GIÁO SƯ CA VĂN THỈNH, NGƯỜI TRÍ THỨC TIÊU BIỂU
CỦA QUÊ HƯƠNG ĐỒNG KHỞI
PGS.TS. NGUYỄN CÔNG LÝ*
Ông là vị trí thức đa tài, quảng kiến đa văn, có nhiều cống hiến ở nhiều lĩnh vức khác nhau: nhà giáo dục, nhà chính trị ngoại giao, nhà nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn.
Giáo sư Ca Văn Thỉnh (1902-1987), hiệu là Ngạc Xuyên, sinh ngày 21-3-1902 tại xã Tân Thành Bình, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre, trong một gia đình nông dân. Sau khi thi đậu Tiểu học ở quê nhà, nhờ học giỏi, ông được cấp học bổng vào học Trường Normal (Trường Sư phạm) Sài Gòn. Khoảng năm 1920 tốt nghiệp, ông được bổ nhiệm về dạy học ở Mỏ Cày, rồi ở Tân Bình Thành, đều thuộc tỉnh Bến Tre. Năm 1925, ông thi đỗ vào học tại Trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương Hà Nội, khoá học 1925-1928 (cùng lớp với Đặng Thai Mai, Tôn Quang Phiệt…). Năm 1928 tốt nghiệp, ông về Nam, được bổ nhiệm Giáo sư trung học, rồi được Nhà nước thuộc địa cử làm Đốc học tỉnh Bến Tre cho đến năm 1945.
Sau Cách mạng tháng Tám 1945, giáo sư Ca Văn Thỉnh dấn thân hoạt động cách mạng, được Nhà nước giao phó giữ nhiều trọng trách cương vị khác nhau thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.
Qua cuộc đời sự nghiệp của giáo sư Ca Văn Thỉnh, có thể thấy vị trí thức này hoạt động ở nhiều lĩnh vực: giáo dục, chính trị ngoại giao, nghiên cứu khoa học xã hội (lịch sử, văn hoá, văn học, khảo cổ). Trong đó, giáo dục và nghiên cứu khoa học xã hội là hai lĩnh vực mà ông có nhiều đóng góp nhất.
Nhà hoạt động chính trị và ngoại giao nhiệt thành
Khi Nhật lật đổ Pháp ở Đông Dương (03-3-1945), ông bỏ chức Đốc học tỉnh Bến Tre để lên Sài Gòn họp mặt các thủ lĩnh Thanh niên Tiền phong và dự lễ tuyên thệ tại vườn ông Thượng (nay là Công viên Tao Đàn) do bác sĩ Phạm Ngọc Thạch chủ xướng. Đầu tháng 6-1945, ông được bầu làm thủ lĩnh Thanh niên tỉnh Bến Tre. Ngày 25-8-1945, khởi nghĩa Bến Tre thành công, Uỷ ban Kháng chiến Hành chính tỉnh được thành lập, ông được cử làm Uỷ viên (lúc này ông Phạm Văn Bạch làm Chủ tịch). Ngày 20-3-1946, ông cùng Nữ tướng Nguyễn Thị Định và bác sĩ Trần Hữu Nghiệp đại diện cho khu Tám (Nam Bộ) vượt biển ra chiến khu Việt Bắc báo cáo tình hình, được Chính phủ kháng chiến giao nhiệm vụ làm Quyền Bộ trưởng Bộ Giáo dục thay cho giáo sư Đặng Thai Mai. Sau đó, ông được cử làm Giám đốc Phòng Nam Bộ. Cuối năm 1946, ông về Nam công tác tại Uỷ ban Kháng chiến miền Nam tại Phú Yên, rồi phụ trách Mặt trận Liên Việt Nam Bộ đến cuối năm 1949. Từ 1952 là Uỷ viên Uỷ ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ kiêm Uỷ viên Ban Tuyên huấn Trung ương cục miền Nam, Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Liên Việt Nam Bộ.
Năm 1954, tập kết ra Bắc, ông được cử sang công tác ngoại giao và các công tác khác như: Vụ trưởng Vụ Đông Nam Á (1955), Tổng Lãnh sự quán Indonesia (1956), Chuyên viên cao cấp Bộ Giáo dục (1957- 1958), Chuyên viên cao cấp Uỷ ban Khoa học Nhà nước (1958-1959), Giám đốc Thư viện Khoa học Xã hội Trung ương (1959-1962), Đại diện Chính phủ Việt Nam tại Campuchia (tháng 6/1962-1966), Chuyên viên Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (1967-1968), Phụ trách Đội Khảo cổ (1968), Giám đốc Thư viện Khoa học Xã hội Trung ương (1968-1975).
Đầu 1975 về Nam, công tác tại Ban Tuyên huấn Trung ương cục miền Nam. Miền Nam hoàn toàn giải phóng, dù tuổi đã cao, ông vẫn được cử làm Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh (nay là Viện Phát triển Bền vững vùng Nam Bộ, rồi Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ) cho đến khi nghỉ hưu (1978). Ông mất ngày 05-10-1987 tại Thành phố Hồ Chí Minh, được an táng tại quê nhà (Bến Tre).
Với những cống hiến của mình, ông được Nhà nước tặng thưởng Huy hiệu Kháng chiến Nam Bộ, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhất (1984).
