Thông tin

DUYÊN TU PHẬT

 

BÙI MINH ĐỨC

 


 

Theo như Ba kể Ba rất sợ chuột. Sợ chuột nên Ba không theo học ngành Y mà theo ngành Kỹ Sư Thủy Lâm. Theo một nghề hầu như được chỉ định hay hướng dẫn bởi cái sợ. Sợ như vậy có thể xem như cái Duyên. Cái duyên từ đầu, cái nhân duyên nó sẽ đưa đẩy đến bao nhiêu vấn đề, bao nhiêu chuyện khác sẽ được kể sau này.

Sợ nó nằm trong thân, trong tâm tư không biết tự hồi nào, muốn từ nó hay muốn nó có cũng không được. Sợ là một sắc thái, một khía cạnh của thân tâm có liên hệ với hiện tại và quá khứ. Cái thân tâm có liên hệ được tạm gọi là cái Nghiệp. Nghiệp thường đi chung hay hỗ trợ cho nghề, từ đó mới có nghề nghiệp. Nghề bỏ nghiệp thành ra thất nghiệp.

Bên cạnh cái Sợ thuộc về Nghiệp, một khía cạnh khác của Nghiệp là cái Thích. Thích ăn, thích uống, thích cờ bạc, thích nữ sắc vân vân… Thích tùy thuộc từng người, cái sở thích. Không giống sợ, cường độ ít thay đổi, thích có cường độ thay đổi tùy người từ ít đến nhiều. Nhiều thích thành đam mê, nghiện, ghiền.

Ba kể Ba có hai cái thích chánh. Thích tập võ và ghiền hút thuốc lào.

Tập võ. Vào thời của Ba chưa có câu lạc bộ để tập võ, Ba phải trốn nhà để đi tập. Chắc có nhiều lý do để thôi thúc Ba luyện tập. Tập võ để vận động tay chân. Tập võ để tự vệ, luyện tập chiến đấu, hóa giải bạo lực từ bên ngoài hay trong chính bản thân, tập Võ còn để hóa giảm cái sợ khi chiến đấu.

Nhờ tập võ, Ba có quen nhiều võ sư nổi tiếng, trong số đó có Ông Hàn Bái. Đồ đệ của Ông vào Saigon mở trường dạy một thời với tên Hàn Bái đường.

Hút thuốc lào đeo đuổi Ba suốt đời. Từ nhỏ, khoảng ba, bốn tuổi Ba đã được ông nội tập cho hút thuốc. Hút thuốc lào cần phải có dụng cụ đặc biệt. Một bình, xe điếu, que diêm.

Một biểu lộ khác của nghiệp là cái tánh. Tánh ngay thẳng, gian dối vân vân… Tánh của Ba rất ngay thẳng.

Nghiệp của Ba nói chung là tương đối ít bị dính mắc vào cái thích. Cuộc đời sẽ diễn biến theo cái nghề kỹ sư thủy lâm mà tiến hành.

Nghề kỹ sư của Ba được người Pháp đào tạo tại Hà Nội, bản xứ để thay thế các viên chức người Pháp về hưu. Ba ra trường đi hành nghề tại các nhiệm sở đã có sẵn, phần lớn ở vùng rừng núi miền thượng du ngoài Bắc. Thời bấy giờ chưa có xe hơi phải dùng ngựa để di chuyển lúc hành nghề.

Hành nghề được ít lâu ở ngoài Bắc, Ba được thuyên chuyển vào Nam. Trước khi di chuyển vào Nam, gia đình của Ba đã có mười người, cha mẹ và tám đứa con. Lúc khởi hành bằng xe hỏa, khởi hành lúc đêm, gia đình lại tháp tùng thêm hai người chị Vú, anh con nuôi và năm con chó săn chim.

