Thông tin

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO CỔ TRUYỀN MIỀN TRUNG VIỆT NAM

HÀNH TRẠNG CHƯ TÔN ĐỨC

QUA NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG LỊCH SỬ

 

THÍCH NHƯ LƯU - TRÍ BỬU

 

Lời dẫn nhập

Trong tham luận này chúng tôi chia làm hai phần, phần đầu xin trình bày sơ lược về Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam tại miền Trung trong giai đoạn từ năm 1969 đến năm 1981, phần kế tiếp chúng tôi tóm lược thân thế và hành trạng của Chư Tôn đức trưởng lão Hòa thượng lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam tại một số tỉnh thành khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

1.Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam khu vực miền Trung qua những chặng đường

1.1 Thời kỳ thành lập và phát triển (1969-1981)

Đầu năm 1969 Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam được thành lập, trong diễn văn khai mạc Đại hội Giáo hội Phật giáo Cổ Truyền Việt Nam, Hòa thượng Thích Bửu Ý khẳng định đường lối Giáo hội Phật giáo Cổ Truyền Việt Nam như sau: “…Tăng, Ni hay thiện tín thuần thành vối tôn chỉ của Đức Phật vạch ra, bao giờ cũng lấy sáu phép hòa làm kim chỉ nam để tu chứng và hướng dẫn dân tộc trên đường đạo pháp…”. Từ đây Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam dưới sự lãnh đạo của hai viện: Viện Tăng thống và Viện Hoằng đạo. Văn phòng Viện Tăng thống đặt tại Tổ đình Long Thiền (Biên Hòa) dưới sự lãnh đạo của Đức Tăng thống Hòa thượng Thích Huệ Thành. Văn phòng Viện Hoằng đạo được đặt tại chùa Thiên Tôn, số 9 An Bình, Quận 5, TP Sài Gòn (nay là TP Hồ Chí Minh) dưới sự điều hành của Chư Tôn đức như sau: Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Đức làm Viện trưởng, Hòa thượng Thích Thiện Thuận làm Phó Viện trưởng Ngoại vụ và Hòa thượng Thích Bích Lâm làm Phó Viện trưởng Nội vụ.

Trong giai đoạn này Hòa thượng Bích Lâm, Phó Viện trưởng Viện Hoằng đạo kiêm Chánh Đại diện Trung Phần đã cùng Chư Tôn trưởng lão Hòa thượng phát triển Phật giáo Cổ truyền miền Trung. Ban Đại diện Phật giáo Cổ truyền Trung Phần được thành lập. Chứng minh Phật giáo Cổ truyền miền Trung gồm có: Đại lão Tăng cang Hòa thượng Thích Trí Thắng, Viện chủ chùa Sắc Tứ Thiên Hưng (Phan Rang - Ninh Thuận); Đại lão Tăng cang Hòa thượng Thích Huệ Pháp, Viện chủ Tổ đình Sắc Tứ Minh Tịnh (Quy Nhơn – Bình Định); Hòa thượng Thích Bích Lâm, Viện chủ Tổ đình Nghĩa Phương, Nha Trang, Chánh Đại diện Trung Phần; Trưởng lão Hòa thượng Thích Phước Huy, Viện chủ chùa Liên Quang (Bình Sơn - Quảng Ngãi) Phó Ban Đại diện Trung Phần.

Về việc thành lập Ban Đại diện Phật giáo Cổ truyền các tỉnh tại miền Trung và Cao nguyên Trung Phần như sau: Tại Quảng Ngãi: Hòa thượng Thích Phước Huy làm Chứng minh; Hòa thượng Thích Tín Hạnh, Hòa thượng Thích Viên Lý làm Tăng trường; Hòa thượng Thích Viên Hoàng làm Phó Tăng trưởng. Tại Bình Định: Tăng cang Hòa thượng Thích Huệ Pháp làm Tăng trưởng. Tại Phú Yên: Hòa thượng Thích Chí Lý làm Chứng minh; Hòa thượng Thích Trí Giác, Viện chủ chùa Nghĩa Phú làm Tăng trưởng. Tại Khánh Hòa: Hòa thượng Thích Phổ Châu và Hòa thượng Thích Từ Thiện làm Chứng minh; Hòa thượng Thích Huệ Quang, Viện chủ chùa Đông Phước làm Tăng trưởng; Hòa thượng Thích Trí Minh làm Phó Tăng trưởng. Tại Ninh Thuận: Hòa thượng Thích Trí Thắng làm Chứng minh; Hòa thượng Thiền Lâm làm Tăng trưởng. Tại Gia Lai: Trưởng lão Hòa thượng Thích Giác Đạo, Viện chủ Tổ đình Minh Quang (Pleiku) làm Tăng trưởng. Ngoài ra Chư Tôn đức Hòa thượng còn thành lập Ban Đai diện Giáo hội Phật giáo Cổ Truyền tại các tỉnh Phú Bổn, Thừa Thiên - Huế, Bình Thuận và Ban Đai diện Giáo hội Phật giáo Cổ Truyền các tỉnh Cao nguyên Trung Phần. Trong thời kỳ này, Phật giáo Cổ truyền miền Trung phát triển rộng khắp các tỉnh, đã có hàng trăm ngôi chùa, hàng ngàn Tăng, Ni, hàng vạn Phât tử hành đạo.

1.2 Thời kỳ từ năm 1981 đến nay

Từ năm 1981, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam là một trong 9 thành viên thành lập nên Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thực hiện theo Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và đã có những bậc Tôn đức có nhiều đóng góp quan trọng, luôn luôn thể hiện gắn bó đạo pháp và dân tộc, sống tốt đạo đẹp đời.

Tại miền Trung đã có Chư Tôn giáo phẩm hiến dâng trọn đời cho đạo pháp như: Cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Tâm, Phó Pháp chủ HĐCM, Trưởng Ban Nghi lễ Trung ương GHPGVN; cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Giác Đạo, Thành viên HĐCM GHPGVN; cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Huệ Quang, Thành viên HĐCM GHPGVN; cố Hòa thượng Thích Trí Hải Ủy viên Ban Nghi lễ Trung Ương GHPGVN; Hòa thượng Thích Trí Thạnh, Thành viên HĐCM GHPGVN; Hòa thượng Thích Trí Giác (Bình Định) Phó Trưởng Ban Nghi lễ Trung Ương GHPGVN...

2. Thân thế và hành trạng của Chư Tôn đức Trưởng lão Hòa thượng lãng đạo Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam tại một số tỉnh thành khu vực miền Trung và Tây Nguyên

2.1 Hòa thượng Thích Bích Lâm

Hòa thượng Thích Bích Lâm - Phó Viện trưởng Viện Hoằng đạo Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, Chánh Đại diện Phật giáo Cổ Truyền Trung Phần, Tổ thứ 3 Tổ đình Nghĩa Phương, Tông trưởng Tông phong Tổ đình Nghĩa Phương; Tổ Khai sơn các chùa thuộc Tông phong Tổ đình Nghĩa Phương thành phố Nha Trang (1924-1972).