Nhà giáo dục giàu tâm huyết
Với tư cách là nhà giáo dục, ông có 17 năm dạy trung học, rồi làm quản lý giáo dục cấp tỉnh với chức vụ Đốc học tỉnh Bến Tre. Đó là chưa kể sau khi tốt nghiệp Trường Sư phạm Sài Gòn, ông có vài năm dạy tiểu học, hoặc có lúc được Chính phủ cử làm Quyền Bộ trưởng Giáo dục hồi đầu kháng chiến chống Pháp, thay cho Giáo sư Đặng Thai Mai, lúc ông ra chiến khu Việt Bắc báo cáo tình hình Nam Bộ.
Có thể khẳng định, ông là một nhà giáo mô phạm, mẫu mực, một nhân cách cao đẹp và toả sáng, được nhiều thế hệ học sinh kính trọng, mến phục; có người sau này trở thành nguyên thủ quốc gia của nước anh em. Về lĩnh vực này, gần cuối đời, ông có viết một chuyên luận: “Xây dựng con người mới từ tuổi thơ” (Nxb TPHCM, 1987) thể hiện một quan điểm giáo dục nhất quán, ngoài phần mở đầu có tiêu đề: Vì con em, vì lớp trẻ, vì Tổ quốc, chúng ta rèn luyện đạo đức mới theo gương Bác Hồ vĩ đại; phần trọng tâm, tác giả nêu lên 6 vấn đề cốt lõi: 1. Xây dựng con người mới từ tuổi thơ; 2. Giáo dục đạo đức và truyền thống của dân tộc cho tuổi thơ; 3. Kế thừa truyền thống giáo dục của tổ tiên ta đối với lớp trẻ; 4. Học tập và rèn luyện đạo đức cách mạng theo gương Bác Hồ; 5. Các nhà hoạt động văn nghệ cùng chăm lo xây dựng con người mới từ tuổi thơ; 6. Người lớn làm gương về phẩm chất, đạo đức cách mạng cho các em. Theo ông, “Xây dựng con người mới từ tuổi thơ đến tuổi trưởng thành là một sự nghiệp lớn lao hết sức công phu, đòi hỏi sự đóng góp của tất cả mọi người với sự nỗ lực bền bỉ”.
Nhà nghiên cứu lịch sử, văn hoá và văn học Nam Bộ tiêu biểu
Với tư cách là nhà nghiên cứu về lịch sử, văn hoá và văn học thì ông là một trong vài người đầu tiên đặt nền cho việc nghiên cứu, giới thiệu về Nam Bộ: lịch sử Nam Bộ, văn hoá Nam Bộ, văn học Nam Bộ; và ông là người đầu tiên đã chỉ ra mối quan hệ Bắc - Nam trong truyền thống lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm và trong văn học sử dân tộc.
Những công trình nghiên cứu
Có thể chia sự nghiệp nghiên cứu của Ca Văn Thỉnh thành ba chặng đường: từ 1954 trở về trước, từ 1954 đến 1975, từ sau giải phóng Miền Nam (4-1975) đến cuối đời (1987).
Trên cơ sở tư liệu sưu tầm ở sách báo và bản thảo do gia đình ông cung cấp, có thể nêu lên những công trình nghiên cứu của Ca Văn Thỉnh như sau:
* Từ 1954 trở về trước:
1. Ngạc Xuyên Ca Văn Thỉnh, Le mandarin Doan-Uan “pacificateur de l’Ouest” (1794-1848), BSEP, số 1 năm 1941 [Doãn Uẩn (1794- 1848), một vị quan có công bình định Trấn Tây].
2. Ngạc Xuyên, Đền Đế Thiên đối với tiền nhơn ta, Đại Việt tập chí, số 2, 1942.
3. Ngạc Xuyên, Nguyễn Thông, Đại Việt tập chí, số 3, 1942.
4. Ngạc Xuyên (dịch và giới thiệu), Luận về núi, Đại Việt tập chí, số 3, 1942.
5. Ngạc Xuyên (dịch và giới thiệu), Câu chuyện yểm quỹ, Đại Việt tập chí, 1942.
6. Ngạc Xuyên, Minh bột di ngư – Một quyển sách hai thi xã, Đại Việt tập chí, số 12, 1943.
7. Ca Văn Thỉnh, Bài diễn văn trong buổi lễ Kỉ niệm Nguyễn Đình Chiểu (đọc 27-6-1943 tại Ba Tri, Bến Tre), Đại Việt tập chí, số 19, 1943.
8. Ngạc Xuyên, Khổng học ở đất Đồng Nai, Đại Việt tập chí, số 22 và 23, 1943.
9. Ngạc Xuyên, Nguyễn Văn Thoại với sự đào Thoại hà và kinh Vĩnh Tế, Đại Việt tập chí, số 28, 1943.
10. Ngạc Xuyên, Tiểu sử Nguyễn Văn Thoại, Đại Việt tập chí, số 29, 1943.
11. Ca Văn Thỉnh, Trả lời chất vấn của Quốc hội về Giáo dục trong phiên họp ngày 31-10-1946, báo Tiền phong, số tháng 11-1946.
