Thông tin

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO CỔ TRUYỀN VIỆT NAM

NHÂN VẬT LỊCH SỬ TIÊU BIỂU VÀ SỰ KIỆN NỔI BẬT

 

Hòa thượng THÍCH GIÁC LIÊM
Ủy viên Thường trực HĐTS,
Phó Chánh VP2 TWGH
Phó Thường trực Ban Nghi lễ Trung ương

 

Hệ phái Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng Việt Nam là tổ chức Phật giáo giàu lòng yêu nước, có quá trình đồng hành gắn bó sắt son với dân tộc, ngay từ giai đoạn đầu hình thành cho đến các thời kỳ sau này, hệ phái Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng Việt Nam đã xuất hiện nhiều bậc lãnh đạo tài năng xuất chúng, các ngài đều là bậc thạch trụ tòng lâm, chèo lái con thuyền Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng Việt Nam vượt qua mọi thử thách, hoàn thành xuất sắc vai trò hoằng dương Chánh pháp và hộ quốc an dân trong một thời kỳ đất nước bị chia cắt, chiến tranh ly loạn.

Trước tiên, chúng tôi không thể không nói đến vai trò và vị thế của Hòa thượng Chơn Thanh - Từ Văn (1877-1931) đối với Phật giáo Nam bộ, bậc danh Tăng sáng lập Hội Lục Hòa Liên Xã (năm 1922) ngài đã đào tạo nên một thế hệ kế thừa xuất chúng mà đa phần sau này đều là nguồn nhân sự nòng cốt của Phật giáo cứu quốc Nam bộ và của các tổ chức Phật giáo cứu quốc ở các tỉnh thành Nam Bộ (tổ chức tiền thân của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng Việt Nam).

1. Hòa thượng Chơn Thanh-Từ Văn (1877 – 1931) – Bậc danh Tăng sáng lập Hội Lục Hòa Liên Xã (năm 1922)

1.1 Tiểu sử

Hòa thượng Chơn Thanh-Từ Văn, thế danh Nguyễn Văn Tầm, sanh năm Đinh Sửu (1877) tại làng Phú Cường, tỉnh Thủ Dầu Một, thân phụ và thân mẫu đều là Phật tử tại gia quy y Tam bảo, ngài xuất gia với Đại lão Hòa thượng Ấn Long - Thiện Quới vào năm 1887 tại Tổ đình chùa Hội Khánh. Năm 1906, Hòa thượng Ấn Long-Thiện Quới viên tịch, ngài được chư sơn thiền đức cùng môn đồ pháp quyến Tổ đình Hội Khánh cung thỉnh ngài đảm nhiệm chức vụ trụ trì.

Năm 1909, ngài được cung thỉnh chứng minh trùng tu tháp Tổ Nguyên Thiều nơi chùa Kim Cang (Biên Hòa), năm 1912, ngài được quý Hòa thượng miền Tây Nam bộ cung thỉnh làm Pháp sư tại Trường hương chùa Tam Bảo, Rạch Giá. Năm Nhâm Tuất (1922) làm chủ kỳ thi tại Trường hương chùa Giác Lâm – Gia Định, năm Giáp Tý (1924) là Pháp sư chùa Chúc Thọ, Giới đàn chùa Giác Thiên.

Hòa thượng Từ Văn xả báo thân an nhiên viên tịch vào lúc 11 giờ ngày 26 tháng 11 năm Tân Mùi (1931). Môn đồ tứ chúng trọng thể tổ chức Tang lễ và xây tháp tôn thờ trong khuôn viên Tổ đình chùa Hội Khánh. Niềm tôn kính của chư sơn thiền đức và tứ chúng đã được thể hiện rõ nét qua câu đối: “Đinh Sửu hạ long thần nhập đạo siêu nhân duy học tử/ Tân Mùi đông thị tịch quy không tùy Phật chứng vô sanh” (Câu đối hiện được khắc trên bảo tháp tôn thờ ngài).

1.2 Các sự kiện nổi bật

Năm 1920, tại Thủ Dầu Một nổ ra cuộc đấu tranh của đồng bào yêu cầu nhà cầm quyền Pháp phải có chính sách đối với những gia đình có con đi lính thuê cho Pháp, đáp lại nhà cầm quyền Pháp mượn uy tín và cậy nhờ Hòa thượng Từ Văn sang Pháp làm Sám chủ lễ cầu siêu tại thành phố Marseille (Pháp), dịp này Hòa thượng đã chỉ đạo nhóm thợ thủ công ở Thủ Dầu Một mang mô hình chùa Hội Khánh và một số tượng Phật của chùa sang Marseille để triển lãm. Khi sang Pháp, có một nhà chức trách Pháp hỏi ngài: “Hòa thượng sang đây với ai?” Ngài liền trả lời: “Tôi sang đây cùng với vợ con tôi”. Người đó hỏi: “Hòa thượng có vợ con sao?” Hòa thượng trả lời: “Vợ tôi là Kim cang và con tôi là Bồ đề” (Kim Cang thê - Bồ Đề tử), ngài dụng ý muốn nói cho người đó biết là người tu phải có lòng từ bi và trí tuệ. Sau khi từ Pháp về, nhà cầm quyền Pháp đã phong ngài chức vụ Tăng thống của Phật giáo Nam Kỳ thời bấy giờ1; từ đây ngài đóng một vai trò chủ đạo trong giới Phật giáo Nam Kỳ, nhà chức trách cũng như Tăng sĩ tín đồ đạo Phật đều gọi ngài là Hòa thượng Cả2.

Năm 1922, Hòa thượng Từ Văn lúc này làm Chánh chủ kỳ Trường hương chùa Giác Lâm đã cùng quý Hòa thượng tại Trường hương đứng ra thành lập Hội Lục Hòa Liên Xã, một tổ chức của Phật giáo tiên phong trong phong trào chấn hưng Phật giáo, truyền bá tư tưởng yêu nước tại Nam Bộ.

Trong số báo Phật Hóa Tân Thanh Niên có tường thuật lại một buổi hội nghị tại chùa Linh Sơn (tác giả Huệ Thanh) liên quan đến vị trí và vai trò đứng đầu Phật giáo Nam Bộ của Hòa thượng Từ Văn, nội dung bài báo nói về hoạt động của Phật giáo ở Nam Kỳ, đặc biệt liên quan đến Lục Hòa Liên Xã và Hòa thượng Từ Văn trụ trì chùa Hội Khánh. Tiếp theo, Sư Thiện Chiếu mời lãnh đạo Lục Hòa Liên Xã có đôi lời góp ý. Khi đó, Hòa thượng Từ Văn thay mặt quý Hòa thượng, trả lời vắn tắt: “Các ngài có nhiệt tâm như thế, chúng tôi rất lấy làm hoan hỷ, nhưng các ngài cứ lo tiến hành, còn phần chúng tôi thì xin để cho chúng tôi suy nghĩ lại”.

Năm 1923, nhà sĩ phu yêu nước Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh của Hồ Chủ Tịch) và cụ Tú-Phan Đình Viện, nhà Cách mạng yêu nước, đã đến Tổ đình Hội Khánh gặp ngài. Do cùng chung lý tưởng yêu nước, bảo vệ dân tộc nên ba vị đã thành lập “Hội Danh dự yêu nước” tại chùa Hội Khánh.

Năm 1930, ngài đứng ra tổ chức khắc bản in kinh ấn tống cho khắp các chùa vùng Đông và Tây Nam Bộ. Bút tích của Hòa thượng Từ Văn vẫn còn lưu lại tại nhiều chùa ở TP. Hồ Chí Minh hiện nay như: chùa Giác Lâm, Giác Viên, Sắc Tứ Từ Ân, Trường Thạnh…ngài đào tạo nhiều thế hệ Tăng sĩ nổi danh trong đó có Hòa thượng Từ Tâm, Hòa thượng Thiện Tòng, Hòa thượng Thiện Hương, Hòa thượng Mỹ Định…

2. Hòa thượng Thích Minh Nguyệt, bí danh Tam Không (1907-1985) - Chủ tịch Hội Phật giáo cứu quốc Nam bộ

2.1 Tiểu sử

Hòa thượng Thích Minh Nguyệt, thế danh là Lý Duy Kim, sanh ngày 19/12/1907, tại xã Tân An tỉnh Thủ Dầu Một (nay là Bình Dương).

Năm 13 tuổi, ngài xuất gia với Tổ Huệ Đăng tại chùa Thiên Thai (tỉnh Bà Rịa), năm Mậu Dần (1938), ngài nhiều lần đến chùa Phật Bổn (Cần Thơ), chùa Bửu Long (Mỹ Tho), chùa Long An (Sài gòn), chùa Vĩnh Tràng (Tiền Giang), chùa Ô Môi (Đồng Tháp) thuyết giảng về tinh thần yêu nước cho Tăng Ni, Phật tử… Năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công, ngài tham gia hoạt động bí mật (bí danh Tam Không) tổ chức gây dựng cơ sở cách mạng trong lòng địch; năm 1954, sau Hiệp định Genève, ngài ở lại miền Nam hoạt động, vận động nhiều tự viện làm cơ sở che giấu cán bộ cách mạng ngay trong vùng bị địch kiểm soát. Ngài xuất bản Nguyệt san Tinh Tấn vào năm 1947 tại chiến khu Đồng Tháp Mười và tập san Tổ Quốc vào năm 1956. Ngày 6/4/1960, ngài bị bắt đày ra Côn Đảo với mức án 20 năm tù khổ sai, năm 1974, Hiệp định Paris ký kết, ngài được trao trả về vùng giải phóng Lộc Ninh, ngay sau đó ngài đã liên lạc với các vị Giáo phẩm các tỉnh phía Nam chuẩn bị lực lượng Phật giáo nổi dậy trong chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam, Việt Nam.

Năm 1975, ngài đảm đương các chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ nhiệm báo Giác Ngộ, Ngài cùng với Hòa thượng Trí Thủ, Hòa thượng Minh Châu... tham dự Hội nghị tôn giáo thế giới tổ chức tại Mạc Tư Khoa (Liên Xô) và Hội nghị tổ chức Phật tử châu Á vì hòa bình tại Mông Cổ. Ngài được tặng nhiều Huân chương hữu nghị… Năm 1981, Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc tổ chức tại Hà Nội, thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ngài được suy tôn ngôi vị Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh. Ngày 28 tháng Chạp năm Giáp Tý 1984, ngài viên tịch tại chùa Long Hoa (quận 10, TP.HCM) thọ 77 tuổi đời, 57 hạ lạp, sự ra đi của ngài đã để lại trong lòng mọi người sự tiếc thương ngưỡng mộ một bậc danh Tăng nhập thế giàu lòng yêu nước.

2.2 Các sự kiện nổi bật

Năm 1947 (Đinh Hợi) ngài đã cùng chư Tôn đức lãnh đạo Phật giáo cứu quốc các tỉnh, thành Nam Bộ, tập hợp về chùa Thiền Kim (chùa Ô Môi) xã Mỹ Quý (Đồng Tháp Mười) thành lập Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ, ngài được bầu làm Hội trưởng Phật giáo cứu quốc Nam Bộ3… Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ xuất bản tờ Tinh Tấn, ngài làm Chủ nhiệm, tờ Tinh Tấn rất nổi tiếng trong phong trào chống Pháp, đây là cơ quan ngôn luận của Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ.

