Thông tin

EM NGUYỄN HỮU KHA

 

NGUYỄN HỮU TẢO

 

Trong 8 người con cha mẹ sinh nuôi được, em là người giàu nghị lực và lòng nhân đạo nhất. Vì tình hình kinh tế gia đình, em không được đi học. Nhờ có trí thông minh và lòng kiên trì, em tự học tiếng Anh và chữ Hán và cuối cùng sử dụng được cả hai thứ tiếng. Em đã soạn được nhiều tác phẩm về đạo Phật, nhưng tác phẩm được nhiều người khen nhất là cuốn Hán Việt tự điển, rất tiện cho người học chữ Hán. Em xem được nhiều sách Nho, lĩnh hội khá sâu, thường nêu lên được những điều mấu chốt.

Em lớn lên giữa lúc nhà gặp nhiều tai hoạ. Lụt lội lôi cuốn hết cả vườn lẫn đồng. Cha lại bị giặc Pháp bắt đày ra Côn Đảo. Em cùng mẹ chạy chọt tìm chỗ cha bị giam và chăm chỉ đưa quà bánh cho cha. Thấy cảnh nhà bần hàn, em mới 14 tuổi đã xa nhà xuống Đồ Sơn bán thuốc và kẹo bánh rong mãi cho đến khi cha ở Côn Đảo về mới trở lại nhà.

Mục kích những mâu thuẫn lớn trong xã hội thực dân phong kiến mà không tìm được đường lối giải quyết, em quyết tâm theo đạo Phật, nghiên cứu kinh Phật phái Đại thừa. Say mê đạo Phật, em tu hành tại gia, nhưng tu thực sự, đúng như người ta gọi là chân tu, xả thân cứu người, không đòi hỏi gì, ngày chỉ ăn một bữa cơm chay, đêm nằm không màn, đông cũng như hè, làm bạn với một tấm phản đặt trên mặt đất và cái chăn đơn. Do sự thành tâm tu hành, tìm cái vui trong khổ cực (em lấy biệt hiệu là Lạc Khổ) nên được lòng tin của các tín đồ đạo Phật, nhất là của các Phật tử đến lễ ở chùa Quán Sứ mà em là một trong những người bỏ nhiều công sức nhất trong việc xây dựng lại chùa. Nhiều bà cụ sáu bảy mươi tuổi như cụ Cả Mọc cũng chắp tay kính cẩn: "Bạch cụ Trưởng".

Do đi sâu vào đạo Phật và quá say mê, em nhận thức không đúng chủ nghĩa Cộng sản. Em cho rằng đạo Phật và chủ nghĩa Cộng sản đều nhằm cứu vớt loài người, đều nêu cao chủ nghĩa nhân đạo, nhưng do em không nghiên cứu tài liệu kinh điển về chủ nghĩa Mác, nên không phân biệt được điểm khác nhau giữa chủ nghĩa Cộng sản và đạo Phật.

Em là một người yêu nước nhiệt thành, rất tán thành chủ trương kháng chiến của Đảng và chính sách cải cách ruộng đất của Đảng. Từ năm 1950 đến năm 1954, em có đọc một số tài liệu về chủ nghĩa Mác, nên đã có đôi chút giác ngộ về chủ nghĩa Cộng sản, nhưng không có nghị lực đoạn tuyệt với tôn giáo, vẫn là người chủ trương điều hoà chủ nghĩa Cộng sản với đạo Phật.

Em sẵn có từ tâm, say mê đạo Phật và được sự giáo dục trực tiếp của mẹ nên lòng bác ái của em thật rộng khắp. Ai cần đến em, lúc đau ốm, hoạn nạn, chết chóc, em đều chạy đến ngay và giúp thực sự, không nề hà việc gì. Những năm lụt lội, địa phương nào có nạn đói, đại diện tôn giáo, em đến tận nơi làm không tiếc sức, ngày đêm săn sóc người đói người ốm, biểu hiện ý nghĩ lo lắng của mình, đúng như Mạnh Tử nói: "Vua Vũ nghĩ rằng thiên hạ có ai chết đuối chẳng khác gì mình làm người ta chết đuối. Ông Tắc nghĩ rằng: Thiên hạ có ai đói, chẳng khác gì mình làm cho người ta chết đói".

