Thông tin

GIÁO DỤC TUỔI TRẺ HÔM NAY DƯỚI LĂNG KINH PHẬT PHÁP

GIÁO DỤC TUỔI TRẺ HÔM NAY

DƯỚI LĂNG KINH PHẬT PHÁP

 NGUYÊN CẨN

 

 

Vì sao tuổi trẻ cần định hướng giáo dục?

Cũng như một năm khởi đầu từ mùa xuân; đời người khởi đầu từ tuổi trẻ. Nhưng các bạn trẻ hôm nay có biết hưởng mùa xuân của đời mình không? Có ai đó từng nói tuổi trẻ như hoa mới khai, như trăng mới mọc. Cái gì cũng mới, cũng tinh khôi. Sao chúng ta không mở lòng mình ra đón nhận những hạnh phúc mà cuộc đời đem lại. Có lần chúng tôi đã băn khoăn khi tuổi trẻ hiện nay dường như lãng quên việc ươm mầm ước mơ hướng thượng và hướng thiện vì một số không ít các bạn mang “tâm hoang vu”,  thui chột lý tưởng,  chỉ nghĩ đến lợi ích của riêng mình và niềm vui vật chất. Các bạn có khi nào tự hỏi còn chăng ước mơ về cái tốt, cái đẹp? Hay thay vào đó là sự khô cằn của tâm hồn, sự tàn nhẫn của lối sống thực dụng lạnh lùng? Thậm chí, có những bạn phạm tội khi còn rất trẻ: cướp bóc, hành xử bạo lực, sẵn sàng gây gổ và ẩu đả (?) vì những lý do hết sức vu vơ, vì những cơn sân hận do cái TÔI quá lớn của mình! Một số chọn hướng đi vào đời theo khuynh hướng bất chấp năng khiếu hay sở trường, miễn là có tiền và hệ quả là họ “chạy” việc làm, “chạy” chức quyền. Phải chăng đó là điều mà các nhà xã hội học gọi là sự trống rỗng niềm tin, phôi pha lý tưởng, sự vắng bóng những thần tượng đúng nghĩa, thay vào đó là hình ảnh các đại gia nghênh ngang hợm hĩnh, với mọi thủ đoạn làm giàu. Dẫu rằng ánh hào quang lấp lóa vật chất ấy không thể che khuất khoảng tối, xám xịt trong tâm thức, sự “hiếm muộn” danh dự và phẩm giá. Tuổi trẻ không còn khát khao cống hiến, nói như Steve Job: “Hãy cứ khát khao, hãy cứ dại khờ” vì nếu không có những điều ấy, không còn là tuổi trẻ.

 Khi tuổi trẻ biết ước mơ và biết thắp sáng trí tưởng tượng của mình, họ sẽ vươn cao và vươn xa. Và họ cũng sẽ trở thành những kẻ thiện tâm, xây dựng một xã hội nhân bản: mục tiêu của mọi nền văn hóa, hay mọi đất nước phồn vinh và phát triển. Hãy nhớ tuổi trẻ chỉ có một thời. Tuổi trẻ phải biết nuôi dưỡng động lực tự thân, vì không ai giúp các em làm giàu “lý tưởng”, làm sống dậy các hoài bão khi các em không tự tu dưỡng, trau dồi phẩm hạnh và trí tuệ.

Những gì cần giáo dục?

Hơn bao giờ hết, tuổi trẻ cần được dìu dắt về mọi mặt, ngoài kiến thức và kinh nghiệm truyền đạt lại của thầy cô, cha anh, họ cần có một lý tưởng để tin và sống theo nó. Ngoài ra, họ cần “dọn dẹp lại” tâm hồn mình. Hay nói cách khác, xây dựng nền tảng đạo đức, phẩm chất giá trị của mình với tư cách là một con người, thích nghi với sự phát triển theo chiều hướng tốt của xã hội. Đối với những bạn là Phật tử, hãy chuẩn bị tâm thế để học và hiểu thêm về nội dung những cụm từ đi liền với nhau như: Phật - Pháp - Tăng; Giới - Định - Tuệ; Tín - Hạnh - Nguyện; Văn - Tư - Tu; hay Bi - Trí - Dũng; đó chính là nền tảng cần biết để huân tập trong lãnh vực giáo dục của Phật giáo.

