GIÁ TRỊ CỦA NGŨ GIỚI ĐỐI VỚI VẤN ĐỀ GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC CÁ NHÂN
GIÁ TRỊ CỦA NGŨ GIỚI ĐỐI VỚI VẤN ĐỀ GIÁO DỤC
ĐẠO ĐỨC CÁ NHÂN
VŨ THỊ HỒNG DUNG
Trường Đại học Hải Phòng
Ở nước ta, Phật giáo có ảnh hưởng sâu rộng tới mọi tầng lớp nhân dân trong lịch sử và hiện tại. Ngũ giới là những nguyên tắc đạo đức được Đức Phật đề ra nhằm hướng con người hoàn thiện bản chất nhân văn của mình. Ngũ giới không chỉ ngăn ngừa tội lỗi mà còn hướng con người mở rộng lòng từ bi với mọi người, với mọi loài. Vì thế, Ngũ giới được xem như một nền tảng xây dựng đạo đức cá nhân trong bối cảnh xã hội đầy biến động hiện nay.
1. Quan niệm về Ngũ giới
Giới luật của Phật giáo gồm các quy phạm đạo đức khá cụ thể, không chỉ thiết thực cho người Phật tử mà còn cần thiết cho tất cả mọi người ở mọi thời đại. Đạo Phật có nhiều giới luật khác nhau, song lấy ngũ giới làm cơ sở nền tảng. Để hiểu Ngũ giới của Phật giáo trước hết cần hiểu về Giới. Giới của Phật giáo được hiểu: Đó là Vinaya, có nghĩa là một pháp để ngăn ngừa, làm chuẩn mực cho hành động; Sila, chỉ một khuynh hướng vận động giúp người hướng đến tuệ giác và Paratimoska, là “giải thoát” hay “Biệt biệt giải thoát”, nghĩa là người giữ giới nào thì sẽ được lợi ích riêng của giới đó. Tùy vào khả năng và hoàn cảnh cụ thể của mỗi người có thể chọn cho mình những “Giới” - những phương thức hành động thích hợp. Ngũ giới bao gồm: Không sát sinh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối và không uống rượu.
Thuật ngữ đạo đức (moral) được hình thành khoảng thế kỷ IV trước Công nguyên và gắn liền với tên tuổi của nhà tư tưởng vĩ đại Aristot (384-322). Đây là thời kỳ người ta quan niệm đạo đức là những chuẩn mực chung chung nhằm điều chỉnh hành vi con người, sao cho tạo nên mối quan hệ hài hòa giữa con người với nhau, giữa con người với xã hội. C.Mác cho rằng, đạo đức chính là lực lượng bản chất của con người trong sự phát triển của nó theo hướng ngày càng đạt tới giá trị đích thực của cái thiện.
Trong Từ điển Tiếng Việt, đạo đức được cho là “Những tiêu chuẩn, những nguyên tắc được dư luận xã hội thừa nhận, quy định hành vi, quan hệ của con người đối với nhau và đối với xã hội”. Như thế, đạo đức là một hình thái ý thức xã hội, là tập hợp những hành vi và đánh giá cách ứng xử của con người trong quan hệ với nhau và quan hệ với xã hội, được thực hiện bởi niềm tin cá nhân, bởi truyền thống và thông qua dư luận xã hội. Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ xin được đề cập đạo đức cá nhân trong mối tương quan với đạo đức xã hội.
Đạo đức cá nhân là đạo đức của từng cá nhân riêng lẻ trong cộng đồng, trong đó nó vừa có những nét chung của thời đại của dân tộc, của từng vùng mà cá nhân sinh sống, giai cấp, tầng lớp xã hội cá nhân đó tồn tại và mang cả những nét của dòng họ, gia đình mà đặc biệt là nét riêng của cá nhân đó. Đạo đức xã hội là sự phản ánh tồn tại xã hội trong một cộng đồng nhất định, là phương thức điều chỉnh hành vi đạo đức của mỗi cá nhân trong cộng đồng. nó tồn tại trong kinh nghiệm, phong tục tập quán, trong tôn giáo và mang tính phổ quát của cộng đồng đó. Theo quan điểm của các nhà Mác xít thì tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội, do đó ở mỗi thời kỳ lịch sử khác nhau thì đạo đức xã hội cũng có những thay đổi khác nhau, đòi hỏi cá nhân cũng không ngừng bổ sung, hoàn thiện để phù hợp với yêu cầu mà xã hội đặt ra.
