Thông tin

GIÁO DỤC PHẬT GIÁO NAM TÔNG KHMER

TRÊN ĐƯỜNG HỘI NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN

 

ThS. HOÀNG VĂN KHẢI(*)

 

1. LỊCH SỬ TRUYỀN THỪA VÀ VAI TRÒ CỦA PHẬT GIÁO NAM TÔNG KHMER TRONG ĐỜI SỐNG CỘNG ĐỒNG

Phật giáo Nam tông là một bộ phận cấu thành của Phật giáo Việt Nam (bao gồm: Bắc tông, Nam tông, Khất sĩ và Phật giáo người Việt Nam tại hải ngoại). Trong đó, Phật giáo Nam tông phân bố trên hai tộc người là người Khmer và người Việt, chủ yếu là người Khmer.

Cách xác định như vậy tự nó đã nói lên vị trí của Phật giáo Nam tông Khmer trong các bộ phận cấu thành của Phật giáo Việt Nam nói chung và trong Phật giáo vùng đồng bằng Sông Cửu Long nói riêng. Nói cách khác, Phật giáo Nam tông Khmer là đại diện, là sự hiện diện của một trong ba trường phái lớn của Phật giáo trên thế giới là Đại thừa, Nguyên thủy và Kim cương thừa tại Việt Nam. Trong ngôi nhà chung của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, 30 năm qua Phật giáo Nam tông Khmer tiếp tục có những đóng góp công sức xây dựng Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đất nước Việt Nam vững mạnh và trường tồn, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc Khmer, làm phong phú thêm truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam, xứng đáng với truyền thống của Phật giáo Việt Nam là một tôn giáo gắn bó, đồng hành cùng dân tộc.

Phật giáo Nam tông được truyền vào Việt Nam theo con đường của các nhà truyền giáo từ Ấn Độ đi theo đường biển tới Srilanca, Mianma, Thái Lan tới vùng sông Mê-kông (Campuchia) và vào vùng các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (phía Nam) của Việt Nam, được đông đảo người dân đặc biệt là đồng bào dân tộc Khmer đón nhận, trở thành tôn giáo của người Khmer, do đó gọi là Phật giáo Nam tông Khmer.

Phật giáo Nam tông đã có mặt ở Đồng bằng sông Cửu Long từ rất sớm (vào khoảng thế kỷ thứ IV). Đến thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đại bộ phận các phum (xóm), sóc (nhiều xóm hợp thành) của người Khmer đều có chùa thờ Phật. Tính đến tháng 6/2010, Phật giáo Nam tông Khmer đã có 452 ngôi chùa với 8.574 vị sư (=19,3% tổng số sư trong cả nước)(1), tập trung chủ yếu ở 9 tỉnh (thành phố) Đồng bằng sông Cửu Long (Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau).

Trải qua quá trình phát triển lâu dài, Phật giáo Nam tông đã gắn chặt với đồng bào Khmer tại vùng đất Nam bộ, trở thành Phật giáo Nam tông Khmer. Chính vì vậy, Phật giáo Nam tông Khmer có các chức năng hết sức quan trọng đối với đời sống đồng bào Khmer: Liên kết và cố kết cộng đồng, định hướng thế giới quan và nhân sinh quan, định hướng chuẩn mực và luân lý đạo đức và tạo ra nếp sống Phật giáo qua hàng trăm năm lịch sử và tồn tại cho đến tận ngày nay. Vai trò đó được thực hiện thông qua các hoạt động thuần túy sinh hoạt tôn giáo và hoạt động tôn giáo gắn với cộng đồng, trong đó hoạt động giáo dục của Phật giáo Nam tông Khmer được thực hiện phong phú, đa dạng đã trở thành sức mạnh gắn kết chặt chẽ Phật giáo Nam tông Khmer với cộng đồng.

