Thông tin

GIA PHẢ VÀ HÀNH TRÌ ĐẠO PHÁP

CỦA NI SƯ DIỆU KHÔNG1

(TƯỞNG NIỆM 24 NĂM NGÀY MẤT CỦA NI SƯ)

 

HOÀNG VĂN LỄ2

 

 

Di ảnh Ni trưởng Thích nữ Diệu Không được tôn trí tại hậu tổ chùa Hồng Ân

         

1. Phác thảo gia phả

Ni sư Diệu Không, thế danh là Hồ Thị Hạnh, sinh ngày 24-12-1905, viên tịch ngày 22-8-1997, thọ 93 tuổi, hạ lạp 53 năm. Như vậy, tuổi đời và hạ lạp rất cao, Ni sư đã đi vào cõi niết bàn tròn 20 năm.

Gia phả của vị nữ tu Phật giáo, được tôn kính là "Sư bà" này có nhiều điểm đặc sắc trong họ tộc và cuộc đời hành trì hạnh Bồ tát hiệu nghiệm. Bà là con gái út của cụ ông Hồ Đắc Trung và cụ bà Châu Thị Ngọc Lương, quê quán ở làng An Truyền, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế, hầu hết anh chị đều thành danh, nổi tiếng, cống hiến cho đời nhiều thành quả đáng kể. Gia phả như sau:

Thủy tổ là Hồ Quản Lãnh, một trong những người đầu tiên theo chân Đoàn Nhữ Hài vào phía Nam nước Đại Việt ngay từ khi hai châu Ô, châu Lý sáp nhập vào nước ta năm 1307 dưới thời vua Trần Anh Tông. Họ Hồ trải qua 9 đời trong biến động thời cuộc không lưu truyền được gia phả. Do đó, tộc họ Hồ Đắc sử dụng tên chung là Hồ Đại Lãnh ở các đời này. Và chọn phả ký từ đời Hồ Đắc Mười làm tổ đời I của dòng họ Hồ Đắc như sau:

Đời I: Hồ Đắc Mười

Đời II: Hồ Đắc Lộc

Đời III: Hồ Đắc Vinh

Đời IV: Hồ Đắc Năng

Đời V: Hồ Đắc Bình

Đời VI: Hồ Đắc Công

Đời VII: Hồ Đắc Đạo

Đời VIII: Hồ Đắc Khả

Đời IX: Hồ Đắc Chuyên

Các đời kể trên là thứ lớp dòng trưởng, con rất nhiều tông đồ theo các vị ngành thứ. Họ Hồ Đắc truyền thừa đến nay đời XII, XIII. Nếu tính từ cụ Hồ Quản Lãnh, được tôn là thủy tổ họ Hồ vào phương Nam từ đầu thế kỷ XIV; đã có hơn 20 đời nối tiếp trong lịch sử nước nhà.

Trong phả hệ Đời IX có cụ Hồ Đắc Tuấn, sinh ra các con Đời X:

Đời X: Hồ Đắc Trung, Hồ Đắc Mậu, Hồ Đắc Chi, Hồ Đắc Đệ

Đời XI: Cụ ông Hồ Đắc Trung kết hôn cụ bà Châu Thị Ngọc Lương sinh ra các con: Hồ Đắc Khải, Hồ Đắc Điềm, Hồ Đắc Di, Hồ Đắc Liên, Hồ Đắc Ân, Hồ Đắc Thứ, Hồ Đắc Hoài và các công nữ Hồ Thị Huyên (Thích nữ Diệu Huệ), Hồ Thị Sài, Hồ Thị Chỉ (Đệ nhất Ân phi của vua Khải Định) và Hồ Thị Hạnh (Ni sư Diêu Không).

Dòng họ Hồ Đắc là một trong sáu họ lớn của triều đình Huế lúc bấy giờ, Cụ Hồ Đắc Trung, một đại thần của Cơ Mật Viện, là một thượng thư hàng đầu được xưng tụng vào thời thực dân Pháp đã “nuốt” gần trọn Việt Nam, tức có trách nhiệm của quan lại, song minh chứng quan điểm và hành xử của thượng quan Hồ Đắc Trung với ít nhất hai việc rất đáng nể trọng:

