Thông tin

GIÁO LÝ CƠ BẢN CỦA ĐẠO PHẬT

GIÁO LÝ CƠ BẢN CỦA ĐẠO PHẬT

 

Tác giả: ĐẠI ĐỨC DR. WALPOLA RUHALA

Dịch giả: CHÁNH TRÍ (Trích " Présence du Bouddhisme", 

Đặc san tạp chí France Asie – 1959)

 

Sinh sống ở Ấn  Độ   trong thế kỷ thứ sáu trước  Tây  lịch, Đức  Phật  là người duy nhất, trong hàng các vị Giáo Chủ không tự xưng là Thiên  sứ. Sự tu chứng  của Ngài và tất cả những  gì Ngài  đã thực hiện được, ngài đều quy vào sức cố gắng  và trí thông tuệ thông thường của một người ở thế   gian. Một người của thế gian, nhưng là một người hết sức trọn  lành, thành ra đời phải kính Ngài  là một bậc siêu phàm. Tuy nhiên, Phật  đạo  vẫn  là con đường của thế nhân. Thật vậy, theo giáo lý nhà Phật, con người  có quyền  tự chủ độc nhất và không có một Đấng  tối cao nào cầm quyền  định  đoạt  số phận của con người. Đức Phật hằng khuyến  khích các hàng  đệ tử phải  "tự quy y" và đừng  bao giờ đi tìm quy y hay nương tựa vào một người nào khác(1).  Ngài dạy bảo, khích lệ mỗi người  tự phát triển trọn vẹn và cố tự giải  thoát  lấy mình, vì con người có đủ quyền   năng  đem sức  mạnh cởi  mở  cho mình. Ngài nói: "Các ngươi phải tự tu tự tỉnh, chư Như Lai chỉ  là những người chỉ đường mà thôi"(2).  Nếu Đức Phật đáng được  tôn xưng là Đấng "cứu thế", nên hiểu là chỉ  vì Ngài  đã tìm ra Con Đường đưa đến giải thoát. Nhưng muốn giải thoát, con người phải ra công  lần dò trên  Con Đường ấy.

Vì các nguyên  tắc tự cứu tự độ đó mà Đức Phật  để cho các hàng   đệ tử tự  do lo lấy phận  mình. Ngoài đạo Phật ra, chưa thấy trong lịch  sử tôn giáo,  ở  đâu  có sự khoan dung và tự  do tư tưởng như trong giới nhà Phật.  Bởi vậy chưa hề  có một sự ngược đãi với người  đạo  khác  và cũng  chưa hề có một giọt máu đổ suốt  2.500 năm  lịch  sử, dù rằng  Phật  giáo đã lan tràn một cách êm thắm khắp miền Á Đông  và hiện  có trên  500 triệu tín đồ. Đức Phật gần như bắt buộc  các hàng  đệ tử đừng  nhìn nhận bất cứ một điều  gì vì lòng tin tưởng ở cổ  lệ,  ở tôn giáo, ở giáo lý của một  kinh điển hay của một ông thầy,  mà chỉ nhìn nhận khi nào đã hiểu  và đã thật  là tâm đắc(3). Ngài quả quyết không nên để tâm tánh bị lệ thuộc  và cũng không  thể dùng một vài quy tắc kỷ luật và máy  móc mà dồn nét Ánh sáng Chân Lý vào đầu óc của một người  dẫn dạy  nhưng đần độn, không  có khả năng tự mình suy xét.

 

Đức Phật không  thích đề cập đến những  vấn đề siêu hình vô bổ hay những cuộc biện luận ngoài môi, là việc  làm  của những tâm hồn còn xao xuyến.  Bàn luận như thế không  dẫn đến đâu mà còn tạo  một sự trù trừ bất quyết,  làm nảy sinh nhiều  rắc rối toàn do tưởng tượng  mà ra chứ không  thực  có, khiến  cho tâm hồn dễ mất sự an tĩnh. Ngài là một vị Giáo chủ thực  tiễn, chuyên lo có một việc  là giải thoát  con người, làm cho con người được sống trong hạnh phúc, an lạc. Ngài  chỉ sẵn sàng  luận  giải về những  vấn đề liên quan đến mục đích ấy thôi. Trong hàng đệ tử của Đức Phật, có ông Malunkyaputta. Ông có nhiều thắc mắc tự ông không giải quyết được,  dù đã nát óc suy tìm; ông đem ra hỏi Thầy,  Thầy  của ông cũng không  giải thích một cách thỏa mãn được.  Một hôm, ông đem một vài thắc mắc ấy ra hỏi Phật  và xin Phật giải đáp dứt khoát.  Thí dụ ông hỏi: "Thế giới là bất diệt  hay không  bất diệt? Thế giới có chỗ khởi  thỉ hay không? Thân và tâm là hai vật khác nhau hay là một? Sau khi tịch diệt, Như lai sẽ như thế nào? v.v.."