Ngài là bậc Tôn túc cố vấn tối cao trong quá trình hình thành tổ chức Phật giáo Lục Hòa Tăng Việt Nam thời sơ khởi. Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đặt tên một con đường mang tên Thích Minh Nguyệt tại phường 2 quận Tân Bình, điều này minh chứng sự ghi nhận của Nhà nước đối với một công dân ưu tú, một Tăng sĩ Phật giáo đã có nhiều đóng góp xứng đáng cho đạo pháp, dân tộc.

3. Hòa thượng Thích Thiện Tòng (1891 – 1964) Đại Tăng trưởng Giáo hội Phật giáo Lục Hòa Tăng Việt Nam

3.1 Tiểu sử

Hòa thượng Thích Thiện Tòng, thế danh Nguyễn Văn Thung, sinh năm Tân Mão (1891) tại thôn Tân Long (nay là xã Tân Bình, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) thân phụ là cụ ông Nguyễn Văn Nhựt và thân mẫu là cụ bà Võ Thị Ngọt.

Năm 12 tuổi, ngài quy y xuất gia với Hòa thượng Phước Chí (húy là Tâm Ba) tại chùa Khánh Quới, được Bổn sư đặt Pháp danh là Thiện Tòng. Năm Quý Sửu (1913), ngài An cư tại Trường hương chùa Sắc Tứ Tam Bảo (Rạch Giá), khi đó, Hòa thượng Từ Văn (chùa Hội Khánh) làm Pháp sư, tại đây ngài được Hòa thượng Từ Văn quan tâm dạy dỗ và bảo ngài về chùa Hội Khánh làm thị giả. Trên đường tu học, ngài gặp được Hòa thượng Chí Thiền (chùa Phi Lai, Châu Đốc), ngài đã cầu pháp và được Hòa thượng Chí Thiền ban Pháp hiệu Phổ Quảng, nối pháp đời thứ 40 dòng Thiền Lâm Tế Gia Phổ.

Năm Bính Dần (1926) Hòa thượng Từ Văn tiến cử ngài về làm trụ trì chùa Trường Thạnh gần Chợ Mới, ngài đã biến chùa Trường Thạnh thành một tòng lâm quy tụ Tăng tài. Ngày 03 tháng 03 năm Giáp Thìn (ngày 24/4/1964), sau khi để lại lời di chúc, ngài an nhiên viên tịch, thọ 74 tuổi đời, 50 tuổi đạo, bảo tháp của ngài được tôn trí trong khuôn viên chùa Giác Viên.

3.2 Các sự kiện nổi bật

Tháng 2/1952, Hòa thượng Thiện Tòng cùng các vị lãnh đạo Phật giáo cứu quốc Nam bộ quy tập về chùa Long An (chùa này do Hòa thượng Pháp Nhạc làm trụ trì), số 136 đường Cộng Hòa (Sài Gòn) thành lập Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam, Đại hội đã bầu ngài làm Đại Tăng trưởng.

Hòa thượng Thích Thiện Tòng là nhân vật tiêu biểu đầu tiên của Trung ương Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam có tên trong Bản Điều Lệ của Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam ở Điều 44 trong Chương Chín4.

Năm 1961, với tư cách nguyên là Đại Tăng trưởng Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam, khi được biết sư Trí Hưng bị chính quyền Diệm mua chuộc sẽ tiến hành tổ chức Đại hội thành lập Giáo hội Cổ Sơn Môn nhằm thực hiện âm mưu của Diệm phá hoại các phong trào đấu tranh yêu nước, ngài đã cho nhắc nhở Hòa thượng Bửu Ý hãy tìm cách né tránh và Hòa thượng Bửu Ý thực hiện thành công điều này.

Năm 1963, sư Trí Hưng tổ chức thành lập Giáo hội Cổ Sơn Môn và Tổng hội Phật giáo Cổ Sơn Môn, với tư cách là bậc tiền bối từng lãnh đạo trong hệ phái Lục Hòa Tăng Việt Nam, ngài bàn với Hòa thượng Thích Huệ Thành, nhanh chóng thông tin đầy đủ về bản chất của Tổng hội Phật giáo Cổ Sơn Môn do Diệm dựng lên nhằm mục đích chính trị cho Tăng Ni Phật tử nắm rõ… Điều này nói lên trí tuệ của Hòa thượng Thích Thiện Tòng, cũng như của các bậc tiền bối trong hệ phái Lục Hòa Tăng Việt Nam.

4. Hòa thượng Thích Thành Đạo (1906-1977) Tăng giám (Hội trưởng) Lục Hòa Tăng, Tổng Vụ trưởng Tổng Vụ Hoằng pháp Viện Hoằng đạo Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng Việt Nam

4.1 Tiểu sử

Hòa thượng Thành Đạo thế danh Trần Văn Đước, sanh năm Bính Ngọ (1906) tại Bến Tre, là trưởng nam của cụ ông Trần Văn Núi và cụ bà Đặng Thị Phiến.

Năm Ất Mão (1915) ngài xuất gia với Hòa thượng Chí Thiền, trụ trì chùa Sắc Tứ Linh Thứu (Mỹ Tho) được Bổn sư đặt Pháp danh Bổn Đức (theo dòng kệ Tứ Thắng Bích Dung). Năm Quý Hợi (1923) Hòa thượng Bổn sư viên tịch, ngài đảnh lễ thọ giáo với Hòa thượng Khánh Hòa (chùa Tuyên Linh, Mỏ Cày) được Hòa thượng tiếp nhận đặt cho Pháp danh Hồng Huệ, Pháp hiệu Thành Đạo.

Năm Bính Dần (1926) ngài thọ Tỳ kheo Giới tại giới đàn chùa Tân Long (Cao Lãnh) do Hòa thượng Từ Văn làm Đường đầu Hòa thượng, sau đó Hòa thượng Từ Văn giới thiệu ngài nhập hạ tại chùa Sắc Tứ Tam Bảo (Rạch Giá) do Hòa thượng Trí Thiền Chủ hương, tại đây ngài được cử về làm trụ trì chùa Bửu Thạnh (Mỹ Tho). Năm 1947, ngài lên Sài Gòn khai sơn chùa Phật Ấn (số 539 đường Trần Hưng Đạo, quận nhất). Hòa thượng Thành Đạo xả báo thân giả huyễn vào ngày 16 tháng 11 năm Đinh Tỵ (tức ngày 26/12/1977) thọ 71 tuổi đời, 51 tuổi đạo. Môn đồ tứ chúng tổ chức tang lễ trọng thể và xây tháp tôn thờ trong khuôn viên Tổ đình chùa Giác Lâm.

4.2 Các sự kiện nổi bật

Ngày 23/11/1940, chùa Linh Thứu tham gia cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, ngài bị mật thám Pháp bắt giam tại khám lớn 4 năm, năm 1945 Cách mạng tháng tám thành công ngài mới được trả tự do.

Năm 1952, ngài được bầu làm Tăng giám kiêm Phó Ban hoằng pháp Lục Hòa Tăng tại Đại hội thành lập Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam. Ngài là hàng Giáo phẩm tiền bối thời kỳ đầu của hệ phái Phật giáo Lục Hòa Tăng, trong Bản Điều Lệ của Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam, Chương Chín, Điều 44, trang 145, ghi: “Tăng giám (Hội trưởng) ông Trần Văn Đước, Hòa thượng trụ trì chùa Phật Ấn, đại lộ Trần Hưng Đạo – Sài Gòn”.

Năm 1969 (Kỷ Dậu) Đại hội thành lập Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, ngài được suy cử làm Tổng Vụ trưởng Vụ Hoằng pháp Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam. Hòa thượng Thành Đạo là bậc cao Tăng thạc đức giàu lòng yêu nước, có công rất lớn trong việc góp phần xây dựng và định hướng cho sự phát triển của Giáo hội Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật tử thời kỳ đầu, và cùng Chư Tôn đức tiền bối trong hệ phái tiếp tục đóng góp công sức trí tuệ cho hoạt động hoằng pháp lợi sanh của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam.

5. Hòa thượng Thích Huệ Thành (1912- 2001) Tăng trưởng Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam

5.1 Tiểu sử

Hòa thượng Thích Huệ Thành, thế danh Nguyễn Toàn Trung, sinh năm Nhâm Tý (1912) tại xã Phú Hữu, huyện Thủ Ðức, tỉnh Gia Ðịnh (nay là Thành phố Hồ Chí Minh). Thân sinh là cụ ông Nguyễn Văn Dạo, Pháp danh Huệ Ðịnh, một nhà Nho yêu nước, tham gia phong trào Duy Tân và lãnh đạo phong trào Thiên Ðịa Hội, thân mẫu là cụ bà Phạm Thị Ðồng, Pháp danh Diệu Từ. Năm 12 tuổi, ngài xuất gia với Tổ Pháp Ấn-Như Quới tại Tổ đình Phước Tường (Thủ Ðức) được ban Pháp danh Hồng Tín, tự Bửu Thành, hiệu Huệ Thành.

Năm 1931, ngài thọ giới Sa-di tại chùa Huê Nghiêm (Thủ Ðức); năm 1934, ngài thọ Đại giới tại Giới đàn chùa Phước Thạnh (Tây Ninh), ngày Rằm tháng 7/1942, ngài được Tổ Pháp Ấn-Như Quới cử về trụ trì chùa Long Thiền (Biên Hòa); sau khi Tổ Pháp Ấn-Như Quới viên tịch, ngài cầu pháp với Tổ Ðạt Thanh-Như Thông (Pháp chủ Tăng già miền Nam Việt Nam), từ đây ngài trở thành Trưởng tử được phú pháp của Tổ Ðạt Thanh-Như Thông, thuộc đời thứ 40 dòng Lâm Tế Gia Phổ. Trải qua hơn 60 năm tu học, hành đạo, hoằng pháp lợi sanh, đóng góp vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, do tuổi cao sức yếu, ngài thuận thế vô thường viên tịch vào lúc 19 giờ ngày 24 tháng 4 (nhuần) năm Tân Tỵ, trụ thế 90 năm, hạ lạp 70 năm.

5.2 Các sự kiện nổi bật

Ngày 6/9/1945, ngài được cử làm Hội trưởng Hội Phật giáo cứu quốc tỉnh Biên Hòa kiêm Ủy viên Ủy ban Mặt trận Việt Minh tỉnh Biên Hòa, trụ sở Phật giáo cứu quốc đặt tại chùa Long Thiền.

Năm 1947, ngài được bầu làm Đệ nhất Phó Hội trưởng kiêm Ủy viên Liên Việt Nam tại Đại hội thành lập Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ, sau đó ngài đã vận động Tăng Ni, Phật tử ủng hộ kháng chiến, tham gia bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, hưởng ứng “Tuần lễ vàng” và “Tuần lễ kim khí”.

Năm 1954, ngài trở thành thành viên của tổ chức Trí vận và Tôn giáo vận (phụ trách Phật giáo) tại Sài Gòn-Gia Ðịnh và miền Ðông Nam Bộ.

