Thông tin

GIÁ TRỊ VĂN HÓA CHÙA SƠN DƯỢC

Ở HUYỆN ĐẠI TỪ, TỈNH THÁI NGUYÊN

 

CN. TẠ VĂN TRƯỜNG*
ThS. PHẠM HỒNG DƯƠNG**

 

 

Chùa Sơn Dược, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên

 

Đại Từ là huyện miền núi nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Thái Nguyên, là vùng đất có nhiều di tích lịch sử, văn hóa như: Chùa Thiên Tây Trúc - Lán Than (xã Quân Chu); Đền Gàn (xã Vạn Thọ); chùa Yên Cư (xã Yên Lãng); Khu di tích lịch sử Quốc gia 27-7 (TT Hùng Sơn); Núi Văn - Núi Võ (xã Văn Yên và xã Ký Phú)… Trong đó phải kể đến Chùa Sơn Dược thuộc xã Bình Thuận, nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, đồng thời là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp như: Đại tướng Võ Nguyên Giáp về nói chuyện với quân và dân địa phương năm 1947, Tổng Bí thư Trường Chinh về làm việc với cán bộ và nhân dân năm 1953 và những sự kiện gắn với hoạt động trưởng thành của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương.

1. Giá trị văn hóa vật thể

1.1. Giá trị kiến trúc

Chùa Sơn Dược (tên gọi khác chùa Yên Thuận) thuở xưa được dựng bằng gỗ và lợp gianh, có kiến trúc đơn giản, trải qua thời gian đã bị xuống cấp. Sau nhiều lần trùng tu, hiện nay nằm ở phía trung tâm quần thể kiến trúc chùa là nhà tiền đường và thượng điện, có kiến trúc chồng diêm 2 tầng, 8 mái đầu đao cong, ở các bờ nóc và bờ chảy đều được đắp hình các con kìm. Giữa nóc chùa có ghi 3 chữ Sơn Dược tự. Giữa tầng 1 và tầng 2 ghi “Phật nhập tăng huy”, “Pháp luân thường chuyển”, “Nhật quang phổ chiếu”.

Chùa Sơn Dược có không gian rộng lớn, sân chùa có diện tích hơn 400m2 được lát gạch đỏ, bao quanh là những cây xanh cổ thụ to lớn như đa, sanh, đề... Chùa có nhà giảng đường rộng để giảng đạo và truyền bá kinh Phật, giáo lý Phật giáo, có nhà tiếp khách, khu bếp và khu trưng bày các đồ cung tiến của Phật tử. Trong điện thờ có 5 pho tượng: Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu và 2 tượng thần linh thổ địa. Thời gian gần đây, chùa Sơn Dược được mở rộng hơn, khang trang hơn. Chùa được các tăng ni phật tử ở nhiều nơi công đức nhiều pho tượng mới như tượng Phật Bà Quan Âm, Thiền Sư Đại Đức, Thích Ca Mâu Ni...

Trong quần thể kiến trúc của chùa, nhà tiền đường và thượng điện là nơi diễn ra các hoạt động thờ cúng nhiều nhất, các tượng Phật thờ cúng được sắp xếp theo một trình tự riêng có sự khác biệt nhất định với các ngôi chùa khác. Ở giữa nhà tiền đường và thượng điện là nơi đặt tượng Phật Thích Ca Mâu Ni, cao chừng 3m, màu vàng, trên bàn thờ phía trước có đặt tòa Cửu Long. Bên phải tượng Phật Thích Ca là bàn thờ Thánh hiền và Hộ pháp cùng với bàn thờ Địa Tạng - dẫn vong người mất, bên trái là bàn thờ Đức Ông và Hộ pháp. Phía sau tượng Phật Thích Ca là một hệ thống bàn thờ, trên cao là Tam Thế Phật, ở dưới xếp thứ tự từ phải sang trái là bàn thờ thần linh Thổ địa và Phật bà nghìn tay nghìn mắt, tiếp theo là bàn thờ Ngọc Hoàng và Nam Tào, Bắc Đẩu, Đạt Ma Sư Tổ (bàn thờ tổ) và Phật Bà. Cuối cùng là bàn thờ Bác Hồ, Quan Âm Thị Kính và Thần linh Thổ địa. Ngoài ra, ở nhà giảng đường của chùa bài trí bàn thờ Phật lớn phục vụ cho việc giảng dạy, truyền bá giáo lý Phật pháp cho tăng ni, Phật tử.