Một là việc làm “chánh án” xử vụ vua Duy Tân và nhóm Thái Phiên, Trần Cao Vân: Toàn thể Hội đồng cử quan Đại thần Thượng thơ Bộ Học Hồ Đắc Trung làm chánh án. Ông Hồ Đắc Trung vốn là bạn học của các ông Huỳnh Thúc Kháng, Trần Cao Vân, Thái Phiên. Trong phiên xử, thay vì tuyên án vua Duy Tân như trong bản án có sẵn của Pháp thì ông Hồ Đắc Trung làm ngược lại, ông tuyên bố tha bổng vua Duy Tân vì ông cho rằng nhà vua bị nhóm nổi loạn lợi dụng tuổi trẻ, hành động sơ suất, có lỗi với Chính phủ bảo hộ nhưng không phạm tội đối với nhân dân Việt Nam. Thực dân Pháp bất ngờ và vô cùng tức giận trước ngón “hồi mã thương” của quan chánh án, chúng không làm gì được, bèn lập tức bắt giam Hồ Đắc Trung cùng vua Duy Tân, nhưng cuối cùng thực dân Pháp phải duyệt y bản án, đày vua Duy Tân qua đảo La Réunion ngày 3.11.1916. Đến tháng 5 năm 1917, triều đình Huế dưới triều vua Khải Định được tổ chức lại, Hồ Đắc Trung được phục chức, cử làm Thượng thơ Bộ Lễ kiêm Bộ Học, tiếp tục đường quan lại trong tư thế kềm nén nỗi lòng với nước, với dân.

Việc thứ hai là việc giáo dục trong gia đình: Khi 5/6 con trai của ông được gởi du học tại Pháp và mỗi người, ông chọn cho mỗi ngành mũi nhọn trong tương lai với một ý định rất rõ ràng và chính xác, kết quả hơn mười mấy năm đầu tư cho các con học tập ở nước người: Hồ Đắc Điềm đậu Tiến sĩ Luật khoa, Hồ Đắc Di đậu Tiến sĩ Y khoa, Hồ Đắc Liên đậu Kỹ sư Khoáng học Địa chất, Hồ Đắc Ân đậu Tiến sĩ Dược khoa, Hồ Đắc Thứ chuyên ngành Ngân hàng tại Đại học Bách khoa Paris… Sau khi thành tài, ông gọi tất cả các con trở về nước. Và chúng ta đã biết Giáo sư Tiến sĩ Hồ Dắc Di, một trong số rất ít trí thức hàng đầu ngành Y của nước ta tận tuỵ theo Chủ tịch Hồ Chí Minh kháng chiến thắng lợi, xây dựng nước nhà sau ngày giải phóng, thống nhất đất nước.

Các con cụ Hồ Đắc Trung, tức anh chị của Ni sư Diệu Không (Hồ Thị Hạnh) là những nhân tài, đóng góp nhiều thành quả đấu tranh và xây dựng đất nước.

2. Hành trạng của Ni sư Diệu Không

Việc đời

Năm 1929, bà kết duyên với ông Cao Xuân Sang, thương tá Cơ Mật Viện (lúc này vợ ông chết đã 3 năm, để lại 6 con nhỏ). Vì nghĩa hơn vì tình. Năm sau, bà sinh con trai là Cao Xuân Chuân. Cùng trong thời gian này, chồng bà từ trần vì bệnh lao phổi. Mới 24 tuổi đã phải sống cuộc đời góa bụa với bảy đứa con (6 của bà vợ trước và 1 đứa con mới sanh). Bà trọn đạo thủ tiết thờ chồng nuôi con.

Bà đã hứa với gia đình chồng: Một đàn con bảy đứa, sáu đứa không mẹ, không cha. Chúng đã gọi mình bằng mẹ, thì không thể nào không làm tròn trọng trách; vả lại, những gương nữ lưu Việt Nam đã để lại cho chúng ta soi là “Tiết Hạnh Khả Phong”, thì chắc chắn chúng tôi phải học theo cho bằng được.

Bà giáo dục con cái rất nghiêm với tình thương yêu của một người mẹ, không có sự phân biệt giữa con riêng, con chung. Các con rất kính phục và nhiều người hàng xóm hay trong tầng lớp giới thượng lưu danh gia vọng tộc đều ca tụng bà, bà cho rằng: Tôi gắng làm được như vậy là nhờ tinh thần vô ngã vị tha của Phật giáo.

