Thông tin

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO CỔ TRUYỀN VIỆT NAM

- HỆ THỐNG TỔ CHỨC VÀ ĐƯỜNG HƯỚNG HÀNH ĐẠO

 

PGS.TS. NGUYỄN HỒNG DƯƠNG
Viện Nghiên cứu Tôn giáo
Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam

 

Tóm tắt

Ra đời năm 1969, trên cơ sở hợp nhất hai tổ chức Giáo hội Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật tử, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam (GHPGCTVN) tồn tại cho đến tháng 11/1981. Đây là thời điểm GHPGCTVN cùng với 8 tổ chức, hệ phái khác của Phật giáo Việt Nam vân tập về chùa Quán Sứ, Thủ đô Hà Nội thành lập nên Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Là tổ chức Phật giáo ra đời thuộc phong trào chấn hưng của Phật giáo, GHPGCTVN có Hiến chương trong đó có những điều khoản quy định về hệ thống tổ chức, nhân sự, chức năng của từng bộ phận. Đồng thời, bản Hiến chương cũng nêu rõ đướng hướng hành đạo của Giáo hội.

Bài viết dựa trên nguồn tư liệu thư tịch cũng như một số công trình nghiên cứu về GHPGCTVN, bước đầu đề cập đến hai nội dung (1) Hệ thống tổ chức của GHPGCTVN và (2) đường hướng hành đạo của Giáo hội.

1. Hệ thống tổ chức của Giáo hội Phật giáo cổ truyền Việt Nam

1.1. Vài nét về tiến trình ra đời và hình thành Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam

Phật giáo Việt Nam trước phong trào chấn hưng nửa đầu thế kỷ XX, tuy tồn tại và phát triển cũng như điều hành Phật sự theo sơn môn, pháp phái, song chưa hình thành nên tổ chức. Phong trào chấn hưng Phật giáo với ba nội dung (ba cuộc cách mạng) gồm cách mạng giáo chế, cách mạng giáo lý, cách mạng về giáo sản. Cách mạng giáo chế dẫn đến việc ra đời các tổ chức Phật giáo. Thời kỳ đầu nổi lên vai trò của Hòa thượng Lê Khánh Hòa và nhà sư Thiện Chiếu. “Năm 1920, quý Hòa thượng họp thành lập “Hội Lục Hòa” với mục đích để đoàn kết tăng chúng phát triển phong trào xây dựng lực lượng hình thành tổ chức, thực hiện chấn hưng Phật giáo Việt Nam… Tổ là người đầu tiên và có công lớn nhất trong phong trào chấn hưng Phật giáo” ở miền Nam nói riêng và Việt Nam nói chung”1.

Tác giả Nguyễn Lang trong cuốn Việt Nam Phật giáo sử luận cho biết “Năm 1923 trong buổi họp của đại diện các tổ đình tại chùa Long Hòa ở Trà Vinh, dưới sự hướng dẫn của ông (tức Hòa thượng Khánh Hòa - NHD), một tổ chức Tăng sĩ được thành lập gọi là hội Lục Hòa Liên Hiệp với mục đích là vận động thành lập một hội Phật giáo Việt Nam toàn quốc làm cơ sở chấn hưng Phật giáo”.2 Theo tác giả Thích Huệ Thông đã có sự nhầm lẫn giữa hai tổ chức Lục Hòa Liên Hiệp và Lục Hòa Liên Xã “nên sẽ không tìm hiểu thêm, có thể nói đây là điều đáng tiếc bởi Tăng già trong tổ chức Lục Hòa Liên Xã”3. Trong tác phẩm “Lược sử Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam” tác giả Thích Huệ Thông đã dành một số trang viết đề cập đến tổ chức Lục Hòa Liên Xã với các nội dung thời gian, địa điểm thành lập, vai trò của Hòa thượng Chơn Thành - Từ Văn, những hoạt động đạo pháp và dân tộc của tổ chức này. Tác giả Thích Huệ Thông cũng chỉ ra tính đặc thù của tổ chức Lục Hòa Liên Xã4. Sở dĩ cuốn sách dành một số trang viết đề cập đến Hội Lục Hòa Liên Xã, vì theo tác giả cuốn sách đây là tổ chức tiền thân của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam. Trong đề tài nghiên cứu khoa học: “Phật giáo ở Bình Dương: Lịch sử và hiện trạng”, Chủ nhiệm đề tài: PGS.TS. Trần Hồng Liên, năm 2011, viết: “Giáo hội Lục Hòa Tăng ra đời vào năm 1952 là sự nối tiếp của Lục Hòa Liên Xã (1922)”5.

Tổ chức của Lục Hòa Liên Xã, hệ thống tổ chức, cơ cấu nhân sự, hiện vẫn chưa có đủ tài liệu để làm sáng tỏ. Nhưng có một điều cần chỉ ra nếu như các tổ chức có tên “Lục hòa” sau khi thành lập đã tổ chức rất nhiều hội đoàn như Hội Nghiên cứu, Hội Phật học… thì Lục Hòa Liên Xã chỉ thành lập duy nhất một tổ chức “Hội Danh dự yêu nước”. Hội Danh dự yêu nước ngoài Hòa thượng Từ Văn và cụ Nguyễn Sinh Sắc còn có một số hội viên nòng cốt. Hội Danh dự yêu nước và Lục Hòa Liên Xã có liên hệ chặt chẽ với nhau như có chung một vị lãnh đạo (Hòa thượng Từ Văn); thành viên của Hội này đồng thời cũng là thành viên của Hội kia.