* Từ sau 1954 đến 1975:
12. Ca Văn Thỉnh (giới thiệu), Ca Văn Thỉnh - Bảo Định Giang (sưu tầm biên soạn), Thơ văn yêu nước Nam Bộ nửa cuối thế kỷ XIX, Nxb Văn học 1962, tái bản nhiều lần.
13. Ca Văn Thỉnh, “Mạc thị gia phả” và trận Rạch Gầm-Xoài Mút, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 10, 1965.
14. Ca Văn Thỉnh, Truyền thống quật cường của Nam Bộ và Việt Nam với tinh thần đấu tranh của Nguyễn Đình Chiểu, Tạp chí Văn học, HN, số 4, 1972.
15. Ca Văn Thỉnh, Hô-xê Mạc-ti và tinh thần đoàn kết lâu đời giữa nhân dân Cu-Ba và Việt Nam, Tạp chí Văn học, HN, số 5, 1973.
16. Ngạc Xuyên, Ý nghĩ về văn học sử Nam Bộ và mối quan hệ Bắc Nam, Tạp chí Văn học, HN, số 3, 1975.
17. Ca Văn Thỉnh, Góp ý về hai tập “Lịch sử văn học Việt Nam” của Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam (viết ngày 02/3/1975), bản thảo do gia đình cung cấp.
* Từ sau 30-4-1975 đến cuối đời (1987):
18. Ca Văn Thỉnh, Truyền thống Sài Gòn, báo Sài Gòn Giải phóng, đăng liền ở 5 số cuối tháng 5, 1975.
19. Ca Văn Thỉnh, Nguyễn Hữu Huân thân thế và sự nghiệp, Kỷ yếu tháng 4/1976 của Viện KHXH Miền Nam.
20. Ca Văn Thỉnh, Sự nghiệp của Thủ khoa Huân là một bài ca chính khí, Tuần báo Văn nghệ TP. HCM, số 608, 1976.
21. Ca Văn Thỉnh - Tạ Xuân Linh, L’Ancien Saigon (Sài Gòn xưa), Tạp chí Etudes Vietnamienes, số 45, 1976.
22. Ca Văn Thỉnh, Mười tám thôn Vườn Trầu, Tuần báo Văn nghệ TP. HCM, số 30, 1977.
23. Ca Văn Thỉnh, Truyền thống anh hùng Việt Nam chống ngoại xâm chiến thắng chủ nghĩa thực dân mới của đế quốc Mỹ, Báo Đại đoàn kết, số 7 và 8, 1977.
24. Ca Văn Thỉnh, Thuỷ lợi vấn đề cấp bách, Báo Đại đoàn kết, số 20, 1977.
25. Ca Văn Thỉnh, Qua nhiều thời gian, thành phố ta là một chiến trường chống ngoại xâm, Tuần báo Văn nghệ TP. HCM, số 4, năm 1978.
26. Ca Văn Thỉnh, Nhớ hai nhà giáo Võ Trường Toản và Nguyễn Đình Chiểu, Tuần báo Văn nghệ TP. HCM, số 7, 1978.
27. Ca Văn Thỉnh, Những ngày không thể nào quên, Tuần báo Văn nghệ TP. HCM, số 15, 1978.
28. Ca Văn Thỉnh, Tình hữu nghị Việt Nam – Campuchia qua thơ văn xưa, Tuần báo Văn nghệ TP. HCM, số 101, 1979.
29. Ca Văn Thỉnh, Nguyễn Sỹ Lâm, Nguyễn Thạch Giang (biên khảo và chú giải), Nguyễn Đình Chiểu toàn tập, tập 1, Nxb ĐH và THCN, HN, 1980.
30. Ngạc Xuyên Ca Văn Thỉnh, Thơ tặng Trần Thái Tông, Tuần báo Văn nghệ TP. HCM, số 157, 1981.
31. Ca Văn Thỉnh, Nguyễn Sỹ Lâm, Nguyễn Thạch Giang (biên khảo và chú giải), Nguyễn Đình Chiểu toàn tập, tập 2, Nxb ĐH và THCN, HN, 1982.
32. Ca Văn Thỉnh, Hai lần Bến Tre – Hà Nội, báo Nhân Dân, số ngày 27, 28, 29-8-1982.
33. Ca Văn Thỉnh, Mùa thu nhớ mãi, báo Nhân Dân, số ngày 28-8-1982.
34. Ca Văn Thỉnh, Hào khí Đồng Nai, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1983.
35. Ca Văn Thỉnh, Bảo Định Giang, Mấy suy nghĩ về thơ văn Nguyễn Thông, Tuần báo Văn Nghệ TP. HCM, số 343, 1984.
36. Ca Văn Thỉnh, Bảo Định Giang, Nguyễn Thông – con người và tác phẩm, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1984.
37. Ca Văn Thỉnh, Xây dựng con người mới từ tuổi thơ, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1987.
38. Ca Văn Thỉnh, Quê hương thời tuổi trẻ, (Hồ Thi Ca ghi), trong sách Cách mạng mùa thu và giang sơn thời tuổi trẻ, NXB Trẻ, TP HCM, 1992.
39. Ca Văn Thỉnh, Bài diễn văn Kỷ niệm ngày sinh Nguyễn Đình Chiểu năm thứ 157, viết 1979, bản thảo do gia đình cung cấp.
