Thông tin

HAI CON NGƯỜI - HAI CUỘC ĐỜI - MỘT ĐIỂM ĐẾN

 

NGUYỄN MẠNH CƯỜNG*

 

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Trong quá trình Nam tiến, các chúa Nguyễn đã để lại cho lịch sử dân tộc ta nhiều trang sử liệt oanh. Một trong những trang vàng của thời khắc lịch sử ấy là giai đoạn cuối thế kỷ 17 đầu thế kỷ 18 ở khu vực Đàng Trong.

Đàng Trong theo cách gọi của nhiều nhà nghiên cứu là thời kỳ phân chia của chúa Trịnh với các chúa Nguyễn mà mở đầu là chúa Nguyễn Hoàng với xứ Thuận Hóa lấy sông Gianh làm giới tuyến. Có lẽ, do quá quen với những trang sử như vậy nên khi lịch sử bước vào thế kỷ 17-18, nhiều người bắt đầu nghĩ về Đàng Trong chỉ khoanh gọn khu vực đồng bằng Nam Bộ. Điều này, hẳn không sai song nếu chỉ khoanh vào khu vực Nam Bộ Việt Nam như ngày nay thì chưa thật trọn vẹn.

Vùng đất Nam Bộ Việt Nam theo nhiều tài liệu thì mãi tới ngày 14/6/1949 sau Hiệp ước ký giữa Tổng thống Pháp với Quốc vương Bảo Đại mới chính thức là một bộ phận của đất nước Việt Nam thống nhất[1]. Điều này chưa phản ánh đúng sự thật lịch sử sôi động của mảnh đất này.

Bên cạnh những người Hoa đến khu vực này từ cuối thế kỷ 16 và đầu thế kỷ 17, thì người Việt cũng đã đến khu vực này từ khá sớm. Đến thời các chúa Nguyễn sau thời Nguyễn Phúc Trăn đã có những thiết lập các khu vực hành chính của mình tại mảnh đất này. Trong qúa trình Nam tiến này, chúng ta không thể không nhắc tới vai trò của một vị chúa đó là Quốc Chúa Nguyễn Phúc Chu.

Chúa Nguyễn Phúc Chu ngoài việc thiết lập những khu vực hành chính ở khu vực Nam Bộ và nam Trung Bộ còn là người sùng mộ đạo Phật – “chiêu hiền đãi sư”. Chính ông là người mở đường quan trọng cho sự hoằng dương Phật giáo Bắc tông vào Nam Bộ. Khi nhắc tới Phật giáo Đàng Trong thời chúa Nguyễn Phúc Chu, người ta hay nhắc tới Đại sư Thích Đại Sán và một loạt các hệ phái như Thiền tông Lâm Tế, Thiền phái Liễu Quán… Nhưng trước thời Thích Đại Sán ở khu vực Đàng Trong còn phải nhắc tới một đại sư khác đó là Nguyên Thiều – Nhà sư lập chùa Thập Tháp Di Đà tại Bình Định và hiện nay ngôi mộ của ông còn ở tại khu vực Bến Cá (Đồng Nai).

Trong Hội thảo khoa học bàn về Chúa Nguyễn Phúc Chu và Phật giáo ở Đàng Trong, chúng tôi chỉ xin luận bàn về hai con người này, tuy có quốc tịch khác nhau, sự nghiệp khác nhau song lại cùng nhau làm cho Phật giáo Đàng Trong nảy nở và ngày càng phát triển vững mạnh.