Tổ Bích Lâm, thế danh Trần Văn Vinh, huý thượng Chơn hạ Phú, tự Chánh Hữu, hiệu Bích Lâm. Ngài sinh ngày 24 tháng 11 năm Giáp Tý (1924) tại phường Đệ Nhị, xã Nha Trang Đông, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Thân phụ là cụ ông Trần Đức Tựu, thân mẫu là cụ bà Trần Thị Đủ, nguyên quán làng Xuân Sơn, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ngài là người con thứ tám trong gia đình mười anh chị em.

Ðược sinh ra trong một gia đình nhân hậu, kính tin Tam Bảo, nên năm lên 8 tuổi, tức ngày 19 tháng 2 năm Nhâm Thân (1932) ngài được Tổ Tăng cang Hòa thượng Phước Huệ, chùa Sắc Tứ Hải Đức (Nha Trang), cho quy y với pháp danh Chơn Phú. Đến ngày 19 tháng 10 năm Kỷ Mão (1939) ngài được Bổn sư cho thế độ, phú pháp tự Chánh Hữu.

Năm 1945, với hạnh nguyện sâu dày, oai nghi đỉnh đạc, xứng đáng làm pháp khí đại thừa, ngài được Hòa thượng Bổn Sư cho thọ tam đàn Cụ túc giới tại Tổ đình Sắc Tứ Tịnh Quang (Quảng Trị) do Tăng cang Hòa thường Thích Phước Huệ làm Đàn đầu truyền giới, truyền trao giới pháp và được Hòa thượng Bổn sư phú pháp nhãn tạng đạo hiệu Bích Lâm. Sau khi Tổ khai sơn Tổ đình Nghĩa Phương viên tịch, Tổ Phước Huệ đã cử ngài về trụ trì chùa Nghĩa Phương vào tháng 7/1948.

Năm Nhâm Thìn (1952) tại Đại giới đàn Tổ đình Thiên Bửu, Ninh Hòa, Khánh Hòa, ngài được tôn cử làm Tôn chứng sư.

Với đức tính hòa nhã nhưng cương quyết và nhẫn nại, nên đã ngài cảm hóa được môn đồ của Tổ khai sơn mà chung sức tu sửa ngôi Tổ đình Nghĩa Phương từ mái am tranh trở thành ngôi già lam thanh cảnh, quần chúng xa gần đều cảm mến, quy y tu học.

Tháng 1 năm Đinh Dậu (1957) ngài vận động Phật tử phát tâm cúng dường đại trùng tu ngôi Tam bảo Nghĩa Phương, gồm nhà Tổ, chánh điện, giảng đường, nhà linh, văn phòng giáo hội.

Tháng 7 năm Đinh Dậu (1957) nhân lễ khánh tạ lạc thành chùa Nghĩa Phương, ngài đã kiến tạo Đại giới đàn, cung thỉnh Tăng cang Hòa thượng Thích Trí Thắng, Viện chủ chùa Thiên Hưng (Ninh Thuận) làm chứng minh; Tăng cang Hòa thượng Thích Huệ Pháp, Viện chủ Tổ đình Sắc Tứ Minh Tịnh (Quy Nhơn) đương vi Đường đầu Hòa thượng truyền giới, ngài được tôn cử làm Giáo thọ A xà lê.

Tháng 1/1958, ngài xây Trường Nghĩa thục Bát Nhã (Nha Trang) dạy dỗ con em nghèo, đây là tiền thân của Trường Tư thục Bát Nhã và Tư thục Vạn Hạnh sau này, đến tháng 12/1958 (Mậu Tuất) ngài vận động Phật tử mua đất tại Đồng Đế (Vĩnh Hải – Nha Trang) để làm nghĩa trang, chẳng những Hòa thượng hướng dẫn Phật tử siêng năng tu học mà còn lo cho những Phật tử quá vãng mồ yên mã đẹp.

Năm 1959, ngài tiếp nhận ngôi thảo am của cụ Trần Trứ tại Ba Ngòi (Cam Ranh) do con cháu cụ hiến cúng, và khai sơn lập tự an danh là chùa Thiên Long; cũng trong năm này ngài kiến tạo Tăng Học viện tại Đồng Đế (Nha Trang) để đào tạo Tăng tài.

Năm Canh Tý (1960), sau khi xây cất Tăng Học Viện Phật giáo Cổ truyền Trung phần hoàn thành, khánh thành và khai giảng Tăng Học Viện, học chúng khóa đầu gần 50 vị. Nhân dịp này, Ban Đại diện Giáo hội Phật giáo Cổ truyền miền Trung kiến lập giới đàn, Chư sơn thiền đức cung thỉnh ngài làm Đường đầu Hòa thượng truyền giới.

Năm 1961, để phát triển Phật sự tại tỉnh Phú Yên, ngài đã khai sơn chùa Nghĩa Phú, tại thôn Đông Phước, xã Hòa Thắng, huyện Tuy Hòa.

Năm 1962, ngài khuyến hoá bổn đạo mua ruộng Hóc Gạo tại thôn Tân Lâm, huyện Ninh Hòa, để hằng năm cung cấp lúa gạo cho Tăng chúng yên tâm tu học.

Năm 1963 (Quý Mão) tại Giới đàn Tổ đình Sắc Tứ Minh Tịnh (Quy Nhơn) do Tăng canh Hòa thượng Thích Huệ Pháp tái thí Đường đầu truyền giới, ngài được cung thỉnh làm Tuyên luật sư.

Năm 1969 sau khi Thượng tọa Thích Trí Giác (Huệ Hải) đại trùng tu chùa Nghĩa Phú (Tuy Hoà) hoàn thành, trong lễ khánh tạ lạc thành, đã kiến tạo giới đàn, ngài được cung thỉnh làm Tuyên luật sư.

Năm Canh Tuất (1970), để phát triển Phật sự tại Diên Khánh, Thượng tọa Thích Trí Minh (Huệ Đăng) khai sơn kiến tạo chùa Phước Duyên tại xã Diên Phước, huyện Diên Khánh đã cung thỉnh ngài làm chứng minh khai sơn; trong lễ khánh tạ lạc thành chùa Phước Duyên đã kiến lập giới đàn, đại chúng cung thỉnh ngài tái thí Đường đầu Hòa thượng.

Trong suốt cuộc đời hành đạo ngài được Chư Tôn đức giao cho các nhiệm vụ như sau: Từ năm 1950 đến 1954, ngài làm Tổng Thư ký Giáo hội Tăng già Khánh Hòa; từ năm 1955 đến 1959, ngài làm Tăng giám Trung Việt, Phật giáo Tịnh Độ Tông Việt Nam; từ năm 1960 đến 1968, ngài đảm nhiệm chức vụ Chánh Đại diện Trung Phần kiêm Giám đốc Tăng Học Viện Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng miền Trung; từ năm 1969 đến 1972, ngài được tôn cử đảm nhiệm Phó Viện trưởng Nội vụ, Viện Hoằng đạo Trung ương Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam kiêm Chánh Đại diện Phật giáo Cổ truyền Trung Phần, Tông trưởng Tông phong Tổ đình Nghĩa Phương.