Năm 1955, ngài phát lời hiệu triệu lệnh đình công bãi thị đòi Chính phủ Pháp thực thi Hiệp định Genève.

Trong Bản Hiến Chương Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam (Lục Hòa Tăng  và Lục Hòa Phật tử) ghi như sau: “Vào ngày 2/7/1968 đến ngày 9/7/1968. Sau khi thảo luận và cứu xét tường tận, đồng thanh chấp thuận Bản Hiến Chương của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, do Hội đồng chỉ đạo Trung ương được Đại hội chỉ định soạn thảo và đệ trình. Hội đồng gồm có: 1/ Hòa thượng Thích Huệ Thành, Tăng trưởng Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam làm Chủ tịch…”, điều này cho thấy vai trò và vị thế của ngài trong tổ chức Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam là rất quan trọng.

Ngày 5/7/1963, Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam đã gửi một bức thư đến vấn an Hòa thượng Thích Huệ Thành, Tăng giám Giáo Hội Lục Hòa Tăng. Toàn văn bức thư như sau: “Tổng hội Phật giáo Việt Nam – Văn phòng Thường trực chùa Xá Lợi, số 89, đường Bà Huyện Thanh Quan, Sài Gòn. PL 2507, Sài Gòn, ngày 5/7/1963. Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, Hội Chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam. Kính gửi Hòa thượng Thích Huệ Thành – Tăng Giám Giáo hội Lục Hòa Tăng, chùa Long Thiền, Biên Hòa. Bạch Hòa Thượng! Từ lâu tôi có ý nguyện thăm viếng chư Hòa Thượng và chiêm bái các Tổ đình miền Nam. Nhưng từ hôm vào trên hai mươi hôm rồi, tôi chưa đi đâu được cả. Vì phần tuổi già sức yếu, phần khổ bệnh đeo mang. Tuy nhiên, dầu nằm một chỗ, tôi rất thấu hiểu thái độ cao quý và nỗi khổ tâm của Hòa thượng, vì vậy tôi lấy làm thâm cảm và hết sức tán thán “đơn thân vị pháp” của Hòa thượng. Nhân bệnh tình tôi có phần thuyên giảm, tôi vội vã viết thư nầy kính thỉnh Hòa thượng thừa nhàn quang lâm chùa Xá Lợi để huynh đệ chúng ta cùng bàn Phật sự cho phỉ tình hoài vọng của tôi. Kính chúc Hòa thượng pháp thể khinh an. (Ký tên và đóng dấu) Thích Tịnh Khiết - Ban Trị Sự - Tổng hội Phật giáo Việt Nam”.6 Điều này càng thể hiện vai trò và vị thế của ngài rất quan trọng và tầm ảnh hưởng của ngài đối với các tổ chức Phật giáo tại miền Nam Việt Nam thời bấy giờ.

Vào ngày 26/12/1963, với tư cách là Tăng giám Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam, ngài đã viết thư gởi Thượng tọa Thích Tâm Châu (Chủ tịch Ủy ban Liên phái Phật giáo Việt Nam) phúc đáp về việc khéo léo từ chối tham gia Ủy ban Liên phái Phật giáo Việt Nam, trong thư có đoạn: “…để thông cảm mọi vấn đề trên phương diện phụng sự Phật pháp, vì vậy tôi xin trân trọng kính tin đến Thượng tọa Chủ tịch, chúng tôi với ý định là: 1/ Với tinh thần thống nhất liên kết hòa đồng hỗ tương thân ái giữa hai Giáo hội chúng ta. 2/ Về hình thức Giáo hội chúng tôi vẫn duy trì theo Điều lệ và Nội quy đã ấn định”7.

Ngày 2 đến ngày 9/7/1968 (Mậu Thân) ngài cùng với Hòa thượng Minh Đức, Hòa thượng Thành Đạo, Hòa thượng Bửu Ý triệu tập chư Tôn đức của hai Giáo hội Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật tử về chùa Trường Thạnh, số 97 đường Bác sĩ Yersin, Sài Gòn để tiến hành Đại hội khoáng đại hợp nhất hai tổ chức Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật tử thành Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam.

Năm 1969, ngài cùng quý Hòa thượng Minh Đức, Hòa thượng Thành Đạo, Hòa thượng Bửu Ý tiến hành Đại hội thành lập Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, Đại hội đã suy tôn ngài lên ngôi vị Tăng thống Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam.

Ngày 10/101974, ngài đã liên kết với các thành phần tiến bộ, phối hợp đưa cuộc biểu tình gần 1000 người tham gia, trong đó có trên 400 nhà báo làm nòng cốt hưởng ứng chương trình “xách bị gậy đi ăn mày” tuần hành kéo dài trên đại lộ Lê Lợi (Sài Gòn) nơi có nhiều quan khách nước ngoài, để tố cáo chính quyền độc tài, sự kiện này đã gây tiếng vang lớn, làm cho chế độ tay sai Nguyễn Văn Thiệu ngày càng suy sụp.

Ngày 27/12/1974, được sự chỉ đạo của thành ủy, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng do ngài lãnh đạo đã phối hợp với các đơn vị bạn tiến hành cuộc biểu tình quy mô trên 10000 người tại chợ Bình Tây… Tại đây sự xung đột diễn ra ác liệt, cuộc biểu tình bị đàn áp dã man, kết quả đoàn biểu tình có trên 100 người bị các cảnh sát chính quyền Sài Gòn đánh trọng thương...

Ngày 27/3/1975, dưới sự chủ trì của ngài, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam tổ chức cuộc họp bất thường tại số nhà 97 đường Yersin, Sài Gòn ra tuyên bố hoan nghênh Hiệp định Paris và tuyên cáo thủ đoạn âm mưu chống lại Hiệp định Paris của chính quyền Mỹ - Thiệu.

Ngày 25/4/1975, ngài thay mặt lãnh đạo Trung ương Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam nhận lệnh chuẩn bị khởi nghĩa, đêm 29/4/1975, ngài thay mặt Trung ương Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam nhận lệnh khởi nghĩa, sáng sớm ngày 30/4/1975, toàn thể chư Tăng Ni và Phật tử nhất tề đứng dậy cùng đồng bào các địa phương giành lấy chính quyền, cùng toàn dân tộc làm nên mùa Xuân đại thắng năm 1975.

6. Hòa thượng Thích Minh Đức (1902 - 1971) – Phó Chủ tịch Hội đồng chỉ đạo Trung ương kiêm Viện trưởng Viện Hoằng đạo Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng Việt Nam

6.1 Tiểu sử

Hòa thượng Thích Minh Đức, thế danh Lê Minh Chánh, sanh ngày 01 tháng 06 năm Nhâm Dần (1902) tại xã Phú Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Định Tường (nay là Tiền Giang). Năm Giáp Tuất (1934) ngài thọ giáo với Tổ Huệ Đăng (chùa Thiên Thai, Bà Rịa) được Tổ ban đạo hiệu Thiện Mẫn và cho thọ Cụ túc Giới tại giới đàn chùa Phước Hậu (thị xã Long Xuyên), giới đàn này do Tổ Huệ Đăng chứng minh, ngài Yết-ma Pháp Cự làm Đàn đầu Hòa thượng.

Năm 1936, ngài được cử làm Đệ nhất tôn chứng tại Trường hạ Tổ đình Long Hòa (Bà Rịa) do Tổ Huệ Đăng chứng minh. Năm 1938, ngài được suy cử Yết-ma A-xà-lê tại Giới đàn chùa Thanh Lương (Biên Hòa), Tổ Huệ Đăng nhận thấy ngài là bậc pháp khí nên ban Pháp hiệu Minh Đức. Năm 1947, ngài thành lập chùa Giác Hoàng ở bến Hàm Tử, năm 1952 chùa Giác Hoàng bị hỏa hoạn, ngài xây dựng chùa Thiên Tôn (số 117/9 đường An Bình phường 13, quận 5), năm 1955, ngài xây dựng lại Tổ đình Long Định tiếp Tăng độ chúng tu học, xây tháp phụng thờ Tôn sư và lập bảo đồng cho cố mẫu. Ngày 8 /7/1971 (nhằm 16 tháng 5 năm Tân Hợi) do tuổi cao sức yếu, ngài đã viên tịch tại chùa Thiên Tôn, hưởng thọ 70 tuổi, được 38 hạ lạp.

6.2 Các sự kiện nổi bật

Năm 1945 khi Cách mạng tháng 8 bùng nổ, chùa Giác Hoàng là hậu cứ quan trọng của các phong trào đấu tranh yêu nước, tại đây ngài được gặp cụ Phạm Văn Đồng, một trong những cán bộ Việt Minh từng đến lưu trú tại chùa Giác Hoàng ở bến Hàm Tử do ngài làm trụ trì.

Năm 1952, ngài đảm nhận chức Phó Tăng giám (Hội phó) tại Đại hội thành lập Giáo hội Lục Hòa Tăng. Trong Bản Điều Lệ của Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam ở Điều 44 trong Chương Chín8, có ghi “Phó Tăng giám (Phó Hội trưởng) ông Lê Minh Chánh, Hòa thượng trụ trì chùa Thiên Tôn, số 9, đường An Bình-Chợ Lớn”.

Năm Kỷ Dậu (1969) ngài được bầu làm Viện trưởng Viện Hoằng đạo Trung ương Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, ngài đã thành lập các Trường Phật Học Lục Hòa tại các chùa Giác Viên, chùa Giác Lâm, chùa Thiên Tôn và mở Trường Tiểu học ở chùa Lộc Uyển, Thiên Trường (quận 8) để đào tạo Tăng tài.

7. Hòa thượng Thích Thiện Hương (1903 - 1971) Đệ nhất Phó Tăng giám Trung ương Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam (năm 1960) - Tăng trưởng Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng tỉnh Thủ Dầu Một (nay là tỉnh Bình Dương) từ năm 1953 đến năm 1971

7.1 Tiểu sử

Hòa thượng Thiện Hương thế danh Lê Văn Bạch, sanh ngày 14 tháng 5 năm Quý Mão (1903) tại làng Tương An – Bình Thổ, quận Bến Thế (Thủ Dầu Một). Năm 12 tuổi, ngài xuất gia với Hòa thượng Quảng Long trụ trì chùa Long Minh, được Bổn sư đặt Pháp danh Như Huệ, năm 15 tuổi, thọ giới Sa di tại Giới đàn Trường Kỳ chùa Long Phước (Tân An) và nhập chúng tu học khóa giáo lý tại chùa Hội Khánh do Hòa thượng Từ Văn khai mở.

Năm (1923) ngài thọ Cụ túc giới tại Giới đàn chùa Giác Lâm do Hòa thượng Hoằng Nghĩa làm Đàn đầu, tại đây ngài được Hòa thượng Hoằng Nghĩa ban Pháp hiệu là Nhuận Huệ, Pháp tự là Thiện Hương. Năm 1930, ngài được Hòa thượng Từ Văn và Tăng chúng cử làm Thủ tọa điều hành Phật sự tại Tổ đình Hội Khánh; năm 1936 ngài đứng ra trùng tu lại cổng tam quan chùa Hội Khánh; năm 1941, sư cụ Thiện Quới viên tịch, chư Tôn đức giáo phẩm và Tông môn công cử ngài làm trụ trì Tổ đình Hội Khánh… Hòa thượng Thiện Hương xả bỏ báo thân vào lúc 17 giờ ngày 10 tháng 5 (nhuần) năm Tân Hợi (tức ngày 2/7/1971) thế thọ 68 tuổi, hạ lạp 48 tuổi, đồ chúng lập tháp tôn thờ trong khuôn viên Tổ đình chùa Hội Khánh.