Theo tác giả “Tâm Thường Định”, tuổi trẻ cần sự nâng đỡ của người lớn, hầu góp phần phát triển nhân cách và đạo đức bằng ba phương thức. Đó là: (1) Xây dựng (Build) một nền tảng giáo dục đạo đức vững chắc và thực hành những giá trị cốt lõi. (2) Chuyển hoá (Transform) - thay đổi nhận thức hay tâm thức của mình để hướng thiện và (3) Thực hành (Act) - Đặt ý tưởng vào hành động thực tiễn là những phương pháp cụ thể để triển khai những giá trị giáo dục. Chúng ta có thể gieo hạt giống lành cho tuổi trẻ nói chung và tuổi trẻ Phật giáo nói riêng, chuyển hóa và nâng đỡ tuổi trẻ có một hướng đi thánh thiện, thành đạt và có giá trị xứng đáng trong cuộc sống để giúp mình, giúp đời và nối tiếp con đường của Phật. Ông gọi là BAT (Build - Act và Transform). Chúng tôi đề nghị sửa thành BOT cho dễ nhớ (Build - Transform và Operate).

Tương ứng với mỗi phương thức là những loại hình sinh hoạt phù hợp, ví dụ như tuổi trẻ cần một môi trường trong sáng đoàn kết thì phải nói đến tổ chức đoàn thể, hướng đạo hay tổ chức Gia đình Phật tử …Qua đó, tuổi trẻ cần được giáo dục tâm từ bi, thực hành hạnh kham nhẫn để họ tự chuyển hóa chính mình trong tư tưởng, suy nghĩ, lời nói trước khi hành động. Tuổi trẻ cần tham dự vào những việc hay những chiến dịch thiết thực trong việc phục vụ nhân sinh và xã hội như giúp đỡ những người bệnh tật, giúp giảm các nạn nghèo đói, làm giảm đi bất công xã hội, giảm bớt ô nhiễm môi sinh, chăm lo người già, hướng dẫn thiếu nhi học tập, sao cho giáo dục thực tiễn có hiệu quả. Để thành công trong sự nghiệp cá nhân, tuổi trẻ phải biết lập kế hoạch và biết cách khai triển kế hoạch ấy. Thành công của ông Park Hang Seo với bóng đá Việt Nam, được giới chuyên môn đánh giá rất cao với kết quả vô địch AFF Cup. Thật ra, cách huấn luyện của ông theo một số chuyên gia là theo mô thức GROW - phương pháp huấn luyện hiệu quả.

Mô hình GROW là gì?

Mô hình GROW giống như bản kế hoạch lập cho một chuyến đi trên lộ trình đã phác ra trước đó, giúp cá nhân hay tập thể các thành viên trong nhóm quyết định địa điểm họ định đến (Goal - Mục tiêu) và xác định vị trí hiện nay của họ (Reality - Thực tại). Và rồi, suy nghĩ, cân nhắc những trở ngại hay giải pháp khác nhau cho chuyến đi (Obstacles/ Options). Cuối cùng, bảo đảm tất cả mọi người đều quyết tâm thực hiện chuyến đi, chuẩn bị tinh thần và ý chí sẵn sàng cho mọi tình huống và trở ngại có thể gặp trên đường (Will/ Way Forward). Một cá nhân, một tập thể có huấn luyện viên đưa ra phương pháp đúng đắn thì vấn đề thành tích không phải chuyện xa vời. Trong công việc hay sự nghiệp, nếu chúng ta không có mục tiêu và biết rõ khả năng thực tế của mình, hay trở ngại khách quan, lại thiếu ý chí thì chắc chắn sẽ nản lòng và thất bại là tất yếu.

