Thông tin

GÓP PHẦN TÌM HIỂU PHẬT GIÁO NGHỆ AN QUA VĂN BIA CỔ

 

CN. PHAN VĂN HÙNG*

                                           

I. Phần dẫn nhập

Từ góc nhìn khoa học lịch sử, Phật giáo ra đời từ Ấn Độ vào giữa thiên niên kỷ I (trước CN) vốn có nguồn gốc xã hội sâu xa, là một trong những trào lưu  tư tưởng gián tiếp chống lại chế độ phân chia đẳng cấp rất nghiệt ngã đã tồn tại trong một thời gian dài ở Ấn Độ.

Đạo Phật ra đời tuy không công khai chủ trương thủ tiêu chế độ đẳng cấp (vác na) của đạo Bàlamôn, nhưng trên thực tế là phủ nhận chế độ đó. Vì sự phủ nhận chế độ đẳng cấp và sự sâu sắc của giáo lý, sự dễ dàng trong việc hành đạo nên được đông đảo quần chúng, nhất là những người lao động ở đẳng cấp thấp kém tin theo. Thế kỷ III (TCN) đạo Phật lan rộng khắp Ấn Độ, sau đó phát triển về phía Bắc đến: Trung Á, Tây Tạng, Mông Cổ, Lào, Cămpuchia, Malaixia, Inđônêxia...và đồng thời trở thành một tôn giáo lớn của thế giới.

Đạo Phật vào Việt Nam rất sớm (thế kỷ II, III sau CN) bằng hai con đường Ấn Độ và Trung Quốc, thuộc Phật giáo Bắc Tông, sau này ở các tỉnh phía Nam có bộ phận Phật giáo Nam Tông chủ yếu trong vùng đồng bào dân tộc người Khơme.

Phật giáo ngay từ những ngày đầu mới du nhập vào Việt Nam đã gắn bó với vận mệnh của dân tộc, đặc biệt trong một thời gian dài dưới các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần (thế kỷ X – XIV), Phật giáo đã phát triển đến cực độ, trở thành quốc Đạo, đóng góp một phần rất lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc. Nhiều nhà sư đã trực tiếp tham gia công việc triều chính, được phong tứơc phẩm cao như: Khuông Việt đời nhà Đinh và tiền Lê, Pháp Thuận thời tiền Lê, Vạn Hạnh đời Lý…Vua Lý Thái Tổ, vị vua đầu tiên của nhà Lý nguyên là một Sa Di. Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông tuy không xuất gia nhưng vẫn được suy tôn là vị sư tổ của hai phái thiền Vô Ngôn Thông và Thảo Đường. Đặc biệt đời nhà Trần, vua Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông đều là những nhà Phật học lỗi lạc, đã sáng tác nhiều thơ văn mang tư tưởng Phật giáo. Bản thân vua Trần Nhân Tông, sau khi chiến thắng giặc Nguyên- Mông đã xuất gia tu hành, trở thành sư tổ của phái Thiền Trúc Lâm. Thời kỳ này, chùa trở thành trung tâm văn hóa của làng xã, nhà sư là người hướng dẫn, giáo dục về văn hóa, đạo đức, truyền bá tư tưởng yêu nước cho nhân dân.

Từ thế kỷ XV giai câp phong kiến Việt Nam lấy đạo Nho làm chỗ dựa về tư tưởng, chính trị, đạo đức, Phật giáo không còn giữ vị trí độc tôn. Tuy nhiên Phật giáo vẫn còn nhiều ảnh hưởng vì đã tạo gốc sâu, rễ bền trong quần chúng nhân dân, đồng thời Phật giáo vốn dĩ bao dung chung sống với đạo Nho, đạo Lão…

Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, nhằm chống lại sự xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đông đảo tăng ni, tín đồ của xứ Nghệ nói riêng, cả nước nói chung đã cùng nhau viết nên trang sử mới hào hùng của dân tộc. Đến hôm nay, Phật giáo vẫn là tôn giáo có ảnh hưởng sâu rộng nhất Việt Nam. Theo số liệu thống kê của giáo hội Phật giáo Việt Nam cả nước hiện có 40 triệu tín đồ quy y tam bảo, có 839 đơn vị gia đình Phật tử, khoảng 44498 tăng ni, hơn 14775 tu Viện, tịnh xá, tịnh Thất, niệm Phật đường.