7.2 Các sự kiện nổi bật

Năm 1945, ngài làm Phó Chủ tịch Hội Phật giáo cứu quốc Thủ Dầu Một.

Năm 1953 (Quý Tỵ), ngài thành lập Giáo hội Lục Hòa Tăng tỉnh Thủ Dầu Một, ngài được suy cử ngôi vị Hòa thượng và ngài chính thức đảm nhận chức vụ Tăng trưởng Giáo hội Lục Hòa Tăng tỉnh Thủ Dầu Một.

Năm 1960 (Canh Tý) ngài được suy cử chức vụ Đệ nhất Phó Tăng giám Trung ương Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam.

Ngài là bậc Giáo phẩm rất có uy tín của hệ phái Lục Hòa Tăng, các tổ chức Phật giáo thời bấy giờ muốn hình thành trên đất Bình Dương thì đều phải có ý kiến đồng thuận của Hòa thượng Thiện Hương. Lúc bấy giờ, Ni sư Huỳnh Liên (Hệ phái Ni giới Khất sĩ Việt Nam) đến Bình Dương thành lập tịnh xá đã đến chùa Hội Khánh xin ý kiến của ngài, sau khi được ngài chấp thuận, Ni sư Huỳnh Liên mới tiến hành lập Tịnh xá Ngọc Bình.

Vào ngày 15/11/1964, Thương tọa Thích Tâm Châu, Viện trưởng Viện Hóa đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, đã ra quyết định số 262-VT/VP/QĐ, Điều 1 ghi: “Nay tu chỉnh thành phần nhân sự Ban Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất tỉnh Bình Dương như sau: Cố vấn tối cao: Hòa thượng Tăng trưởng Thích Thiện Hương…”. Qua đó cho thấy, Hòa thượng Tăng trưởng Thích Thiện Hương với tư cách là lãnh đạo cao cấp của Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam đã thành công trong việc từ chối việc cơ cấu nhân sự của tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, nhưng đồng thời vẫn giữ được sự thân thiện tương ái trong vai trò là một Cố vấn tối cao của tổ chức này.

Trong thời gian tiến hành Đại hội thành lập Ban Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tỉnh Bình Dương, Thượng tọa Thích Tâm Châu đến chùa Hội Khánh gặp Hòa thượng Thiện Hương đề nghị xin được làm thành viên của tổ chức Giáo hội Lục Hòa Tăng tỉnh Bình Dương, nhân đó cũng mời Hòa thượng Thiện Hương làm lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tại Bình Dương, thì Hòa thượng Thiện Hương đã khéo léo trả lời: “Ở đây chỉ có Bình Dương hóa, chứ không thể nào hóa Bình Dương”. Điều này cho thấy, vai trò và uy tín của Hòa thượng Thiện Hương có sức ảnh hưởng rất lớn không chỉ đối với nội bộ hệ phái Phật giáo Lục Hòa Tăng, đối với các tổ chức hệ phái Phật giáo đóng trên địa bàn tỉnh, mà còn đối với chính quyền và đồng bào, quần chúng Phật tử tại Bình Dương.

8. Hòa thượng Thích Trí Tấn (1906 – 1995) Tổng Thư ký Viện Tăng thống Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam

8.1 Tiểu sử

Hòa thượng Thích Trí Tấn thế danh Huỳnh Văn Xông, sinh năm Bính Ngọ, ngày 15/2/1906, tại làng Dư Khánh, tổng Chánh Mỹ Trung, tỉnh Biên Hòa (Thạnh Phước, Tân Uyên, Bình Dương), thân phụ là cụ ông Huỳnh Văn Bẩm, thân mẫu là cụ bà Lê Thị Nghe; năm 1920, ngài xuất gia với Sư ông Giới Biên trụ trì chùa Hưng Long, được Bổn sư đặt Pháp danh Nhật Quân, tự Nhất Bổn.

Năm 1923, ngài thọ giới Sa di tại chùa Hưng Long, đến năm 1925, ngài thọ Cụ túc giới do Đại lão Hòa thượng Tánh Khai làm Đàn đầu Hòa thượng tại Giới đàn chùa Hưng Long. Năm 1927 ngài cầu pháp với Hòa thượng Tâm Thường chùa Long Hưng (Long Thành, Đồng Nai) được Hòa thượng Tâm Thường đặt Pháp hiệu là Nhựt Tịnh-Trí Tấn. Năm 1931, ngài làm tri sự Tổ đình Long Thiền (Biên Hòa); năm 1935, ngài làm trụ trì chùa Long Hưng (nơi trước đây ngài xuất gia tu học), năm 1971, ngài đảm nhận chức vụ Tăng trưởng Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng tỉnh Biên Hòa; năm 1972, ngài được suy tôn lên hàng Giáo phẩm Hòa thượng tại Giới đàn chùa Bửu Phong (Biên Hòa).

Năm 1983, Đại hội Phật giáo tỉnh Sông Bé lần thứ nhất, ngài được suy cử làm Trưởng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Sông Bé suốt trong bốn nhiệm kỳ từ năm 1983 đến năm 1994. Năm 1992, trong Đại hội kỳ III của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ngài được Trung ương Giáo hội suy cử làm Chủ tọa phiên họp để bầu Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh và Hội đồng Trị sự… Ngày 13 tháng 12 năm Giáp Tuất (1995) ngài an nhiên viên tịch, Trụ thế 90 năm, 65 hạ lạp, đệ tử xây tháp thờ trong khuôn viên chùa Hưng Long.

8.2 Các sự kiện nổi bật

Năm 1945, Hòa thượng Thích Trí Tấn là Tổng Thư ký Phật giáo cứu quốc miền Đông Nam Bộ, ngài đã động viên 04 vị tu sĩ trong chùa Hưng Long tham gia kháng chiến chống Pháp đã hy sinh năm 1947.

Ngày 14/9/1946, ngài tham gia treo cờ cách mạng tại chùa Long Thắng chào mừng Bác Hồ ký Hiệp định tại Paris.

Năm 1947, ngài thiêu hủy chùa Hưng Long nhằm hưởng ứng phong trào tiêu thổ kháng chiến chống Pháp.

Năm 1958, ngài được Giáo hội suy cử làm Tăng giám Giáo hội Phật giáo Cổ truyền tỉnh Biên Hòa (thuộc Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam).

Năm 1969, ngài được bầu làm Tổng Thư ký Viện Tăng thống Trung ương Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam.

Năm 1971, ngài đảm nhận chức Tăng trưởng Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng tỉnh Biên Hòa.

Năm 1981, ngài là Trưởng phái đoàn Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam tham dự Đại hội thống nhất Phật giáo toàn quốc lần thứ nhất tại Thủ đô Hà Nội. Ngài được suy tôn thành viên Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam và suy cử Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

9. Hòa thượng Thích Thiện Thuận (1900 – 1973) Viện trưởng Viện Hoằng đạo Giáo hội Cổ truyền Lục Hòa Tăng Việt Nam

9.1 Tiểu sử

Hòa thượng Thích Thiện Thuận, húy Nhật Dần, thế danh là Lê Văn Thuận, sinh năm Canh Tý (1900) tại Cần Giuộc, tỉnh Chợ Lớn (nay là tỉnh Long An), thân phụ là cụ ông Lê Văn Xúy, thân mẫu là cụ bà Trần Thị Biền. Năm 1914, ngài xuất gia với Hòa thượng Hồng Hưng - Thành Đạo, được Bổn sư đặt Pháp danh là Nhật Dần, hiệu Thiện Thuận, thuộc đời thứ 41, tông Lâm Tế, dòng Đạo Bổn Nguyên... Năm Canh Thân (1920), ngài thọ Cụ túc giới tại chùa Phú Long (Phú Nhuận) do Hòa thượng Quảng Phát làm Đàn đầu truyền giới, sau đó ngài được cắt cử làm hương đăng chùa Giác Lâm. Ngài từng tham học với Tổ Thanh Ấn - Như Bằng ở chùa Từ Ân (Phú Lâm) được Tổ ban Pháp hiệu là Từ Hiền-Chơn Dần.

Năm 1949, ngài kế thế trụ trì chùa Giác Lâm sau khi Hòa thượng Bổn sư viên tịch, trong thời gian này, ngài tham gia Hội Phật giáo cứu quốc và tham gia kháng chiến. Từ đây chùa Giác Lâm trở thành nơi nuôi giấu cán bộ và một thời từng là nơi hội họp của nhiều cấp ủy. Năm 1952, ngài cùng với Hòa thượng Hồng Từ hiến cúng 4 công đất của chùa Giác Viên cho Giáo hội Lục Hòa Tăng làm nơi bồi dưỡng, đào tạo Tăng tài, lấy tên là “Trường Lục Hòa”. Cũng nơi đây, thành lập cơ sở in ấn “Tạp chí Phật Học”, cơ quan ngôn luận chính thức của Giáo hội Lục Hòa Tăng (Tạp chí ra mắt được vài số thì đình bản)… Năm 1957, ngài được Trung ương Giáo hội Lục Hòa Tăng tấn phong Hòa thượng nhân Đại giới đàn tại chùa Trường Thạnh. Năm 1969, Giáo hội Phật giáo Lục Hòa Tăng và Hội Lục Hòa Phật tử được hợp nhất, đổi tên thành Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, ngài được suy tôn thành viên Hội đồng Viện Tăng thống. Năm 1972, ngài được đề cử chức vụ Viện trưởng Viện Hoằng đạo, Hòa thượng Thích Huệ Thành giữ ngôi vị Tăng thống... Ngày 26 tháng 3 năm Quý Sửu (1973) ngài an nhiên viên tịch, thọ 73 tuổi đời, giới lạp 53 mùa hạ, môn đồ pháp quyến đã xây tháp thờ ngài trong khuôn viên chùa Giác Lâm.

10. Hòa thượng Thích Thiện Hào (1911-1997) Hội trưởng Lục Hòa Phật Tử, Tổng Thư ký Giáo hội Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật Tử

10.1 Tiểu sử

Hòa thượng Thích Thiện Hào, thế danh Trương Minh Đạt, sanh ngày 15 tháng 2 năm Tân Hợi -1911, tại làng An Phú Đông, huyện Hóc Môn, tỉnh Gia Định, ngài là con một của cụ ông Trương Minh Phát (hiệu Đạt Vinh) và cụ bà Đinh Thị Cang.

Năm 1927, ngài xuất gia với Tổ Huệ Đăng tại chùa Thiên Thai (Bà Rịa) được Tổ ban Pháp danh Trừng Thanh, năm Canh Ngọ 1930, ngài thọ Cụ túc giới tại Giới đàn chùa Giác Hoằng (Bà Điểm-Hóc Môn) được ban Pháp tự Pháp Quang, Pháp hiệu Thiện Hào, nối pháp đời thứ 42 dòng Thiên Thai Thiền Giáo Tông.