40. Ca Văn Thỉnh, Nguyễn Đình Chiểu cuộc đời và sự nghiệp, bản thảo do gia đình cung cấp.
41. Ca Văn Thỉnh, Nguyễn Đình Chiểu, nhà thơ chiến đấu vì nghĩa cả, bản thảo do gia đình cung cấp.
42. Ca Văn Thỉnh, Niềm mơ ước của Nguyễn Đình Chiểu về măt xã hội công bằng bác ái đang thành hiện thực trong chủ nghĩa xã hội ngày nay, bản thảo do gia đình cung cấp.
43. Ca Văn Thỉnh, Phong trào đấu tranh của nhân dân lục tỉnh trong thời gian đầu xâm lược của Pháp, bản thảo do gia đình cung cấp.
44. Ca Văn Thỉnh, Thủ Khoa Huân, bản thảo do gia đình cung cấp.
45. Ca Văn Thỉnh, Tìm hiểu “lòng đạo” của Nguyễn Đình Chiểu, bản thảo do gia đình cung cấp.
46. Ca Văn Thỉnh, “Khả năng” và “lòng đạo” của Nguyễn Đình Chiểu, bản thảo do gia đình cung cấp.
47. Ca Văn Thỉnh, Bầu nhiệt huyết, kịch, công diễn ở Hà Nội, khoảng 1925-1928.
48. Ca Văn Thỉnh, Đồng khởi, kịch 4 màn, soạn khoảng 1964-1965, đề cương bản thảo do gia đình cung cấp.
49. Ca Văn Thỉnh, Nhật ký (17 tập), thủ bút bản thảo của Ca Văn Thỉnh do gia đình cung cấp.
Danh mục trên chắc chắn là chưa đủ, bởi lẽ, từ sau 1954, khi tập kết ra Bắc, có thể ông còn viết nhiều bài đăng trên một số tờ báo, trong đó có thể là tờ Thống nhất, do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trương, lúc này nhà thơ Bảo Định Giang - một người bạn và là cộng sự đắc lực của ông - phụ trách tờ báo, mà hiện chúng tôi chưa thể tìm được tờ báo này.
Những đóng góp của Ca Văn Thỉnh trong lĩnh vực nghiên cứu về lịch sử, văn hoá, văn học Nam bộ
Trừ một ít sáng tác (gồm 68 bài thơ, 2 vở kịch) chưa công bố, có chép trong 17 cuốn nhật ký, thì qua danh mục trên, những bài viết và những công trình nghiên cứu của Ca Văn Thỉnh thuộc các lĩnh vực: lịch sử, văn hoá, văn học, trong đó có dịch thuật tư liệu Hán Nôm về Văn và Sử. Tất cả đều thuộc về Nam Bộ.
1. Riêng chặng đường từ năm 1954 trở về trước, qua tư liệu sưu tầm được thì hiện còn mười bài nghiên cứu thuộc lĩnh vực này. Bài viết đầu tiên bằng tiếng Pháp: Le mandarin Doan-Uan “pacificateur de l’Ouest” (1794-1848) [Doãn Uẩn (1794-1848), một vị quan có công bình định Trấn Tây], đăng trên tạp chí BSEP số 1 năm 1941, với dung lượng 6 trang tạp chí khổ lớn, viết về ông Doãn Uẩn (1794-1848), một vị quan chức triều Nguyễn trải qua các đời: Minh Mệnh (1820-1841), Thiệu Trị (1841-1847), Tự Đức (1847-1883), ông là người có công bình định Trấn Tây thành, tức Phnômpênh - Campuchia ngày nay. Nhân đọc tác phẩm Bình Tây được xuất bản ở Đông Kinh, Ca Văn Thỉnh thấy có những thông tin không chính xác về Doãn Uẩn, mà theo ông sự sai lạc này đã ảnh hưởng không nhỏ đến tựa đề tác phẩm và vấn đề về sự nghiệp của Doãn Uẩn đang được tranh cãi. Do vậy, ông giới thiệu lại tiểu sử và công trạng Doãn Uẩn từ “Cuộc sống những người nổi tiếng Đại Nam” được lưu trữ ở Huế in trong bộ chính sử Đại Nam chính biên liệt truyện, hai tập. Có thể tóm lược bài viết như sau: Doãn Uẩn sinh ở Nam Định. Năm Minh Mạng thứ 9 (1828), sau khi đậu Cử nhân, ông được bổ chức Chủ sự ở Hàn lâm viện. Năm 1833 ông nhận chức Án sát sứ ở Vĩnh Long. Lúc này, Lê Văn Khôi đã nổi dậy chiếm thành Phiên An (Gia Định, Sài Gòn), ông đành lánh nạn ở một ngôi làng nhỏ, tuyển binh chờ lệnh vua, ông được vua khen và thăng chức Biện lý. Khi về làm Án sát sứ Thái Nguyên, ông đã dẹp loạn Vân Trung, trấn an biên giới, gửi bản điều trần tới vua xin hợp nhất bốn huyện: Bình Xuyên, Phú Hương, Văn Lăng và Đại Tu thành phủ Tùng Hoa, được vua phê duyệt. Năm 1836, ông được bổ chức Hữu thị lang Bộ Lại rồi Bộ Hình. Cùng lúc Thanh Hoá có loạn, ông lại cùng Hiệp biện Đại học sĩ Trương Đăng Quế và Phó sứ Nguyễn Đăng Giai đi dẹp loạn. Sau cuộc bình định, ông được vua khen ngợi. Năm 1839, ông được thăng Hữu Tham tri ở Bộ Hộ, sau đó lại cùng Võ Xuân Can vào Bình Định cải cách ruộng đất. Năm 1840, ông cùng Lê Văn Đức đến Trấn Tây, định lại thuế khoá ở Campuchia.
