Thông tin

GIÁO DỤC THANH THIẾU NHI PHẬT TỬ

 

TT. THÍCH CHƠN KHÔNG*

 

1. Thực trạng xã hội

1.1. Bác Hồ đã từng thao thức rằng: “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Thế nên, Đảng và Nhà nước luôn coi trọng sự nghiệp giáo dục và đào tạo, để xây dựng lớp người kế thừa đủ tài đủ đức, để lãnh đạo quản lý điều hành đất nước. Nhất là giáo dục đạo đức cho sinh viên học sinh để các em có thể trở thành người có ích cho bản thân gia đình và xã hội. Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai thí điểm tại một số trường về chương trình giáo dục kỹ năng sống, lồng ghép trong chương trình học chính khoá, từ bậc tiểu học đến trung học phổ thông. Cách làm này bước đầu đã đạt được những hiệu quả đáng kể, phần nào nâng cao nhận thức và hình thành cho sinh viên học sinh những giá trị đạo đức căn bản như: tinh thần trách nhiệm trong các mối quan hệ với bạn bè, gia đình, nhà trường và xã hội; đức tính trung thực trong học tập, như việc: không quay cóp bài làm của bạn, không mang theo tài liệu vào phòng thi, không chạy điểm, không dùng bằng cấp giả, sống ngay thẳng thật thà, dám nhận lỗi khi mắc khuyết điểm.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây tình hình đạo đức của một bộ phận giới trẻ bị “nhiễm độc” nghiêm trọng, mà gia đình và xã hội rất quan tâm; giới báo chí truyền thông thường xuyên báo động, đưa nhiều tin: từ việc kết bè kết nhóm hành hung bạn học, tấn công thầy cô cho đến các vụ trọng án, mà đối tượng gây án ở giới trẻ ngày càng cao.

1.2. Về mặt tín ngưỡng tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng kể từ khi Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo ra đời vào ngày 18-6-2004 và Nghị định 22/2005 của Chính phủ, các hoạt động Phật sự từ trung ương cho đến địa phương đã có những bước phát triển quan trọng, như chùa chiền được tu bổ xây dựng khang trang hơn, tín đồ phát tâm quy y đông hơn, sinh hoạt tu học của Tăng Ni Phật tử khởi sắc hơn,...

Tuy nhiên, tình hình chung cho thấy những người đến các tự viện để tu học, tụng niệm phần đông là nữ Phật tử lớn tuổi. Điều đáng lưu ý là nam giới và thanh thanh thiếu nhi Phật tử, sinh hoạt với các đạo tràng, các lớp giáo lý, hay các giảng đường có phần thưa vắng và không thường xuyên. Điều đó có thể bắt nguồn từ những nguyên nhân sâu xa sau đây:

a. Lâu nay bà con Phật tử chúng ta còn quan niệm: “Trẻ vui nhà, già vui chùa”. Xét ra quan niệm này không còn phù hợp với sự tiến bộ đổi mới đi lên của thời đại. Bởi lẽ, tuổi trẻ chính là nguồn sinh lực mạnh mẽ nhất, cần có mặt trong mọi lĩnh vực hoạt động. Trong đó có tín ngưỡng tôn giáo nói chung, nghiên cứu học hỏi và ứng dụng lời Phật dạy nói riêng, cũng rất cần đến tuổi trẻ.

b. Hầu hết thanh thiếu nhi Phật tử là sinh viên, học sinh hoặc là người mới ra đời lập nghiệp rất bận rộn với việc học tập, làm việc và giải trí.

c. Các khóa tu học, tụng niệm ở các tự viện cũng như nội dung thuyết giảng ở các giảng đường tuy đáp ứng được các nhu cầu tu học, tín ngưỡng của đa số Phật tử trọng tuổi, nhưng chưa phù hợp với tâm tư nguyện vọng của giới trẻ.

d. Các thanh thiếu nhi Phật tử với lứa tuổi thanh xuân vốn hiếu động, hồn nhiên và sôi nổi. Ngược lại, quý Phật tử lớn tuổi tính tình điềm đạm nghiêm trang trầm tĩnh, nên khó hòa nhập với nhau trong một khóa lễ tụng niệm hằng ngày.

2. Đề xuất giải pháp

Từ những nhận xét nêu trên, chúng tôi trộm nghĩ: giới trẻ hầu hết là sinh viên, học sinh với nhiệm vụ trọng tâm là học tập tốt và rèn luyện tu dưỡng đạo đức thật tốt. Muốn vậy, giới trẻ cần phải có môi trường lành mạnh chung của toàn xã hội, không thể phó mặc cho một bộ phận nào. Các tổ chức tôn giáo hội đoàn cũng có trách nhiệm cùng nhau góp phần chia sẻ gánh nặng với xã hội. Gia đình là cái nôi, là trường học đầu tiên của giới trẻ, phụ huynh là thầy cô giáo đầu đời của các cháu, nên phải tích cực dạy dỗ con em của mình, nêu cao tấm gương đạo đức mẫu mực; dạy các cháu không được nói dối, trước nhất phụ huynh phải thành thật, dạy các cháu phải đoàn kết hòa hợp thương mến nhau, thì chúng ta phải thể tinh thần đó ngay trong sinh hoạt hằng ngày của chúng ta. Được như vậy, chúng ta mới có thể dạy dỗ các cháu thành người hữu dụng, góp phần ngăn chặn tình trạng đạo đức suy đồi hiện nay.