Đức Phật không trả lời ngay mà dùng một thí dụ:

"Có một người bị trọng  thương vì một mũi tên độc. Anh em, cha mẹ lật đật rước thầy đến chữa.  Nhưng người bệnh bảo: Đừng, đừng động  mũi tên. Trước  khi thầy  rút tên ra và băng   bó vết thương, tôi muốn  thầy nói cho tôi biết coi ai đã bắn tôi, người  ấy tên gì, thuộc giai cấp nào, nhà cửa ở  đâu, vóc vạc  lớn hay bé, nước da như thế nào, đã dùng  thứ cung ná nào,  v.v..? Thầy hãy trả lời tất cả các câu  hỏi ấy đi rồi mới được  săn sóc tôi"(4).

Chắc chắn người bệnh  ấy phải chết trước khi những  câu hỏi vừa kể được  giải đáp. Điều cần kíp cho anh, đâu phải những lời giải đáp,  mà là thuốc  men. Những điều cần kíp cho con người cũng thế: đừng bận lòng về những  vấn đề vô ích, mà cố tiến bước trên con đường đưa đến tự tại, an lạc  và hạnh phúc.

***

Giáo   lý cơ bản  của  đạo Phật nằm gọn trong bốn Chân  lý cao cả (cattari ariyasaccani: Tứ Diệu  Đế hay Tứ Thánh  Đế) là:

1- Dukkha (Khổ đế). 2- Samudaya (Tập đế) nguyên  nhân của Dukkha. 3- Nirodha (Diệt  đế) sự ngừng  dứt của Dukkha và 4- Magga (Đạo đế) con đường dẫn đến sự diệt Dukkha.

Cái  Chân   lý thứ nhất  (Dukkha-ariyasacca) đại khái được toàn thể các nhà bác học  dịch là: Cái  Chân   lý cao cả về Sự Khổ,  làm cho con người ta phải ngầm  hiểu rằng,  theo Phật giáo,   có sống  là có đau có khổ. Lối diễn  dịch  ấy không  được đúng  lắm  và chỉ làm  cho người ta sai lạc. Chính vì đây  mà nhiều người lầm, cho Phật  giáo  là một  nền  giáo  lý bi quan. Sự thật, Phật giáo không  bi quan mà cũng không  lạc quan. Phật giáo hoàn toàn đứng ở cái  gốc   hết   sức  là thực  tế mà nhìn đời sống  và thế giới. Mà sự thật,  lắm khi không được tươi đẹp như chúng ta mong. Nhưng Phật giáo khách quan mà xét nhận,  dù điều  ấy có làm  cho chúng ta vui lòng hay phẫn ý  cũng vậy. Phật giáo không kiếm cách ru ngủ chúng ta bằng  ảo vọng, Phật giáo cũng không  cố dìm chúng ta xuống  cái trũng hồi hộp của mọi  thức sợ hãi và tội lỗi tưởng tượng. Chúng ta như thế nào, cuộc đời như thế nào, Phật giáo khách quan (yathabutam = như thị)  mà nói như thế, Phật giáo chỉ đường  cho chúng ta đi đến chỗ tự tại hoàn toàn, đi đến chỗ an lạc, tịch tĩnh, hạnh phúc.

Một bác sĩ có thể, bệnh  ít nói nhiều   và từ chối không chịu cho thuốc. Trái lại, một bác sĩ khác có thể,  vì thiếu  tài, nói rằng bệnh nhân không đau gì hết, không  cần uống thuốc và đánh lừa con bệnh bằng những lời vỗ về thất thiệt.  Cứ xét hai trường hợp  ấy đủ thấy:  ông trước  thì bi quan, ông sau thì lạc quan, cả hai đều nguy hiểm như nhau. Nhưng ông thứ ba lại không thế, ông kỹ lưỡng  xem xét các chứng,  lên bệnh  án một cách đúng đắn rồi, sau khi định  rõ nguyên nhân và loại  bệnh,  ông quyết ý đầu thang, con bệnh  uống  vào là khỏi,  Đức Phật  giáo  như vị bác sĩ thứ ba này.  Ngài  là bậc  vô thượng y vương liễu vị trị các bệnh thế gian.