2. HỆ THỐNG GIÁO DỤC PHẬT GIÁO NAM TÔNG KHMER 

Thứ nhất, giáo dục tại hệ thống các trường chùa

Chùa Khmer là nơi Phật tử và sư sãi học tập và sinh hoạt tôn giáo. Ngoài việc truyền dạy, giáo dục bổn đạo thực hiện tốt lời dạy của đức Phật, thực hiện tốt giá trị đạo đức và giá trị nhân văn, từng ngôi chùa còn là nơi tổ chức giảng dạy những kiến thức bổ ích, bao gồm chương trình dạy tiếng Khmer, các học phần về triết học, văn học, thơ ca, ngữ văn…, nhất là chương trình Pali và Vini (Phật học) vừa để sáng tạo ngôn từ bổ sung cho tiếng Khmer, vừa để tiếp cận kinh sách, giáo lý, những tinh hoa của đạo Phật. Song song đó, một số chùa còn tổ chức các khóa sư phạm đào tạo đội ngũ giáo viên giảng dạy các bộ môn nêu trên.

Tại các chùa ở nhiều địa phương, các lớp dạy tiếng Khmer, Pali, Vini trong chùa vẫn được duy trì thường xuyên, hàng năm thu hút được hàng nghìn sư sãi, con em đồng bào Khmer theo học; số lượng tập trung đông ở các lớp tiểu học, sơ cấp Pali, Vini, ngoài ra còn có các lớp bổ túc văn hóa, các chương trình ánh sang hè,… Từ năm 2006, chương trình dạy tiếng Khmer được cải cách, nâng cao thành 7 trình độ, áp dụng từ lớp 3 đến lớp 9, nay đã biên soạn đưa vào sử dụng 5 trình độ và đang biên soạn tiếp 2 trình độ còn lại. Chương trình này cũng được áp dụng giảng dạy trong dịp hè hằng năm tại các điểm chùa, do ngành giáo dục và các chùa phối hợp tổ chức, thu hút đông đảo con em đồng bào dân tộc Khmer đến học.

Tuy nhiên, việc thực hiện hoạt động giáo dục tại các trường chùa cũng có những hạn chế nhất định cần phải khắc phục: Nhiều nội dung giáo dục một thời mang tính tích cực, nhưng khi xã hội phát triển, với những yêu cầu mới lại chưa được điều chỉnh kịp thời. Từ thực tế đó, trong những năm qua, Phật giáo Nam tông Khmer được sự giúp đỡ của nhiều cấp chính quyền của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã từng bước bổ sung những nội dung tích cực trong đào tạo sư sãi và góp phần giáo dục trong đồng bào Khmer phù hợp với yêu cầu hội nhập của đất nước nhưng vẫn giữ được nét truyền thống mang sắc thái riêng của đồng bào Khmer và hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer.

Thứ hai, giáo dục tại Trường Bổ túc văn hóa Pali trung cấp Nam Bộ và các trường trung cấp Phật học

Được thành lập từ năm 1994, trường Bổ túc Văn hóa trung cấp Pali Nam Bộ là cơ sở giáo dục dành cho các tăng sinh Khmer trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long với các môn học theo chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo từ lớp 6 đến lớp 12. Trường cũng là cơ sở duy nhất trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long giảng dạy cho tăng sinh Khmer ở trình độ trung cấp các môn Ngữ văn Khmer và Pali.

Cho đến nay, Trường đã vượt qua những khó khăn ban đầu, từ chỗ chỉ có 4 phòng học, 1 phòng làm việc và 36 phòng ký túc xá từ những ngày đầu thành lập, đến nay trường đã có gần 50 cán bộ, giáo viên, công nhân viên, trong đó dân tộc Khmer có 35 người; nhiều công trình phục vụ giảng dạy, học tập đã được hoàn thiện. Trong những năm qua Trường đã nhận được sự quan tâm cả tinh thần và vật chất từ các cấp, các ngành trong và ngoài tỉnh. Từ khi thành lập đến nay, nhà trường đã đào tạo cho gần 1.000 tăng sinh, góp phần nâng cao dân trí, bồi dưỡng các tri thức trẻ tương lai, góp phần rất lớn trong việc tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước đến với đồng bào Khmer ngày càng nhanh, hiệu quả hơn.

