Thông tin

GHI NHẬN VỀ HÌNH ẢNH NGÔI CHÙA THẦY

TRONG VĂN HỌC VIỆT NAM

 

ĐÀO NGUYÊN*

 

Danh lam luôn gắn liền với thắng cảnh, nên văn học đi đến với thắng cảnh thì cũng đi đến với danh lam. Huống chi, ngôi chùa Phật đã lần lượt có mặt trên khắp đất nước Việt Nam, cùng với quá trình du nhập phát triển và gắn bó với lịch sử dân tộc của Phật giáo, nên từ rất lâu ngôi chùa đã là một địa chỉ không thể không tìm đến, không chỉ là văn học mà là cả quần chúng, tìm đến để chiêm bái, để nương dựa… Huống chi, các ngôi danh lam, nơi tự thân đã hàm chứa nhiều giá trị thẩm mỹ, giá trị đạo đức, giá trị triết lý. Đó là những vẻ đẹp mang tính hướng nội, rất trang nghiêm mà cũng rất gần gũi, tĩnh lặng mà thân quen, có đủ cái náo nức của trần thế mà cũng gồm đủ những thanh thoát của xuất thế. Ở đấy, tâm thức của con người, có thể chỉ từ một tiếng chuông ngân vang hoặc từ một câu kệ theo nhịp mõ mà thức tỉnh, hồi đầu. Ở đấy, những nhà văn nhà thơ bất chợt có thể từ những đối cảnh mà phát hiện được những giá trị lớn của cuộc sống[1]. Như thế, thật là hợp lý khi các ngôi danh lam cổ tự nổi tiếng như chùa Trấn Quốc, chùa Hương, chùa Thầy, chùa núi Yên Tử, chùa núi Dục Thúy, chùa núi Côn Sơn, chùa Thiên Mụ… đã hiện diện một cách sinh động trong văn học Việt Nam, cả nơi văn học dân gian và văn học thành văn.

Bài viết này, bước đầu xin ghi nhận về hình ảnh ngôi chùa Thầy trong văn học Việt Nam.

Chùa Thầy tức chùa Thiên Phúc ở núi Phật Tích hay Thạch Thất, Sài Sơn, thuộc huyện Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây (nay là huyện Quốc Oai, Hà Nội). Danh xưng chùa Thầy chắc hẳn đã bắt nguồn từ sự tích của Thiền sư Từ Đạo Hạnh (? - 117) được chép trong sách Thiền uyển tập anh[2], rồi sách Lĩnh Nam chích quái [3], và được dân gian truyền tụng cùng vẽ vời tô đậm thêm, qua đấy chúng ta nhận biết là thiền sư đã trụ trì một thời gian khá dài tại ngôi danh lam này cũng như đã để lại dấu vết sau khi chuyển kiếp.

Ngài Đạo Hạnh là vị thiền sư thuộc thế hệ thứ 12 của dòng Thiền Tì ni đa lưu chi (Vinitaruci). Bài kệ của Sư thuyết minh về quan điểm siêu việt Không - Hữu, được xem là một trong những thành tựu đáng kể của thiền học và văn học Việt Nam thời Lý (1010 – 1225):

Tác hữu trần sa hữu

Vị không nhất thiết không

Hữu không như thủy nguyệt

Vật trước hữu không không.

(Có thì có mảy may

Không thì cả vũ trụ nầy cùng không

Có không bóng nguyệt dòng sông

Cả hai tuy vậy chẳng không chút nào)[4].

Nơi quê quán của thiền sư Từ Đạo Hạnh có lập chùa Chiêu Thiền, tục gọi là chùa Láng để thờ sư, và vào ngày mồng bảy tháng ba là ngày ngài tịch diệt, hội chùa Láng và hội chùa Thầy thi thoảng được tổ chức, trong ấy có việc diễn tả lại sự tích của thiền sư, như ca dao đã truyền tụng:

Nhớ ngày mồng bảy tháng ba

Trở về chùa Láng, trở ra chùa Thầy.

