiếm khuyết của con rối bên này.

MỘNG CỦA TRANG TỬ

 


 

Gần một thế kỷ sau Platon, Trang Tử của phương Đông cũng đã diễn tả cõi mộng của mình bằng “Trang Chu mộng hồ điệp”, một đoạn văn bất hủ trong thiên Tề Vật luận của Nam Hoa Kinh:

Tích giả

Trang Chu mộng vi hồ điệp

Hủ hủ nhiên hồ điệp dã

Tự du thích chí dư

Bất tri Chu chi mộng vi hồ điệp dư

Hồ điệp chi mộng vi Chu dư

Chu dữ hồ điệp tắc tất hữu phận hĩ

Thử chi vị vật hoá2.

Dịch

Ngày kia

Trang Chu nằm mộng thấy mình hóa bướm

Bướm bay phấp phới

Thích thú vô cùng

Tỉnh dậy

Không biết Chu hóa bướm

Hay bướm hóa Chu

Chu với bướm đều có thân phận

Đó là vật hóa.

Khi Trang Tử vừa tỉnh mộng thì lại lửng lơ giữa mộng và thực, không biết là Chu đã hóa thành bướm hay bướm đã hóa thành Chu. Trang Tử bay qua lại giữa “Bướm” và “Chu”. Platon lửng lờ giữa “Form” và “Illusion”. Hai triết gia Đông Tây có thể chưa một lần gặp mặt nhưng thẳm sâu trong tư tưởng mỗi người là một bầu trời hiu hắt của giấc mộng tồn sinh.

MỘNG CỦA DUY MA CẬT

 


 

Nhưng đó không phải là hai nhà hiền triết cô độc trên hành trình “Mộng” và “Thực”. Bên cạnh họ còn có Duy Ma Cật, một vị Bồ tát ẩn danh đã xuất hiện cùng thời với đức Phật và khai thị cho hàng đại đệ tử của Phật bằng sự im lặng sấm sét (mặc như lôi). Trong phẩm Đệ tử (thứ 3), Ngài Tu Bồ Đề kể lại câu chuyện khiến ông không thể đến thăm bệnh Duy Ma Cật.

Duy Ma Cật nói: Ông TuBồ Đề, xin ngài hãy cầm lấy bát, đừng sợ. Ý ngài nghĩ sao, như đức Như Lai có tạo ra những người ảo hóa, nếu tôi đem việc ấy mà hỏi ngài, ngài có sợ chăng?”. Con đáp lại: ‘Không sợ’. Duy Ma Cật liền nói: Tất cả các pháp dường nhưtướng ảo hóa, nay ngài không nên sợ chi cả. Tại sao vậy? Tất cả lời nói cũng chẳng lìa khỏi tướng ảo hóa ấy3.

Platon với “Dụ ngôn về cái hang” đã phơi bày thân phận con người trong thế giới của những cái bóng mờ hư ảo. Trang Tử với “Mộng hồ điệp” đã đánh thức con người rằng cuộc đời chỉ là chuyện phù du trong giấc mơ của một cánh bướm mà thôi. Và Bồ tát Duy Ma Cật qua đối thoại với Tu Bồ Đề đã ra tuyên bố: “Tất cả các pháp dườngnhư tướng ảo hóa” để đưa con người ra khỏi tham đắm, si mê.

Như vậy, cả ba nhà hiền triết Đông Tây đều xác nhận rằng thế giới này đều hư ảo, nhưng liệu họ có giấu diếm chúng ta về một “sự thực” mà họ đã chứng ngộ hay không? Liệu còn có cái gì tồn tại song song với bản chất hư ảo mà họ đề ra hay không? Có thể đang hiện hữu một cái gì đó rất thực, làm nền tảng cho nhận thức về sự hư ảo này! Tôi tin là có, tạm gọi nó là Tuệ giác, nhưng do không đủ ngôn ngữ diễn đạt nên Tuệ giác chỉ có thể “ngộ”, chứ không thể giảng giải như giảng giải về “thế gian mộng” vậy!

Dù sao đi nữa, thì Platon cùng với Trang Tử và Duy Ma Cật đã cùng nhau viết lên một bản kinh về thực tướng của pháp giới mà mỗi người trong chúng ta cần phải đọc tụng hàng ngày.

 


1. Bản dịch từ tiếng Anh của Benjamin Jowett, Nhà xuất bản Vintage, 1991.

2. Tề vật luận (Nam Hoa kinh)

3. Phẩm Đệ tử (Duy Ma Cật kinh do Đoàn Trung Còn & Nguyễn Minh Tiến dịch từ bản Hán văn).

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 7)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 6)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 18
    • Số lượt truy cập : 6703339