Với nhiệm vụ đào tạo văn hóa cho các học viên là người Khmer, nội dung chương trình học tập của trường là dạy bổ túc văn hóa đến lớp 12. Thêm vào đó là dạy tiếng Việt và trình độ trung cấp tiếng Pali. Hàng năm nhà trường tuyển sinh học viên là người Khmer thuộc các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước và khu vực Tây Nam bộ. Đa số học sinh ở đây thuộc diện hộ nghèo, hộ chính sách. Năm học 2013-2014, chất lượng giảng dạy tại trường đã có bước tiến đáng kể và đã đi vào chiều sâu với tỷ lệ tăng sinh khá giỏi chiếm trên 70%; tỷ lệ tăng sinh được công nhận trình độ Khmer lớp 9 đạt 100%; tỷ lệ tăng sinh tốt nghiệp tiếng Pali trung cấp đạt 100%. Nhiều học viên sau khi tốt nghiệp đã công tác tại các cơ quan của tỉnh và của khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Những kết quả trên có được là nhờ sự hoàn thiện về cơ sở vật chất cho các tăng sinh học tập; sự quan tâm hỗ trợ của Đảng, Nhà nước trong việc cấp học bổng cho các tăng sinh trong quá trình học tập. Thời gian tới, trường Bổ túc Văn hóa trung cấp Pali Nam bộ sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng giảng dạy để thu hút số tăng sinh theo học nhiều hơn.

Cùng với đó, được sự hỗ trợ của các ban ngành liên quan ở trung ương và địa phương, của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tại nhiều địa phương như: Sóc Trăng, Bạc Liêu, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Trà Vinh đã mở các trường Trung cấp Phật học. Các trường này đã mở nhiều lớp chương trình trung cấp, sơ cấp cho chư tăng và nhiều lớp học tiếng Khmer cho thanh niên địa phương.

Thứ ba, giáo dục tại Học viện Phật giáo Nam tông Khmer

Thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc thành lập Học viện Phật giáo Nam tông Khmer, ngày 14/9/2006 Học viện được thành lập tại Quyết định số: 171/QĐ/TGCP của Ban Tôn giáo Chính phủ. Việc thành lập và đưa Học viện đi vào hoạt động có ý nghĩa rất quan trọng: lần đầu tiên một trường đào tạo cấp đại học cho hệ phái Nam tông Khmer được thành lập tại Việt Nam, đáp ứng nguyện vọng tha thiết của sư sãi và đồng bào Khmer, thể hiện chính sách dân tộc, tôn giáo đúng đắn của Đảng và Nhà nước.

Chương trình đào tạo tại Học viện Phật giáo Nam tông Khmer đan xen giữa kiến thức Phật học và kiến thức xã hội. Từ 2007 đến nay Học viện đã tuyển sinh và đào tạo 03 khoá, với 97 tăng sinh, đã tốt nghiệp 58 tăng sinh(2). Trong số tốt nghiệp, nhiều học viên công tác trong ngành giáo dục, công tác cơ quan thông tấn, báo, đài và các ngành của địa phương; hoặc được Giáo hội Phật giáo Việt Nam cử tu học ngoài nước hoặc ở tại các chùa Khmer trong vùng Nam bộ…

Thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc xây dựng trụ sở Học viện Phật giáo Nam tông Khmer đặt tại quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ, UBND thành phố Cần Thơ đã quy hoạch diện tích khu đất xây dựng Học viện 10 ha (không bao gồm cả diện tích 1,3 ha chùa SanVor PôThiNhen) thuộc khu vực 12, phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn. Tuy nhiên, hiện nay, trụ sở của Học viện Phật giáo Nam tông Khmer còn đặt tạm tại Chùa Pôthi Somrôn, khu vực 4, phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ. Xây dựng Tăng xá, phòng họp, nơi làm việc của Hội đồng điều hành Học viện tại chùa Pôthisomrôn.