Trên những nét đại cương Phật giáo thế giới nói chung và lịch sử Phật giáo Việt Nam là vậy, nhưng khi đi sâu vào nghiên cứu lịch sử Phật giáo từng vùng, từng miền ở từng thời kỳ cụ thể không tránh khỏi khó khăn phức tạp, có lúc có nơi chúng ta cảm thấy bất lực vì nguồn tư liệu, tài liệu gốc để lại bao gồm: di sản vật thể và di sản phi vật thể không nhiều hay nói cách khác là rất hạn hữu. Lý do vì sao nguồn tư liệu gốc để lại quá khiêm tốn chúng ta đều rỗ: do hoàn cảnh lịch sử, hoàn cảnh xã hội…đất nước ta vừa trải qua những năm tháng trường kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, lại ở trong vị trí địa lý có nhiều bất lợi cho sự tồn tại của các công trình tín ngưỡng tôn giáo nói chung, với các chùa chiền, đền miếu nói riêng, các tài liệu hiện vật: mộc bản, kinh Phật, hệ thống tượng pháp, hoành phi, đại tự bằng gỗ…kể cã những côg trình kiến trúc bằng gỗ đều bị thời gian bào mòn vì yếu tố: mưa, bão, nắng nóng, độ ẩm  thất thường… cùng với nhiều loại côn trùng, mối mọt ..tranh nhau gặm nhấm và cuối cùng là ý thức bảo tồn, lưu giữ, lưu truyền của một bộ phận không nhỏ nhân dân ta còn yếu kém. Trong hoàn cảnh nêu trên may thay các văn bia được đục, khắc trên đá phần đa ở các ngôi chùa lớn trên địa bàn Nghệ An. Do đặc tính lý hóa của đá, nên đến nay nhiều văn bia vẫn được bảo lưu. Chúng tôi cho rằng đây là nguồn tư liệu gốc quý hiếm, có giá trị về lịch sử, văn hóa, là những di sản cần được bảo tồn, nghiên cứu, truyền bá rộng rãi trong quần chúng nhân dân.

Vì những lý do trên đây với bản tham luận này tôi chỉ tham gia giải quyết một nội dung khiêm tốn trong khả năng có thể: Tìm hiểu  Phật giáo Nghệ An qua những tấm văn bia cổ.

II. Phần nội dung  

Theo kết quả khảo sát của Ban Quản lý Di tích - Danh thắng tỉnh Nghệ An, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh đã phát hiện có 21 văn bia cổ ở các chùa đã được UBND tỉnh phân cấp cho các địa phương bảo quản và phát huy tác dụng theo Quyết định số 1017/QĐ.UBND.VX ngày 01/4/2011. Dưới đây tác giả xin cung cấp bảng tổng hợp về số lượng văn bia hiện có ở các chùa như sau:

Tên văn bia

Địa bàn phân bố

Năm thi công

Hiện trạng

Bia chùa Yên Thái

Quỳnh Lưu

Hậu Lê

Còn nguyên

Bia Chùa Vòng

 Quỳnh Lưu

Tự Đức

Đã bị mất

Bia chùa Viên Quang

 Nam Đàn

1607

Đã bị mất

Bia Chùa Bảo Quang

 Nam Đàn

1621

Còn nguyên

Bia chùa Đại Huệ

 Nam Đàn

1667

Chữ mờ

Bia chùa Quang Phúc

 Hưng Nguyên

1600

Còn nguyên

Bia chùa Phú Điền 1

 Hưng Nguyên

1614

Còn nguyên

Bia chùa Phú Điền 2

 Hưng Nguyên

1627

Chữ mờ

Bia chùa Hiến Sơn

 Hưng Nguyên

1940

Còn nguyên

Bia chùa Thiên Long

 Hưng Nguyên

1824

Còn nguyên

Bia chùa Vạn Lộc

Thị xã Cửa Lò

1716

Còn nguyên

Bia chùa Bảo Lâm 1

 Yên Thành

Hậu Lê

Chữ đã mờ

Bia chùa Bảo Lâm 2

Yên Thành

1841

Còn nguyên

Bia chùa Bảo Lâm 3

 Yên Thành

Hậu Lê

Còn nguyên

Bia chùa Diệc 1

Thành phố Vinh

1870

Còn nguyên

Bia chùa Diệc 2

Thành phố Vinh

1914

Còn nguyên

Bia chùa Phúc Long

Diễn Châu

1892

Đã bị mất

Bia chùa Lý Châu

Đô Lương

1762

Đã bị mất

Bia chùa Bụt Đà

Đô Lương

1616

Đã bị mất

Chùa Hoàng Lao

 Nghi Lộc

1630

Còn nguyên

Chùa long khánh

 Hưng nguyên

1612

Còn nguyên

Qua nội dung 21 văn bia xây dựng ở 17 ngôi chùa, chúng tôi thấy rằng, thông thường những chùa có văn bia đều là những ngôi chùa lớn, có sư trụ trì. Đây đều là những ngôi chùa nổi tiếng linh ứng, linh thiêng, được người dân địa phương sùng bái, ngưỡng mộ và phân bố ở những địa bàn là trung tâm trù mật dân cư sinh sống. Ở đây vì điều kiện trong một bản tham luận nhỏ, không cho phép tác giả nêu hết toàn bộ 17 ngôi chùa và 21 văn bia, nên xin phép tôi chỉ nêu qua ba ngôi chùa và 03 văn bia tiêu biểu sau:

Thứ nhất là Chùa Diệc ở thành phố Vinh, văn bia Chùa Diệc có đoạn viết: “Chùa đứng  sừng sững phía Đông Bắc ngoài Thành  của tỉnh, ở ấp Yên Trường, Châu Hoan xưa. Trước ấp có một thảo am đã lâu năm. Triều đình sau khi dựng đô, đổi tỉnh Nghệ An làm trọng Trấn ở hữu kinh đô. Am thuộc ngoại thành, quan coi trại binh ở đó gặp khi hạn hán, cầu xin đều được linh nghiệm”. Vì vậy mà “Diệc cổ Tự” đã nhanh chóng trở thành một trong những ngôi chùa to lớn và đẹp nhấtTrấn Nghệ An lúc bấy giờ, điều đó đã được văn bia mô tả “…Hai lần trùng tu nhà trước Phật  điện, dựng hai lầu treo chuông và khánh, trang bị thêm Pháp tượng, tế khí, dựng nhà tổ đường 07 gian, xây gác Tam quan, trước hồ sau giếng, trong nhà, ngoài tường bao quanh, cỏ hoa cây cối tốt tươi, tạo riêng thành cảnh quan lớn của đất nước. Người đi lễ trông vào ngỡ là cảnh Tây thiên cực lạc, khách ngoạn cảnh cảm thấy thích thú, thoải mái, cho nơi đây là “Chùa Vàng” đất đế đô ! thấm thoắt trong hơn 10 năm mà cảnh chùa đổi mới đẹp đẽ đến như thế, giá như không có đại nhân duyên thì sao được như vậy! mùa xuân nay lại được ban sắc ban biển đề tên chùa, kinh kệ trụ trì, ân sủng thật dồi dào; xa gần, Nam Bắc mọi người ai nấy ca ngợi rối rít. Cảnh chùa vinh diệu, hiển dương còn đâu hơn thế…”.