Đức Phật dạy La Hầu La thế nào?

Câu chuyện đầu tiên kể về La Hầu La là khi ông được Đức Phật dạy về lòng chính trực. Kinh Giáo giới La Hầu La (Trung Bộ kinh, 61) kể rằng sau khi tọa thiền xong, Đức Phật đến tìm con. Lên 8 tuổi, La Hầu La đã có lần nói dối. La Hầu La lấy ghế mời Thế tôn ngồi, rồi mang đến một thau nước cho Ngài rửa chân, theo phong tục thời ấy. Sau khi rửa chân xong, Đức Phật hỏi:

- Này, La Hầu La, con có thấy chút nước còn lại trong cái thau này không?

- Dạ, con có thấy. La Hầu La thưa.

- Đời của một người tu cũng chỉ bằng một chút nước này thôi, nếu như người đó cố tình nói dối.

Sau đó, Đức Phật đổ hết nước trong thau ra và nói:

- Đời của một người tu cũng đang vất bỏ đi như vầy nếu như người đó cố tình nói dối.

Xong, Đức Phật lật cái thau úp xuống và nói:

- Đời của một người tu sẽ trở nên đảo lộn như vầy nếu như người đó cố tình nói dối.

Và, để nhấn mạnh thêm nữa, Đức Phật lật ngửa cái thau trở lại và nói:

- Đời của một người tu cũng trở nên trống rỗng như cái thau này nếu như người đó cố tình nói dối.

Sau đó, Ngài dạy La Hầu La:

- Đối với một người cố tình nói dối, không có một tội lỗi xấu xa nào mà người đó không thể làm. Vì vậy, La Hầu La, con hãy tập đừng bao giờ nói dối, cho dù đó là một lời nói đùa.

 Về tầm quan trọng của sự phản tỉnh để diệt trừ những ý niệm, lời nói và hành vi bất thiện, Đức Phật có lần hỏi La Hầu La:

- Này La Hầu La, cái gương dùng để làm gì?

- Bạch Đức Thế Tôn, để phản chiếu lại hình ảnh.

- Cũng như vậy, này La Hầu La, trước khi hành động điều gì, con phải quán xét, suy gẫm tận tường. Trước khi nói điều gì con phải quán xét và suy gẫm tận tường. Trước khi nghĩ điều gì, con phải quán xét và suy gẫm tận tường. Này La Hầu La, bất cứ điều gì con muốn làm bằng thân, phải quán xét, suy gẫm, nếu biết rõ: “Thân nghiệp này ta muốn làm, thân nghiệp này của ta có thể đưa đến tự hại, có thể đưa đến hại người, có thể đưa đến hại cả hai (mình và người), thời thân nghiệp này là bất thiện, đưa đến phiền não khổ đau”. Một thân nghiệp như vậy, này La Hầu La, con nhất định chớ có làm. Này La Hầu La, nếu sau khi quán xét, suy gẫm, con thấy rõ: “Thân nghiệp này ta muốn làm, thân nghiệp này của ta không đưa đến tự hại, không đưa đến hại người, không đưa đến hại cả hai, thời thân nghiệp này là thiện, đưa đến an lạc, đem đến quả báo an lạc”. Này La Hầu La, sau khi con làm xong một thân nghiệp, con cũng cần phải quán xét, suy gẫm về thân nghiệp ấy như sau: “Thân nghiệp này ta đã làm, thân nghiệp này của ta đưa đến tự hại, đưa đến hại người khác, đưa đến hại cả hai, thời thân nghiệp này là bất thiện, đưa đến đau khổ, đem đến quả báo đau khổ”. Một thân nghiệp như vậy, này La Hầu La, con cần phải thưa lên thầy mình, cần phải trình bày trước thầy mình, các bậc đạo sư, hay trước các vị đồng phạm hạnh, các bậc thiện tri thức. Sau khi đã phát lồ sám hối, con phải chừa bỏ, không nên tái phạm. Này La Hầu La, như thế ấy con phải cố gắng luyện tập, trau dồi, luôn luôn quán xét, suy gẫm tận tường để giữ cho mọi hành động bằng thân, khẩu, ý được trong sạch.

