Thông tin

GIÁO LÝ CƠ BẢN CỦA ĐẠO PHẬT (tiếp theo)

GIÁO LÝ CƠ BẢN CỦA ĐẠO PHẬT (tiếp theo)

Tác giả: ĐẠI ĐỨC DR. WALPOLA RUHALA

Dịch giả: CHÁNH TRÍ

(Trích "Présence du Bouddhism” Đặc san tạp chí France Asie-1959)

 

Chân lý thứ hai là chân lý về nguồn gốc hay nguyên nhân của dukkha (dukkha –samudaya-ariyasacca). Nguyên nhân ấy là lòng ham muốn, tham lam, khao khát–khao khát nhục lạc, khao khát sống còn, khao khát được sống liên tục và luôn cả cái khao khát tiêu diệt. Lòng tham vô độ ấy, sự khao khát ấy mà  trung tâm điểm là sự ngộ nhận về cái "ta", là một sức mạnh ghê gớm, nó lôi kéo cả kiếp sanh tồn. Ai ai chắc đều nhìn nhận rằng lòng ham muốn ích kỷ là nguyên nhân của tất cả tai vạ ở đời, từ những phiền não riêng tư cho đến những ác chiến giữa dân tộc này với dân tộc khác. Nhưng không phải dễ mà tỉnh nhận rằng sở dĩ có sinh ra ở đời, sở dĩ con người kéo dài kiếp sống là tại con người ham muốn, và có ham muốn là vì tại con người lầm tin ở cái "ta".

Chân lý thứ ba là chân lý về sự diệt dukkha (dukkha-nirodha-ariyasacca). Sự diệt khổ này đại khái được biết dưới danh từ Pa-li Nibbàna (Phạn ngữ: Nirvàna – Hán văn: Niết-bàn). Muốn tận trừ dukkha, phải nhổ hết gốc rễ, là sự khao khát. Bởi lẽ này mà Niết-bàn còn được gọi bằng một tên khác là tanhakkhaya, có nghĩa là "diệt dục". Niết-bàn cũng có khi được gọi là Chân lý cứu cánh, là cứu cánh Thực thể. Đức Phật dạy : "Này các Tỳ-khưu, Niết bàn là Thực thể, là cứu cánh Chân lý cao cả" (1). Ở chỗ khác, Đức Phật nói ; "Này các Tỳ-khưu, ta sẽ đem Chân lý dạy các người, và chỉ cho các ngươi con đường dẫn đến Chân lý " (2).

Vậy thế nào là Niết-bàn? Câu trả lời hợp lý duy nhất là không thể nào đáp lại câu hỏi này một cách đúng đắn và thỏa mãn được. Ngôn ngữ của con người quá nghèo nàn để diễn tả cái chân tánh của Chân lý tuyệt đối, của Chân lý cứu cánh, tức là của Niết-bàn vậy. Không một tiếng nói nào tương xứng để trình bày cái kinh nghiệm hay thực chứng Niết-bàn. Ngôn ngữ chỉ là những ký hiệu để phô diễn những sự vật, những ý niệm tầm thường, lắm khi lại còn không đủ khả năng bày tỏ cái mặt thật của sự vật ở đời, hà huống diễn đạt Chân lý. Về phương diện này, ngôn ngữ thật là lừa dối và làm cho chúng ta thất vọng. Kinh Lăng Già có câu "Phàm phu ngu kế trước, như tượng nịch thâm nê" (kẻ ngu dốt bị kẹt trong danh ngôn, như voi sa lầy). Do đây, trong một vài tông phái, như trong Thiền tông chẳng hạn, có nhiều câu nói chướng tai, nghịch thường mà dụng ý là làm cho người nghe phải đoạn mọi quyến luyến với danh ngôn, từ ngữ.