Sau đây là những giải pháp hữu hiệu có thể thực hiện:

1 - Tụng Kinh Phước Đức

Để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của thanh thiếu nhi Phật tử, qua thời gian nghiên cứu chúng tôi thấy cần phải có khóa lễ dành riêng cho giới trẻ và nghi thức tụng niệm với nội dung thích hợp. Bởi giới trẻ đang say mê tìm kiếm hương sắc của cuộc đời và tích cực hướng vọng đến tương lai để hoàn thiện nhân cách. Do đó, chúng tôi mạo muội sưu tập bài kinh Phước Đức (Mahamangala Sutta) do Thiền sư Thích Nhất Hạnh phiên dịch,... soạn thành nghi thức tụng niệm dành cho giới trẻ.

Chúng tôi mong ước rằng: nội dung Nghi thức tụng niệm này sẽ “tư vấn” cho giới trẻ và giúp đỡ giới trẻ định hướng tương lai của mình. Sau cùng, chúng tôi cũng mong ước được chư Tôn đức Tăng Ni hoan hỷ hưởng ứng lời kêu gọi của chúng tôi, tạo thuận duyên để giới trẻ đến với Tam bảo. Khóa lễ dành cho thanh thiếu nhi Phật tử có thể tiến hành một hay nhiều lần vào ngày Chủ nhựt hàng tuần, hoặc thời gian thích hợp, để các cháu đến chùa tụng niệm.

Bài kinh Phước Đức tuy ngắn gọn, nhưng mang tính giáo dục rất cao, phát thảo giúp cho giới trẻ có một định hướng tốt biết: Lánh xa kẻ xấu ác, tôn kính bậc đáng kính, biết cung phụng cha mẹ, biết yêu thương gia đình, sống ngay thẳng bố thí, khiêm cung và lễ độ,... truyền tải những tâm tư, những lời phát nguyện của giới trẻ, mong các cháu trở thành con ngoan trò giỏi. Khóa lễ này còn có ý nghĩa tạo thói quen cho các cháu đến chùa khi còn thơ ấu.

2 - Thuyết giảng giáo lý

Phật giáo chúng ta chủ trương: “Duy tuệ thị nghiệp”, Tổ Khánh Anh cũng có dạy: “Tu mà không học là tu mù. Học mà không tu là đải sách”. Thật vậy, tu mà không biết sự lý thì sinh ra mê tín dị đoan. Có bệnh, không chịu uống thuốc mà chỉ đọc toa thuốc, chắc chắn bệnh sẽ không khỏi. Cho nên việc tu và học giáo lý cần phải song hành, như người có hai chân, như chim có hai cánh, không thể xem nhẹ bên nào được.

Tuy nhiên, giới trẻ vốn hiếu động và hướng đến những hình thức sinh hoạt trẻ trung kể cả việc học tập giáo lý. Song, phương pháp giảng dạy giáo lý của chúng ta vẫn còn theo lề lối cũ; dùng phương pháp giảng dạy người lớn để áp dụng cho trẻ em! Cách thức được sử dụng thường xuyên là “độc thoại”, là “truyền thụ” với hình thức này sẽ khó thu hút được giới trẻ đến với đạo Phật. Vì vậy, về hình thức chúng ta nên chú trong phương pháp: vấn đáp, đố vui, kể chuyện, đặt vấn đề và khuyến khích các em phát biểu, sử dụng máy chiếu để minh họa,...hạn chế giải thích dài dòng, lý luận khô khan. Về nội dung, chúng ta nên giảng dạy về: Lịch sử Đức Phật, nhân quả, nghiệp báo, luân hồi và lồng vào các vấn đề gần gũi với với giới trẻ, như: lòng hiếu thảo, lòng từ bi, lòng tự trọng, kỷ năng sống,... để các cháu khôn léo xử lý các tình huống nguy hiểm, khó khăn để vượt qua những cạm bẫy của cuộc sống; giải tỏa những lo âu, căng thẳng trong các mối quan hệ: bạn bè, tình cảm, hôn nhân, gia đình và công việc theo phương thức của đạo Phật. Các nội dung này phải là nội dung chủ đạo và người giảng phải biết “nhập vai” thành người tư vấn tâm lý thực thụ. Đây là một đòi hỏi không phải dễ dáng đáp ứng, nên chúng ta cần phải có một sự đầu tư nghiêm túc.