Ngài đã thay mặt Giáo hội Phật giáo Cổ truyền đi hoằng pháp, thăm viếng thân hữu Phật giáo các nước như: Thái Lan (tháng 5/1958) nhằm nghiên cứu và tạo duyên lành với Phật giáo Tiểu thừa; hai lần hoằng pháp thăm viềng thân hữu Phật giáo Nhật Bản vào năm 1968, 1969, với mục đích liên kết với Phật giáo Nhật Bản tạo điều kiện cho các đệ tử được du học Nhật; thăm viếng Phật giáo Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc vào tháng 11/1969.

Bằng giới đức trang nghiêm, túc duyên thù thắng, năng lực phi thường, Hòa thượng là bổn sư, là y chỉ sư của hàng trăm Tăng, Ni và hàng nghin Phật tử; đồng thời để có người thừa kế sự nghiệp hoằng dương đạo pháp nên ngài đã cho hai đệ tử là Hòa thượng Thích Trí Tâm và Hòa thượng Thích Trí Đức đi đu học tại Nhật Bản.

Đệ tử xuất gia của ngài có gần 100 vị, chỉ nói riêng hàng đệ tử lớn của ngài hiện nay có nhiều vị đã được tấn phong Hòa thượng như: Cố Hòa thượng Thích Huệ Quang, cố Hòa thượng Thích Trí Tâm (Huệ Minh), cố Hòa thượng Thích Trí Giác (Huệ Hải), cố Hòa thượng Thích Huệ Đăng (Trí Minh), cố Hòa thượng Thích Trí Hải (Huệ Lạc), Hòa thượng Thích Trí Đức, Hòa thượng Thích Tâm Khai, Ni trưởng Thích Nữ Diệu Nguyện (Huệ Hạnh) v.v…

Năm 1965 (Ất Tỵ) ngài đại trùng tu ngôi Tam bảo Nghĩa Phương như quy mô hiện nay và suốt hơn một phần tư thế kỷ hoằng pháp lợi sanh, dấu chân ngài bước đến đâu là nơi đó nở hoa chánh pháp, ngài đã khai sơn trên hai mươi ngôi tự viện tại Khánh Hòa cùng các tỉnh miền Trung như: Chùa Nghĩa Quang, phường Phương Sài (Nha Trang) hiện nay do Thượng tọa Thích Thiện Huệ trụ trì; chùa Nghĩa Lương, Lương Sơn, Nha Trang, hiện nay do Sư cô Thích Nữ Hạnh Đoan trụ trì; chùa Nghĩa Minh, Hoàng Diệu, Vĩnh Nguyên (Nha Trang) hiện nay do Ni trưởng Thích Nữ Diệu Nguyện trụ trì; chùa Nghĩa Hương, phường Phước Tiến (Nha Trang) hiện nay do Thượng tọa Thích Thiện Quang trụ trì; chùa Nghĩa Hoà, xã Vĩnh Hiệp, Nha Trang, hiện nay do Hòa thượng Thích Như Lưu trụ trì; chùa Nghĩa Phước, xã Vĩnh Lương, Nha Trang, do Đại đức Thích Như Khương giám tự; Tăng Học Viện Trung phần (nay là chùa Phước Huệ, phường Vĩnh Hải, Nha Trang) hiện nay do Thượng tọa Thích Thiện Huệ trụ trì; chùa Thiên Long, Ba Ngòi, (Cam Ranh) hiện nay do Hòa thượng Thích Trí Tấn trụ trì; chùa Ngọc Lâm, Ngọc Diêm, Ninh Hòa (Khánh Hòa) hiện nay do Hòa thượng Thích Tâm Khai trụ trì; chùa Nghĩa Phú, Đông Phước, Đông Hoà (Phú Yên) hiện nay do Đại đức Thích Quảng Huy trụ trì; chùa Nghĩa Lâm, Phước Lộc 2, Đông Hoà (Phú Yên) hiện nay do Đại đức Thích Quảng Thanh trụ trì; chùa Nghĩa Thành, Phước Thành, Tuy Hoà, Phú Yên; chùa Nghĩa Phong, Phong Niên, Tuy Hoà, Phú Yên; chùa Nghĩa Lâm, Lâm Trúc, Hoài Thanh, Hoài Nhơn, Bình Định; chùa Nghĩa Bổn, xã IA Rbol, Phú Bổn; chùa Nghĩa Đạo, xóm Giá, Nha Trang (nay là Vĩnh Hải - Nha Trang) hiện nay do Đại đức Thích Như Nghĩa trụ trì; chùa Nghĩa Lợi, Cát Lợi, Vĩnh Lương (Nha Trang); chùa Nghĩa Thiện, Xóm Cồn (Nha Trang); chùa Nghĩa Hải, Phước Hải (Nha Trang); chùa Nghĩa Trường, Vĩnh Trường (Nha Trang); chùa Nghĩa Hưng, khóm Máy Nước, phường Phước Tân (Nha Trang)...

Ngoài ra ngài còn chứng minh đại trùng tu trên 20 ngôi chùa thuộc Môn phong Tổ đình Nghĩa Phương như: Chùa Sắc Tứ Minh Thiện (Diên Khánh) hiện nay do Hòa thượng Thích Thiện Thông trụ trì; chùa Phước Duyên (Diên Khánh), chùa Oai Linh, Cù Lao (Nha Trang); Tổ đình Minh Quang Pleiku (Gia Lai) hiện nay do Hòa thượng Thích Trí Thạnh trụ trì; chùa Minh Thành Pleiku hiện nay do Đại đức Thích Tâm Mãn trụ trì…

Cuối năm 1970, ngài lâm trọng bệnh, tuy được các thầy thuốc Đông y, các bác sĩ Bệnh viện Grall Sài Gòn, Quân y viện Đại Hàn tận tình chữa trị, nhưng sức khỏe của ngài dần dần giảm sút, đến cuối tháng mười một năm Tân Hợi, ngài thuận thế vô thường, an tường xả báo thân vào lúc 19 giờ ngày 24 tháng 11 năm Tân Hợi (ngày 10.01.1972). Trụ thế 49 năm, trải qua 28 mùa an cư kiết hạ; bảo tháp tôn thờ ngài được tôn trí tại khu vườn Tháp Tổ chùa Phước Huệ, xã Vĩnh Hải (TP. Nha Trang).

2.2 Trưởng lão Tăng cang Hòa thượng Thích Trí Thắng (1891-1975)

Chứng minh Ban Đại diện Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Trung Phần, Chứng minh Giáo hội Phật giáo Cổ truyền tỉnh Ninh Thuận, Viện chủ chùa Sắc Tứ Thiên Hưng (Phan Rang – Ninh Thuận).

Hòa thượng thế danh là Nguyễn Khắc Đôn, tự Đạo Thông, pháp hiệu Thích Trí Thắng, sinh tháng giêng năm Tân Mão (1891) tại thôn Lương Lộc, tổng Thiều Quang, huyện Tuy Viễn, phủ Hoài Nhơn, nay là thôn Lương Lộc, xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Thân phụ là cụ ông Nguyễn Phò, thân mẫu là cụ bà Dương Thị Lân, ngài sinh trưởng trong một gia đình trung nông, gia giáo và sùng tín Tam Bảo.