Năm 1843, được giữ chức Tổng đốc Thanh Hoá, ông viết sớ tâu vua xin xây dựng quân đội, giảm thuế, bỏ những thủ tục hạch sách bất hợp lý, bỏ thuế cầu đường làm cho người dân bớt nghèo, được vua chấp nhận. Năm 1844, Doãn Uẩn được bổ nhiệm chức Tuần phủ An Giang, cùng với Nguyễn Tri Phương trùng tu lại Trấn Tây. Khoảng tháng 5 năm 1845, sau khi đánh thắng ở Thống Bình, Doãn Uẩn chiếm thành Vĩnh Bích, đuổi quân Campuchia tới Sách Sô. Sau khi quay lại, ông đánh tan quân Campuchia một lần nữa. Danh tiếng ông ngày một lớn, vua thăng chức cho ông. Đến tháng 7 năm 1845, ông cùng Nguyễn Tri Phương đánh đồn Thiết Thắng, chiếm lại Trấn Tây. Sau chiến công này, ông được nhận rất nhiều phần thưởng danh dự do vua ban. Tháng 9 năm 1845, ông được bổ chức Tham tán đại thần, sau đó cùng Nguyễn Tri Phương tấn công quân Xiêm (Thái Lan) ở Vĩnh Long, đẩy quân Xiêm đến vùng Oudong. Vua ban cho ông áo bào thêu hình con rồng. Trong một bản chiếu, nhớ đến công lao của ông, vua thăng chức An Tây mưu lược tướng quân cho ông; đến tháng 3 năm 1847 ông được phong chức Tổng đốc An – Hà (An Giang, Hà Tiên), nhà vua tiếp tục tặng ông nhiều phần thưởng cao quý. Đến tháng 7, khi vua đúc xong 12 khẩu thần công, thì một khẩu thần công được khắc tên ông. Khi nhà vua cho khắc bia ghi công những vị tướng trong trận đánh Campuchia đặt tại Võ miếu, thì ông là một trong sáu người có vinh dự này gồm: Võ Văn Giai, Nguyễn Tri Phương, Doãn Uẩn, Đoàn Văn Sách, Nguyễn Huỳnh, Tôn Thất Nghi. Đến 1848, ông qua đời thọ 55 tuổi (sinh 1794); được vua truy tặng Hiệp biện Đại học sĩ, bài vị của ông được đặt ở đền Hiền Lương tự. Con trai Doãn Uẩn là Doãn Chánh, kế tục chức vụ của cha, được phong tước là Tuỳ Tĩnh nam, chức Chủ sự quan Nội chánh sau đó làm Tri phủ Phú Bình. Nhưng không bao lâu, Phú Bình thất thủ, ông Chánh nhảy sông tự tử, được triều đình truy tặng “Hàn lâm viện Thị độc học sĩ”, bài vị được đặt ở Nghĩa Trung tự.
Như vậy, bài viết này, ngoài việc đính chính lại và cung cấp những thông tin chính xác về công trạng của Doãn Uẩn, tác giả còn thể hiện niềm tự hào về một nhân vật lịch sử dân tộc. Bài viết là nguồn tư liệu tham khảo quý cho các nhà sử học, văn hoá học khi nghiên cứu về vùng đất Nam Bộ nói chung, Sài Gòn nói riêng.
Trong bài Đền Đế Thiên đối với tiền nhơn ta, đăng ở Đại Việt tập chí, số 2, 1942, Ca Văn Thỉnh đã giải quyết sự hoài nghi của giới khảo cổ về vấn đề: Người Việt hay người Pháp phát hiện ra đền Đế Thiên? Ông đã dựa vào một số đoạn văn trong Việt sử cương giám khảo lược của Nguyễn Thông và một số bài thơ của Trịnh Hoài Đức để chứng minh và khẳng định chính người Việt mới là người đầu tiên khám phá ra đền Đế Thiên Đế Thích chứ không phải người Pháp, mà thơ của Trịnh Hoài Đức với các bài như Khách Cao Miên quốc ký hoài diệp Minh Phụng, Ký hoài Huỳnh Ngọc Ẩn - Hối Sơn Chân Lạp thành. Ở đây, tác giả không chỉ thể hiện niềm tự hào đối với tiền nhân ta đã có công phát hiện kỳ quan thế giới, mà còn cung cấp thêm tư liệu về hoàn cảnh ra đời một số bài thơ trong Cấn Trai thi tập của Trịnh Hoài Đức.
