Thông tin

GIÁC QUAN THỨ SÁU, LÀ ĐIỀU CÓ THẬT

 

TRỊNH SÂM

 


 

Xin được nói ngay, đây không phải là một thứ linh tính, kiểu như lòng bồn chồn, nóng ruột, mắt luôn co giựt, những dấu hiệu báo trước một điều gì hệ trọng có tính chất tâm linh sắp xảy ra như cách hình dung của dân gian. Đây cũng không phải là một thứ trực giác hay sự mẫn cảm thường có ở con người.

Theo Phật giáo, đó là một loại tâm giác, chi phối mọi giác quan khác. Còn theo tri nhận luận, là cách áp đặt lên thông tin nhận thức đầu vào của các giác quan.

Theo Phật giáo, con người tiếp xúc với ngoại cảnh không chỉ bằng mắt và tai, mà còn bằng bốn căn hay giác quan khác là mũi, lưỡi, thân và ý. Một nhận xét thoạt có vẻ bình thường, nhưng kỳ thực biện giải cho có ngọn nguồn, có sức thuyết phục cũng không hề đơn giản. Năm giác quan là thị giác (thấy), thính giác (nghe), khứu giác (ngửi), vị giác (nếm), xúc giác (sờ) thì quá rõ ràng, còn ý giác hay tâm giác là gì? Vai trò và chức năng của nó như thế nào trong hệ giác, đặc biệt trong quá trình, nói như ngôn ngữ nhà Phật, từ vô minh đến giác ngộ, hiểu là một quá trình nhận thức thông qua những trải nghiệm có tính hướng nội? Mọi hiện tượng bao gồm vật tượng và tâm tượng đều do nhiều yếu tố tụ thành, trong đó năm giác quan được nhìn nhận thuộc phạm trù vật tượng, có hình có sắc. Đó là năm yếu tố căn bản mà cũng là năm căn nguyên, nguồn cội của mọi nhận thức sơ khởi, từ đây sẽ phát sinh nhiều ngọn ngành khác. Cần lưu ý, dựa vào tiêu chí vật chất, hữu hình, năm giác quan được xem xét như một hệ thống hoàn toàn độc lập, trong đó mỗi giác quan cũng là những yếu tố độc lập tương đối và chúng đảm nhiệm những chức năng khác nhau. Cũng theo Phật pháp, ngoài ngũ căn như đã đề cập ở trên, con người còn có một căn nữa, quan trọng hơn rất nhiều, đó là tâm căn hay ý căn, hoàn toàn đồng nghĩa với tâm giác hay ý giác. Nó không được định vị một cách rõ ràng như các giác quan khác, chỉ có thể hiểu là bên trong con người, tùy theo nền văn hóa có thể là ở trong đầu mà cũng có thể trong tim hay trong lòng, trong bụng, trong dạ. Tâm giác vô hình, phi vật chất, nhưng nó lại có ý nghĩa quyết định trong hết thảy mọi việc. Nó là nhân vật chỉ huy, không có nó, mắt sáng cũng như mù, tai nghe cũng như điếc và khi tu luyện đến một trình độ nào đó, tâm giác sẽ giúp con người nhìn thấu về quá khứ, thấy được sự vận động của tương lai, cũng như cảm nhận được cái lẽ huyền diệu của đất trời.

Với tư cách là một ngành nghiên cứu khoa học, quan điểm của ngôn ngữ học hiện đại, cụ thể là ngôn ngữ học tri nhận lại có những điểm rất gần gũi với cách hình dung của nhà Phật.

Trước hết, với lý thuyết nghiệm thân, các nhà ngôn ngữ học hình dung con người thường dùng những trải nghiệm ngay với chính cơ thể của mình để tương tác với ngoại cảnh. Từ việc phân lập một không gian vốn liên tục thành những thực thể rời rạc với những ranh giới nhân tạo như chính con người cá thể tồn tại trên mặt đất, từ việc tư thế thẳng đứng của con người trong việc định vị không gian và thời gian, đến cả những cảm nhận đơn giản từ giác quan, dùng nó như một cơ sở để phóng chiếu lên những thực thể trừu tượng đều có ý nghĩa nghiệm thân. Và chính những điều ấy chi phối cách nghĩ, cách cảm mà nhiều khi chính con người cũng không nhận ra.