Tuy nhiên, không nói không được, không dùng danh ngôn, từ ngữ không được. Nhưng nếu chúng ta toan dùng lối nói xác thực để giải thích hay chỉ để phô diễn thôi cái thực chứng Niết-bàn, thì chúng ta sẽ gặp cái nguy và gây một ý niệm có thể ngược hẳn lại với sự thật mà ta muốn nói. Vì vậy, người ta thường dùng những danh từ phủ nhận, là một phương pháp ít nguy hiểm hơn. Thí như nói diệt dục (tanhakkhaya), tuyệt dục (viraga), tịch diệt (nirodha), chót hết là Niết-bàn (Nibbàna) với nghĩa là "thổi tắt ngọn lửa tham, sân, si" (3). Trong Kinh có câu: "Trong Niết-bàn, không còn có tứ đại: địa, thủy, hỏa, phong; những quan niệm về dài vắn, vi thô, thiện ác, danh sắc, đều bị hoàn toàn tiêu diệt; cả đến những quan niệm thế, xuất thế, vãng lai, sinh tử, sắc trần cũng không còn" (4).

Dựa trên các thực chứng Niết-bàn, Đức Phật đã nói: "Này các Tỳ-khưu, có một trạng thái không sanh không biến dịch, không đối đãi, không uẩn tập. Nếu không có cái trạng thái không sanh, không biến dịch, không đối đãi, không uẩn tập như thế, thì không có lối thoát cho các hữu sanh, hữu biến dịch, hữu đối đãi, hữu uản tập. Bởi cái trạng thái ấy có, cho nên mới có lối thoát cho cái hữu sanh, hữu biến dịch, hữu đối đãi, hữu uẩn tập" (5)

Vì Niết-bàn được diễn tả bằng những danh từ phủ nhận (6) cho nên rất nhiều người quan niệm sai lầm, cho Niết-bàn có nghĩa là tiêu diệt, là tắt mất. Nhưng đâu phải vì chỗ dùng những danh từ phủ nhận mà Niết-bàn trở thành có nghĩa là không ngơ, là tiêu mất. Trái lại, lắm khi trên ngôn ngữ thì nói "không", mà tựu trung là để chỉ những cái gì hết sức là thật "có". Chính vì thế mà danh từ "bất diệt" (amata) cũng được dùng đồng nghĩa với niết bàn. Nói về sức khỏe, tiếng Pa li và tiếng Phạn có danh từ àrogya mà nghĩa đen là "không có bệnh". Mà àrogya nào có chỉ một trạng thái tiêu cực đâu! Lại nữa, một trong những danh từ đồng nghĩa với Niết bàn há không có danh từ "giải thoát" (multi) sao? Đố ai dám bảo rằng tự do, tự tại là một cái gì tiêu cực, dù rằng trong cái khái niệm tự do, giải thoát, có hàm chứa cái ý phủ nhận mọi câu thúc, hay mọi nguy hại. Đối với danh từ Niết-bàn cũng thế, Niết-bàn là tự do hoàn toàn, là giải thoát mọi khổ ách, là thoát ly tam độc, tham, sân, si, là xuất tam giới, không bị không gian và thời gian chi phối.

Niết-bàn ở ngoài vòng luận lý, suy lý. Thường chúng ta hay đem vấn đề Niết-bàn ra luận giải một cách say sưa – say sưa như những kẻ miệt mài với những thú tiêu dao – nhưng nên biết, không phải với lối ấy mà chúng ta có thể hiểu được cái Chân lý cứu cánh hay cái Thực thể bất sinh bất diệt là Niết-bàn đâu. Một trẻ con ở cấp tiểu học không bao giờ tranh luận về thuyết tương đối. Tuy nhiên, nếu cố công đèn sách, một ngày kia nó có thể hiểu thuyết ấy. Niết -bàn "là một thực chứng ở nội tâm của bậc Thánh triết (paccattam veditabbovinnuhi). Nếu chúng ta kiên tâm trì chí noi theo Thánh đạo, nếu chúng ta chí thành tu tập, nếu chúng ta một mực thanh tịnh thân tâm, nếu chúng ta đạt đến mức tri kiến cần thiết chúng ta sẽ có thể thực chứng Niết-bàn ở tự tâm, mà không cần luận bàn, giải thích gì hết.