Bài Nguyễn Thông (1827-1884), đăng ở Đại Việt tập chí, số 3, 1942, tác giả đã căn cứ vào Đại Nam liệt truyện, hai tập, quyển 37, chương 13b mà dịch và giới thiệu tiểu sử, sự nghiệp của Kỳ Xuyên Nguyễn Thông. Sau khi đậu Cử nhân vào năm Tự Đức thứ hai (1849), ông được bổ dụng, ban đầu là Huấn đạo huyện Phong Phú, rồi vào Nội các Tu soạn, thăng đến Án sát Khánh Hòa, Biện lý bộ Hình, Bố chánh Quảng Ngãi. Sau bị đồng liêu vu oan, ông bị biếm chức, nhờ quân lính, nhân dân kêu oan mà ông được quan Khâm sai là Nguyễn Bính minh oan cho, được phục chức, về làm Chủ sự bộ Lễ, rồi Quốc tử giám Tư nghiệp, thăng Hồng Lô tự khanh. Ông mất lúc 57 tuổi (1884). Tác phẩm hiện còn: Việt sử cương giám khảo lược, Ngoạ du sào thi văn tập, Độn yêm văn tập, Kỳ Xuyên thi văn sao, Kỳ Xuyên công độc.
Bài Luận về núi đăng ở Đại Việt tập chí, số 3, 1942. Đây là bài mà Ngạc Xuyên Ca Văn Thỉnh đã dịch bài “Sơn thuyết” của Kỳ Xuyên Nguyễn Thông trong tập Ngoạ du sào văn tập, quyển 5. Bài luận thuyết này được Nguyễn Thông viết năm Đinh Tỵ (1855) khi tiễn ông Nguyễn Tuấn đi làm Huyện doãn Tân Định tỉnh Khánh Hòa (nay là Thị xã Ninh Hoà). Qua bài viết, Nguyễn Thông đã bàn về núi, nói cái chí yêu núi của mình, qua đó để ngụ ý cái khí tiết khảng khái, kiên cường vì nghĩa của bậc chính nhân quân tử, chẳng khác nào núi cao vòi vọi mà đáng kính sợ vậy.
Tiếp theo, Ngạc Xuyên còn dịch Câu chuyện yểm quỷ, trong tập Kỳ Xuyên thi văn sao của Nguyễn Thông, đăng ở Đại Việt tập chí, 1942, mà sau này Bảo Định Giang có giới thiệu lại trên Tạp chí Nghiên cứu Văn học số 4-1962.
Bài Minh bột di ngư - Một quyển sách hai thi xã đăng ở Đại Việt tập chí, số 12, 1943, tác giả đã đặt vấn đề sưu tầm văn học cổ ở Nam Bộ, chỉnh lý tên bài tựa sách “Minh bột di hoán” thành “Minh bột di ngư” mà hồi đầu thế kỷ XX trong sách Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim và Văn đàn bảo giám của Trần Trung Viên đã nhầm lẫn. Từ những chứng cứ khảo cứu được, Ca Văn Thỉnh kết luận tên sách phải là “Minh bột di ngư văn thảo”. Ông bổ sung thêm: Quyển sách này có đặc điểm là một tập thi hoạ ngoài bìa đề “Nguyên bản Chiêu Anh Các”, dưới đề “Cấn Trai phiên khắc tàng bản”. Như vậy, đây là sách của Chiêu Anh Các, một thi xã đất Hà Tiên do Mạc Thiên Tích sáng lập, được Cấn Trai Ngô Nhân Tĩnh ở Bình Dương thi xã sưu tầm, cho khắc in lại vào thế kỷ XIX. Ngoài hai bài tựa đầu sách, hai bài bạt cuối sách, toàn tập còn có một bài phú và ba mươi bài thơ.
Bài diễn văn trong buổi lễ Kỷ niệm Nguyễn Đình Chiểu, đọc ngày 27 tháng 6 năm 1943 tại Ba Tri, Bến Tre, đăng lại ở Đại Việt tập chí, số 19, 1943. Với tư cách là Đốc học tỉnh Bến Tre, tác giả bài diễn văn, với niềm kính yêu vô hạn, đã kể lại tỉ mỉ về thân thế và sự nghiệp của cụ Đồ Chiểu. Đồng thời, lần đầu tiên, tác giả đã chỉ ra vai trò hết sức quan trọng của Nguyễn Đình Chiểu đối với văn học Nam Bộ, văn hoá và tư tưởng Nam Bộ. Bên cạnh, bài diễn văn còn khẳng định giá trị những tác phẩm văn học của cụ Đồ như Lục Vân Tiên, Dương Từ Hà Mậu, Ngũ kinh gia huấn, Ngư Tiều y thuật vấn đáp v.v..