Quả thật, danh từ  Pa li dukkha (Phạn ngữ: duhkha) thông thường   có nghĩa là "khổ thống", là "đau đớn",  là "khốn khổ", ngược lại với danh từ sukha, có nghĩa là"hạnh phúc", "an nhàn". Nhưng trong văn  cú của Thánh   đế thứ nhất,  danh từ  dukkha được dùng theo nghĩa triết học, vì vậy hàm chứa một ý  nghĩa rộng  rãi hơn nhiều. Ở  đây, ngoài  cái nghĩa hiểu  nhận  là đau khổ, danh từ dukkha còn bao quát những khái niệm thâm trầm hơn về cái lẽ vô thường, không vô ngã, xung khắc.  Vậy thấy rõ không  thể nào tìm ra một danh từ khác  đủ nghĩa bằng danh từ dukkha trong văn  cú của đệ nhất Thánh  đế.

Phật giáo không chối cãi rằng trong đời không có hạnh phúc. Trái lại, Phật giáo nhìn nhận  có nhiều  thứ hạnh  phúc, vật chất và tinh thần,  mà kẻ tại gia cũng như những người xuất gia đều hưởng được. Nhưng những hạnh  phúc ấy không  lọt khỏi vùng dukkha. Dù  ở những bậc tham thiền  nhập  định  tới trình độ cao nhất đi nữa, mà tâm trạng được hoàn toàn thanh tịnh, hoàn toàn giải thoát mọi thống khổ, theo nghĩa thông thường và được xem như một trạng  thái an lạc  khó tả, dù trong chánh định là lúc mà tâm không  còn thấy khổ, thấy sướng,  luôn luôn bình đẳng, luôn luôn  sáng  suốt,  tất cả những "thiền duyệt"(5)   ấy cũng  còn kẹt trong vòng dukkha. Còn kẹt, vì còn bị chi phối, vì còn chịu luật biến dịch, vì vô thường, vì vô ngã.

Cái khái niệm  về dukkha có thể xét nét dưới  ba quan điểm:

1- Quan điểm khổ (dukkha-dukkhatà), 2- Quan điểm biến dịch (viparinama-dukkhatà), 3- Quan  điểm duyên khởi,  uẩn  tập (sankhara-dukkhatà).

Tất cả những hình thức đau khổ gặp trên bước thế đồ, nhưng những đau khổ thuộc  về sanh, già, bệnh,  chết,  tất cả những  gì thuộc  về các cảnh  đứt ruột nát lòng,  như thương mà phải lìa, muốn mà không  được,  lại như những phút sầu muộn, cực lòng, nguy khốn,  nói tóm lại,  tất cả những  gì mà toàn thể nhân loại đồng ý công  nhận  là đớn đau, đều nằm trong dukkha, dưới cái quan điểm  thứ nhất là khổ.

Một tình trạng thích ý, một  địa  vị sung sướng  có bao giờ lâu dài. Chẳng sớm thì muộn, phải có sự thay đổi. Những cái ấy mà mất đi thì tránh sao khỏi buồn rầu, đau khổ. Sự biến thiên  ấy cũng nằm trong dukkha, dưới cái quan điểm biến dịch.

Cái hình thức thứ ba của dukkha, dưới quan điểm uẩn tập, đòi hỏi vài giải thích. Muốn  hiểu thế nào là uẩn tập, cần phải phân  tách cái mà chúng  ta quen xem như một "vật",  một "cá nhân",  cái mà chúng  ta gọi  là "ta". Tất cả những  cái ấy, theo Phật  giáo,  chỉ là một sự kết hợp của nhiều năng lực luôn luôn biến dịch, trong đó người ta nhận thấy có năm khối chồng chất, tập hợp  mà thành  (pancakkandha  = ngũ uẩn). Đức Phật dạy : "Nói  tắt, năm  uẩn ấy là dukkha". Thật  vậy, cần phải nhận  rõ rằng dukkha và năm uẩn không phải riêng khác nhau, mà năm uẩn  là dukkha vậy. Chúng ta sẽ hiểu  rõ lẽ này hơn, nếu chúng ta tìm xét coi năm  uẩn  ấy là gì, năm uẩn mà sự tổng hợp  kết thành  cái mà chúng ta đồng ý gọi một "vật".