Nhằm giúp cho Hội đồng điều hành Học viện tháo gỡ những khó khăn vướng mắc về vấn đề xây dựng học viện, sớm có trụ sở riêng để hoạt động, Ban Tôn giáo Chính phủ đã trình và đã được Thủ tướng Chính phủ thống nhất giao UBND thành phố Cần Thơ ra quyết định thành lập Ban hỗ trợ xây dựng Học viện Phật giáo Nam tông Khmer. Ngày 05/3/2010 UBND thành phố có Quyết định số 632/QĐ-UBND về việc thành lập Ban hỗ trợ xây dựng Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại thành phố Cần Thơ và Quyết định số 633/QĐ-UBND ngày

05 tháng 3 năm 2010 của UBND thành phố về việc ban hành Quy chế hoạt động của Ban Hỗ trợ xây dựng Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại thành phố Cần Thơ. Ban Hỗ trợ xây dựng Học viện đã đi vào hoạt động và phân công công việc tới các thành viên, tuy nhiên do một số khó khăn nhất định, tiến độ xây dựng Học viện vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn. Điều đó cũng phần nào ảnh hưởng đến công tác đào tạo của Học viện.

Cùng với những kết quả đạt được bước đầu trong công tác đào tạo nêu trên, công tác đào tạo tăng sinh của Học viện còn gặp nhiều khó khăn, cụ thể:

+ Về đất đai và cơ sở vật chất: Hiện nay Học viện Phật giáo Nam tông Khmer chưa xây dựng, còn đặt tạm tại Chùa Pôthisômrôn.

+ Về điều hành Học viện: Học viện chưa có Qui chế hoạt động và Quy chế tuyển sinh, vẫn thông qua Ban Tôn giáo Chính phủ để được chuẩn y và áp dụng (theo điều 13, Nghị định 22/2005/NĐ-CP, ngày

01/03/2005 của Chính phủ). Thường trực Hội đồng điều hành Học viện mỗi vị ở mỗi tỉnh khác nhau, đa số là kiêm nhiệm; các bộ phận nghiệp vụ, chức năng của Học viện còn chưa đầy đủ, do vậy dẫn đến công tác điều hành của Học viện gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.

+ Về tăng sinh: Tăng sinh Phật giáo Nam tông Khmer phần đông xuất thân từ thanh thiếu niên người dân tộc vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đa số thuộc gia đình nông dân nghèo, thiếu điều kiện học hành, việc dạy chữ Khmer mỗi nơi mỗi khác, chương trình, nội dung và thời gian đào tạo chưa thống nhất, từ đó trình độ Pali giáo lý đầu vào của tăng sinh nhìn chung còn thấp và không đồng bộ, trình độ văn hóa không đồng đều…

+ Về giảng viên: Đa số là giảng viên thỉnh giảng, vì thế việc bố trí lịch giảng dạy thường bị động, chất lượng giảng dạy hạn chế.

+ Về kinh phí hoạt động của Học viện: Đang gặp khó khăn và chưa có nguồn ổn định.

Theo Báo cáo tham luận của Uỷ ban Dân tộc tại Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm 2013 của Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ thì việc triển khai xây dựng trụ sở, chương trình giảng dạy, cấp bằng tốt nghiệp, kinh phí hoạt động của Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại Cần Thơ còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, cần quan tâm việc củng cố Học viện Phật giáo Nam tông Khmer nhằm thu hút đào tạo nâng cao trình độ về giáo lý, giáo luật và văn hoá cho các sư sãi ngăn chặn tình trạng ra nước ngoài học không chính thống. Có chính sách đào tạo đội ngũ giáo viên dạy chữ Pali để kế thừa đội ngũ hiện nay đang bị hụt hẫng vì các giáo viên đang giảng dạy đều đã lớn tuổi nhằm tạo nguồn cho Trường Bổ túc văn hoá Pali Trung cấp Nam bộ và Học viện Phật giáo Nam tông Khmer.

Ngoài ra, để nâng cao trình độ, nhiều chư tăng Phật giáo Nam tông Khmer đã chọn cách theo học tại các trường cao đẳng, đại học trong nước hoặc đi du học.