Ngoài ra, chùa còn lưu giữ được một quả chuông đồng lớn, cao trên 1m, chuông có 4 ô, 4 núm, quai được tạo dáng đúc 2 con rồng đấu lưng nhau. Con rồng mang rõ phong cách nghệ thuật điêu khắc thời Nguyễn: sừng dài, mắt lồi, bờm rậm, tai thú. Trên thân chuông được trang trí 2 lớp ô, lớp ô trên có 5 đường viền, trong ô để trống không khắc chữ, lớp ô dưới nhỏ hơn có khoanh ở các góc hoa văn hình lá sòi, miệng chuông để trơn không trang trí hoa văn. Bia đá và chuông đồng là một trong những hiện vật rất có giá trị để minh chứng xác thực nhất, chùa Sơn Dược là một ngôi chùa cổ đã có từ lâu đời...

1.2. Giá trị văn bia

Chùa Sơn Dược có niên đại từ đầu thế kỷ XVIII, trên bia đá ghi rõ: “Minh Mệnh thập niên”, tức là được trùng tu vào những năm thứ 10 triều Minh Mệnh (1830). Hiện nay, chùa còn lưu giữ được 03 bia đá cổ.

Qua khảo sát và một số nguồn tư liệu thì tấm bia thứ nhất có kích thước là 1,2m x 0,65m, trên chóp và viền quanh bia có nhiều hoa văn như: 2 con rồng chầu mặt trời, hoa cúc dây, đường diềm. Bia khắc cả 2 mặt chữ Hán. Mặt trước có 25 dòng chữ, ước chừng có khoảng 500 chữ Hán, với nhan đề là “Đồng chung bi ký” (bài ký đúc chuông đồng khắc trên bia), mở đầu bài ký cho biết địa danh “Phú Bình phủ, Đại Từ huyện, Yên Thuận xã...” và một bài ký dài nội dung luận về đạo Phật, khuyên con người nên làm điều thiện, diệt trừ cái ác để tu tâm, tích đức, hưởng cái phúc, lộc. Mặt sau bia khắc niên đại “Minh Mệnh thập niên” tức là bia dựng vào năm Minh Mệnh năm thứ 10 (1830).

Tấm bia thứ hai có tên “Đồng chung bi ký”, khắc 2 mặt có gần 1.000 chữ Hán, kích thước: 1,2m x 0,65m với nội dung ghi họ tên, địa chỉ, người công đức tiền, ruộng, đúc chuông, trùng tu chùa.

Tấm bia thứ ba có kích thước nhỏ hơn 2 bia nói trên 0,90m x 0,50m, bia được đặt trên lưng rùa, nhưng đầu rùa đã bị mất. Nội dung văn bia đã bị mòn hết, chỉ còn một số chữ đầu đề của bia là “Hậu Phật bi ký”.

Văn bia chùa Sơn Dược mang những giá trị văn hoá vật thể bao hàm trong đó là những nội dung tư liệu quý giá, phản ánh niên đại chùa, giáo lý Phật giáo, những người công đức cho nhà chùa… nên các văn bia này cần được bảo tồn, phát huy giá trị.

2. Giá trị văn hóa phi vật thể

 

 Lễ rước kiệu trong lễ hội chùa Sơn Dược

 

Chùa Sơn Dược không chỉ mang giá trị vật thể, mà còn là nơi diễn ra rất nhiều hoạt động mang tính cộng đồng cao. Ngày mùng 5 tháng Giêng hằng năm, lễ hội chùa Sơn Dược được tổ chức. Lễ hội chùa là nơi mọi người giao lưu và sáng tạo văn hóa, chia sẻ với nhau để phần nào vơi đi những lo toan, thể hiện sự đoàn kết, sự hòa hợp, tạo ra niềm tin vào cuộc sống.