Uẩn  thứ nhất  (rùpakkhanda = sắc uẩn) thuộc về vật chất. Triết học Phật giáo dùng danh từ này để chỉ bốn  yếu  tố trọng đại  (tứ đại), là ba yếu  tố bền chặt (địa), yếu tố lỏng  chảy  (thủy), yếu  tố tinh lực (hỏa)  và yếu tố lay động (phong), luôn  cả những cái tùy thuộc  của bốn yếu tố ấy. Những  tùy thuộc  này gồm có năm giác quan vật chất, lấy mắt, tai, mũi, lưỡi và thân làm cơ sở, luôn cả những  đối tượng  của những  giác quan ấy  ở ngoại cảnh là: Những  hình tướng mắt thấy, tiếng tăm, mùi vị, những vật đụng  chạm  và những vật do tâm thức hình dung (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp).  Vậy sắc uẩn bao gồm trọn  vẹn  cái cảnh giới vật chất,  sắc tướng  của thân  và tâm.

Uẩn thứ nhì (vedenàkkhandha = thọ  uẩn)  là khối cảnh giác, gồm  tất cả những cảnh giác của chúng ta, bất luận lạc hay khổ, hoặc không  lạc mà cũng không  khổ, do sự tiếp xúc của những giác quan với ngoại  cảnh làm nảy sanh, như khi mắt tiếp xúc với hình dáng, tai tiếp xúc với tiếng  tăm, mũi tiếp xúc với các thứ mùi, lưỡi tiếp xúc với các thứ vị, thân tiếp xúc với những  rờ đụng được và chốt hết khi ý thức  (mà  tâm  lý học Phật giáo xem như giác quan thứ sáu) tiếp xúc với những  vật tưởng  tượng. Vậy tất cả những  cảm giác thuộc  về thể xác và tâm thức đều xếp vào cái uẩn thứ nhì này.

Uẩn  thứ ba (sannakkhandla  = tưởng   uẩn)  là khối  của  tư tưởng, do sự tiếp xúc với ngoại  cảnh mà phát sinh, giống như những cảm giác.

Uẩn thứ tư (sankhàrakkhandha = hành uẩn) là khối của những hành động trong tâm  thức,  hoặc  thiện  hoặc  ác và có thể tạo những hậu quả về mặt nghiệp  báo. Như sự chú ý (manasikàra), ý   chí (chanda),  quyết  định (adhimokkha),  tin cậy (saddhà), định ý  (samàdhio), trí tuệ (pannà),  trí lực (viriya), tham lam (raga), sân hận (patigha), kiêu mạn (màna), ngã kiến, ngã chấp (sakkàyaditthi), v.v.. Tâm   lý học Phật giáo phân tích có 52 thứ hành  động  của tâm thức mà tổng số kết thành  hành  uẩn.

Uẩn thứ năm  (vinnànakkhandha = thức uẩn)  là cái khối  của tâm thức hay tri thức. Tri thức  là một  phản  ứng,  là một  lời đáp, lấy mắt, tai, mũi, lưỡi, thân  và ý làm cơ sở (căn)  và lấy một hiện tượng  bên ngoài làm đối tượng  (trần).  Nhãn thức (cái biết bằng mắt), thí dụ,  lấy mắt làm "căn"  và lấy một hình dáng thấy được làm "trần".  Những cái thức ấy của các "căn"  khác cũng thế.