Ở Việt Nam, với sự mở cửa của nền kinh tế đã làm cho con người chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các trào lưu tư tưởng xã hội như chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa sùng bái đồng tiền… chúng đang ăn dần vào suy nghĩ của mỗi con người làm cho đạo đức cá nhân đang bị suy thoái khủng hoảng, mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người bị lấn át bởi lối sống lai căng, mất dần giá trị thuộc về thuần phong mỹ tục. Chính điều này đã gây nên sự sa ngã của một bộ phận người dân vào các tệ nạn xã hội: như nghiện hút, ma túy, mại dâm cùng với đó là một loạt những hành vi cụ thể biểu hiện sự xuống cấp về đạo đức cá nhân như những hành vi giết người man rợ tưởng chừng không thể có trong xã hội hiện đại. Những biểu hiện đó chính là tiếng chuông cảnh báo về sự suy đồi đạo đức cá nhân. Liệu rằng xã hội có thể phát triển tốt đẹp hơn khi đạo đức của cá nhân ngày càng suy thoái trầm trọng. Do đó, cần lắm một hồi chuông cảnh tỉnh cho mỗi con người hãy tự ý thức bản thân, sống trách nhiệm hơn với cá nhân, gia đình và xã hội. Vì thế, việc nghiên cứu đạo đức Phật giáo nói chung, ngũ giới nói riêng có ý nghĩa to lớn trong việc định hướng giáo dục đạo đức cá nhân, góp phần đáp ứng nhu cầu xây dựng một nền đạo đức chung của xã hội một cách lành mạnh cho phù hợp với tình hình hiện nay.
2. Giá trị của Ngũ giới
Giáo dục cho mỗi cá nhân hiểu biết đúng về sự thật con người mình và sự vật, dạy cách tu sửa chính mình để làm lợi cho mình, gia đình và xã hội chính là giá trị tích cực của giáo lý Phật giáo. Việc khai thác những giá trị đạo đức trong Ngũ giới để phối hợp với giáo dục đạo đức cho con người không chỉ tạo ra những con người giàu về trí tuệ, tình cảm, sống có lương tâm và trách nhiệm mà còn góp phần xây dựng một xã hội công bằng, hạnh phúc.
Ngũ giới giáo dục con người phải có tình yêu thương đồng loại, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Câu ca của người Việt “Nhiễu điều phủ lấy giá gương. Người trong một nước phải thương nhau cùng”. Đó là tính cụ thể nhất của tình yêu thương những người đồng màu da chủng tộc sắc tộc, cùng tiếng nói, phong tục tập quán, nói rộng ra đó là tình yêu thương muôn loài. Giới không sát sinh dạy chúng ta tôn trọng sự bình đẳng về quyền sống của con người, nuôi lớn tình yêu thương đồng loại, biết đau nỗi đau của kẻ khác và hướng đến những việc làm thiết thực giúp đỡ người khác. Biết tôn trọng sự sống của con người là biết tránh xa các hành động tàn bạo tổn hại đến mạng sống người khác và bảo vệ mạng sống của chính mình. Ngày nay, chúng ta không thể kêu gọi hiến máu nhân đạo nếu không giáo dục lòng nhân ái, tuy nhiên hiện tượng tội phạm xã hội ngày càng gia tăng phải chăng nguyên nhân là do sự thiếu sót trong giáo dục đạo đức cá nhân. Nếu biết yêu quý sự sống của chính mình thì những người trẻ tuổi không tự tìm đến cái chết chỉ vì những nguyên nhân không quá nghiêm trọng. Nếu tôn trọng và yêu chuộng sự sống thì không thể chiến tranh và sát hại. Ngày nay trên thế giới, một vài nơi người ta đang xem nhẹ mạng sống của con người, do đó mà khủng bố, sát nhân hàng loạt, đánh bom tự sát… diễn ra mỗi ngày, mỗi giờ và máu đã loang khắp địa cầu vì những thù hận tôn giáo, sắc tộc, vì những mưu đồ chính trị khác nhau…