3 - Ca nhạc Phật giáo

 Ca nhạc Phật giáo chúng ta hiện nay rất đa dạng về thể loại, phong phú về nội dung; mỗi bài hát đều có một giá trị riêng, ảnh hưởng tốt đến tâm tư tình cảm hạnh nguyện của người nghe và người thưởng thức. Có thể nói mỗi nhạc phẩm là một bài giáo lý sinh động, mỗi điệu múa là bài tập dưỡng sinh rất bổ ích. Do đó, chúng ta có thể dùng tiếng hát lời ca điệu múa để cảm hóa, giáo dục mọi người mọi giới mọi thành phần trong xã hội, nhất là giới trẻ.

Tuy nhiên, khi sinh hoạt đoàn thể hoặc khi lễ hội, chúng ta cần phải chọn những bản nhạc thích hợp với không gian, thời gian và nội dung cuộc lễ. Ví dụ như: lễ Phật đản phải chọn các bài hát hướng về Phật đản, lễ Vu lan phải chọn các bài hát hướng về Vu lan, trong đám tang phải chọn các nhạc phẩm nói lên được lòng tôn kính, thương tiếc người quá cố,...

4 - Hoạt động thanh niên

Chúng ta nên tạo một không gian riêng, có thể tại khuôn viên tự viện hoặc tại công viên để các em sinh hoạt, giao lưu với nhau. Đây là một phần sinh hoạt rất quan trọng, vì nếu không có chỗ vui chơi thích hợp, chắc chắn chúng ta không thể giữ chân các em lâu được. Thời gian thuận lợi nhất vẫn là ngày chủ nhựt, ngoài khóa lễ tụng kinh Phước đức, chúng ta có thể tổ chức các trò chơi lớn nhỏ thích hợp với từng lứa tuổi, nên tránh những ngày đi học và mùa thi.

5 - Tổ chức khóa tu

Vào mùa hè, các tự viện nên tổ chức khóa tu hoặc hội trại dành riêng cho giới trẻ. Hiện nay, có nhiều chùa đã và đang thực hiện như: chùa Bằng (Hà Nội), chùa Hoằng Pháp (TP.HCM), chùa Phật Quang (Kiên Giang),... đã tổ chức khóa tu trong nhiều năm liền dành cho sinh viên học sinh tham gia tu học. Quy mô và số lượng các thanh thiếu nhi Phật tử từ khắp mọi miền đất nước đổ về ngày càng đông. Có thể cho thấy công tác này đã có tác dụng tốt, hiệu ứng mạnh và phù hợp với tâm tư nguyện vọng của các bậc phụ huynh học sinh.

Người hướng dẫn giới trẻ sinh hoạt tập thể phải là người có đức nhẫn nại, vui tính linh hoạt tạo nhịp cầu kết nối các em lại thành một tập thể, biết đoàn kết hòa hợp, thương yêu và chăm sóc lẫn nhau.

6 - Tổ chức hội trại

Hội trại Phật giáo là một mô hình hoạt động văn hóa nghệ thuật lành mạnh vui tươi hấp dẫn, có sức thu hút giới trẻ, giúp cho giới trẻ có những buổi sinh hoạt tập thể bổ ích. Với những đêm lửa trại giao lưu ấn tượng, những ngày hòa mình vào thiên nhiên, chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính của những ngôi danh lam thắng cảnh, những nét đẹp hữu tình của non sông gấm vóc, từ đó giới trẻ có lòng yêu quê hương, mến đạo pháp và gắn bó với mái chùa nhiều hơn. Vì thế, hội trại là một trong các hoạt động của giới trẻ cần phải có. Mặt khác, việc tái tạo các trò chơi dân gian, kết nối với các trò chơi hiện đại cũng có thể chuyển tải lời Phật ý Tổ mang tính giáo dục tinh thần: BI TRÍ DŨNG cho thanh thiếu nhi Phật tử.

Kết luận

Các tự viện cần nên tổ chức khóa lễ tụng kinh Phước đức dành cho thanh thiếu nhi Phật tử, đây là một hoạt động tối thiểu dành cho giới trẻ, để giới trẻ có thể lãnh hội những lời dạy quý báu thiết thực của Đức Phật, ảnh hưởng trực tiếp vào tâm lý tình cảm đạo đức đời sống của giới trẻ. Đó cũng chính là mong muốn tha thiết nhất của chúng tôi khi viết bài tham luận này.

Để giúp cho thanh thiếu nhi Phật tử có đầy đủ thiện duyên tiếp cận với Tam bảo sâu hơn, hiệu quả cao hơn, tự viện nào có đủ nhân sự và điều kiện, nên thành lập Câu lạc bộ Thanh thiếu nhi Phật tử sinh hoạt hàng tuần vào mỗi chủ nhựt. Trên đây là những sinh hoạt Phật sự cơ bản dành cho giới trẻ mà các tự viện đều có thể tổ chức thực hiện.



*. Phó Trưởng ban kiêm Chánh Thư ký BHDPT TW

  

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 276
    • Số lượt truy cập : 6948622