II. VÀI NÉT VỀ CHÚA NGUYỄN PHÚC CHU

Minh vương Nguyễn Phúc Chu (明王阮福淍, 1675 -1725) là vị chúa Nguyễn thứ sáu của chính quyền Đàng Trong. Khi mới lên ngôi, ông đã quan tâm chiêu hiền đãi sĩ, cầu thị khắp nơi, sẵn lòng lắng nghe lời phải, bỏ xa hoa, bớt chi phí, nhẹ thuế má giao dịch, bớt hình ngục. Ông còn cho xây dựng một loạt chùa miếu, mở hội lớn ở chùa Thiên Mụ[2], chùa Mỹ Am. Bản thân chúa cũng ăn chay, thương dân như con thường phát tiền gạo cho người nghèo. Có thể nói, dưới thời của Minh Vương thống nhiếp thiên hạ được thái bình. Ở ngôi 34 năm. Chí hướng của chúa được  thể  hiện trên một bài “minh” do chúa viết trên chiếc chuông đồng tại chùa Thiên Mụ đúc năm 1710: “Duy nguyện phong điều vũ thuận, quốc thái dân an, pháp giới chúng sinh đồng viên chủng trí”.

Chúa là người thông hiểu Phật  pháp. Lấy đức hiếu sinh làm phương châm sống. Trong thời gian trị vì, chúa cho  mời nhà sư Thích Đại Sán từ Trung Hoa sang để bồi bổ Phật pháp cho tăng ni và quần chúng ở kinh thành và Đàng Trong, khi về nước nhà sư có viết sách Hải ngoại kỷ sự hết lời ca ngợi chúa.

Trong bài Khải (啟), sư dâng lên cho chúa lúc mới đến Thuận Hóa có những câu: “…Quý Vương quốc từ xưa khai sáng Thuận Hóa, Thanh Hóa, tám trấn Tam Giang, hùng cứ bốn mươi bảy châu. Quý Đại Vương nối nghiệp đã có, Kiến Bình, Tân Bình bao la, thiên sơn vạn thủy… Nay kính, Đại Việt đức chúa điện hạ ngân an…”. Việc xưng hô này cũng là một điều rất hiếm xảy ra đối với nhân sĩ Trung Quốc lúc bấy giờ, trong mắt họ các nước lân bang là Rợ, Di, Man…[3]

Chúa Nguyễn Phúc Chu là một người có tầm nhìn sâu rộng. Trong thời gian chúa cai trị, rất nhiều thương thuyền Tây phương ra vào thường xuyên buôn bán, trao đổi hàng hóa. Chúa lại chủ trương sách lược dùng người Tây Âu để huấn luyện binh pháp, nhờ vậy mà quân đội đã được tổ chức thành một lực lượng hùng mạnh, đồng thời tiếp thu những mặt thành tựu về khoa học kỹ thuật. Dùng người có tài nhiếp phục như, Hoàng Tiến, Dương Ngạn Địch… để khai khẩn đất hoang. Sử dụng các tướng tài như Nguyễn Hữu Cảnh, Trần Đình Ân trong các cuộc mở mang bờ cõi. Ngoài ra dưới thời chúa cũng được cải cách cơ chế tổ chức hành chánh từ cấp trung ương; định lại quan tước, phẩm hàm. Chúa quan tâm đến việc đào tạo nhân tài và tổ chức thi cử.  Với tầm nhìn chiến lược đó, Chúa đã đặt một nền móng vững chắc cho cả vùng đất Nam Trung Bộ và Nam Bộ.

Trong 34 năm cầm quyền, chúa Nguyễn Phúc Chu đã đóng góp được nhiều công lao vào việc mở mang đất nước, cũng như thực hiện nhiều tiến bộ về xã hội ở kinh thành và Đàng Trong  vào đầu thế kỷ 18 với những thành tựu đạt được:

1. Đặt phủ Bình Thuận năm Đinh Sửu (1697) gồm các đất Phan Rang, Phan Rí trở về Tây.

2. Đặt phủ Gia Định.

3. Chia đất Đông Phố, lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phúc Long, dựng dinh Trấn Biên (Biên Hòa).

4. Lấy xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn, lập xã Minh Hương.

5. Canh Dần năm thứ 19 (1710) đúc chuông lớn, dựng bia, năm Giáp Ngọ năm thứ 23 (1714) trùng tu chùa.

6. Năm Nhâm Thân (1692) có tin vua Chiêm là Bà Tranh gây rối làm loạn ở phủ Diên Ninh, chúa cho quân đi bắt, nhân thể đổi nước Chiêm Thành làm trấn Thuận Thành, sau đổi thành phủ Bình Thuận.