Đối với đồng bào còn như vậy, huống hồ đối với cha mẹ, anh chị em. Trong gia đình, em hiếu với cha mẹ, đễ với chị, anh, nhường nhịn các em. Trong 8 anh chị em, em là người hiếu hữu nhất mà hiếu hữu một cách vô tư. Không những em hết lòng giúp chị cả túng bấn vì nỗi chồng đần, nhà chồng không giúp đỡ gì, mà ngay đối với anh, vợ con đề huề, cơ sở kinh tế tương đối vững vàng, em cũng hết sức giúp mỗi khi cần đến. Tảo còn nhớ mãi năm bị ốm nặng, em bỏ hàng tuần xuống Hải Phòng, nâng giấc, thức đêm thức hôm không tiếc một cái gì. Để nhớ tấm lòng ân cần chăm sóc anh, Tảo may đôi quần nâu tặng em. Ngoài vấn đề tôn giáo, hai anh em hiểu nhau thường trao đổi tâm tư tình cảm với nhau, từ nhỏ chí lớn không một lúc nào là không tâm đầu ý hợp với nhau.

Năm 1945, cách mạng tháng 8 thành công, nước nhà được giải phóng từ Nam chí Bắc, đồng bào hết sức phấn khởi vui tết độc lập, cũng như toàn thể đồng bào, em vui mừng tham gia các cuộc mít tinh biểu tình, bầu cử đại biểu quốc hội, và khuyến khích tín đồ đạo Phật tỏ lòng yêu nước. Nhưng lúc đầu còn trù trừ trong việc chọn đường đi trong hai ngả Cách mạng vô sản và tôn giáo, em may được sự chỉ dẫn của cha, nên cũng xác định kịp thời phương hướng hành động của mình và cuối cùng tỏ lòng trung thành với cách mạng.

Cuối năm 1946, giặc Pháp định dựng lại nền đô hộ ở nước ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn dân hăng hái kháng chiến, không ngại gian khổ, phá đường, tản cư. Cùng với gia đình lớn, em tản cư lên Sơn Tây, sang Phúc Yên rồi Thái Nguyên. Mặc dù gặp bao khó khăn trên đường tản cư kháng chiến, em đã cố gắng đưa cả gia đình, kèm theo đoàn trẻ nhỏ của Hội Tế sinh và một số đồ đệ Phật giáo. Chủ quan về năng lực của mình, em không dự liệu được những nỗi gian nan mà tập thể hàng mấy chục người có thể vượt qua được, do đó tình hình kinh tế ngày một quẫn bách. Gia dĩ quyến luyến với miền trung du, em không dám cương quyết lên sinh cơ lập nghiệp ở tỉnh Thái Nguyên, lúc còn có vốn, đến khi địch đánh trung du, buộc phải lên Thái Nguyên thì vốn đã cạn rồi. Vì thế, trong mấy năm cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp, em hết sức vất vả để kiếm đủ gạo, ngô nuôi cả tập thể của em.

Năm 1954, em tích cực tham gia Cải cách ruộng đất (CCRĐ) mà bước đầu là giảm tô, giảm tức ở xã Đồng Tiến. Khi đội CCRĐ về, những người tích cực tham gia giảm tô, giảm tức lại không được tín nhiệm. Vì một hai tín đồ của em thì thọt ra vào Hà Nội, đội trưởng nghi ngờ em cùng đi một đường với Tuệ Chiếu nhưng không có bằng chứng cụ thể, nên phải đánh vào mặt ruộng đất và qui em vào thành phần địa chủ bóc lột, đàn áp hết sức tàn nhẫn. Tin vào lòng trung thành của mình với Đảng và lo lắng nhiều đội CCRĐ có thể có những hành động vu oan người ngay như đội ở Đồng Tiến, ngày 15 tháng 6 năm Giáp Ngọ, em gieo mình xuống sông Cầu, để lại một tập Nhật ký và một lá Thư gửi Hồ Chủ Tịch.