Do không hình thành nên hệ thống tổ chức, không có nội quy hay hiến chương nên phần lớn các tổ chức có tên Lục Hòa các khu vực chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Tuy nhiên Hội Lục Hòa Liên Xã tại Thủ Dầu Một là tồn tại lâu nhất. Tác giả Thích Huệ Thông chỉ ra một số đặc thù của Hội Lục Hòa Liên Xã, trong đó có đặc thù về tổ chức: “Nét đặc thù thứ ba của Lục Hòa Liên Xã là đã tạo được sự gắn kết chặt chẽ giữa các tông môn, hệ phái ở các chùa cũng như các bậc cao Tăng tại các ngôi già lam ở Nam Bộ”.6

Do hoạt động của Hội Danh dự yêu nước có tinh thần chống thực dân Pháp nên năm 1926 chính quyền thực dân đã giải tán Hội, lùng bắt những người lãnh đạo tích cực của Hội như cụ Nguyễn Sinh Sắc, Nguyễn Mạnh Trinh… Đệ tử của Hòa thượng Từ Văn, sư Nhất Tánh - Từ Tâm, trụ trì chùa Bình Long, quận Lái Thiêu (Thủ Dầu Một) bị Pháp bắt đày ra Côn Đảo.7

Hội Lục Hòa Liên Xã nói chung và Lục Hoà Liên Xã Thủ Dầu Một hoạt động đến thời điểm nào thì chấm dứt, hiện chưa có tài liệu làm sáng tỏ. Tài liệu của tác giả Thích Huệ Thông chỉ cho biết tại Thủ Dầu Một, sau Cách mạng tháng Tám, khi Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ chưa thành lập thì trước đó giới Tăng sĩ yêu nước Thủ Dầu Một đã tập hợp được 40 ngôi chùa trong tỉnh để làm hậu thuẫn và chuẩn bị cho sự kiện thành lập Hội.

Vào ngày 23 tháng 3 năm 1945, Hội Phật giáo cứu quốc Thủ Dầu Một do Mặt trật Việt Minh hướng dẫn đã được thành lập tại chùa Hội Khánh. Tác giả Thích Huệ Thông không cho biết thành phần của Hội Phật giáo cứu quốc Thủ Dầu Một có bao nhiêu cao Tăng của Hội Lục Hòa Liên Xã tham gia, mà chỉ cho biết Chủ tịch Hội là Hòa thượng Minh Tịnh, một cao Tăng có uy tín đã thu hút được nhiều thành phần yêu nước trong xã hội thời bấy giờ tham gia vào Hội.

Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở cả nước nói chung và Nam Bộ nói riêng diễn ra ngày một quyết liệt, năm 1947, Chư Tôn túc Phật giáo cứu quốc tại các tỉnh thành Nam Bộ đã tập hợp tại chùa Thiền Kim (tức chùa Ô Môn) xã Mỹ Quý (Đồng Tháp Mười) cùng phối hợp thành lập Ban chấp hành Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ. Hoạt động yêu nước của Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ bị chính quyền thực dân Pháp thẳng tay đàn áp. Trong tình hình đó, tổ chức Phật giáo cứu quốc Nam Bộ chuyển hướng hoạt động. Năm 1949, dưới sự chỉ đạo của Xứ Ủy Nam Kỳ, Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ chuyển sang hoạt động công khai hợp pháp. Hội tuyên bố tự giải tán tổ chức, chỉ để lại đại diện của Phật giáo trong các cấp Mặt trận liên Việt. Một thời gian không lâu sau, tháng 2 năm 1952, các vị lãnh đạo và Chư Tôn đức trong Phật giáo cứu quốc Nam Bộ thấy cần thiết phải thành lập một tổ chức mới đã quy tụ về chùa Long An, số 136 đường Cộng Hòa, Sài Gòn mở hội nghị thành lập Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam. Thời điểm cụ thể là ngày 9 tháng 02 năm 1952. Cũng trong khoảng thời gian này, phong trào đấu tranh của Phật giáo ở nội thành hoạt động mạnh, do yêu cầu kháng chiến, nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn phù hợp với tình hình tham gia hoạt động các phong trào yêu nước, nên Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam đã phát sinh ra hai tổ chức trực thuộc, hoạt động theo tôn chỉ, định hướng của Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam, đó là Hội Lục Hòa Tăng và Hội Lục Hòa Phật tử.

Vào thời điểm Giáo hội Lục Hòa Tăng ra đời, ở Nam Bộ còn có một tổ chức nữa, đó là Giáo hội Tăng già Nam Việt. Nếu Giáo hội Tăng già Nam Việt được xem là tổ chức chấn hưng, phát triển Phật giáo bằng con đường hoằng pháp lợi sinh, đào tạo Tăng tài cho Phật giáo thì Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam là tổ chức yêu nước, dấn thân nhập thế cứu đời.