Bài Khổng học ở đất Đồng Nai đăng trên Đại Việt tập chí hai số liền: số 22 và 23 (ra ngày 01 và 16 tháng 9-1943). Mục đích mà Ngạc Xuyên viết bài này là nhà nghiên cứu đã đứng trên lập trường dân tộc, với lòng tự hào về văn hoá văn hiến của dân tộc, để phản bác lại ý kiến của một số học giả người Pháp khi cho rằng “Dân Nam kỳ vô đạo nghĩa, do tổ tiên là hạng người vô loại”. Bài viết đã chứng minh và khẳng định đất Đồng Nai có một nền giáo dục Hán học, con người sống có đạo nghĩa. Điều này Hiệp biện Đại học sĩ Tiến sĩ Phan Thanh Giản có ghi lại trong bài: “Bài văn bia miếu Khổng Tử ở Vĩnh Long” và bài “Văn bia về Võ Trường Toản”. Cùng với bài Minh Bột di ngư - một quyển sách, hai thi xã, cũng đăng trên Đại Việt tập chí năm 1943, bài Khổng học ở đất Đồng Nai này đã khẳng định đóng góp bước đầu của Ngạc Xuyên về việc giới thiệu và nghiên cứu văn học, văn hóa và lịch sử Nam Bộ. Đoạn cuối của bài viết, tác giả đã nêu ra ba câu hỏi nhằm khẳng định đất Nam Bộ đã có nền văn hoá và học phong riêng:
“Xét qua mấy bài Hán văn trên đây, tôi có ba điều nhận thức và phát ra ba câu hỏi sau này:
1. Ngoài vài bài văn dịch trên nói về Khổng giáo, người ta còn có thể kể các nhà văn thi: Mạc Thiên Tứ, Đặng Đức Thuật, Nguyễn Hương, Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Nhân Tĩnh, Phan Thanh Giản, Vương Hữu Quang, Nguyễn Thông, Trần Tử Mẫn…
Thế thì đất Đồng Nai có Hán học không?
2. Những bậc hiền tá giúp đức Cao hoàng tại đất Đồng Nai xây dựng lại ngôi nhà Nguyễn, kể ra không phải ít: số người liều mình vì nhân nghĩa, vì quân quốc, cũng không phải ít, không kể những bậc ẩn dật cao tiết tránh thời loạn, ẩn dật để học rõ nghĩa “tu ngôn dưỡng khí1”. Thế thì ở đất Đồng Nai có giáo dục đạo nghĩa không?
3. Năm Ất Vị (1715), ông Nguyễn Phan Long, ông Phạm Khánh Đức sáng lập ra Văn Thánh miếu ở Biên Hoà. Năm Nhâm Tý (1792) ghi ngày quá cố một nhà giáo dục có ảnh hưởng sâu xa trong đất Đồng Nai: cụ Sùng Đức Võ Trường Toản. Năm Ất Dậu (Minh Mạng thứ 6, 1825), Văn Thánh miếu Gia Định lập thành. Năm Bính Dần (1866), năm Kỷ Mão (1867) Phan Thanh Giản, Nguyễn Thông lập xong Văn Thánh miếu Vĩnh Long, và làm lễ thiên táng cụ Sùng Đức Võ Trường Toản.
Cái bằng cớ lịch sử đại khái ấy tỏ ra rằng ở đất Đồng Nai các nhà vua triều Nguyễn, nhất là vua Minh Mạng có để tâm đến Khổng giáo, và phụ với việc triều đình hai nhà Khổng học Võ Trường Toản trước, Phan Thanh Giản sau, có công chấn chỉnh Khổng học. Thế thì ở đất Đồng Nai có Khổng học không?
Kẻ hậu học này rất mong mỏi được các bậc cao minh giảng rõ cho”.
Bài Nguyễn Văn Thoại với sự đào Thoại hà và kinh Vĩnh Tế đăng ở Đại Việt tập chí, số 28, 1943. Bài viết ghi công Thoại Ngọc Hầu trong việc đào Thoại hà và kênh Vĩnh Tế, qua việc dịch bài văn bài bia ở chùa Thoại Sơn trên núi Vĩnh Tế (núi Sập). Sau đó ông chỉ ra lai lịch của các tên gọi những địa danh nơi đây như: Vĩnh Tế sơn lộ kiều lương, Bắc hộ Thoại, Thoại Sơn thị, Thoại Sơn tự, Vĩnh Tế thôn, Vĩnh Tế hà (kênh Châu Đốc - Hà Tiên). Cuối cùng ông dẫn lại công lao của người xưa khi đào kênh Vĩnh Tế. Ông viết: “Lại nói về công sức và cách đào kinh Vĩnh Tế. Để đào được kinh thẳng, những người nhân công đã dùng nhiều ngọn lửa đốt bốc ngọn lên cao để làm dấu hiệu lúc ban đêm, giữa rừng núi thâm sâu. Tham gia vào việc đào kinh Vĩnh Tế có khoảng 10.000 người: 5000 dân An Nam và 5000 dân Cao Miên”.
Bài Tiểu sử Nguyễn Văn Thoại, trên Đại Việt tập chí, số 29, 1943, tác giả đã dựng lại sự nghiệp của Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại rất tỉ mỉ trên cơ sở tư liệu lấy từ bộ chính sử Đại Nam liệt truyện, sơ tập, quyển 27, chương 9. Qua đó, tác giả bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình đối với tiền nhân xưa; đồng thời, nhắc nhở thế hệ con cháu phải biết ghi nhớ công lao của người đi trước, nhất là đối với những nhân vật lịch sử có công mở cõi phương Nam.