Chẳng hạn, không phải ngẫu nhiên mà trong rất nhiều ngôn ngữ đều tồn tại ý niệm tốt là bên phải, xấu là bên trái, phải là đúng, trái là sai, hay khi nói ai đó là cánh tay phải, là nói đến tính chất thân thiết quan trọng của họ đối với một người khác. Bởi như chúng ta đều biết, phần lớn con người đều thuận tay phải, làm việc với tay phải thì dễ dàng hơn rất nhiều so với tay trái, đó là chưa kể sự phiền toái trong hoạt động của người thuận tay trái. Hay, hãy quan sát khuôn mặt, dáng đi, trạng thái tâm lý của một người hạnh phúc vui vẻ và các biểu hiện của một người buồn rầu, thất bại, chán nản, chúng ta mới thấy hết được ý nghĩa của nguyên lý vui vẻ thì hướng lên, buồn phiền thì hướng xuống và hàng loạt cách biểu thị cho các ý niệm vừa nêu như: bay trên chín tầng mây, phấn chấn tinh thần, lên tinh thần, lòng lâng lâng, nâng tinh thần lên, ngẩng cao đầu, vênh mặt, hất mặt lên trời (vui vẻ)… và xuống tinh thần, suy sụp tinh thần, tinh thần đi xuống, rơi vào tuyệt vọng, ngã lòng, ủ rũ, cúi gầm mặt, đôi mắt cụp xuống (buồn phiền)…

Trong năm giác quan như những thông tin đầu vào của một modul, nếu chịu khó quan sát chúng ta sẽ thấy sự cảm nhận trực tiếp và cả sự xử lý thông tin một cách trực tiếp của con người không nhiều mà thường thông qua một sự chuyển đổi được gọi là sự chuyển đổi cảm giác được ghi lại trong ngôn ngữ. Trong đó, thông qua cái cụ thể, vật chất, hữu hình để nói đến cái trừu tượng, cái phi vật chất vô hình. Chẳng hạn, vị giác: Bài thơ nhạt thếch, nó đùa nhạt như nước ốc…, xúc giác: Cách định danh tên riêng ở Nam Bộ thô ráp, vấn đề đang hot, khuôn mặt lạnh như tiền…, thị giác: đầu óc nó tối tăm, lập luận sáng trưng…, thính giác: Thời ồn ào ngựa non háu đá qua lâu rồi, câu văn thánh thót…, khứu giác: Để tiếng thơm muôn đời, lập luận thối không chịu được… Trong đó, cũng giống như một số ngôn ngữ khác, nhất là trong tiếng Anh, động từ thấy (see) có biên độ biểu đạt khá rộng: Thấy lạnh (nóng, mát, ấm), thấy nhạt (mặn, đắng, ngọt), thấy thơm (thối, tanh, hôi), thấy tối (sáng, âm u, quang đãng), thấy ồn (im ắng, xì xào, rì rào), đặc biệt với mẫu cấu tạo X + thấy kiểu như: nhìn thấy, sờ thấy, ngửi thấy, nghe thấy, nếm thấy… hay mẫu thấy + X kiểu như: thấy lo, thấy sợ, thấy ghét, thấy thươngthấy xấu, thấy đẹp, thấy sạch, thấy dơ..., đó là lý do vì sao ngôn ngữ học gọi tầm mắt của con người là trường thị giác và là một vật chứa đựng. Tương tự, động từ nghe (listen) cũng có tầm hoạt động, khả năng kết hợp và sự chuyển nghĩa của nó không kém gì thấy. Điều này, hiển nhiên có liên quan đến thần thoại về các hộ pháp Thiên Lý Nhãn và Thuận Phong Nhĩ trong Phật giáo.

Nhìn chung, nền văn minh nào của nhân loại cũng đều ít nhiều đề cập đến vai trò của năm giác quan, nhất là thị giác và thính giác trong nhận thức thế giới, cũng như giá trị biểu trưng của chúng.