Sau Hiệp định Giơnevơ, đất nước chia làm hai miền, miền Nam tiếp tục đấu tranh chống xâm lược Mỹ và tay sai. Phát huy truyền thống yêu nước, dấn thân nhập thế cứu đời, Giáo hội Lục Hòa Tăng tiếp tục có những hoạt động chống Mỹ - Diệm, Giáo hội Phật giáo Lục Hòa Tăng tham gia các cuộc đấu tranh chống Mỹ - Diệm ở Sài Gòn, phối hợp đấu tranh với đồng bào Phật tử ở Huế.

Năm 1963, chế độ độc tài Ngô Đình Diệm sụy đổ. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hậu quả trên, trong đó không thể không kể đến vai trò phong trào Phật giáo miền Nam. Một tổ chức Phật giáo mới ra đời - Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, nhằm ngày 20/8 năm 1963 với sự thống nhất của 11 hệ phái. Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất tồn tại trong một thời gian ngắn thì chia rẽ, phân hóa. Một số tổ chức, hệ phái rút khỏi giáo hội. Tổ chức này nhanh chóng suy yếu, không còn khả năng lãnh đạo các phong trào Phật giáo nữa.

Trước tình hình khó khăn với những diễn biến phức tạp, đồng thời để tránh danh xưng Lục Hòa Tăng (một tổ chức Phật giáo yêu nước đã bị chế độ Ngô Đình Diệm theo dõi) nên trong khoảng thời gian từ ngày 2 đến ngày 9/7/1968, dưới sự lãnh đạo của Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, Hòa thượng Huệ Thành và Hòa thượng Bửu Ý, nhị vị hòa thượng đã trực tiếp đứng ra triệu tập chư tôn đức của hai Giáo hội Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật tử về chùa Trường Thạnh số 97, đường Bác Sĩ Yersin, Sài Gòn, tiến hành Đại hội khoáng đại hợp nhất hai tổ chức Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật tử thành Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, như vậy, đầu năm 1969, tổ chức mới chính thức được thành lập”.8

Qua sự trình bày trên có thể đi đến kết luận: Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam được hình thành bởi một số tổ chức tiền thân như: Lục Hòa Liên Xã Lục Hòa Tăng            Lục Hòa Tăng phát sinh hai tổ chức trực thuộc (Lục hòa Tăng và Lục Hòa Phật tử)           Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam (trên cơ sở hợp nhất hai tổ chức Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật tử).

1.2. Hệ thống tổ chức của Lục Hòa Tăng và của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam9

a. Hệ thống tổ chức của Lục Hòa Tăng

Như phần trên đề cập, tiền thân tiên khởi của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam là Lục Hòa Liên Xã (thành lập khoảng thời gian từ 1920 - 1929). Song do hạn chế về tư liệu nên việc tìm hiểu, đưa ra mô hình tổ chức của Lục Hòa Liên Xã hiện vẫn còn bỏ ngỏ. Trong khi đó, tổ chức Lục Hòa Tăng do có Điều lệ nên có thể đề cập đến hệ thống tổ chức của Giáo hội này. Là tổ chức tiền thân của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, nên theo chúng tôi, trước khi trình bày hệ thống tổ chức của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, cần thiết phải trình bày Hệ thống tổ chức của Giáo hội Lục Hòa Tăng.

Giáo hội Lục Hòa Tăng thành lập ngày 09 tháng 02 năm 1952 nhưng mãi đến năm 1957 Giáo hội mới chính thức được Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, công nhận, hợp thức hóa tại Quyết định số 93/BNV/NA/P5. Bộ Nội Vụ ký ngày 01/10/1957, do Hòa thượng Thích Thiện Tòng đại diện xin phép thành lập về việc công nhận Điều lệ của Hội. Bản Điều lệ có tên: Điều lệ Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam (Cổ Sơn Môn). Điều lệ gồm 9 chương 44 điều.

Chương thứ 1: Tên Giáo hội - Mục đích - Hội sở;

Chương thứ hai: Thành phần Giáo hội - Điều kiện vào hội;

Chương thứ ba: Thành phần - nhiệm vụ Ban chấp sự các cấp;

Chương thứ tư: Con dấu;

Chương thứ năm: Tài chánh - chi phí;

Chương thứ sáu: Quyền lợi và nhiệm vụ hội viên;

Chương thứ bảy: Quy luật;

Chương thứ tám: Sử dụng tài sản của Giáo hội;

Chương thứ chín: Thi hành điều lệ.

Về phương diện tổ chức thể hiện ở các điều thuộc các chương sau đây của bản Điều lệ:

Chương 1. Tên Giáo hội - Mục đích - Hội sở.

Điều 1.Tiếp tục theo Giáo hội Phật giáo cổ truyền, với tên là “Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam”.

Điều 3. Văn phòng Trung ương Hội sở Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam đặt tại Sài Gòn hoặc Chợ Lớn. Hiện tại đặt tại chùa Phật Ấn, đại lộ Trần Hưng Đạo, Sài Gòn. Tùy điều kiện hoàn cảnh, có khi phải dời đổi, do đại hội quyết định.