Hầu như chùa Thầy là ngôi chùa đã được ca dao Việt Nam nhắc đến nhiều nhất:

Mưa từ trong núi mưa ra

Mưa khắp thiên hạ mưa qua chùa Thầy.

Ngồi buồn đem thước đi đo

Đo từ núi Sở, núi So, chùa Thầy.

Chẳng vui cũng thể hội Thầy

Chẳng trong cũng thể hồ Tây xứ đoài.

Hội chùa Thầy có hang Cắc Cớ

Trai chưa vợ thì nhớ hội Thầy.

Bơi Đăm, rước Giá, hội Thầy

Vui thì vui vậy, chẳng tày Giã La…[5]

Có thể xem Phạm Nhân Khanh (thế kỷ 14) một gương mặt thơ vào cuối đời Trần (1225 - 1400) là nhà thơ cổ điển Việt Nam đầu tiên đã viết về một chi tiết rất tiêu biểu của chùa Thầy, đó là ao sen. Bài thơ của Phạm Nhân Khanh có tên là Ao sen chùa Phật Tích (Phật Tích liên trì)[6]:

Bên ao ngày tháng vẫn thung dung

Bát ngát sen đua mấy dặm hồng

Nước biếc luyện nên chồi ngọc bích

Rồng vàng nâng đỡ đóa phù dung.

Gió đưa tưởng học nghê thường vũ

Mưa thấm nhường phai má rượu nồng

Chẳng thể hình dung bao dáng điệu

Thủy tiên cứ gọi cũng là xong[7].

Sách Thơ văn Lý Trần, tập 3, phần Chú thích về bài thơ nầy đã ghi: Có hai chùa Phật Tích: Một ở Sài Sơn, Sơn Tây, một ở Tiên Du, Bắc Ninh… không rõ chùa Phật Tích ở đây là chùa nào[8]. Theo chúng tôi, có thể là chùa Phật Tích ở Sài Sơn vì ở đấy có ao sen nổi tiếng. Sau này, Ngô Thì Sĩ (1726 - 1780) đã ghi nhận khá rõ.

Đến với chùa Thầy, với sự ghi nhận mang tính tổng thể đầu tiên, cũng như đã nói về Phật về Sư là Trạng nguyên Nguyễn Trực (1417 - 1474) một gương mặt thi ca tiêu biểu của văn học Việt Nam thế kỷ 15:

Chùa kia chót vót lẩn tầng mây

Mấy lúc đời người dễ tới đây

Kẽm đá còn in chân Đức Phật

Sườn non vẫn tựa mái sư thầy.

Đất xa gió lốc hơi trần tít

Đỉnh ngất trăng lên ánh sáng đầy

Giữ khách đường xa đêm nghỉ lại

Sự vào pha nước với lùi khoai[9].

Lê Thánh Tông (1442 - 1497) đã ghi nhận, ngự đề khá nhiều về các ngôi chùa cổ xa gần (Thơ Nôm: Chùa Quang Khánh, chùa Trấn Quốc. Thơ Hán: Chùa núi Long Đội, chùa núi Dục Thúy, chùa Quang Khánh, Thơ khắc ở cột chùa Tu Mộng). Riêng về chùa Thầy, nhà vua đã có hai bài, một Nôm, một Hán.

Bài thơ nôm (Phật Tích Sơn) gồm 8 câu 7 chữ:

Vểnh mặt trông lên Phật Tích san

Non cao vòi vọi khác phàm gian

Chim bay rặng liễu dường thoi dệt

Nước chảy ao sen tựa suối đàn.

Thông bảy tám hàng che kiểu tán

Mây dăm ba thức phủ thay màn

Thi nhân rằng có đâu hơn nữa

Cho khách xin làm một bức đoan[10].