Thân phụ mất sớm, ngài phải nương nhờ sự giáo dưỡng nơi người bác ruột là Hòa thượng Thích Ấn Bình trụ trì Tổ đình Thiên Hòa ở Bình Định. Tổ Ấn Bình tinh thông dịch lý và tướng pháp, thấy rõ sự khả dụng trong tương lai của ngài, nên cố tâm dìu dắt, đào tạo ngài nên người.

Năm Quý Mão (1903), ngài đậu Tiểu học tại Trường Trung học (Collège) Qui Nhơn. Năm Đinh Mùi (1907) do không đậu bằng Thành chung, ngài quay về học Hán văn và Y dược với Tổ Ấn Bình là những môn sở trường của Tổ và học thêm Pháp văn với cụ Đinh Trạc.

Năm Nhâm Tý (1912), ngài (22 tuổi) được bổ sung làm giáo viên hương trường, dạy tại thôn Bình Thạnh, quận lỵ Tuy Phước. Năm Ất Mão (1915) ngài được đặc cách về dạy tại Trường Tam Quan thuộc phủ Hoài Nhơn, vùng giáp ranh với tỉnh Quảng Ngãi. Hàng năm cứ vào dịp nghỉ hè, ngài cùng các đồng nghiệp dạy hè tại vùng La Hà, núi Thiên Ấn, chuyên kèm Hán văn và Pháp văn cho số công chức Nam triều tại tỉnh đường Quảng Ngãi. Trong thời gian này, ngài thường lui tới chiêm bái Tổ đình Thiên Ấn, được Hòa thượng Ấn Chiếu giảng dạy những điều căn bản của Phật pháp như Tứ Đế, Bát Chánh Đạo, Thập Nhị Nhân Duyên... bấy giờ ngài được một lão Nho cho ở trọ, rồi lập gia đình ở đây.

Năm Mậu Ngọ (1918) gặp nghịch cảnh gia đình, nhưng lại là cơ duyên cho ngài nhận thức giá trị đích thực của giáo lý nhà Phật. Đoạn tuyệt duyên trần, rời bục giảng, ngài trở về Bình Định xin xuất gia tu học, được Tổ cho pháp danh Chơn Cảnh. Năm Canh Thân (1920), 29 tuổi ngài thọ Cụ Túc giới tại Đại giới đàn chùa Châu Long (nay là Tổ đình Tịnh Lâm, huyện Phù Cát) do Hòa thượng Phổ Huệ làm Đường đầu Hòa thượng, vì ngài đạt thủ khoa tại giới trường, nên được Tổ Ấn Bình ban pháp tự Đạo Thông, pháp hiệu Trí Thắng.

Năm Tân Dậu (1921), Tổ Ấn Bình viên tịch, ngài thừa kế trụ trì chùa Thiên Hòa, mở lớp dạy Hán văn, Pháp văn và Việt văn cho bá tánh quanh vùng. Đêm 28 tháng chạp năm Nhâm Tuất (1922), do bất cẩn nên xảy ra hỏa hoạn, chùa bị thiêu hủy, đến năm 1923 ngài tái thiết toàn bộ Tổ đình Thiên Hòa, tồn tại cho đến nay.

Năm Giáp Tý (1924), rằm tháng giêng, sau khi cử đệ tử y chỉ của ngài là Thiền sư Cát Khánh, ngài vào Tổ đình Bát Nhã ở Phú Yên tham học giáo lý, và cùng nhiều vị danh Tăng khác giảng dạy khóa hạ, như quý thiền sư chùa Từ Quang, chùa Phước Sơn, chùa Kim Cang, chùa Bảo Sơn, chùa Hương Tích, Bảo Tịnh, chùa Thiên Sơn ở Phú Yên và chùa Phước Tường, chùa Hải Đức, chùa Thiên Bửu, chùa Thiên Hòa ở Khánh Hòa, nhờ đó ngài càng thêm tinh thông nội điển.

Ngày 20 tháng 7 năm Ất Sửu 1925, thiền sư Cát Khánh tịch, ngài cắt cử đệ tử cầu pháp là Thích Quảng Nguyên làm Thủ tọa thừa kế sự nghiệp Tổ đình Thiên Hòa, rồi ngài vào Phan Rang tham yết Hòa thượng Chơn Niệm ở chùa Trùng Khánh và được Hòa thượng Chơn Niệm mời lưu lại. Sau đó thiện tín tại chùa Trùng Sơn ở núi Đá Chồng thỉnh ngài về làm Thủ tọa có sự tham chứng của Hòa thượng Chơn Niệm, nơi đây ngài cũng mở lớp dạy chữ Hán, Pháp, Việt và làm thuốc.

Năm Bính Dần (1926), nữ Phật tử Hà Thị Kỉnh, pháp danh Tâm Thành, ở thôn Phước Hậu, xứ Cà Ná, sinh quán Phù Cát (Bình Định) hiến cúng cho ngài thảo am của bà cất để tu dưỡng, ngài xây dựng lên ngôi chùa hiệu là Hương Viên. Năm Đinh Mão (1927), Phật tử Tâm Đạt thế danh Võ Thị Huợt, phu nhân Quản đạo Nguyễn Tập đến chùa Trùng Sơn cung thỉnh ngài về thảo am của bà để dạy giáo lý Phật đà. Sau đó bà hiến cúng thảo am cho ngài và được ngài đổi thành chùa Thiên Hưng. Năm Mậu Thìn (1928), ngài mở lớp nội điển tại chùa Thiên Hưng. Các đệ tử theo học có quý thầy Huyền Diệu, Huyền Tân, Huyền Cơ, Huyền Lý, Huyền Ý, Huyền Nghĩa, Huyền Đạt, Huyền Châu (thủ tọa chùa Hương Viên).

Năm Giáp Tuất (1934) ngài chứng minh cho Phật tử Như Phượng thế danh Võ Thị Én sáng lập chùa Long Quang, gần cầu Đạo Long để tu học. Do đó dân gian thường gọi là chùa Bà Én. Năm Ất Hợi (1935), được sự ủng hộ tài chánh của thiện tín vùng Bảo An, Tháp Chàm, Đô Vinh, ngài cung thỉnh Hòa thượng Trí Hải chùa Bích Liên ở Bình Định, Hòa thượng Phúc Hộ chùa Từ Quang ở Phú Yên mở Thích Học Đường tại chùa Tây Thiên. Năm Mậu Dần (1938), ngài cùng một số Phật tử thuần thành ở Phan Rang vận động thành lập An Nam Phật Học chi hội Ninh Thuận, trụ sở đặt tại chùa Thiên Hưng, do cư sĩ Nguyễn Công Tích làm Hội trưởng. Năm Kỷ Mão (1939) triều đình Huế sắc tứ biểu ngạch cho chùa Thiên Hưng. Năm Canh Thìn (1940), hào lý và nhân dân làng Đắc Nhơn hiến cúng toàn bộ Thiền Lâm Cổ Tự cho ngài, và ngài cử đệ tử là Thích Huyền Tân về làm trú trì. Năm Tân Tỵ (1941), ngài xin khai khẩn 36 mẫu đất rừng hoang ở phía Nam sông Đồng Mé để mở làng Phật học, nhưng đến năm 1945 kế hoạch bị tan vỡ.

