Thông tin

GIỜ GIỚI NGHIÊM CỦA ĐẤT

 

LÊ HẢI ĐĂNG

 

 

Cùng với nước, đất là một trong hai thành tố quan trọng trong hoạt động sản xuất nông nghiệp và xã hội nông nghiệp. Theo quan niệm ngũ hành: kim, mộc, thủy, hỏa thổ, đất thuộc hành thổ, một trong năm vật chất cấu thành thế giới. Ở tiếng Việt, đất và nước kết hợp với nhau nhằm chỉ quốc gia, bờ cõi, lãnh thổ, tổ quốc… Từ hoạt động sản xuất nông nghiệp mở rộng phạm vi ra toàn xã hội, văn hóa truyền thống, đất gắn liền hàng loạt phong tục, tập quán liên quan, như tục cúng Thần đất, Thần Nông, tín ngưỡng thờ Mẹ đất (Địa mẫu), Thổ công, Thổ địa, Hậu thổ, thần Xã tắc, Địa kỳ, Ngũ phương… Ngoài dân gian vẫn lưu truyền nhiều nghi lễ liên quan đến đất, như lễ tịch điền, động thổ, xông nhà, bao gồm cả tập tục cấm kỵ.

Theo quan niệm Nho giáo, Thiên - Địa - Nhân (Tam tài) là ba mối quan hệ giường cột, trong đó đất đóng ở vị trí trung tâm. Đất là địa bàn cư trú, sinh sống, hoạt động của muôn loài. Theo “Phương Sóc chiêm thư”, tháng giêng có ngày mùng 1 thuộc giống gà, mùng 2: chó, mùng 3: lợn; mùng 4 dê; mùng 5 trâu, mùng 6 ngựa, mùng 7 người, mùng 8 thóc, mùng 9 trời, mùng 10 đất. Trong dân gian, tục cúng Thần đất gọi là vía Ông Địa. Suốt một năm, kể từ ngày cúng lúa mới cho đến vụ lúa chiêm đầu tiên là thời điểm đất nghỉ ngơi. Trong khoảng thời gian này, đất bước vào giai đoạn ngủ đông nhằm tái tạo sức lao động. Nhằm giữ yên giấc ngủ của đất, người xưa tránh mọi hoạt động làm đất thức giấc, từ đốn cây, chặt củi, phá rừng cho đến động thổ… Những tục kiêng cữ trên thực thi nghiêm ngặt từ ngày 23 tháng chạp đến ngày đầu năm mới, nhất là đêm trừ tịch, coi như khoảng thời gian tuyệt mật. Mọi hoạt động, nhất cử nhất động đều gắn liền với nghi thức kiêng cữ, xưa gọi là tục vào khem (kiêng khem). Trẻ nhỏ là đối tượng dễ phạm sai lầm được người lớn khuyên bảo, trông nom, không cho nói năng linh tinh, phạm húy. Đêm 30, nhà nào có người không hợp tuổi không cho phép ra ngoài quá giờ giao thừa, sợ năm mới về nhà làm kinh động đến vị “Thần đất”, mở màn cho một năm xui xẻo. Theo quan niệm truyền thống, người đầu tiên bước vào nhà phải hợp tuổi, có thân phận cao sang, quyền quý, nhờ vía của họ đem đến cho gia chủ một năm may mắn, tốt lành.

Thần đất xưa kia gọi là Địa mẫu, Mẹ đất. Trong quá khứ, đất - nước tượng trưng cho phái nữ. Bởi, đất - nước có khả năng sinh sản, sản sinh ra của cải vật chất. Sau chế độ phụ quyền lấn át, hình tượng Mẹ Đất bị Ông Địa soái ngôi, dần dần Mẹ Đất thay hình đổi dạng thành Ông Địa nhằm tham gia công tác quản lý. Thế nhưng, đằng sau bộ dạng đã “giải phẫu giới tính” của Ông Địa vẫn bảo lưu cái bụng bự tượng trưng cho khả năng sinh sản. Về sau, bên cạnh Ông Địa còn thêm vị thần giống như cặp bè trùng cùng nhau tham gia công tác quản lý trong phạm vi một vùng đất, lãnh thổ hay ngôi nhà là Thần Tài. Vị thần này là sản phẩm của xã hội thương nghiệp. Khi nhu cầu kinh tế, tài chính phát triển, xã hội cần tới vị thần cai quản hoạt động tài chính, từ đó sản sinh ra Thần Tài, đồng thời, theo quan niệm ngũ hành tương sinh, Thổ sinh Kim, nên Thần Tài phái sinh từ Thần Đất, đồng thời ngồi chung bàn thờ với Ông Địa.