Bây giờ xin nói về con đường dẫn đến chỗ thực chứng Niết-bàn. Đây là Chân lý thứ tư hay Đạo đế (dukkhanirodha-gaminipatipadà-ariyasacca). Chân lý này cũng có tên là "Trung đạo" (Majjhimà patipadà) vì nó tránh hai cái thái quá, một là tìm hạnh phúc trong dục lạc, là con đường hèn hạ, tầm thường, vô bổ của thế tình; một nữa là sự tu hành ép xác, đau khổ mà cũng không lợi lạc gì. Tránh hai cái cực đoan ấy, Đức Phật đã tìm ra con đường ở "chặng giữa" là con đường đưa đến chánh kiến, chánh biến tri, thanh tịnh, nội quán, giác ngộ và Niết-bàn. Người ta thường gọi con đường này là "Bát Chánh đạo" (arya-atthangika-magga) vì nó gồm tám yếu tố là : Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh định và Chánh tuệ.

Để hiểu rốt ráo thế nào là Bát Chánh đạo, chúng tôi sẽ thay lối định nghĩa từng cái "Chánh" một, bằng lối giải thích theo ba nguyên tắc mà người tu học phải noi theo, và như thế thiết nghĩ ích lợi hơn. Ba nguyên tắc ấy (Tam vô lậu học) là: Giới (sìla), Định (samàdhi), và Tuệ (panna ou prajna = Bát nhã).

Cái ý niệm về giới luật của Phật giáo được xây đấp trên lòng từ bi vô lượng bao quát tất cả chúng sanh, vì Phật giáo "dĩ từ bi vi bổn". Thật là một sự sai lầm đáng tiếc và nguy hiểm mà nhiều học giả đã phạm đến khi, viết bàn đến Phật giáo, họ quên lửng cái căn bản từ bi ấy và chỉ thích đứng về mặt triết lý và siêu hình mà luận giải một cách lạt lẽo lạ lùng. Đức Phật thuyết pháp là "vì sự  lợi lạc của đa số, vì hạnh phúc của đa số, vì lòng lân mẫn đối với thế gian" (bahujanahitàya, bahujanasukhàya, lokànukampàya). Muốn thành tựu viên mãn, cần phải BI TRÍ SONG TU. Bi bao hàm nhiều nghĩa như lòng thương xót, lòng thiện, lòng dung hòa và những đức tánh khác thuộc loại tình cảm, còn Trí là tiêu biểu cho phần thông minh. Nếu chỉ phát huy tình cảm mà bỏ bê trí tuệ, con người trở thành ngu muội, còn nếu chỉ trưởng dưỡng trí tuệ mà bỏ bê con tâm thì dễ mà trở thành một người đa văn quảng kiến nhưng lòng dạ khô khan, cứng như sắt đá. Bởi vậy, muốn viên thành Phật đạo, phải đồng thời phát triển Bi Trí một mực. Chính đó là mục đích của công phu tu tập và cũng vì lẽ này mà một người Phật tử chân chính, là người văn như thị, quán như thị, mới đem lòng thương xót tất cả chúng sanh, nghĩa là không riêng thương loài người mà thương tất cả mọi loài sanh sống.

Như chúng ta vừa thấy, trong cái ý niệm giới luật, căn cứ trên tâm từ bi, có hàm chứa ba yếu tố của Bát Chánh đạo là Chánh ngữ, Chánh nghiệp và Chánh mạng.

Chánh ngữ có nghĩa là: 1/ Chỉ nên nói thật mà thôi và phải tự cấm mọi lời nói dối; 2/ Chỉ nên nói những lời dễ gây niềm thương mến, tình bằng hữu, và sự hòa hợp giữa từng cá nhân hoặc giữa từng nhóm người, và đừng nói một lời nào có thể gây sự thù hằn, xích mích, ly tán hay bất hòa; 3/ Phải nói êm dịu, lễ phép, dùng những tiếng êm tai, và đừng bao giờ nói những điều cộc cằn, thô lỗ, vô lễ hay xúc phạm có thể làm cho người khác phải đau khổ; 4/ Rốt hết là chỉ nên mở miệng để nói những điều hữu ích, lợi lạc và ý nghĩa và đừng nên phí thời giờ nói chuyện tào lao và khinh suất.