Từ năm 1931 đến năm 1939, ngài tu học tại trường gia giáo (Tổ đình Thiên Thai) do Tổ khai mở, trong thời gian nầy ngài được hầu cận bên Bổn sư, được nghe những buổi tọa đàm giữa Bổn sư và cụ Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh của Hồ Chủ Tịch) về tình hình đất nước, từ đó ngài đã có ý thức về tinh thần dân tộc, tinh thần yêu nước, có chí hướng muốn giải phóng sự thống trị của ngoại bang đem lại sự độc lập cho quê hương.

Năm 1940, ngài xây dựng chùa Tường Quang (xã An Phú Đông), năm 1945, ngài bắt đầu tham gia hoạt động Cách mạng; năm 1947, ngài làm Ủy viên kinh tài của Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ. Năm 1948, ngài nhập chúng tu học tại Trường hạ chùa Hưng Long (Chợ Lớn) do Hòa thượng Huệ Chánh làm Chủ hương; năm 1949, ngài được Hòa thượng Pháp sư Kiểu Lợi mời về giảng pháp tại Trường hương chùa Linh Quang - Mỹ Tho. Năm 1950, ngài được thỉnh về trụ trì chùa Phước Nguyên (Bến Tre) và cuối năm 1950 về trụ trì chùa Bửu An (Mỹ Tho). Năm 1951, khi Giáo hội Tăng già Nam Việt được thành lập, ngài được suy cử làm Trị sự trưởng Giáo hội Tăng già tỉnh Mỹ Tho. Năm 1952, ngài được Hòa thượng Minh Nguyệt mời dự Đại hội Liên hoan Tôn giáo Dân tộc tại chiến khu Đồng Tháp Mười và theo học chương trình 3 tháng về chính sách của Đảng Lao Động Việt Nam để tham gia công tác tôn giáo vận. Năm 1955, ngài được tổ chức điều trở về hoạt động tại vùng Sài Gòn - Gia Định. Khi về Sài Thành, ngài trú xứ tại chùa Giác Ngạn (Phú Nhuận), năm 1957, ngài được suy cử làm Tổng Thư ký Giáo hội Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật tử. Năm Kỷ Hợi 1959, chư sơn thiền đức trong hệ phái suy cử ngài làm Hội trưởng Hội Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật tử.

Giữa năm 1960, ngài vào chiến khu Đồng Tháp Mười và được mời làm Ủy viên Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng miền Tây Nam Bộ; năm 1961, ngài được cử làm Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam; năm 1964, ngài được tái cử trong Ủy ban này.

Năm 1968, ngài được cử làm Ủy viên Hội đồng cố vấn Chính phủ; năm 1969, ngài tháp tùng phái đoàn Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra thăm miền Bắc và yết kiến Hồ Chủ tịch. Năm 1973, tỉnh Quảng Trị được giải phóng hơn phân nửa, văn phòng và nhà khách Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đặt tại huyện Cam Lộ, ngài được cử làm Ủy viên Thường trực để đón tiếp các phái đoàn khách quốc tế đến thăm, cũng năm này, ngài được cử làm Chủ tịch Ủy ban bảo vệ tù chính trị miền Nam Việt Nam để đôn đốc việc thi hành Hiệp định Paris về tù binh. Năm 1975, ngài tích cực vận động thành lập Ban liên lạc Phật giáo yêu nước thành phố Hồ Chí Minh do Hòa thượng Minh Nguyệt làm Chủ tịch; năm 1977, ngài được suy cử làm Phó chủ tịch Thường trực Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1980, Ban vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam được thành lập, ngài được cử làm Phó ban Thường trực của Ban Vận động. Năm 1981, ngài làm Trưởng đoàn Đại biểu Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước thành phố Hồ Chí Minh, tham dự Đại hội Đại biểu Phật giáo thống nhất Việt Nam tại Hà Nội; tại Đại hội này, ngài được suy tôn thành viên Hội đồng Chứng minh, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Năm 1987 ngài được Tăng, Ni Phật giáo Tp. Hồ Chí Minh suy cử Trưởng ban Trị sự Phật giáo Thành Phố. Năm 1992 tại Đại hội Phật giáo nhiệm kỳ III, Hòa thượng được Đại hội suy cử Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS, ngài tiếp tục được suy cử Trưởng ban Trị sự Phật giáo Thành Phố Hồ Chí Minh cho đến ngày viên tịch. Với công đức cao dày đã hiến dâng cho đạo pháp và dân tộc, ngài được Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tặng thưởng nhiều Huân chương cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương độc lập hạng Nhì, Huân chương kháng chiến hạng Nhất, Huy chương vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân… Năm Bính Tý 1996, ngài lâm trọng bệnh nhưng vẫn nhất tâm niệm Phật, ngài xả báo thân và an tường viên tịch vào lúc 9 giờ sáng ngày 20 tháng 7 năm 1997 (nhằm ngày 16 tháng 6 năm Đinh Sửu) tại chùa Xá Lợi, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, trụ thế 86 năm, trải qua 66 mùa An cư kiết hạ.

10.2 Các sự kiện nổi bật

Giữa năm 1953, chính quyền thực dân tổ chức nhiều cuộc vui chơi giải trí nhằm xao lãng tinh thần đấu tranh của đồng bào cả nước, trong đó có sự kiện tổ chức hội chợ tại vườn Bách Thú, cầu Thị Nghè bị đổ sập, khiến cho nhiều người dân đi xem hội chợ bị chết và bị trọng thương, chớp thời cơ này, Ban Trị sự Giáo hội Lục Hòa Phật tử, do Hòa thượng Thích Minh Thành (Chánh Hội trưởng) và Hòa thượng Thích Thiện Hào (Phó Hội trưởng) đứng ra làm đơn xin phép làm lễ cầu siêu cho đồng bào tử nạn, dự kiến lễ đài sẽ đặt lộ thiên tại cầu Thị Nghè, nhân khi đọc văn tế, sẽ tố cáo sự xâm lược của chính quyền thực dân và vạch trần âm mưu vơ vét của công dẫn đến sự cố sập cầu, biểu tình phản đối chính quyền không coi trọng mạng người và phát động đấu tranh đòi bồi thường nhân mạng…

Ngày 20/12/1960, tại một vùng giải phóng thuộc tỉnh Tây Ninh, Hòa thượng, đại diện Giáo hội Lục Hòa Tăng và Hội Lục Hòa Phật tử tham dự, được tổ chức bầu làm Phó Chủ tịch Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Đại hội thông qua chương trình 10 điểm với nội dung cơ bản là đánh đổ chế độ thuộc địa trá hình của Mỹ và bọn tay sai bán nước gia đình trị Ngô Đình Diệm.

Cuối năm 1960, Hòa thượng tuyên bố trên Đài Tiếng nói Bắc Kinh, với tư cách là Phó Chủ tịch Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Tổng Thư ký Giáo hội Phật giáo Lục Hòa Tăng - Hội trưởng Hội Lục Hòa Phật tử, ngài đã nhân danh đồng bào miền Nam Việt Nam và Phật giáo Việt Nam lên án chế độ độc tài Ngô Đình Diệm đã đàn áp dã man các phong trào yêu nước của đồng bào và Phật giáo miền Nam, lên án các chính sách kỳ thị, thù địch Phật giáo của chính quyền Mỹ-Diệm. Từ đây Phật giáo Lục Hòa Tăng trở thành đối nghịch với chế độ Ngô Đình Diệm, ngay sau khi Hòa thượng Thiện Hào phát biểu thì tất cả bảng hiệu chùa của hệ phái Lục Hòa Tăng tại các cơ sở tự viện thuộc Giáo hội Lục Hòa Tăng đều bị chính quyền Ngô Đình Diệm cho công an mật vụ tháo gỡ xuống hết vì chúng cho rằng Phật giáo Lục Hòa Tăng là thân cộng.

11. Hòa thượng Thích Bửu Ý (1917 – 1996) Viện trưởng Viện Hoằng đạo Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng Việt Nam

11.1 Tiểu sử

Hòa thượng Thích Bửu Ý, Pháp húy Hồng Đạo, Pháp tự Thiện Đắc, thuộc Thiền phái Lâm Tế Gia Phổ, đời thứ 40. Ngài thế danh là Nguyễn Văn Đạt, sanh ngày 3/3/1917 (nhằm ngày mồng 8 tháng Giêng năm Đinh Tỵ) tại xã Mỹ Hạnh, huyện Đức Hòa, tỉnh Chợ Lớn (Long An ngày nay), thân phụ là cụ ông Nguyễn Văn Tây, thân mẫu là cụ bà Đỗ Thị Khéo.

Năm 1924, ngài theo học tại Trường Tiểu học Đức Hòa, Chợ Lớn, liên tục đến năm 1934, ngài tốt nghiệp bằng Certificat d’Étude Primaire Indigène, nhưng lại chọn con đường xuất gia tu Phật và đấu tranh cứu nước. Năm 1934, ngài xuất gia với Tổ Quảng Chơn (chùa Long Thạnh) xã Tân Tạo, tỉnh Chợ Lớn (nay là huyện Bình Tân, TP. HCM) được Tổ đặt Pháp danh là Thiện Đắc. Tổ Quảng Chơn gởi ngài xuống chùa Phước Long ở Nha Mân (Sa Đéc) tham học với Tổ Bửu Sơn (đệ tử của Tổ Minh Hòa-Hoan Hỷ, đời thứ 38 thuộc Tổ đình Long Thạnh), tại đây ngài cầu Pháp với Tổ Bửu Sơn và được ban Pháp hiệu là Bửu Ý, húy Hồng Đạo.

Năm 1939, ngài thọ giới Tỳ-kheo tại chùa Phước Long, huyện Trảng Bàng, Tây Ninh, Tổ Quảng Chơn là một Thiền sư yêu nước trong phong trào Thiên Địa Hội bị Pháp bắt tra tấn thân mang nhiều bệnh duyên, nên cuối năm 1940, ngài phải về chùa Long Thạnh để thay Bổn sư đảm nhận công việc sinh hoạt tại chùa; năm 1943 Tổ Quảng Chơn viên tịch, ngài được phó chúc trụ trì chùa Long Thạnh. Đến năm Ất Hợi, ngày 29 tháng 11 (nhằm ngày 19/1/1996) ngài thuận thế vô thường, xả báo thân, an tường viên tịch, trụ thế 80 năm, 57 mùa An cư kiết hạ.

11.2 Các sự kiện nổi bật

Năm 1961, khi sư Trí Hưng được chính quyền Ngô Đình Diệm hậu thuẫn đã lợi dụng uy tín, danh nghĩa Tổng Thư ký Giáo hội Lục Hòa Tăng của Hòa thượng Bửu Ý để tổ chức Đại hội thành lập Giáo hội Cổ Sơn Môn tại chùa Giác Lâm nhằm chống phá các phong trào đấu tranh chính nghĩa của Phật giáo, vì muốn tạo vị thế trong cộng đồng Phật giáo, nên sư Trí Hưng đã cho mời bằng được Hòa thượng Bửu Ý đến chứng minh và tham gia vào ban chức sự. Tuy nhiên, Hòa thượng Bửu Ý đã khéo léo tránh mặt, chính vì vậy mà Đại hội bất thành, Giáo hội Cổ Sơn Môn cũng không thành lập như ý đồ của chính quyền Diệm.

