Thông tin

GIẤC MƠ XANH

 

LÊ HẢI ĐĂNG

 


 

Nhà thơ Goethe, người Đức từng viết: “Nằm trên cỏ ta sẽ có giấc mơ màu xanh”. Xét theo nghĩa đó, những cơn bão liên tiếp, đổ dồn vào vùng miền trung nước ta hồi tháng 10, 11 vừa qua quả là những cơn ác mộng. Giấc mộng nào rồi cũng tan, quan trọng là chúng ta đã học được gì sau khi tỉnh giấc.

Cơn mộng từ quá khứ

Ký ức về nạn hồng thủy giống như một “cổ mẫu” lưu giữ trong nhiều nền văn hóa trên thế giới. Cơn ác mộng kinh hoàng ấy khiến cho loài người chẳng bao giờ quên và bằng nhiều cách khác nhau vẫn lưu truyền tới hiện tại qua cổ tích, huyền thoại, truyền thuyết.

Trước khi nạn hồng thủy nhấn chìm thế giới vào lãng quên, con người đã kịp lưu giữ sự kiện này vào ký ức. Theo truyền thuyết của người Kh’mer Nam Bộ, vùng Sóc Trăng xưa kia từng là một doi đất nhô ra biển. Quá trình biển lùi đã làm hình thành vùng đất này, rồi sau trở thành khu dân cư trù mật. Ký ức văn hóa không hề phai nhạt trong đời sống. Nó ẩn náu trong nhiều sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, lễ hội... Câu chuyện về người thuyền trưởng làm phép cho thuyền bay qua biển lúc nửa đêm bất thành đã làm nên sự tích Vũng Thơm (Sóc Trăng). Tương ứng với nó là quá trình biển lùi. Vậy, trong tương lai rất có thể biển tiến để đòi lại những gì đã mất!

Ám ảnh tới hiện tại

Bao nhiêu năm qua, biển đã nhượng quyền sử dụng đất cho con người nhằm tạo nên ký ức lịch sử êm đềm. Cách đây không lâu, dự báo về nguy cơ biển xâm nhập vùng miền tây Nam Bộ đã được phát đi. Có nhận định rằng, chừng 30 năm nữa, chúng ta có thể mất mũi Cà Mau! Bấy giờ, nghe dự báo thiên văn, khí tượng giống như truyện cổ tích. Chẳng mấy ai tin viễn cảnh phát đi từ đài khí tượng hay dự báo của các nhà nghiên cứu. Mặc dù biến đổi khí hậu bắt đầu từ rất sớm. Suốt thời gian dài, khí hậu không ngừng biến đổi qua hiện tượng thời tiết bất thường cho đến cực đoan, thậm chí một số nhà côn trùng nghiên cứu về bướm đã phát hiện cánh bướm có độ dày tăng lên. Điều này liên quan tới tình trạng biến đổi khí hậu. Nhưng, mọi cảnh báo đều chưa đủ sức răn đe, lay chuyển thói quen lầm lỳ trong cơn mộng mị của con người. Bằng chứng cho thấy, tài nguyên, khoáng sản, sông ngòi, rừng phòng hộ… thường xuyên bị phá hoại. Công cuộc khai thác thiên nhiên đi từ mức độ tiết chế đến tham lam vô độ. Con người không chỉ cướp đi sinh mạng của nhiều loài động vật, thực vật… mà còn hủy hoại cả môi trường sống của bản thân. Tình trạng biến đổi khí hậu, đất bạc màu, sa mạc hóa, núi lở, băng tan, rừng cháy, sóng thần, động đất… rất nhiều hiện tượng liên quan đến sự tàn phá môi trường. Giống như hệ quả của một vòng tuần hoàn ác tính, con người vừa là tác nhân, vừa là nạn nhân. Và ký ức về nạn hồng thủy chợt hiện về ám ảnh. Đây dường như không phải giấc mộng thuở hồng hoang mà chính là hiện thực phơi bày trước mắt.