7. Năm Mậu Tý (1708), thương gia Mạc Kính Cửu (鄚敬玖) người Quảng Đông không phục nhà Thanh, bỏ chạy sang Chân Lạp, được vua Chân Lạp cho làm chức Ốc Nha (?). Mạc Cửu khai hoang lập được 7 xã ở Hà Tiên. Sau đó, xin đem đất đó quy thuận nước ta.  Quốc chúa nhận lời và giao cho Mạc Cửu giữ chức Tổng Binh, trấn giữ Hà Tiên. Nước ta mở rộng bờ cõi đến Hà Tiên.

8. Năm Kỷ Sửu (1709) Chúa sai đúc Quốc bảo. Đó là chiếc ấn khắc chữ “ĐẠI VIỆT NGUYỄN CHÚA VĨNH TRẤN CHI BẢO”. Chiếc ấn này đã được lưu truyền cho đến các đời vua nhà Nguyễn sau này.

9. Thời gian tại vị Chúa đã khuyến khích hoàng tộc ăn chay, các hoàng thân quốc thích đều xây chùa riêng để làm công đức. Tính kế thừa tốt đẹp đó cho đến ngày nay, quanh năm, cơm chay, cỗ chay thường xuyên có mặt trong gia đình người Huế.

Trong hành trình xây dựng và phát triển đô thị xứ Đàng Trong. Chúa Nguyễn đã rời bỏ mảnh đất Phú Xuân không phải chỉ ra khỏi sự kiểm soát của chính quyền Lê-Trịnh và càng không phải cát cứ phong kiến đơn thuần vì lợi ích của dòng họ Nguyễn. Nó còn phản ánh một ước nguyện muốn thực thi những chính sách cai trị khác với đường lối chính trị của Đàng Ngoài lúc đó đang theo xu hướng hoài cổ rập khuôn thời Lê sơ, kìm hãm sự phát triển của xã hội. Về mặc khách quan việc làm của Nguyễn Phúc Chu có lợi thế cho xu hướng phát triển của lịch sử dân tộc.

Mỗi con người đều gắn liền với một vùng đất lịch sử với những phận số khác nhau. Chính chúa Nguyễn Phúc Chu là người đã nhìn ra phương Nam là vùng đất hoàn chỉnh để tạo nên một đất nước trải dài như một con rồng uốn lượn.

III. THIỀN SƯ NGUYÊN THIỀU 

Thiền sư Nguyên Thiều họ Tạ, pháp tự là Hoán Bích, người huyện Trình Hưng, phủ Triều Châu, tỉnh Quảng Ðông. Năm 19 tuổi, ông xuất gia tại chùa Báo Tư, tu học dưới sự hướng dẫn của hòa thượng Khoáng Viên[4]. Ông theo thuyền buôn sang Việt Nam năm 1665 trong đời chúa Nguyễn Phúc Tần. Ban đầu, ông cư trú tại phủ Quy Ninh (Bình Ðịnh bây giờ), sau đó lập chùa Thập Tháp Di Ðà. Chùa tọa lạc ở làng Thuận Chánh, huyện Tuy Viễn, phía sau chùa có mười ngôi cổ tháp Chàm cho nên chùa được gọi là chùa Thập Tháp.

