Thông tin

GIÁ TRỊ CỦA BẰNG HỮU

GIÁ TRỊ CỦA BẰNG HỮU

 

HT. THÍCH THIỆN ĐẠO

 

 

 

Ngạn ngữ Pháp có câu: “Anh cho tôi biết bạn anh là ai, tôi sẽ nói anh là người thế nào”.

Ông bà ta thường nhắc nhở con cháu phải khéo chọn bạn mà chơi. Người đời còn biết cẩn trọng trong việc giao lưu với bạn bè, huống chi là hành giả của đạo giác ngộ. Ăn cơm có canh, tu hành có bạn. Bạn bè khá quan trọng trong việc nên hư thành bại của một đời người. Nhiều người đã thành đạt lưu danh là nhờ bè bạn thân hữu. Nhưng không ít người đã tan gia bại sản, thân bại danh liệt vì không biết chọn bạn để thân giao.

Chưa có thời đại nào vấn đề nhân danh bị lạm dụng công khai như lúc này. Lớn cũng nhân danh, nhỏ cũng nhân danh, đúng cũng nhân danh, sai cũng nhân danh, chánh cũng nhân danh, tà cũng nhân danh, và oái ăm thay thứ nhân danh nào cũng có đất đứng vững chắc. Thật là chân giả khó phân, vàng thau lẫn lộn. Trước một thực trạng xã hội như vậy, một nhà hiền triết Hy Lạp đã phải thốt lên: “Khổ cho một thời đại khi nhà hiền triết câm lặng, nhà vô địch mù lòa, trong khi kẻ ngụy biện luôn ba hoa”.

Con đường của trần gian sanh tử luôn đầy dẫy những phỉnh gạt, cám dỗ, sa ngã, không tự chủ, cho nên cũng đầy dẫy những khổ đau trói buộc. Những ai thiếu sáng suốt không tự chủ, sẽ mất khả năng tự điều phục, điều phục người khác, và sẽ mãi mãi bị đắm chìm dưới các làn sóng vô minh chấp thủ. Thật khôn ngoan và hạnh phúc cho những ai biết tự chủ sáng suốt trước mọi lay động của trần gian, và cao cả hơn nữa là biết hướng tâm theo lộ trình giác ngộ. Hướng tâm theo lộ trình giác ngộ chính là con đường tri thức, con đường truy cầu, nương tựa và tu tập theo Thiện Tri Thức.

Trong kinh Pháp cú, Đức Phật khuyên các đệ tử nên sáng suốt trong việc chọn bạn và kết bạn: “Nếu không tìm được người hơn mình, không tìm được người ngang với mình, thà quyết chí ở một mình, không nên kết bạn với người thấp kém hơn mình”. Ở đây, ý nghĩa hơn ta, ngang với ta và thấp kém hơn ta, Đức Phật muốn đề cập đến phương diện trí tuệ, phạm hạnh và thể nhập. Hành giả của đạo giác ngộ không thể thiếu các đức tánh căn bản nêu trên. Nếu chúng ta chưa đạt được các tiêu chuẩn mà Đức Phật đã nêu, chúng ta cần phải biết thân cận minh sư thiện hữu có khả năng dắt dẫn ta vào con đường giác ngộ.

Theo quan điểm của Đại thừa, bất cứ nhân duyên nào có khả năng mở thông trí tuệ tự tâm, giúp hành giả kiến tánh thành Phật đều được gọi là Thiện Tri Thức. Như vậy, tư tưởng Đại thừa đã mở rộng tầm nhìn, giúp chúng ta vượt qua cố chấp định kiến sai lầm về các thành phần trí thức xã hội. Không phải có học vị cao, chức vụ lớn, hiểu biết nhiều thứ thì được gọi là trí thức. Có không ít người học vị cao, chức vụ lớn, kiến thức đầy người, mà tư cách thì thấp kém, vẫn nhỏ mọn ích kỷ, vẫn tham lam tranh giành, luôn luôn mang trong đầu tâm lý tự cao thích được ca tụng, hay khinh chê và ưa gây khó khăn cho người khác. Như vậy, họ không được gọi là người trí thức, là trượng phu quân tử, chứ chưa nói được tôn vinh là Thiện Tri Thức đúng nghĩa, bởi vì họ là những người không biết tiếp nhận tri thức giác ngộ, không có đức tính an lạc mình và người. Nhìn rõ bản chất tham chấp của con người, Đồng Tử Pháp Ngộ đã nhận xét: “Càn khôn bất tích tham tâm”. Đây là nhận xét thực tế sâu sắc, nêu lên chủng tử căn bản là nghiệp tham chấp cố hữu của con người khi chưa thâm nhập tinh thần giải thoát.