Nhiệm sở mới nằm ở vùng xa xôi miền Nam vùng Hậu Giang, nơi chính xác có tên là Gò Quao, địa điểm cách tỉnh gần nhất là Rạch Giá. Trụ sở nằm cạnh bờ sông, sông này có tên là sông Cái Lớn rất rộng và chiều ngang rộng hơn cây số. Sông đổ ra biển phía Tây Bắc tại vịnh Rạch Giá. Sông vì đổ ra biển nên mùa nước lớn nước biển tràn vào khá xa, loại cá nào không chịu mặn bị chết nổi lên lềnh bềnh.

Nhà của sở được xây bằng gạch, gồm nhà để làm việc và cạnh bên là nhà để ở. Nhà ở thuộc loại nhà sàn để tránh nước ngập, đặc biệt cạnh bên có xây thêm một bồn nước khá lớn có nắp đậy để chứa nước mưa. Nước ở đây có rất nhiều, xung quanh nhà toàn là sông rạch nhưng nước không uống được, nước lợ mặn nên nhà nào cũng phải trữ nước mưa để dùng. Nhà bếp cách nhà chính một khoảng, nhà vệ sinh cách nhà khá xa, một hàng cây tràm khá cao dọc theo con đường nhỏ đưa đến nhà vệ sinh nằm trên bờ sông cạnh một cây đa, nhà cầu rất sạch phân thải rơi xuống nước không còn với bầy cá chốt, một loại cá nhỏ dài độ đốt ngón tay, đầu có xương ngạnh nhọn bén. Xung quanh nhà lưa thưa vài nóc nhà mái ngói hoặc mái bằng lá dừa nước, xa hơn nữa phía bên kia bờ sông có rừng U Minh.

Gần nhà không có trường cho ba anh lớn, Ba phải lo chỗ ăn học trên tỉnh Rạch Giá. Hè đến các anh chèo ghe tam bản về thăm nhà.

Đời sống ở Gò Quao tạm ổn định, Ba đi làm còn Mẹ ngoài nhiệm vụ nội trợ còn đi buôn thêm. Bây giờ là lúc cuối năm gần Tết, Mẹ đi thu mua dưa hấu. Dưa hấu chứa đầy nhà để sau đó bán lại. Dưa muốn giữ lâu, ruột màu đỏ đậm cần phải được trồng với phân cá. Ngoài dưa Mẹ còn buôn mắm cá lóc. Cá được đánh vảy bỏ đầu, ruột để vào lu lớn một lớp cá một lớp muối, giữ ít lâu thành mắm. Mắm và rau là món ăn đặc sản của vùng sông nước của Gò Quao của vùng Hậu Giang và của cả miền Tây.

Từ trụ sở Gò Quao Ba thường đi tuần du bằng ghe tam bản vắng nhà vài hôm. Đây là dịp Ba giao tiếp với nhiều người mới, trong số đó có một người khác thường,đó là chú Ba.

Chú Ba tuổi khoảng bốn mươi, thân người vạm vỡ như lực sĩ cử tạ nhưng lạ thay lúc đi học ở vùng núi Tà Lơn bên Campuchia mỗi ngày chỉ được ăn một chung gạo và sau đó cũng ăn uống bình thường không nhiều hơn. Chú học nội công học gồng dao búa chém không đứt. Ngoài ra Chú còn học cách dùng bùa phép, nhiều pháp thuật khác, đặc biệt là phép bắt ma, thuật luyện thiên linh cái. Chú đã chỉ dạy Ba một vài thứ.

Sau chuyến tuần du Ba có đem về một vài thứ. Có lần là một con dê. Con dê bắc thảo dê đực màu đen không sừng, nó hay phóng lên cụng đầu. Dê này cho hợp đàn với bầy dê cái có sẵn để có dê con sau này cho sữa. Lần khác là một con gà trống, gà cựa gà đá. Trong làng có chỗ đá gà, trường gà mỗi con được nhốt trong lồng riêng, dân làng tụ lại đông đảo xem đá gà. Dân làng ở đây một năm chỉ làm việc sáu tháng trong vụ mùa, thời gian còn lại rong chơi coi đá gà. Ba rất thích nuôi gà đá, thích vẻ đẹp hùng, cách đấu của gà nhưng không thích đá gà để ăn thua cờ bạc. Gà đá vùng Hậu Giang có cựa lớn hơn gà che nhưng nhỏ thó hơn gà đòn, không cựa to con cổ lớn xuất hiện ở miền Đông và Nam trung phần. Nuôi gà phải lắm công phu, lựa giống phải chọn gà mái tốt chứ không cần lắm gà trống.