Chánh nghiệp là: 1/ Tự cấm sát sanh, trộm cắp, tà dâm; 2/ Giúp người khác sống an vui một cách chánh đáng.

Còn Chánh mạng, phải hiểu là: 1/ Tránh sanh phương bằng những nghề có hại cho kẻ khác như buôn bán khí giới, rượu mạnh, thuốc độc, hàng heo hàng bò, cờ gian bạc lận, v.v...; 2/ Chỉ nên sống bằng một nghề không chỗ trách và không làm hại kẻ khác. Như vậy thấy rõ Phật giáo chống hẳn chiến tranh vì Phật giáo cấm việc buôn bán khí giới là một nghề xấu xa và bất chánh.

Ba cái Chánh ngữ, Chánh nghiệp và Chánh mạng vừa kể là giới luật, là nền luân lý của Phật giáo, không có ba yếu tố đó thì vô phương tiến triển trên đường đạo đức.

Kế tiếp là sự tu dưỡng về phần tâm trí. Phần này cũng gồm ba yếu tố là Chánh tinh tấn, Chánh niệm và Chánh định.

Chánh tinh tấn là chí quả quyết:1/ Tránh sự tái phát của mọi tư tưởng xấu xa và dơ bẩn, bất tịnh; 2/ Diệt trừ mọi tư tưởng xấu xa và bất tịnh đang chiếm lòng mình; 3/ Làm phát sanh những tư tưởng lành đẹp; 4/ Phát huy, tăng trưởng và kiên cố những tư tưởng lành sạch sẵn có nơi mình.

Chánh niệm là luôn luôn để ý: 1/ Đến thân mình; 2/ Đến những cảm giác; 3/ Đến nội tâm; 4/ Đến mọi sự mọi vật.

Pháp môn Sổ tức (đếm hơi thở) là một trong những lối tập luyện trọng yếu để rèn Chánh niệm đối với cơ thể, vật chất. Ngoài ra còn nhiều pháp môn khác nữa.

Về cảm giác, chúng ta cần phải sáng suốt nhận thức vì chúng ta có nhiều hình thức, ẩn hiện không chừng nơi ta.

Đến như tâm ta, thì lại càng cần nhận rõ mỗi sự động – tịnh : ta đã giải thoát hay còn bị cái tham lam, giận hờn buộc trói, ta có đánh lừa ta không, ta có lạc lối nghĩ sai không, ta đãng trí hay chăm chú v.v... Đó là những tâm niệm của con người, nếu chú ý dò xét, chúng ta sẽ biết được tại sao chúng phát sanh và chúng biến diệt.

Đối với vạn pháp (mọi sự mọi vật) cũng thế: cần phải biết tự tánh của chúng, rõ lẽ sanh diệt, biến dịch của chúng v.v...

Bốn lối thiền quán vừa nói có giải rõ trong Kinh Satipatthàna.

Điểm thứ ba và cũng là điểm chót của sự tu tâm là Chánh định con đường đưa đến Tứ thiền (dhyàna). Trong Sơ thiền những niệm ái dục và bất tịnh bị đánh bạt, chỉ còn những cảm giác an lạc và một vài mối động khác (tâm sở). Đến đệ Nhị thiền, tất cả mọi tâm niệm đều tận diệt, tâm an thần định, nhưng còn nhận thấy cái thư sướng an lạc. Đến đệ Tam thiền, cái lạc cảm mất rồi, nhưng cái tự thấy thư sướng vẫn còn. Đến đệ Tứ thiền,  không còn cảm thấy buồn vui, khổ lạc gì nữa, mà chỉ là một sự vắng lặng thanh tịnh và một Chánh định hoàn toàn.

Nhờ Chánh tinh tấn, Chánh niệm và Chánh định mà trị được tâm là thế.

Từ trước đến đây, chúng ta đã xem qua sáu cái Chánh thuộc về Giới và Định. Bây giờ chúng ta nói đến hai cái còn lại là Chánh tư duy và Chánh kiến. Có hai thứ Chánh này là có Bát-nhã (Trí tuệ).