Sách Ðại Nam nhất thống chí chép rằng, chùa được lập năm 1683, niên đại này có lẽ là niên đại hoàn tất chùa sau nhiều năm xây cất. Năm 1691, chùa được chúa Nguyễn Phúc Chu ban cho biển ngạch và câu đối. Sau đó Nguyên Thiều lại ra Thuận Hóa dựng chùa Quốc Ân và xây tháp Phổ Ðồng. Chùa Quốc Ân tọa lạc tại ấp Phúc Quả. Chùa cũng được chúa Nguyễn Phúc Chu ban cho liễn đối có ghi đạo hiệu của chúa là "Thiên Túng Ðạo Nhân". Sách Ðại Nam nhất thống chí còn chép rằng, tháp Phổ Ðồng được xây trước chùa Quốc Ân, sau đó bị binh lửa tàn phá.

Sách Ðại Nam liệt truyện tiền biên chép rằng, Nguyên Thiều có phụng mệnh chúa Nguyễn Phúc Trăn sang Quảng Ðông rước thiền sư Thạch Liêm (Ðại Sán) và thỉnh pháp khí. Bia đá chùa Quốc Ân do chúa Nguyễn Phúc Chú đề năm 1729 cũng nói: "Thiền sư Hoán Bích Tạ Nguyên Thiều ở chùa Hà Trung vâng lệnh Nghĩa Vương qua Quảng Ðông mời hòa thượng Ðại Sán". Sách Hải ngoại kỷ sự do Thạch Liêm viết, kể chuyện ông tới thăm chùa Hà Trung gặp một vị giám tự mới thọ giới tỳ khưu với ông mấy tháng trước đó tại giới đàn Thiền Lâm. Một vị giám tự mới thọ tỳ khưu thì chắc chắn không phải là thiền sư Nguyên Thiều, người đã khai sơn hai tổ đình lớn là Thập Tháp và Quốc Ân. Ðiều đó cho ta thấy rằng Nguyên Thiều đã tịch trước năm 1695 tức là năm Thạch Liêm tới Ðại Việt. Niên đại 1729 đề ở bia Quốc Ân chỉ là niên đại dựng bia chứ không phải niên đại nhập diệt của Nguyên Thiều[5].

Sách Ðại Nam liệt truyện tiền biên chép: Nguyên Thiều thọ 81 tuổi. Vậy ông mất vào năm nào và sinh vào năm nào? Ta biết khi Nguyên Thiều mất, chúa Nguyễn Phúc Chu ban cho ông thụy hiệu là Hạnh Ðoan Thiền Sư. Như vậy ta có thể biết chắc rằng Nguyên Thiều mất vào khoảng từ năm 1691 tức là năm chúa Nguyễn Phúc Chu lên ngôi đến năm 1695 tức là năm qua Ðại Việt của thiền sư Thạch Liêm. Như vậy ông sinh vào khoảng 1610-1614 và qua Ðại Việt vào khoảng từ năm 51 đến 55 tuổi.

Sách Ðại Nam liệt truyện tiền biên có nhắc đến chuyện chúa Nguyễn Phúc Trăn nhờ Nguyên Thiều qua Trung Hoa để mời cao tăng và thỉnh pháp tượng, pháp khí. Thượng tọa Mật Thể trong sách Việt Nam Phật giáo sử lược[6] có nói rằng sau khi Nguyên Thiều về Ðại Việt, chúa Nguyễn Phúc Trăn có cho tổ chức giới đàn lớn tại chùa Linh Mụ. Chưa thấy có chỗ nào chép như thế. Theo Thượng tọa Mật Thể, chuyến đi của Nguyên Thiều sang Quảng Ðông có mục đích mời một số cao tăng sung vào ban thập sư truyền giới tại giới đàn, đồng thời cũng là để thỉnh những pháp khí (như tràng phan, chuông, mõ) cần thiết cho giới đàn, nhưng có “giới đàn lớn tại chùa Linh Mụ” không? Thế nào là lớn, nhỏ? Ta chỉ biết, khi hòa thượng Thạch Liêm đến Phú Xuân lập giới đàn tại chùa Thiên Lâm (1695), thì chúa Nguyễn Phúc Chu khi tới giới đàn đã quá khâm phục mà nói: "May có Lão Hòa Thượng tới đây mới được thấy pháp môn quảng đại trang nghiêm như vậy". Như thế phải từ đó (1695) về trước chưa có giới đàn nào tổ chức lớn như vậy?