Tiếng pháo đì đùng, mấy chú chó quá sợ nằm mọp dưới bàn. Pháo mừng Tết năm mới Quý Mùi. Năm nay Mẹ có em bé gái mới, thứ chín. Ba rất thích bé gái sinh năm Quý Mùi, bé sau này sẽ đẹp gái thông minh học giỏi. Ba biết và thích coi số tử vi.

Thời cuộc bấy giờ là lúc đương chiến tranh, Đệ nhị thế chiến, tình hình rất lộn xộn, tại Gò Quao chánh quyền Pháp được thay thế bằng quân đội Nhật, dân Việt bắt đầu nổi dậy làm cách mạng.

Một đêm khó quên, trong ánh đèn dầu lờ mờ, lính Nhật với súng ống trên tay đến uy hiếp Ba đòi tiền. Ba được ba anh lớn hộ vệ bình tĩnh thương thảo để sau đó lính Nhật ra đi.

Trụ sở Thủy lâm ở Gò Quao bất an, Ba phải đi tản cư. Ba mướn một chiếc ghe tam bản có mui khá lớn chở hết gia đình theo rạch vô làng ở trong sâu. Tạm trú ở nhà dân, nhà khá rộng, gian trước có một quầy chứa lúa. Đêm ngủ lại nhà. Sáng ra đi. Trước khi đi Mẹ nấu một nồi cơm lớn, một nồi thịt kho đem theo cả nhà dùng bữa trong rạch sâu. Di tản kéo dài vài hôm, tình hình tạm yên không đi nữa ở lại nhà dân. Một sáng kinh hoàng, tiếng súng như xé tai vì vèo liên hồi trên ngọn cây xoài trước nhà, cả nhà phải ẩn trú trong bồn lúa. Tiếng súng từ tàu Tây trên sông lớn bắn vào. Tây đã trở lại, quân Nhật biến mất. Đời sống trở lại bình thường. Nhưng xáo trộn vẫn còn, Thổ dậy từ phía bên kia sông tràn qua. Thổ từ các Sóc nổi lên chống đối, giết người Việt. Ba phải ra trận dùng súng săn thị uy đuổi chúng về Sóc.

Ba làm việc thêm ít lâu ở Gò Quao, sau được thuyên chuyển lên Tây Ninh.

Tây Ninh là một tỉnh ở miền Đông có núi Bà Đen, không xa tỉnh có tòa thánh của giáo phái Cao Đài. Tây Ninh không như Gò Quao ít sông rạch, di chuyển trên bộ thời bấy giờ bằng xe thổ mộ kéo bằng một ngựa.

Gia đình trước khi di chuyển lần này được tháp tùng thêm một người, em gái tên Vàng được nhận như con nuôi.

Người và chó được chuyển từ Gò Quao lên Tây Ninh bằng xe hơi đi trước, gà và đồ đạc được chuyển sau bằng ghe bầu theo đường thủy.

Tây Ninh có nhiều rừng, rừng già, có nhiều cây quý, trong số có cây được thông dụng, cây gõ lá tròn bằng nửa bàn tay, thân cây được xẻ ra làm ván gõ làm giường phản nằm rất mát. Ngoài rừng Tây Ninh còn trồng cây cao su nhiều như rừng vùng Thanh Điền. Gần nhà có tre, tre tầm vông thân nhỏ rất cứng, tre mạnh tông thân tre rất to dài lớn, măng tre thuộc loại lớn. Cây ăn trái có cây vú sữa trái phía dưới tròn hoặc nhọn hình vú màu trắng hay tím. Cây điều lộn hột, hột nằm ngoài phía dưới trái cũng được trồng nhiều để lấy hột. Cây mít có hai loại mít ướt và mít khô. Mít hầm ăn với bánh ướt nước cốt dừa hành lá cắt nhỏ rất đặc biệt ngon.