Năm 1971, nhận thấy uy tín và tầm ảnh hưởng của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, nên ông Nguyễn Cao Kỳ đã đến thăm Trường Hương chùa Giác Lâm, khi đó thành phần Ban chức sự Trường hương gồm quý Tôn túc lãnh đạo Giáo hội như Hòa thượng Huệ Thành, Hòa thượng Minh Đức, Hòa thượng Thành Đạo và Hòa thượng Bửu Ý… Vì đây là Trường hương tập trung nhiều nhân tài, trụ cột của Giáo hội, nên dư luận các giới cũng hướng vào theo dõi, để thu hút dư luận, ông Nguyễn Cao Kỳ bày ra tuồng đi thăm Trường Hương chùa Giác Lâm nhằm tranh thủ vận động các vị lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng ủng hộ mình. Lúc bấy giờ, Hòa thượng Bửu Ý là Tổng Thư ký Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng, khi nhận được văn thư, ngài điềm tĩnh sắp xếp phân công vụ việc cho từng người, theo đó, Thầy Quảng Tiến đã tập hợp 60 anh em trong đoàn múa lân, võ thuật và khoảng 200 thanh thiếu niên Phật tử làm dàn chào; theo kế hoạch thì khi xe của Phó Tổng thống đỗ ngoài cửa, sẽ có 30 em võ sinh đứng hai hàng chào đón và đội lân sẽ múa rước vào, suốt đoạn đường từ cổng vào đến chùa, hai bên có khoảng 200 thanh thiếu niên Phật tử đứng làm hàng chào danh dự… Sau khi nghe Thầy Quảng Tiến trình bày kế hoạch đón tiếp đoàn, vị phụ trách tiền trạm của ông Kỳ đã đề nghị Thầy Quảng Tiến là mỗi em trong dàn chào đều phải cầm cờ của chính quyền Sài Gòn để vẫy chào như tiếp đón vị Nguyên thủ quốc gia… Trong khi Thầy Quảng Tiến đang trao đổi với vị phụ trách lễ tân của văn phòng Phó Tổng Thống, thì Hòa thượng Bửu ý từ trong nhà thiền bước ra, từ tốn tiến đến chỗ mọi người đang bàn, Thầy Quảng Tiến báo cáo lại sự việc trên với Hòa thượng, ngay lúc đó Hòa thượng Bửu Ý liền điềm tĩnh trả lời: “Trong thông báo gởi đến chỉ cho biết Phó Tổng Thống đến chùa lễ Phật và thăm Trường hương nên việc bố trí Phật tử đón tiếp là đúng theo luật Thiền môn, còn việc cầm cờ thì trong văn bản không có chỉ dụ xuống, nếu tổ chức phô trương rườm rà sợ có dư luận không tốt, ảnh hưởng đến uy danh của ngài Phó Tổng Thống”, khi nghe Hòa thượng Bửu Ý giải thích hợp tình hợp lý nên người phụ trách lễ tân của ông Kỳ đành chịu thua ra về mà không thể quy tội nhà chùa không tôn trọng chính thể quốc gia.

Năm 1971 là năm bầu cử Tổng thống chính quyền Sài Gòn, nhân dân nổi lên biểu tình đấu tranh chống trò độc diễn của ông Nguyễn Văn Thiệu, nhằm xoa dịu dư luận, ông Thiệu chỉ đạo tay chân mua chuộc một số tổ chức, đoàn thể để họ tuyên bố ủng hộ cho ông, việc Nguyễn Văn Thiệu cử ông Hoàng Đức Nhã đến chùa Giác Lâm cũng nằm trong ý đồ đó. Lúc bấy giờ, ông Hoàng Đức Nhã chuyển lời của Tổng thống chúc sức khỏe quý Hòa thượng, sau đó ông Nhã mới chính thức vào đề: “Tổng thống có thiện ý muốn giúp 300 triệu cho Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng dùng vào việc xây dựng bảo tháp, số tiền này sẽ mang danh nghĩa một công ty Đại Hàn trao tặng. Để dư luận khỏi dị nghị, xin quý vị cho phép công ty đó treo bảng quảng cáo sản phẩm của họ trước chùa, sau ngày bầu cử 31/10/1971, quý vị muốn dỡ hay không thì tùy quý vị, có điều là kính mong Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng chỉ cần ra một thông báo ủng hộ Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tiếp tục lãnh đạo quốc gia thêm một nhiệm kỳ nữa, để có điều kiện đem lại nền hòa bình thật sự cho đất nước Việt Nam”. Khi thấy Hòa thượng Bửu Ý im lặng, thì ông Nhã tiếp tục thuyết phục: “Việc làm nầy rất có lợi, quý vị sẽ thực hiện được sứ mệnh hoàn thành ngôi bảo tháp, thực hiện được kỳ vọng mà Tăng Ni, Phật tử đã gửi gắm cho quý vị, lại không mang tiếng nhận tiền của Tổng thống, vì đã qua trung gian công ty Đại Hàn, cứ xem như cho họ thuê mướn quảng cáo…”. Khi đó, Hòa thượng Bửu Ý điềm tĩnh trả lời: “Thay mặt cho Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng, chúng tôi nhờ ngài Tổng trưởng chuyển lời kính thăm và chúc sức khỏe Tổng thống cùng gia đình, cám ơn sự quan tâm ưu ái của Tổng thống. Còn việc xây dựng bảo tháp Xá Lợi là do Giáo hội chúng tôi khởi xướng, nhưng nguyện vọng của Tăng Ni, Phật tử là mong muốn được chính mình đóng góp công sức vào đó để tạo phước đức cho con cháu mai sau, nếu nhận 300 triệu của Tổng thống thì sẽ phụ lòng Tăng Ni, Phật tử bởi đạo Phật là đạo từ bi, luôn nghĩ đến sự lợi lạc quần sanh, ban vui và tạo phước cho mọi người”. Hòa thượng trả lời vỏn vẹn chỉ có thế và tuyệt nhiên không đề cập đến chuyện gì khác, khi nghe lời ngài vừa ôn tồn nhưng cũng rất dứt khoát, khiến cho ông Hoàng Đức Nhã đành kiếu từ ra về, chư Tôn đức tiễn đến tận cổng, khi trở vào ai nấy cũng lộ trên gương mặt một niềm vui.

Tháng 10/1979, Hòa thượng Bửu ý làm Trưởng phái đoàn Phật giáo miền Nam ra thăm miền Bắc và Thủ đô Hà Nội, trong lúc Hòa thượng cùng các thành viên trong đoàn đang xem hình ảnh chư Tăng miền Bắc cùng toàn dân tham gia kháng chiến, khi đó, Hòa thượng Thế Long (thành viên lãnh đạo Hội Thống Nhất Phật giáo miền Bắc Việt Nam) đã hỏi ngài: “Hòa thượng suy nghĩ gì về chư Tăng miền Bắc?”, lúc đó, Hòa thượng Bửu Ý ung dung trả lời: “Phật giáo ta từ thời Lý-Trần đã có lòng yêu nước, nay vì đất nước thuận theo lòng dân mà cầm quân đánh giặc, trong Khế Kinh cũng có nói: “Hộ quốc tùy dân hưng binh đấu giả đắc phước vô tội”, nghe xong, Hòa thượng Thế Long rất tâm đắc, kính nể và cảm mến Hòa thượng từ đó9.

12. Hòa thượng Thích Bích Lâm (1924-1972) - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Hoằng đạo, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam- Chánh Đại diện Phật giáo Cổ Truyền Trung phần Việt Nam

12.1 Tiểu sử

Hòa thượng Bích Lâm, thế danh Trần Văn Vinh, húy Chơn Phú, tự Chánh Hữu, hiệu Bích Lâm. Ngài sinh ngày 24 tháng 11 năm Giáp Tý (1924) tại phường Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Thân phụ là cụ ông Trần Đức Tựu, thân mẫu là cụ bà Trần Thị Đủ, nguyên quán làng Xuân Sơn, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Năm 1932, ngài quy y với Tổ Phước Huệ, chùa Sắc Tứ Hải Đức (Nha Trang) được Tổ đặt Pháp danh Chơn Phú; năm 1939, ngài được Hòa thượng Tăng cang Phước Huệ cho xuất gia và ban Pháp tự là Chánh Hữu. Năm 1945, ngài được Hòa thượng Bổn sư cho thọ Tam đàn Cụ túc giới tại chùa Sắc Tứ Tịnh Quang (Quảng Trị) được Hòa thượng Bổn sư ban Pháp hiệu Bích Lâm. Sau khi Tổ khai sơn Tổ đình Nghĩa Phương viên tịch, Tổ Phước Huệ đã cử ngài về trụ trì chùa Nghĩa Phương vào tháng 7/1948.

Năm 1950 đến 1954, ngài làm Tổng Thư ký Giáo hội Tăng già Khánh Hòa.

Năm 1952, tại Đại giới đàn Tổ đình Thiên Bửu, Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, ngài được Cung thỉnh làm Tôn chứng sư.

Từ năm 1955 đến 1959, ngài làm Tăng giám Trung Phần, Phật giáo Tịnh Độ Tông Việt Nam.

Tháng 1/1957, ngài vận động Phật tử cúng dường đại trùng tu ngôi Tam bảo Nghĩa Phương, gồm nhà Tổ, chánh điện, giảng đường, nhà linh, Văn phòng Giáo hội; tháng 7/1957, nhân lễ lạc thành chùa Nghĩa Phương, ngài kiến lập Đại giới đàn cung thỉnh Hòa thượng Thích Trí Thắng làm chứng minh, Hòa thượng Tăng cang Thích Huệ Pháp chùa Sắc Tứ Minh Tịnh (Quy Nhơn) làm Đường đầu Hòa thượng và ngài được tôn cử làm Giáo thọ A-xà-lê.

Tháng 1/1958, ngài xây trường Nghĩa Thục Bát Nhã (Nha Trang) dạy dỗ con em nghèo, đây là Trường Tư thục Bát Nhã, Trường Tư thục Vạn Hạnh sau này; đến tháng 12/1958, ngài vận động Phật tử mua đất tại Đồng Đế để làm nghĩa trang.

Năm 1959, ngài tiếp nhận ngôi thảo am của cụ Trần Trứ tại Ba Ngòi (Cam Ranh) do con cháu cụ hiến cúng và khai sơn chùa Thiên Long; đến năm 1959, ngài kiến tạo Tăng Học Viện tại Đồng Đế, Nha Trang để đào tạo tăng tài.

Năm 1960, sau khi xây cất Tăng Học Viện Phật giáo Cổ truyền Trung phần hoàn thành, trong lễ khánh thành và khai giảng Tăng Học Viện, nhân dịp này Ban đại diện Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Trung Phần kiến lập giới đàn, chư sơn Thiền đức cung thỉnh ngài làm Đường đầu Hòa thượng.