Những vị cao tăng nào đã cùng qua Ðại Việt với thiền sư Nguyên Thiều? Theo tác giả Việt Nam Phật giáo sử lược thì cùng qua với Nguyên Thiều có các thiền sư Minh Hành Tại Tại, Minh Hoằng Tử Dung, Minh Hải Pháp Bảo, Minh Vật Nhất Trí. Ta không thể biết chắc được tất cả những thiền sư có tên trên đây đã cùng qua với thiền sư Nguyên Thiều hay không. Thiền sư Minh Hành chẳng hạn, như ta đã biết, đã qua Ðại Việt trước đó tới gần 60 năm, tới kinh đô Thăng Long vào năm 1633. Vậy ta chỉ có thể nói rằng một số các thiền sư có tên ở trên đã cùng qua với Nguyên Thiều, mà chắc chắc nhất là những vị đã lưu trú lại các tổ đình Thập Tháp và Quốc Ân do Nguyên Thiều khai sơn, như Minh Vật Nhất Trí, Minh Hoàng Ðịnh Nhiên. Những vị này có thể là những pháp điệt gọi Nguyên Thiều bằng sư thúc hay sư bá; cũng có thể nhiều vị là đệ tử trực tiếp của Nguyên Thiều. Mật Thể không tin như vậy, cho rằng thời gian ở Ðại Việt của Nguyên Thiều thì nhiều mà thời gian ở Quảng Ðông của ông thì ít, làm sao ông có thể có đệ tử cao tăng được. Tuy nhiên, nếu ta biết Nguyên Thiều sang Ðại Việt hồi 51 -55 tuổi, trở về Quảng Ðông lúc trên bảy mươi tuổi thì ta có thể nói rằng trong số các vị gốc Trung Hoa trú trì tại hai chùa Thập Tháp và Quốc Ân, có thể có vị là đệ tử trực tiếp của Nguyên Thiều từ khi ông chưa bỏ nhà Thanh sang Ðại Việt. Dù sao, ít nhất cũng là bảy vị tăng sĩ vừa Hoa vừa Việt đứng sau ông một thế hệ đã được ông nâng đỡ và đặt vào công tác hành đạo. Ðó là các vị cư trú tại Bình Ðịnh (Thập Tháp) và Thuận Hóa (chùa Quốc Ân): Minh Vật Nhất Trí, Minh Giác Kỳ Phương, Minh Trí Nguyệt Hạnh, Minh Dung Pháp Thông, Minh Lương Nguyệt An, Thành Ðăng Minh Yêu và Thành Thiên Pháp Thông. Ðó là chưa kể những vị nối nghiệp ông ở chùa Hà Trung là chùa mà ông trú trì vào những năm cuối của đời ông.

Chùa Hà Trung tọa lạc tại xã Hà Trung, huyện Phú Lộc, có lẽ đã được tạo dựng ngay sau khi chúa Nguyễn Phúc Chu mới lên ngôi. Về chùa Hà Trung, thiền sư Thạch Liêm đã viết: "Ðoái nhìn chùa son điện ngọc, lấp lánh trong bờ biển rừng tùng. Nước mây man mác, trập trùng bóng dương, phảng phất chồn Bồng Lai Lãng Uyển". Thạch Liêm có làm ba bài thơ. Chúng tôi xin dẫn bài thứ nhất:

Xanh mấy tầng dương ẩn Phật cung

Chuông vàng theo gió thoảng bên song

Rèm tre lối cỏ lên hơi núi

Gành đá lầu mây xuống bóng đồng

Cá đỏ chực mồi ngoi mặt nước

Chim xanh hót nắng đậu giàn bông

Miếu đền vua chúa thanh u quá

Như có hào quang chiếu biển Ðông[7]