Bàn thơ chữ Hán cũng được viết theo thể thất ngôn bát cú, nhan đề là Đề Sài Sơn Tự:

Bỗng nhiên cao hứng tới non chơi

Bằng phẳng đường mây bước thảnh thơi

Đón khách rặng tùng chim chóc hót

Chào tiên bên động cỏ hoa tươi.

Chân ngoài trần giới ba nghìn cõi

Tay hái trăng sao một lớp trời

Vội quét vách rêu đề cảnh đẹp

Bút thơ rung động núi sông rồi[11].

Cũng nên kể thêm chi tiết nầy xảy ra dưới triều vua Lê Thánh Tông và sau đấy là vua Lê Hiến Tông (1461 - 1504) có liên quan đến chùa Thầy, đã được sách Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn (1726 - 1784) ghi lại. Theo  Đại Việt thông sử thì bà Hoàng thái hậu Quang Thục (Ngô Thị Ngọc Dao, mẹ vua Lê Thánh Tông) thường hay cầu tự, rất tin Phật và Lê Thánh Tông cũng là một đứa con cầu tự. Sách còn cho biết, khi vợ của vua Lê Thánh Tông là bà Nguyễn Thị Huyên (có sách ghi là Nguyễn Thị Hằng) chưa có con, bà Hoàng thái hậu Quang Thục đã sai ông Nguyễn Đức Trung - cha của bà Nguyễn Thị Huyên - nhiều lần lên am Từ Công, núi Phật Tích để cầu tự. Một lần: “Khi vừa mới làm lễ, có hòn đá rơi xuống trước mặt, ông Đức Trung cho là lạ, nhặt lấy rồi sai thợ tạc một pho tượng, bỏ hòn đá vào trong. Lại làm riêng một cái am để thờ và giấu kín việc ấy”. Kết quả của những lần cầu tự nầy là vua Lê Hiển Tông ra đời (1461). Ba năm sau khi lên ngôi vua, vào năm Cảnh Thống thứ 3 (1500), vua Lê Hiến Tông theo lời di chúc của ngoại tổ là Nguyễn Đức Trung, đã cho trùng tu ngôi danh lam Thiên Phúc tự, ban hiệu cho Am Từ Công là Am Hiển Thụy, dựng bia, sai Nguyễn Bản soạn bài văn để ghi lại sự việc đó[12].

Vào thế kỷ 18, chùa Thầy đã được các nhà văn các nhà thơ tiêu biểu của thế kỷ này như Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Ngô Thì Điển, Ninh Tốn, Phạm Thái… mô tả, ghi nhận, mến mộ.

Ngô Thì Sỹ (1726 - 1780) có bài: Sài Sơn ức du ca tính dẫn (Bài ca ghi lại lần du ngoạn nơi Sài Sơn cùng lời dẫn) gồm có Lời dẫn và bài thơ khá dài. Trong lời dẫn, Ngô Thì Sĩ đã nói qua thời gian mình đến viếng cảnh, ghi nhận những nét chính về cảnh núi, hồ sen, ngôi chùa cổ, cảnh vật chung quanh chùa, bia cũ, kể cả việc gặp nhà sư và cùng đi với vị sư này vào thăm Hang Thần. Bài thơ mang tính chất tóm lược những điều đã được diễn tả nơi lời dẫn:

Núi Thiên Phúc cao mấy tầng

Ngọn cao bờ dốc xen vào nhau

Hồ nuốt nhả tiếp nối vách đá lẻ

Cây thưa dày liền với đá lô nhô.