Năm 1961, để phát triển Phật sự tại tỉnh Phú Yên, ngài khai sơn chùa Nghĩa Phú, tại thôn Đông Phước, xã Hoà Thắng, huyện Tuy Hòa; năm 1962, ngài khuyến hóa bổn đạo mua ruộng tại thôn Tân Lâm, huyện Ninh Hòa thực hiện nông thiền nhằm cung cấp gạo cho Tăng chúng yên tâm tu học.

Năm 1963, tại Giới đàn chùa Sắc Tứ Minh Tịnh (Quy Nhơn) ngài được cung thỉnh làm Tuyên Luật sư; năm 1969, sau khi Thượng tọa Thích Trí Giác (Huệ Hải) đại trùng tu chùa Nghĩa Phú (Tuy Hòa) hoàn thành, trong lễ lạc thành đã kiến lập Giới đàn và ngài được cung thỉnh làm Tuyên luật sư.

Năm 1960 đến 1968, ngài đảm nhiệm chức vụ Chánh Đại diện Phật giáo Trung phần kiêm Giám đốc Tăng Học Viện Phật giáo Cổ truyền Trung Phần Việt Nam.

Năm 1970, để phát triển Phật sự tại Diên Khánh, Thượng tọa Thích Trí Minh (Huệ Đăng) khai sơn chùa Phước Duyên tại xã Diên Phước, huyện Diên Khánh đã cung thỉnh ngài làm chứng minh khai sơn, trong lễ khánh thành chùa Phước Duyên đã kiến lập giới đàn, đại chúng cung thỉnh ngài làm Đường đầu Hòa thượng.

Từ năm 1969 đến 1972, ngài được tôn cử đảm nhiệm Phó Viện trưởng Nội Vụ, Viện Hoằng đạo Trung ương Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam và tiếp tục đảm nhiệm Chánh Đại diện Phật giáo Trung Phần.

Ngài đã đào tạo hai đệ tử xuất sắc là Hòa thượng Thích Trí Tâm và Thượng tọa Thích Trí Đức (du học tại Nhật Bản), ngoài ra giới đệ tử xuất gia của ngài còn có hàng trăm vị, hiện nay đã có những vị đã được tấn phong Hòa thượng như cố Hòa thượng Thích Huệ Quang, Hòa thượng Thích Trí Tâm (Huệ Minh), cố Hòa thượng Thích Trí Giác (Huệ Hải), cố Hòa thượng Thích Huệ Đăng (Trí Minh), Ni trưởng Thích Nữ Diệu Nguyện (Huệ Hạnh)…

Năm 1965, ngài khởi công đại trùng tu Tổ đình Nghĩa Phương, suốt hơn một phần tư thế kỷ hoằng pháp lợi sanh, ngài đã khai sơn trên hai mươi ngôi tự viện tại Khánh Hòa cùng các tỉnh miền Trung…

Cuối năm 1970, ngài lâm bệnh, nhưng vẫn tỉnh giác chánh niệm, chỉ đạo các Phật sự trọng yếu của Phật giáo Cổ truyền Trung Phần, đến ngày 24 tháng 11 năm Tân Hợi (1972) vào lúc 19 giờ ngài xả báo thân an nhiên viên tịch, trụ thế 49 năm, trải qua 28 mùa an cư kiết hạ, môn đồ xây tháp tôn thờ tại chùa Phước Huệ (Nha Trang).

Trong suốt quá trình điều hành Phật sự trên cương vị Chánh Đại diện Phật giáo Cổ truyền Trung Phần, Hòa thượng luôn được sự ủng hộ nhiệt tình của chư Tôn đức Tăng và đồng bào Phật tử khu vực miền Trung. Trợ lý đắc lực cho Hòa thượng Thích Bích Lâm không thể không nhắc đến quý Trưởng lão Hòa thượng như: Hòa thượng Phước Huệ, Hòa thượng Phước Huy, Hòa thượng An Ngọc, Hòa thượng Tín Hạnh (chùa Văn Khánh), Hòa thượng Viên Lý (chùa Tam Bảo) v.v... Ngoài các bậc Tôn túc lãnh đạo Phật giáo Cổ truyền Trung Phần. Đặc biệt trong đó có Hòa thượng Thích Phước Huy khai sơn Tổ đình Liên Quang, ngài là cây đại thọ Phật giáo Trung Phần tỉnh Quảng Ngãi. Sau 5 năm du học tại chùa Kim Quang Phnômpênh (Campuchia) Ngài trở về nước đảm nhiệm chức vụ Kiểm tăng, năm 30 tuổi Ngài giữ chức Tòng lâm Thiền chủ. Sau Cách mạng tháng 8, ngài tham gia Phật giáo cứu quốc tỉnh Quảng Ngãi dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh. Năm 1954, ngài tham gia tích cực phòng trào chấn hưng Phật giáo. Năm 1964, ngài kiến lập Đại giới đàn tại Tổ đình Liên Quang để truyền trao giới pháp cho các giới tử cầu thọ Chánh giới, đồng thời giữ chức vụ Tăng giám Phật giáo huyện Bình sơn, Tăng trưởng Phật giáo Cổ truyền tỉnh Quảng Ngãi, Phó đại diện Phật giáo Cổ Truyền Trung Phần Việt Nam, Chứng minh Phật giáo Cổ truyền tỉnh Quảng Ngãi và Cao nguyên Trung Phần.

Trong tinh thần vì đạo, vì đời Hộ quốc an dân, quý Ngài đã dấn thân hành đạo, hướng dẫn đồng bào Phật tử phụng hành giáo pháp Phật đà và thể hiện tinh thần yêu nước, như nuôi giấu cán bộ cách mạng, tiếp tế lương thực cho bộ đội, góp phần bảo vệ đất nước trong thời chiến.

13. Hòa thượng Thích Trí Tâm (1934-2017) - Nguyên Tổng Thư ký Viện Hoằng đạo, kiêm Chánh Đại diện Trung phần Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, nhiệm kỳ II

13.1 Tiểu sử

Hòa thượng Thích Trí Tâm thế danh Trương Đỗ Nha, sanh ngày 23/6/1934 (Giáp Tuất) tại thôn Tảo Khê, xã Tảo Dương Văn, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây (Hà Nội), ngài xuất thân trong một gia đình dòng dõi khoa bảng, thân phụ là cụ ông Trương Đỗ Vãng (hiệu Bích Khê), thân mẫu là cụ bà Đỗ Thị Tuy (hiệu Diệu Nhiên).

Năm 1953, ngài xuất gia với Hòa thượng Bích Lâm, Viện chủ Tổ đình Nghĩa Phương, được Bổn sư đặt Pháp danh Không Thành; năm 1955, ngài được Bổn sư cho thọ Sa-di giới tại Tổ đình Nghĩa Phương và được ban Pháp tự Trí Tâm, đến năm 1957 ngài thọ Tỳ-kheo giới và được ban Pháp hiệu Huệ Minh tại Đại giới đàn Tổ đình Nghĩa Phương do Giáo hội Phật giáo Cổ Truyền tổ chức.

Năm 1958, ngài là Giáo thọ của Trường Tư thục Bát Nhã; năm 1959, ngài được Bổn sư giao trách nhiệm vận động xây dựng Tăng Học Viện tại chùa Phước Huệ (Vĩnh Hải - Nha Trang) để đào tạo Tăng tài thuộc hệ phái Phật giáo Lục Hòa Tăng Việt Nam khu vực Trung Phần. Năm 1964, ngài được cung thỉnh ngôi vị Giáo thọ A-xà-lê tại Đại giới đàn chùa Liên Quang (Bình sơn, Quảng Ngãi). Từ tháng 7/1965 đến năm 1972, ngài được Hòa thượng Bổn sư cho đi du học tại Nhật Bản. Đầu năm 1972, khi hoàn thành chương trình du học với thành quả xuất sắc qua hai chương trình: Tốt nghiệp Cử nhân Văn khoa tại Bukkyo Daigaku, Kyoto và tốt nghiệp Thạc sĩ Phật học tại Học viện Hiezan Gakuin của Thiên Thai Tông Kyoto, Nhật Bản. Cuối năm 1971 đến đầu năm 1972, được tin Hòa thượng Bổn sư viên tịch, ngài trở về nước thọ tang, trong năm này, ngài được Giáo hội Phật giáo Cổ Truyền Việt Nam cùng huynh đệ môn phong Tổ đình Nghĩa Phương tiến cử thừa kế Trụ trì Tổ đình Nghĩa Phương.

Tháng 3/1973, Đại hội Phật giáo Cổ Truyền Việt Nam tổ chức tại chùa Giác Lâm (Sài Gòn), ngài được tiến cử vào chức vụ Tổng Thư ký Viện Hoằng đạo Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, kiêm Chánh Đại diện Phật giáo Cổ Truyền Trung Phần Việt Nam.

Năm 1980, tại Đại giới đàn tại Tổ đình Bửu Phong (Biên Hòa) do Trung ương Giáo hội Phật giáo Cổ Truyền Việt Nam tổ chức, ngài được cung thỉnh làm Yết-ma A-xà-lê.

Năm 1981, tại Đại hội thống nhất Phật giáo toàn quốc, tổ chức tại chùa Quán Sứ (Thủ đô Hà Nội), với tư cách là Phó đoàn Giáo hội Phật giáo Cổ Truyền Việt Nam, ngài được suy cử Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Từ năm 1981 đến năm 1985, Trường Cao cấp Phật học Việt Nam khai giảng tại chùa Quán Sứ (Hà Nội), ngài được Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tín nhiệm đề cử vào chức vụ Phó Hiệu trưởng kiêm giảng viên Khóa I (Niên khóa 1981-1985); từ năm 1982 đến 2006, ngài liên tiếp đảm nhận chức vụ Phó Trưởng ban Thường trực Giáo hội Phật giáo tỉnh Khánh Hòa trong suốt 4 nhiệm kỳ.

Năm 1989, ngài cùng với Hòa thượng Thích Thiện Siêu đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam tham dự hội nghị Phật giáo châu Á vì hòa bình tổ chức tại Mông Cổ; năm 1990, thừa ủy nhiệm Thường trực Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Khánh Hòa, ngài đứng ra mở Trường Cơ bản Phật Học Khánh Hòa (sau đổi thành Trường Trung cấp Phật học Khánh Hòa), ngài được cử làm Hiệu trưởng suốt 5 khóa học từ năm 1990 đến năm 2011.

Năm 1993, Đại giới đàn đầu tiên doTỉnh hội Phật giáo Khánh Hòa tổ chức tại chùa Long Sơn, ngài được cung thỉnh làm Yết-ma A-xà-lê kiêm Gia trì sư tại Đại giới đàn này. Từ năm 1997 cho đến những năm sau này, ngài đều được cung thỉnh làm Yết-ma A-xàlê và Hòa thượng chứng minh tại các Đại giới đàn do Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Khánh Hòa tổ chức. Năm 1994, ngài được Hòa thượng Thích Tịnh Hạnh mời sang Đài Loan giao lưu cùng Học viện Phật giáo Viên Quang.