Năm ấy, 1954, Tảo từ Khu học xá Trung ương (Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc) về tham gia CCRĐ ở Gia Sàng, cách Đồng Tiến 4 cây số. Kỷ luật của đội rất nghiêm nên không sang thăm em và cũng không biết tình hình em bên ấy ra sao. Đến cuối tháng 7, được phép đi thăm, khi anh tới nơi thì em đã về cõi Cực lạc rồi. Thương xót vô cùng! Nhất là khi em mất được mấy ngày thì đội qui lại thành phần là trung nông và ngày 27 tháng 7 năm 1954, Hiệp định Genever được ký kết, kết thúc cuộc chiến tranh ở miền Bắc nước ta.

Khi ở Thái Nguyên, Tảo có nhờ Bộ chuyển hộ đơn minh oan cho em với đoàn CCRĐ. Đoàn hình như có cho người về thẩm tra. Nhưng đang lúc cuộc CCRĐ tiến hành rầm rộ trên khắp miền Bắc, việc minh oan cũng khó đưa ra. Vả lại, đoàn cho là việc qui lại thành phần cho em cũng chứng tỏ là đội đã sửa sai.

Thương làm sao mà đáng tiếc biết bao! Giả sử em còn sống, em sẽ giúp nhiều trong việc đoàn kết những tín đồ Phật giáo cả Bắc lẫn Nam để đấu tranh cho sự nghiệp thống nhất nước nhà. Và anh cũng có một bạn già để cùng nhau hoạt động, cống hiến cho cách mạng.

Bao nhiêu thương tiếc, cuối cùng chỉ được tỏ trên tờ giấy! Tập nhật ký của em còn kia, nét mực còn chưa phai mà người trung thực, hiếu hữu, giàu lòng bác ái như em không còn nữa. Than ôi!

Sinh năm 1902, mất năm 1954, em hưởng thọ 53 tuổi.

Anh Tảo kính cẩn ghi
Hà Nội tháng 12 năm 1965

 


Ghi chú:

Giáo sư Nguyễn Hữu Tảo (1900 -1966) là anh ruột Thiều Chửu. Năm 1924, tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương, ông về dạy học tại trường Thành Chung Nam Định (nay là trường THPT Lê Hồng Phong), nơi các ông Đặng Xuân Khu (Trường Chinh), Phan Đình Khải (Lê Đức Thọ), Nguyễn Tuân ... từng theo học. Năm 1926 - 1945 ông dạy học tại trường Thành Chung Bonnal, Hải Phòng (nay là trường THPT Ngô Quyền), nơi các ông Nguyễn Văn Linh, Thế Lữ, Nguyễn Trọng Phấn, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi, Văn Cao, Lưu Văn Lợi, Đặng Vũ Khiêu, các tướng Hoàng Thế Thiện, Vũ Xuân Vinh, Trần Đình Cửu... từng theo học.

Tháng 8 năm 1945, ông về Hà Nội làm Tổng giám đốc Nha Tiểu học vụ Bộ Quốc gia Giáo dục, rồi Giám đốc Sở Giáo dục Liên khu Việt Bắc... Trước khi nghỉ hưu (1965), ông là Chủ nhiệm khoa Tâm lý - Giáo dục trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Đoạn trên trích trong cuốn Tự truyện của GS Nguyễn Hữu Tảo viết năm 1965.

Rất tiếc do chiến tranh phá hoại, phải sơ tán nhiều nơi nên tập Hồi ký của Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha mà GS Nguyễn Hữu Tảo nêu ở trên bị thất lạc.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 81
    • Số lượt truy cập : 6951942