(Lục liễu thùy thùy ẩn Phạm Cung

Chung Thanh chiêu đệ mãn hà phong

Trúc ly thảo kính phù lam yểm

Thạc hác hà lâu đảo ảnh không

Hầu thực hồng ngư suy thủy thượng

Ðề yên túy điểu lạc hoa trung

Vương gia từ miếu âm sum xứ

Hướng hữu linh quang tạ Hải Ðông)

Trú trì tại chùa Hà Trung không bao lâu thì Nguyên Thiều tịch. Thụy hiệu Hạnh Ðoan Thiền sư là do chúa Nguyễn Phúc Chu tặng sau khi Nguyên Thiều mất. Trước khi tịch, ông có để lại bài kệ sau đây:

Lặng lẽ gương không chiếu bóng

Sáng trưng ngọc chẳng thâu hình

Rõ ràng Vật không phải Vật

Mênh mông Không chẳng là Không.

(Tịch tịch cảnh vô cảnh

Minh minh châu bất dung

Ðường đường vật phi vật

Liêu liêu không vật không).

Tháp Hóa Môn được dựng trên một khu đồi nhỏ xóm Thuận Hóa, làng Dương Xuân Thượng. Bia đá chùa Quốc Ân nói về Nguyên Thiều thì mãi đến năm 1725 mới dựng, do chúa Nguyễn Phúc Chú (1725-1738) đề. Chúa Nguyễn Phúc Chu không những ban thụy hiệu cho Nguyên Thiều mà còn làm một bài minh khắc vào bia để ca tụng đạo đức thiền sư. Bài minh như sau:

Cao vút trí tuệ

Phạm hạnh vun trồng

Giới đao một lưỡi

Trăng nước thung dung

Ngồi đứng một thân

Trong lặng kiên cường

Hoằng pháp lợi người

Quán thân vốn không

Mây từ che khắp

Trời tuệ chiếu cùng

Ngắm đi ngắm đi

Thái Sơn oai hùng

(Ưu ưu bát nhã

Ðường đường Phạm thất

Thủy nguyệt ưu du

Giới trì chiến lật

Trạm tịch cô kiên

Trác lập khả tất

Quán thân bổn không

Hoằng pháp lợi vật

Biển phú từ vân

Phổ chiếu tuệ nhật

Chiêm chi chiêm chi

Thái Sơn ngật ngật)

Tuy còn nhiều tài liệu trái ngược nhau, nhất là vấn đề Nguyên Thiều có về Trung Hoa mời Đại sư Thích Đai Sán hay không? Hay Thích Đại Sán có sang Việt Nam theo lời mời của chúa Nguyễn Phúc Chu hay không?... đang là vấn đề còn tranh luận. Song nói như vậy, chúng ta không thể phủ nhận vai trò và công lao hoằng dương đạo Phật ở Đàng Trong Việt Nam vào thế kỷ cuối thế kỷ 17 đầu thế kỷ 18 của Thiền sư. Nguyên Thiều sang Việt Nam và truyền Pháp Phật có thể đã trải qua 2 đời chúa: chúa Nguyễn Phúc Trăn và chúa Nguyễn Phúc Chu. Sau khi ông mất đi, cảm nhận được những đóng góp to lớn của vị cao tăng này, Nguyễn Phúc Chu đã đặt thuỵ hiệu cho ông. Đây là một niềm vinh dự hiếm có và chính nó đã công nhận công lao của ông với Phật giáo Thiền phái Lâm Tế ở Đàng Trong. Có phải chính những đóng góp này của vị cao tăng làm tiên đề cho nhiều sự cải cách cũng như thành công của chúa ở Phương Nam? Do vậy, nếu nói đến chúa Nguyễn Phúc Chu với Phật giáo Đàng Trong, chúng ta không thể không nhắc tới Thiền sư Nguyên Thiều.