Chương thứ hai: Thành lập Giáo hội - Điều kiện vào Hội

Chương này có 5 điều, từ Điều 4 đến Điều 7 quy định 3 loại Hội viên gồm: Hội viên danh dự; Hội viên Tăng lữ và Hội viên hộ đạo. Theo đó mỗi loại hội viên phải đóng góp tài vật hay tiền là bao nhiêu và được hưởng những quyền lợi gì. Điều 8 quy định điều kiện vào hội gồm tất cả Tăng, Ni, nam nữ cư sĩ đủ 18 tuổi trở lên, đức hạnh tốt, không có án tù, quy y hay xin quy y Tam Bảo trước ngày vào Giáo hội, phải có hai hội viên cũ ký tên vào đơn xin. Phải được Ban chức sự Trung ương hoặc Chi hội của Giáo hội quyết định.

Chương thứ ba: Thành phần - Nhiệm vụ Ban chấp sự các cấp. Đây là chương nhiều điều nhất của Bản Điều lệ, từ Điều 9 đến Điều 29. Căn cứ vào các điều quy định của chương thì cơ cấu của Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam (Cổ Sơn Môn) gồm hai cấp Trung ương và cấp địa phương.

Cấp Trung ương: Ban Chấp sự quản trị Trung ương;

Giáo hội các cấp: Bao gồm một số Ban trực thuộc Ban chấp sự quản trị Trung ương có thể sơ đồ hóa như sau:

 

Cấp địa phương được Bản Điều lệ quy định tại các Điều 26, 27, 28, 29. Theo đó gồm cấp tỉnh (gọi là Tỉnh hội), thôn xã gọi là Chi hội. Người cầm đầu chi hội gọi là Hội chánh, Hội phó.

Cơ quan lãnh đạo Tỉnh hội là Ban chức sự Chi hội Tỉnh, gồm có 02 vị Chứng minh, 02 vị Cố vấn, 01 vị Tăng trưởng, 01 vị Tăng giám, 01 vị Phó Tăng giám, 01 vị Thư ký, 01 vị Phó Thư ký, 01 vị Trưởng Hoằng pháp, 01 vị Thủ bổn, 02 vị Kiểm soát, 02 vị Thông sự.

Cơ quan lãnh đạo Chi hội là Ban chấp sự Chi hội Quận, gồm có 01 vị Chứng minh, 01 vị Cố vấn, 01 vị Tăng giám, 01 vị Phó Tăng giám, 01 vị Thư ký, 01 vị Phó Thư ký, 01 vị Hoằng pháp, 01 vị Kiểm soát, 01 vị Thủ bổn, 01 vị Nghi lễ, 01 vị Thông sự.

Như vậy, về cơ bản, cơ cấu tổ chức cấp địa phương (Tỉnh hội và Chi hội) tương tự như Ban Chấp sự quản trị Trung ương chỉ khác số nhân sự được rút bớt. Cấp địa phương không có các ban như cấp Trung ương. Cấp tỉnh không có ban nghi lễ, trong khi cấp chi hội lại có ban này.

Từ Điều 10 đến Điều 12, Bản Điều lệ dành cho việc quy định quyền hạn, quyền lợi và chức năng, nhiệm vụ của các thành phần, nhân sự thuộc hệ thống tổ chức của Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam (Cổ Sơn Môn). Xin được dẫn một số điều:

Điều 11. Chứng minh: Chứng kiến những cuộc trai đàn trong Giáo hội, giúp ý kiến giải quyết những việc trọng hệ trong Giáo hội khi Ban chấp sự yêu cầu.

Điều 12. Cố vấn tối cao kiêm chức vị Ban Hội đồng Trưởng lão Hòa thượng. Có nhiệm vụ xử đoán các cấp chức sự trong Giáo hội phạm giới, trong khi có sự triệu tập đúng cách,

Điều 13. Vị Đại Tăng trưởng là đầu mối đạo trong Giáo hội, xem xét hoặc bác bỏ những chủ trương sai lầm đạo đức do Ban chấp sự đề ra, có quyền đề nghị Tăng giám (Hội trưởng), triệu tập đại hội bất thường.

Điều 14. Tăng giám (Hội trưởng), có phận sự trông nom công việc của Giáo hội cho được phát triển. Chủ tọa và điều khiển trật tự trong các buổi nhóm của hội, ký tên trong các quyết nghị, các văn kiện của Hội; đại diện của hội trước pháp luật và trong mọi hoạt động của Hội; đảm nhận việc thi hành các quyết nghị của đại hội.

Cơ cấu tổ chức cũng như quyền hạn chức năng của Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam (Cổ Sơn Môn) là khá hoàn chỉnh. Ở đó vừa có sự kế thừa cơ cấu tổ chức của một số tổ chức ra đời trong phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam vừa có sự sáng tạo cho phù hợp với hoạt động Phật sự của Giáo hội.

b. Hệ thống tổ chức của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam

Nếu như hệ thống tổ chức của Giáo hội Lục Hòa Tăng được quy định bởi Điều lệ thì Hệ thống tổ chức của Giáo hội Phật giáo cổ truyền Việt Nam được quy định bởi bản Hiến chương. Bản Hiến chương có tên gọi đầy đủ là: Hiến Chương Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam (Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật tử). Lời Mở Đầu có đoạn “Chúng tôi hai Giáo hội Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật tử Việt Nam nhóm họp tại chùa Trường Thạnh, đường Bác Sĩ Yersin, quận Nhì, Sài Gòn, vào trong những ngày 2/7/1968 đến ngày 9/7/1968.