Suốt một năm làm việc vất vả, đất giúp cây cối sinh trưởng, mùa màng bội thu. Cuối năm, đất mệt mỏi, cần được nghỉ ngơi. Từ mùa cũ sang mùa mới, từ năm cũ sang năm mới chính là khoảng thời gian đất nghỉ. Đối với các dân tộc du canh du cư, việc chuyển từ vùng đất này sang vùng đất khác canh tác hay cư trú tự thân đảm bảo cho đất được luân phiên nghỉ ngơi, màu mỡ trở lại. Thiên nhiên vốn có khả năng tái tạo kỳ diệu. Chu kỳ tuần hoàn xuân hạ thu đông biểu hiện sự kỳ diệu của thời khóa làm việc, nghỉ ngơi theo tinh thần tuần hoàn tự nhiên. Mùa xuân, khi cây cối đâm chồi nảy lộc, từ dưới lòng đất, Mẹ đất đã phải tỉnh giấc, bắt tay làm việc, dù âm thầm, nhưng mọi thành quả nông nghiệp đều có công lao của đất. Khi đất lâm vào tình trạng mệt mỏi, bạc màu, thậm chí dễ bị côn trùng xâm hại… thì cần cho đất nghỉ ngơi. Tình trạng khai thác triệt để nguồn tài nguyên đất trong bao nhiêu năm qua nhắc nhở và dạy cho chúng ta bài học về lòng biết ơn đối với đất. Nếu khai thác kiệt quệ nguồn tài nguyên này, hậu quả nhãn tiền là tình trạng đất biến đổi chất đất, thậm chí sa mạc hóa đem đến hậu quả khôn lường cho hoạt động sản xuất nông nghiệp và cuộc sống nói chung.

Gần đây có xu hướng chạy theo nông nghiệp công nghệ cao thay vì nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Theo tư duy lô gich, đây là hai đại lượng không đồng đẳng với nhau. Nền nông nghiệp Việt Nam cần tạo ra sản phẩm chất lượng cao, chứ không chỉ nhằm thể hiện phương thức sản xuất cao. Ví dụ, hạt gạo Việt Nam đã cho năng suất rất cao suốt bao năm qua, dây chuyền công nghệ hiện đại cũng không ngừng áp dụng, từ đó đẩy sản lượng gạo xuất khẩu Việt Nam lên thứ 2 thế giới, chỉ sau Thái Lan. Nếu số lượng đi đôi với chất lượng, đây chính là niềm tự hào của đất nước. Trên thực tế, chất lượng gạo Việt Nam đã trượt dài theo số lượng. Chúng ta đưa đẩy số lượng lên cao, đồng thời giảm chất lượng xuống thấp khiến cho thương hiệu gạo Việt nằm ở top dưới của những loại gạo kém chất lượng. Một quốc gia có nền nông nghiệp không phải thế mạnh như Nhật Bản cũng sản xuất được loại gạo ưu chuộng trên thị trường Việt Nam với giá cao gấp hơn 10 lần gạo nội địa, như giống Đại Sơn chẳng hạn. Trong quá khứ, Việt Nam từng có những giống gạo, loại gạo chất lượng cao, như Tám thơm miền Bắc, Nàng thơm miền Nam, gạo Dé miền Trung vang bóng một thời. Theo thời gian, những loại gạo này chỉ còn sót lại cái tên nhắc nhớ về dĩ vãng. Như vậy, công nghệ cao hay thấp chưa quan trọng, quan trọng là chúng ta đã sản xuất ra loại gạo có chất lượng như thế nào? Không nên nhầm lẫn giữa sản phẩm nông nghiệp và phương thức sản xuất. Nếu chạy theo giá trị thời thượng rất có thể hàng nông sản Việt Nam mà cụ thể là gạo tiếp tục trượt dài về chất lượng.