Động sâu tối lạnh mây mịt mù

Suối thẳm thác cao nước trong vắt

Hoa sen kết thành toà thờ Phật

Quả bách đốt làm hương nơi sư trụ trì

Tre xanh khắp rừng nảy măng non

Cây tùng cao bên đường đỡ đám dây leo chằng chịt

Gió xuyên chỗ đường cong tiếng sáo trời vang động…[13]

Ngô Thì Nhậm (1746 - 1803), trong bài thơ đáp lại Phan Huy Ích đã nhắc đến Sài Sơn, xem như là cảnh quan tiêu biểu nơi quê hương của người bạn mà cũng là em rể mình:

Nhập Sài môn bãi xuất Sài sơn

Trực thị tiêu dao nhân thế gian…

(Vào Sài môn lại vượt Sài sơn

Ấy bước dong chơi giữa thế gian…)[14]

Phan Huy Ích (1751 - 1822) tuy không ghi nhận về những chi tiết nơi quần thể chùa Phật Tích như ông nhạc của mình, nhưng cũng không thể thờ ơ với danh lam - thắng cảnh của quê hương. Nơi bài Ngắm xuân Sài Sơn (Sài Sơn Xuân Diểu), ông viết:

Núi Thái Lão khói quang, bậc đá lạnh phẳng phiu

Chùa Bối Am mây sáng, cây tùng cổ thưa thớt

Khóm hoa chim hót giống hệt tiếng đàn

Sông núi ráng đậu, tranh vẽ khôn sánh…[15].

Phan Huy Ích còn đề thơ nơi bức tranh Sài Sơn, một trong tám bức tranh đẹp được ông chọn để trang trí cho quán Bảo Chân của mình:

Thấp thoáng yên hoa cảnh Phạm vương

Phên mây, động gấm mở huy hoàng

Ánh hồ sắc núi ai chăm sóc

Sớm muốn ngâm về với cố hương[16].

Ngô Thì Điển (hậu bán thế kỷ 18, thế kỷ 19), con trưởng của Ngô Thì Nhậm, người có công biên soạn Ngô gia văn phái, trong một lần du Sài Sơn cũng đã bày tỏ một vài cảm nghĩ của mình về danh lam thắng cảnh này:

Đất phẳng từ đâu chỏm đá nhô

Hóa công khéo đắp cảnh thành to

Chợ trời chất ngất hàng tiên họp

Hang núi um tùm dấu Phật phô.

Dưới bụi nghìn nhà rèm liếp cũ

Trong không một nhóm gác lầu tô

Từng nghe triều Lý ai thành cọp

Động cũ hình thù vẫn giống xưa[17].

Một gương mặt thơ tiêu biểu của hậu bán thế kỷ 18 là Ninh Tốn (1743 - ?) hầu như đã dành quá nhiều thi hứng đối với quần thể Sài Sơn này. Ông đã viết đến 7 bài thơ về núi và chùa:

- Đề vách đá ở cửa động Sài Sơn, nơi vị chân nhân họ Từ tịch (Thất ngôn bát cú).

- Sài Sơn (Ngũ ngôn cổ phong trường thiên: 68 câu).

- Làm thơ đùa tặng núi Sài Sơn (Thất ngôn cổ phong: 14 câu).

- Từ giã Sài Sơn, trên đường về làm thơ (Thất ngôn tứ tuyệt).

- Chùa Sài Sơn (Thất ngôn bát cú, 2 bài).

- Đề thơ ở động chùa một mái Sài Sơn (Thất ngôn bát cú).

Chúng tôi đã có bài viết riêng về Ninh Tốn với chùa Thầy, ở đây chỉ xin giới thiệu một bài: Chùa Sài Sơn, bài 1:

Thăm lại Sài Sơn đọc cổ bia

Chân nhân di tích thảy ly kỳ

Chuông vang từ buổi Long Phù tới

Đá quý truyền bay Thuận Đức về.

Trong động Thần tiên nhàn biến hóa

Giữa chùa Hoàng đế hóa từ bi

Khói hương muôn thuở bay nghi ngút

Mù đẹp mây lành khóa núi kia[18].