Sau khi thảo luận và cứu xét tường tận, đồng thanh chấp thuận Bản Hiến Chương sau đây của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam do Hội đồng Chỉ đạo Trung ương được Đại hội chỉ định soạn thảo và đệ trình”.

Tờ bìa của bản Hiến chương, phần cuối cho biết bản Hiến chương “Được chấp thuận do Đại hội đồng thường niên T.Ư, ngày 9/11/1968 tại Văn phòng Viện Tăng Thống và đã được điều chỉnh lại kỳ Đại hội thường niên vào ngày 15, 16 năm Nhâm Tý nhằm 29 - 30 - 3 - 72 chùa Trường Thạnh, số 97, đường Yersin - Sài Gòn”. Như vậy Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam có hai Bản Hiến Chương. Song chúng tôi chỉ có trong tay Bản Hiến Chương được tu chỉnh năm 1972. Đây là bản đánh máy.

Bản Hiến Chương gồm Lời mở đầu, 12 chương, 20 điều

Chương I. Danh hiệu và trụ sở của Giáo hội.

Chương II. Mục đích và tôn chỉ của Giáo hội.

Chương III. Hệ thống tổ chức của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam.

Chương IV. Chương này không ghi đề mục nhưng qua các điều, cho thấy chương này quy định tổ chức địa phương của Giáo hội.

Chương V. Chương này không ghi đề mục nhưng qua nội dung các điều cho thấy đây là chương quy định nhiệm kỳ của tổ chức, của các chức vị trong hệ thống tổ chức Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam.

Chương VI. Đại hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam.

Chương VII. Tăng sĩ Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam.

Chương VIII. Tín đồ Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam.

Chuonwg IX. Tự viện của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam.

Chương X. Tài sản của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam.

Chương XI. Tôn chỉ và hoạt động của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam.

Chương XII. Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam.

Căn cứ vào chương III. Hệ thống tổ chức Giáo hội Phật giáo cổ truyền Việt Nam, Giáo hội có hệ thống tổ chức gồm hai cấp, cấp Trung ương và hệ thống tổ chức địa phương.

Cấp Trung ương: Hội đồng Cố vấn tối cao là tổ chức cao nhất. Tiếp theo là hai viện Tăng thống và Hoằng đạo. Lãnh đạo Viện Tăng thống là Đức Tăng thống và Phó Tăng thống cùng một số chức vị giúp việc. Lãnh đạo Viện Hoằng đạo bởi Viện trưởng và ba vị Phó Viện trưởng cùng một số chức vị giúp việc.

Cấp Trung ương còn có 7 Tổng vụ phụ trách 7 phần việc của Giáo hội như:

1) Tổng vụ Tăng sự: Đặc trách về tự viện và Tăng chúng.

2) Tổng vụ Cư sĩ: Đặc trách về ngành cư sĩ tại gia.

3) Tổng vụ Hoằng pháp: Đặc trách về giáo lý để hoằng truyền chánh pháp.

4) Tổng vụ Giáo dục: Đặc trách về văn hóa, giáo dục.

5) Tổng vụ Tài chính: Đặc trách về công việc dự án ngân sách, chi phí tài chính Viện Tăng thống và Viện Hoằng đạo, mỗi niên khóa.

6) Tổng vụ Xã hội: Đặc trách về ngành từ thiện, cứu tế, xã hội.

7) Tổng vụ Thanh niên: Đặc trách về Thanh thiếu niên Phật tử, sinh viên, học sinh Phật tử.

Ta có sơ đồ: Cấp Trung ương Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam (Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật tử)

 

Về cấp địa phương. Theo bản Hiến chương, cấp địa phương gồm cấp Phần (miền) gồm miền Bắc Trung Phần, miền Nam Trung Phần, Cao nguyên Trung Phần, miền Đông Nam Phần, miền Tây Nam Phần. Về cơ cấu nhân sự, mỗi miền có Ban Đại diện để sách tiến công việc của các Tỉnh hội và Thị hội trực thuộc. Riêng về Thủ đô, Thành hội Sài Gòn trực thuộc Trung ương.

Tiếp theo là cấp Tỉnh, Thị hội. Cơ cấu nhân sự gồm có: Chánh, Phó Tăng trưởng và 7 ủy viên đặc trách từng phần việc cụ thể. Tỉnh và Thị hội có thể thành lập các Ban chức sự quận. Nhân sự gồm: Chánh, Phó Tăng giám và nhiều ủy viên tùy theo nhu cầu.

Quận hội thành lập Phân hội xã, ấp. Nhân sự Ban chấp sự Phân hội xã ấp gồm: Chánh, Phó đại diện hay phân hội trưởng và một số ủy viên tùy theo nhu cầu.

Ta có sơ đồ: Hệ thống tổ chức địa phương Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam (Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật tử).