Tinh thần dân tộc, đầu óc canh tân xứ sở rất cao. Bà đã lập ra cửa hàng Nam Hóa ở cửa Thượng Tứ (Huế) để kêu gọi quần chúng bản tỉnh nên dùng đồ nội hóa, lập hội đấu xảo tiểu công nghệ cho giới phụ nữ ở số 2, đường Lê Lợi. Các việc làm này gây ảnh hưởng sâu rộng trong quần chúng địa phương thời đó.

Hằng ngày, ngoài hoạt động xã hội từ thiện, công việc gia đình con cái, bà vẫn dành nhiều thời gian đến chùa lễ bái, làm công quả, học giáo lý.

Khi các con khôn lớn, bà từ từ bỏ cuộc sống thế tục để chuẩn bị cho việc xuất gia. Giao phó công việc gia đình cho cô con gái thứ năm và bước vào cửa thiền rất dõng mãnh.

Hành đạo

Mùa Xuân năm Nhâm Thân (1932), bà lên cầu pháp với tổ Giác Tiên ở tổ đình Trúc Lâm, được Hòa thượng truyền thập giới làm Sa di ni với pháp tự Diệu Không, pháp danh Trừng Hảo, thuộc dòng Lâm Tế chánh tông đời thứ 42.

Bà là vị ni sư độc nhất được tham dự vào lớp học ở chùa Trúc Lâm do ngài Phước Huệ dạy bảo, trong lớp chỉ toàn cao tăng là thầy Mật Khế, Đôn Hậu, Vĩnh Thừa, Mật Hiển, Mật Nguyện và Bác sĩ Lê Đình Thám...

Cuối năm 1932, bà ở chùa Khải Ân, làng Châu Ê, xã Thủy Bằng, quận Nam Hòa (chùa này do bà Hồ Thị Chỉ, chánh thất của vua Khải Định và cũng là chị ruột của sư bà lập nên năm 1924, để cộng trú với sư bà Thể Yến, Hướng Đạo (tức sư bà Diệu Viên).

Ở miền Trung, từ đầu đã có lớp học ni tại chùa Từ Đàm do phu nhân cụ Ưng Đàm tổ chức từ trước năm 1938, sau đó dời về chùa Diệu Đức. Đảm trách giảng dạy có ni sư Diệu Hương làm Đốc giáo và bà Hồ Thị Hạnh (sau này là sư bà Diệu Không) giảng dạy.

Sau khi thọ giới Sa di ni, bà góp công sức vào xây cất Ni viện Diệu Đức; đó là Ni viện đầu tiên cho nữ giới, góp phần sáng lập và trùng tu nhiều chùa ni và tịnh viện khác tại Thừa Thiên - Huế như Diệu Viên, Khải Ân, Hồng Ân, Kiều Đàm, Định Huệ, Đông Thuyền, Hồng Đức, Liên Trì, Liên Hoa; Bảo Thắng-Hội An, Bảo Quang-Đà Nẵng, Tịnh Nghiệm-Quảng Ngãi, Ni viện Diệu Quang-Nha Trang. Tại miền Nam, bà là người góp công thành lập Ni trường đầu tiên ở Sa Đéc, Ni viện Từ Nghiêm, Dược Sư, Diệu Giác, Diệu Tràng, Diệu Pháp tại Hố Nai, Long Thành.

Năm Đinh Hợi (1947), Hòa thượng Đôn Hậu cùng hai vị Hòa thượng Giác Nguyên và Giác Nhiên, tản cư về làng An Xuân, xã Quảng An, huyện Quảng Điền. Tại đây, Hòa thượng Đôn Hậu bị Pháp bắt giam 3 ngày rồi thả ra về chùa Linh Mụ được một thời gian ngắn, Hòa thượng bị bắt lại. Lần này, may nhờ có Sư bà Diệu Không và ông Tráng Đinh, can thiệp kịp thời với Hoàng Thái hậu Từ Cung và Hoàng hậu Nam Phương, nên khi sắp đem đi hành hình mới được lệnh tha về.

Năm 1952, Sư bà góp phần đắc lực trong việc sáng lập nhà in Liên Hoa để in kinh sách Phật giáo và nguyệt san Liên Hoa. Nguyệt san này do Hòa thượng Đôn Hậu làm Chủ nhiệm, Hòa thượng Đức Tâm làm Chủ bút, Sư bà làm quản lý và biên tập viên, là tờ báo Phật giáo sống lâu nhất tại miền Trung.