Năm Nhâm Ngọ (1942), triều đình Huế sắc chỉ khâm ban Đạo điệp Tăng Cang cho ngài và sắc tứ biểu ngạch cho chùa Thiền Lâm. Năm 1943, ngài chứng minh lễ đặt đá xây dựng nghĩa trang của Hội Phật Học và cho dời trụ sở An Nam Phật Học từ chùa Thiên Hưng lên chùa Long Quang để tiện việc sinh hoạt tu học của hội viên.

Năm Giáp Thân (1944), ngài được chư sơn Bình Định cung thỉnh chức vị Tuyên Luật sư tại Đại giới đàn Tổ đình Thiên Đức, nơi sinh quán của ngài; năm Đinh Hợi (1947), ngài chứng minh lễ đặt đá xây Hội quán An Nam Phật Học tỉnh Ninh Thuận tại ấp Phủ Hà. Năm 1948, ngài vận động lập Phật Học Đường Phan Rang, chư Tăng cung thỉnh ngài giữ chức Giám viện kiêm Giám đốc và Giáo thọ trường. Năm Canh Dần (1950), ngài được Hội Việt Nam Phật học Trung Việt cung thỉnh ở ngôi vị chứng minh đạo hạnh và chức vụ Hội trưởng Hội Việt Nam Phật học tỉnh Ninh Thuận, cùng năm này, ngài tái thiết chùa Long Quang để dời trụ sở Giáo hội tỉnh từ chùa Phước Quang núi Cà Đú về đây, ngài được chư sơn cung thỉnh làm Trị Sự trưởng Giáo hội Tăng già Ninh Thuận.

Năm Tân Mão (1951), chư sơn và Hội Việt Nam Phật học tỉnh Khánh Hòa cung thỉnh ngài đảm trách chức Giám đốc Phật Học Đường Nha Trang; năm sau, ngài được cung thỉnh làm Đàn đầu Hòa thượng tại Đại giới đàn chùa Thiên  Bửu ở Ninh Hòa. Sau đó vì bất đồng về cách thức lãnh đạo của Tổng Trị sự Giáo hội Tăng già Trung Việt, năm 1955 ngài tách ra thành lập Tịnh Độ Tông Việt Nam và được cử giữ chức Tông trưởng kiêm Cố vấn Tịnh Độ Tông tỉnh Ninh Thuận, với cương vị này, ngài đã chứng minh khai sơn các chùa Trường Thọ, An Nhơn, Trường Sanh. Năm Giáp Thìn (1964), ngài được cung thỉnh giữ chức Phó Tăng thống kiêm Giám luật Tịnh Độ Tông Việt Nam, cùng năm này ngài tham gia thành lập Phật Học Viện ở Đồng Đế, Nha Trang.

Năm Ất Tỵ (1965), ngài mở phòng Đông Y tại chùa Thiên Hưng để chữa bệnh cho dân nghèo và chứng minh sáng lập chùa Bảo Vân ở thôn Nhơn Hội. Mùa hè năm Ất Mão (1975), ngài cho gọi môn đồ và thiện tín về phú chúc Phật sự tương lai, đến ngày 12 tháng 5 (21/6/1975) lúc 10 giờ 30 phút, ngài an nhiên thị tịch, hưởng thọ 85 tuổi đời, 54 tuổi hạ.

Hòa thượng Thích Trí Thắng, là một vị cao Tăng đã có nhiều đóng góp cho phong trào chấn hưng Phật giáo, ngài hoạt động liên tục không phút ngơi nghỉ, nhờ đó mà phong trào Phật giáo ở tỉnh Ninh Thuận một thời được khởi sắc.

2.3 Trưởng lão Tăng cang Hòa thượng Thích Huệ Pháp (1887 – 1975)

Trưởng lão Tăng cang Hòa thượng Thích Huệ Pháp là Chứng minh Ban Đại diện Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Trung Phần - Tăng trưởng Giáo hội Phật giáo Cổ truyền tỉnh Bình Định.

Ngài húy thượng Chơn hạ Phước, tự Đạo Thông hiệu Huệ Pháp; thế danh Nguyễn Lộ, sinh ngày 13 tháng 8 năm Đinh Hợi 1887, tại thôn Bồ Đề, xã Đức Quang, nay là xã Đức Nhuận, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Thân sinh là cụ ông Nguyễn Vĩnh, một bậc lão Nho tinh thông cả dịch lý, toán số, suốt đời mở lớp gia giáo phổ biến Nho học, cả vùng Mộ Đức – Đức Phổ có đến hàng trăm môn đệ của người, người dân Quảng Ngãi đương thời không ai là không nghe đến tên cụ. Thân mẫu là cụ bà Lê Thị Long, con của một lão Nho trong làng. Ngài là con trai thứ trong gia đình bốn anh chị em, trưởng huynh mất sớm, chị cả là thân mẫu Hòa thượng Khánh Anh, bậc cao Tăng lương đống của Phật giáo Việt Nam.

Thiếu thời ngài học chữ Nho của thân sinh, thường được cụ bà dắt đi chùa Cảnh Tiên gần nhà để lễ Phật và nghe Đại lão Hòa thượng Hoằng Thanh giảng đạo; ngài cũng được cụ Nguyễn Vĩnh dắt về Tổ đình Thiên Ấn – Thạch Sơn học hỏi giáo lý của quý Đại lão Hòa thượng Hoằng Tịnh, Hoằng Thạc, Hoằng Đức. Từ môi trường này, ngài tham gia chống Pháp với nhóm cách mạng do nhà chí sĩ Trần Cao Vân và cụ Huỳnh Thúc Kháng lãnh đạo.

Năm Kỷ Dậu (1909) lúc 22 tuổi, ngài xin phép song thân cho xuất gia với Đại lão Hòa thượng Hoằng Thanh tại chùa Cảnh Tiên, được Bổn sư cho thọ giới Sa di và ban pháp danh là Chơn Phước. Ngài tinh cần chấp tác học tập qui tắc thiền môn, ngõ hầu làm long tượng Phật pháp cho tương lai.

Năm Tân Hợi (1911) ngài được Bổn sư cho đăng đàn thọ Cụ túc giới tại Đại giới đàn Tổ đình Thiên Ấn và là Giáo thọ giới tử Sa di tại giới đàn này, năm ấy ngài 24 tuổi, được truyền Tổ ấn với pháp tự là Đạo Thông, sau khi đắc giới, ngài tiếp tục tu học tại Tổ đình Thiên Ấn – Thạch Sơn.

Năm Giáp Dần (1914), ngài vào Bình Định tham học với Quốc sư Phước Huệ và Pháp sư Phổ Huệ. Duyên lành đã đến, ngài gặp hai Phật tử Trừng Quế, Trừng Qui cúng cho ngài một thảo am tại đồi cát ở khu 6, thành phố Qui Nhơn để tu học. Năm Đinh Tỵ (1917), ngài làm Đệ nhất Tôn chứng Giới đàn chùa Trừng Giác ở Tuy Phước (Bình Định), uy tín và đạo hạnh của ngài lan rộng, nhờ sự phát tâm của tín đồ nên từ một thảo am, ngài đã xây dựng thành ngôi Tam bảo Minh Tịnh được trang nghiêm vào năm Mậu Ngọ (1918).