Trong những năm qua, nhiều vị tăng Nam tông Khmer theo học tại các trường cao đẳng, đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Trà Vinh với các chuyên ngành luật, công nghệ thông tin, báo chí, ngoại ngữ...; một số khác đi du học tại các nước như Myanma, Thái Lan, Ấn Độ, Campuchia..., theo số liệu thống kê, năm 2010 tỉnh Trà Vinh có 59 vị, Vĩnh Long có 14 vị, Sóc Trăng có 5 vị, Kiên Giang có 3 vị(3).

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và giao lưu văn hóa mạnh mẽ như hiện nay, việc các chư tăng đi học nâng cao trình độ là cần thiết và chính đáng. Nguyên nhân khách quan chư tăng du học là do: hệ thống đào tạo các cấp học trung cấp và đại học, sau đại học đối với chư tăng Phật giáo Nam tông Khmer chưa đáp ứng được nhu cầu, cả về chất lượng và số lượng (mới chỉ có 01 trường Bổ túc Văn hóa trung cấp Pali Nam Bộ, Học viện Phật giáo Nam tông Khmer); chương trình dạy tiếng Khmer, Pali và Vini do Phật giáo Nam tông tổ chức tại các điểm chùa thiếu tính thống nhất giữa các tỉnh thành do chưa có đơn vị nào của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đứng ra chủ trì biên soạn; việc học chữ Khmer đến nay phát triển thành phong trào khá mạnh nhưng chỉ dừng ở chỗ học để biết chữ, để giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, chưa được cấp chứng chỉ, văn bằng chính thức, các cơ sở giảng dạy hiện có tại các điểm chùa chưa có tư cách pháp nhân để cấp chứng chỉ, văn bằng; những khó khăn về kinh phí cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều chư tăng đi học nước ngoài, đặc biệt là Campuchia, một số được các lực lượng bên Campuchia chu cấp tiền, mua chuộc theo những mục đích riêng (điều này cũng đã có những ảnh hưởng nhất định đến tình hình an ninh – quốc phòng); việc đi lại qua biên giới Việt Nam – Campuchia quá dễ dàng do công tác quản lý biên giới còn nhiều khó khăn… Nguyên nhân chủ quan: một số chư tăng du học vì động cơ tìm kiếm việc làm ở nước ngoài; một số chư tăng có tư tưởng hướng ngoại, dân tộc cực đoan, bị địch tác động…

Do vậy, trong quá trình phát triển, việc quan tâm, quản lý chư tăng du học nước ngoài cũng chính là góp phần nâng cao hiệu quả của hệ thống giáo dục của Phật giáo Nam tông Khmer.

Có thể nói, với khoảng 95% đồng bào Khmer theo Phật giáo Nam tông, vai trò của các hoạt động giáo dục của Phật giáo Nam tông Khmer là hết sức to lớn đối với cộng đồng, bên cạnh nền giáo dục quốc dân. Trong những năm qua, hoạt động giáo dục của Phật giáo Nam tông Khmer đối với cộng đồng đã đạt được nhiều kết quả đáng kể, góp phần vào công cuộc nâng cao đời sống, trình độ của đồng bào Khmer, song bản thân những hoạt động này cũng gặp phải những khó khăn và bất cập nêu trên, xuất phát từ cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Một thực tế cần phải thừa nhận là, người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long có tỉ lệ người đi học và trình độ học vấn còn khá thấp so với mặt bằng chung của cả nước, cũng như so với người Việt và người Hoa trong vùng. Điều này ngoài những nguyên nhân về mặt lịch sử, kinh tế, xã hội của người Khmer chi phối, còn liên quan không ít đến tôn giáo truyền thống của họ là Phật giáo Nam tông Khmer. Chính tinh thần và tình cảm Phật giáo vô cùng sâu rộng và bền chặt trong tâm thức của cộng đồng và mỗi một người dân Khmer đã vô tình dẫn đến những hạn chế, khó khăn trong việc phát triển hoạt động giáo dục, đào tạo ở nhà trường. Họ luôn dành hầu hết tâm thức và của cải, thời gian cho Đức Phật, nhà chùa và các sinh hoạt tôn giáo, nên ít có sự quan tâm, xem trọng việc học tập. Trong khi đó, với tập quán đi tu, đàn ông Khmer ngay từ bé đã vào chùa và tập trung cho việc học tập kinh kệ, giáo lý thay cho việc đến trường học chữ và các kiến thức giáo khoa(4). Chính vì vậy, quan tâm đầu tư đối với hoạt động giáo dục của Phật giáo Nam tông Khmer cả về mặt nội dung, cơ sở vật chất, con người cũng chính là quan tâm đến chính việc học tập, nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu mới của phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội và hội nhập của đồng bào Khmer, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Xuất phát từ những kết quả và hạn chế nêu trên trong hệ thống giáo dục của Phật giáo Nam tông Khmer, tác giả đề xuất:

3. MỘT SỐ KIẾN NGHỊ NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ HỆ THỐNG GIÁO DỤC CỦA PHẬT GIÁO NAM TÔNG KHMER TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

Thứ nhất, quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất Trường bổ túc văn hóa Pali Trung cấp Nam bộ, các trường Trung cấp Phật học và hệ thống các trường chùa. Trong thời gian qua, Trường bổ túc văn hóa Pali Trung cấp Nam bộ chính là địa chỉ đầu tiên ở Nam bộ đào tạo các sư sãi, thanh niên người Khmer, góp phần đáng kể vào quá trình nâng cao dân trí, cung cấp nguồn nhân lực cán bộ dân tộc cho các tỉnh, thành khu vực Nam bộ. Các trường Trung cấp Phật học cũng cần đầu tư có trọng điểm, không nên phát triển quá dàn trải ở nhiều tỉnh như hiện nay. Đồng thời, hệ thống các trường chùa cũng cần đầu tư xây dựng, tu bổ, bởi lẽ ngôi chùa có một vị trí rất quan trọng trong đời sống vật chất và tinh thần của người Khmer. Hệ thống các trường chùa là cơ sở giáo dục nền tảng của những tín đồ Phật tử Khmer. Chương trình giảng dạy trong hệ thống các trường chùa và Trường bổ túc văn hóa Pali Trung cấp Nam bộ cần được hoàn thiện nhằm tạo nền kiến thức vững chắc cho các tăng sinh khi họ muốn theo học ở các cấp cao hơn.

Cùng với đó, cần tiến hành dạy một số nghề cơ bản hoặc có những hoạt động hướng nghiệp cho chư tăng Nam tông Khmer trong chùa, bởi sau một thời gian tu học tại chùa, các vị sư Khmer có thể chọn con đường xuất tu, trở lại với cuộc sống gia đình, mang những kiến thức, hành trang có được từ quãng thời gian ở chùa để phục vụ tốt cho cuộc sống bản thân và cộng đồng.

Thứ hai, về công tác xây dựng trụ sở Học viện Phật giáo Nam tông Khmer, đối với Hội đồng Điều hành Học viện, là đơn vị chủ dự án, cần chủ động trong việc lập đề án xây dựng Học viện, thường xuyên liên hệ với Ban Hỗ trợ xây dựng Học viện, đồng thời đề xuất những công việc cần tiếp tục thực hiện. Với trách nhiệm điều hành Học viện, các thành viên cần tranh thủ thời gian thực hiện nhiệm vụ được phân công để duy trì hoạt động của Học viện đạt hiệu quả cao nhất. Củng cố, bổ sung bộ phận nghiệp vụ như giáo vụ, giám thị, văn phòng; kế toán, tài vụ gắn liền với Học viện để thuận tiện điều hành hoạt động. Song song với quá trình xây dựng cơ sở vật chất, cần định hướng, có kế hoạch xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên nhằm đảm bảo yêu cầu giảng dạy sau này, phù hợp với đặc thù của các tu sĩ Phật giáo Nam tông Khmer.

Đối với các thành viên Ban Hỗ trợ xây dựng Học viện, căn cứ vào nhiệm vụ được giao trong việc thực hiện các phần việc hỗ trợ xây dựng Học viện để thực hiện; thường xuyên báo cáo kết quả thực hiện, những khó khăn vướng mắc để tập hợp xin ý kiến chỉ đạo thực hiện.