Nhân quả nhãn tiền

Có những hành động tuy không trái pháp luật, nhưng đã phạm phải luật nhân quả. Chúng ta có thể tìm thấy mối liên hệ giữa việc xây dựng ồ ạt các công trình thủy điện, sự sụt giảm diện tích rừng tự nhiên với tần suất gia tăng của bão, sức phá hủy của thiên tai. Chẳng phải ngẫu nhiên mà các kỷ lục về thảm họa thiên nhiên liên tục bị phá vỡ, những cơn lũ, trận bão liên tiếp, chồng nhau tạo nên lịch sử. Lý do có khá nhiều, nhưng không thể không nói đến hành động tàn phá môi trường thiên nhiên, thay đổi kết cấu địa chất thông qua hoạt động khai thác cát, quặng, khoáng sản, đặc biệt là nạn chặt phá rừng. “Rừng giữ đất, rừng giữ quê hương”, câu hát năm xưa nhắc nhở về sự cần thiết của rừng, song suốt một thời gian dài, rừng thường xuyên bị xâm hại, cả phi pháp lẫn hợp pháp. Kết quả là, cả đất và quê hương đều bị tổn thương.

Thời tiết cực đoan phản ánh như một hiện tượng mang tính nhân quả. Không chỉ có miền Trung mà khắp các tỉnh, thành, địa phương, địa cầu này đang trong cơn “bĩ cực” bởi sự biến đổi của thời tiết cực đoan. Tuyết lở, băng tan, bão nhiệt đới, hiệu ứng nhà kính, trái đất nóng lên, nhiệt độ các con sông lớn gia tăng, rặng san hô thu hẹp, địa tầng dịch chuyển bởi kết cấu địa chất bị méo mó, biến dạng… Cảnh báo của các nhà thiên văn, môi trường, nhà khoa học về biến đổi khí hậu dường như chưa được coi trọng đúng mức, đặc biệt phải biến chúng thành hành động. Bởi muốn cải thiện môi trường tự nhiên, “tâm động” thôi chưa đủ mà còn phải hành động. Nếu không, thiên tai sẽ không dừng lại mà tiếp tục tái diễn với tính chất, mức độ nghiêm trọng hơn.

Người Mẹ thiên nhiên vốn bao dung, hiền hậu, nay đã thay đổi tính nết, trở nên hung hãn. Cơ chế hoạt động theo mùa ở Nam Bộ đã loạn nhịp. Tính nết thiên nhiên càng ngày càng trở nên thất thường, ẩm ương, khó lường. Con người tác động vào thiên nhiên khiến nó chuyển sang giai đoạn “biến chứng”. Theo các nhà khoa học, nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan đã vượt khỏi tầm kiểm soát, cũng như khả năng dự báo của con người. Bên cạnh đó, thiên nhiên có thể gây ra thảm họa ghê gớm ngoài sức chống đỡ, chịu đựng của chúng ta.

Mùa xuân nhớ tết trồng cây

Nước ta là một trong những quốc gia hiếm hoi trên thế giới có tết trồng cây. Thuở nhỏ đi học, học sinh thường tham gia hoạt động trồng cây vào đầu mùa xuân nhằm đem mùa xuân của đất trời về với con người. Một đất nước có tết trồng cây, có phong trào “trồng cây gây rừng”, bên cạnh đó còn được thừa hưởng di sản “rừng vàng, biển bạc” từ quá khứ, vậy mà hiện tại, độ che phủ của rừng trên toàn quốc chỉ vào khoảng 42%. Đó là số liệu theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn năm 2020. Nếu không có biện pháp, cách thức bảo vệ, tái thiết rừng và cây xanh một cách hữu hiệu, chúng ta chưa thể có một mùa xuân đúng nghĩa.