Một hành giả phát tâm đi trên con đường giác ngộ cần phải phát nguyện dõng mãnh đi vào con đường cần cầu Thiện Tri Thức, tức là tiến trình Ngộ Nhập Phật tri kiến. Kinh Pháp Hoa nói: “Thân cận Thiện Tri Thức là con đường thù thắng khiến hành giả sớm thoát ly sanh tử”.

Kinh Hoa Nghiêm, bộ Kinh Đại Thừa tối thắng, phản ánh tinh thần giác ngộ rốt ráo qua con đường cần cầu Thiện Tri Thức như sau:

a. Đối với Thiện Tri Thức phải xem như là:

- Từ mẫu, vì khiến xuất sanh Phật chủng.

- Nhũ mẫu, vì thủ hộ không cho làm ác.

- Giáo sư, vì dạy các sở học của Bồ Tát.

- Lương y, vì chữa khỏi bệnh phiền não.

- Người lái đò, vì đưa ra khỏi dòng sanh tử đến bờ bảo sở trí tuệ.

b. Thân cận Thiện Tri Thức, cần phải:

- Không được nhàm mỏi.

- Chớ sợ khó nhọc.

- Chớ có thối chuyển.

- Chớ có nghi hoặc.

- Chớ có lầm lẫn.

- Tuyệt đối thâm tín, tôn kính.

c. Kính nhờ Thiện Tri Thức, phải phát tâm như:

- Đại địa, vì gánh chịu trọng trách.

- Kim cang, vì chí nguyện kiên cố.

- Đệ tử, vì tùy thuận không trái nghịch.

- Núi Tu di, vì không bị lay động.

- Chiên đà la, vì xa lìa kiêu mạn.

- Cầu đò, tế độ không ngừng nghỉ.

d. Quán niệm đối với Thiện Tri Thức:

- Với tự thân phải xem là bệnh khổ, với Thiện Tri Thức phải tưởng như lương y, lương dược.

- Với tự thân phải xem là lữ hành đi xa, với Thiện Tri Thức phải tưởng như đạo sư, như đường chánh dẫn đến bờ giác.

- Với tự thân phải xem là con cái, với Thiện Tri Thức phải tưởng như cha mẹ, như gia nghiệp phải tiếp nối.

e. Năng lực cứu hộ của Thiện Tri Thức:

- Do thiện tri thức nhiếp trì, chẳng thất thối tâm Đại thừa.

- Do thiện tri thức thủ hộ, chẳng ngã theo ác tri thức.

- Do thiện tri thức dìu dắt, được ra khỏi thế gian.

- Do thân cận thiện tri thức, không bị ma nhiếp trì.

- Do cúng dường thiện tri thức, được đầy đủ Bồ Tát đạo.

Vì những lợi ích như trên, Kinh Pháp Hoa nói:

“Thân cận Thiện Tri Thức như đi trong sương đêm, tuy không ướt áo liền, nhưng dần dần được mát mẻ”.

Ngài Bồ Tát Văn Thù đã nói với Thiện Tài Đồng Tử:

Thân cận cúng dường các bậc Thiện Tri Thức là nhân duyên thù thắng để thành tựu nhất thiết chủng trí”.

Người nào tu hành đúng lời dạy của Thiện Tri Thức được chư Phật ba đời hoan hỷ tán thán”.

Như vậy, con đường sự nghiệp của Thiện Tri Thức là con đường hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa, là con đường thể nhập trí tuệ siêu việt, trí tuệ rốt ráo, trí tuệ siêu xuất sanh tử trong lý tưởng thượng cầu hạ hóa, vì lợi ích tất chúng sanh như lời phát nguyện thù thắng của Thánh đệ tử A Nan dâng lên Đức Thế Tôn:

Tương thử thâm tâm phụng trần sát,

Thị tắc danh vi Báo Phật ân”.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 136
    • Số lượt truy cập : 6946824