Thi hào Nguyễn Du (1765 - 1820) tuy chỉ ngắm nhìn từ xa, nhưng vẫn ghi nhận được một số nét về núi Thầy:

Trên núi Sài Sơn nhiều mây nổi

Dưới núi Sài Sơn nhiều đá sỏi

Từ đường Đồng lưu ngoảnh về tây

Sắc đẹp xanh rờn theo người giọi

Ngoài trời thấy lâu đài chập chùng

Trong trăng nghe trống chuông inh ỏi…[19]

Tùng niên Phạm Đình Hổ (1768 - 1839) trong sách Tang thương ngẫu lục có bài Phật Tích sơn ký (Bài ký chơi núi Phật Tích)[20]. Được những người hâm mộ ông, qua Bài tựa thứ nhất đã cho rằng trong ký có tranh, chẳng kém gì ký của Đào Tiềm (365 - 427)[21]. Vì là ký nên tác giả đã có thể đi sâu vào các chi tiết, và vì đối tượng là một thắng tích mang tính quần thể, nên người viết phải tiếp cận từ nhiều hướng, đồng thời khai thác tối đa khía cạnh dân gian pha quái dị, vốn là cảm hứng chủ đạo của tác phẩm Tang Thương Ngẫu Lục.

Ở hướng thứ nhất, chúng ta sẽ lần lượt gặp: Nào đền thờ của Nguyễn Phu nhân thuộc phủ Quốc Oai (Bà là vợ chúa Trịnh Doanh 1720 - 1767, một thời lo việc tu sửa các chùa ở làng Thiên Phúc, được dân ở đây lập đền thờ). Nào là toàn cảnh núi Sài Sơn tức núi Thầy, nơi chứng đạo của thiền sư Từ Đạo Hạnh đời Lý. Nào là chính điện của chùa Thiên Phúc (chùa Thầy), nơi thiền sư Từ Đạo Hạnh tu hành, đắc đạo ở đấy. Bên trong điện thờ Phật và còn thờ chân thân của Thiền sư, ngự dung của vua Lý Thần Tông (1116 - 1138), tương truyền là hậu thân của Thiền sư và là tiền thân của vua Lê Thần Tông (1607 - 1662), đời Hậu Lê.

Nơi một hướng khác, chúng ta sẽ gặp nào là ngôi mộ cổ và miếu thờ, tương truyền là di tích của ông Lữ Gia, tác giả còn ngờ nhưng vẫn cứ chép vào. Nào hang Thần, động Phật Tích, gồm động ngoài và động trong - là nơi thiền sư Từ Đạo Hạnh đã viên tịch. Rồi hang Dũng Phật ở chân núi Bối Am, động đá ở núi Phượng Hoàng gồm ba hang: hai cái nhỏ và nông, cái lớn thì sâu thẳm, tục truyền là có đường thông xuống âm phủ. Đáng chú ý là câu chuyện lạ về bên trong hang Thần, có lần vua đến vãng cảnh, sai Nội thị vào hang xem, trông thấy một con rắn lớn nên phải lui ra. Nhưng con đại xà ấy vẫn chưa lạ lùng bằng câu chuyện kể lại của một ni sư, là bà cô tổ ngoại một người bạn của tác giả, xuất gia tu hành ở chùa Tiên Lữ, thường sang viếng cảnh núi Phật Tích. Và một lần đã một mình tự đi vào hang Thần, thời gian đi vào rồi trở ra về đến những một tháng hai ngày, tác giả Phạm Đình Hổ nhận xét: “Sư là người tu hành có trì giới rất cao, chắc không nói nhảm. Vậy cũng chép câu chuyện ấy vào đây”[22].

Phạm Thái (1777 - 1814) một gương mặt thơ Nôm xuất sắc của văn học Việt Nam cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19, trong tác phẩm Sơ kính tân trang cũng đã dành hơn 6 câu thơ lục bát để ghi nhận - kèm theo phê phán - về một số nét dung tục nơi cửa thiền vào thời bấy giờ:

Sài Sơn tựa áng phồn hoa

Sư huynh chải chuốt vãi già đong đưa

Ra vào tiểu gái lẳng lơ

Long lanh mắt biếc say sưa miệng cười

Sư tiên đủng đỉnh lạ đời

Xe thêu kim tuyến áo dài khói hương…[23]