Năm 1998 tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc nhiệm kỳ IV (1997-2002) ngài được tấn phong Giáo phẩm Hòa thượng; năm 2002 tại Đại hội nhiệm kỳ V (2002-2007) ngài được suy cử làm Trưởng ban Nghi lễ Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Năm 1999, ngài nhận lời mời Hòa thượng Kono – Taitsu (Hiệu trưởng Trường Đại học HaNaZoNo, Kyoto) sang thăm Nhật Bản, khởi đầu mối bang giao Phật giáo Việt - Nhật trong lĩnh vực giáo dục đào tạo Tăng tài. Năm 2003, ngài sang thăm và thiết lập quan hệ hữu nghị với Phật giáo Thái Lan, được vua Sãi (Thái Lan) cúng dường Phật ngọc Xá Lợi hiện đang tôn trí tại Tổ đình Nghĩa Phương.

Năm 2004, tại Đại giới đàn Huệ Thành (I) tổ chức tại Đồng Nai, ngài được cung thỉnh làm Đàn đầu Hòa thượng. Vào các năm 2004 và 2010, Hội thảo Nghi lễ Phật giáo toàn quốc được tổ chức tại tỉnh Khánh Hòa với các chủ đề “Thống nhất và Việt hóa nghi lễ Phật giáo Việt Nam” (lần I) và “Nghi lễ Phật giáo trong đời sống tâm linh” (lần II), với cương vị Trưởng ban Nghi lễ Trung ương, ngài đều làm Trưởng Ban tổ chức. Năm 2007, với tư cách là Trưởng ban Nghi lễ Trung ương, ngài được mời chứng minh Đại trai đàn Bình Đẳng tại Tổ đình Vĩnh Nghiêm, TP. Hồ Chí Minh do Thiền sư Thích Nhất Hạnh tổ chức. Năm 2006, ngài lại được Thiền sư Thích Nhất Hạnh mời sang Pháp chứng minh Đại giới đàn Văn Lang của Đạo tràng Làng Mai.

Năm 2007, tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc nhiệm kỳ VI (2007-2012) ngài được suy tôn Thành viên Hội đồng Chứng minh, suy cử Trưởng Ban nghi lễ Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Nhiệm kỳ VIII, Hòa thượng được Giáo hội Phật giáo Việt Nam suy tôn Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh.

Tháng 5/2007, ngài được đề cử làm Trưởng Đoàn đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam tham dự Đại lễ Phật Đản Vesak tổ chức tại Thái Lan và thay mặt Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhận biểu tượng đăng cai Vesak 2008 tổ chức tại Việt Nam. Năm 2010, Đại giới đàn Cam Lộ tổ chức tại chùa Minh Thành tỉnh Gia Lai, ngài được cung thỉnh vào Ban chứng minh Đại giới đàn. Đến nhiệm kỳ 2017-2022, ngài được cung thỉnh vào Ban Chứng minh Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Khánh Hòa.

Đối với hệ phái Phật giáo Lục Hòa Tăng Việt Nam, từ năm 2012 trở đi, ngài được Môn phong pháp phái cung thỉnh làm Trưởng môn phong Tổ đình Nghĩa Phương. Sau khi Hòa thượng Thích Huệ Thành trụ trì kiêm Trưởng môn phong Tổ đình Long Thiền (Biên Hòa) viên tịch. Năm 2014, ngài được Chư Tôn đức Tăng Ni thuộc môn phong Tổ đình Long Thiền cung thỉnh ngài làm Trưởng môn phong Tổ đình Long Thiền. Năm 2016, sau khi Hòa thượng Thích Chánh Trí trụ trì kiêm Trưởng môn phái Tổ đình Hải Đức viên tịch, ngài được cung thỉnh vào ngôi vị Trưởng môn phái Tổ đình Hải Đức. Trong nhiều năm liền, tại các Trường hạ thuộc Hệ phái Lục Hòa Tăng Việt Nam, như Tổ đình Long Thạnh, Bình Chánh, TP.HCM; Tổ đình Long Thiền, Biên Hòa, Sắc Tứ Long Sơn, Nha Trang, đều cung thỉnh ngài vào ngôi vị chứng minh.

Trong suốt hơn 60 năm hành đạo, với cương vị Trưởng tông phong Tổ đình Nghĩa Phương Hòa thượng đã trùng tu tôn tạo và khai sáng nhiều ngôi già lam như: Năm 1990 Khai sơn chùa Nghĩa Sơn, Phước Đồng, Nha Trang; đại trùng tu Tổ Đình Nghĩa Phương, vào năm 1995; chùa Phước Lâm và chùa Nghĩa Phước, Diên Khánh, Khánh Hòa; Năm 2011; chùa Nghĩa Quang và chùa Nghĩa Hương, năm 2012.

Với nhiều công đức đóng góp cho đạo pháp và dân tộc, ngài được Nhà nước và Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam trao tặng nhiều danh hiệu cao quý như: Huân chương Độc lập hạng ba (năm 2011), Huân chương Đại đoàn kết dân tộc (năm 2007), Huy chương vì sự nghiệp Đại đoàn kết dân tộc (1990), Bằng khen của Thủ Tướng trao tặng về việc tích cực vận động Tăng Ni, Phật tử xây dựng Giáo hội Phật giáo Việt Nam (năm 2007) và nhiều Bằng tuyên dương công đức của Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam…

Hóa duyên đã mãn, Hòa thượng đã an nhiên viên tịch vào ngày 10/10/2017 (tức ngày 21 tháng 8 năm Đinh Dậu) thọ 84 tuổi đời, 60 hạ lạp, môn đồ pháp quyến xây bảo tháp phụng thờ tại chùa Nghĩa Sơn xã Phước Đồng thành phố Nha Trang.

Kết luận

Trên đây là chân dung và hành trạng của quý vị Tôn đức lịch sử tiêu biểu của hệ phái Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng Việt Nam, đó là quý Hòa thượng Chơn Thanh – Từ Văn (1877-1931), Lãnh đạo Hội Lục Hòa Liên Xã; Hòa thượng Thích Minh Nguyệt (1907-1985), Chủ tịch Phật giáo cứu quốc Nam Bộ, tiền thân của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng; Hòa thượng Thích Thiện Tòng (1891-1964) Đại Tăng trưởng Giáo hội Phật giáo Lục Hòa Tăng; Hòa thượng Thích Thành Đạo (1906-1977) Tổng Vụ trưởng Tổng Vụ Hoằng pháp Viện Hoằng đạo Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng Việt Nam; Hòa thượng Thích Huệ Thành (1912-2001) Tăng trưởng Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam, Tăng thống GHPG Cổ truyền; Hòa thượng Thích Minh Đức (1902-1971) Phó Chủ tịch Hội đồng chỉ đạo Trung ương kiêm Viện trưởng Viện Hoằng đạo Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng Việt Nam; Hòa thượng Thích Thiện Hương (1903-1971) Đệ nhất Phó Tăng giám Trung ương Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam (năm 1960), Tăng trưởng Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng tỉnh Thủ Dầu Một từ năm 1953 đến năm 1971; Hòa thượng Thích Trí Tấn (1906-1995) Tổng Thư ký Viện Tăng thống Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam; Hòa thượng Thích Thiện Thuận (1900-1973) Viện trưởng Viện Hoằng đạo Giáo hội Cổ truyền Lục Hòa Tăng Việt Nam; Hòa thượng Thích Thiện Hào (1911-1997) Hội trưởng Lục Hòa Phật Tử, Tổng Thư ký Giáo hội Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật Tử; Hòa thượng Thích Bửu Ý (1917-1996) Viện trưởng Viện Hoằng đạo Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng Việt Nam; Hòa thượng Thích Bích Lâm (1921-1972) Phó Viện trưởng Viện Hoằng đạo Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, Chánh Đại diện Phật giáo Cổ truyền Trung phần Việt Nam nhiệm kỳ I; Hòa thượng Thích Trí Tâm, Tổng Thư ký Viện Hoằng đạo kiêm Chánh đại diện Phật giáo Trung phần Việt Nam nhiệm kỳ II.

Các ngài đều là bậc thạch trụ tòng lâm giàu lòng yêu nước, trên bước đường dấn thân nhập thế, những đóng góp quý báu của các ngài và những thành quả đạt được đã khẳng định vai trò và vị trí của hệ phái Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng Việt Nam trong sự nghiệp xương minh Phật pháp, trong công cuộc thống nhất và xây dựng, phát triển ngôi nhà Phật giáo Việt Nam, nhất là nêu bật lên tính chủ động, bản lĩnh, uyển chuyển, diệu dụng của các ngài trong từng trường hợp đối đầu với các thế lực thù địch trong quá trình đấu tranh vì nền độc lập, tự do, hòa bình hạnh phúc cho toàn dân tộc.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lược sử Phật giáo Cổ truyền, Thích Huệ Thông.

2. Kỷ yếu HT. Minh Nguyệt.

3. Kỷ yếu HT. Thiện Hào

4. Kỷ yếu HT. Huệ Thành

5. Kỷ yếu HT. Bửu Ý

6. Lịch sử Phật giáo Bình Dương, Thích Huệ Thông

7. Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, Nguyễn Lang

8. Tiểu sử Danh Tăng Việt Nam thế kỷ XX, Thích Đồng Bổn

 


1. Chúng ta nên nhớ rằng lúc bấy giờ Phật giáo chưa có tổ chức Giáo hội nên cũng chưa từng có chức danh Tăng thống.

2. Giấy chứng nhận nhà chức trách ghi Ngài là Hòa thượng Cả.

3. Theo tư liệu trong bài “Tưởng nhớ Hòa thượng Thích Bửu Ý của Tác giả Lê Quốc Sử - nguyên cán bộ Tôn giáo vận.

4. Điều Lệ của Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam ở Điều 44 trong Chương Chín, ghi cụ thể như sau: “Đại Tăng Trưởng Sư cụ Nguyễn Thiện Tòng, Hòa thượng trụ trì chùa Trường Thạnh, số 97 đường Bác sĩ Yersin – Sài Gòn.

5. Điều Lệ của Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam ở Điều 44 trong Chương Chín, ghi như sau: “Tăng giám (Hội trưởng) ông Trần Văn Đước, Hòa thượng trụ trì chùa Phật Ấn, đại lộ Trần Hưng Đạo – Sài Gòn”.

6. Bức thư nầy hiện được lưu trữ tại Tổ đình chùa Hội Khánh, chép lại nguyên văn nội dung bức thư mà không hề có chỉnh sửa.

7. Công văn số 112/VP/TG/TƯ, phúc đáp Thượng tọa Thích Tâm Châu của Hòa thượng Tăng giám Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam (Bức thư nầy hiện lưu trữ tại Tổ đình chùa Hội Khánh).

8. Điều Lệ của Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam ở Điều 44 trong Chương Chín, ghi như sau: “Phó Tăng giám (Phó Hội trưởng) Ông Lê Minh Chánh, Hòa thượng trụ trì chùa Thiên Tôn, đường An Bình -Chợ Lớn”.

9. Theo lời kể của Hòa thượng Thích Huệ Xướng trong dịp Hòa thượng cùng phái đoàn Phật giáo miền Nam ra thăm miền Bắc và Thủ đô Hà Nội vào tháng 10 năm 1979 để trao đổi ý kiến tạo tiền đề thành lập Ban vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 23
    • Số lượt truy cập : 6795748