Năm Giáp Tý (1924), ngài được cung thỉnh làm Giáo thọ A Xà Lê tại Giới đàn chùa Linh Phong, Phù Cát (Bình Định), đến năm Bính Dần (1926) Giới đàn chùa Phước Quang tại Quảng Ngãi cung thỉnh ngài làm Yết Ma A Xà Lê. Năm Đinh Mão (1927), ngài được thỉnh làm Chánh ký trường Hương chùa Long Khánh ở Qui Nhơn, kiêm Giáo thọ sư cùng quý ngài: Trí Hải chùa Bích Liên, Như Phước chùa Liên Tôn, Hoằng Thông chùa Bạch Sa, dưới quyền chủ giảng của Quốc sư Phước Huệ. Cùng năm này, Lưỡng Xuyên Phật Học Đường miền Nam thỉnh ngài vào làm chủ giảng, ngài đã cắt cử Pháp sư Khánh Anh là một học trò ưu tú nhất vào đó để thay ngài.

Năm Nhâm Ngọ (1942) ngài được chư sơn thiền đức tỉnh Bình Định cung thỉnh vào ngôi Yết ma A Xà Lê trong Đại giới đàn chùa Thiên Đức, huyện Tuy Phước. Năm Giáp Thân (1944) tức năm Bảo Đại thứ 19, ngài được triều đình Huế sắc chỉ khâm ban đạo điệp Tăng Cang và sắc tứ Biển Ngạch chùa Minh Tịnh.

Năm Ất Dậu (1945) hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, ngài tham gia mặt trận kháng chiến và được bầu làm Chủ tịch Hội Phật giáo cứu quốc tỉnh Bình Định.

Năm Đinh Hợi (1947) ngài được cung thỉnh làm Chứng minh Giới đàn chùa Thiên Bình, An Nhơn (Bình Định). Năm Đinh Dậu (1957) tại Đại giới đàn Tổ đình Nghĩa Phương ở Nha Trang (Khánh Hòa), ngài được cung thỉnh làm Hòa thượng Đường đầu truyền giới, cùng năm này, Hội Phật giáo Tịnh Độ Tông thỉnh ngài ngôi vị Chứng minh Đại đạo sư Trung Phần.

Năm Kỷ Hợi (1959) Hội Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật tử thỉnh ngài làm Chứng minh Đạo sư Trung Phần.

Năm Quý Mão (1963) chư sơn thiền đức tỉnh Bình Định tổ chức Đại giới đàn tại Tổ đình Minh Tịnh, cung thỉnh ngài làm Hòa thượng Đường đầu truyền giới. Ngài là vị Pháp sư, Tuyên Luật sư chuyên giảng kinh, luật, luận cho các trường Giới, trường Hạ, trường Hương và được cung thỉnh làm Giáo thọ A Xà Lê, Yết ma A Xà Lê và Đường đầu Hòa thượng cho nhiều giới đàn khắp nơi Trung - Nam Bộ.

Ngài đã khai sơn và chủ trương tái thiết, trùng tu hàng trăm tự viện, đệ tử xuất gia hàng trăm vị, có nhiều vị xuất chúng là bậc long tượng Phật pháp, lãnh đạo Giáo hội, đệ tử tại gia của ngài có đến hàng vạn người, ngài đã hiến dâng trọn vẹn cuộc đời mình phụng sự cho đạo pháp; còn về đóng góp cho dân tộc thì một phần ba cuộc đời của ngài góp công rất lớn trong công cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp.

Công hạnh viên mãn, ngài viên tịch lúc 11 giờ ngày 11 tháng 11 năm Ất Mão (1975) trụ thế 89 năm, đạo thọ 65 Hạ lạp, tháp tàng nhục cốt của ngài ở hướng Nam chùa Minh Tịnh, thành phố Qui Nhơn.

Sau khi Tổ khai sơn viên tịch, thừa kế Đệ nhị trụ trì Tổ đình Sắc Tứ Minh Tịnh, Quy Nhơn (Bình Định) là Hòa thượng Thích Trí Giác, Phó trưởng Ban Nghi lễ Trung ương GHPGVN, Trưởng Ban Nghi lễ GHPGVN tỉnh Bình Định, trụ trì từ năm 1975 đến nay.

2.4 Hòa thượng Thích Giác Đạo (1916-1999) - Tổ đình Minh Quang, Minh Thành, TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai

Hòa thượng nguyên là Tăng trưởng Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam tỉnh Pleiku - Tông trưởng khai sơn Tổ đình Minh Quang – Chùa Minh Thành – Chùa Minh Lâm (TP Pleiku) - Chùa Minh Quang (Cửu An - An Khê) - Chùa Minh Châu (Huyện Mang Yang) tỉnh Gia Lai.

Ngài huý thượng Nhật hạ Định, tự Thiện Tường, hiệu Giác Đạo, đời thứ 41 dòng thiền Lâm Tế Gia Phổ, thế danh Trần Danh Giới, xuất gia năm Bính Thìn (1916) tại thôn An Điền Bắc, xã Cửu An, huyện An Khê, tỉnh Pleiku (nay là tỉnh Gia Lai). Thân phụ là cụ ông Trần Quý, thân mẫu là cụ bà Đào Thị Lối, gia đình có 10 anh, chị, em, ngài là người thứ 4 trong gia đình.

Ngài được sinh ra trong một gia đình nhân hậu thuộc dòng dõi Tôn Thất nhà Trần, chi phái Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải, thuộc chi họ Trần mà vị Trưởng tông chính là danh tướng Trần Nguyên Hãn.1 Trần Nguyên Hãn là cháu nội của quan Tư Đồ Trần Nguyên Đán là anh em cô cậu với Nguyễn Trãi, theo truyền khẩu của chi họ Trần Văn ở Gò Bầu tỉnh Bình Định thì một trong ba bà vợ của ông dẫn hai đứa con trai lên thuyền bỏ chạy trốn vào đất Chiêm Thành. Người con trai lớn là Trần Văn lập nghiệp ở Gò Bầu, Bình Định, người con thứ là Trần Võ lập nghiệp ở vùng đất lưỡng Quảng, vì là tội phạm của triều đình nên chi họ Trần ở đất Chiêm Thành không lập gia Phả mà chỉ truyền miệng từ đời này qua đời khác cho con cháu trong họ tộc biết được nguồn gốc của mình, ngài thuộc con cháu của dòng họ Trần Văn, Gò Bầu (Bình Định).

Dòng họ Trần vốn túc duyên với Phật pháp, Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông sơ tổ của Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam là con cháu họ Trần, cho nên truyền thống tu hành cứu nhơn độ thế luôn là truyền thống của dòng họ. Hòa thượng sinh ra trong một dòng họ như vậy, cộng với nhiều kiếp gieo trồng căn lành với Tam Bảo, nên Hòa thượng quyết chí học nghề thuốc Nam để cứu dân giúp ích cho đời, nhờ tinh thần quyết tâm cầu học nên không bao lâu ngài đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm về phương pháp trị bệnh, từ đó ngài vân du khắp chốn để cứu chữa bịnh từ thiện cho mọi tầng lớp nhân dân.