Đến với chùa Thầy, cũng trong niềm cảm xúc dào dạt như Ninh Tốn là nhà thơ Cao Bá Quát (1809 - 1855). Ông đã viết liền 4 bài thơ Đường luật thất ngôn bát cú, mới có thể giải bày tạm hết những gì mình ghi nhận được qua Buổi chiều đi chơi ở Sài Sơn, mưa tạnh ấy. Ở bài 1, theo cái nhìn của người có cảm tình với đạo Phật, ông đã nhận ra tính chất tĩnh lặng thanh thoát của cảnh Thiền:

Mưa phất vũng sen bông đỏ thắm

Chuông rền bóng xế tiếng buông rơi

Trầm ngâm, phanh áo nhìn xa thẳm

Những mến rừng thiền thú thảnh thơi[24].

Nơi bài 2, Cao Bá Quát đã nhắc đến sự tích của Thiền sư Từ Đạo Hạnh:

Hô đăng cộng thám Từ Công tích

Môn tiển khan Cảnh Thống bi.

(Tấm bia Cảnh Thống chùi rêu đọc

Dấu gót Từ Công gọi đuốc soi[25].

Như ở trước đã nêu rõ, hình ảnh ngôi chùa Thầy đã hiện diện một cách sinh động trong văn học Việt Nam, không phải là một trường hợp cá biệt. Nói cách khác, hầu hết các nhà văn nhà thơ Việt Nam, nhất là trong văn học cổ điển (Hán, Nôm) đều đã viết rất đạt về cảnh Thiền, về ngôi chùa… Đây là mảng đề tài vô cùng phong phú, nhưng hầu như chưa được các nhà nghiên cứu văn học Việt Nam quan tâm đúng mức. Nhà nghiên cứu văn học Việt Nam ít hoặc chưa quan tâm, nhưng người nghiên cứu văn học Phật giáo Việt Nam thì phải quan tâm. Vì chỉ mỗi một mảng đề tài nầy cũng đủ thấy Phật giáo đã có ảnh hưởng đậm đối với văn học Việt Nam, để từ đấy góp phần khẳng định sự gắn bó, đồng hành của Phật giáo với lịch sử dân tộc. Riêng về chùa Thầy và Sài Sơn, Sài Sơn và chùa Thầy, đối với người Phật tử Việt Nam cũng như những nhà văn nhà thơ mộ Phật, trong quá khứ và hiện tại, xin mượn bốn câu thơ đầu nơi bài thơ ngũ ngôn bát cú viết về chùa núi Dục Thúy của Cao Bá Quát để tóm kết:

Thiên địa hữu tư sơn

Vạn cổ hữu tư tự           

Phong cảnh dĩ kỳ tuyệt

Nhi ngã diệc lai thử…

(Trời đất có núi ấy

Muôn thuở có chùa nầy

Phong cảnh đã kỳ tuyệt

Lại thêm ta đến đây)[26].

Thành phố Hồ Chí Minh ngày 9 tháng 2 năm 2012. 



* Ủy viên Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN; Thành viên Ban Phật giáo Việt Nam, thuộc Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam.

[1] Chúng tôi đã viết 03 bài, bàn về 03 giá trị thẩm mỹ, đạo đức và triết lý hay đạo học của ngôi chùa. Tất cả đều đã đăng trên Nguyệt san Giác Ngộ.

[2] Xem: Thiền uyển tập anh, Ngô Đức Thọ, Nguyễn Thúy Nga (dịch), H, 1990, tr, 197 - 203; Lê Mạnh Thát. Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1999, tr, 271 - 276.

[3] Xem: Lĩnh Nam chích quái, Lời giới thiệu, bản dịch (tuyển chọn), in trong Thơ văn Lý Trần. tập 3, 1978, tr, 611 - 668; Lĩnh Nam chích quái, Lê Hữu Mục (dịch).Nxb. Khai Trí, S, 1961.