Theo các cụ trong làng kể lại, lễ hội chùa Sơn Dược đã có từ rất lâu đời, diễn ra với quy mô lớn và trang nghiêm, có đủ phần lễ và phần hội. Tuy nhiên, không ai nhớ được khi còn đình, lễ rước kiệu được diễn ra ở đình hay ở nhà chứa kiệu, chỉ biết nó đã như vậy là do đời xưa truyền lại. Tuy nhiên, có thể lễ rước kiệu thành hoàng từ nhà chứa kiệu diễn ra sau khoảng những năm 1968 trở lại đây, tức là sau khi đình làng bị sập và dân làng chuyển bát hương của thành hoàng vào gửi tại chùa cho nên từ đó đến nay dân làng mới có tục rước kiệu về chùa.

Vào khoảng giữa tháng Chạp, công tác chuẩn bị lễ hội rước kiệu được diễn ra. Việc đầu tiên phải chọn các gia đình chứa kiệu cho năm mới, họ phải chuẩn bị lễ vật cúng tế, những gia đình này đại diện cho cả dân làng và địa phương dâng lễ vật để cúng gia tiên, đức Phật và thành hoàng làng, phải là những gia đình có nề nếp, gia phong, con cái ngoan ngoãn, phẩm chất đạo đức tốt. Theo quy định, chỉ có 3 xóm được xin chứa kiệu đó là xóm Đình, xóm Chùa và xóm Trại quay vòng, mỗi năm một xóm. Tuy nhiên, trong một xóm có nhiều gia đình xin được chứa kiệu, vì vậy các cụ già trong xóm phải họp và chọn ra một gia đình xứng đáng nhất. Đặc biệt, gia đình có cụ già cao tuổi thì được xét ưu tiên và con cháu phải đến chùa gặp Ban Hậu tự xin chứa kiệu từ trong năm.

Trong lễ hội, có 2 kiệu được rước đó là kiệu ông và kiệu bà. Theo quan niệm của người dân từ xa xưa lưu truyền lại, lễ vật trên kiệu ông là để cúng thành hoàng làng, còn lễ vật của kiệu lễ là để dâng lên cúng đức Phật. Quy định chọn người rước kiệu là những nam thanh, nữ tú ở độ tuổi mười tám đôi mươi, có chiều cao bằng nhau, chưa xây dựng gia đình, ngoan ngoãn, có sức khỏe, có phẩm chất đạo đức tốt. Việc tuyển chọn được diễn ra từ trong năm, theo tục lệ, mỗi xóm sẽ tuyển một người, có thể là nam hoặc nữ, nếu xóm nào không có sẽ nhường lại cho các xóm khác, riêng xóm chứa kiệu được chọn hai người. Các cụ già trong xóm sẽ là người chọn và trình lên để thày trụ trì xét duyệt. Sau đó, đến 8h sáng ngày mùng 4 tết, tất cả đội khiêng kiệu phải có mặt ở chùa để cùng các tăng ni phật tử quét dọn, lau chùi tượng Phật, điện thờ hoặc cùng tham gia viết công đức…

Sáng ngày mùng 5 tháng Giêng, người dân trong xã Bình Thuận dậy từ rất sớm để sửa soạn đến chùa dâng hương cầu may, làm tốt công tác chuẩn bị đón kiệu ông, kiệu bà được rước từ nhà chứa kiệu về chùa. Đúng 12 giờ trưa, khi thánh đã yên vị trong chùa (theo quan niệm của người dân), kiệu ông và kiệu bà bắt đầu tiến vào sân chùa. Các cô gái, chàng trai khiêng kiệu lao vun vút về mọi hướng tiến thẳng vào đám đông. Người dân nơi đây cho rằng đó chính là lúc thánh hiển linh vào các cỗ kiệu. Có những lúc kiệu không tiến, không lùi mà đứng tại chỗ quay tròn. Chừng 30 phút, kiệu bà được vào điện thờ trước, còn kiệu ông phải trình diễn thêm 30 phút nữa mới được vào đặt cùng với kiệu bà. Lúc này, gia đình nhà chứa kiệu đã hoàn thành xong phần dâng lễ của mình. Đúng 13 giờ, khi tiếng chuông chùa vang lên là lúc kết thúc lễ hội, hứa hẹn một năm mới tốt đẹp, người dân vào điện thờ thắp hương cầu khấn, sau đó họ ra về trong tràn đầy niềm vui.