 

Trong tài liệu mà Hòa thượng Thích Huệ Thông cung cấp cho chúng tôi có tài liệu Bản Nội quy, bản đánh máy của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam (Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật tử). Bản Nội quy được mở đầu như sau: Bản Nội quy này dựa theo Điều lệ của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam. Do Nghị định số 93 B.N.V - đề ngày 01/10/1957 Lục Hòa Tăng Việt Nam.

Xét vì Bản Điều lệ nên các mục lớn không có các chi tiết nhỏ, để tổ chức Phân hội chùa, nên Bản Nội quy này vạch thêm các chi tiết cho thích hợp việc tổ chức Phân hội chùa, được Đại hội thông qua ngày… tháng… năm 1971.

Bản Điều lệ không cấu trúc theo các điều mà theo nội dung. Bao gồm 11 nội dung theo số La mã.

I) Tôn chỉ và mục đích

II) Phương pháp lập Phân hội

III) Thành phần Ban Quản trị Phân hội

IV) Nhiệm vụ của Ban Quản trị

V) Nhiệm kỳ Ban Quản trị

VI) Điều kiện vào Hội

VII) Nhiệm vụ hội viên

IX) Tài chính và sử dụng

X) Điều luật của Hội

XI) Sửa đổi Bản Nội quy.

Có thể xem mỗi phần nội dung như một điều. Một số nội dung (Điều) có thêm một số khoản quy định chi tiết. Nội dung hay Điều thứ 3 của Bản Nội quy, quy định thành phần Ban Quản trị Phân hội, gồm:

1) Hội trưởng

2) Phó Hội trưởng

3) Phó Hội trưởng

4) Thư ký

5) Thủ quỹ

6) Hoằng pháp

7) Thông sự.

Tiếp theo là quy định nhiệm vụ của Ban Quản trị - phần nội dung/Điều thứ IV.

Bản Nội quy được thông qua năm 1971. Trong khi đó Bản Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam (Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật tử) được thông qua ngày 30/3/1972. Trong Bản Hiến chương (1972) không thấy ghi thành phần Ban Quản trị Phân hội đã được Bản Nội quy quy định mà chúng tôi đề cập ở phần trên. Do vậy, không rõ Giáo hội Phật giáo Cổ truyền có thực hiện Bản Điều lệ này hay không. Rất mong các học giả, các Tăng, Ni và bạn đọc nếu có tư liệu xin được bổ sung.

Liên quan đến hệ thống tổ chức của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, được quy định trong Bản Hiến chương theo chúng tôi, cần thiết đề cập đến một số chương sau:

Chương VII. Tăng sĩ Phật giáo Cổ truyền Việt Nam. Chương này có một điều - Điều 12. Tăng sĩ gồm có Ni chúng bộ, phải có độ, điệp, thọ Sa di giới, học xong phần luật Si di và muốn thọ Tỳ kheo giới phải học qua chương trình giáo lý cấp Trung đẳng. Quy chế các giới đàn phải được Tổng vụ Tăng sự soạn thảo và đệ trình Viện Tăng thống duyệt y. Một quy chế tự, Viện Tăng sự cũng sẽ được Tổng vụ soạn thảo và đệ trình Viện Tăng thống duyệt y ban hành.

Chương VIII. Tín đồ Phật giáo Cổ truyền Việt Nam. Chương này có một điều - Điều 13. Không phân biệt giai cấp, nghề nghiệp và tuổi tác, nam cũng như nữ đã quy y Tam Bảo, và sống theo đức tin cổ truyền đó, thì được nhận là tín đồ của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam. Một quy chế về Thiện tín sẽ được soạn thảo bởi Tổng vụ Cư sĩ và đệ trình Viện Hoằng đạo duyệt y ban hành.

Chương IX. Tự viện của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam. Chương nay có một điều. Điều 14. Được kể là tự, viện, Viện Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, gồm những ngôi chùa Sắc tứ, chùa Tổ đình, chùa làng, chùa tư nhân tự lập, thờ phụng cúng kiến theo quy chế Phật giáo cổ truyền. Tất cả tài sản của mỗi tự, viện hoàn toàn tự trị. Giáo hội chỉ với tư cách chứng minh và giám hộ mà thôi.

Điều 18, chương XII. Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, theo thiết nghĩ của chúng tôi nên đề cập ở phần nội dung Hệ thống tổ chức. Toàn văn điều này như sau: Cờ và huy hiệu của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam dùng cờ của Phật giáo thế giới. Huy hiệu của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam là pháp luân 6 kiến (biểu hiện của lục độ hay lục hòa).

Một cách tổng quát, hệ thống tổ chức của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam trên cơ sở kế thừa mô hình hệ thống tổ chức của các tổ chức Phật giáo Việt Nam ra đời trong phong trào chấn hưng Phật giáo, kế thừa hệ thống tổ chức của Giáo hội Việt Nam thống nhất, trong đó còn là kế thừa mô hình tổ chức Giáo hội Lục Hòa Tăng nên tương đối hoàn bị. Có thể xem đây là một trong những mô hình tổ chức giáo hội khá tiêu biểu. Do vậy có thể xem mô hình tổ chức giáo hội của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam là một trong những mô hình đặt nền tảng cho mô hình tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam (1981) sau này.