[4] Nguyễn Lang (dịch), Việt Nam Phật giáo sử luận. tập 1, Nxb. Lá Bối, S, 1974, tr, 127 - 128.

[5] Những câu ca dao nêu dẫn trên đều dẫn theo Nguyễn Văn Ngọc trong Tục ngữ phong dao, 2 tập, Nxb. Mặc Lâm, S, 1968.

[6] Để giảm bớt số lượng trang viết, các bài thơ chữ Hán ở đây chúng tôi xin chỉ giới thiệu bản dịch.

[7] Trần Lê Sáng dịch. Thơ văn Lý Trần. tập 3, Nxb. Khoa học xã hội. 1978, tr, 311.

[8] Trần Lê Sáng. Sđd, tr, 312.

[9] Bài Vịnh Chùa Thầy - Sài Sơn, Sơn Tây. Nguyễn Quảng Xương dịch. Dẫn trong Việt Nam Văn học sử yếu. Dương Quảng Hàm, bản sin 1968, tr, 266.

[10] Thơ văn Lê Thánh Tông. Nxb. Khoa học xã hội, 1986, tr, 88.

[11] Mai Hải dịch, Sđd, tr, 147.

[12] Đại Việt thông sử, Ngô Thế Long dịch, Nxb Khoa hoạc xã hội, 1978, tr, 125, 127–128.

[13] Dẫn theo: Ngô Thì Sĩ, Trần Thị Băng Thanh (biên soạn), Nxb. Hà Nội, 1987, tr, 107 - 108.

[14] Ngô Linh Ngọc (dịch). Tuyển tập thơ văn Ngô Thì Nhậm, Nxb. Khoa học xã hội, 1978, tr, 233 - 235.

[15] Thơ văn Phan Huy Ích, tập 1, Nxb. Khoa học xã hội, 1978, tr, 186 - 187.

[16] Đào Phương Bình dịch, Sđd, tập 2, tr, 155 - 160.

[17] Tham Tuyền dịch. Một số tác giả và Tác phẩm trong Ngô gia văn phái. Sở Văn Hóa Thông Tin Hà Sơn Bình xuất bản, 1980, tr, 225.

[18] Lâm Giang dịch. Thơ văn Ninh Tốn. Nxb Khoa học xã hội, 1984, tr, 81 - 82.

[19] Bài “Trên Đường… nhìn xa thấy núi Thầy”. Phạm Khắc Khoan, Lê Thước dịch. Thơ chữ Hán Nguyễn Du, Nxb. Văn Học, 1978, tr, 161 - 162.

[20] Tang Thương Ngẫu Lục. Đạm Nguyên dịch, S, 1970, tập 1, tr. 76 – 83.

[21] Tang thương ngẫu lục, Sđd, tập 1, trang 14.

[22] Tang thương ngẫu lục, bản dịch, Sđd, tập 1, tr, 82.

[23] Sơ kính tân trang, từ câu 137 - 142. Dẫn theo: Nguyễn Văn Xung, Phạm Thái và Sơ Kính Tân Trang, Nxb. Lửa Thiêng, S, 1972, tr, 92 - 93). Thơ văn Lê Thánh Tông, Nxb. Khoa học xã hội, 1986. Chúng tôi đã có viết bài: Phạm Thái và cửa thiền, bàn về ảnh hưởng của Phật giáo trong tác phẩm của Phạm Thái, trong ấy cũng có biện biệt về khía cạnh trào phúng phê phán nơi tác phẩm Sơ Kính Tân Trang. Đã đăng trên Tập Văn. In trong sách Ảnh hưởng của Phật giáo trong văn học Việt Nam (sắp xb).

[24] Tảo Trang dịch. Thơ chữ Hán Cao Bá Quát. Nxb, Văn học, 1976, tr, 230.

[25] Tảo Trang dịch, Sđd, tr, 231–232.

[26] Ngô Lập Chi dịch. Thơ chữ Hán Cao Bá Quát, Sđd, tr. 56–57.

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 8
    • Số lượt truy cập : 6165749