Phần cuối văn bia ghi tên các danh thần có công đức như: Phụ chính Thân Thần Thái Sư Thiếu phó Cần chính Điện Đại học sĩ phù Quang hầu Tôn Thất tướng công,  Công sứ bản tỉnh La Đại Nhân, Tổng đốc An Tĩnh Nguyễn Khoa An Chu đại nhân, Đô thống tả quân Đô thống phủ Phạm đại nhân và danh sách hàng trăm mệnh phụ, cá  nhân các thành viên trong hội Tín Tán Trợ, hội công ích Phổ Hội, hội Tín Bảo, hội Kim Cương, hội Đàn Tín, hội Đàn Việt nhị Đề…. Cuối cùng văn bia chùa Diệc ghi số ruộng  của chùa và ruộng do các hội, các cá nhân cung tiến. Bia cũng ghi tên tác giả, tên người phê duyệt văn bia chùa Diệc là: “Phật tử Mai Khôi Hy, người Thành Đô, Nam Phong bái chép, Tiến sĩ khoa Tân Sửu (1841) nguyên đốc học tỉnh Hải Phòng Nguyễn Văn Tính kính duyệt”.

Ngôi Chùa cổ kính và có quy mô lớn kế tiếp được văn bia phản ánh, mô tả một cách chân thực đó là Chùa Bụt Đà ở Đô Lương: “Châu Thiên Nam, từ xưa có Chùa Bụt Đà là một danh lam, phía bên trái có các ngôi Tháp đứng thành hàng, phía bên phải chùa có dòng nước uốn khúc. Trước sông là chợ, bên suối là cầu, đây thật là một cõi Phật vào bậc nhất” [1]. Điều trân trọng, đáng quý ở di vật này không chỉ ghi lại nội dung, công trạng của Quảng Phúc hầu Nguyễn Cảnh Hà và công chúa Ngọc Thanh trong việc công đức, tôn tạo chùa Bụt Đà mà lời văn trên văn bia là di bút cuả tác giả Lưu Đình Chất, Tiến sĩ năm Đinh Mùi (1607). Bấy giờ ông đang giữ chức tước: “Tá Lý công thần Đặc tiến Kim lộc Đại phu, Lại bộ Hữu Thị Lang, Nhân Lĩnh Hầu trụ quốc Hoằng Hóa quỳ chủ”[2] dưới triều vua Lê Kính Tông (Lê Hoằng Định) và chúa  là Bình An Vương Trịnh Tùng.

Ngôi chùa tiêu biểu thứ 3 là chùa Viên Quang ở Nam Đàn. Đầu thế kỷ XVI, một trong những ngôi chùa nổi tiếng của huyện Nam Đường xưa (nay là huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) có chùa Viên Quang , được văn bia ở chùa viết rằng: “Viên Quang là một danh lam tức thắng cảnh của Nam Đường. Một bầu thế giới vạn cổ anh linh, nhà nước, nhà dân cầu đảo, được phúc lộc ban ra cho cả thứ dân… Quy mô chùa thì tráng lệ, chế tác to đẹp, Phật cung có cả bảy nhà, trên bảo tòa rực sáng, sửa sang ba tòa tượng Phật sắc ánh như vàng, mở rộng Pháp hội, công đức đầy đủ…”. Tác gỉa văn bia chùa Viên Quang là Bùi Tiến Đức, người trong xã, năm 1589 đậu Chế khoa xuất thân. Bấy giờ giữ chức tước: “Kiệt tiết Tuyên lực, Hiệp mưu Tá Lý công thần, Đặc tiến Kim tử vinh lộc Đại phu, Hộ bộ ThượngThư, Văn Phù Bá”. Người có công đóng góp to lớn trong việc trùng tu, tôn tạo chùa Viên Quang lần này là: “Thời ấy, may có quan viên kiêm Tổng Chánh, người trong xã Thanh Thủy, tổng Nộn Liễu tên Đinh, nhận chăm đắp nền hạnh phúc, mình bỏ của nhà trước, phổ cập cho người thiện tín cùng nhau chở bè công đức. Bố thí đã nhiều, chọn ngày lành là năm Đinh Mùi (1607) tháng 8 ngày 15 khởi công qua năm Mậu Thân (1608) tháng 5 ngày 16 thì xong”[3].