Dễ thấy, Phật giáo luận và tri nhận luận đều coi trọng vai trò của năm giác quan trong nhận thức. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, mặc dù con người dùng năm giác quan như một bệ phóng, nhất là với sự trợ giúp của khoa học kỹ thuật, đã sử dụng chúng một cách hữu hiệu trong việc nối dài tầm hoạt động các giác quan, nhưng chúng không phải là nhân tố quyết định.

Theo ngôn ngữ học, con người hay khai thác các tương đồng trải nghiệm để lập thức. Nói cụ thể hơn, chúng ta xuất phát từ sự trải nghiệm nhiều hơn, hiểu biết nhiều hơn ở miền nguồn, trong đó sự cảm nhận của các giác quan, để hiểu lĩnh vực trải nghiệm ít hơn, hiểu biết ít hơn ở miền đích, như những chủ đề tâm linh chẳng hạn. Ví dụ ẩn dụ: Đời người là đời cỏ cây, ở đây toàn bộ tri thức về thực vật, từ hạt lúc nảy mầm đến lúc phát triển, già cỗi… từ gốc cây, thân cây, ngọn cây, hoa lá, quả… đều dùng làm cơ sở để phóng chiếu lên cuộc đời của con người. Điều bao trùm lên tất cả là một sự tương tác. Nói theo nhà Phật, tương tác giữa tâm tượng và vật tượng, hay khoa học tri nhận, tương tác giữa con người và môi trường, tương tác giữa miền nguồn và miền đích. Ngôn ngữ học tri nhận phê phán quan điểm nhị nguyên của phương Tây, cho rằng tâm hồn tách khỏi thể xác, nó cũng không chia sẻ cái nhìn khách quan chủ nghĩa, tách con người ra khỏi môi trường, với huyền thoại quyền lực của con người, có thể chinh phục được thiên nhiên, lại cũng không thể tán đồng quan điểm chủ quan chủ nghĩa với cái nhìn lãng mạn. Ngược lại, ngôn ngữ học tri nhận chủ trương, thân xác có liên quan đến tư duy, con người là một bộ phận của môi trường, vai trò trải nghiệm của chủ thể tri nhận trong một cộng đồng diễn ngôn là hết sức to lớn, thậm chí có ý nghĩa quyết định trong việc ý niệm hóa và phạm trù hóa thế giới.

Tri nhận luận không quá thiên về tâm giác có tính chất hướng nội như lý thuyết Phật giáo, trái lại rất đề cao vai trò trí tuệ của con người. Trong đó, nhận thức không hoàn toàn trùng khớp với hiện thực, ngôn ngữ không quy chiếu trực tiếp hiện thực mà phải thông qua sự nhào nặn, sự tái cấu trúc, diễn giải rất tinh tế, rất sáng tạo của chủ thể tri nhận. Nói khác, con người tiếp nhận thế giới một cách chủ động, ngoại cảnh chỉ có giá trị kích hoạt, nhận thức của con người lệ thuộc vào kinh nghiệm, vào sự lựa chọn độ nổi trội và sự chú ý gắn với những tình huống cụ thể. Chúng ta trực tiếp trải nghiệm không phải từ thế giới thực mà là thế giới đã được tái cấu trúc. Liên quan đến vấn đề đang bàn, thông tin đầu vào từ năm giác quan thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác và xúc giác bao giờ cũng được cơ cấu trí não tổ chức lại, nhiều khi có tính chất vô thức và chính cái cơ cấu ấy quyết định việc hình thành thông tin quan yếu. Nói như ngôn ngữ học tri nhận, dựa vào các thông tin đầu vào, cơ cấu trí não hình thành nên thế giới tri nhận. Đó là cách ý niệm hóa, bao gồm ý niệm hóa ngôn ngữ và ý niệm hóa văn hóa. Nói một cách hình tượng, ý niệm hóa - một thao tác của trí tuệ, là giác quan thứ sáu trong quá trình nhận thức của con người.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 17
    • Số lượt truy cập : 6115072