Đại  khái,  năm  uẩn là như vậy.  Cái mà chúng  ta quen gọi một"vật", một"người" hay "ta" chỉ là một  cái danh đặt ra để chỉ cái khối  năm  uẩn  ấy mà cơ cấu  có thể  như một thế này hay như một thế khác. Năm uẩn này vô thường  vì nằm trong cái dòng  sinh, diệt triền  miên,  bất đoạn. Một  vật này mất, để làm duyên  cho một vật khác sinh ra, sinh diệt, diệt sinh kết thành  một tràng  nhân  quả liên tục.  Tất cả những  cái sinh diệt, diệt sinh ấy ví như một bức màng  mà phía sau không có một cái gì có thể  gọi  là "chủ tể" thường còn (àtman),  là một cá tánh;  không   có gì, chân chính mà nói,  đáng  gọi là"ta". Vật  chất  là "ta" ư? Cảm giác, tư tưởng   là "ta" ư? Những tính toan lo nghĩ, những  cái biết bằng  mắt, bằng  tai v.v.. là  "ta" ư? Không, trong tất cả những  cái ấy, không  một cái nào đáng gọi thực là "ta". Lúc nào những  khối vật chất và tình thức (chỉ năm uẩn) cùng nhau tương giao tương hợp trong cái máy thân tâm  ấy thì ý  niệm "ta" nảy sinh. Nhưng đó là một  ấn  tượng (impression) sai lầm. Cái "ta" hư phù (apparent)  ấy, thật ra, không gì khác hơn là một  ý  niệm (idée), là một  trong 51 cái "tâm  sở" mà các nhà tâm  lý học  tinh vi của Phật  giáo đã tìm thấy khi phân tách cái khối "hành  uẩn".  Toàn thể năm uẩn, mà ta xem như là một  vật,  là dukkha với cái nghĩa là những trạng thái duyên  khởi (sankhàra-dukkhatà).  Không có  "vật" nào,  không   có "chủ tể" nào đứng  phía sau năm  uẩn  để thọ dukkha (khổ).  Nói một cách khác,  không  có người  tư tưởng đứng  sau tư tưởng,  không   có tâm  vương đứng  sau tâm  sở. Chính tư tưởng  là người  tư tưởng, chính tâm  sở là tâm  vương đó. Lấy  tâm sở đi, không  còn tâm vương. Cái quan niệm này của Phật  giáo  thật  là trái hẳn với câu:  'Tôi  tư tưởng, vậy thời có tôi" của Descartes.

Cái  chân  lý về dukkha là vậy.  Chân  lý ấy không   mảy  may làm cho đời sống  người  Phật  tử  buồn  thảm,  ảo não như một số người lầm tưởng.  Một đệ tử chân  chính của Phật, trái lại, người hết sức sung sướng trên thế gian: Không sống trong sợ sệt, âu lo, luôn luôn bình thản, an nhàn, không xao động trước những biến cố, không  thất kinh tán đảm trước tai họa, "vì như thị" mà nhìn mà nhận vạn vật. Đức Phật trọn  đời không  biết buồn là gì. Các người  đồng  thời với Ngài đều nói rằng  lúc nào cũng thấy Ngài với "nụ  cười trên  môi".  Dù vẽ trên  tranh, dù đắp  thành  tượng, gương mặt Ngài đều được nhất luận diễn tả dưới những nét hoan hỷ và an tĩnh. Không khi nào trên gương mặt ấy ta thoáng thấy một vẻ u buồn, phiền muộn. Hai quyển sách xưa, Theragàthà và Therigàthà,  chứa đầy những lời hoan lạc của các thiện  nam tín nữ đã nhờ giáo pháp  của Ngài  mà sống  trong an lạc. Một hôm, vua nước Kosala bạch với Phật:  Không   biết  thế nào mà đệ tử các đạo  giáo khác, mỗi khi gặp họ, thì thấy  họ có vẻ hung tợn, khắc nghiệt,  mặt mét, mình gầy,  còn  trái  lại  đệ tử của Ngài, ông nào ông nấy đều vui tươi, bình tĩnh, mặt mày như hoa nở, thung dung, tự tại,  an nhiên,  tâm hồn thư thái lạ lùng".  Nhà vua nói thêm:"Các  đại đức mà được  thanh tịnh như thế,  chắc  chắn  là đã thực  chứng  được  cái giáo lý cao cả và thâm  sâu của Thế  Tôn"(6). Tinh thần  của Phật  giáo  là hoàn toàn nghịch  hẳn với một thái độ trầm  ngâm  và  ủ rủ,  vì đó là một  trở ngại cho sự tu chứng. Lại nữa,  nên  nhớ rằng  Hỷ là một trong bảy đức tánh cần phải trau dồi, để chứng quả Niết bàn.

(Còn tiếp)

Trích tạp chí Từ Quang, số 91, tr 03-10, Sài Gòn tháng  8 năm 1959


(1)   Dhammapada (Kinh Pháp cú),III, 4

(2)   Dhammapada (Kinh Pháp cú), XX, 4

(3)   Anguttara-nikâya

(4)   Majjuima-nikâya

(5)   Thiền  duyệt:  Cái vui trong lúc thiền  định

(6)   Majjhima-nilâya, II.

 

 

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 32
    • Số lượt truy cập : 6061140