IV. HOẰNG DƯƠNG PHẬT PHÁP TRÊN MIỀN ĐẤT MỚI

Vào thế kỷ 18, khi các chúa Nguyễn mở rộng bờ cõi về phía Nam thì một số cao tăng cũng theo làn sóng di cư đến các miền đất mới trong bối cảnh nơi đây đã có nhiều dân tộc hội nhập và cùng chung sống bên nhau.

Trong bài viết này, chúng tôi lại đề cập tới hai con người, hai sự nghiệp tuy khác nhau song lại cùng nhau đưa Phật giáo Bắc tông vào khu vực của những người đang theo Phật giáo Nam tông. Điều này có mâu thuẫn gì với nhau không?

Theo lịch sử của giai đoạn ấy để lại, chúng ta có thể điểm qua vài cố gắng của các chúa Nguyễn cũng như các danh sư Bắc tông đã làm được:

Ở Ðông Phố (Gia Ðịnh), có thiền sư Ðạt Bổn từ Quy Nhơn vào lập chùa Thiên Trường năm 1755. Chúa Nguyễn Phúc Khoát nghe tiếng ông, ban tặng cho chùa biển ngạch đề "Phổ Quang Thiên Sơn Tự". Sau đó, chùa lại đổi tên là Kim Chương. Thiền sư Quang Triệt lên kế vị ông sau khi ông tịch. Năm 1775, gặp thời nhiễu nhương, Hòa Nghĩa Ðạo Lý tướng quân suy tôn đông cung Nguyễn Phúc Dương lên kế nghiệp chúa Nguyễn, đã cử hành lễ suy tôn tại chùa này. Vì vậy, sau đó chùa lại được ban sắc tứ là "Kim Chương Tự". Người tiếp nối Quang Triệt là thiền sư Quang Tuệ. Một ngôi chùa khác cũng được thành lập tại Gia Định trong thời chúa Nguyễn Phúc Khoát là chùa Tập Phước. Có lẽ vị tổ khai sơn chùa này là một vị thiền sư đời 36 của dòng Lâm Tế. Theo các linh vị còn để thờ tại chùa thì đời thứ 37 là thiền sư Thánh Ðắc, đời thứ 38 là thiền sư  Phước Thường, đời thứ 39 là thiền sư Ấn Thập và đời thứ 40 là thiền sư Hoàng Trí. Trịnh Hoài Ðức từng làm thơ tặng một vị thiền sư tên là Viên Quang tại chùa Tập Phước.

Sách Ðại Nam liệt truyện tiền biên cho biết thiền sư Viên Quang thuộc đời thứ 36 dòng Lâm Tế, nhưng lại nói rằng Viên Quang tu tại chùa Giác Lâm, cũng ở Gia Ðịnh. Phải chăng thiền sư Viên Quang này là người đã khai sơn chùa Tập Phước, sau đó đã giao lại Tập Phước cho đệ tử trông nom rồi dời về chùa Giác Lâm ở cho được  thanh tịnh hơn? Cũng có giả thuyết cho rằng thiền sư Mật Hoằng đã khai sơn chùa Tập Phước và đã mời sư  huynh mình là Viên Quang đến cư trú với mình. Sau khi Mật Hoằng được triệu về kinh sung chức trú trì chùa Quốc Ân thì Viên Quang cũng về cư trú tại Giác Lâm. Hai thiền sư này đều là đệ tử của thiền sư Linh Nhạc thuộc pháp  phái Nguyên Thiều, gốc ở chùa Thập Tháp.