Chỉ qua 03 văn bia của ba ngôi chùa tiêu biểu trên đây, chúng ta thấy rằng việc phục hồi, tôn tạo và mở rộng các ngôi chùa trên được thực hiện, trước hết đều do các chức sắc quan lại ở triều đình và ở địa phương đứng ra tập hợp, kêu gọi đông đảo các nhà phú hộ cùng quần chúng nhân dân tham gia đóng góp công sức, trí tuệ, tiền, của, ruộng đất và đều được đông đảo các tầng lớp, mọi người tích cực hưởng ứng. Vì vậy công việc phục hồi, tôn tạo, mở rộng các ngôi chùa được tiến hành nhanh chóng, mặc dù không có sự đầu tư, chỉ đạo về phương diện quản lý của nhà nước phong kiến luc bấy giờ.

Qua kết quả  khảo sát thực tế ở địa phương, cũng như qua  bảng tổng hợp 21 văn bia và nội dung của các văn bia ở di tích trên địa bàn Nghệ An chúng ta thấy rằng: Nghệ An là một trong những địa phương có nhiều ngôi Chùa có niên đại cách ngày nay khá lớn (có ngôi chùa có niên đại cách ngày nay gần một ngàn năm). Trong số 17 ngôi chùa có văn bia cổ, có hai ngôi chùa có niên đại sớm nhất được văn bia khẳng định:

- Văn Bia chùa Bảo Lâm ở xã Hoa Thành, huyện Yên Thành nêu rõ chùa được xây dựng từ triều Lý vào năm 1061.

- Văn Bia chùa Yên Thái ở xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu  ghi chùa có từ thời Lý Cao Tông (1186 - 1201).

Đặc biệt qua văn bia Chùa Viên Quang ở xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn (chùa ở dưới chân núi Đại Huệ) còn cho chúng ta biết thêm ở địa phương thời nhà Đường ( thế kỷ VII - VIII) có chùa Phúc Quang, đời Tống (thế kỷ X - XIII) có chùa Kiến Long. Nếu thông tin văn bia trên là đúng thì phật giáo xuất hiện ở Nghệ An không chỉ cách ngày nay gần 1000 năm như văn bia chùa Bảo Lâm ở huyện Yên Thành, mà cách ngày nay đến 1300 năm. Đó là những thông tin cực kỳ có ý nghĩa quan trọng trong việc nghiên cứu sự ra đời của Phật giáo ở Nghệ An nói riêng, ở bắc Trung Bộ nói chung.

Nguồn tư liệu ở 21 văn bia còn cho ta hiểu thêm, trong 17ngôi chùa nêu trên có một ngôi chùa được trùng tu, tôn tạo vào thế kỷ XVI, phần lớn (07/17) ngôi chùa được trùng tu tôn tạo vào thế kỷ XVII. Có hai chùa được trùng tu vào thế kỷ XVIII, số chùa còn lại đều được trùng tu dưới triều Nguyễn.

Qua bảng thống kê về số văn bia còn lại trên đất Nghệ An mà chúng tôi đã nêu ở trên, chúng ta thấy rõ sự phân bố rất không đồng đều của hệ thống chùa (chùa có văn bia) như sau: Hai huyện Nam Đàn và Hưng Nguyên chiếm đến 07/17 ngôi chùa, thứ hai đến huyện Quỳnh Lưu và Đô Lương, mỗi huyện có hai chùa có văn bia.Riêng huyện Yên Thành chùa Bảo Lâm có 05 văn bia nhưng nay còn 03 văn bia. Còn lại 04 đơn vị cấp huyện: Thành phố Vinh, Thị xã Cửa Lò, Thanh Chương, Nghi Lộc, mỗi đơn vị có một chùa có văn bia.