2. Đường hướng hành đạo của Giáo hội Phật giáo cổ truyền Việt Nam

Trong khuôn khổ bài viết, đường hướng hành đạo của GHPGCTVN được chúng tôi tiếp cận chủ yếu qua Bản Hiến chương và Bản Quy chế của Giáo hội.

Lời mở đầu, bản Hiến chương đề ra mục đích tổng quát của Giáo hội với mục đích phụng sự Phật pháp, duy trì hữu hiệu nền Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, chấp hành nghiêm chỉnh quy chế tòng lâm của Tổ Tổ tương truyền, và đem lý tưởng đạo đức thuần túy để cống hiến vào sự nghiệp xây dựng một nền hạnh phúc: Chân, Thiện, Mỹ; phục vụ nhân loại và dân tộc Việt Nam; đó là lập trường và đường lối duy nhất của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam với chủ trương hòa hợp, lấy tình đoàn kết, tương thân, tương trợ, đối nội cũng như đối ngoại, để phát huy tinh thần đạo đức cổ truyền.

Trong khi đó Bản Nội quy (1971) xác định rõ tôn chỉ vì mục đích của Giáo hội ở phần nội dung (Điều) I.

Tôn chỉ của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam là liên kết tất cả Tăng, Ni, thiện tín trong tứ chúng, những người đã chí tâm ngưỡng mộ đạo Phật, không phân biệt sang hèn, giai cấp, cùng nhau hành đạo đúng tôn chỉ từ bi của Đức Phật.

Mục đích Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam là hòa hợp Tăng đồ và tín đồ để phục vụ Phật giáo và nhơn sanh, nâng cao sự tín ngưỡng đúng theo chơn lý Phật là: Bài mê, mở ngộ, tự độ và tự tha.

Thực hành xã hội từ thiện, đầu tiên giúp đỡ lẫn nhau trong bổn hội, tương thân, tương trợ tinh thần lẫn vật chất, sự tu học cũng như khi đau ốm, hoạn nạn.

Cũng trên tinh thần hòa hợp Tăng chúng, gắn đạo với đời, ngày 21/11/1972, Viện trưởng Viện Hoằng đạo, Hòa thượng Thích Thiện Thuận ban hành Chỉ thị gửi, Ban Đại diện Miền - Tỉnh, Thị xã, Quận, chi phân hội trong toàn quốc, yêu cầu thực hiện 4 điểm. Đáng chú ý là Điểm 1 và Điểm 3 với nội dung toàn văn như sau.

1) Các cấp lãnh đạo trong địa phương nên thường xuyên khuyến khích ân cần nhắc nhở chư Tăng, Ni và Phật tử giữ đúng cương vị của mình để trau dồi đạo hạnh và luôn theo sát sự hướng dẫn của cấp lãnh đạo Trung ương, để tránh việc xuyên tạc sai lầm, của kẻ thù đầy tham vọng, nặng mùi tư lợi quyền danh.

2) Tích cực xây dựng tình thương đoàn kết đối nội cũng như đối ngoại trên tinh thần tương thân, tương ái giúp đỡ nhau dù gặp thuận cảnh không hớn hở vui mừng, nghịch cảnh không sờn lòng thối chí. Được vậy ta mới xóa bỏ được hận thù truyền kiếp vô biên và xây dựng tình thương trường miên vô tận hầu hàn gắn lại những gì xứ sở đã tan nát từ lâu.

Nguồn tài liệu gốc mà Hòa thượng Thích Huệ thông gửi cho chúng tôi còn có hai tài liệu: Tài liệu thứ nhất: Ba điểm tuyên ngôn của Giáo hội Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật tử Việt Nam đề ngày mùng 9 tháng 11 năm Mậu Thân (28/12/1968). Bản tuyên ngôn như tựa đề gồm ba điểm tỏ rõ lập trường và thái độ cũng như hành động của Giáo hội Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật tử Việt Nam đối với đạo pháp và với một số vấn đề xã hội hiện thời.

Tài liệu thứ hai: Đạo từ của Đức Tăng thống Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam. Bản Đạo từ không đề ngày tháng năm, nhưng cho biết, Đạo từ được Đức Tăng thống “ban” trong ngày họp “Đại hội đồng của bổn Giáo hội”. Bản đạo từ có độ dài chưa đầy 02 trang đánh máy. Nội dung sau khi nêu toát yếu “Quá trình lịch sử dân tộc đi đôi với quá trình lịch sử của Đạo pháp trên đà tiến bộ và bảo tồn quốc thổ”, Đạo từ chỉ rõ: “Nhìn về quá khức, xem đến hiện tại, xét cả tương lai, thì chúng ta mới thấy trọng trách của mình, đối với đạo pháp và xã hội vô cùng hệ trọng. Một hành động, một ngữ ngôn không thể khinh xuất được…. Nói thế không có nghĩa là hành động một cách tiêu cực và tắc trách. Trái lại phải tích cực phát huy khi thế của hạnh lành Bồ tát, lấy “Tứ vô lượng tâm” Từ, Bi, Hỷ, Xả làm “chỉ nam” có vậy mới không phụ hoài bão cao cả của tiền nhơn mới xứng đáng hàng Phật tử chơn chính”.