Tóm lại, tính đến năm 1954, Ngạc Xuyên Ca Văn Thỉnh vừa dạy trung học, vừa làm quản lý giáo dục (Đốc học tỉnh Bến Tre), vừa nghiên cứu khoa học, và đã có một số công trình về sử học, văn hoá, văn học được công bố trên báo chí, chủ yếu là trên tờ bán nguyệt san Đại Việt tập chí do Hồ Văn Trung (tức Hồ Biểu Chánh) làm Giám đốc toà soạn, mà ở trên chúng tôi có giới thiệu. Tất cả đều viết về Nam Bộ. Điều này cho thấy, Ca Văn Thỉnh là người thiết tha với cội nguồn, với quê hương Nam Bộ bằng một tình yêu thương lẫn tự hào thật đáng kính trọng. Có thể nói, Ca Văn Thỉnh là một trong số rất ít người tiên phong có ý thức sưu tầm, dịch thuật, nghiên cứu và giới thiệu về Nam Bộ ở nước ta thời hiện đại.
2. Từ sau 1954 đến 1975 và từ sau 1975 cho đến cuối đời (1987), nói đến sự nghiệp nghiên cứu của giáo sư Ca Văn Thỉnh, không thể không nhắc đến các công trình:
- Thơ văn yêu nước Nam Bộ nửa cuối thế kỷ XIX, Nxb Văn học, HN, 1962, tái bản nhiều lần, Ca Văn Thỉnh giới thiệu, Ca Văn Thỉnh và Bảo Định Giang sưu tầm biên soạn.
- Nguyễn Đình Chiểu toàn tập, 2 tập, NXB ĐH và THCN, HN, 1980 và 1982, Ca Văn Thỉnh cùng biên soạn với Nguyễn Sỹ Lâm và Nguyễn Thạch Giang.
- Hào khí Đồng Nai, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1983, viết riêng.
- Nguyễn Thông – con người và tác phẩm, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1984, cùng biên soạn với Bảo Định Giang.
Và còn nhiều bài báo nữa…
Mặc dù những công trình trên xuất bản từ 1962 đến 1984, nhưng thiết nghĩ, để có những thành tựu đó, có lẽ tất cả đã được giáo sư Ca Văn Thỉnh tích luỹ tư liệu từ trước Cách mạng tháng Tám và trong những năm tháng dạy học và quản lý giáo dục ở quê nhà Bến Tre.
Với Thơ văn yêu nước Nam Bộ nửa cuối thế kỷ XIX, lần đầu tiên văn học Nam Bộ được giới thiệu khắp cả nước, nhất là trên miền Bắc, với một hệ thống cùng một diện mạo tương đối đầy đủ qua một công trình được biên soạn nghiêm túc, kỹ lưỡng, công phu từ bài tiểu luận giới thiệu (do Ca Văn Thỉnh viết) đến phần tuyển chọn tác phẩm (cùng với Bảo Định Giang).
Chuyên luận Hào khí Đồng Nai là một công trình có giá trị nhiều mặt: văn học, sử học, văn hoá học, được viết với văn phong giản dị, khúc chiết, tư liệu phong phú, khảo chứng kỹ lưỡng, thể hiện tấm lòng của tác giả đối với vùng đất phương Nam của Tổ quốc. Tác giả đã chứng minh quá trình hình thành và phát triển tính cách con người Nam Bộ, mà nhân dân vẫn quen gọi là “Hào khí Đồng Nai”, cùng làm rõ nguyên nhân lịch sử - xã hội của sự hình thành tính cách đó một cách rất thuyết phục qua thơ văn yêu nước, truyện dân gian, bút chiến văn chương.
Ở công trình Nguyễn Đình Chiểu toàn tập (2 tập) và Nguyễn Thông – con người và tác phẩm cũng vậy. Cả hai công trình vừa nêu đều được biên soạn cẩn trọng, nghiêm túc và công phu, khảo chứng kỹ lưỡng. Lần đầu tiên, toàn bộ văn chương của cụ Đồ Chiểu, của cụ Kỳ Xuyên Nguyễn Thông được phiên âm, dịch và giới thiệu đầy đủ.
Nói chung, những công trình trên của Giáo sư Ca Văn Thỉnh là những tài liệu tham khảo quý giá cho những nhà nghiên cứu và cho những ai quan tâm muốn tìm hiểu về văn hoá, lịch sử và văn học Nam Bộ nửa sau thế kỷ XIX.
***
Tóm lại, qua những nội dung vừa trình bày như trên, có thể khẳng định rằng Giáo sư Ca Văn Thỉnh là người trí thức tiên phong trong việc nghiên cứu về lịch sử, văn hoá, văn học Nam bộ, và là một trong hai người đầu tiên giới thiệu văn học Nam bộ trên đất Bắc. Ông là vị trí thức đa tài, quảng kiến đa văn, có nhiều cống hiến ở nhiều lĩnh vức khác nhau: nhà giáo dục, nhà chính trị ngoại giao, nhà nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn. Giáo sư xứng đáng được tôn vinh là người trí thức tiêu biểu của quê hương Đồng khởi Bến Tre nói chung và của quê hương Việt Nam nói riêng.
* Khoa Văn học, Trường ĐH KHXH&NV-ĐHQG TP.HCM.
1. Chúng tôi ngờ là “tri ngôn dưỡng khí” 知言養氣, có thể do tạp chí này in nhầm.
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 31 – THÁNG 1 NĂM 2020
- NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 30 – THÁNG 10 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 29 – THÁNG 7 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 28 – THÁNG 4 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 27 – THÁNG 1 NĂM 2019 (PL. 2562)
Bình luận bài viết