Ít lâu sau Tết một biến cố lạ xảy đến. Một hôm không như ngày thường Mẹ không xuống giường mà ngồi đó thẫn thờ như người mất hồn không biết gì nữa. Có lẽ mẹ bị thần linh hay ma quái nhập vào người nên hóa như thế. Cả em Vàng cũng bị tương tự.

Trước hoàn cảnh như vậy Ba tìm cách chữa trị. Trước nhất Ba mời thầy pháp trong tỉnh chuyên trị về ma quái, thuộc đường âm đến chữa trị cho Mẹ.Thầy Pháp đánh phép định trục ma ra khỏi người. Mẹ phản ứng tức thì “sao mi dám đánh con Bà”. Thầy Pháp biết đã đụng phải giới thần linh đành cuốn gói ra về. Tình trạng của Mẹ vẫn y nguyên. Ba vẫn chưa hiểu thông điệp Mẹ định mang đến. Ba cho là Mẹ nổi cơn điên, chữa tà ma không hết phải đưa xuống Sài Gòn trị cách khác. Đi được một khoảng đường bị dân quân cách mạng chặn lại đuổi về không cho đi. Đành chịu về nhà. Vào lúc đó có một thầy tu mặc áo cà sa vàng từ núi Bà Đen đến để đọc kinh chữa bệnh cho Mẹ. Nhà sư trạc độ trên sáu mươi tuổi không biết Pháp danh là gì chỉ có tên gọi là Ông Tám Tốt. Sư tiên đoán vài hôm Mẹ sẽ khỏi. Nghe kinh Mẹ như người tỉnh hồn dần dần trở lại bình thường hết bịnh. Em Vàng cũng khỏi bịnh. Ba rất mừng tạ ơn Sư. Sư khuyến cáo Ba nên bỏ đường tà bùa phép nên theo đường chính đường Phật, đường giác ngộ và giải thoát khỏi khổ. Thật là một duyên huyền bí kỳ diệu đã đưa Ba đến với Phật. Ba từ đây biết Đạo và Tu Phật. Ba biếu Sư một bao gạo và nhờ người đưa Sư về núi.

Bị nạn nghiệp của Ba tưởng được nhẹ hơn, nhưng không, nghiệp còn dầy chưa hết. Khi đứa con út thứ mười ba ra đời, Ba coi số tử vi thấy bị nạn tù. Nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại. Một ngày tù bằng ngàn ngày ngoài đời. Trong khi đó Mẹ phải dọn nhà đi khỏi nhà của sở. Mẹ một mình tảo tần nuôi đàn con dại. Dịp may đến Hiệp định đình chiến Genève được ký kết có trao trả tù binh, Ba được thả ra về Sài Gòn nhưng không được về Tây Ninh. Ba được phục hồi chức vụ cũ, đền bồi tài chánh những năm không lương đủ tiền để mua một căn hộ mới cất ở khu Bàn Cờ gần rạp hát đường Cao Thắng. Nghiệp của Ba chắc đã trả gần hết nhưng vẫn còn nhẹ đi. Ba được giao chức vụ mới, Giám đốc miền Trung phụ trách chương trình trồng Phi lao dọc biển chống xâm lấn của cát biển vào đất liền.

Nghiệp của Ba còn kéo dài trên bảy mươi hai tuổi, kết liễu bởi cái nạn hút thuốc lúc còn nhỏ tuổi.

Lausanne 02 /2021

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 21
    • Số lượt truy cập : 6130422