Trong số 21 văn bia nêu trên, đến nay chỉ còn lại 17 văn bia,  04 văn bia đã bị mất trong thời gian từ (1954-1975). Trong 17 văn bia  có 03 văn bia đến nay đã bị mờ. Trong số 17 chùa có văn bia nêu trên, đến nay có 7 ngôi chùa lớn không còn nữa do hậu quả từ sau 1954-1975 chùa không được quan tâm đúng mức, hơn nữa nhiều công trình kiến trúc cuả chùa được dỡ đi làm trụ sở, trường học, bệnh xã, nhà kho… ở cơ sở, đó là hiện tượng phổ biến ở Nghệ An. Hiện nay còn 10/17 ngôi chùa trên đang hoạt động song quy mô, hệ thống tượng pháp đã có nhiều thay đổi do từ năm 1954-1975 với phong trào đưa chùa vào “hợp tác xã”. Trong phạm vi một xã, một tổng các ngôi chùa trên địa bàn được nhập làm một. Trong thời gian này một số chùa, đền có cơ duyên tồn tại cũng chỉ trên phương diện hình thức mà thôi, còn thực chất bấy giờ nhà chùa trở thành một kho chứa các tượng Phật và đồ tế khí, cùng các kinh Phật, các mộc bản để ngổn ngang không người chăm sóc , bảo vệ. Số ruộng đất của chùa như một lẽ tự nhiên được xung công, một phần do nhân dân lấn chiếm tự do nên khuôn viên nhà chùa nhanh chóng bị thu hẹp nhiều so với trước đây.

Những nhận xét đánh giá về Phật giáo Nghệ An qua 21 văn bia nêu trên chỉ là bước đầu, hi vọng trong tương lai không xa khi chúng ta phát hiện thêm một số văn bia khác ở những chùa còn lại chắc chắn chúng ta sẽ có những nhận xét, đánh giá về Phật giáo Nghệ An một cách chính xác hơn.

III. Phần kết

Như chúng ta đã biết, Phật giáo từ lâu đã ăn sâu rễ bền gốc trong đời sống thường nhật của nhân dân nói chung, trong đời sống tâm linh nói riêng. Ngày nay trong công cuộc đổi mới, Đảng, nhà nước ta càng nhận thức sâu sắc vai trò, vị trí của Phật giáo là tôn giáo lớn nhất. Phật giáo đã, đang và sẽ đồng hành cùng dân tộc, đất nước. Vì vậy việc bảo tồn, lưu giữ những công trình kiến trúc cổ, cùng với các di sản văn hóa phi vật thể như: Văn bia, mộc bản, kinh Phật…đang đặt ra cho chúng ta những trọng trách cần phải nhanh chóng triển khai. Với phương diện mà đề tài tham gia tại hội thảo này: “ Góp phần tìm hiểu Phật giáo Nghệ An qua văn bia cổ” tôi kính mong các ngành, các cấp hữu quan, các cơ quan chuyên môn cần có biện pháp tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm các văn bia đã bị mất (có thể nằm ở bờ ao, đáy hồ, đáy sông hay bị đất đá vùi lấp). Ngoài việc tìm kiếm các bi ký bằng phương pháp nêu trên, chúng ta có thể tiếp cận các văn bia một cách gián tiếp qua nguồn sử liệu quốc gia và địa phương, qua thần tích, thần phả của các vị thần, các giòng họ, qua các cơ quan lư trữ ở trung ưng và địa phương... Bằng phương pháp trên đây tôi đả tìm thấy nội dung văn bia chùa Bụt Đà ở Đô Lương, được phản ánh, được ghi chép trong cuốn gia phả họ Nguyễn Cảnh có niên đaị từ thời  hậu Lê, đó là cuốn “Hoan Châu Ký ”(Vì văn bia này đã bị mất từ năm 1954). Tiếp tục tra cứu, tìm hiểu nội dung các văn bia ở các chùa trên địa bàn tỉnh nhà, sẽ là một kênh thông không thể thiếu, hơn nữa đây là nguồn tư liệu tương đối gốc đáng tin cậy, giúp chúng ta tiến hành thành công trong việc tìm hiểu nghiên cứu Phật giáo trên địa bàn Nghệ An nói riêng cả nước nói chung.

Vinh, ngày 01 tháng 07 năm 2012



*  Phó ban Ban Quản lý di tích và Danh thắng Nghệ An

[1] Trích Hoan Châu ký, NXB Thế giới, HN, 2004, tr 32

- Châu Thiên Nam: ở đây theo nghĩa hẹp chỉ vùng: Thanh, Nghệ, Tĩnh theo Hoan Châu ký

[2]  Trích Hoan Châu Ký NXB Thế giới, HN, 2004, tr 32

[3] Trích văn bia Chùa Viên Quang

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 223
    • Số lượt truy cập : 6948097