Chúng ta thấy Đức Thế Tôn luôn theo nguyên tắc “khế cơ”, “khế lý”, “khế thời” trong phương pháp giáo dục của Ngài, dù là đối với con cái hay các đệ tử, vừa khích lệ, lại vừa vận dụng các thí dụ với hình ảnh cụ thể, quen thuộc trong công việc thường ngày để hướng dẫn chỉ dạy cho người nghe thấy được tác hại của nó mà quyết tâm dứt trừ. Hình ảnh nước dơ trong chậu là hình ảnh phiền não tham sân si của mỗi người trong chúng ta, để rồi phải quán xét lại chính mình, bởi lỗi lầm phát sinh bất cứ khi nào ta không có chánh niệm hay tỉnh giác trong từng sát na.

Khác với thế gian thường tình, cha mẹ thường trao cho con cái gia tài là của cải bạc vàng, Đức Phật đã không làm thế, Ngài để lại gia tài cho con mình là phước đức, trí tuệ, là sự nghiệp giác ngộ, giải thoát.

Mô thức Grow có gì mới không khi Đức Phật đã từng áp dụng hàng nghìn năm trước. Ngài là một bậc Đạo sư lỗi lạc và khéo léo. Ngài đã sử dụng nhiều loại hình ngôn thoại khác nhau để truyền đạt giáo pháp cho hàng đệ tử. Thông thường, Đức Phật giảng Pháp theo cách thức rộng mở, còn gọi là quảng thuyết (vittharena). Sau khi đưa ra một chủ đề hay một tuyên bố mang tính toát yếu, còn gọi là khai thị (Goal) bấy giờ Phật mới giảng giải một cách chi tiết, phân tích đưa ra những áp dụng, kèm theo một vài câu chuyện, thí dụ thực tế (Reality), Ngài cho đệ tử hỏi và tự tìm ra giải pháp (Option), cuối cùng, Ngài lặp lại tuyên bố như phần mở đầu và kết luận để đệ tử thực hành (Way Forward). Có những trường hợp Phật giảng giải chi tiết, đưa ra bài pháp giản lược, súc tích, thậm chí đến độ khó hiểu, mang tính chất sâu xa mầu nhiệm. Bằng cách yêu cầu chúng đệ tử phải tư duy quán chiếu vào ý nghĩa và rút ra ẩn ý sau khi thảo luận.

Thế Tôn đã xuất hiện ở đời như một nhà giáo dục thực tiễn, đòi hỏi đệ tử hay tín đồ kết hợp học đi với hành, tu đi với chứng, qua nhiều câu chuyện ngụ ngôn, thí dụ nhằm khai mở trí tuệ tự tâm mà chuyển hóa chính mình.

 Để kết luận, xin mượn lời thơ của Thi sĩ Tống Anh Nghị (Cư sĩ Tống Hồ Cầm) nay bước sang tuổi 102:

Cuộc sống số đông lẽ nào bạn hay tôi giới hạn

Cho miệng cười thật hồn nhiên

Tay bắt tay - cho tay thật   nối liền

Với Xuân mới khởi đầu năm trải rộng

Mỗi lần xuân đời tôi lại bắt đầu

Tim thức dậy trí bình minh mở cửa

Vậy thì hãy thức dậy, những người tuổi trẻ và mở rộng hồn mình, nhìn ra bầu trời ngoài kia đang đợi các bạn bay cao, bay xa: những cánh chim lao vào vùng trời tri thức và tự do vô tận!

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 35
    • Số lượt truy cập : 6784700