Năm 1942, ngài đến chùa Minh Hòa (An Khê) đảnh lễ Đại lão Hòa thượng Huệ Tấn cầu xin xuất gia và được ban pháp danh Nhựt Định, năm ấy ngài tròn 27 tuổi; năm sau (1943) ngài được Thầy Bổn sư cho thọ giới Sa di và được ban pháp tự Thiện Tường; đến năm 1947, ngài được Thầy Bổn sư cho vào miền Nam thọ Cụ túc giới tại Đại giới đàn chùa Long Thiền ở Biên Hòa (Đồng Nai) và được ban pháp hiệu Giác Đạo.

Năm 1955, ngài khai sơn chùa Minh Quang ở thôn An Điền Bắc, Cửu An (An Khê), kể từ đó tiếng đồn lan rộng khắp vùng, quy tụ đồ chúng về tu học rất đông. Năm 1963, ngài được cung thỉnh làm Đệ nhất tôn chứng tại Đại giới đàn chùa Minh Tịnh (Quy Nhơn), cũng trong năm này ngài khai sơn chùa Minh Quang ở Pleiku truyền bá Phật pháp, chẳng bao lâu sau đó tứ chúng về câu hội đông đủ, tiếp đến, năm 1970, ngài khai sơn chùa Minh Thành cũng ở Pleiku và chùa Minh Châu ở Mang Yang. Năm 1969, ngài được Ban tổ chức Giới đàn tỉnh Phú Yên cung thỉnh làm Giáo thọ A Xà Lê tại Đại giới đàn chùa Nghĩa Phú; năm 1972, ngài làm Yết ma A Xà Lê tại Đại giới đàn chùa Sùng Đức ở Chợ Lớn (TP. Hồ Chí Minh).

Về công tác lãnh đạo Phật giáo Cổ truyền thì vào năm 1969, ngài được suy cử làm Phó Tăng trưởng Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam tỉnh Pleiku, đến năm 1970, ngài làm Tăng trưởng Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam tỉnh Pleiku cho đến 1981. Năm 1980, Hội đồng Viện Tăng thống và Hội đồng Viện Hoằng đạo Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam tấn phong ngài lên hàng giáo phẩm Hòa thượng, năm đó ngài được 65 tuổi.

Đệ tử của ngài thuộc Tông phong Minh Quang hiện làm trụ trì các ngôi tự viện ở Gia Lai như: Hòa thượng Thích Trí Thạnh trụ trì Tổ đình Minh Quang, Đại đức Thích Tâm Mãn trụ trì chùa Minh Thành, Đại đức Thích Trí Thức trụ trì chùa Minh Châu, Đại đức Thích Trí An trụ trì chùa Minh Quang (An Khê), Sư cô Thích Nữ Huệ Trí trụ trì chùa Minh Lâm, Thượng tọa Thích Trí Yên trụ trì chùa Bửu Tịnh, Đại đức Thích Trí Thanh trụ trì chùa Phước Hòa, Đại đức Thích Lệ Cần trụ trì chùa Minh Đạo. Tại TP Hồ Chí Minh có Đại đức Thích Trí Chơn trụ trì chùa Khánh An (Q.12), Đại đức Thích Trí Thường trụ trì chùa Vạn Hạnh (Q12), Đại đức Thích Trí Nhiên trụ trì chùa Phước An (Q.8), Đại đức Thích Trí Đắc trụ trì chùa Ngọc Thuận (Hóc Môn), Sư cô Thích Nữ Lệ Tấn trụ trì chùa Liên Trì (Hóc Môn), Sư cô Thích Nữ Lệ Hòa trụ trì chùa Liên Trì (Q.12). Tại tỉnh Đồng Nai có Sư cô Thích Nữ Lệ Nhất trụ trì chùa Phổ Đà và ở nước ngoài (Ba Lan) có Đại đức Thích Trí Chơn trụ trì chùa Giác Đạo.

Sau khi đất nước được hòa bình thống nhất, do tuổi cao sức yếu, nên ngài giao công việc Tổ đình và Giáo hội cho lại cho sơn môn, chuyên tâm vào niệm Phật hành thiền, làm thuốc trị bịnh cứu gúp dân lành và tiếp Tăng độ chúng.

Năm 1993, ngài vẫn còn tiếp tục khai sơn chùa Minh Lâm làm Ni viện cho Ni chúng tu hành, tuy nhiên do tuổi cao sức yếu nên vào ngày 16 tháng 07 năm Kỷ Mão (1999) ngài thuận thế vô thường, an nhiên thị tịch.

2.5 Hòa Thượng Thích Phước Huy (1910-1980) - Phó Ban Đại diện Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Trung phần Việt Nam - Chứng minh Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Cổ truyền tỉnh Quảng Ngãi - Tổ khai Sơn Tổ đình Liên Quang (thôn Liên Trì, xã Bình Hiệp, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi).2

Hòa thượng Thích Phước Huy thế danh Trịnh Thà, pháp danh Chơn Đình, pháp tự Đạo Ý, pháp hiệu Phước Huy, ngài sanh năm Canh Tuất (1910) tại làng An Châu, xã Bình Thới, tổng Bình Trung, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Ngài sanh trong một gia đình có bề dày truyền thống Phật giáo và Nho học, giàu lòng nhân ái và đức độ, thân phụ ngài là Đại sư Thích Hoằng Đề, thân mẫu là cụ bà Tạ Thị Ấn Thành, ngài là hậu duệ ba đời của Hòa Thượng Trịnh Bảo Ân (Thiên Ấn Sắc Tứ Đệ Tam Tổ).

Năm lên 10 tuổi, ngài thọ giáo Sư bá Thích Hoằng Nhiếp (một bậc uyên thâm về Phật giáo và Nho học lúc bấy giờ), Hòa Thượng Thích Hoằng Nhiếp cho ngài đi Pnômpênh (Campuchia) tham học 5 năm tại chùa Kim Quang, nhờ đó mà ngài học được rất nhiều về môn phái Mật tông, đến năm 20 tuổi, ngài thọ giới Tỳ kheo và năm 25 tuổi ngài giữ chức Kiểm Tăng của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng tỉnh Quảng Ngãi. Lúc bấy giờ hàng ngũ Tăng già tại Quảng Ngãi đều tu hành sinh hoạt trong tổ chức sơn môn Thiền Lữ, nhưng ngài là Tăng sĩ yêu nước sống có trách nhiệm với đạo pháp và dân tộc nên bản thân ngài sống đúng theo tinh thần Lục Hòa, tu hành giới luật rất nghiêm minh, mọi việc làm đều vì sự nghiệp xương minh Phật pháp.

Năm 30 tuổi, ngài giữ chức Thiền chủ Tòng lâm (tương đương với Chánh Đại diện Huyện hội Phật giáo sau này), sau cách mạng tháng Tám, ngài cùng chư sơn thiền đức hoạt động trong tổ chức Phật giáo cứu quốc các tỉnh Trung phần, dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh và đã đem lại những thành quả rất khả quan trong công tác Phật sự cũng như công tác đoàn thể.