Để thực hiện đường hướng gắn đạo với đời, với tinh thần nhập thế, Bản Hiến chương, phần Hệ thống tổ chức cho thấy, Giáo hội có một tổ chức Tổng vụ xã hội (Chánh Tăng sĩ, Phó cư sĩ) đặc trách ngành từ thiện, cứu tế xã hội. Cơ cấu của Tổng vụ Xã hội gồm:

a) Đặc ủy: Ký nhi viện, cô nhi viện, chẩn y viện.

b) Đặc ủy: Cứu tế xã hội.

c) Đặc ủy: Nghĩa trang Phật tử.

Tồn tại và phát triển trong chế độ Việt Nam Cộng Hoà, hoạt động Phật sự cũng như hoạt động xã hội của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam luôn chịu sự kiểm soát gắt gao. Trên thực tế Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam ngay từ tổ chức tiền thân như Lục Hòa Liên Xã, Giáo hội Lục hòa Tăng và Lục Hòa Phật tử đã có nhiều cao Tăng, thạc đức cũng như Phật tử tham gia vào cuộc kháng chống thực dân Pháp và sau này là kháng chiến chống Mỹ giành độc lập dân tộc (cuốn Lược sử Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam của Hòa thượng Thích Huệ Thông) đã ghi nhận điều này. Nối tiếp truyền thống, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam sau khi gia nhập vào ngôi nhà Giáo họi Phật giáo Việt Nam (1981) tiếp tục xuất hiện nhưng cao Tăng, thạc đức gắn bó đồng hành cùng dân tộc.

Kết luận

Sau ngày miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, trên tinh thần “Lục hòa cộng trụ”, tháng 8/1975, Chư Tôn Đức trong Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam đứng ra thành lập Ban Liên lạc yêu nước Thành phố Hồ Chí Minh làm tiền đề cho việc thống nhất Phật giáo sau này. Trong thành phần của Ban có một số tôn túc của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam. Đáng kể là vai trò của Hòa thượng Bửu Ý.

Trong số 9 hệ phái, tổ chức vân tập về chùa Quán Sứ, Thủ đô Hà Nội, thành lập Giáo hội Việt Nam (tháng 11/1981), có tổ chức Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam.

Tại đại hội lịch sử này có nhiều vị cao Tăng tiêu biểu của hệ phái Lục hòa tăng Việt Nam suy cử vào các chức vị quan trọng của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Sự tín nhiệm của Đại hội đã khẳng định vai trò, vị trí của GHPGCTVN trong quá trình cống hiến cho Đạo pháp và Dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử từ năm 1920 đến thời đại Hồ Chí Minh lịch sử ngày nay”.

Hà Nội, tháng 3 năm 2020

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Thích Huệ Thông (2019), Lược sử Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, Nxb Văn hóa, văn nghệ, TP. HCM.

2. PGS.TS. Trần Hồng Liên (chủ nhiệm, 2011), đề tài nghiên cứu khoa học: Phật giáo ở Bình Dương lịchsử và hiện trạng, bản vi tính.

3. Vân Thanh (1974), Lược khảo Phật giáo sử Việt Nam và phát nguồn các giáo phái Phật giáo hiện đại, Sài Gòn.

4. Nguyễn Lang (2012), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb Phương Đông, Hà Nội.

5. Mật Thể (1996), Việt Nam Phật giáo sử lược, Tỉnh hội Phật giáo Thừa Thiên Huế, Nxb Thuận Hóa, Huế.

 


1. Thích Huệ Thông: Lược sử Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, Nxb Văn hóa văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, 2019, tr 79-80.

2. Nguyễn Lang: Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb Phương Đông, 2012, tr 560.

3. Thích Huệ Thông: Lược sử Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, đd, tr 83.

4. Xem Thích Huệ Thông: Lược sử Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, đd từ trang 71 đến trang 111.

5. Đề tài nghiên cứu khoa học: Phật giáo ở Bình Dương: Lịch sử và hiện trạng, Chủ nhiệm đề tài: PGS.TS. Trần Hồng Liên, bản vi tính, tr 77.

6. Thích Huệ Thông: Lược sử Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, đd, tr 107.

7. Thích Huệ Thông: Lược sử Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, đd, tr 98.

8. Thích Huệ Thông: Lược sử Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, đd, tr 131.

9. Viết phần này chúng tôi dựa vào nguồn tài liệu của Hòa thượng Thích Huệ Thông, Phó Tổng Thư ký HĐTS kiêm Chánh VP2 TƯ Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Nguồn tài liệu gồm:

- 1. Điều lệ Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam (Cổ Sơn Môn). Hội sở, chùa Phật Ấn, Đại lộ Trần Hưng Đạo Sài gòn, 1957.

- 2. Phật giáo cổ truyền Việt Nam – Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật tử - Bản Nội quy, năm 1972.

- 3. Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam – Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật tử, Viện Hoằng đạo: Chỉ thị - Phật lịch 2535, ngày 21 tháng 11 năm 1972.

- 4. Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam (Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật tử) Hiến chương (30 - 3 - 1972).

- 5. Đạo từ của Đức Tăng thống Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam.

- 6. Ba điểm tuyên ngôn của Giáo hội Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật tử Việt Nam.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 12
    • Số lượt truy cập : 6115112