Năm 1963, chính quyền đàn áp Phật giáo, sư bà vào Nam tổ chức biểu tình trước dinh Độc Lập để đòi quyền bình đẳng tôn giáo, đã xin phép được tự thiêu để bảo vệ chánh pháp.

Ngày 23-7-1963, sư bà Diệu Huệ là chị ruột sư bà mở cuộc họp báo tại chùa Xá Lợi, cho biết bà sẽ tự thiêu để chống lại chính sách kỳ thị tôn giáo của chính quyền (tâm nguyện này chưa được Liên phái chuẩn thuận) và khi Hòa thượng Thích Quảng Đức vì pháp thiêu thân, bà đã ngất xỉu và vô cùng xúc động cảm phục.

Năm 1964, sư bà dựng chùa Diệu Giác ở Thủ Đức. Sư bà góp công rất nhiều trong việc xây dựng Viện Đại học Phật giáo đầu tiên của Việt Nam là Đại học Vạn Hạnh, cùng với Hòa thượng Trí Thủ, Hòa thượng Minh Châu, Hòa thượng Nhất Hạnh và cư sĩ Ngô Trọng Anh... là những vị khai sáng đầu tiên. Viện Đại học Vạn Hạnh nổi tiếng ở Sài Gòn trước 1975.

Năm 1965-1966, lại một lần nữa sư bà dấn thân cho cuộc tranh đấu đòi dân chủ dân quyền.

Năm 1967, tạo lập tịnh xá Kiều Đàm ở đường Công Lý (Sài Gòn). Sau đó, bà về Huế để lo phần ngoại hộ khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất Thừa Thiên - Huế, mở lớp chuyên khoa Phật học nội trú Liễu Quán bốn năm.

Năm 1968, xây cất cô nhi viện Bảo Anh ở Tây Lộc (Huế) và cô nhi viện Diệu Định (Đà Nẵng), để có nơi nuôi dưỡng con em mồ côi do cuộc chiến gây ra.

Năm 1970, sửa sang lại nhà in Liên Hoa thành tịnh xá Kiều Đàm để cho ni chúng học hành, bà cho thành lập chương trình đào tạo cán bộ y tế cấp tốc như trạm y tế Hồng Ân, Diệu Đế, Hòa Lương. Sư bà cho lập một đội y tế lưu động giao cho ni sư Minh Tú đến các trại tỵ nạn, các làng quê nghèo hẻo lánh để khám bệnh, phát thuốc, cứu đói...; giải quyết trực tiếp cho đồng bào địa phương, chương trình này đã gây một tiếng vang tốt.

Dù tuổi già sức yếu, Sư bà không bao giờ chịu nghỉ, bà thường bảo với ni chúng: “Ngày nào tôi thấy dân chúng quê mình được an cư lạc nghiệp, có trình độ học vấn cao thì tôi ngủ mới yên giấc, ăn mới ngon miệng".

Sư bà luôn luôn học hỏi, tham cứu kinh sách Đại Tiểu thừa, và thường nhập thất tham thiền tại chùa Khải Ân, núi Châu Ê. Sư bà nguyện: “Nguyện Phật chứng minh muôn vạn kiếp, con xin lăn lóc cõi Ta Bà”. Có lẽ do hạnh nguyện ấy mà đến đâu Sư bà cũng được phụ nữ, già trẻ lớn bé đều yêu mến. Và cũng nhờ am hiểu nhân tình, tùy cơ giáo hóa, có biện tài vô ngại. Nhưng trên tất cả, chính nhờ tâm hồn Sư bao dung quảng đại, bình đẳng đối với người thân cũng như sơ, xa cũng như gần.

Đối với ni chúng, Sư bà là bạn của tất cả mọi người, ai gần cũng kính mến như "bậc thầy" do bởi bản tánh bình dị, uy nghi khả kính. Tính bình dị của Sư bà quả là một tấm gương cho ni giới: xuất thân là một công nương, mà khi vào chùa, Sư bà đã sống một cuộc đời hoàn toàn buông xả, đối với bốn vật cần dùng là ẩm thực, y phục, sàng tòa và dược phẩm, Sư bà không chú trọng, có gì tốt đẹp đều đem cúng dường bố thí. Trước khi ngọa bệnh, nơi thường trú của Sư bà tại chùa Hồng Ân hay ở tịnh xá Kiều Đàm chỉ là một gian nhà nhỏ.