Nhưng các vị du tăng hành đạo còn đi xa hơn là Gia Ðịnh, về thấu các nơi như Biên Hòa, Tây Ninh, Hà Tiên v.v... Ở Tây Ninh chẳng hạn, thiền sư Ðạo Trung khai sơn chùa Linh Sơn ở núi Ðiện Bà vào năm 1763. Ông là đệ tử của thiền sư Ðại Cơ, và thuộc đời thứ tư của môn phái Liễu Quán. Ðại Cơ là đệ tử của Tế Giác, và Tế Giác là đệ tử trực tiếp của Liễu Quán. Ðạo Trung sau 30 năm trú trì tại Linh Sơn, giao sơn môn này cho đệ tử là Tính Thiện và về khai sơn chùa Long Hưng ở Thủ Dầu Một. Ðó là vào năm 1794[8]. Ở Hà Tiên thì có thiền sư Hoàng Lung. Theo sách Ðại Nam liệt truyện tiền biên, thiền sư Hoàng Lung là người Quy Nhơn. Ông vân du tới tỉnh Hà Tiên. Tại đây thấy núi Bạch Tháp ở phía Bắc đỉnh Vân Sơn núi non quanh co, cỏ cây xanh tốt, ông liền dừng bước hoằng hóa tại đây. Ông tịch năm 1757. Ðệ tử làm lễ hỏa thiêu nhục thân và lập tháp để thờ xá lợi của ông…

***

Điểm qua đôi nét của lịch sử hoằng dương trên vùng đất mới, vừa là để tri ân những vị liệt tổ liệt tôn đã có công mang Phật giáo Bắc Tông vào một mảnh đất mà ở đó có sự hiện diện Phật giáo Nam Tông và một số những tôn giáo khác. Nhưng sự mâu thuẫn không thấy, chỉ thấy cộng đồng các dân tộc, như: Khmer, Chămpa, Hoa, người Việt (người Kinh)… cùng vui sống bên nhau. Làm được việc này, không chỉ có chúa Nguyễn Phúc Chu mà nhìn chung 9 đời chúa Nguyễn đã làm đúng một điều là mang trong hành trang của mình vào hành trình Nam tiến – Phật giáo Bắc tông – một tôn giáo của hoà bình và trí tuệ để “chinh phục” các tôn giáo khác sống đồng thuận với nhau, cùng nhau đồng hành với dân tộc trong quá trình dựng nước và giữ nước. Truyền thống lịch sử quý báu này cần được bồi đắp thêm nữa để mọi người dân, mọi dân tộc anh em, mọi tôn giáo dù là Phật giáo hay các tôn giáo khác đoàn kết bên nhau vì một đất nước Việt Nam độc lập, tự chủ, công bằng, văn minh và hiện đại.



* Tiến sĩ, Viện Nghiên cứu Tôn giáo.

[1] Xem phần Nam Bộ trong trang website Wikimedia.com

[2] Thích Lệ Thọ, Vài nét về Quốc chúa Minh vương, website daophat ngaynay; ngày 28/6/2011.

[3] Thích Lệ Thọ, đã dẫn.

[4] Hòa thượng Bổn Kiểu Khoáng Viên là đệ tử của thiền sư Ðạo Mân, đời thứ ba mươi mốt, phái Lâm Tế, ở chùa Thiên Khai, Quảng Ðông. Ðạo Mân có để lại một bài kệ truyền pháp sau đây:

Ðạo bổn nguyên thành Phật Tổ Tiên

Minh như hồng nhật lệ trung thiên

Linh nguyên quảng nhuận từ phong phổ

Chiếu thế chân đăng vặn cổ huyền.

[5] Sách Hải ngoại kỷ sự còn cho biết là trong thời gian chúa Nguyễn Phúc Trăn (1678-1691) trị vì, ông cũng đã được chúa mời thỉnh tới hai lần nhưng chưa đi được. Lần này ông qua là do chúa Nguyễn Phúc Chu mời. Hai sứ giả được chúa cử sang mời Thạch Liêm là Trần Thiêm Quang và Ngô Tư Quan chứ không phải là thiền sư Nguyên Thiều. Sách Hải ngoại kỷ sự cũng không hề đề cập đến Nguyên Thiều.

[6]  Thích Mật Thể, Việt Nam Phật giáo sử lược, H, 1943.

[7]  Hải ngoại kỷ sự 

[8] Huỳnh Minh, Tây Ninh xưa và nay, 1972.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 27
    • Số lượt truy cập : 6794984