Tôn trọng sự sống, sự công bằng và trên hết là tình yêu thương con người và muôn vật luôn được đức Phật đề cao để nuôi dưỡng lòng từ bi nơi con người. Bởi: “Đem tâm giết hại sinh mệnh là lòng độc ác đã cực thịnh, tâm từ bi bị bóp chết”[1]. Đồng thời, theo đạo Phật: “Sinh vật dù hình thể khác nhau, nhưng sự sống chỉ một nên không được sát hại”[2]. Vì thế, chớ giết hại cũng chớ bảo người khác giết hại, do đó không có lý do gì để nói rằng giai cấp này, màu da này, có giá trị hơn giai cấp khác màu da khác, hay loài vật này có giá trị sống hơn loài vật khác.
Giá trị của Ngũ giới hướng con người đến những giá trị nhân bản, góp phần tích cực vào việc hoàn thiện đạo đức cá nhân. Tinh thần “từ bi” trong Phật giáo không chỉ hướng đến con người, mà còn đến cả muôn vật, cỏ cây. Phật giáo kêu gọi lòng nhân đạo, yêu thương và bảo vệ sự sống. Đặc biệt, trong quan hệ giữa con người với con người, Phật giáo muốn tình yêu thương ấy phải biến thành hành động “bố thí”, cứu giúp những người đau khổ hoặc “nhẫn nhục” để giữ gìn đoàn kết trong tổ chức, cộng đồng. Đồng thời, Phật giáo nêu cao tinh thần "không sát sinh", tôn trọng sự bình đẳng trong quyền sống của muôn loài. Đặc biệt, trong điều kiện kinh tế thị trường, sự phát triển của nhu cầu hàng hóa và nhu cầu tiêu dùng, sự khai thác tàn phá môi trường, sinh thái, săn bắn động vật đang ở mức độ báo động, nhiều loài động vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng, thì việc hiểu đúng tinh thần của Giới không sát sinh, biết chăm sóc, bảo vệ giữ gìn môi trường sinh thái xung quanh, chống ô nhiễm môi trường nước, không khí, đất, chống hiện tượng gây tiếng ồn, xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp là cấp thiết. Quan niệm này có ý nghĩa sâu sắc trong việc giáo dục cá nhân bảo vệ môi trường và cũng là bảo vệ chính con người. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, trước những luồng văn hóa ngoại lai, lối sống thực dụng và chủ nghĩa vị tiền... dễ gây mất lòng tin, phai nhạt lý tưởng xã hội chủ nghĩa thì việc giáo dục lối sống nhân ái trở nên vô cùng quan trọng đồng thời đấu tranh chống lại bất công, tệ nạn xã hội, đấu tranh vì một xã hội theo tinh thần từ bi, bác ái, bình đẳng: “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh”.
(Còn tiếp)
[1] Giáo hội Phật giáo Việt Nam (1992), Phật học phổ thông, Nxb Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh, tr85.
[2] Giáo hội Phật giáo Việt Nam (1992), Phật pháp, Nxb Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh, tr180.
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 20 – THÁNG 4 NĂM 2017 (PL. 2560)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 19 – THÁNG 1 NĂM 2017 (PL. 2560)
- ĐÓN XEM TỪ QUANG TẬP 19
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 18 – THÁNG 10 NĂM 2016 (PL. 2560)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 17 – THÁNG 7 NĂM 2016 (PL. 2560)
- TỪ QUANG TẬP 16 – THÁNG 4 NĂM 2016 (PL. 2560)
Bình luận bài viết