Đối với UBND thành phố Cần Thơ, đề nghị UBND thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường đo đạc lại phần đất giao cho Học viện, tham mưu trình UBND thành phố ký quyết định giao đất (theo Công văn số 486/CV/HĐTS, ngày 15/11/2008 của Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam). UBND thành phố cần tổ chức họp Ban Hỗ trợ xây dựng Học viện để rà soát công việc từng thành viên đã được phân công và chỉ đạo những công việc cụ thể cần làm tiếp tục, có định ra chỉ tiêu và thời gian hoàn thành.

Đối với Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần hoàn thành quy chế hoạt động, quy chế tuyển sinh trình Ban Tôn giáo Chính phủ để được phê duyệt, áp dụng. Dự trù kinh phí hoạt động hàng năm của Học viện, xác định nguồn kinh phí tự có và phần đề nghị Nhà nước hỗ trợ.

Đối với Ban Tôn giáo Chính phủ cần rà soát hồ sơ thành lập Học viện, đối chiếu với quy định của pháp luật để bổ sung cho đầy đủ; trước mắt hướng dẫn Học viện xây dựng quy chế hoạt động và quy chế tuyển sinh, thông qua Ban Tôn giáo Chính phủ để được chuẩn y và áp dụng (theo điều 13, Nghị định 22/2005/NĐ-CP, ngày 01/03/2005 của Chính phủ). Tham mưu trình Chính phủ hỗ trợ kinh phí xây dựng Học viện, kinh phí hoạt động của Học viện.

Đối với Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ cần có ý kiến đề xuất với Trung ương tập trung chỉ đạo giúp giáo hội sớm xây dựng hoàn thành Học viện, điều hành Học viện hoạt động tốt.

Thứ ba, về công tác hợp tác quốc tế trong đào tạo tăng, ni của Học viện Phật giáo Nam tông Khmer, quán triệt đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước đã có sự quan tâm, tạo điều kiện cho các hoạt động quan hệ quốc tế của tổ chức tôn giáo, cá nhân chức sắc, nhà tu hành tôn giáo được diễn ra theo quy định của pháp luật. Đây là vấn đề lớn và quan trọng trong chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta, phải được xem xét giải quyết thỏa đáng trong điều kiện chính sách đối ngoại mở rộng và xu hướng toàn cầu hóa.

Có thể nói, Phật giáo Nam tông Khmer là một bộ phận không thể tách rời của Phật giáo Việt Nam ngày hôm nay. Trong quá trình phát triển và hội nhập của dân tộc ta, Phật giáo Nam tông Khmer đã khẳng định những đóng góp trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Để tiếp tục củng cố và phát huy vai trò đó, một mặt cần những sự đổi mới trong chính những hoạt động tôn giáo và giáo dục của Phật giáo Nam tông Khmer nhằm hướng tới những giá trị của cộng đồng và hội nhập quốc tế, mặt khác cũng cần sự quan tâm hơn nữa của hệ thống chính trị, của xã hội đối với một số hoạt động của Phật giáo Nam tông Khmer, đặc biệt là hoạt động giáo dục đối với cộng đồng người Khmer.

  


(*). Học viện Chính trị khu vực IV, số 06 đường Nguyễn Văn Cừ (nối dài), phường An Bình, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ.

1. Báo cáo sơ kết công tác Phật sự 6 tháng đầu năm 2010 của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

2. Uỷ ban Dân tộc: Tham luận tại Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm 2013 của Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, tr. 4.

3. Lê Khánh, Phật giáo Nam tông Khmer sau 30 năm trong ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trong Kỷ yếu 30 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (1981– 2011), Nxb. Tôn giáo, 2012.

4. Nguyễn Thanh Hải, Ý nghĩa giáo dục của Phật giáo Nam tông trong cộng đồng người Khmer ở đồng bằng song Cửu Long, trong Kỷ yếu Hội thảo Khoa học kỷ niệm 30 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (1981 – 2011) và 15 năm hình thành và phát triển Phật giáo tỉnh Bạc Liêu, Nxb.Văn hóa thông tin, 2012.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 57
    • Số lượt truy cập : 6953886