Năm 1978, sau một cơn bệnh, Sư bà tưởng như viên tịch, được chư tăng ni vây quanh tiếp dẫn. Nhưng khi thời kinh hộ niệm chấm dứt, Sư cô Bảo Châu đau đớn khóc thét lên, Sư bà bèn giật mình tỉnh dậy.

Kể từ đấy, Sư bà thường dạy: “Khi đã thấy cảnh tịnh độ rồi thì tôi xem cảnh đời này toàn là giả”. Có lẽ nhờ thấy giả mà Sư bà kham nhẫn được mọi sự. Gần năm năm già yếu ngọa bệnh, Sư bà luôn luôn hoan hỷ với mọi người, đón nhận sự săn sóc chu đáo của tất cả các đệ tử, sự chữa trị tận tình của các bác sĩ Tây y như thầy Hải Ấn, bác sĩ Lê Văn Bách, và quý vị bác sĩ, y tá bệnh viện Trung ương Huế; Đông y như Sư Tuệ Tâm và quý vị y bác sĩ tại Tuệ Tĩnh đường Diệu Đế...

Mặc dù già bệnh, tuổi đời đã trên 80 mà tinh thần vẫn minh mẫn. Công việc hành hoạt của Sư bà vẫn chạy đều, vừa dịch sách vừa chỉ bảo cho các môn đệ.

Năm 1986, Sư bà đứng ra vận động và trực tiếp trùng tu chùa Đông Thuyền. Chùa này được tạo lập dưới thời chúa Nguyễn, được trùng tu một lần năm 1803.

Cuộc đời của Sư bà lợi tha hơn tự lợi, Sư bà luôn luôn giữ đức khiêm cung với chư tôn thiền đức. Sư bà gìn giữ Bát Kỉnh Pháp đúng mức, bà có một đức tính hiếm thấy là rất kính trọng chư Tăng cho dù là các chú Sa di. Đức tánh mà bà thể hiện, chỉ có một không hai và rất khó có ở các vị Tỳ kheo ni khác.

Tinh thần Sư bà luôn minh mẫn cho đến giây phút cuối, mỗi khi ai có việc quan trọng đến thỉnh ý, Sư bà đều dạy những lời khuyên hết sức sáng suốt.

Lần thứ 2 Sư bà cũng bị hôn mê do bệnh tiểu đường tưởng đã viên tịch.

Cách 2 tháng trước khi qua đời, Sư bà còn phát tâm cúng dường cơ sở Hồng Đức cho Giáo hội để sử dụng.

Sư bà tạ thế vào lúc 2 giờ ngày 22 tháng 8 năm Đinh Sửu tức 23 tháng 9 năm 1997, hưởng thọ 93 tuổi đời, 53 năm hạ lạp.

Sư bà đã để lại những áng thơ hay, dịch thuật trước tác và cộng tác với nhiều tạp chí Phật giáo như Viên Âm, Giác Ngộ, Từ Quang, Liên Hoa... Các bộ kinh luận quan trọng do Sư bà dịch gồm có: Thành duy thức luận, Du già Sư địa luận, Lăng-già Tâm ấn, Di lặc hạ sinh kinh, Đại trí độ luận, Trung quán luận lược giải (của Long Thụ Bồ Tát), Hiện thật luận (của Thái Hư đại sư)... Ngoài ra, Sư bà còn sáng tác rất nhiều tập thơ văn khuyến tu và giáo dục phụ nữ.

Như vậy, tôn vinh một cuộc đời đạo hạnh có cả âm hưởng của dòng họ. Dòng họ Hồ Đắc đã hun đúc từng con người có cuộc sống đạo đức vì mọi người; do đó hàng ngàn các con cháu của họ Hồ Đắc đã xứng danh với dòng họ và tổ tiên của mình, liên tục cống hiến những người tài - trí - đức cho đất nước hôm nay, trong đó có những tăng ni, Phật tử thuần hành rất đáng nể trọng.

 


1. Soạn theo tài liệu của bác sĩ Hồ Đắc Duy, là người cháu ruột của Sư bà Diệu Không. Bác sĩ Hồ Đắc Duy vừa qua đời ngày 19-8-2018 vừa qua.

2. Tiến sĩ Sử học, Trung tâm Nghiên cứu Lịch sử Phật giáo Việt Nam (Chùa Phật học Xá Lợi, Thành phố Hồ Chí Minh).

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 27
    • Số lượt truy cập : 6794733