Sau năm 1954, ngài tham gia đẩy mạnh phong trào chấn hưng Phật giáo tại các tỉnh miền Trung và Tây nguyên; đến năm 1964 (Nhâm Thìn), sau pháp nạn 1963, tại Đại giới đàn do Phật giáo Cổ truyền tỉnh Quảng Ngãi tổ chức, ngài được cung thỉnh làm Đường đầu Hòa thượng truyền trao giới pháp.

Thời gian sau đó ngài giữ các chức vụ như: Tăng giám Phật giáo huyện Bình Sơn, Tăng trưởng Phật giáo Cổ truyền tỉnh Quảng Ngài, Phó Ban Đại diện Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Trung Phần, Chứng minh Giáo hội Trung Việt và Cao nguyên Trung phần.

Cuộc đời tu hành của ngài từ ngày xuất gia cho đến khi viên tịch là một chuỗi thời gian dài công phu hành đạo, điều này thể hiện rất cụ thể qua việc năm nào ngài cũng nhập chúng an cư kiết hạ, nếu không an cư tập trung thì ngài cũng cấm túc tại chỗ, đăc biệt hàng ngày ngài đều áp dụng một thời khóa biểu tu rất nghiêm mật, chính nhờ sự tu hành chân chính nên uy danh ngài vang xa, đồ chúng hai giới xuất gia và tại gia qui ngưỡng đông vô sô kể, ước có trên hàng ngàn người quy y và xin thế pháp xuất gia đầu Phật.

Ngài rất chú trọng đến việc đào tạo Tăng tài, tấn dẫn hậu lai, báo Phật ân đức, đệ tử lớn của ngài có nhiều vị đã được tấn phong Hòa thượng như cố Hòa thượng Thích Chánh Thanh, trú trì Long Vân Cổ Tự (Biên Hòa), cố Hòa thượng Thích Chánh Niệm trú trì chùa     Quang Lộc, cố Hòa thượng Thích Chánh Giác, cố Hòa thượng Thích Chánh Phước…

Hiện nay, đệ tử của ngài hoằng dương Phật pháp khắp các nơi trong và ngoài nước, như Thượng tọa Thích Chánh Trực trụ trì chùa Nghĩa Hòa, TP. Nha Trang, hiện là Ủy viên Ban Nghi lễ Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Khánh Hòa; Thượng tọa Thích Chánh Hương, Thượng tọa Thích Chánh Thành, Thượng tọa Thích Chánh Truyền, Thượng tọa Thích Chánh Lượng, Thượng tọa Thích Chánh Thế, Thượng tọa Thích Chánh Pháp, Thượng tọa Thích Chánh Nguyên…

Về công đức khai sơn tạo tự, ngoài Tổ đình chùa Liên Quang và Tổ đình chùa Tường Quang do ngài cùng bổn đạo kiến lập vào năm 1936, ngài đã chứng minh hàng chục ngôi chùa, viện khác, như chùa Kim Long ở Trà Bồng (Quảng ngãi), chùa Long Hoa, chùa Long Tiên, chùa Long Khánh, chùa Quang Lộc…

Về đời sống hàng ngày, ngài chủ trương sinh hoạt nông thiền theo thanh quy của Tổ Bách Trượng và đề xướng phương châm nhứt nhựt bất tác - nhứt nhựt bất thực. Khi huấn dạy đệ tử, ngài thường nói: “Giới luật đối với đạo pháp cũng như đạo đức mực thước trong sinh hoạt đối với con người, nếu giới luật không được tôn trọng thì đạo pháp phải bị suy yếu, nếu có còn chăng cũng chỉ còn một đoàn điểu, thử (chim, chuột), chính vì lẽ đó các con phải gắng giữ gìn giới luật”.

Sau khi nhân duyên đã mãn, ngài an nhiên thâu thần thị tịch vào lúc 20 giờ ngày 22 tháng Giêng năm Canh Thân (1980), trụ thế 71 tuổi, hạ lạp 51 năm.

***

Những chặng đường lịch sử của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam khu vực miền Trung và Tây Nguyên vô cùng phong phú, đa dạng, trên đây chúng tôi chỉ tóm lược chân dung vài nhân vật lịch sử tiêu biểu qua 50 năm hình thành và cống hiến cho đạo pháp và dân tộc của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam tại một vài địa phương ở Trung phần.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Toàn tập Tông phong Tổ đình Nghĩa Phương (Hòa thượng Thích Trí Tâm) năm 2010.

2. Danh Tăng Việt Nam – Thích Đồng Bổn

3. Kỷ yếu Hòa thượng Thích Bửu Ý (1996)

4. Hội nghị Đại biểu thống nhất Phật giáo Việt Nam (1981)

5. Báo Giác Ngộ

6. Tự điển Bách Khoa Toàn Thư mở Vikipedia

7. Tiểu sử Hòa thượng Thích Phước Huy của TT. Thích An Ngọc.

8. Lược sử GHPG Cổ Truyền Việt Nam của Thích Huệ Thông.

9. Tư liệu Văn phòng Ban Đại diện GHPG Cổ truyền Trung phần,

10. Lời kể của Chư tôn đức là đệ tử Hòa thượng Thích Phước Huy.

 


1. Trần Nguyên Hãn là võ tướng trong khởi nghĩa Lam Sơn, có nhiều đóng góp trong sự nghiệp đánh thắng quân Minh xâm lược và lập thành nhà Hậu Lê, ông là một trong những công thần phải chịu cái chết bi thảm ở triều vua Lê Thái Tổ. Năm 1428, kháng chiến thành công, Lê Lợi lên ngôi, Trần Nguyên Hãn được gia phong Tả Tướng quốc, Bình Chương quân quốc trọng sự, Khu mật Đại sứ, năm 1429 khi xin về hưu trí và sau đó bị triều đình nhà Lê ghép tội phản nghịch bị vua Lê Thái Tổ là Lê Lợi bắt giải về Kinh, trên đường đi đến bến Sơn Đông thì trầm mình tự tử. Sau khi ông chết gia tài điền sản đều bị tịch thu vợ con đều bị bắt. Theo gia phả của các chi họ Trần ở Sơn Đông, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc thì Trần Nguyên Hãn có ba bà vợ, ngày ông bị bắt xuống thuyền giải về kinh thì bà Cả và con trai là Trần Doãn Hữu, tự là Trung Khang, chạy trốn vào rừng, sau đó trở lại Sơn Đông. Bà hai là Lê Thị Tuyển có hai con trai là Trần Trung Tuyển, Trần Đăng Huy, tự là Trung Lương, chạy trốn qua làng Kẻ Nú, phủ Tam Đới, huyện Phù Khang, trấn Tây Sơn. Sau người con lớn Trần Trung Khoản tiếp tục bỏ đi và đổi ra họ Quách và Trần Đăng Huy đổi sang họ Đào. Bà vợ thứ ba bị bắt cùng ông về kinh sư.

2. Phần viết về thân thế và hành trạng của Hòa thượng Thích Phước Huy (1910-1980) trong tham luận này do Thượng tọa Thích Như Lưu (Ủy viên Ban Nghi lễ GHPGVN tỉnh Khánh Hòa, trụ trì chùa Nghĩa Hòa, TP Nha Trang) thực hiện.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 83
    • Số lượt truy cập : 6953942