Trong phần lễ, đồ cúng, lễ cúng chủ yếu là mâm cúng mặn, tức là có đủ xôi và gà luộc. Phần cúng tế là do thày cúng trong làng đảm nhận. Khi kiệu được đưa vào đền thờ, thày cúng cùng các cụ trong làng tiến hành cúng tế, tất nhiên chỉ cúng sau khi kiệu được rước về chùa chứ trước đó chỉ cúng lễ ở nhà chứa kiệu.

Phần hội diễn ra trong không khí rất vui vẻ và phấn khởi, có những trò chơi được tổ chức tại sân chùa nơi kiệu ông và kiệu bà trình diễn. Khoảng trước những năm 80 TK XX, sân chùa vẫn chỉ là sân đất chưa lát gạch như bây giờ và cũng không có ban tổ chức nên hầu hết vẫn là những trò chơi mang tính tự phát của người dân địa phương như đấu vật hay kéo co…

Điều đó cho thấy, lễ hội chùa Sơn Dược có tầm quan trọng và ảnh hưởng rất lớn đối với người dân địa phương. Nhờ vậy mà nó vẫn trường tồn với thời gian và ăn sâu vào tiềm thức của từng người dân từ khi mới sinh ra đến lúc mất đi.

Hàng năm, ngoài những ngày lễ lớn ở chùa Sơn Dược còn diễn ra nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực. Ngày chủ nhật tuần thứ nhất và tuần thứ ba của tháng đều tổ chức các khóa tu ứng dụng, mọi người đến rất đông, nghe sư thày giảng kinh Phật, những bài giảng được áp dụng và đi sâu vào thực tế, khuyên người ta sống tích đức, xa rời những thói hư tật xấu trái với đạo đức, giáo lý của đức Phật.

Người dân huyện Đại Từ dù có đi đâu, về đâu, cứ mỗi dịp tết đến xuân về, họ lại tụ tập nhau, cùng nhau tham dự lễ hội dâng lễ và cầu nguyện. Lễ hội có vai trò củng cố niềm tin tôn giáo, tín ngưỡng của người dân; đối với gia đình chứa kiệu, là đại diện cho cả dân làng sắp và dâng lễ vật lên thành hoàng, họ cầu chúc cho mưa thuận gió hòa, gia đình và mọi người gặp nhiều may mắn, có sức khỏe, con cái học hành ngoan ngoãn.

THAY LỜI KẾT

Kiến trúc chùa Sơn Dược ngày nay thể hiện quá trình tu sửa, xây dựng, qua các giai đoạn khác nhau, văn bia cùng với các hiện vật tại chùa qua các mốc thời gian mang giá trị văn hóa vật thể, phản ánh được đời sống Phật giáo của người dân tại địa phương. Mặt khác, lễ hội chùa Sơn Dược còn là nơi giữ gìn và nuôi dưỡng những giá trị văn hóa phi vật thể của địa phương. Giá trị văn hóa chùa Sơn Dược luôn được giữ gìn và phát huy theo thời gian, là nơi tu tập, sinh hoạt cộng đồng, bảo lưu những giá trị văn hóa truyền thống của người dân tỉnh Thái Nguyên nói chung, huyện Đại Từ nói riêng. Ngày 19/08/2009, UBND tỉnh Thái Nguyên đã công nhận chùa Sơn Dược là di tích lịch sử văn hóa tại Quyết định số 1999/QĐ - UBND.

 


* Cử nhân, tỉnh Bắc Giang.

** Thạc sĩ, Giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 32
    • Số lượt truy cập : 6794831