Xanh hóa môi trường đang là một xu hướng phát triển trên thế giới. Bằng nhiều biện pháp tích cực, xanh hóa không gian đô thị đóng vai trò then chốt nhằm cải thiện môi trường. Nhu cầu xanh đi vào từng hộ dân. Xanh hóa cuộc sống vừa như một xu hướng, vừa thể hiện nhu cầu nhằm giảm thiểu nguy cơ phát tác của quá trình biến đổi khí hậu, đồng thời thực hiện dễ dàng, hiệu quả nhanh chóng, đặc biệt hữu ích trong môi trường công cộng. Cùng với tình trạng biến đổi khí hậu trên toàn thế giới, tết trồng cây tiếp tục nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của thiên nhiên, trong đó có cây rừng, cây xanh và công tác chăm sóc, bảo vệ nhằm tránh tình trạng suy thoái rừng, thiên nhiên do chính con người gây ra. Cây cối chính là chủ thể trên trái đất này. Nó nhắc nhở chúng ta về trách nhiệm, lòng biết ơn đối với thiên nhiên nói chung, rừng và cây xanh nói riêng.

Qua đó thấy rằng, dù được thiên nhiên ưu đãi, văn hóa cũng chế định ra tết trồng cây để khuyến khích con người ứng xử thân thiện với tự nhiên, song vì đối xử thô bạo với rừng và cây xanh, công cuộc phủ xanh đất nước vẫn còn là ước mơ. Thời thuộc địa đã để lại cho thành phố nhiều di sản, trong đó có những con đường “lá hát như mưa” và “hàng cây thắp nến” rợp bóng râm mát.

Buổi thuyết pháp cuối cùng

“Các đệ tử ngồi xung quanh chờ thầy phán quyết về bí mật của sự sống và vũ trụ.

Trong tư thế lặng yên, nhắm mắt, không nói gì, bỗng thầy hỏi:

“Các đệ tử, làm thế nào chúng ta mới có thể diệt được cỏ dại trên cánh đồng hoang mênh mông?”.

Các đệ tử ngẩn tò te, chẳng ngờ thầy hỏi câu đơn giản như vậy!

Một đệ tử nói: “Dùng cuốc bổ hết cỏ dại đi”.

Thầy nghe xong chỉ mỉm cười.

Một đệ tử khác nói: “Đốt lửa, cỏ dại sẽ bị diệt hết”.

Thầy vẫn cười, gật gật đầu.

Đệ tử thứ ba nói: “Rắc vôi lên cỏ có thể trừ hết toàn bộ”.

Nét mặt thầy vẫn lộ rõ nụ cười thường trực.

Đệ tử thứ tư nói: “Phương pháp của các huynh đệ đều không đúng, như thế không thế nào trừ cỏ được tận gốc, trừ cỏ phải diệt tận gốc, phải nhổ hết cỏ lên”.

Sau khi các đệ tử nói xong, thầy nói: “Các con nói đều rất hay, bắt đầu từ ngày mai, các con chia đám cỏ ra thành nhiều thửa, cứ theo cách của mình mà diệt cỏ dại trên mặt đất, bằng giờ này sang năm chúng ta lại hội ngộ ở nơi này”.

Năm sau cũng thời gian ấy, các đệ tử lại trở về chốn cũ, nơi vốn có cỏ dại mọc um tùm nay chẳng còn, thay vào đó là một mảnh vườn với hoa vàng rực rỡ. Các đệ tử cố gắng diệt cỏ bằng mọi cách trong suốt năm qua đều không thành. Cuối cùng chỉ có trồng hoa trên đất hoang mới thu được kết quả.

Các đệ tử ngồi quanh mảnh vườn đầy hoa. Hoa đã ngả sang sắc vàng óng ả, còn thầy đã ra đi. Và đó chính là buổi thuyết pháp cuối cùng”.

Cổ nhân có câu: “Trồng đậu được đậu; trồng dưa được dưa”. Trồng cây không những có thể gây rừng, mà còn tạo ra những con đường rợp bóng râm mát để ước mơ xanh trở thành hiện thực, không gian xanh làm hậu cảnh cho cuộc sống. Trồng cây tuy nhỏ, nhưng đem lại giá trị lớn, làm cho không khí trong lành, tô điểm cho cuộc sống, tạo phúc cho đời sau, góp phần dệt nên những vườn ươm giấc mơ màu xanh.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 19
    • Số lượt truy cập : 6116525