Trong quá trình phát triển đô thị, thay vì xây dựng nếp sống văn minh, chúng ta có xu hướng chạy theo “thông minh”. Nếu nhân cách hóa đô thị có thể thấy, chúng ta mong muốn ở con người phẩm chất, đức tính văn minh, lương thiện hay thông minh, láu cá…? Sau khi thất bại với nhiều giá trị ảo tưởng, xu hướng theo đuổi giá trị thời thượng đang làm cho nhà quản lý chuyển hướng tư duy, rất có thể đây lại là cái bẫy khiến chúng ta tiếp tục rơi vào “vết xe đổ” của quá khứ.   

Cùng với chất lượng nông sản, chất lượng nguồn đất, tài nguyên thiên nhiên từ đất đã bị khai thác kiệt quệ suốt nhiều năm qua. Khi vụ lúa tăng lên, đồng nghĩa với việc đất đai phải làm việc nhiều hơn, không đủ thời gian nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, chất dinh dưỡng… Để khắc phục tình trạng đất bạc màu, nông dân sử dụng quá mức phân bón, phân hóa học, giống như thực phẩm chức năng, chất bổ nhằm bồi dưỡng đất, từ đó dẫn đến tình trạng đất bị suy kiệt, bạc màu. Đất cũng giống như con người cần có thời gian nghỉ ngơi để tự phục hồi, chứ không cần đến chất bổ, chất dinh dưỡng hóa học, thực phẩm chức năng, thuốc kháng sinh… Khi đất bị khai thác quá mức, tình trạng bạc màu kéo theo mầm bệnh càng phổ biến hơn.  

Nước ta vốn là một quốc gia nông nghiệp, đi kèm với phương thức sản xuất là văn hóa nông nghiệp. Tục thờ Ông Địa vẫn phổ biến trong cộng đồng người Việt. Ở đô thị, dường như gia đình nào cũng có bàn thờ Ông Địa, ngày 10 âm lịch hàng tháng là ngày vía Ông Địa. Người ta không quên dâng lên vị thần này nhiều lễ vật, cúng phẩm. Cùng với thói quen thờ cúng Ông Địa, đối tượng cần được bảo vệ là đất đai, thổ nhưỡng… lại bị con người làm ngơ, xem thường, thậm chí đối xử tệ bạc, qua đó bộc lộ tính chất hai mặt, nghịch lý. Một mặt con người bày tỏ sự kính trọng đối với Thần đất, mặt khác lại đối xử thô bạo, bất hiếu với bản thân đất đai. Đất trở thành đối tượng cho con người chuộc lợi, khai thác kiệt quệ. Trong thực tế chưa có dấu hiệu suy giảm hay hành động thiết thực nhằm bảo vệ, gìn giữ đất đai. Hiện tượng đất nông nghiệp bạc màu, đất ven biển nhiễm mặn, đất đồi núi xói lở, đất đô thị lún sâu… là những dấu hiệu cho thấy đất đang lâm vào tình trạng nguy kịch.

Tết đánh dấu chu kỳ mới trong một năm. Theo tâm lý, người Việt có thói quen thích nói điều tốt đẹp nhân dịp đầu năm mới. Nếu chúng ta chưa chịu bỏ đi thói quen xấu, đặc biệt là hành động vô tri đối với đất thì hậu quả, nguy cơ vẫn tiềm ẩn trong cuộc sống, từ khai thác bừa bãi nguồn tài nguyên dưới lòng đất, như nước ngầm, đất, cát, quặng… cho đến xây dựng đô thị, nông thôn theo hướng bê tông hóa tràn lan, chặt phá rừng vô tội vạ… trên mặt đất. Nên chăng, cần xây dựng thêm lộ trình cho đất nghỉ ngơi, không chỉ giới hạn trong khung thời gian của tập quán văn hóa truyền thống thông qua các tục cấm kỵ mà còn thể hiện qua quy tắc ứng xử của con người đối với đất.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 340
    • Số lượt truy cập : 6947103