Chánh tư duy là chỉ những tư tưởng từ bi, hỷ xả, không mê luyến vật gì nữa hết dầu là thân mạng của mình cũng vậy, là những tư tưởng từ bi đối với nhất thiết chúng sanh. Đặt những tư tưởng quên mình, từ ái, bi mẫn vào phạm vi trí tuệ là điểm nên chủ ý vì là rất quan trọng và thú vị. Đặt như thế, phải chăng Phật giáo dạy rằng trong Trí tuệ có Từ, Bi, Hỷ, Xả; và mọi mê đắm, chấp trước ích kỷ, sân hận, bất thiện đều do thiếu trí tuệ mà sanh ra ở thế gian, bất luận trong đời sống riêng tư xã hội hay chánh trị.

Chánh kiến là sự vật như thế nào phải thấy, phải biết như thế ấy (như thị). Sự vật như thế nào, tứ Thánh đế đã giải cho thấy như thế ấy, vậy ra Chánh kiến không gì khác hơn là sự hiểu biết bốn Sự Thật của Phật dạy. Hiểu được là đắc trí tuệ, là đạt đến chỗ cứu cánh Thực tướng.

Theo Phật giáo, có hai thứ thấy biết (tri kiến). Cái mà chúng ta quen gọi là tri kiến chỉ là những cái thấy biết do tâm thức tạo ra, căn cứ trên tình cảm, vì vậy gọi là "duyên thức" (anubodha). Cái hiểu biết thật sâu xa phải "thâm diệu" (pativedha). Sự thâm nhập ấy chỉ có được khi tâm đã được hoàn toàn thanh tịnh và được thiền định làm nảy nở triệt để.

Bài lược giải đại cương này chỉ cho chúng ta thấy rằng Phật giáo không phải là một hệ thống tín điều hay một chủ trương tín ngưỡng nhắm mắt, mà là một phương pháp đầy đủ giúp mọi người tự chứng chân ngã, tự giải thoát mọi hệ phược, nhờ sức tự tu tự tỉnh trên ba phương diện lý luận, tâm linh và trí tuệ.

(Trích tạp chí Từ Quang số 92, tr. 20-23, Sài gòn tháng 9 năm 1959;  số 93, tr. 9-12, Sài gòn tháng 10 năm 1959)


Chú thích:

(1) Majjhima-nikâya, III.

(2) Samyutta-nikâya IV

(3) Kinh Samyitta-nikâya, IV

(4) Kinh Digha-nikâya, I

(5) Kinh Udâna

(6) Có hai lối định nghĩa hay giải thích sự vật. Như hỏi sức khỏe là gì ? Nếu trả lời : Sức khỏe là trạng thái của người ăn ngon, ngủ được, có khả năng làm việc suốt ngày. Đó là lối đáp khẳng định (positif). Nhưng cũng có thể nói : sức khỏe là không đau, và như thế là dùng lối phủ nhận (negatif). Khó mà nói Niết-bàn là gì, cũng như khó mà định nghĩa chữ tự do một cách quả quyết, khẳng định, vì vậy nên phải dùng lối phủ nhận, nghĩa là nói ngược lại cái mà người hỏi muốn biết. Niết-bàn đâu phải là vật có hình có tướng mà có thể nói nó như thế này, thế nọ một cách quả quyết được. Chỉ là một danh từ để chỉ một cái gì ngược lại với đời.

Vạn vật trên trần thế đều có sanh diệt : không sanh không diệt gọi là Niết-bàn. Vạn vật đều do nhân duyên hòa hợp mà thành : không  do nhân duyên hòa hợp mà có là Niết-bàn. Vạn vật đều biến dịch: không biến dịch là Niết-bàn. Mới nghe thì Niết-bàn hình như toàn là một đống "không ngơ", nhưng thật ra nào phải vậy. Thí như định nghĩa chữ tự do bằng câu : tự do là không bị ràng buộc. Vậy có vì chữ không mà ta phải hiểu rằng tự do là một cái gì "không ngơ"? không. Tự do là một cái gì có thật, từ chỗ không bị trói buộc mà ra. D.G.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 17
    • Số lượt truy cập : 6116057